T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tuấn Anh & Hiếu Anh: Giòng Lưu Bút

“. . .Hiếu Anh, tên thật là Nguyễn Trí Hiếu, một tên tuổi đã có từ lâu trước năm 1975 vì anh đã bắt đầu sáng tác nhạc từ thập niên 60. Cách đây 40 năm, Hiếu Anh đã tham gia ban Phát Thanh Học Sinh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn do Dương Hồng Duyệt làm trưở̉ng ban, có chương trình phát thanh hàng tuần vào mỗi sáng Chủ Nhật. Thuở ấy, Hiếu Anh cùng với Mai Hân, Mai Hương, Bạch Tuyết (em gái Mai Hương), Duy Trác, Phạm Vận là những ca sĩ thường trực của ban Phát Thanh Học Sinh này.. .”

Tuấn Anh & Hiếu Anh: Giòng Lưu Bút

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

*Chú Thích: Kể từ entry Những Ngày Tàn Mơ trong loạt bài Dòng Nhạc Kỷ Niệm, sẽ không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục DNKN tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

*

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

 

©T.Vấn 2019

 

Đọc Thêm:

(Nguồn: Cothommagazine.com)

Nhạc Sĩ Hiếu Anh – Nguyễn Trí Hiếu (1941-2005)

Hiếu Anh, người Nhạc Sĩ thầm lặng
                                             (Trích báo Nghệ Thuật tháng 11, 2000)

Hiếu Anh, tên thật là Nguyễn Trí Hiếu, một tên tuổi đã có từ lâu trước năm 1975 vì anh đã bắt đầu sáng tác nhạc từ thập niên 60. Cách đây 40 năm, Hiếu Anh đã tham gia ban Phát Thanh Học Sinh trên Đài Phát Thanh Sài Gòn do Dương Hồng Duyệt làm trưở̉ng ban, có chương trình phát thanh hàng tuần vào mỗi sáng Chủ Nhật. Thuở ấy, Hiếu Anh cùng với Mai Hân, Mai Hương, Bạch Tuyết (em gái Mai Hương), Duy Trác, Phạm Vận là những ca sĩ thường trực của ban Phát Thanh Học Sinh này. Trong thời gian trên, Hiếu Anh đã viết tập nhạc “Tình Ca Học Trò” mà mãi đến hơn 30 năm sau, khi ra hải ngoại, anh mới có điều kiện để thu vào CD với tiếng hát của Kim Cúc, Cam Thơ, Hoài Nam và Khắc Dũng.

Hiếu Anh gia nhập ngành quân nhạc năm 1967 và tham gia vào Hội Văn Nghệ Sĩ Quân Đội do Nhạc Sĩ Anh Việt làm chủ tịch. Trong thời gian này, anh hoàn thành tập nhạc “Chiến Sĩ Ca”. Qua năm 1969, anh làm việc với Ban Phát Thanh Học Đường của Trung Tâm Học Liệu thuộc Bộ Quốc Gia Giáo Dục với các nhạc sĩ Lê Thương, Hùng Lân, Vĩnh Phan, Trầm Tử Thiêng và anh viết tập nhạc “Ngày Xanh” dùng cho học sinh bậc Tiểu học trong lúc này. Năm 1971, Hiếu Anh làm giáo sư âm nhạc tại trường Thiếu Sinh Quân Pleiku và trong thời gian ở Pleiku anh có phổ một số bài thơ của Kim Tuấn, Vũ Hoàng, Vĩnh Trinh, Thu Bình Minh, Lê Thị Phương Châu để in thành tập nhạc mang tên “Tình Thơ Ý Nhạc”.

Cũng như mọi quân nhân khác, Hiếu Anh bị đi tù Cộng Sản từ năm 1975 đến năm 1981. Năm 1992, anh định cư tại Hoa Kỳ theo diện H.O và cư ngụ tại thành phố Louisville, Kentucky và Hiếu Anh mở lớp dạy guitar, piano cho các em trong cộng đồng Công giáo, nơi anh cư ngụ.

Hiếu Anh viết rất nhiều, có trên 200 ca khúc, gồm đủ thể loại từ những bài tình ca học trò, những bài dành cho thiếu nhi, cho hướng đạo, những bài chiến sĩ ca cho những buổi sinh hoạt trong quân đội. Những khúc Tân ca, Thánh ca,…anh cũng đã hoàn thành một CD với tên “Yêu Trong Kỷ Niệm” gồm những bài thơ của Trương Ái Minh, Đắc Trung, Vĩnh Châu, Huyền Xưa, Phạm Mai Lan, Diễm Buồn, Văn Vũ, Thanh Thanh và Nguyễn Bính và anh phổ nhạc, và được thu thanh qua các giọng ca của Mai Thảo, Duy Dũng, Thùy Dương, Thanh Long, Kim Cúc, Cam Thơ và Quang Duy.

40 năm phục vụ cho âm nhạc, với một số lượng tác phẩm thật đáng kể nhưng bởi không thích xum xuê, không cần khoe khoang cho nên nhạc sĩ Hiếu Anh vẫn là một nhạc sĩ thầm lặng, yên vui với những đứa con tinh thần của mình, ẩn dật nơi thành phố Louisville hiền hòa của tiểu bang Kentucky, nhưng…hữu xạ thì tự nhiên hương.

 

Bài Mới Nhất
Search