T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng: Khoả thân ngồi

Nu Assis – Tranh: Pablo Picasso (1905)

Từ phòng triển lãm về, lẽo đẽo bám theo ông là những bức tranh trừu tượng đầy ”ấn tượng” ngập ngụa màu sắc chồng lên nhau, dầy như bức phù diêu nơi đình chùa. Nhiều tên của hoạ phẩm còn hình tượng hơn cả tác phẩm nữa, ấy là chưa kể khung còn đẹp hơn tranh!

Ông, một người Hà Nội 54 còn rơi rớt lại nhằm vào thiên niên kỷ 21, Sài Gòn nóng như lò bễ, vậy mà về đến nhà, đầu vẫn đội mũ nồi, miệng ngậm tẩu thuốc. Ông thong thả ngắm những bức tranh thửa được trên hè phố đường Tự Do xưa cũ. Những họa phẩm ông có bấy lâu nay thường là tranh tĩnh vật và phải có tên tác giả. Bởi ông tậu những tác phẩm này với ý đồ khi nào tác giả về với thiên thu vạn cổ thì ông…”lạc bất khả ngôn”, trộm vía tác giả là sướng không nói được, để ông cơi lên căn gác xép làm xưởng vẽ.

Với ông những bức tranh này đây như tĩnh vật, với cảm nhận, “cảm giác” của ông tranh tĩnh lặng nhưng vật thì không. Trong trống không, ông ngẫn ngẫn ra tranh làm căn nhà ấm cúng hẳn lên nhưng lạnh lẽo sao ấy! Dường như thiếu vắng một nỗi gì?! Một nỗi niềm gì ư!

Bất giác ông âm ử bài cổ thi của một họa sĩ thời danh đã đi vào thiên cổ (1):

Khi ta vẽ trừu tượng

Cái đầu ta hiện thực

Khi ta vẽ hiện thực

Cái đầu ta trừu tượng

Khi ta vẽ em

Đầu ta bay đâu mất

Vừa lúc bước tới cái ghế, ngồi xuống, dàng dênh thế nào chả biết nữa với cái đầu ta trừu tượng, khi ta vẽ em, Ông buôn tình mở máy vi tính và vướng vào mắt ông bài viết…

Chuyện của người mẫu nude

(…) Chị Mai là người kiếm sống bằng nghề làm mẫu nude cho sinh viên mỹ thuật. Một nghề theo chị là dám cởi quần áo trước hàng chục cặp mắt và vượt qua được những dị nghị của người đời. Chị giải thích: “Mẫu chúng tôi hầu hết đều có gia đình, thường phải giấu chồng. Chẳng có ông chồng nào chịu để vợ khoe thân trước mặt người khác, dù biết là chúng tôi không làm gì bậy bạ. Nếu ai đó có chồng biết được, chắc cũng vì bất đắc dĩ mà “bị lộ’ thôi”.

Chị Quế cũng là mẫu nude rơi vào cảnh “giấu chồng không nổi”. Chị vốn làm nghề thu mua đồng nát. Chị ngạc nhiên khi thấy chị bạn thuê chung phòng chỉ tay không ra khỏi nhà. Sau chị này mới rủ chị Quế cùng làm mẫu nude như mình. Mới được ba tháng, chị bị chồng phát hiện sau khi một sinh viên cùng làng, học trường mỹ thuật nhìn thấy chị ngồi làm mẫu. Khi được hỏi: Chồng chị phản ứng thế nào khi biết chuyện? Chị gay gắt, bằng chất giọng đặc trưng của quê mình: Phản ứng cái gì? “Nàm” mẫu “luy” thì có gì là xấu? Nhưng rồi chị hạ giọng: Mỗi lần nhớ lại ngày đầu, khi đã “cởi tất”, “cởi toàn bộ”…là em lại nổi hết da gà. (…)

Ông thừ người ra với không làm gì bậy bạ đến cởi toàn bộ…Hốt nhiên cái đầu bật ra ý tưởng hết sức siêu thực: “Hay là…”. Thế là ông bốc điện thoại gọi vào trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định cũ mà nay gọi là trường Đại học Mỳ thuật thành phố Sài Gòn. Ông ngập ngừng:

– Tôi về hưu nên mới trở lại với hội họa, không phải là họa sĩ chuyên nghiệp hay học vẽ từ trường sở, nhưng tôi đến với hội họa vì đam mê. Bà ở trường dậy vẽ chắc bà hiểu.

Chả cần bà thư ký phòng nhân viên có hiểu cho hay chăng? Ông cứ ăn mặn nói ngay hơn ăn chay nói dối với bà rằng trong giới họa sĩ với nhau, để chê bai một người nào đó, dù người đó là một họa sĩ tài năng, một số người sẽ nói: “Hắn có học ở trường mỹ thuật nào đâu! Hắn là dân “ngoại”. Họ quên Van Gogh, Gauguin, Balthus cũng vậy, có điều cả ba danh hoạ đây đều am hiểu hội họa. Chưa một danh họa nào từ Monet, Manet đến Dali, Klee lại không tường tận tay nghề của họ. Ông óc ách thêm chỉ vẽ vài bức sẽ giúp ông làm quen lại với hình tượng, hình thể…Bỗng ông nghe tiếng mở cửa cái “cách”, bà ta nói vọng ra rõ to: “May quá, cô mới đến”.

