T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (87) – NHẠC PHIM – A Time For Us (Tình sử Romeo & Juliet), Nino Rota, Lawrence Kusik & Edward Snyder

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về bản A Time For Us, nguyên là ca khúc “What Is a Youth” trong cuốn phim Romeo and Juliet (1968) được hai tác giả Lawrence Kusik và Edward Snyder đặt lời hát mới.

 Như đã viết trong bài Dẫn Nhập, những ca khúc chúng tôi giới thiệu trong phần này hoặc là ca khúc trong phim, như Que Sera Sera, Never on Sunday, The Shadow of Your Smile, hoặc là một nhạc khúc trong phim được đặt lời hát, chẳng hạn bản Somewhere, My Love.

Tuy nhiên riêng trường hợp của bản A Time For Us chúng tôi giới thiệu trong bài này thì hơi khác, bởi đây nguyên là một ca khúc trong phim nhưng sau đó được đặt lời hát mới. Càng “khác” hơn nữa, khi ca khúc trong phim ấy được thu âm dưới hình thức hòa tấu và đứng No.1 ở Hoa Kỳ, nó được mang tựa đề “Love Theme from Romeo and Juliet” (Nhạc khúc chủ đề Tình yêu trong phim Romeo & Juliet) trong khi trên thực tế, trong soundtrack album của cuốn phim này, gồm 9 ca khúc, nhạc khúc, không có bản nào được ghi là “Love Theme” cả!

Những chi tiết “nhức đầu” này, chúng tôi sẽ trình bày ở phần cuối bài; và sau đây xin điểm qua một số ca khúc trong phim khác, đã đoạt giải Oscar hoặc được lên “top” trong khoảng thời gian nói trên – những năm cuối của thập niên 1960.

Đầu tiên là ca khúc Born Free trong cuốn phim có cùng tựa của Anh quốc, kể về một câu chuyện có thật: Elsa the Lioness, một con sư tử “mồ côi” ở Kenya được một cặp vợ chồng nuôi dưỡng cho tới khi khôn lớn, rồi thả vào rừng.

Tại giải Oscar năm 1967, phim Born Free được đề cử hai giải, cho nhạc phim và ca khúc trong phim, và đoạt cả hai giải.

Born Free do nam ca sĩ Anh Matt Monro hát trong phim, sau đó đã được nhiều nam ca sĩ khác, như Frank Sinatra, Andy Williams, Roger Williams… thu đĩa và đều đạt thành công đáng kể.

Phụ lục 1: Born Free, Matt Monro

Sau Born Free This is My Song, một ca khúc của Charlie Chaplin viết cho cuốn phim A Countess from Hong Kong do ông thực hiện.

A Countess from Hong Kong là một cuốn phim tình cảm hài kịch do Marlon Brando và Sophia Loren thủ vai chính, trong đó Charlie Chaplin đóng một vai rất phụ. Đây là cuốn phim màu duy nhất của Charlie Chaplin, và cũng là cuốn phim sau cùng do ông sản xuất, viết kịch bản, đạo diễn, và soạn nhạc phim, trong đó có ca khúc This is My Song.

Chủ đích của Charlie Chaplin khi viết ca khúc này là để Al Jolson trình bày.

Al Jolson (1886 – 1950) là một nghệ sĩ Mỹ gốc Nga đa tài, nổi tiếng   cùng thời và là bạn thân của Charlie Chaplin. Khi thực hiện cuốn phim A Countess from Hong Kong, Charlie Chaplin đã 78 tuổi và… quên rằng người bạn ca sĩ của ông đã qua đời cách đó hơn 16 năm; chỉ tới khi có người cho ông xem tấm hình chụp mộ bia của Al Jolson, ông mới nhớ ra!

Vì không có Al Jolson hát, Charlie Chaplin quyết định chỉ sử dụng phần nhạc của This is My Song trong cuốn phim, còn ca khúc thì ông tặng cho nữ danh ca Petula Clark, một nghệ sĩ gốc Anh lúc đó là “láng giềng” của ông ở Thụy-sĩ.

