T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Vòng tử sinh

     

      Những Vòng Đời – Tranh: Mai Tâm

Trời hết nắng thì mưa, mưa lâm thâm, ông anh vợ ghé nhà…

Ông đồng canh, đồng tuế với người viết nên rất gần gũi những khi trà dư tửu hậu. Ông giống những bậc trưởng thượng của người viết vào thời buổi 54 mới di cư vào Nam. Trong những dịp giỗ chạp hoặc tết nhất, các cụ hay bù khú chuyện thế sự du du hề một thoáng bạch câu. Ông đây cũng vậy, gặp người viết là râm rả chuyện thế sự thăng trầm quân mạc vấn. Để rồi từ năm 54 đến nay, chuyện đâu vẫn còn đó …

Nhưng hôm nay gặp ngày không có mây sao có mưa, ông anh vợ cứ rị mọ giấc hương quan mơ luống canh dài từ cây đa bến cũ con đò xưa, qua chợ Viềng, đến đền bà Chúa Liễu mãi tận đẩu đầu đâu. Nhiễu sự thêm chuyện ông cậu từ Nam Định lên Hà Nội vào Sài Gòn khiến người viết trộm hiểu là có nhiều mục để kể lể. Và thế nào chả có mục mấy cậu cháu bát phố Hà Nội mà ông anh vợ thường kể như dước đây:

“…cả nhà chảy loạn từ Nam Định lên Hà Nội. Một ngày cuối tuần ba cậu cháu như ba chàng ngự lâm pháo thủ tay cầm kiếm gỗ, miệng lẩm nhẩm câu trong phim “ci-nê”: Mình vì mọi người trừ gian tặc…Đang đi bộ tới phố Tây bị con chó Tây to như con hổ. Ba cậu cháu chạy toé khói, may mà con “bẹc-dê” bị xích, không thì tiêu đời….”

Trời vẫn mưa lâm thâm…dưới “pa-ti-ô” có mái che, ông anh vợ móc điếu thuốc che tay mồi lửa và đảo qua ông cậu nay ở Nha Trang, hiện ngồi không chẳng làm ăn gì sất cả. Thế là xong, người viết biết ngay thế nào cũng có chuyện gom góp cho mục vợ ốm con đau chi đây. Vì vậy đành tặc lưỡi mở ra đọc cho xong…chuyện.

Bấu vào mắt người viết là cái thư giấy đã vàng ố vì viết từ năm 1976. Thư dài cả chục trang, chữ ông cậu viết ngoáy nên con chữ ngọ ngoạy trên giấy như con lăng quăng. Người viết bèn đọc thoáng qua cho…thoáng đãng. Nói cho ngay nhời nhẽ chả giống những thư…kể khổ nào. Mà rặt những chuyện làng nước cùng ruộng vườn qua kẻ Bắc người Nam với quê ta xa mãi bên kia biển, chỉ thấy tơi bời mây trắng vương dài lê thê như đoạn đường chiến binh đọc mờ cả người. Đọc lướt qua đến khúc ông cậu tả…con lợn chạy lăng quăng giữa trận chiến mù trời dậy đất mới sống động đôi chút. Vi người viết chả dây mơ rễ má đến ông cậu vợ, mà nghĩ dại chứ…Chứ ông ngồi không búng ghét đuổi ruồi, bộ hết chuyện chổi cùn rế rách hay sao mà ông mang con lợn vào thư nhà cho…chật nhà chật cửa. Thế mới rách chuyện…

Bèn ngước mặt lên định hỏi, bắt gặp khuôn mặt ông anh vợ đang trầm ngâm được mô tả là “rất tâm trạng”, nên cúi đầu tụng tiếp. Đến giữa thư, sau năm 75, ông cậu vào Nha Trang. Qua cái thư đề ngày tháng viết từ năm nảo năm nào…Người viết ngờ ngợ có gì không ổn, và thầm hỏi cớ sự gì đến bây giờ là năm 2006, sau 30 năm ông cậu mới gửi thư cho ông cháu. Lại nghệt mặt, mắt chấm dáu hỏi?

Cái đầu ông anh vợ gật gừ ra cái điều hãy đọc đi thì biết…Ừ thì đọc…

Tiễn đưa ông anh vợ về rồi, nhòm đất trời lung liêng, trời chiều cô tịch. Nhòm ra góc vườn, hàng cây nghiêng ngả u ẩn chiều tiễn biệt trong một cõi đi về…Chợt lòng dạ nao nao, nhấp một ngụm cà phê thấy đắng ở đầu lưỡi, rít một hơi thuốc lá thấy nhạt nhẽo ở đầu môi. Cùng những bồi hồi không đâu, người viết ngẫm nguội với cái thư này đây, nếu như chịu khó ăn mày chữ nghĩa của ai đó. Rồi lăn cù ra đánh vật với chữ nghĩa có thể dựng thành truyện được. Thế là người viết vào nhà, ngồi xuống bàn gõ. Tiện tay nhấn cái nút nhạc, tiếng hát Khánh Ly lềnh bềnh như cánh vạc bay: “…Từ quê nghèo lên phố lớn, bàn tay ta nắm – Biển xanh sông gấm, nối liền một vòng tử sinh…”

***

       Nha Trang ngày 17 tháng 11 năm 1976

Thân gửi cháu Phú,

Qua bác Cả, cậu biết được địa chỉ của cháu, thư này cậu cũng đã viết từ lâu lắm rồi và để đó, vì cứ đắn đo chần chừ mãi. Bao nhiêu năm giữ kín trong lòng để gậm nhắm với cậu cũng quá đủ, chả lẽ sống để bụng chết mang theo. Rồi cậu không biết làm sao hơn vì lúc này cậu cũng đã có tuổi, nay ốm mai đau, không biết ngày nào gặp lại tổ tiên, ông bà và họ hàng, nên mượn dịp này gò chép lại để gửi thư đến cháu. Cũng nhân dịp Tết Nguyên Đán cổ truyền Bính Tuất sắp tới, lời đầu tiên bao nhiêu năm xa cách, cậu thành tâm chúc thầy cháu và gia quyến cháu an khang, thành đạt trên mọi lĩnh vực.

