T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT(82) – NHẠC PHIM – Ta Pedia tou Pirea /Never On Sunday, Manos Hadjidakis & Billy Towne (Tình Nghèo)

Tiếp tục giới thiệu những ca khúc trong phim, hoặc từ nhạc phim được đặt lời Việt, bài này chúng tôi viết về bản Never on Sunday, nguyên là ca khúc Hy-lạp Ta Pedia tou Pirea trong cuốn phim Never On Sunday, đã đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1960, được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Tình Nghèo.

Trở lại với những năm cuối thập niên 1950, “Ông vua nhạc rock” Elvis Presley bắt đầu làm mưa gió trên màn bạc với những ca khúc như Love Me Tender (1956), Loving You (1957), Jailhouse Rock (1957)… qua những cuốn phim mang cùng tựa đề. Rất tiếc ngày ấy, giới mộ điệu ở Sài Gòn chỉ được thưởng thức những ca khúc này qua làn sóng điện chứ không được xem phim.

VIDEO:

 Elvis Presley – Love Me Tender (1956) – YouTube

Nguyên nhân vì vào thời gian này, các nhà phát hành phim tại miền Nam VN chưa có khả năng tài chính để nhập phim trực tiếp từ Hoa Kỳ, Anh Quốc, cho nên hầu như tất cả mọi cuốn phim Anh, Mỹ được nhập vào miền Nam VN đều phải qua ngả Pháp Quốc, nghĩa là đã được chuyển âm sang tiếng Pháp, sau đó mới được đưa sang những nước “nghèo” nói tiếng Pháp, hoặc chịu ảnh hưởng văn hóa Pháp.

Đó cũng là nguyên nhân mọi cuốn phim Anh, Mỹ được chiếu tại miền Nam VN ngày ấy đều có tựa đề bằng tiếng Pháp. Thí dụ:

Gone with the Wind / Autant en emporte le vent / Cuốn theo chiều gió (1939)

– Waterloo Bridge / La valse dans l’ombre / Vũ điệu trong bóng mờ (1940)

– Magnificent Seven / Les sept mercenaires / Bảy tay súng oai hùng (1960)

Trong khi đó, những cuốn phim của Pháp (hoặc của Ý, Tây-ban-nha nói tiếng Pháp) thì được nhập trực tiếp vào chứ không phải đi đường vòng, cho nên chỉ 1, 2 năm sau khi phát hành đã được chiếu tại Sài Gòn, trong số này có phim La Violetera (1958), trong đó nữ nhân vật chính hát ca khúc có cùng tựa. La Violetera, tiếng Tây-ban-nha có nghĩa là cô gái bán hoa tím ngoài đường phố, không phải một ca khúc đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim, cũng không phải ca khúc được viết riêng cho cuốn phim La Violetera, nhưng phải nhìn nhận nhờ cuốn phim La Violetera (1958) ca khúc này mới đạt tới đỉnh cao của nó.

La Violetera thuộc thể loại “copla” (ca khúc phổ thông có lời hát như thơ) do nhà soạn nhạc nổi tiếng José Padilla (1889-1960) và văn sĩ Eduardo Montesinos (1868-1930) sáng tác tại Paris năm 1914. Sau khi được đệ nhất minh tinh kiêm nữ ca sĩ Raquel Meller (1888-1962) của Tây-ban-nha thu đĩa đã được nhiều người biết tới.

 Một trong những người ái mộ tài sắc của Raquel Meller chính là Charlie Chaplin. Trong một lần gặp nhau tại Los Angeles, ông đã cố thuyết phục Raquel Meller đóng phim của ông nhưng bị từ chối. Tuy nhiên Charlie Chaplin vẫn không quên ca khúc La Violetera do Raquel Meller hát và đã sử dụng trong cuốn phim City Lights do ông thực hiện năm 1931.

Như chúng tôi đã viết trong một bài trước đây, nữ nhân vật chính trong City Lights là cô gái mù bán hoa tím ở góc phố do Virginia Cherill thủ diễn. Trong cuốn phim này cô đã hát bản La Violetera do Francia Luban đặt lời Anh với tựa Won’t Somebody Buy My Violets? (Không ai mua hoa tím của em sao?)