Âm ỉ một hồi lâu, như “Ciné thùng”, trong ông hiện ra đoạn phim đen trắng 8mm : Số là nhà ông ở phố Chợ Đuổi, ông say mê truyện tranh Cao bồi Hà Nội của họa sĩ Mạnh Quỳnh ở tiệm sách Văn Chương cách nhà ông nhăm bước. Thế là ông đòi đi học vẽ. Ngồi trong “xưởng vẽ” của họa sĩ Mạnh Quỳnh, ông lóay nhóay với cục than bằng đầu đũa, với ngón tay cái làm thước ngắm…Ngắm người mẫu là bức tượng khỏa thân “nặn” bằng vôi bột. Đụng năm 54, ông bỏ lại bức tượng khỏa thân có hai cánh tay cụt ngủn như con “kiwi” cánh ngắn, đuôi cụt. Di cư vào Nam, nhè vào cái tuổi nhầng nhầng, ông cũng lớ ngớ mò tới xưởng vẽ của họa sĩ Thịnh Del nằm trên đuờng Phan Thanh Giản gần chợ Vườn Chuối để học vẽ tranh khỏa thân. Đang vẫn với cục than, với ngón tay cái làm thước ngắm…thì bị cảnh sát thời cụ Diệm ập tới vì tội vi phạm thuần phong mỹ tục, thế nên nghiệp dĩ của ông trở thành nghiệp dư!

Đang lêu bêu đến đây, có tiếng “A lô…A lô” bên kia đầu giây. Ông khẽ khọt chuyện cũ:

– Chẳng dấu gì bà, tôi muốn vẽ lại bức tranh Khỏa thân ngồi (2) của Picasso vẽ năm 1907, mà bạn ông là nhà thơ Max Jacob trông thấy bức tranh đầy mầu sắc và đã hỏi: “Anh vẽ cái của nợ gì thế? “ Họa sĩ Picasso trả lời ngắn gọn: “Nếu yêu thì anh sẽ hiểu”.

Tiếp, ông khoe mẽ nhà ông có mấy bức tranh tĩnh vật, ông bắt qua Cézanne thành danh với những tranh tĩnh vật trái táo. Chính bút pháp, phong cách ấy khởi nguồn trường phái lập thể ra đời bởi Braque và Picasso. Ông không quên phác họa với bà thời kỳ này, Picasso đang chịu ảnh hưởng hội họa thời kỳ Phục Hưng của Ý, thế nên ông cần một người mẫu ngực to, mông lớn như bức Venus and Adonis. Bà cho ông hay hiện có cô người mẫu mới vào văn phòng ngay đây, rồi ghi địa chỉ ông, bà sẽ gửi người mẫu đến nhà ông ngay bây giờ.

Vậy là xong, ông thở ra cái phào vì may quá không phải gánh bùn sang ao với bà ta, với định nghĩa hội hoạ là gì? Bởi theo bài bản: ”Một bức tranh là tập hợp của đường nét và màu sắc trên một mặt phẳng theo một trật tự hay hòa hợp nhất định”. Ấy là chưa nói đến những gì mà tranh chuyển tải, nó là tập hợp của đường nét và màu sắc mà họa sĩ dàn trải như thế nào?”. Thí dụ một họa sĩ cho thấy một chân dung bằng than chì do anh ta vẽ, với người thường thì đã là “xuất thần” lắm rồi. Nhưng với người đã từng xem những bản phác hoạ của Fragonard thì bức tranh vẽ chì kia đầy tính trường ốc và chẳng nói lên cái gì là tài hoa cả!

Nhưng vẫn chưa xong, vì ông đang lẫm đẫm rằng với nhà văn có văn phong, hoạ sĩ cần có phong cách từ những động tác ngúc ngắc cái đầu, ve ve con mắt, đi, đứng, v…v…Ông lậm với bài viết về bức tranh “Khỏa thân ngồi” của Picasso mà ông tụng gân như thuộc lòng, để mai này ông có dịp “thao tác” một phong cách như một họa sĩ nhà nghề. Ấy là trong bài viết…

Fernande Olivier, người đàn bà đi qua đời R.Ruiz

(…) Picasso sống vất vưởng tại xóm Montmartre với đói và rét. Vào năm 1907, một sự kiện đột biến đã làm thay đổi toàn bộ cuộc sống nội tâm của ông. Trong khi ông lom khom đưa bình hứng nước, nước bắn tung toé xuống đường, dội ngược lên, làm ướt gấu váy và đôi chân Fernande vừa đi qua. Nàng nhìn ông và mỉm cười. Ấp a ấp úng mãi ông mới cất tiếng được:

– Cô đến thăm xưởng vẽ của tôi được chứ?

– Vâng, tôi sẽ đến.

Ông vẽ nàng, ông lim dim đôi mắt, nghiêng đầu sang trái rồi qua phải, lùi lại ngắm thật kỹ dáng người thiếu nữ ngực trần đang ngồi xuôi tay, trông thảng thốt, bàng hoàng, đôi mắt nâu mở to sợ hãi, dáng vẻ làm như…bất ngờ bị một gã đàn ông xa lạ xô cửa, xông vào lúc mình không còn mảnh vải che thân. Thân hình cô gái đầy đặn với làn da trắng nhễ nhại toát ra vẻ mơ hồ kỳ lạ. Gò ngực cao đang phập phồng qua làn khói thuốc mờ mờ trước mặt ông. Ông nhìn vùng ngực cô gái đầy khích động và nhích từng bước chậm chạp, người ngả về phía trước như ôm cô gái, cánh tay phải run run đưa lên trong trạng thái vô thức rồi ngập ngừng. Ánh mắt cô gái trở nên kinh hoàng tột độ. Picasso không nhìn đôi mắt mở to hoảng sợ. Gò ngực mới nhú quyến rũ lạ thường. Từng bước, từng bức, Picasso đưa tay phải lên, qua bức tranh ông chấm vào bộ ngực non tơ màu hồng nhạt. Và cứ thế, cho đến chiều tối mịt, hết điếu thuốc này đến điếu thuốc khác đỏ rực. Picasso tiến tới, trở lui, đi qua, đi lại, ngắm nghía trước giá vẽ như không chán. Đồng hồ điểm một giờ sáng. Picasso ngã vật người ra chiếc ghế bố, thở hổn hển. Bức tranh hoàn tất, trác tuyệt trong không gian màu sác. Ánh đèn chiếu vào bốn góc của khung vải. Nơi đó, màu đỏ gạch âm ỉ sức nóng, lan nhẹ vào thân thể màu xanh lạnh lẽo.