(Dame) Petula Clark (1932 – ) là một nữ danh ca có khả năng hát bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau, trước đây chúng tôi đã từng nhắc tới qua ca khúc Pháp Chariot (tựa tiếng Anh: I Will Follow Him).

Thế nhưng khi được Petula Clark cho xem lời hát, ai cũng chê This is My Song quá… lạc hậu, không ăn tiền với thính giả nhạc phổ thông hiện đại. Vì thế Petula Clark phải cầu cứu nhà đặt lời hát Pierre Delanoë của Pháp, nhờ ông đặt lời hát khác bằng tiếng Pháp.

Pierre Delanoë (1918–2006) là nhà đặt lời hát hàng đầu của Pháp, tác giả của khoảng 5000 ca khúc trong đó có La Maritza (Dòng sông tuổi nhỏ), Sylvie Vartan thu đĩa, Il est mort le soleil (Nắng đã tắt), Nicoletta thu đĩa…

This is My Song được Pierre Delanoë đặt lời Pháp với tựa C’est Ma Chanson do Petula Clark thu đĩa đã đứng No.1 tại Pháp, No.3 tại Vương quốc Bỉ (vùng nói tiếng Pháp); tiếp theo, phiên bản tiếng Đức, tiếng Ý cũng đứng hạng 16 và 23 tại hai quốc gia này.

Trước những thành công nói trên, Claude Wolff, người chồng kiêm ông bầu của Petula Clark đã thuyết phục vợ thu đĩa nguyên tác lời Anh This is My Song, và đạt thành công ngoài sức tưởng tượng của mọi người: đứng No.1 tại Anh Quốc (2 tuần), Ái-nhĩ-lan (3 tuần), Úc (6 tuần), Nam Phi, Hòa-lan, Bỉ (vùng nói tiếng Hòa-lan), Mã-lai, Tân-gia-ba, đứng No.3 tại Hoa Kỳ, No.4 tại Gia-nã-đại…

VIDEO:

 PETULA CLARK – THIS IS MY SONG

Qua năm 1967, The Graduate, một cuốn phim bi hài kịch đã chinh phục cả khán giả yêu phim lẫn thính giả yêu nhạc.

The Graduate, dựa theo cuốn tiểu thuyết có cùng tựa của Charles Webb, kể về một chàng sinh viên 21 tuổi vừa tốt nghiệp đại học (Dustin Hoffman thủ vai), bị Mrs. Robinson (Anne Bancroft) quyến rũ, nhưng sau đó lại yêu cô con gái của bà (Katharine Ross).

The Graduate, với số thu kỷ lục 104.9 triệu Mỹ kim (tương đương 789 triệu ngày nay) tại Hoa Kỳ và Gia-nã-đại, không chỉ có công lăng-xê nam diễn viên trẻ Dustin Hoffman mà còn giới thiệu đôi song ca Simon & Garfunkel tới người yêu nhạc.

Thực ra, lúc đó Simon & Garfunkel đã được không ít người yêu nhạc ở Âu Mỹ biết tới qua những ca khúc độc đáo của họ, như The Sound of Silence, Scarborough Fair (Giàn thiên lý đã xa), tuy nhiên sau khi The Graduate được phát hành, con số ấy đã gia tăng gấp bội, vì trong cuốn phim này, ngoài những ca khúc đã sẵn được yêu chuộng của Simon & Garfunkel, còn có bản Mrs. Robinson do Paul Simon mới sáng tác.

Theo lời kể lại của Art Garfunkel, năm 1966 là năm bận rộn nhất của Simon & Garfunkel, vì phải đi trình diễn liên tục cho nên hai anh đã không thể thỏa mãn đơn đặt hàng 3 ca khúc cho cuốn phim The Graduate của đạo diễn Mike Nichols, cuối cùng bị ông “làm dữ”, Paul Simon đã phải lấy bản Mrs. Roosevelt, một ca khúc mới sáng tác, sửa lời đổi tựa thành Mrs. Robinson.

Vì trước khi cuốn phim The Graduate được phát hành, ca khúc Mrs. Robinson do Simon & Garfunkel thu âm đã được một số đài phát thanh cho phát đi, cho nên trong giải Oscar 1968, Mrs. Robinson không hội đủ điều kiện (ca khúc mới tinh, viết độc quyền cho một cuốn phim) dự tranh giải Oscar cho ca khúc trong phim.

