T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Những điều còn lại và cái thất bại của “nhà vô địch”

(Nguồn: Báo Tiếng Dân)

FB Luân Lê

16-12-2018

Sau một đêm chiến thắng trận chung kết, một biển rác và gần 30 người chết, 200 người bị thương và bị bắt giữ vì (tổ chức) đua xe. Không gì xót xa và đau đớn hơn thế.

Trận chiến thắng đó chỉ là một kết quả đáng khích lệ vì chỉ ở tầm khu vực nhỏ bé và lại ở vùng trũng nhất của thế giới về bóng đá, ngay cả châu Phi chúng ta cũng không thể so sánh được chứ chưa nói đến những châu lục hùng mạnh khác.

Chỉ sau một chiến thắng nhỏ bé, đã thể hiện rõ ràng nhất chúng ta là một quốc gia văn minh đến đâu khi nhìn vào hiện trạng mà nó phơi bày ra. Có những con người trở về với cát bụi mà thân thể chẳng lành, gia đình tan nát và bao nỗi đau đớn còn để lại. Những không gian tràn ngập rác rưởi, sự bẩn thỉu, ô nhiễm, những thảm cỏ bị dẫm nát. Và chẳng có cái gì tốt đẹp được tìm thấy cả.

Có lẽ dân chúng xứ ta hành xử theo một lối vô thức là một tình trạng phổ biến. Chỉ cần thoả mãn cái niềm vui sướng của bản thân mà bất chấp tất thảy mọi luật lệ hoặc là các vấn đề của đạo đức, văn hoá, môi trường. Và nó lại là một hiệu ứng được lan truyền, vì mỗi một người xả rác ra là kẻ khác lại làm theo tương tự vì cùng cho rằng “ai cũng làm vậy” nên đó là điều thường lẽ.

Chết bi thảm vì một trận thắng trong bóng đá. Xả rác ngập tràn mọi không gian và bất kể thời gian, chưa nói về cách họ gây ra những sự hỗn loạn về âm thanh đến mức khủng khiếp. Hiếm thấy có một ai có trách nhiệm nhìn lại và lựa chọn một hành xử tốt hơn. Niềm vui và tận hưởng nó là cần thiết như một nhu cầu, nhưng đừng trở thành những kẻ chỉ sống để thoả mãn các lạc thú của bản thân như một con lợn.

Tự do thực sự, tức là mỗi người sống trọn vẹn với các giá trị của chính mình, nhưng không được xâm phạm vào các (ranh giới) phạm vi quyền lợi của những người khác.

Một đứa trẻ 10 tuổi, đưa tấm biển “không xả rác, Việt Nam sẽ khác” lên trước mặt một cách lẻ loi và đơn độc giữa một biển rác đã được biện bày hổ lốn. Có thể sẽ có những cái bĩu môi hoặc những lời giễu cợt cô bé, nhưng chính những đứa trẻ như vậy mới thực sự có thể làm được điều gì hữu ích cho xã hội và xây dựng nên những hệ giá trị sống quý báu và tốt đẹp trong tương lai khi trưởng thành. Chúng ta phải bắt đầu gieo mầm và giáo dưỡng từ những người trẻ, nếu muốn có những bước chân của một hành trình vĩ đại.

Trong ngay thời điểm hiện tại, đất nước chúng ta vẫn đang phải đối mặt với đủ các cuộc chiến sinh tồn một cách khốc liệt, nhưng chưa thấy mấy ai tranh đấu thực sự cho những quyền năng tối cao nhất của con người đang bị tước mất: không biểu tình, không lập hội, không báo chí tư nhân, gần như không có tự do ngôn luận và ngay cả việc không được tự do lựa chọn tư tưởng và triết lý chính trị cho mình.