Những người đàn bà đi qua đời ông, như Fernande Olivier, tên tuổi họ gắn liền với Pablo Picasso mãi mãi. Các tác phẩm bất hủ của ông đã đống góp những giá trị to lớn cho nền nghệ thuật của nhân loại… Và từ đó về sau ông bắt đầu ký tên của dòng họ mình là R.Ruiz.” (,,,).

Thoáng với Fernande trước là người mẫu, sau là người tình. Trong ông đang hình thành một bức tranh cho riêng ông. Nếu như lão ngộ chữ, Ngộ Không bạn ông rỗi hơi viết truyện ông với cô người mẫu giống Picasso với Fernande thì hay biết mấy. Lụi đụi qua R.Ruiz với Ruiz Blasco là tên của ông bố nhà danh hoạ. Khi hoàn tất xong bức hoạ, ông sẽ ký tên tác giả bức tranh với tên cúng cơm của bà cụ thân sinh ra ông. Họ ông thì đông như nêm cối. Thợ rèn có đe, ông nghè có bút, ông sẽ búi bấn lão ngộ chữ, Ngộ Không gọt chữ đẽo câu khúc kết của một chuyện tình có hậu. Về sau này nhà danh hoạ bắt đầu ký tên của dòng họ là: Nguyễn

Chưa xong một tẩu thuốc thì người mẫu đến. Ông đoán chừng cô đã có chồng nhưng trông vẫn còn ngọt nước, với ông không có đàn bà xấu mà chỉ có đàn bà không đẹp thôi. Với đồng bái quê mùa thì cô đẹp như cái tép kho tương. Thế nhưng nét hay hớm nhất của cô là ở bờ ngực bật rật, trông cứ rối cả mắt lên. Cô người dầy dầy, mặc quần bò, áo bụi buộc chéo ngang bụng, với mắt như mắt thầy bói ông đoán chừng tính khí cô bật rật nên ông chắc mẩm dễ gần gũi. Lại nữa, cô có cái mông to bằng cái lồng bàn, tròn vo và chắc nịch, ắt hẳn cô ngồi làm mẫu khí hơi nhiều thì phải nên cái bàn toạ cô to chành bành như đít trâu dái mạn ngược.

clip_image002

Nào khác gì với ba nét vẽ không thôi qua bức La Femme của Picasso ở trường mỹ thuật Madrid, với thủ pháp cổ điển của các nhà danh họa Rivera, Velasquez và Goya, khi Picasso chưa tới Paris bắt sang trương phái lập thể. Nét vẽ thứ ba, Picasso cố tình vẽ cái hông hõm một chút, biểu tượng một người đàn bà đã có con. Và ông đợi lát nữa khi cô “cởi toàn bộ”, ông sẽ đi tìm cái “vết hõm” của Picasso nơi cô.

Rõ ra cô lất phất có nét cô Mai người mẫu đã có chồng con, chỉ sợ “bị lộ” mặc dù không làm gì bậy bạ…Ông cảm thấy hứng khởi sắp được trở về với cọ, màu qua cô, người đang có mặt trong nhà ông, với chỉ mình cô và ông. Vì vậy ông…ngứa ngáy vì thèm vẽ nên ông vồn vã: “Cô là…”. Cô xởi lởi: “Cô quéo gì! Gọi em cho gọn”. Ông nói dón: “Cô muốn ngồi hay…nằm”. Cô ngắt lời ông: “Anh giai muốn em thay đồ ở đâu?”. Ông nhủ thầm: “Khọn thật! Cởi quần áo ở đâu chả được”. Cô thản nhiên bước vào nhà làm như quen thuộc với nghề nghiệp bằng vào liếc xéo vào phòng trong thăm dò, và khong khảy: “Bà nhà đâu anh giai?”. Ông nói như lơ đễnh: “Nhà tôi đi chùa”. Nghe thủng xong, tự nhiên như người Hà Nội, cô cởi áo quần vất toẹt xuống sàn gạch. Và cô…ngồi ngay cái ghế cạnh cửa sổ, nhìn ra vườn, cô rọ rạy:

– Anh giai muốn em ngồi duỗi chân hay gác chân đây hở?

Hở hang gì nữa, ra cái điều dễ dãi, ông lần khân:

– Cô cứ ngồi sao cho thoải mái là được.

Quay lại cái bàn cạnh giá vẽ, ông hòa lẫn sơn màu với nhau. Vừa trộn màu, ông vừa ngẫm ngợi về cách cởi quần áo nhanh gọn của cô khiến ông quay quắt trở về những ngày tháng cũ, đánh dấu những ngày tập làm lớn bằng vào 3 đồng 1 điếu Ruby và bước vào mảnh đất Bệnh viện Công Hòa, qua Ngã Ba Chú Ía với một nhớ hai quên này kia, kia nọ. Đang phiêu lãng quên mình lãng du đến đây, ông không hay cô người mẫu cũng đang dòm ông pha màu. Cô ngạc nhiên vi gì mà ông pha mầu nhệu nhạo như quậy hồ vậy? Ông dùng bút chì phác họa cô. Cô làm như không biết đến sự có mặt của ông, qua cửa sổ, cô đang ngắm cây bồ đề trơ trụi sau vườn. Ông bâng quơ với cô là ông tu thiền, ông trồng cây bồ đê để ai đó hỏi thì ông cho hay cây như người, vì nay nó già cỗi và nó là Bụt như ông vậy. Ông cười hụt một cái ra điều ông lành như đất, hiền như lá ấy thôi. Cô không cười…Nhưng chui vào đầu ông là khuôn mặt cô có nét thao thiết của chiếc lá bồ đề xanh mát đầy nhựa sống, mặc dù đang là…mùa thu.