Bù lại, Mrs. Robinson đã đứng No.1 trong danh sách Billboard Hot 100 tại Hoa Kỳ; qua năm 1969 trở thành ca khúc “rock” đầu tiên đoạt giải Grammy cho Đĩa nhạc trong năm; và tới năm 2004, được đứng hạng 6 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất do Viện phim ảnh Hoa Kỳ (AFI) bình chọn.

Phụ lục 2: Mrs. Robinson, Simon & Garfunkel

Cũng trong khoảng thời gian 1968-1969, thính giả yêu nhạc ngoại quốc ở Sài Gòn đã được thưởng thức một ca khúc độc đáo: The Ballad of the Green Berets (Hành khúc của lính mũ xanh).

Độc đáo bởi vì, thứ nhất, đây là “ca khúc quân đội” duy nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa Kỳ lên tới vị trí No.1, và thứ hai, đây là tác phẩm nghệ thuật hiếm hoi có nội dung đề cao chính nghĩa của Hoa Kỳ trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa cộng sản tại Việt Nam, tức là đi ngược lại trào lưu phản chiến trong xã hội, trên chính trường Hoa Kỳ lúc bấy giờ.

Tác giả của The Ballad of the Green Berets là Trung sĩ Nhất Lực lượng Đặc biệt (Special Forces) Barry Sadler, đồng thời cũng là một ca nhạc sĩ quân đội, sáng tác vào năm 1966. Ca khúc này được ông viết để tưởng nhớ Hạ sĩ LLĐB James Gabriel, Jr., là quân nhân Mỹ gốc bản địa Hạ-uy-di đầu tiên hy sinh tại Việt Nam vào năm 1962.

Lời hát của The Ballad of the Green Berets có sự đóng góp của văn sĩ Robin Moore, tác giả cuốn sách The Green Berets (sau này được John Wayne thực hiện thành phim). Robin Moore cũng là người giúp Barry Sadler ký một hợp đồng thu đĩa với hãng RCA.

Đầu năm 1966, album The Ballad of the Green Berets – gồm bản The Ballad of the Green Berets và 11 ca khúc khác – được phát hành.

Lập tức ca khúc The Ballad of the Green Berets đã trở thành một “hiện tượng ái quốc”, đứng No.1 năm tuần liên tiếp trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 và bốn tuần liền trong bảng xếp hạng của tạp chí Cashbox.

Tới cuối năm 1966, The Ballad of the Green Berets đứng No.1 cho cả năm trên Billboard, và No.1 đồng hạng trên tạp chí Cashbox (cùng với bản California Dreamin’ của ban The Mamas and the Papas).

Năm 1968, khi thực hiện phim The Green Berets, John Wayne đã đưa ca khúc The Ballad of the Green Berets vào phần nhạc phim. Và chỉ tới khi phim The Green Berets được chiếu tại Việt Nam, người yêu nhạc ở Sài Gòn mới biết tới ca khúc này.

VIDEO:

The Ballad of the Green Berets

Cũng trong khoảng thời gian nói trên, người yêu nhạc Âu Mỹ tại miền Nam VN được thưởng thức một ca khúc trong phim đoạt giải Oscar là bản Raindrops Keep Fallin’ on My Head, được viết riêng cho cuốn phim anh chị cao-bồi Butch Cassidy and the Sundance Kid (1969), do Paul Newman, Robert Redford, và Katherine Ross thủ vai chính.

Raindrops Keep Fallin’ on My Head do Burt Bacharach soạn nhạc và Hal David viết lời hát.

Burt Bacharach, sinh năm 1928, là một nhà soạn nhạc, viết ca khúc, sản xuất đĩa hát, ca sĩ và nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng của Hoa Kỳ. Riêng trong lĩnh vực soạn nhạc, ông được xem là một trong những tên tuổi quan trọng nhất của nền nhạc phổ thông trong thế kỷ thứ 20.