Thế mà đã hơn năm mươi năm qua…Năm mươi năm thì ngắn nhưng nghĩ tới nửa thế kỷ thì lại quá dài. Vậy mà những hình ảnh của cái tuổi ấu thời như mới đâu đây, tất cả quây quần dưới căn nhà ngói cây mít năm gian hai chái ở một làng quê ven biển trù phú và êm ả với cái tên thật thân yêu là Ân Phú. Cũng vì vậy ông ngọai hai cháu lấy tên làng đặt cho hai anh em cháu, “Ân” là ơn trên ban cho, “Phú” là giầu có thịnh vượng.

Năm đó, thầy mẹ cháu dựng ngôi nhà gạch, ngói đều tăm tắp ở cuối ngõ, nằm núp bóng dưới cây nhãn, cây ổi im ắng. Và chỉ im ắng một nhát thôi với buổi trưa nắng oi oi. Đâu đây nghe có tiếng gà mẹ “cục cục” gọi con, ấy là thằng Ân mở cửa chuồng gà. Thế là lũ gà cuống quýt tranh nhau chạy ra. Hết con vện của cháu sủa ăng ẳng trêu chọc một con gà nào đó. Đến tiếng lịch kịch của anh gà trống đi đi lại lại, tuồng như anh ta đang chọn chỗ để gáy. Tiếng đập cánh phành phạch. Tiếng nó kêu cọc, cọc như đằng hắng. Hốt nhiên anh gà trống gáy dõng dạc: “ó, ó, ooo…o…o…“, ắng im một chốc, rồi lại tiếng gà mẹ gọi con “cục cục” rõ đến buồn ngủ. Vậy mà chả ai chịu ngủ nghê, cậu và cháu leo lên hái ổi, hái nhãn. Hoặc rủ nhau trốn ra bờ sông câu cáy, bắt rạm hay thẻo đất sét nặn gà, nặn chó suốt cho tới chiều. Khi tiếng những tiếng chuông của bõ già vang lên báo hiệu buổi chầu cuối ngày, mới kéo về cái sân gạch đã khuất nắng…

Riêng thằng Ân nó thích thui thủi chơi một mình, nó có những trò nghịch tinh riêng khác như khâu đít chuột cho chúng bí rị rồi nổi điên cắn nhau. Hoặc giả nó bắt cả chục con cóc cụ. Nhét vào mồm chúng ít thuốc lào, rồi khâu lại. Sẩm tối thả ra vườn, bọn cóc ngấm thuốc lào, lờ đờ, nhảy lung tung như say rượu, vừa nhẩy vừa ho inh lên khùng khục như người hen. Có cóc cụ tóp miệng vào thở ra nghe lịt xịt như thằng đánh rắm xịt. Hay đến giờ xua lợn về chuồng, chả hiểu nó học mót của ai, nó xoay đầu con lợn vào cửa chuồng lợn, nắm lấy đuôi làm như kéo về hướng bờ sông. Con lợn không biết mình bị lừa, vùng vằng cắm đầu chạy vội vào chuồng và ngơ ngác như quạ vào..chuồng lợn. Biết thế bà ngoại cháu hóng hớt: “Mẹ bố thằng Ân gà tồ này lạ nhẩy! Đúng là rồ, anh em trong nhà thì không chơi lại đi chơi với lợn”.

***

Trở về với làng quê ta, bên kia con sông là tổ đình, bên cạnh bãi đất trống gần đấy  là chợ Viềng xưa cũ. Tên Viềng có nghĩa một ngày trong một năm, cứ mùng Tám tháng Giêng chợ nhóm họp để mọi người cùng mua thịt bò, thịt trâu và bán chữ, mua câu đối. Ngày ấy mấy cậu cháu được theo bà ngọai và mẹ cháu dạo chơi phiên chợ. Nhưng vì cả hai cậu cháu mình bé út ít nhất trong nhà, nên mỗi đứa được mua một con tò he bằng đất nung. Tò he được tô phết với phẩm mầu, đuôi là một cái lông gà nhuộm mầu xanh đỏ, có gắn một cái còi lưỡi gà bằng ống sậy, khi thổi vang lên những tiếng “tò te…tò te…”. Nghĩ lại thời gian ấy, có lúc cậu nghĩ cũng có thể vì quen thói thổi tò he từ những ngày còn bé nên sau này cậu là văn công thổi kèn chăng? Nhưng cậu chẳng quên được cái thú nhỏ nhoi và đơn sơ của tuổi tò he bé tí hồi đó.

Nhắc đến câu cáy, bắt rạm, cậu muốn nhắc đến con sông ngay trước cổng nhà cháu. Những ngày nước lên, cậu là thằng đầu têu rủ rê cháu đi đặt lờ, chỉ mấy cái lờ không thôi, hai đứa bắt được gần yến rạm, rồi mang về đưa bà ngọai lấy thưởng. Vì con rạm nhỉnh hơn con cua đồng một tí, nhưng con nào con nấy to bằng một phần mười con cua đinh, bà gạn mấy con cái đem rang giòn, ăn rất bùi, rất ngậy. Những con đực bà xé ra làm chả, giã nhỏ nấu canh khế, canh me. Mấy ngày sau nước sông rút xuống, cháu lại mè nheo cậu xoay ra câu cáy. Như cháu biết đấy, cáy nhỏ hơn rạm, thân dầy, mu mầu nâu và hai cái càng đỏ chót như hai quả ớt chín. Cậu và cháu lấy cành tre, cột giây, đầu buộc mồi là cái kèn tằm hay con sâu khoai nước. Và thấy con cáy thập thò ngòai cửa hang là nhử nhử, cáy ham mồi dơ càng kẹp là không muốn nhả, thế được cả giỏ. Về bà ngọai giã ra, trộn muối, bột giã, thính và riềng, rồi hạ thổ lấy khí âm, khí dương, ít tuần sau có món mắm cáy thơm inh.