Từ lá bồ đề đầy sức sống, ông muốn vẽ chân dung cô. Chân dung ai cũng thích vẽ, nhưng thành công rất ít. Bởi văn có ý, thơ có khí, tranh chân dung phải có thần. Một hoạ sĩ nào đấy đã bương trải: “Có một khoảnh khắc thật ngắn mà cái thần của người lóe ra qua ánh mắt, bờ môi, v…v…Khoảnh khắc đó họa sĩ phải ghi lại trong tâm khảm và trang trải trên giấy. Học đòi thủ pháp tả chân của trường phái cổ điển với Rivera, Velasquez, Goya thì không có gì dễ hơn vẽ sao giống người mẫu. Nhưng cái khó trong hội họa là hoạ sĩ thể hiện thế nào để có thể gửi gấm bản ngã của mình qua khuôn mặt, hay bán thân qua người mẫu. Nhiễu sự này thuộc về chiều sâu của tâm niệm trong nghệ thuật. Ông ăn mày cửa Bụt qua bài viết của Milan Kundera có đoạn về tranh chân dung với Chân dung tự hoạ: “Vào ngày cuối cùng của đời người, cái gì sẽ rời bỏ chúng ta trước tiên? Đó chính là khuôn mặt. Khuôn mặt ẩn chứa trong góc tối nép mình cái vô hạn mong manh. Khuôn mặt ấy vô thường và phù du…”.

Với ngày cuối cùng của đời người…được thể ông bắt sang chuyện già đái tật với những nhà thơ, nhà văn cuối đời, với đất sinh cỏ già sinh tật nhẩy bổ sang sáng tác nhạc. Trong khi những nhà văn, nhạc gia về già lại đốc chứng…vẽ tranh. Khọn thật!

Nhúng cọ vào đĩa màu, vừa nhíu mắt ngắm nhìn thân thể trần truồng của cô và vừa vẽ. Ông nheo mắt, nghiêng đầu sang trái rồi qua phải, lùi lại ngắm thật lâu. Cô không có vẻ thảng thốt, đôi mắt đen mở to sợ hãi như cô người mẫu của Picasso. Vì nét mặt cô thật bình thản, cũng như ông đang có cái vẻ lơ đãng của một người họa sĩ đang lễnh đễnh nhắm vào cô người mẫu với nhân sinh vị nghệ thuật. Nhưng cũng có đôi lúc vì nghệ thuật vị nhân sinh, ông bạ mắt vào vùng ngực hỗn độn, to bậm mà ông phải đánh bóng cho nổi u lên. Được thể ông chan canh đổ mẻ với nghệ thuật hội hoạ khởi đầu ở Pháp từ thập niên 1860 qua Monet, Renoir gạt bỏ quá khứ hội họa hàn lâm mang tính chất kinh viện. Họ hướng về đương đại và thực tiễn. Không vẽ bóng bằng màu xám hay đen. Một trong những bức tranh của Monet biểu tượng cho trường phái này có tựa đề Ấn tượng – Mặt trời mọc. Từ đó có tên cho trường phái ấn tượng.

Bỗng không ông lây lất tới một tác giả nào đó đã bương bả: “Người làm hội họa như cốc nước đầy, tự nó tràn ra, muốn thành hình thể gì không cần biết. Công việc của người vẽ là nắm bắt những hình thể đó. Hội họa có sự tình cờ và có những “cái ngố” của đường nét, màu sắc. Nếu màu sắc, đường nét đều vừa vặn, hợp lý, bức tranh sẽ biến thành công trình của một người thợ khéo tay”. Vì đó là sự khác biệt giữa hội họa có hình thểhội họa trừu tượng, tác giả chọn trừu tượng vì nó không bóng bẩy rườm rà, trừu tượng trực tiếp mạnh mẽ mà không phải vòng vo tiểu xảo. Với nó, tác giả có thể đưa ra những hình ảnh sâu xa từ vô thức chứ không phải hình ảnh bên ngoài. Được thể ông dựa dẫm theo Wassily Kandinoky là ông tổ của ngành hội họa trừu tượng thì truyền cảm nội cảm chỉ là một điểm để đắm chìm trong u mê. Tâm thái vượt thoát hình thể khơi dậy mối cảm xúc mà không ngôn ngữ hội hoạ nào diễn tả được.

Đang vật lộn từng nhát vẽ, từng mảng mầu, ông lụng bụng rằng vẽ khó nhai thật, vì vẽ xong rồi thì sao đây!? Bởi chuông có gõ mới kêu, đèn có khêu mới rạng, khổ môt nỗi cả đời một hoạ sĩ chỉ có cơ may triển lãm một hai lân là hết đất. Đến khi tìm ra bức tranh trừu tuợng ngập những hình ảnh sâu xa từ vô thức của mình ở trong nhà cả mấy năm. Ngừời hoạ sĩ đứng nghệt mặt không chịu nhớ ra…vô thức đã…gửi gấm những truyền cảm nội cảm, những cảm xúc qua ngôn ngữ hội hoạ gì gì nữa. Nghe thì huyễn hoặc đấy, nhưng bắt qua thơ, thiếu giống chuyện nhà thơ quên thơ mình. Mà thơ và hoạ là một tuồng, một giuộc, đại thể truyện viết là hư cấu, thơ là tình thật. Nhân vật trong truyện là tha nhân, nhân vật trong thơ là ta. Chính ta. Viết cho cái ta khó lắm, vì không viết cho mình hôm nay, mà viết cho mình ở đâu đó, có khi là ở mãi tận mai sau. Viết là dựng nên, hay vẽ ra. Vì vậy hội hoạ chính là thơ. Và ông lậu bậu như chó hóc xương rằng vẽ đâu có ngon ăn như ăn óc chó. Như…“mần” thơ. Ngoài ra họa sĩ nào cũng giả thiết rằng người thưởng ngoại am tường lịch sử hội họa, vì hội họa cũng có một số quy ước của nó, như văn chương giả thiết rằng người đọc phải biết…đọc. Một họa sĩ đích thực sẽ thừa hưởng di sản quá khứ và đẩy hội họa tiến thêm một bước nữa, dù chỉ một cm. Thừa hưởng di sản quá khứ này phải có tay nghề, chứ không phải cứ….ấn cái ghế vào tranh để gọi là tranh ấn tuợng. Hoặc quẹt mầu túi bụi vào tranh rồi trở thành họa sĩ trừu tượng! Thế mới phiền.