 City Lights cũng là cuốn phim đầu tiên Charlie Chaplin đích thân soạn toàn bộ nhạc phim (trừ bản La Violetera) và đã được các nhà phê bình hết lời ca tụng, riêng ca khúc La Violetera do Virginia Cherill hát trong phim đã không gây được tiếng vang.

Tới năm 1956, nữ ca sĩ Pháp Dalida, lúc đó mới vào nghề, hát bản La Violetera lời Pháp và Tây-ban-nha trong đĩa 45 vòng thứ hai của cô và chỉ đạt thành công tương đối (lúc đó Dalida chưa nổi tiếng với bản Bambino).

VIDEO:      

DALIDA – LA VIOLETERA (1956)

Phải đợi tới năm 1958, sau khi La Violetera được nữ minh tinh Tây-ban-nha Sara Montiel hát trong cuốn phim tình cảm bi lụy có cùng tựa đề, ca khúc này mới thực sự nổi tiếng quốc tế.

La Violetera, tựa tiếng Anh là The Violet Seller, là một sản phẩm hỗn hợp Ý – Tây-ban-nha, do Sara Montiel và hai nam diễn viên Raf Vallone (Ý), Frank Villard (Pháp) thủ vai chính.

La Violetera được chiếu tại Sài Gòn khoảng năm 1960. Mặc dù phim  được đặt tựa tiếng Việt “Màu tím hoa tim” nhưng theo sự hiểu biết của chúng tôi, ngày ấy đã không có ai đặt lời Việt cho ca khúc này.

VIDEO:

Sara Montiel – La Violetera (1958) HD

Sau đó La Violetera đã đem lại thành công cho nhiều nữ danh ca khác, như Montserrat Caballé (opera, Tây-ban-nha), Gigliola Cinquetti (Ý), Connie Francis (Mỹ), Nana Mouskouri (Hy-lạp), v.v…

La Violetera cũng được sử dụng trong nhiều cuốn phim nổi tiếng, như All Night Long (1981) của đạo diễn Jean-Claude Tramont, do Gene Hackman và Barbra Streisand thủ vai chính, Tâm trạng yêu đương (In the Mood of Love, 2000) của đạo diễn Vương Gia Vệ, với Lương Triều Vĩ và Trương Mạn Ngọc…

Năm 1991, để tưởng nhớ nhà soạn nhạc José Padilla, điêu khắc gia Santiago de Santiago đã tạc pho tượng La Violetera, và tới năm 2003, đã được an vị vĩnh viễn tại công viên Los Jardines de Las Vistillas ỏ Madrid, thủ đô Tây-ban-nha.

Năm 1966, một pho tượng nữ minh tinh kiêm ca sĩ Raquel Meller trong trang phục cô gái bán hoa tím cùng với bồn phun nước Raquel Meller Fountain đã được khánh thành tại quảng trường Carrer Nou le la Ramba ở thành phố Barcelona.

La Violetera (nguyên tác viết theo thể điệu Habanera) còn được dàn nhạc The Tango Project soạn lại theo thể điệu Tango, và tới năm 1992 đã được sử dụng trong cuốn phim Scent of a Woman trong đó nhân vật chính là vị Trung tá mù (giải ngũ) do Al Pacino thủ vai đã biểu diễn nhảy Tango tuyệt đẹp (trong video clip dưới đây có hình pho tượng La Violetera ở Madrid).

VIDEO:

 The Tango Project – La Violetera

Sau La Violetera (1958), qua năm 1959, thêm một ca khúc cũ khác đã trở nên phổ biến nhờ được hát trong một cuốn phim mới. Đó là bản Summertime trong phim Porgy and Bess.

Summertime nguyên là một khúc để hát solo (aria) trong vở opera Porgy and Bess năm 1935 của nhà soạn nhạc George Gershwin (1898 – 1937), do DuBose và Dorothy Heyward, cùng Ira Gershwin đặt lời hát.

Trong cuốn phim Porgy and Bess thực hiện năm 1959, nữ diễn viên chính Dorothy Dandridge đã nhép miệng theo tiếng hát của Adele Addison (1925 – ), nữ danh ca soprano gốc Phi châu nổi tiếng của Hoa Kỳ.

VIDEO:

 “Summertime,” Porgy and Bess, 1959

Về sau, Summertime được soạn lại cho nhạc jazz, và trở thành một trong những ca khúc/nhạc khúc phổ biến hàng đầu của thể loại này.