Đến như ông K trưởng của cậu, sau này mỗi lần về phép mang quà nhà quê trở ra đơn vị. Ông ta cứ tấm tắc khen: “Tớ chỉ khoái ăn mắm tép của bà ngoại cậu thôi”.

Và không thể không nhắc đến những ngày Tết, cậu nhớ đến cái năm cuối cùng ở quê. Khỏang 27, 28 thường thì bà ngọai và mẹ cháu cùng mấy nhà chung quanh xóm đánh đụng một chú lợn. Chú lợn ỉ, nặng hàng tạ, thịt chắc, ngọt và thơm để làm giò, gói bánh chưng, kho tầu và dùng làm món độn nấu cỗ cho ba ngày Tết.

Vậy mà năm ấy, lợn nhà có cả bầy, chả hiểu sao bà ngoại nhè con lợn của thằng Ân mà xẻ thịt làm nó “rên như lợn”. Cậu chẳng quên mỗi ngày đi học về, nó lăn vào bếp, cứ ngỡ nó mò củ khoai, củ sắn nướng. Hóa ra nó tìm mẹ cháu để phụ sắn rau, sắt bèo hay nấu cám cho mấy chị lợn của nó. Vì mấy chị lợn sắp cấn đòi ăn sớm, cứ húc máng cồng cộc, kêu ủn ỉn trong chuồng. Sống mỗi người một nết, chết mỗi người một tật, cái tật của nó là trời mưa, khi không tha lợn ra tắm táp. Cứ theo bà ngoại thì gà, lợn sợ nước, chúng chỉ thích dầm mình vào trấu, bùn cho bẩn thêm thôi. Vì vậy các cụ ta dậy cấm chả sai bao giờ, ấy là “bẩn như lợn” chẳng ngoa là mấy. Bà lẵng nhẵng: “Dào! Mẹ bố thằng Ân gà tồ này lạ nhẩy”. Rồi bà dóng dả chúng mà gặp nước thì gà bị dù, lợn bị chột. Được thể bà nói đay, thế nào có ngày cứ đói rã họng, đến gộc tre cũng chả có mà ăn. Chưa hết, bà nhiếc nó chả được tích sự gì sất, đúng là đồ cám hấp. Chẳng được như thằng em hay thằng cậu nó, đúng là cái thằng “ngu như lợn”. Ngu đâu chẳng hay, ấy vậy mà con lợn nó dành nuôi từ lúc còn là con lợn sữa, cũng đẻ dược dăm lứa thành con nái, con sề thì bị bà ngả ra xẻ thịt cho mấy ngày tết. Mà cậu có thấy nó ngu như lợn hồi nào đâu để bà ngoại cứ đe nẹt nó mãi. Mà ở bẩn thì có, nhất nó.

Chiều 30 đón gia tiên, ông ngọai nghiêm trang vái một vái, rồi từ từ hạ chiếc nậm sứ nhỏ men rạn, rót ra chiếc chén bạch định mắt trâu. Sau đó là ông ngọai lúy túy với bữa rượu lòng lợn tiết canh của thằng Ân, trong khi thằng Ân cứ khóc ủn ỉn như lợn ấy.

Tối 30, bà ngọai lúi húi với ngọn lửa lom rom, tí tách. Bà chưng món gì đó trong cái niêu đất tròn như trái bưởi đào, để làm thêm đồ nhắm cho ông tiếp bạn trong những ngày đầu xuân, còn lại cả nhà ngồi bên bếp lửa canh nồi bánh chưng đợi Giao Thừa. Sáng mùng một là mâm cỗ lớn, có đủ giò, chả, ninh, bóng, mọc. Nhưng nói gì thì nói, cậu chỉ mong đến mồng bốn, ngày đón ông Táo, rồi hóa vàng, để ngong ngóng món khóai củ tỉ của cậu là món măng lưỡi trâu hầm với móng lợn, xương ống lợn. Còn thằng anh cháu, đến ngày này là quên tuốt con lợn bị ngả thịt, bị mẹ cháu củng vào đầu, nhiếc là tướng tá như trâu lăn. Mà cháu người gầy nhằng như dánh khoai vì khó nuôi, ốm đau liên miên, khóc suốt ngày đêm, trong khi ấy nó ngáy nghe như lợn ngáy. Trở lại ngày hóa vàng, ngoài món măng lưỡi trâu hầm với móng lợn, hai cậu cháu còn chén lòng dồi thả phanh. Riêng với chuyện ăn uống, nó đang ở tuổi ăn rộ, ăn thùng bất như thình. Nó như dành ăn với cậu cháu mình, khoắng một cái là nhẵn hai bát, cái bụng phưỡn ra như ông thần đất ấy. Rồi tếch ra hiên nhà, ngồi bệt xuống đất loay hoay với cái xương ống lợn, hít hà chút tủy ở bên trong hay mảnh thịt còn sót lại.