Quả tình phiền thật, ông như lên đồng thiếp, ông vừa để hồn via nhập vào mầu sắc đến mụ mẫm. Nào khác gì Wassily Kandinoky với trừu tượng là mối truyền cảm nội cảm đắm chìm trong u mê. Ông đang vật lộn với cơ thể quyến rũ của giống cái, cái nhễ nhại cùng những ước muốn đỏ rực. Ông quẹt lát mầu đỏ lên cái nõ nường. Nơi chốn truyền cảm của u mê ám chướng. Với nguyên lý hội họa, để thực hiện họa phẩm, ông vừa vẽ bằng mắt, vừa bằng tâm hồn qua đầu ngực như hai đầu nhang đang cháy. Vì ông học đòi được rằng: “Hoạ sĩ đã phổ hết tâm ý, cũng như tình cảm và những nỗi xúc động vào tác phẩm. Nếu người thưởng ngọan không nắm bắt được, không nhìn ra những dấu ẩn mật đó. Thì đó là chuyện của người thưởng ngoạn, chứ không phải của hoạ sĩ”. Ngoài ra với những mảng thịt dư thừa, ông chối bỏ trường phái cổ điển là vẽ như thật với cái mông bóng nhẫy, cái vú thây lảy trắng hếu. Hay nói chữ thì những nỗi bứt rứt của da thịt, của tuổi già cám cảnh đang cay cú đuổi theo sau lưng ông.

Cắm mắt vào bộ ngực ngập những bề bộn, làm như nóng nẩy như muốn rụng khỏi thân thể cô. Bởi bầu ngực cô như trái bòng, hiểu theo nghĩa là nhỏ hơn trái bưởi, nhưng lại lớn hơn trái cam sành. Với văn cảnh đã chấp chới như quạ đậu chuồng lợn rôi, huống chi vẽ vời, vì bức họa để cảm nhận, thay vì để ngắm. Vì hội họa là một nghệ thuật câm nín, người họa sĩ không có thói quen “phát biểu bằng lời”. Có đầu có đũa thì ông học mót qua Paul Cézanne, cha đẻ của hội họa hiện đại đã từng nói: “Người họa sĩ suy tưởng với cây cọ trong tay”. Mọi sự bắt nguồn từ quan niệm về sáng tạo nghệ thuật: “Tìm tòi và sáng tạo với tất cả linh tính. Không phải sáng tạo bằng mắt, bằng tay, mà gần như là anh xẩm mất gậy sờ soạng trong đêm giữa ban ngày để tìm cái đẹp”. Và ông nhích từng bước chậm chạp để …đi tìm cái đẹp. Bắt chước Picasso, tay vung vẩy cái bút lông còn dính tèm nhem màu, ông vừa tiến tới về phía trước như muốn ôm chầm cô, nhưng rồi ngập ngừng vì khoảng cách của nhân sinh. Ông lùi trở lại…

Bộ tịch ông lật đật như ma trật đám quẩy khơi dậy sự tọc mạch của cô vì những động tác đi tới đi lui, tay cầm bút múa may giống hệt như gã Sơn Đông mãi võ trong Chợ Lớn, tay cầm cái phèn la, tay cái dùi tung tẩy, miệng rao bán cao đơn hoàn tán, thuốc mộng tinh, di tinh, hượt tinh. Nói cho ngay ông không giống một họa sĩ nhà nghề cho mấy. Vì vậy cô đâu có hay hai mảng thịt dư thừa của cô ông vẽ bẹt ra như cái bánh dầy. Vì thế ông phải làm mới, phải nhiều màu sắc sáng. Không hẳn như trường phái cổ điển với đất màu nâu, lá màu xanh. Loay hoay với hội họa có sự tình cờ và có những cái ngố của đường nét, màu sắc. Ông trát lên hai đầu ngực cô kềnh kệch màu đỏ xỉn để…nóng mắt người xem tranh là thế. Vẫn chửa xong, hai bầu ngực, ông muốn vẽ vươn ra như…sừng trâu dái mạn ngược, như muốn xuyên thủng giấy vẽ, như muốn đâm lủng mắt người thưởng ngoạn…nên tốn màu và thì giờ không phải là ít.

Bức tranh hòm hõm xong, ông tâm đắc vì sự hoà hợp màu sắc là đặc thù trong hội họa. Vì không những nó đánh giá tài năng mà còn chỉ ra thời đại, phong cách và trường phái của tác giả. Vì thế mà có nhà nghệ sử đã hóm hỉnh về lịch sử hội họa Tây phương như sau: “Mới đầu ta không thấy nhát cọ. Sau ta thấy rõ nhát cọ. Bây giờ thì chỉ là nhát cọ”. Là người tu thiền có chân tu như lão Ngộ Không bạn ông, nên ông ngộ chứng ra nào có khác gì trước khi nấp bóng thiền môn, ông thấy núi là núi, nhìn sông là sông. Bước qua cửa thiền môn rôi, ông thấy núi không là núi, sông chẳng là sông. Khi đã đạt, đã ngộ, nhìn lại ông thấy…núi vẫn là núi, sông vẫn là sông. Bởi nhẽ ấy các họa sĩ cổ điển xoa mặt tranh mịn cho ta không thấy những nhát cọ. Thê nên có thể nói tranh chỉ là những nhát cọ mặc dù đã được…xoa mịn đi. Quẹt thêm nhăm nhát cọ nữa, buông tay, chứ chả phải là buông xuôi về với chín tầng mây, mười tầng trời, ông cảm thấy hai đầu gối lụm cụm thấy rõ vì phải…“lao động hội hoạ” quá sức. Và ông thở ra như trâu hạ địa vì vẽ nào có dễ ăn như ăn trứng luộc. Sau này, người xem tranh thưởng ngoạn tranh ông đến đâu, chuyện đâu vẫn còn đó. Vì chuyện bây giờ là cô dòm ông múa bút vung vít trêu ngươi cô nên hấp tấp đứng dậy đi về phía giá vẽ…Thấy bức tranh như bò thấy nhà táng, cô la toáng lên: “Đí gì tá? Gì thế này hở giời!”. Mặt xám như đít nhái, ông lập bập: “Có lẽ tôi…”