VIDEO:

 Kenny G – Summertime

Tới đây, chúng tôi viết về bản Never on Sunday, ca khúc đoạt giải Oscar cho ca khúc trong phim năm 1960.

Never On Sunday là tựa tiếng Anh của ca khúc Ta Pedia tou Pirea (The Children of Piraeus – Những người con của thành phố cảng Piraeus), một sáng tác của nhà soạn nhạc Manos Hadjidakis nổi tiếng của Hy-lạp, được Billy Towne đặt lời Anh với tựa Never on Sunday.

Manos Hadjidakis (1925-1994)

Như chúng tôi đã viết trong phần Nhạc Pháp, Manos Hadjidakis (1925-1994) là người có công đầu trong việc “tây phương hóa” nền nhạc dân gian vốn mang nặng âm hưởng đông phương của Hy-lạp.

Ông cũng chính là người đã khám phá ra Nana Mouskouri khi cô đang trình diễn tại một hội quán địa phương ở Nhã Điển, và giúp cô nổi tiếng, đoạt nhiều giải thưởng với những ca khúc do ông sáng tác.

Năm 1960, ông viết ca khúc Ta Pedia tou Pirea, nội dung là tâm sự của Ilya, một cô gái điếm tốt bụng ở Piraeus, yêu đời và yêu quê hương, buôn hương bán phấn nhưng vẫn mong có ngày gặp được một người đàn ông xứng đáng để trao thân gửi phận.

Dựa vào nội dung ca khúc này, đạo diễn kiêm diễn viên kiêm nhà sản xuất phim Mỹ Jules Dassin đã viết thành kịch bản cho cuốn phim hài kịch lãng mạn Never on Sunday, do ông sản xuất, đạo diễn và thủ vai nam nhân vật chính.

Jules Dassin (1911-2008) là một nhân tài trong nền điện ảnh còn thiên tả còn hơn cả Charlie Chaplin bởi vì ông từng là thành viên Đảng Cộng Sản Mỹ. Cha mẹ là di dân gốc Do-thái tới từ Liên Xô, Jules Dassin lớn lên ở khu Harlem, Nữu Ước, gia nhập một tổ chức thanh thiếu niên Do-thái thiên tả, rồi vào Đảng Cộng Sản Mỹ từ đầu thập niên 1930. Nhưng tới khi Liên Xô ký hiệp ước bất tương xâm với phát-xít Đức vào năm 1939, thường được gọi là Molotov–Ribbentrop Pact, Jules Dassin đã rời bỏ Đảng Cộng Sản Mỹ để bày tỏ thái độ.

Jules Dassin khởi nghiệp với tư cách diễn viên trong một đoàn kịch của người Do-thái lưu vong (Yiddish), rồi bước sang lĩnh vực điện ảnh, trở thành một trong những nhà làm phim hàng đầu của điện ảnh Mỹ quốc thời hậu chiến.

Melina Mercouri (1920-1994)  và Jules Dassin (1911-2008)

Tuy nhiên, vì “quá khứ cộng sản”, Jules Dassin đã bị các nhà sản xuất nhìn với cặp mắt e dè, nghi ngại. Cũng cần nhắc lại, khoảng thời gian những năm cuối thập niên 1940 đầu thập niên 1950, “chủ nghĩa McCarthy” (do Thượng nghị sĩ Cộng Hòa Joseph McCarthy, 1908-1957, đề xướng) đã gây ra những xáo trộn, bất ổn trong kỹ nghệ điện ảnh của Hoa Kỳ, nhiều nhân vật tên tuổi có lập trường thiên tả đã bị ủy ban điều tra của quốc hội (Home Un-American Activites Committee) đưa vào sổ bìa đen, trong số này có Jules Dassin.

Vì thế hầu hết những cuốn phim nổi tiếng của Jules Dassin đều được thực hiện tại Âu Châu, chẳng hạn phim Rififi (1955) với tiền vốn và nhân sự của Pháp, cuốn phim đã đem lại cho Jules Dassin giải đạo diễn xuất sắc tại Đại Hội Điện Ảnh Cannes 1956, nơi ông gặp gỡ nữ diễn viên kiêm ca sĩ Hy-lạp Melina Mercouri – người sau này trở thành đời vợ thứ hai của ông.