Ông đã đoạt sáu giải âm nhạc Grammy và ba giải Oscar. Trong số các ca khúc do ông soạn, hoặc hợp soạn, đứng No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100 có những bản quen thuộc sau đây: This Guy’s in Love with You (1968), Raindrops Keep Fallin’ on My Head (1969), Close to You (1970), Arthur’s Theme (1981), và That’s What Friends Are For (1986).

Chỉ với cuốn phim Butch Cassidy and the Sundance Kid, Burt Bacharach đã đoạt hai giải Oscar, một cho ca khúc trong phim (Raindrops Keep Fallin’ on My Head) và nhạc phim.

Raindrops Keep Fallin’ on My Head do B. J. Thomas hát đã đứng No. 1 trên các bảng xếp hạng ở Hoa Kỳ, Gia-nã-đại, Na-uy; và hiện nay đang đứng hạng 23 trong danh sách 100 ca khúc trong phim hay nhất do Viện phim ảnh Hoa Kỳ (AFI) tuyển chọn.

VIDEO:

 B.J.Thomas – Raindrops Keep Fallin’ On My Head

Tới đây chúng tôi viết về ca khúc chủ đề của bài này, A Time For Us, nguyên là ca khúc What Is a Youth trong nhạc phim của cuốn phim Romeo and Juliet, thực hiện năm 1968, được hai tác giả Lawrence Kusik và Edward Snyder đặt lời hát mới.

 Tình sử Romeo & Juliet là tác phẩm nổi tiếng nhất, phổ biến nhất của đại thi hào Anh William Shakespeare (1564 – 1616), mà có lẽ không ai trong chúng ta không biết tới. Romeo & Juliet cũng được ghi nhận là truyện tình được thực hiện thành phim nhiều lần nhất: 44 lần – xưa nhất là cuốn phim câm của Mỹ thực hiện năm 1908, và mới nhất là cuốn phim quay từ vở kịch trên sân khấu West End của Anh quốc năm 2016.

Trong số nói trên, bốn cuốn phim được nói tới nhiều nhất, theo thứ tự thời gian, gồm:

Romeo and Juliet  (1936), do hãng phim MGM thực hiện với bốn tên tuổi hàng đầu: nhà sản xuất Irving Thalberg, đạo diễn George Cukor, nam diễn viên Anh Leslie Howard (Romeo), nữ diễn viên Mỹ gốc Gia-nã-đại Norma Shearer (Juliet).

Tại giải Oscar năm 1937, cuốn phim Romeo and Juliet này được đề cử bốn giải, cho Phim hay nhất, Nữ diễn viên chính, Nam diễn viên phụ, và Dựng cảnh, nhưng không đoạt giải nào.

Leslie Howard, 43, và Norma Shearer, 34.

Mặc dù được tờ Nữu Ước Thời Báo liệt vào danh sách 1000 cuốn phim hay nhất xưa nay, Romeo and Juliet  (1936) đã không được cả giới bình phim lẫn khán giả nồng nhiệt đón nhận. Các nhà bình phim chê cuốn phim quá nặng phần nghệ thuật (too arty), còn khán giả thì thất vọng trước việc cặp tình nhân chưa đủ tuổi làm người lớn –  Romeo & Juliet  – lại được thể hiện qua một cặp diễn viên… sắp bước vào tuổi trung niên: Leslie Howard, 43, và Norma Shearer, 34.

Với số vốn thực hiện 3 triệu Mỹ kim và số thu trên 2 triệu, hãng MGM đã bị lỗ 922.000 Mỹ kim – tương đương 17 triệu hiện nay.

  Romeo and Juliet (1954), một sản phẩm hỗn hợp Anh – Ý do đạo diễn Renato Castellani thực hiện, nam diễn viên Anh Laurence Harvey thủ vai Romeo, còn vai Juliet được trao cho Susan Shentall, một nữ diễn viên vừa bước vào nghề (nhưng rất xuất sắc).

Cuốn phim đoạt đại giải Sư tử vàng tại Đại Hội Điện Ảnh Venice nhưng không ăn khách.

Nguyên nhân: từ đối thoại cho tới dàn cảnh, Romeo and Juliet (1954) đã đi quá xa nguyên tác của Shakespeare.

Romeo and Juliet (1968), một cuốn phim Anh – Ý do đạo diễn Franco Zeffirelli thực hiện, chúng tôi sẽ đề cập tới ở phần cuối.