***

Ấy thế rồi khói lửa chiến tranh ập tới làng quê bé nhỏ ta, cả nhà về Nam Định ở số nhà 70 Phố Khách. Riêng chú tá điền tên Tuất ở lại trông coi vườn tược ruộng nương. Thời gian ở tỉnh Nam với phố phường gì cũng lạ. Cuối tuần thầy mẹ cháu dẫn cả nhà đi ăn bánh cuốn ở phố Vải Màn, nghe đâu gốc gác ở làng Kênh, nổi tiếng về nghề làm bánh cuốn. Cậu nghe lỗm bỗm bánh cuốn làng Kênh ăn đứt bánh cuốn Thanh Trì về độ mỏng, mịn và trắng, vì vậy mới có câu “Chổi Vĩnh Trường, bánh cuốn Kênh, tương Tức Mặc, rau muống Thượng Lồi”. Hoặc như bún chả Nam Thành của bà Lý Tư trước cửa nhà thờ Khoái Đồng, thường mười một giờ mới có. Chỉ mười xu một gắp chả quạt ướp với trứng, cuốn trong lá chuối xanh, với đầy đủ bún, rau muống chẻ, húng dũi, lại có cả đu đủ xanh ngâm dấm. Ăn xong thầy mẹ cháu thả cả ba xuống rạp Văn Hoa đường Pôn-Be, phát tiền đưa cậu làm đầu tầu. Hết chầu ci-nê-ma, cậu dẫn đi ăn lục tầu xá ở gần chợ Rồng, ghé phố Hàng Mã gần phố Hàng Xũ xem mấy ông tiến sĩ giấy, con giống xanh đỏ. Trên đường về nhà qua nhà thờ Khoái Đồng, dấu tích của những nhà truyền giáo để lại, vì cháu vòi vĩnh nên phải ghé Bến Ngự sông Vị Hòang gần đền Triều Châu xem bơi thuyền và câu cá. Cháu lúc nào cũng thế, chỉ thích rạm, cáy, tôm, cá với cá mè, cá trôi. Cha mẹ sinh con trời sinh tính nên khác hẳn với thằng Ân anh cháu…

Thế mà nghĩ cũng hay: Như thằng Ân anh cháu thích lợn chả nói làm gì. Còn như cậu đây, cậu chúa ghét lợn vì nó ở bẩn. Vậy mà cậu cứ dính đến lợn. Ngay cả đi bộ đội cũng thế, đúng là ghét của nào trời cho của ấy, cậu sẽ kể chuyện cho cháu nghe sau…

Lúc này mặt trận ở vùng quê đã nặng, đêm đêm ở tỉnh nghe tiếng cà-nông ì ầm xa xa vọng về, đồng bào bắt đầu rậm rịch chạy loạn. Đến cuối 53, bác Cả trai dẫn cậu theo gia đình cháu chuyển lên Hà Nội để thăm thú tình hình. Còn ông bà ngọai và gia đình bác Cả ở lại Nam Đính trông coi cơ ngơi và đợi tình hình biến chuyển. Những ngày ở đây tuy ngắn nhưng thật thú vị, có những chiều cả nhà kéo lên Hồ Tây ăn bánh tôm trên đường Cổ Ngư, mà sao hồi đó cậu khóai tỉ với nước sô-đa sủi bọt lăn tăn của hãng con Hổ đến thế. Nhắc đến con hổ, cậu lại nhớ đến con chó bẹc dê ở phố Trần Hưng Đạo để ra ga Hàng Cỏ, may nhờ chàng ngự lâm Ân tụt hậu hoa hoa mấy đường kiếm gỗ không thì toi đời. Thêm chuyện nữa, cháu còn nhớ nhà thờ cổ Nam Đính mà cậu cháu mình gọi là nhà thờ Khoái Đồng không. Đến khi cậu lấy vợ Nam Định, to cái đầu rồi cậu được mợ cho hay ây là nhà thờ Khói Đồng. Thêm nữa, lúc này cậu mới hay biết phố Khách Nam Định chỉ bằng con ngõ Hà Nội, phố Hàng Xũ thì ở đây họ gọi là phố Hàng Sũ và cũng bán quan tài như ở Nam Định.

Hà Nội hồi đó vì có nhiều gia đình đang kháo nhau sửa sọan ri cư, họ láo nháo bán nhà bán cửa. Được ít lâu bác Cả bàn với thầy mẹ cháu hãy để bác về lại Nam Định đón cả nhà lên Hà Nội rồi vào Nam. Lúc này, quân đội Pháp đã rút khỏi thị xã, dọc đường và trên các hè phố, những chiếc tăng-xê trú ẩn hình tròn được đào vội vã để tránh bom tránh đạn. Hàng ngày tiếng è è của máy bay trinh sát bà già quần trên đầu, tiếng ào ào của những chiếc B26 quần đảo phía bên kia sông Đào và phía ngòai biển. Nhưng thành Nam vẫn sinh họat tấp nập, dọc đường, nhất là khúc nhà thờ, người ta mang quần áo, đồ đạc ra bán chợ trời như chợ phiên. Bác Cả và cả nhà họp hành, bàn bạc dưới ánh sáng đỏ kệch của đèn dầu Hoa Kỳ, rồi ông bà ngọai dứt khóat không đi vì cơ ngơi, vì mồ mả tổ tiên. Nghỉ ngơi ít lâu, bác Cả gửi cậu theo người quen lên Hà Nội thì gia đình cháu đã xuống Hải Phòng rồi. Cậu khóc sướt mướt cả ngày hôm ấy. Thực tình mà nói, cậu cũng chẳng biết Sài Gòn ở đâu, mà chỉ nhớ thằng Ân và cháu. Tan đàn xẻ nghé, cuối cùng cậu không biết làm sao hơn là lần mò một mình về lại Nam Định.

Sau 54, cả gia đình mình xuống dốc không “phanh”, kinh tế từ ông bà ngọai đến hai bác Cả thì dăm bữa cứ phải chạy qua xóm giềng láng tỏi vay mượn khi bị gạo, đấu cám lợn. Vì vậy để thêm thu hoạch, ông ngọai mầy mò làm đèn xếp, đèn quả, đưa cho cậu đi bỏ mối. Trăm dâu đổ đầu tằm, cậu tất bật sáng đi học, chiều về lo đi giao hàng, kín nước cho cả nhà, phải gánh lên tầng hai. Nhưng ngại nhất là phải xếp hàng chờ ở máy nước đầu phố Hàng Xũ, hay máy nước ở đình Hội Quản. Lúc này cậu mới thấy thấm câu giầu con út, khó con út. Hồi cải cách ruộng đất, những người nhiều ruộng, lắm đất đều bị quy vào địa chủ. Đến thời hợp tác xã, đều phải góp ruộng vào làm ăn tập thể. Nhưng may khéo là may, chú Tuất tá điền nhà ta hình như có chức phận gì đó, nên giữ được một ít đất đai vườn tược cho ông bà ngọai. Đầu năm 59, cá đuối đắm vì con nên ông bà ngọai quyết định bán phần đất hương hỏa ấy đi, dành dụm tiền để cậu lên Hà Nội học nghề. Cái khó nó bó cái khôn, đến giữa năm ông ngọai mất và ông được an táng ở nghĩa trang Cánh Phượng, ngoài thành Nam.