Melina Mercouri (1920-1994) xuất thân Học Viện Kịch Nghệ Quốc Gia Hy-lạp năm 1944, sau đó sang Pháp hoạt động trong lĩnh vực sân khấu. Mãi tới năm 1955, Melina Mercouri mới trở về Hy-lạp và đóng cuốn phim điện ảnh đầu tiên.

Từ năm 1941, Melina Mercouri đã kết hôn với doanh gia bất động sản Panos Harokopos nhưng hai người không có con, và vào thời gian gặp gỡ Jules Dassin tại Cannes, người ta tin rằng Melina Mercouri và Panos Harokopos chỉ còn là vợ chồng trên danh nghĩa.

Về phần Jules Dassin thì đã kết hôn với nữ nhạc sĩ vĩ cầm Béatrice Launer, cũng là một người Mỹ gốc Do-thái, từ năm 1937 và đã có ba con với nhau.

Trong năm 1956, Jules Dassin tới Hy-lạp và nhận nơi đây làm quê hương thứ hai, không chỉ vì tình cảm với Melina Mercouri mà còn vì đất nước, văn hóa Hy-lạp mà trước đó ông chỉ biết qua các tác phẩm của văn hào Nikos Kazantzakis (1883-1957).

Năm 1957, Melina Mercouri thủ vai chính trong một cuốn phim Hy-lạp do Jules Dassin đạo diễn và hai người bắt đầu quan hệ tình cảm công khai. Từ đó, Jules Dassin cố gắng tìm cách thực hiện một cuốn phim Hy-lạp có tầm vóc quốc tế để giới thiệu tên tuổi Melina Mercouri với khán giả năm châu.

Kết quả là cuốn phim Never on Sunday.

Như đã viết ở một đoạn trên, vào năm 1960, nhà soạn nhạc Manos Hadjidakis viết ca khúc Ta Pedia tou Pirea, có nghĩa là Những người con của thành phố cảng Piraeus; nội dung ca khúc là tự thuật của Ilya, một cô gái điếm yêu đời và tốt bụng ở Piraeus.

Lúc đầu Manos Hadjidakis dự định trao ca khúc này cho Melina Mercouri thu đĩa, nhưng chưa kịp thì Jules Dassin đã nảy sinh ý tưởng dựa vào nội dung ca khúc viết thành kịch bản cho một cuốn phim do ông đạo diễn và thủ vai chính bên cạnh Melina Mercouri; phần nhạc phim sẽ do Manos Hadjidakis đảm trách. Dĩ nhiên, Manos Hadjidakis, nhà soạn nhạc đang mong có cơ hội giới thiệu nền ca vũ nhạc truyền thống của Hy-lạp tới khán giả năm châu, đồng ý.

Vào tay Jules Dassin, nội dung Ta Pedia tou Pirea đã có thêm một chi tiết thú vị (tạm gọi như thế): cô gái điếm yêu đời và tốt bụng Ilya không bao giờ “tiếp khách” vào ngày Chủ Nhật vì đó là ngày nghỉ của cô.

Từ đó, ông đặt tựa đề cho cuốn phim của mình là Pote Tin Kyriaki (Never on Sunday).

Theo kịch bản của Never on Sunday, Homer Thrace (Jules Dassin) là một du khách kiêm học giả người Mỹ chuyên về văn hóa Hy-lạp cổ đại, gặp gỡ Ilya (Melina Mercouri), một cô gái điếm hành nghề tự do tại thành phố cảng Piraeus. Với một con người mô phạm như Homer, cuộc sống buông tuồng của Ilya đã hạ thấp truyền thống đạo đức của Hy-lạp, nên ông ra sức cải hóa cô; ngược lại, Ilya đã tìm mọi cách “giải phóng” Homer khỏi những ràng buộc của đạo đức; với kết quả phần thắng đã nghiêng về phía “cô gái điếm với tấm lòng vàng” (hooker with a heart of gold).

Là một người có đầu óc thiên tả, Jules Dassin đã thêm một chút “đỏ” vào truyện phim: sở dĩ cô gái điếm Ilya không tiếp khách vào ngày Chủ Nhật là vì cô phải tham dự buổi họp hàng tuần của chi bộ đảng Cộng Sản địa phương mà cô là một thành viên!