Romeo and Juliet (1996), một cuốn phim Mỹ do đạo diễn Úc Baz Luhrmann thực hiện. Một cách chính xác, cuốn phim này có tựa đềWilliam Shakespeare’s Romeo and Juliet , viết tắt là Romeo + Juliet.

Truyện phim là Romeo & Juliet của William Shakespeare được hiện đại hóa. Hai dòng họ quý tộc đối nghịch trong nguyên tác trở thành hai đế quốc Mafia hoạt động ở Hoa Kỳ, gươm giáo cung tên được thay bằng súng đạn.

Vai Romeo do Leonardo DiCaprio (khi ấy 22 tuổi) thủ diễn, còn vai Juliet được trao cho Claire Danes (16 tuổi).

Với đối tượng chính là thành phần khán giả trẻ của thời đại MTV (music television), Romeo + Juliet đã đạt thành công rực rỡ về tài chính: phí tổn sản xuất 14.5 triệu Mỹ kim, thu vào $147.5 triệu.

Tại Đại Hội Điện Ánh Bá-linh 1997, Romeo + Juliet đã đoạt giải cho đạo diễn và nam diễn viên. Cuốn phim này cũng được đề cử nhiều lần ở các giải thưởng khác. Theo trang mạng Rotten Tomatoes, Romeo + Juliet được 72% điểm của các nhà bình phim và 77% của khán giả.

* * *

Tuy nhiên nếu không tính số thu, cuốn phim Romeo and Juliet được nói tới, được ca tụng nhiều nhất phải là cuốn phim Anh – Ý do đạo diễn Franco Zeffirelli thực hiện năm 1968.

Franco Zeffirelli, sinh năm 1923, được xem là đạo diễn, nhà sản xuất phim ảnh, truyền hình, ca kịch opera nổi tiếng bậc nhất của Ý. Cùng với cuốn phim Romeo and Juliet (1968), phim tập ngắn kỳ (mini-series) Jesus of Nazareth (1977) của ông đã được xem là một tác phẩm bất hủ, hầu như năm nào cũng được chiếu lại trên truyền hình vào các dịp lễ Phục sinh và Giáng Sinh.

Trong lĩnh vực nghề nghiệp, Franco Zeffirelli là một người cầu toàn, vì thế ông đã mất mấy năm trời mới hoàn tất Jesus of Nazareth với 19 diễn viên vai chính và gần 100 diễn viên vai phụ, tất cả đều là diễn viên tên tuổi.

Thế nhưng trước đó 9 năm, khi thực hiện phim Romeo and Juliet, Franco Zeffirelli lại chọn hai diễn viên chưa có tên tuổi để thủ vai chính. Ông không chọn các diễn viên đã sẵn nổi tiếng vì sợ khán giả bị “phân tâm” về những vai trò nổi tiếng của họ trước đó.

Nhưng “chưa có tên tuổi” chỉ là một trong ba điều kiện; hai điều kiện còn lại là phải cùng lứa tuổi với nhân vật trong phim, và có khả năng diễn xuất.

Vì ba điều kiện nói trên, cả hai người được Franco Zeffirelli chọn để thủ vai Romeo, Juliet đều là các mầm non trên sân khấu kịch nghệ: Leonard Whiting, 17 tuổi, và Olivia Hussey, 15.

Franco Zeffirelli đã mất hơn ba tháng trời để phỏng vấn (audition) 300 ứng viên mới chấm được Leonard Whiting, người mà ông mô tả “có khuôn mặt tuyệt vời, đáng yêu với những nét u uẩn, lý tưởng để thể hiện nhân vật Romeo”.

Số ứng viên cho vai Juliet thì lên tới 500 người, với kết quả Olivia Hussey, với nét đẹp độc đáo của một cô gái mang hai dòng máu Anh – Á-căn-đình, được chọn. Trước đó, Olivia Hussey mới chỉ xuất hiện một vài lần trên khấu kịch nghệ qua các vai phụ.