clip_image004

Ý đồ ông là thảng như bức Nhạc sĩ tây ban cầm già (3) của Picasso với ông già chân tay khẳng khiu như ông đây. Thì người họa sĩ phải diễn đạt cái tay gẫy khúc, cái chân lạc quẻ và đầu ngoẻng xuống đất chứ không nhìn lên trời. Vì họa sĩ phải học tâm lý học, phân tâm học để phân thây…thân thể con người ta. Bởi nhẽ muốn vẽ một người nằm, ngồi, đứng phải biết xương xẩu của cơ thể học, vì xương thịt phải gắn bó với nhau. Thảng như có một bức họa nào đó phóng bút một cô gái khỏa thân, nằm thẳng băng như chết rồi, hai bầu ngực đùn lên lên như hai đụn rơm. Vậy là không xong với co dãn của bắp thịt. Vẽ ma dễ, vẽ người khó là thế.

Mặc ông bám víu vào những bòn mót của ông. Cô phay vào mặt ông một nhát:

– Ông chẳng biết quái gì về hội họa cả! Mắt ông quẹt trên thân thể tôi vì những lý do thầm kín của ông. Tôi không biết ông muốn cái gì, nhưng tôi chắc chắn những cái muốn ấy chẳng ăn nhằm gì với hội họa cả. Nói thẳng ra ông hiếp dâm bằng mắt trên thân thể tôi thì đúng hơn.

Thoáng nhìn thấy vết ẩm ướt thấm qua quần dưới phần hạ bộ của ông. Cô lộn tiết lên:

– Ông đúng là hoang tưởng dục tình để giải phẫu thân xác tôi hơn là vẽ khỏa thân. Cách vẽ của ông như cầm một thân người quẳng vào mặt giấy và ghim lên đó từng bộ phận của đàn bà.

Cô quơ quơ cái áo dưới sàn nhà và tiếp: “Tôi cũng là một họa sĩ ”. Cô nhìn ông chằm bằm rồi thở hắt ra: “Giả mạo như ông nhìn là tôi biết ngay”.

Đúng là bị giời đầy vì ông chả biết giải bày với cô như thể như thế nào với ngày xưa xông xáo ngược xuôi, ngày nay rờ rẫm đuổi ruồi không bay: Số là sống để bụng chết mang theo gần đây ông có hơi hục hặc chuyện gối chăn với vợ nhà, nói cho ngay tuổi tác ông dường như chỉ mới…chớm già nhưng ngẫm chuyện tối lửa tắt đèn ông vẫn còn sung sức chán. Nho nhe, nho táo với nhân lão tâm bất lão, tạm hiểu là thân già tâm tính không già. Hay nói văn vẻ văn sách theo các cụ ta xưa: Già thì già tóc già tai, già răng già lợi đồ chơi không già với trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người thì ông hùng hục như trâu húc mả ấy. Nhưng khổ nỗi vì tình trạng lèo hèo ông “còn”, bà “hết” đâm rách chuyện. Ấy là từ khi lên chức “bà”, bà ngủ riêng để có kiêng có lành. Ông mon men sang để tòm tem thì bị nhiếc là: Già rồi…”. Ông đành bỏ về phòng mình, cả tháng tâm hồn không động đậy, cái củ lẳng buồn thiu, mỗi ngày teo đi một ít giới tính. Theo năm tháng, ông lặng lẽ bị…tàn phế dục tình với khúc thịt thừa co rút lại quắt queo và hóa thân thành…”phế phẩm”. Xuân thu nhị kỳ được hôm hưởng cơm thừa canh cặn của vợ nhà nhưng trên bảo dưới không nghe, như con giun đất, nó cứ chun choe nhét chẳng vào nên cũng đành rằng ngày xưa qua núi vác cày, ngày nay nằm thở dang tay xin hòa. Nói dại chứ…chứ từ ngày ấy mảnh đời ông bèo nhèo như thịt trâu về chiều nên ông cám cảnh tuổi già đang tàn lụi thế thôi. Ngẫm ngợi, ngày xưa sức mạnh như trâu, ngày nay uể oải ngồi đâu ngáp ruồi, thế nên ông ngồi không tắm khô búng ghét đuổi ruồi, để thời gian buông trôi về một khỏanh quá khứ qua mau với những tiếc nuối. Mà cũng chả ai hay ông đây rơi rớt lại từ thời Tây thuộc địa, ông cảm khái nỗi mất mát to lớn ấy nên hay nhệu nhạo ba chữ tiếng Tây tiếng u hoài niệm quá vãng: ”Tôi chẳng còn gì nữa…giữa hai bắp đùi” (4).

Và ông buồn đời… Buồn sưng cả đít. Chán ngăn ngắt nhưng vẫn phải…buồn.

Thảng như mấy bữa rày vợ nhà cạo đầu trọc lóc như cái bình vôi để đi hành hương mấy tuần. Nay được gặp cô người mẫu, ông đùm đậu may ra có một chút hoa tình vướng víu trong những ngày trống vắng. Chả hẳn là cuộc tìm kiếm của anh già đang thiếu thốn những niềm vui thân xác, mà là ông muốn tìm lại những mảnh tình ảo nằm tít mù cả chục năm về trước. Từ tình ảo, ông lây lất qua Francois Sagan hiện thực viết truyện Buồn ơi chào mi lấy cảm hứng từ Marcel Prousr. Cả hai đều đi tìm thời gian đã mất… Như hôm nay ông đang đi tìm một khoảng thời gian không còn nữa với cô người mẫu. Học thói nhà văn, nhạc sĩ về chiều giở chứng…vẽ tranh, họ luận rằng: “Khi ngôn ngữ và âm thanh bất lực thì mầu sắc lên tiếng để họ bám víu. Hội họa là cõi vô ngôn của họ bên cạnh âm thanh và chữ nghĩa về những giấc mơ ảo trong cõi không”. Ông lên tiếng khào khào với cơm mắm thấm về lâu: “Tôi ngỡ khi cầm cọ vẽ sẽ đem lại một cái gì tươi mát hơn. Thật đáng tiếc tôi đã làm phiền cô”.