Vì không được một hãng phim nào chịu ứng vốn sản xuất, Jules Dassin đã phải chạy đôn chạy đáo, gom góp, vay mượn được số tiền tổng cộng 125,000 Mỹ kim (chưa tới 1 triệu thời nay) để trang trải mọi chi phí. Dĩ nhiên, hai nam nữ diễn viên chính (Jules Dassin, Melina Mercouri) không có thù lao, và người soạn nhạc phim (Manos Hadjidakis) cũng không đặt nặng vấn đề tiền bạc…

Cũng vì số vốn có hạn, Never on Sunday đã được thực hiện dưới hình thức phim đen trắng.

Never on Sunday được chiếu ra mắt vào tháng 5/1960 tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Cannes (Pháp) lần thứ 13, và đã đoạt giải Nữ diễn viên xuất sắc cho Melina Mercouri.

Tại giải Oscar 1960, Never on Sunday được xướng danh năm giải: Đạo diễn, Nữ diễn viên, Kịch bản, Trang phục, Ca khúc trong phim; và đã đoạt Oscar cho ca khúc trong phim.

Đây là lần đầu tiên kể từ khi giải Oscar cho ca khúc trong phim được thiết lập vào năm 1934, một ca khúc trong một cuốn phim nói tiếng ngoại quốc đã đoạt giải.

Tuy nhiên, theo nhiều nhà bình phim, nếu Never on Sunday không bị các “thế lực bảo thủ” lên án, chắn hẳn cuốn phim đã đoạt nhiều giải Oscar chứ không phải chỉ có một mà thôi!

Đồng ý hay không đồng ý với chữ “nếu” ấy, người ta cũng phải nhìn nhận trong khi được các nhà bình phim ca tụng, Never on Sunday là một cuốn phim gây tranh luận, tại Hy-lạp cũng như ở hải ngoại.

Tại Hy-lạp, không ít người cho rằng một cuốn phim với nội dung giới thiệu đất nước, con người, văn hóa Hy-lạp với thế giới mà nhân vật chính trong đó lại là một cô gái điếm thì không tốt, nếu không muốn nói là thiếu đạo đức.

Tại hải ngoại, cuốn phim đã bị lưỡi kéo kiểm duyệt của nhiều quốc gia chiếu cố; riêng tại Ý, nơi Never on Sunday được chiếu dưới tựa tiếng Ý Mai Di Domenica, đích thân Bộ trưởng Văn Hóa Ruggero Lombardi đã ký quyết định buộc (nhà sản xuất) phải cho đóng lại cảnh “trả giá” giữa các binh sĩ và cô gái điếm Ilya, cắt bỏ một cảnh làm tình lộ liễu, đồng thời cắt ngắn một cảnh làm tình khác, thì mới được phép chiếu cho khán giả từ 16 tuổi trở lên.

Tại Hoa Kỳ, các tổ chức Thiên chúa giáo và giới làm phim thuộc “thế hệ trước” cho rằng không thể chấp nhận một cuốn phim chính mạch có cốt truyện nói về sinh hoạt mại dâm, và gây ra một cuộc tranh luận gay gắt. Tuy nhiên, cuối cùng phe cấp tiến cũng đã thắng; thành phố duy nhất ra lệnh cấm chiếu Never on Sunday là Atlanta cuối cùng cũng bị tòa kháng án ra lệnh hủy bỏ lệnh cấm.

[Tại Hoa Kỳ, Never on Sunday chỉ bị cơ quan kiểm duyệt cắt một cảnh duy nhất khi được chiếu lần đầu trên màn ảnh truyền hình; đó lả cảnh cô gái điếm Ilya “hướng dẫn” một chàng thủy thủ trẻ lần đầu tiên gần đàn bà]

Chỉ riêng tại Hoa Kỳ, Never on Sunday đã thu vào trên 4 triệu Mỹ kim tiền vé (so với số vốn thực hiện chỉ có 125,000).

Sau khi cuốn phim được chiếu tại Hoa Kỳ và Tây Âu, đã xảy ra hiện tượng “tìm tới Hy-lạp” để khám phá khung cảnh, con người, văn hóa (ca vũ nhạc) ở miền đất huyền thoại đã bị lãng quên trong mấy nghìn năm qua. Các hãng phim đua nhau tới Hy-lạp để quay ngoại cảnh; các công ty du lịch bù đầu vì nhu cầu “Hy du” của khách hàng; ngay cả Đệ Nhất Phu Nhân Hoa Kỳ Jacqueline Kennedy cũng sắp xếp một chuyến công du Hy-lạp vào mấy năm sau đó.