Trận chiến đó vẫn còn nguyên và ngày nào cũng thực sự mới chỉ là bắt đầu. Nhưng rất ít người thực sự nhận ra, đủ dũng cảm đối mặt và chấp nhận nó để rồi chiến đấu với điều đó mà coi nó như một di sản cao quý và vĩnh tồn để dành lại cho những thế hệ sau thụ hưởng.

Chúng ta đang sống khá vô dạng và bất định, khi chỉ tận hưởng đến kiệt cùng những niềm vui lạc thú hiếm hoi của bản thân ngay trong từng khoảnh khắc hiện tại, đến mức huỷ hoại cả cuộc sống của chính mình và của cả những người khác.

Không xả rác, từng ngày chiến đấu với bản thân và những điều xấu xí của xã hội. Đất nước và dân tộc sẽ sớm có bình minh.

Một số hình ảnh:

 

Việt Nam: Độc tài, bất công là chuyện nhỏ – Bóng đá mới là ‘chuyện lớn’

Mai V. Phạm

16-12-2018

Muốn biết Việt Nam lụn bại đến đâu chỉ cần bước chân vào các bệnh viện và trường học là có thể nhận ra. Các bệnh viện công hoặc là quá tải, hoặc là kém chất lượng. Giáo dục nhồi sọ, chạy theo thành tích. Cô giáo “ra lệnh” cho các em học sinh “tra tấn” bạn mình bằng mấy chục, mấy trăm cái tát… Còn thầy giáo thì dâm ô, tát, đấm đá học sinh, bất kể hậu quả. Đối với học sinh, nhiều em chọn bạo lực để giải quyết mâu thuẫn.

Môi trường Việt Nam ngày càng ô nhiễm nghiêm trọng. Người dân sống ở các thành phố lớn khi ra khỏi nhà phải “hóa trang thành Ninja” để đối phó với bụi bặm. Hơn 300 người Việt chết vì ung thư mỗi ngày – con số tử vong còn cao hơn một số nước đang có tranh chấp quân sự đầy bạo lực như Syria, Yemen…

Những trung tâm mua sắm ở Singapore, Thái Lan, Nhật Bản, Đài Loan… đều có những bảng cảnh cáo bằng tiếng Việt chống nạn ăn cắp. Việt Nam thường bị nhắc trên báo chí nước ngoài, đi kèm với “trộm cắp”, “buôn lậu”, “bắt cóc”… và thậm chí là “bán dâm”. Theo các bảng đánh giá về mức độ tự do, nhân quyền hoặc minh bạch như Human Rights Index, Freedom House, Corruption Perceptions Index, thì Việt Nam cùng với các nước độc tài khác, luôn nằm gần cuối bảng.

Nhìn chung, Việt Nam buồn đến mức chẳng ai muốn thảo luận với nhau về những vấn nạn tiêu cực nữa… Nỗi buồn thua kém đã đẩy người dân trông chờ vào những chiến thắng và thành tích ngắn hạn, để quên đi cuộc sống bất công, khốn khổ hàng ngày, và không phải đối mặt với một tương lai bất định cũng như sự lụn bại của quốc gia.

Thêm nữa, vì duy trì quyền lực cai trị, Đảng cộng sản luôn ngăn cản người dân tham gia các tổ chức, cũng như hoạt động xã hội vì nỗi sợ tạo nên sự gắn bó cộng đồng. Đã thế, người Việt có rất ít cơ hội để được hãnh diện về đất nước. Do đó, đối với nhiều người, chiến thắng thể thao tầm quốc gia là một sự kiện giúp họ giải tỏa xúc cảm bị đè nén, kết nối và mang tới niềm “tự hào” mà họ luôn khao khát.