Như chưa hết nguôi ngoai, cô phang ngang bửa củi:

– Phiền, cái đó khỏi lo. Tôi được trả tiền cho sự phiền hà ấy. Nhưng cái mà ông không đem tiền đền bù được là ông hiếp dâm thân thể tôi bằng mắt.

Lõ mắt nhìn ông và cô “ông đùng bà đá”:

– Ông cởi quần áo ra.

Nghe thông xong, ông như gà mắc tóc…

– Tôi? Cởi…cởi…

Trong ông có một nhen nhúm với “ông đưa chân giò. bà thò chai rượu”:

– Cởi quần áo để…làm…làm gì?

Cô dĩu môi bấm búi:

– Đừng tưởng bở, ông già!

Tim gan phổi phèo đang rối beng vì phải phơi bày thân thể trần trụi trước mặt một người nữ mà tuổi tác chỉ bằng phần nửa đời ông. Vì cây dây quấn, ông nhớ lại cô người mẫu tên Quế phân bua: “Phản ứng cái gì? “Nàm” mẫu “luy” thì có gì là xấu? Nhớ lại ngày đầu, khi đã “cởi tất” là em lại nổi hết da gà…”. Và ông muốn nổi da gà thật vì mường tượng ra mình đâu có có khác con gà khỏa thân chết tiệt nằm trên bàn thờ, nấp sau nải chuối ngắm…bát nhang!. Đến trần ai khoa củ này, làm như đồng cảm với ông, cô hóng hớt: “Trông dơ bỏ bố đi ấy!”.

Cô vung tay múa bút những nét nhanh và gọn, được mấy nả bức họa hoàn tất. Ông co ro đứng dậy, hai tay che hạ bộ lụm cụm tới ngắm bức tranh khỏa thân chính ông. Đập chát vào mặt ông là màu da thịt rất người, màu vàng bợt bạt nổi bật lên những vết nhăn nhúm của thời gian. Ấn tượng sâu đậm nhất với ông là dáng ngồi chàng hảng của một anh già, hai mắt đang trố ra như mắt lợn luộc vì sống không biết hưởng mùi đời. Cô biểu hiện ông qua thế ngồi chẻ hẻ như ếch vồ hoa mướp, trong một sát na, ông hóa thân, hóa ngộ vì đức Lạt Ma đã dậy những kẻ không biết sống theo thói đời: Vì họ đã chết khi còn đang sống.

Ông xo ro tới giá vẽ ngắm bức tranh…ông rối rắm như sư đẻ vì nếu làm thơ, viết nhạc không hay, người thưởng ngoan không đọc, không nghe. Thế nhưng nếu như viết văn, vẽ tranh không đạt, người thưởng ngoan sẽ “phở mắng cháo chửi” ở Hà Nội thế này đây:

(…) Gã ấy một ngày xấu giời bỗng bị con ma màu ám. Thế là lao vào để vẽ. Say lắm, bốc lắm, có ngày vẽ mấy bức. Bạn bè đến xem chẳng hiểu gì. Vì có phải ai cũng hiểu tranh đâu, và có phải ai cũng hiểu thiên tài đâu. Chỉ cần gặp một chuyện là đã vỡ bố nó đầu rồi. Trong trường hợp này, là cả hai. Thế nên, có người hỏi những câu ngu ngơ như: “Đây là cái gì?”. Gã chỉ cười bí ẩn. Sau mệt nên gã chẳng buồn cười nữa, chỉ giữ bộ mặt bí ẩn rất nghệ sĩ.

Người thưởng ngoạn trầm trồ: “Ừ nhỉ, rõ quá rồi. Đây này, vươn lên đây này”. Hay: “Chỗ này chẳng là cái chỗ phình ra à. Còn đám màu rối tinh chẳng phải là…”, là: “Vẽ đến thế thì tuyệt. Vẽ mà như không thấy nhỉ?!”. Bỗng có một tiếng chửi đổng: “Cái bòi mà vẽ như bòi ấy!” (…)

Là người thưởng ngoạn nên ông xem tranh theo cái nhìn của riêng ông, là tác phẩm của cô đây thể hiện đường nét rất nghệ thuật của một họa sĩ rất…nghệ sĩ. Nhiều nhà phê bình hội họa chỉ viết theo cảm tính, không chuyên nghiệp để nhận ra nghệ sĩ dấn thân với những khám phá cái cách tân, cái lạ của tác giả. Như hình ảnh đậm nét trong bức tranh của cô là thủ pháp pha trộn các chất liệu để vẽ, cô dùng da thịt người để tạo hình, tạo tình, tạo vật: Cô biến dạng ông là một sinh vật như một tĩnh vật…động đậy. Ông cảm nhận được rằng hội họa cũng như thơ hay nhạc có thể đi thẳng vào cảm quan của người thưởng ngoạn. Như nghe một bản nhạc, đọc một bài thơ hoặc ngắm một bức tranh có thể cảm xúc được ngay cái…‘’bức xuc’’ của tác giả mà không cần sự lục lọi hay đào xới. Vì vậy ngắm bức họa…da thịt này, lòng dạ ông xốn xang bao hoài niệm, dường như ông đã gặp lại chính ông từng chặng đường. Ông đã già đi theo năm tháng trên con đường bước chân vào đời qua ngày tháng cũ, qua Ngã Ba Chú Ía tới Xóm Mới với một quên hai nhớ. Bức tranh này đây vẽ ông như một tác phẩm đích thực cho những ông già đang rong ruổi trong những ngày nắng quái chiều hôm đi tìm thời gian đánh mất!