Và cũng không thể không nhắc tới việc thành công của Never on Sunday đã dọn đường cho việc thực hiện cuốn phim Zorba the Greek bốn năm sau đó.

Zorba the Greek nguyên là tác phẩm của văn hào Nikos Kazantzakis (1883-1957), người được xưng tụng là nhà văn lớn nhất của nền văn học Hy-lạp hiện đại, từng 9 lần được đề nghị giải Nobel Văn Chương. Ngoài Zorba the Greek, một tác phẩm nổi tiếng khác của ông cũng được dựng thành phim là The Last Temptation of Christ vào năm 1988.

[Trước năm 1975, Zorba the Greek đã được một dịch giả ở miền Nam VN dịch sang tiếng Việt, tuy nhiên chúng tôi không nhớ tựa đề]*

Zorba the Greek là một cuốn truyện mang nhiều triết lý thú vị, kể về nếp sống ngang tàng, phi nguyên tắc (đạo đức) của nhân vật Zorba, một anh chàng thô lậu, thất học, nhưng đầy kinh nghiệm sống.

Cuốn phim Zorba the Greek là một sản phẩm Anh – Hy-lạp, với một dàn diễn viên nổi tiếng quốc tế, trong đó có nam diễn viên Mỹ gốc Mễ-tây-cơ Anthony Quinn thủ vai Zorba. Zorba the Greek cũng được thực hiện dưới hình thức phim đen trắng.

Tại giải Oscar 1964, Zorba the Greek được xướng danh bảy giải và đoạt ba giải, cho nữ diễn viên vai phụ, hình ảnh (Cinematography), và dàn dựng (Best Production Design, ngày đó còn gọi là Best Art Direction).

Được phóng tác từ một cuốn tiểu thuyết nổi tiếng, lẽ dĩ nhiên Zorba the Greek có kịch bản phong phú hơn, số thu cao hơn, nổi đình đám hơn, được trân trọng hơn Never on Sunday, nhưng nếu chỉ xét về mặt nghệ thuật thì không bằng, trừ cảnh nhảy vũ khúc Sirtaki (Zorba’s dance) vào cuối phim.

Hiện nay, vũ khúc Sirtaki đã trở nên phổ biến tới mức hầu như ở bất cứ quán rượu (tavern) nào của người Hy-lạp trên thế giới, người ta cũng nhảy, từ đó đưa tới sự ngộ nhận đây là một vũ điệu dân gian truyền thống của người Hy-lạp. Trên thực tế, đây là sáng tạo của nhà vũ đạo Giorgos Provias và nhà soạn nhạc Mikis Theodorakis dành riêng cho cuốn phim này.

Phần nhạc đệm độc đáo trong vũ khúc Sirtaki (Zorba’s dance) là tiếng đàn “bouzouki”, một nhạc cụ truyền thống của Hy-lạp, trước đó mấy năm đã được nhà soạn nhạc Manos Hadjidakis canh tân và ứng dụng vào ca khúc Ta Pedia tou Pirea do Melina Mercouri trình bày trong phim Never on Sunday.

Đàn bouzouki

Bouzouki là một loại đàn gỗ, mặt trước tương tự đàn mandolin nhưng thùng đàn phía sau hình bầu; bouzouki có hai loại chính: trichordo với 3 cặp dây, và tetrachordo  với bốn cặp dây. Thanh âm của bouzouki rất sắc, nghe tương tự tiếng đàn mandolin nhưng có âm vực thấp hơn.

Bouzouki có nguồn gốc từ Thổ-nhĩ-kỳ, được di dân đưa tới Hy-lạp vào đầu thế kỷ thứ 20 và đã mau chóng trở thành một nhạc cụ chính trong nền nhạc dân giã (rebretiko) của Hy-lạp. Tới giữa thập niên 1960, nhờ công canh tân và phổ biến của nhà soạn nhạc Manos Hadjidakis, tiếng đàn bouzouki đã trở thành một nét đặc thù trong nền tân nhạc Hy-lạp nói chung chứ không chỉ còn của thể loại nhạc dân giã.

VIDEO:

 Zorba the Greek – Final Dance

Trở lại với ca khúc Ta Pedia tou Pirea (The Children of Piraeus) do Melina Mercouri hát trong cuốn phim Pote tin Kyriaki (Never on Sunday).