Năm 1964 cậu tốt nghiệp và được thi công về khu mỏ Hòn Gai. Được mấy năm, cậu xin đi học chuyên ngành than đá ở Vân Nam, nhưng bị đình lại vì Trung Quốc đang có đại cách mạng văn hóa, nên nghiên cứu sinh không quá cảnh được. Cậu đang đợi cơ may khác, cậu đành đợi cái gì đến sẽ đến, và chỉ cầu mong sau này cũng an phận ở đâu đó cùng những đổi thay của đất nước và con người. Đùng một cái, chiến sự cực kỳ ác liệt ở trong Nam, thế là tình hình đẩy đưa cậu vào bộ đội.

***

Sau mấy tháng quân trường học tập điều quân, cậu được nhập vào sư đòan 316 và lên đường vào chiến trường B dài, tuyến Bình Dương. Lúc đó cậu nhớ đến con anh Đòan Chuẩn với chiêu hồi, chiêu đãi gì gì đó, lòng dạ cậu lại rối như tơ vò, chả biết tính sao cho phải nhẽ. Thì trên đường di chuyển qua trung Lào bị B52 chà xát, sư đòan cậu bị tổn thất khá nặng nên rút về Nghệ An rèn cán chỉnh quân và cơ bản là phòng thủ vùng bên này sông Bến Hải. Nói cho ngay, ở đơn vị hậu cần, vì có văn hóa, cậu chỉ làm thơ suông, làm báo cùi, để có chút gạo, đường cải thiện nên cậu chả biết chuyện đánh đấm gì sốt cả. Nói dối phải tội chứ ngay cả lên cơ bẩm, kéo cái cần “quy-lát” của khẩu AK 47 nặng như cái búa tạ cậu còn thở bở hơi tai nữa là.

Đến khoảng cuối năm 74, một bộ phận sư đòan 316 cậu được lệnh điều động qua phía tây Thừa Thiên, giáp Huế giúp đỡ đồng bào trong vùng vừa được giải phóng. Nghe tin trong lòng cậu cũng phấn khởi vì yên chí như vậy thì chiến tranh có khả năng sắp chấm dứt, gia đình mình sẽ đòan tụ một ngày không xa.

Vừa đến nơi được lệnh vào cánh rừng Đồng Lâm ẩn nấp chờ lệnh mới, gặp mùa mưa dầm dề cả ngày cả đêm, ngập đường ngập đất, ngập cả hầm giao thông hào với hầm trú ẩn. Gạo và củi bị ẩm ướt, ẩm mốc không nấu nướng gì được sốt cả, phải nhai sống từng ôm rau môn, rau tai voi gần một tuần lễ nên ai nấy người cứ thủng ra. Lúc này cậu mới học được câu nói ở trong này là mưa thối trời thối đất chẳng ngoa tí nào. Thế nhưng không, đùng một cái, vào một bữa vào giấc trưa, trời đổ mưa rào, lúc đầu ào ào, sau lúc khoan lúc nhặt. Rồi bất thình lình tạnh mưa, vừa lúc nắng lên, nắng oai oải, thì có lệnh khẩn trương rút về bên kia Bến Hải.

Vừa kéo quân ra đến bìa rừng, đơn vị cậu phát hiện một đám lính trong này đi ngang qua, họ thả bộ không đội ngũ, súng vác vai. Gã chính trị viên và cậu dùng ống nhòm dòm kỹ toán quân này để điều nghiên trận địa. Và thấy họ vừa đi vừa nói chuyện inh ỏi, vừa ca hát vang trời, lại có người vác cả đài trên vai nghe nhạc vàng nữa. Ngộ nghĩnh hơn nữa có anh lính nắm giây thừng kéo cả con lợn theo. Sau này về lại Nghệ An dưỡng thương, học tập rút tỉa ưu khuyết điểm chiến trường, cậu mới biết họ ở trung đội 2 thuộc liên đội địa phương quân. Trước kia thời Tây ngoài Bắc mình gọi họ là lính “pạc-ti-dăng” nhưng cơ bản điều quân như bộ binh. Cũng nhờ đó cậu mới biết họ đang bỏ đồn bót rút về tỉnh vì thời cuộc lúc ấy không thuận lợi cho việc giữ cầu gác chợ nữa.

Trở lại lúc ấy gã chính trị viên vỗ vai cậu chỉ con lợn và gật đầu tắp lự.

Cũng trở lại khúc trên cậu đã ba điều bốn chuyện với cháu là cậu chúa ghét lợn vậy mà cứ dính đến lợn. Ngay cả đi bộ đội cũng thế. Chưa hết, hồi ở Nghệ An điều cán chỉnh quân, bên phía cậu sưu tra đội ngũ và thông suốt cả tên tuổi, khả năng cấp chỉ huy của liên đội địa phương quân trên nữa kìa. Riêng cậu còn xác minh con lợn kia không phải lợn nhà mà là lợn mọi, vì nó khôn ngoan hơn cả con vện, con mực nữa. Sau đấy cậu cứ tiếc hùi hụi không có cơ hội vác một con lợn rừng về quê nuôi làm cảnh.

Sau cái vỗ vai của gã chính trị viên, cậu hiểu ý đồ gã muốn xua quân quần thảo một trận mong bắt…con lợn làm thịt để bồi dưỡng. Cậu nói với gã là sắp về hậu phương bồi dưỡng, nay vì con lợn mà đánh nhau, thể nào cũng toi dăm mạng chẳng bõ nhét răng.