Đêm 15/12, hàng trăm ngàn bạn trẻ khắp cả nước đổ ra đường, hò hét, bấm còi inh ỏi mừng chiến thắng bóng đá. Dù chia sẻ niềm vui chiến thắng, nhưng khi ngẫm đến sự bất công và ngày càng lụn bại của đất nước, khiến tôi chẳng thấy niềm vui mà chỉ là một nỗi buồn đến khó tả. Bởi chiến thắng bóng đá dù ở cấp độ nào cũng không thể xóa mọi bất công, bất hạnh, tủi nhục mà đảng cộng sản đã và đang gây ra cho dân tộc Việt Nam.

Làm sao có thể vui vẻ khi mà đại đa số người dân vẫn còn bị cấm đoán những quyền tự do tối thiểu nhất ? Làm sao có thể mừng rỡ “tự hào Việt Nam” khi hàng triệu người vẫn phải sống lây lất trong nghèo khổ và bất công vì bị cướp đất, xử oan? Làm sao có thể “tự hào Việt Nam” khi hàng chục ngàn người mỗi năm phải rời bỏ quê hương, để lao động vô cùng khổ cực ở các nước khác, vì miếng cơm, manh áo cho gia đình?

Chiến thắng thể thao là tạm thời và nó chỉ có ý nghĩa khi trở thành động lực thúc đẩy người dân quan tâm hơn đến thực trạng đất nước.

Socrates được xem là cha đẻ của triết học phương Tây, nhắn nhủ: “Một cuộc sống không tự kiểm không xứng đáng để sống” (“An unexamined life is not worth living”). Thông điệp Socrates nhắn gửi: phải luôn luôn tự kiểm điểm, xem xét lại những hành động của bản thân, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, để điều chỉnh, thay đổi và phát huy những giá trị làm cho cuộc sống này có ý nghĩa hơn. Sẽ thật ý nghĩa nếu nhiều bạn trẻ gào thét, mừng chiến thắng bóng đá cũng dám chất vấn bản thân về thực trạng lụn bại của đất nước.

Tại sao các cán bộ đảng viên lại có cuộc sống giàu sang, nhưng phần lớn người dân Việt Nam lại sống trong nghèo khổ?

Tại sao trẻ em ở những nước dân chủ như Singapore, Nhật Bản, Úc, Mông Cổ được hưởng nền giáo dục tiến bộ và khai phóng?

Tại sao học sinh Việt Nam phải chấp nhận nền giáo dục nhồi sọ, tha hóa đạo đức?

Tại sao ước mơ của hàng triệu thanh niên Việt Nam là được “xuất khẩu lao động” hoặc rời khỏi đất nước?

Phải làm sao để thay đổi thực trạng khánh kiệt và suy tàn của đất nước?

Bạn gào thét cho chiến thắng bóng đá, nhưng lại im lặng đến đáng sợ trước vô số bất công, thối nát, suy đồi đạo đức của xã hội. Cuộc sống như vậy có ý nghĩa gì?

Hình ảnh Viêt Nam bị “bôi tro trét trấu” bởi các cán bộ đảng viên “ăn cắp”, bởi chế độ tham nhũng nghiêm trọng, bởi một nhà nước “quì gối cúi đầu” trước Trung Quốc, thì có gì đáng để tự hào? Đúng lý ra, niềm tự hào lớn nhất mà mỗi người Việt nên có là góp phần thay đổi chế độ độc tài toàn trị, mang dân chủ đa nguyên thật sự cho dân tộc.

Chỉ khi biết ăn năn và chất vấn bản thân một cách nghiêm túc về thực trạng của đất nước, thì mới biết nhói đau trước những bất công mà chế độ cộng sản tạo ra và quyết tâm loại bỏ nó. Con cháu bạn, con cháu tôi xứng đáng được sống trong một chế độ tự do và công bằng thật sự, được lớn lên trong môi trường sạch sẽ, được hưởng một nền giáo dục khai phóng và sáng tạo. Những nguyện ước đơn giản này sao lại quá khó? Vấn đề là bạn có thật sự yêu nước và chấp nhận hy sinh để mang lại thay đổi tốt đẹp đó cho con cháu chúng ta hay không?