Tiểu sử Melina Mercouri luôn luôn ghi bà là một nữ diễn kiêm ca sĩ nhưng trên thực tế bà thường chỉ hát trước ống kính máy quay phim, hay trên sân khấu qua các vai do bà thủ diễn. Nói cách khác, sự thành công, sức thu hút của các ca khúc do Melina Mercouri trình bày  một phần không nhỏ chính là nhờ đi liền với kịch bản, hoặc bối cảnh trong phim.

VIDEO:

 Melina Mercouri – Ta Paidia Tou Piraia (The Children of Piraeus)

Sau khi Ta Pedia tou Pirea (The Children of Piraeus) do Melina Mercouri hát trong phim Pote tin Kyriaki (Never on Sunday) đoạt Oscar cho ca khúc trong phim, dàn nhạc Don Costa của Mỹ đã thu một đĩa hòa tấu 45 vòng, đứng hạng 19 trong danh sách Billboard Hot 100 năm 1960, và qua năm 1961 tiếp tục ở trong Top 40.

VIDEO:

 Don Costa and his Orchestra and Chorus ‘ Never On Sunday’ 45 RPM

Cũng trong năm 1960, Ta Paidia Tou Piraia (The Children of Piraeus) được tác giả Billy Towne đặt lời hát bằng tiếng Anh với nội dung dựa vào truyện phim của Never On Sunday (cô gái điếm yêu đời không bao giờ “tiếp khách” vào ngày Chủ Nhật).

Never on Sunday

La, la, la, la, la, la, la, la, la, la, la, la La, la, la, la, la, la, la, la, la, la, la, la, la… (Oso keeyiampsaxo then vrisko allo lay manee) (trellee na me he kanee oso to piraos)

Oh you can kiss me on a Monday, a Monday, a Monday
Is very, very good
Or you can kiss me on a Tuesday, a Tuesday, a Tuesday
In fact I wish you would
Or you can kiss me on a Wednesday, a Thursday, a Friday
A Saturday is best
But never, never on a Sunday, a Sunday, a Sunday
Cause that’s my day of rest

Come any day and you will be my guest
Oh, any day you say, but my day of rest
Just name the day that you like the best
Only stay away from my day of rest

Oh, you can kiss me on a cool day, a hot day, a wet day
Whichever one you choose
Or try to kiss me on a fey day, a Mayday, a payday
And see if I refuse
Or you can make it on a bleak day, a freak day, a week day
Whichever is the best
But never, never on a Sunday, a Sunday
The one day I need a little rest

Come any day and you will be my guest
Oh, any day you say but my day of rest
Just name the day that you like the best
Only stay away from my day of rest

La la la la la…
La la la la la la…

Ngay trong năm 1960, Nana Mouskouri của Hy-lạp và Dalida của Pháp đã thu Never On Sunday vào đĩa nhựa.

Thời gian này, Dalida đang nổi như cồn cho nên các đĩa thu bằng tiếng Pháp, Ý, Tây-ban-nha, Đức + với lời Anh Never on Sunday của cô đã lên Top tại các quốc gian này (No.1 tại Pháp).

VIDEO:

 Dalida – Never on Sunday (1960)

Tuy nhiên về lâu về dài, nhắc tới Ta Paidia Tou Piraia / Never on Sunday giới thưởng ngoạn sẽ nhớ tới tiếng hát Nana Mouskouri trước tiên.

Nana Mouskouri, mà chúng tôi đã đôi lần nhắc tới trong loạt bài này, là nữ danh ca duy nhất của Âu châu nằm trong danh sách Top 10 nghệ sĩ có số đĩa bán cao nhất thế giới, với khả năng thu đĩa bằng trên 12 ngôn ngữ khác nhau.

Ta Paidia Tou Piraia / Never on Sunday do Nana Mouskouri thu âm được phát hành qua ba ấn bản khác nhau: tiếng Hy-lạp, tiếng Anh, và tiếng Hy-lạp + tiếng Anh.

Phụ lục 1: Never on Sunday, Nana Mouskouri

VIDEO:

Nana Mouskouri – Τα παιδιά του Πειραιά (1968)

Qua năm 1961, Never on Sunday (thu đĩa năm 1960) đã đem lại đĩa vàng cho ban tứ ca nữ The Chordettes, đứng hạng 13 trên bảng Billboard Hot 100 cho cả năm 1961.