[Cũng với nét đẹp Anh lai Mỹ la-tinh đó, về sau Olivia Hussey đã được Franco Zeffirelli chọn thủ vai Đức mẹ Maria trong phim tập truyền hình Jesus of Nazareth]

Vì Leonard Whiting và Olivia Hussey đều là diễn viên trẻ thiếu kinh nghiệm, đạo diễn Franco Zeffirelli đã phóng tác kịch bản sao cho thích hợp, chẳng hạn rút ngắn các câu đối thoại trong khi ống kính chú trọng khai thác sự lột tả trên nét mặt.

Kết quả, dưới sự hướng dẫn đạo diễn Franco Zeffirelli, Leonard Whiting và Olivia Hussey đã không chỉ khiến ông hài lòng mà còn được cả giới phê bình lẫn khán giả ca tụng. Tại giải Trái Cầu Vàng, cặp diễn viên trẻ này đã đoạt giải Diễn viên mới xuất sắc nhất (New Star of the Year).

Về cảnh trí, vốn là một người cầu toàn, đạo diễn Franco Zeffirelli đã phải sử dụng tới bảy lâu đài, dinh thự, nhà thờ xây từ thời Phục Hưng để quay các ngoại cảnh, trong đó dinh thự Palazzo Borghese của dòng họ Borghese, nơi có cái ban-công giống hệt sự mô tả trong nguyên tác của Shakespeare, để quay cảnh tỏ tình của Romeo và Juliet.

Đặc biệt cảnh đấu kiếm giữa các nhân vật thuộc hai dòng họ Montague và Capulet đã được mô tả là ly kỳ rùng rợn ngoài sức tưởng tượng!

Chỉ có một cảnh gây tranh luận, nhưng cũng là cảnh hấp dẫn nhất trong phim, là cảnh động phòng của Romeo và Juliet trong đêm tân hôn: Olivia Hussey khỏa thân khi cô mới 15 tuổi!

Tại giải Oscar năm 1969, Romeo & Juliet được đề cử bốn giải và đoạt hai (quay phim và trang phục). Tại giải Trái Cầu Vàng, cuốn phim được đề cử năm giải và đoạt ba (phim nói tiếng Anh, nam nữ diễn viên mới).

Hiện nay, trên trang mạng Rotten Tomatoes, Romeo and Juliet được các nhà bình phim cho 94%, và IMDb cho điểm 7.9/10.

Nhà phê bình Roger Ebert (1942-2013) đã viết trên tờ Chicago Sun-Times: Theo tôi, Romeo and Juliet của Franco Zeffirelli là cuốn phim có sức thu hút mạnh mẽ nhất trong số các tác phẩm của Shakespeare được đưa lên màn bạc!

* * *

Nhạc phim Romeo and Juliet  (1968) do Nino Rota soạn.

Nino Rota (1911 – 1979)

Nino Rota (1911 – 1979) là nhà soạn nhạc, nhạc sĩ dương cầm, nhạc trưởng, và giáo sư âm nhạc nổi tiếng của Ý. Với người yêu chuộng bộ môn nghệ thuật thứ bảy, Nino Rota được biết tới qua nhạc phim của những cuốn phim bất hủ như Romeo and Juliet, The Godfather part II (đoạt giải Oscar nhạc phim)…

Tính số lượng, Nino Rota là một trong những nhà soạn nhạc phim lớn nhất thế giới, với trên 150 cuốn phim Ý cũng như quốc tế, trung bình mỗi năm ba cuốn phim trong sự nghiệp trải dài 46 năm.

Bên cạnh nhạc phim, Nino Rota còn soạn 10 vở opera, năm vở ballet, và hàng chục tác phẩm cho dàn đại hòa tấu, hợp xướng, nhạc thính phòng…, đồng thời giảng dạy tại nhạc viện Liceo Musicale ở Bari, Ý, trong suốt 30 năm.

Nhạc phim Romeo and Juliet do Nino Rota soạn gồm chín ca khúc, nhạc khúc, đã đoạt giải Silver Ribbon của Hiệp hội Ký giả Điện ảnh Ý, được đề cử giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc) và giải Trái Cầu Vàng cho nhạc phim.