Trong lúc nhiều bạn “xuống đường” vui sướng cho chiến thắng bóng đá, thì hàng chục ngàn người dân phải sống cảnh “màn trời chiếu đất” vì bị chính quyền cưỡng chế. Cũng lúc đó, hàng chục ngàn người khác đang phải làm việc quần quật ở xứ lạ vì chế độ cộng sản không tạo ra được việc làm cho họ. Và ngay lúc đó, hàng chục ngàn người thiếu đói và ít nhất là 80 triệu người bị tước đoạt những quyền tự do cơ bản nhất.

Mặc dù đảng cộng sản dùng bạo lực và dối trá để cai trị dân tộc hơn 80 năm qua, nhưng chính nhiều người Việt, từ vô tình đến cố ý, đã góp tay duy trì sự tồn tại của chế độ độc tài bằng sự vô cảm. Đảng cộng sản ngang nhiên bóp nghẹt nhân quyền bằng luật an ninh mạng, “hút máu” dân bằng hàng đống loại thuế vô lý, phá nát giáo dục, môi trường cũng như y tế. Thế nhưng, chỉ một số ít ỏi can đảm xuống đường phản đối những thối nát ấy của chế độ; trong khi rất nhiều người xuống đường mừng cúp vô địch bóng đá. Quả là, độc tài, bất công, thua kém, tủi nhục, lạc hậu KHÔNG quan trọng bằng một chiến thắng thể thao!

Sự vô cảm, hèn nhát của người Việt được cụ Phan Châu Trinh viết từ năm 1906 nhưng đến giờ vẫn còn nguyên giá trị: “Suốt cả thành thị cho đến hương thôn, đứa gian giảo thì như ma như quỷ, lừa gạt bóc lột, cái gì mà chẳng dám làm; đứa hèn yếu thì như lợn như bò, giẫm cổ đè đầu, cũng không dám ho he một tiếng“.

Cúp vô địch bóng đá KHÔNG giúp Việt Nam thoát cảnh tụt hậu, ô nhiễm, nghèo khổ… Cúp vô địch bóng đá KHÔNG nâng vị thế Việt Nam lên tầm cao, ngang bằng thế giới. Cúp vô địch bóng đá KHÔNG mang đến tự do, dân chủ, nhân quyền, là những yếu tố giúp Việt Nam thoát khỏi tư thế nhược tiểu…

Nếu có xuống đường gào thét và tự hào vì một chiến thắng trong thể thao, thì cũng nên dành ra những giây phút nhìn lại đất nước, để thấy đau, để biết nhục… Đừng quên rằng Việt Nam vẫn còn là một nhà tù lớn và người dân vẫn còn phải đeo gông.

 

Việt Nam “vô địch”

FB Nguyễn Đạt An

15-12-2018

Buổi sáng và buổi chiều trước trận chung kết lượt về cúp AFF diễn ra, ngọn cờ đỏ sao vàng được cắm và sử dụng ở khắp mọi nơi ngoài đường phố:

Ngọn cờ được dùng để làm áo, quần che thân, nhưng bên trong là cơ thể trần truồng rỗng tuếch.

Ngọn cờ được cài lên kính chiếu hậu của những chiếc grabbike mà nhiều sinh viên thất nghiệp dùng để chạy xe ôm công nghệ.

Ngọn cờ được cắm lên những chiếc xe lôi ba bánh đang đi vào đường quốc lộ chỉ dành cho xe 4 bánh.

Ngọn cờ được gắn lên chiếc rờ-mọc tự chế rệu rã và rỉ sét của dân nghèo buôn gánh bán bưng ngoài chợ trời.

Ngọn cờ được cột vào kính chiếu hậu của những chiếc xe tải chạy bạt mạng, không cần biết nó có che lấp tầm nhìn và gây nguy hiểm cho người đi đường khác hay không.