Không trả lời cậu, chẳng nói chẳng rằng gã gọi K trưởng và hai anh chiến sĩ nuôi quân nhỏ to gì ấy cậu chẳng hay. Bất thình lình K trưởng của cậu phất tay ra hiệu lệnh cho lính bung ra. Thế là lính bên cậu cứ như từ dưới đất chui lên, từ trên trời nhẩy xuống, bổ nhào vào đánh giáp la cà, la hét vang trời “Hàng sống chống chết… Hàng sống chống chết…” và bắn xối xả, cả bìa rừng náo lọan như bị nhồi vào giữa cơn lốc. Lúc đầu, lính bên cậu bị mất chủ động vì chưa phát huy đánh bộ, lính phần nhiều là lính mới 15, 16 tuổi, ngơ ngáo lần đầu ra trận như cậu vậy. Nhưng một lúc lâu sau lính bên cậu trấn áp phía bên họ thấy rõ vì đông quân số và súng đạn hơn. Mặc dầu họ bị bất ngờ nên nháo nhào, nhưng cũng phải công nhận họ phản ứng nhanh và khá thành thạo. Chẳng may mới nhập trận, K trưởng của cậu đã bị tử thương, nhưng đến quá trưa thì họ gần như bị tiêu diệt tòan bộ, số nhỏ còn lại buông súng đầu hàng.

Sau chiến thắng đến không ngờ, gã chính trị viên và cậu, người đầy bùn và đất vàng khé, đầu không mũ, chân tập tễnh kiểm tra trận địa đang sặc mùi thuốc súng. Thấy con lợn đang kêu eng éc bị chọc tiết. Hai anh nuôi bỏ cả súng, tượng gạo, bình tông, nhào tới nhanh như chớp dùng tay không để túm tó con lợn.

Đột dưng có anh thương binh nọ, áo đẫm máu, tay này cầm giây thừng buộc cổ lợn, tay kia cầm súng nhỏm dậy nhắm ngay hai anh nuôi lia một tràng ròn rã. Hai anh này vừa chộp được con lợn, đang ôm khít khìn khịt, bật ra như cây bị đốn ngã vật xuống chết tươi. Cậu vừa bàng hoàng những gì xảy ra nhanh như điện xẹt trước mắt. Thì gã chính trị viên, cậu biết gã này máu và khủng lắm, y như rằng…gã cáu tiết ra lệnh tiêu diệt hết những tù binh và thương binh còn lại. Tiếng súng nổ đì đạch rời rạc trong khoảng không, tiếng lưỡi lê, mã tấu đâm, chém từng nhát vào da thịt người, tiếng rên la thảm thiết, vang dội cả một góc rừng. Một lát sau, đất trời trở lại ắng lặng và đầy thê lương ảm đạm, chỉ có tiếng rì rào của những đám cỏ lau và cứ theo cậu đoán chừng thì không một ai sống sót. Tuyệt nhiên không còn một ai.

Chiến trường im tiếng súng…Vì tò mò cậu khập khiễng đến gần xác anh lính có con lợn. Anh ta chết nằm sấp, mặt úp xuống mớ lá rừng, hai tay vươn lên ôm mặt đất như bấu víu. Ánh nắng xế trưa xuyên qua tàng cây những tia nắng dài. Một vệt nắng ánh lên vết thương bị mã tấu chém dài loằng ngoằng, máu đông lại nổi cộm như con giun đất. Một vệt nắng khác chiếu vào mặt kính cái đồng hồ. Cậu như hoa mắt, đầu óc cậu rỗng rễnh thế nào ấy, chả hiểu nghĩ sao, cậu cúi xuống tháo nó ra kín đáo bỏ vào túi.

Chẳng nói cháu cũng hiểu dùm cậu là cái khó nó bó cái khôn, sống trong hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn mọi thứ ở miên Bắc nên cái gì của ngoại cũng thèm thuồng. Thêm nữa với đồng hồ chỉ cấp K trưởng trở lên mới có. Vì vậy trước khi nhét vào túi quần, cậu lén nhìn đồng hồ ghi thương hiệu Seiko và đập vào mắt cậu cái cửa sổ của đồng hồ…

Cậu nhớ rõ mồn hôm ấy là ngày 17.

Cậu lại khập khiễng tới gốc cây xem vết thương nhẹ ở chân. Chả dấu gì, đây là lần đầu tiên cậu dự kiến chiến trận mới biết thế nào là bắn giết nhau. Cậu không thể hình dung chiến tranh khốc liệt và tàn bạo đến như vậy. Ngồi thừ ra một mình, cậu đâm ra nghĩ quẩn và cứ ân hận mãi nếu mà…Nếu mà cậu nói với gã chính trị viên một vài tiếng thì anh lính ấy đã không chết. Dẫu gì cậu cũng ở một tổ với gã, cậu biết gã thích cậu vì cậu có văn hóa, làm thơ, làm báo. Và cậu tự anh ủi anh lính ấy chết vì vắn số. Vậy thôi. Đang nghĩ ngợi thế đấy, thế mà có anh bộ đội lớn tiếng hát nghêu ngao: Anh ở miền Bắc, nơi con sông Hồng chẩy vào đất Việt….Anh vào đây…

        ***

Sau tuần an dưỡng ở Nghệ An, cậu xuất viện được phục viên. Về quê ăn không ngồi rồi vì làm gì có việc dóng ra, dóng vào, đầu óc cứ mụ mị đi. Ngày ngày cậu đạp xe nhì nhằng, loanh quanh trong làng, nhắm khi cậu lễnh đễnh lên Nam Định vừa thăm cái Gái, vừa theo dõi tin tức chiến trường trong Nam. Sau trận Buôn Mê Thuột, lính cơ động phòng thủ làm một áp-phích lớn vẽ bản đồ những tỉnh miền Nam ngay cổng ra vào. Mỗi khi được tin giải phóng thêm tỉnh nào lập tức được ghim một lá cờ đỏ sao vàng. Cháu không hay đấy chứ, chứ trưa cái ngày ba mươi tháng bốn…cái Gái, con bác Cả hay leo cây hái ổi, hái nhãn với cậu cháu mình ấy mà. Nó kể đang phòng thủ ở khẩu đội phòng không bảo vệ Nam Định nghe tiếng loa qua đài: “Bộ đội ta vào tới Sài Gòn rồi…”.