Hốt nhiên cô đóng cửa cái rầm rồi xớn xác đi về mất tiêu. Cô quên cả ký tên bút hiệu dưới bức tranh để một ngày nào đó ông có “khả năng” cơi lên căn gác xép làm xưởng vẽ.

***

Cửa đóng cái rầm kéo ông trở về với thực tại, ông lụi đụi lồng bức tranh vào khung và treo giữa bức tường phòng khách. Ông tồng ngồng đứng và lặng ngắm…

Mượn lược thầy tu thì vay mượn từ bức tranh Khỏa thân ngồi của Picasso vẽ năm 1907, ông phác hoạ ra cô. Bữa rày, cô vẽ vời ông rất có hồn có cốt. Mỗi nét vẽ của cô tạo ra những nội tại của người cầm cọ, nó ẩn chứa những vết mờ của họa sĩ trước đó ẩn giấu những hình bóng, những “gợi mở”…từ nét vẽ của đối tác mà thiền học gọi là: Đối hoạ. Ấy là cách họa sĩ dùng cọ vẽ để giao thoa giữa hai cá thể, để khai phóng lẫn nhau, uyên sâu giác ngộ nhau. Đối họa giống như câu đối với “đối chữ”, hoặc giả như công án đối thoại của thiền sư để giác ngộ thiền sinh. Khi thiền sinh vẽ một bức tranh theo cảm hứng của mình, thiền sư tác động lên bức tranh ấy làm thay đổi hoàn toàn ý nghĩa, vật thể, đường nét, và bố cục của thiền sinh.

Thảng như hai bức tranh đối tác dưới đây…

 

clip_image006

 Tranh thiền sinh đường nét thư pháp chữ  tâm (bên trái). Tranh đối họa với chữ tâm đen như mực tàu của thiền sư (bên mặt)

 Với “nhĩ văn vi hư”, hiểu nôm na là chỉ nghe không thì có thể không thật…Vì để giao thoa giữa Đông và Tây với đối chữ, với hai bắp đùi đối nhau choèn hoẻn gợi mở ra…chữ nhân. Nhân là người, cô vẽ một người đàn ông trong không gian là không gian ảo, là không có gì hết, căn phòng trống trơn. Cô sử dụng kỹ thuật tối giản để gạn bỏ bố cục, loại bỏ những chi tiết không cần thiết như: Cái ghế chẳng hạn.

clip_image008

Với văn học và học thuật hội họa, dù là hai phạm trù nghệ thuật khác nhau, một bên dùng chữ một bên dùng màu nhưng chúng chia sẻ cùng một dấu ấn: Gợi lên những gợi cảm. Như tạo hình cho một sự thiếu vắng. Như Magritte của trường phái trừu tượng đã làm việc này bằng cách hòa hợp các vật thể trong trạng thái mộng mị: Tạo hình cho những gì vô hình. Vì vậy, với bức tranh này đây: Cô đã gạt bỏ những dư thừa trong bố cục và màu sắc. Vì vậy dưới mắt người thưởng ngoạn viễn mơ, viễn tưởng như ông:

Cái ghế hiện hữu.

Cứ theo ông thì cô dùng cọ, dao với màu mè nào đó, nhưng cái trở nên, cái làm thành, cái có mặt, người họa sĩ như cô biết để dành lời cho tác phẩm. Vì hội họa là một nghệ thuật câm nín. Là họa sĩ, cô không phát biểu bằng lời như cô đã học được ở Paul Cézanne. Với cách nhìn trong nghệ thuật hội họa là nhìn và nhìn thấy, chứ không là sao chép như thật. Vì là mô phỏng. Cô sử dụng kỹ thuật thị giác để tạo dựng cảm xúc, tạo hình cho…một vật thể có thật nhưng lại thiếu vắng. Như Victor Hugo đã viết khi về già: “Tôi chẳng còn gì nữa…giữa hai bắp đùi” (4).

Thế là ông buồn…buồn sưng cả đít. Chán ngăn ngắt nhưng vẫn phải buồn. Buồn cách mấy cũng phải lúi húi tìm tấm danh thiếp mặt không có tên ông. Ông ghim dưới hoạ phẩm.

Và hấm húi viết tên (5) tác phẩm: Người đàn ông ngồi.

Rồi bấm búi viết bút hiệu ông ở góc bức tranh: Nguyễn Thuyên.

Kiếm cái mũ nồi đội lên đầu. Nhét cái tẩu thuốc vào miệng. Trong ông đầy ứ hoạ sử đánh dấu thời đại của một thời một thưở. Ngoài ra còn biểu hiện trường phái, phong cách và tài năng của riêng ông. Trong trống không, với “nhãn kiến vi thật” là nhìn thấy mới cho là thật.

Ông đứng câm nín trước bức tranh để ngắm….một vật thể.

Thạch trúc gia trang

Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Chú thích:

(1) Họa sĩ Chóe, tức Nguyễn Hải Chí.

(2) Bức Khỏa thân ngồi nguyên tác Nu Assis.
(3) Le Vieux Guitarist (The Old Guitarist).

(4) “Moi, je n’ai rien entre mes deux cuisses”.

(5) “Minh họa” tranh của Đinh Ý Nhi.

Nguồn: Người mẫu của Bernard Malamud (Võ Đình), Picasso cuộc đời & tình yêu (Vương Trung Hiếu}. Xem tranh (Lê Anh Hoài). Công án thiền và hội họa (Huệ Viên). Ngoài ra người viết còn vay mượn chữ nghĩa qua nhiếp ảnh gia Lê Văn Khoa, Kiêm Thêm, Viên Linh, họa sĩ Đinh Cường, Ngọc Dũng, Nguyễn Thái Tuấn, Nguyễn Trung, và Nguyễn Thuyên.

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search