VIDEO:

The Chordettes – Never on Sunday – YouTube

 Về sau, Never on Sunday đã được thêm nhiều danh ca Anh Mỹ thu đĩa, trong số này có Bing Crosby, Lena Horne, Doris Day, Andy Williams, Trini Lopez, ban The 4 Seasons, Connie Francis, Julie London, Eartha Kitt, Petula Clark…, và ban kèn đồng lừng danh Herb Alpert and the Tijuana Brass.

Tính tới cuối thập niên 1970, hàng trăm ca sĩ nổi tiếng quốc tế đã thu đĩa Never on Sunday bằng gần 50 ngôn ngữ khác nhau. Chỉ riêng tiếng Quảng Đông đã có nhiều tên tuổi lớn thu đĩa, như Lưu Đức Hoa, Mai Diễm Phương, Ngô Quân Như, Trịnh Trung Cơ…; còn tiếng Quan Thoại, người đầu tiên thu đĩa là Đặng Lệ Quân, khi cô mới 16 tuổi.

Một trong những điều thú vị (tạm gọi như thế) về ca khúc Never on Sunday là càng về sau, càng có ít người biết xuất xứ của nó chính là một cuốn phim với nội dung tranh luận, mang ẩn ý đả kích nước Mỹ của Jules Dassin. Đại đa số người thưởng thức chỉ biết đây là một bản nhạc vui tai, độc đáo, đầy sức lôi cuốn mà thôi.

Tại miền Nam VN trước năm 1975 cũng thế, Never on Sunday bắt đầu được nghe và yêu chuộng vào giữa thập niên 1960, là khoảng thời gian ca nhạc Mỹ đã trở nên khá phổ biến. Người Sài Gòn ngày ấy không hề được xem cuốn phim Never on Sunday (vì nội dung phi đạo đức và thiên tả) cho nên cũng chẳng mấy người được biết Never on Sunday nguyên là một ca khúc trong phim.

Never on Sunday được thính giả VN yêu chuộng dưới cả hai hình thức hòa tấu (chúng tôi không nhớ tên ban nhạc) và đơn ca do Connie Francis thu đĩa.

VIDEO:

Connie Francis : Never On A Sunday – YouTube

Theo ký ức của chúng tôi, tại miền Nam VN trước 1975 đã không có tác giả nào đặt lời Việt cho Never on Sunday. Sau khi ra hải ngoại, tới thập niên 1980, Never on Sunday mới được Phạm Duy đặt với tựa Tình Nghèo.

Tình Nghèo

Nàng xinh đẹp như một nàng tiên nga,
Nơi trời xa bay về đây, xin đầu thai sống trong cõi trần.
Nàng không chọn nơi người giầu hay sang
Nơi thành đô, khu lầm than xin làm cô gái trong thấp hèn.
Nhìn ta, nàng như mặt trời phương xa
Soi vào tim đen của ta, nên lòng ta bỗng dưng chói loà.
Làn môi đẹp như là nụ hoa tươi
Khi nàng hôn ta tưởng như ta
Từ đây ngất ngây suốt đời.


Người đẹp của tôi ơi ! Tôi từ quê tới nơi kinh đô
Tôi nghèo nên sống trong đơn côi, như là dun dế trên đời.
Người đẹp của tôi ơi ! Không một ai tới nơi bên tôi
Trong đời tôi vắng tiếng êm vui nên chỉ cay đắng mà thôi.
Người đẹp của tôi ơi ! Nhưng từ khi có em bên tôi,
Ðêm ngày tôi sống như chim vui, tôi chỉ ca hát ơn đời.
Người đẹp của tôi ơi ! Tôi cảm ơn Chúa nơi ngôi cao
Trong đời tôi đã có em yêu tôi nghèo nhưng sướng là bao.

Phụ lục 2: Tình Nghèo, Ngọc Lan

 

HOÀI NAM

 *Bản chuyển ngữ tiếng Việt của dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu nhan đề “Alexis Zorba Con Người Chịu Chơi” do NXB Thương Yêu xuất bản năm 1969 tại Sài Gòn (Chú thích của TV&BH).

 

 

 

 

©T.Vấn 2018

 

Bài Mới Nhất
Search