Trong số chín ca khúc, nhạc khúc nói trên, được đánh giá cao nhất là

bản số 2, tức ca khúc What Is a Youth, soạn theo theo cung điệu và ca từ của thời Nữ hoàng Elizabeth đệ Nhất (Elizabethan), do thi sĩ Mỹ Eugene Walter đặt lời hát, được một nghệ nhân (lồng giọng của Glen Weston) trình diễn trong buổi dạ vũ hóa trang ở lâu đài của dòng họ Capulet, nơi Romeo và Juliet gặp nhau lần đầu tiên (và bị tiếng sét ái tình).

VIDEO:

Romeo and Juliet – What Is A Youth

Tuy nhiên, mặc dù mang giá trị nghệ thuật cao, What Is a Youth chỉ có ý nghĩa và sức thu hút với khán giả xem phim, còn với người nghe nhạc nói chung, ca khúc này không gây ấn tượng mạnh.

Vì thế, sau khi cuốn phim Romeo and Juliet được phát hành (tháng 4/1968), nhạc trưởng Henry Mancini đã rút ngắn, cải biên What Is a Youth để có một nhạc khúc dài 2 phút 40 giây mà ông đặt tựa là Love Theme from Romeo & Juliet.

Henry Mancini (1924-1994)

Henry Mancini (1924-1994) mà chúng tôi đã nhắc tới trong bài 84 khi viết về ca khúc Moon River, là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, kiêm nhà soạn hòa âm phối khí nổi tiếng bậc nhất của Mỹ, từng được trao tặng bốn giải Oscar và một giải Trái Cầu Vàng cho nhạc phim và ca khúc trong phim; ông giữ kỷ lục với 72 lần được xướng danh giải âm nhạc Grammy (và đoạt 20 giải).

Love Theme from Romeo & Juliet do dàn nhạc Henry Mancini thu đĩa được tung ra tháng 5/1969. Thay vì cho trình làng tại các đài phát thanh chuyên phát nhạc êm dịu, Henry Mancini quyết định trao cho các đài phát thanh nhạc pop, có nghĩa là sẽ phải đương đầu với những ca khúc pop, rock đang làm mưa gió trên làn sóng điện của các ban The Beatles, Rolling Stones…

Vì thế hầu hết các đài phát thanh này đã từ chối phát bản Love Theme from Romeo & Juliet, trừ một đài ở Orlando, Florida.

Vậy mà chưa đầy một tháng sau, nhạc khúc này đã “đá” ca khúc Get Back của The Beatles khỏi vị trí No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hit 100, đồng thời đứng No.1 trên bảng xếp hạng nhạc nhẹ (easy listening) suốt tám tuần lễ.

VIDEO:

 LOVE Theme From “ROMEO & JULIET” (A Time For Us) ♫ Henry MANCINI & His Orchestra

Về sau, phiên bản Love Theme from Romeo & Juliet do Henry Mancini cải biên cũng đem lại thành công đáng kể cho nhiều nghệ sĩ khác, như nhạc sĩ dương cầm Pháp Richard Clayderman, nhạc sĩ vĩ cầm Hòa-lan André Rieu…

Phụ lục 3: Romeo & Juliet (violin), André Rieu

Trước thành công của đĩa hòa tấu Love Theme from Romeo & Juliet, hai nhà đặt lời hát Eddie Snyder và Larry Kusik của Mỹ đã viết lời hát mới cho nhạc khúc này, với tựa A Time For Us.

A Time For Us

A time for us, someday there’ll be
When chains are torn by courage born of a love that’s free

A time when dreams, so long denied
Can flourish as we unveil the love we now must hide

A time for us at last to see
A life worthwhile for you and me
And with our love through tears and thorns
We will endure as we pass surely through every storm

A time for us, someday there’ll be
A new world, a world of shining hope for you and me

A time for us at last to see
A life…

A Time For Us được nhiều nam danh ca thu đĩa, trong số đó có
Andy Williams, phát hành tháng 7/1969, và Johnny Mathis, phát hành sau đó hai tháng.

Phụ lục 4: A Time For Us, Andy Williams

VIDEO:

JOHNNY MATHIS – A TIME FOR US

Tới những năm cuối thế kỷ thứ 20, đã có thêm một phiên bản độc đáo qua giọng countertenor của nam ca sĩ Anh Barratt Waugh.