Vậy là ngày ba mươi tháng bốn đất nước mình thống nhất. Cậu quýnh quáng vui mừng khôn tả vì sẽ gặp lại những người thân sau bao năm xa cách. Gân cuối năm bác Cả động viên cậu vào Nam tìm gia đình cháu càng sớm càng hay vì nghe nói bố mẹ cháu đang hoàn cảnh lắm. Chuyện này chẳng qua nghe đài phát sóng thông tin miền Nam đang đói kém. Bác Cả nghe sốt cả ruột gan, lúc này cũng phải nhúc nhắc thôi, chứ bố mẹ cháu sống bữa đói bữa no như thế bao giờ mới mọc mũi sủi tăm lên được. Bác Cả tính toán thế cũng phải. Thế là cậu và mợ săng sái đi thăm gia đình cháu xem kinh tế khó khăn thế nào. Vì cậu đã kinh qua ở miền Bắc nên vào giúp bố mẹ cháu ắt cũng khá hơn. Nói thì nói vậy nhưng trong túi cậu chẳng có xu-teng nào nên phải bán cái xe đạp cà tàng vẫn chưa đủ, vì vậy bác Cả đưa thêm ít tiền dằn túi. Còn cái Gái lo phần dấm dúi cho bố mẹ cháu một tay nải gạo, ký đường cát, chồng bát sành để làm quà.

Nhờ quan hệ với ông K trưởng cũ, người mà lúc trước kia thích món mắm cáy của bà ngoại ấy mà, cậu được ông ta gửi quá giang xe tải Molotova. Xe qua cầu Hiền Lương, đường sá bị bóc từng tảng, nhà cửa, chợ búa tan hoang, còn lại chỉ là vết tích của chiến tranh. Miền Trung như vậy thì miền Nam chắc chắn khốn khổ khốn nạn hơn nhiều vì chiến tranh do đế quốc Mỹ để lại. Trên đường cậu thấy nhiều cán binh đi B dài nay ngược về Bắc với nước da sốt rét bợt bạt, áo quần bèo nhèo. Trên ba lô, khung xe đạp vắt vẻo lỉnh kỉnh búp bê tóc vàng tóc nâu, tay còn tay mất. Tất cả chỉ có thế, những thứ quá nghèo nàn, trông vừa thương vừa tội. Nhưng ngay chính bản thân cậu, cậu cũng muốn có nhăm thứ như vậy, nhưng ước gì lành lặn hơn, để làm quà cho đám con của cháu, cho mấy đứa con của thằng Ân.

Vào đến Nha Trang, cậu nỏ mắt ra nhìn đường phố, xe cộ nhan nhãn như mắc cửi trong buổi tan tầm. Theo cậu hơn hẳn Hà Nội nhiều, nói gì đến Sài Gòn Hòn Ngọc Viễn Đông mà cậu chỉ biết qua sách vở khi còn đi học. Bấy giờ cậu mới mở mắt ra, cứ nghe họ tuyên truyền thì cứ đổ thóc giống ra mà ăn. Chỉ quấy quả một nhẽ là độ rày cậu không được khỏe cho mấy, lại bị thương thành tật ở chân nên đi đường cứ hốc ra, phải nằm lại đây, tính thư giãn nhăm bữa rồi xuôi Nam. Bất ngờ gặp đồng hương đồng khói là chú Tuất, chú tá điền nhà ta hồi trước, nay chú ấy là cán bộ công quản nhà nước cũng vừa từ Sài Gòn ra công tác. Vui đâu chưa thấy đã thấy chuyện buồn, số là nghe lỗm bỗm chú ấy thông tin gia cảnh của thằng Ân làm cậu buồn quá. Cái vui không cõng nổi cái buồn, nên lòng dạ chẳng thiết tha gì đến chuyện vào Sài Gòn nữa. Cậu và mợ nhất trí ở lại. Chồng bát đĩa với những xót xa đành vất xó, tâm trạng của cậu là cái tâm trạng đường đi không đến. Cậu dặn dò chú ấy đừng cho ai trong gia đình mình biết, xem như không gặp cậu ở đây. Không nói cháu cũng hay, chú Tuất là người thuần hậu ít thấy, trong thời buổi bao cấp, đại gia đình ta gượng dậy được là cũng nhờ tay chú ấy.

Năm 1988, chú Tuất điện cho hay mẹ cháu hấp hối, cậu một mình vào Sài Gòn. Cậu có nhiều chuyến đi vội vã, nhưng chưa lần nào với những nỗi canh cánh bên lòng như lần này. Y như có linh tính từ trước, cậu đến nơi không còn kịp nữa. Chả dấu gì cháu vì những ngổn ngang trăm bề chẳng dám thổ lộ với ai. Vì vậy cậu cứ chịu trận ngồi thì lì một chỗ ở cái quán nước trước cửa nhà bố mẹ cháu, với những canh cánh bên lòng bấy lâu nay từ ngày gặp chú Tuất ở Nha Trang năm nào với chuyện sống để bụng chết mang theo…Cứ vậy với dằng co níu kéo, nửa muốn nửa không, để rồi cậu không có can đảm, không dám vào nhà để bái tạ, để gặp chị mình lần cuối…Sau đó cậu nhờ chú Tuất chạy đi mua ít hoa quả nhang đèn và kín đáo thay mặt cậu viếng mẹ cháu.