Rồi lát nữa đây, là những ngọn cờ phần phật tung bay theo từng đoàn bão đua xe của đám trẻ không có mục đích sống.

Tất cả những ngọn cờ này – được giương cao như là cách để những người dân mạt hạng trong xã hội tỏ ra quan trọng hơn, tự hào hơn, kiêu hãnh hơn, và cảm thấy an tâm hơn, rằng họ đang có mặt trong chiến thắng hiếm hoi nhất của Việt Nam thời lịch sử hiện đại, rằng họ là một phần của thành công duy nhất mà cả xã hội đã từ lâu mong chờ, rằng họ xứng đáng được hưởng niềm vui ấy một cách bản năng nhất, man dại nhất.

Tất cả những chiến thắng mà người dân biết, chỉ là được nghe kể lại từ quá khứ, chỉ là được mô tả quá mức siêu thực trong sách vở tuyên truyền, chỉ là lòng tin vào những giấc mơ và lời hứa XHCN đã bị mài mòn vì nhiều bất công trong xã hội. Và nay, niềm tự hào mà họ được dạy bảo và cấy vào trong não từ rất lâu, đã biến thành sự thật, rất thực tế, với cảm giác và vị thế của một “nhà vô địch” theo đúng nghĩa đen.

Cơn khát đã được đáp ứng vào thời điểm đau khổ nhất, thất vọng nhất, buồn chán nhất – của khủng hoảng kinh tế, nợ công và ô nhiễm môi trường. Bóng đá đã kịp lúc thay thế hoàn hảo những lời hứa mị dân của thể chế chính trị cầm quyền, và dứt khoát cuốn đi mọi lời phàn nàn, chê bai và tiếc nuối về bất cứ căng thẳng, thiếu sót hay sai lầm nào của Đảng – vì Việt Nam đã vô địch rồi mà!

Ngày hôm nay, Việt Nam đã giành được chiếc cup vô địch trong một giải bóng đá thuộc ao làng ASEAN. Việt Nam đã vượt qua cái bóng của Thái Lan và Malaysia. Nhưng quốc gia này cũng đang nắm giữ các vị trí “vô địch” trong nhiều lĩnh vực ngoại hạng khác:

Đọc ít sách nhất. Nhiều tiến sĩ nhất nhưng lại thiếu năng lực. Nhiều gái bán dâm nhất ở Malaysia và Singapore. Tham nhũng dân sự đứng thứ nhì khu vực. Tỷ lệ ung thư cao thứ 5 ở Đông Nam Á. Thuộc top 10 nước có không khí ô nhiễm nhất thế giới. Và là một trong những nơi sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu.

Hơn 100 tấn cá chết tại bốn tỉnh miền Trung năm 2016

8.279 người chết vì tai nạn giao thông năm 2017.

165.000 ca ung thư trong năm 2018.

Dự kiến 20 tỷ chiếc hộp sữa SINGLE-USE bị vứt ra ngoài đường trong năm 2019.

Dự kiến 20 triệu tấn rác thải/ngày ở đô thị trong năm 2020.

Ít nhất 25 triệu người sẽ phải bỏ nhà cửa ra đi vào năm 2080 vì nền nhiệt khí hậu sẽ hầu như nóng 36°C và nước biển dâng cao 5 mét.

Các con số đang dần tăng lên theo thời gian…

Ngọn cờ mà ngày hôm nay, những người dân đang hồn nhiên phất lên ngoài đường và trong đầu họ, liệu có giải quyết được những cuộc khủng hoảng khủng khiếp này hay không? Trong quá khứ và hiện tại, điều đó đã được chứng minh là không thể. Và trong tương lai, chính màu đỏ của máu trên lá cờ này là một phần dự báo cho số phận và định mệnh của mọi người Việt đang sống trên mảnh đất hình chữ S.

Và một lần nữa, RIP Việt Nam Vô Địch…

Bài Mới Nhất
Search