Barratt Waugh, sinh năm 1979, là một trong những nam ca sĩ hiếm hoi có một giọng “countertenor” (tức contra-tenor), được định nghĩa là “một loại giọng nam, có tính chất cao và thanh, hát nốt cao như một giọng nữ trầm (contralto) hoặc nữ trung (mezzo-soprano).

Xưa kia, việc sử dụng giọng countertenor rất phổ biến trong thời kỳ Phục hưng và Baroque, khi phụ nữ chưa được phép hát trong các ca đoàn ở nhà thờ. Giọng countertenor cũng thường được sử dụng trong các vở opera.

VIDEO:

 A time for us Romeo and Juliet 1968 Barratt Waugh 

Về phiên bản tiếng ngoại quốc của What Is a Youth, bản tiếng Ý Ai Giochi Addio (Goodbye to the Games) với lời hát của nữ văn sĩ nổi tiếng Elsa Morante (1912 –1985) là phiên bản rất được giới ca sĩ opera, nhạc cổ điển ưa chuộng.

VIDEO:

(Luciano Pavarotti) – “Ai Giochi Addio”

Natasha Marsh – Ai Giochi Addio

Theo thông tin trên các trang mạng, ca khúc A Time For Us đã được ít nhất ba tác giả đặt lời Việt, với cùng một tựa đề “Tình Sử Romeo & Juliet”, là Phạm Duy, Xuân Vinh, và Quốc Bảo.

Tình Sử Romeo & Juliet (LV: Phạm Duy)

Giây phút êm đềm

Tình yêu nở hoa

Lắng nghe cùng ta

Trái tim muôn đời

Với mối tình say đắm

Ngây ngất cao vời

Nụ hôn thần tiên

Tình sáng ngợi

Người hãy mau ta cùng hát

Khúc ca tình yêu

 

Tình hỡi ! Về đây ! Ta sẽ có nhau

Nghìn thu nào phai

Ta mãi còn nhau

 

Giây phút êm đềm

Lệ giăng bờ mi

Đắng cay còn không ?

Xót xa tâm hồn

Đã qua rồi giông tố

Ta giữ lâu dài

Đừng cho nhạt phai

Một mối tình

Người hỡi trăm năm còn nhớ

Giấc mơ nào phai…

 

Phụ lục 5: Tình sử Romeo & Juliet (Phạm Duy), Ngọc Lan

Phụ lục 6: Tình sử Romeo & Juliet, Khánh Hà

 

Tình Sử Romeo & Juliet (LV: Xuân Vinh)

Tình ấy cao vời nghìn thu nào phai
Mắt môi người yêu những đêm trăng thềm
Ngát hương tình âu yếm

Tình đã đong đầy, cầu xin từ đây
Đừng lỡ làng, đừng úa phai như ngàn lá
Rơi trong chiều thu

Ngờ đâu tình kia tan nát hồn đau
Chìm sâu vì đâu ôi vì đâu
Thôi đã hết rồi tình yêu thần tiên
kiếp sau chờ nhau

Mối tơ duyên đầu vẫn yêu hoài một bóng
Đôi đứa đã dìu về trong mộ sầu để kiép nào
Tình đó thiên thu đời nhắc cho ta hoài mơ

 

VIDEO:

Tình Sử Romeo And Juliet – Ngọc Lan || Tình Khúc Hải Ngoại

Tình Sử Romeo & Juliet (LV: Quốc Bảo)

 Giây phút ban đầu ngày ta gặp nhau,
Mắt yêu thầm trao những câu ân tình
biết bao là âu yếm.

Những mối duyên đầu thường gây khổ đau,
Lòng khóc thầm vì phút chia ly chợt đến
như mưa trời ngâu.

Nhìn lá vàng rơi xao xuyến hồn tôi,
từ đây người ơi thôi hết từ đây

Thôi đã hết rồi, tình yêu đầu tiên
giống như hạt mưa mát cho tâm hồn

phút giây rồi chợt đến

Theo áng mây sầu ngàn năm buồn trôi,
người hỡi người, người hỡi

đang say hạnh phúc thấu cho tình ta.

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search