Từ quán nước đối diện nhà cháu nhìn qua bên kia đường. Cậu cố gắng nhìn qua nhang đèn hương khói nhưng vẫn không thấy rõ khung hình mẹ cháu đặt trên cỗ áo quan ngay giữa nhà. Mà chỉ thấy thầy bố cháu và cháu đi đi lại lại tiếp khách. Và cậu cứ tư duy mãi với vật đổi sao rời, người mất người còn. Người mất như mẹ cháu như cái phúc cái phần, người còn lại cũng đã có nhiều thay đổi về hình hài, như với cháu thực tình cậu nhận không ra, ba mươi tư năm rồi chứ ít ỏi gì. Cậu bắt gặp mấy thằng con cháu đeo khăn vàng, mặt mày ngơ ngác, hình như cũng trạc tuổi với mấy cậu cháu mình ngày nào ở Ân Phú. Cậu lại bồi hồi đến sự tần tảo, thương yêu chăm sóc của mẹ cháu với cậu. Cậu cũng không quên chính sự dữ đòn của mẹ cháu với cậu hồi nhỏ, như lười học để bị ăn thước kẻ vào lòng bàn tay, mà nay cậu đã nên người. Với mẹ cháu, ngay cả cho đến lúc ấy, ngồi ở quán bên này đường, trong đục đầy vơi với âm dương cách trở, lúc nào cậu cũng là thằng em bé bỏng và nhút nhát của chị mình.

Đến quá chiều chú Tuất dẫn cậu đi ăn gần đấy. Cậu cắm cúi và cơm như trâu cày liếm mạ. Tự dưng, những ý nghĩ mơ hồ hiện về từ trong cậu…cậu chỉ mong qua cơn mưa lúc khoan lúc nhặt. Mà lúc này thì trời oi bức quá, cái quạt con cóc của quán xá kêu “còng cọc…còng cọc…”. Từ cơn mưa tưởng tượng trong cậu lúc ào ào như trời đổ mưa rào đẩy đưa qua một hình ảnh khác. Tất cả thẩy chồng chéo, lộn xộn trong cậu trộn lẫn với con lợn và sợi giây thừng. Tối về ngồi lại chỗ cũ. Bên kia đường, văng vẳng tiếng tụng kinh gõ mõ từ cái máy hát vọng qua bên này, lòng cậu chùng xuống, cậu muốn bước qua bên kia đường. Nhưng sau đó, tiếng phường bát âm đứt quãng như cản cậu lại, cậu nghe tiếng kèn như tiếng con tò he nghe rền rĩ mà mẹ cháu mua cho cậu ở chợ Viềng trong ngày giáp Tết. Khuya, cậu tới nhà chú Tuất ngủ qua đêm.

Mười giờ sáng hôm sau ngồi nấp sau xe Honda của chú ấy để đưa mẹ cháu ra nghĩa trang. Một mình tựa dưới gốc cây tự đằng xa, cậu vẩn vơ ước vọng một ngày nào đó, mặc dù cậu tự biết chẳng bao giờ thành tựu. Là cái lúc cả hai có tuổi, cậu cháu mình sẽ đưa mẹ cháu và thằng Ân về nghĩa trang Cánh Phượng để gần ông bà. Để cậu cháu mình có dịp sống lại một khoảng thời gian nào đấy những ngày tháng xưa cũ ở Ân Phú.

Cứ lẩn thẩn vậy mãi, cho đến quá trưa mọi người về hết. Cậu nhờ chú Tuất đi tìm mộ thằng Ân, thằng anh cháu đang nằm ở đâu đây. Trong khi đợi chú Tuất, cậu ngồi xuống gốc cây. Dáng dấp cây cỏ, những tia nắng trưa xuyên qua tàng cây những vệt dài. Tất cả như có gì quen thuộc của quá vãng đẩy đưa, đưa đẩy. Cậu bàng hoàng nhìn cái đồng hồ Seiko đeo ở cổ tay mà cậu đã lấy được từ anh lính dắt con lợn bằng cái giây thừng. Cậu chẳng nhìn cái cửa sổ xem ngày, vệt nắng sế trưa của ngày nào năm ấy như còn đọng trên mặt kính óng ánh…Nhắc cậu nhớ rõ mồn hôm ấy là ngày 17.

Cậu đã đến một nơi muốn đến, nhưng đường đi không đến. Đến đây cậu nghĩ cháu đã đóan chừng ra một phần nào câu chuyện qua cái thư này. Vì cậu đã gặp lại thằng Ân một lần. Một lần duy nhất và không bao giờ gặp lại nữa ở cánh rừng Đồng Lâm:

Ngày 17 tháng 11 năm 1974.

Cậu,

(ký tên)

***

Nắng đã tắt từ hồi nào, điếu thuốc đã tàn lụi từ lâu…Những Nam Định, những Hà Nội, những Sài Gòn đang theo ông anh vợ trên đường về nhà. Người viết cũng vào nhà quay quả cùng ngày trời tháng Bụt, ngồi xuống bàn gõ qua mõ sớm sương chiều, như một thói quen một ngày như mọi ngày là bật cái máy hát. Qua những giây phút bất chợt lắng đọng của cảm hoài, cảm tác trải dài qua chữ nghĩa, rồi bài viết cũng xong. Nhìn cái thư của ông cậu vợ vẫn còn đấy, dòng nhạc Tôi sẽ đi thăm của người làm nhạc họ Trịnh vẫn văng vẳng còn kia…Thêm một lần, người viết đành vay mượn âm hưởng một thời, một thưở để kết từ cho bài viết này…

“…Khi đất nước tôi không còn chiến tranh, tôi sẽ đi thăm, tôi sẽ đi thăm bạn bè dăm đứa còn xanh nấm mồ. Khi đất nước tôi không còn giết nhau, trẻ con đi hát đồng dao ngòai đường. Khi đất nước tôi thanh bình, tôi sẽ đi không ngừng, Sài Gòn ra Trung, Hà Nội vô Nam, tôi đi chung cuộc mừng và mong sẽ quên chuyện non nước mình…”.

Trúc Gia Trang                                                                                                                                                                            

Phí Ngọc Hùng

 

Nguồn:

Người viết ăn mày chữ nghĩa đắp chỗ này một đoạn, chỗ kia một khúc từ mội, hai tác giả nhưng người viết vô tình đã không lưu lại danh tính…

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search