T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (89) – NHẠC PHIM – The Summer Knows (Hè 42, Mùa Hè Năm Ấy), Michel Legrand, Alan & Marilyn Bergman

Tiếp tục phần Nhạc Phim, bài này chúng tôi viết về bản The Summer Knows, nguyên là nhạc khúc chủ đề trong phim Summer of ’42, do Michel Legrand soạn, được Alan & Marilyn Bergman đặt lời hát. Trước năm 1975, The Summer Knows được Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Hè 42, và Nguyễn Ánh 9 với tựa Mùa Hè Năm Ấy.

Nếu trong năm 1970, Love Story (chúng tôi đã giới thiệu trong bài kỳ trước) đã trở thành một hiện tượng văn hóa như thế nào thì qua năm sau, 1971, Summer of ’42 cũng lập lại y như thế. Điều trùng hợp thú vị là hai “hiện tượng” này có rất nhiều diễn tiến, chi tiết giống nhau: cả hai đều là kịch bản viết cho phim sau đó được chuyển thể thành tiểu thuyết, cả hai cuốn tiểu thuyết đều trở thành best seller, cả hai cuốn phim đều trở thành những cuốn phim ăn khách bậc nhất, và cốt truyện của cả hai đều dựa trên những gì đã xảy ra ở cuộc sống thực, có khác chăng chỉ là “chuyện tình” trong Summer of ’42 là của chính tác giả Herman Raucher chứ không phải của “tha nhân” như trong Love Story.

Herman Raucher là một nhà văn kiêm nhà viết kịch bản Mỹ, sinh năm 1928 tại Brooklyn, New York.

Herman Raucher

Sau bậc trung học, Herman Raucher vừa theo học ngành quảng cáo tại New York University vừa vẽ truyện bằng tranh giả tưởng với thù lao 38 Mỹ kim một tuần. Sau khi tốt nghiệp đại học, Herman Raucher trở thành một tay chạy giấy (office boy) tại hãng phim 20th Century Fox, rồi dần dần được phụ trách công việc quảng cáo.

Thú giải trí của Herman Raucher trong những lúc rảnh rỗi là viết các vở kịch. Năm 1955, Herman Raucher trở thành một trong những người được Walt Disney mướn thiết lập kế hoạch và thực hiện chiến dịch quảng cáo cho công viên giải trí Disneyland, sẽ được khai trương vào tháng 7 năm đó.

Tiếp theo, nhiều vở kịch của Herman Raucher đã được diễn trên sân khấu Broadway và đạt thành công đáng kể.

Song song, Herman Raucher còn viết những vở kịch ngắn cho các chương trình truyền hình tạp lục (TV variety shows).

Năm 1967, Herman Raucher đang viết kịch bản cho vở bi hài kịch tình cảm Sweet November thì một nhà sản xuất phim đọc được bản nháp, và đã làm trung gian cho hãng phim Universal Pictures mua lại kịch bản này để thực hiện thành phim điện ảnh.

Cuốn phim Sweet November do Anthony Newley (1931 – 1999) và Sandy Dennis (1937 – 1992) thủ vai chính, phát hành đầu năm 1968, đã đạt thành công rực rỡ.

Tiếp theo, Herman Raucher viết thêm một số kịch bản phim và tiểu thuyết khác, nhưng ông vẫn không thể tìm được người mua kịch bản phim Summer of ’42 mà ông đặt bút viết từ giữa thập niên 1950.

* * *

Trở lại với những năm cuối thập niên 1930 đầu thập niên 1940, vào tuổi thiếu thời của Herman Raucher, gia đình làm ăn phát đạt, năm nào cũng đi nghỉ mát tại đảo Nantucket, ngoài khơi Cape Cod, Massachusetts.

Chính tại đảo Nantucket, vào năm 1942, Herman Raucher, khi ấy 14 tuổi, đã quan hệ tình cảm với “Dorothy”, một thiếu phụ có chồng chiến binh đang chiến đấu ở Âu châu.

Hơn một phần tư thế kỷ sau, chuyện tình này đã trở thành nền tảng cho kịch bản phim và cuốn tiểu thuyết mang tựa đề Summer of ’42.

Thực ra vào lúc đầu, nhân vật chính trong tự truyện về tuổi dậy thì của Herman Raucher là anh bạn thân Oscar “Oscy” Seltzer, về sau trở thành một bác sĩ quân y trong Lục Quân Hoa Kỳ, hy sinh tại chiến trường Triều Tiên đúng vào ngày sinh nhật của Herman Raucher; vì thế ông không bao giờ có thể quên bạn.

Tuy nhiên, càng về sau nữ nhân vật “Dorothy” càng được Herman Raucher chú trọng để rồi cuối cùng trở thành nhân vật chính!

* * *

Theo kịch bản của phim, vào mùa hè năm 1942, Hermie (Herman Raucher) khi ấy 15 tuổi, và hai người bạn cùng trang lứa là Oscy và Benjie, đang chơi ngoài bãi biển thì thấy một quân nhân từ đất liền đưa người vợ trẻ tới một căn nhà trên đảo, sát bờ biển. Cả ba cậu con trai đều mê mẩn trước nhan sắc và sức thu hút của người vợ, nhất là Hermie.

Sau đó cả ba lại tiếp tục chơi đùa trên bãi biển, tới khi có các cô gái mới lớn ăn mặc hấp dẫn xuất hiện thì câu chuyện của ba cậu con trai chuyển sang đề tài tình dục, mặc dù cả ba đều còn “đồng trinh”. Oscy tỏ ra say mê đề tài này nhất, trong khi anh chàng “cả quỷnh” Benjie thì cứ ngớ ra, riêng Hermie thì đầu óc chỉ tơ tưởng tới người vợ trẻ của chàng quân nhân.

Mấy ngày sau, Hermie nhìn thấy chàng quân nhân rời đảo trở về đất liền; tới buổi chiều, thấy người vợ khệ nệ xách những túi hàng hóa mua sắm từ cửa tiệm về, Hermie tình nguyện giúp một tay. Vào trong nhà, qua câu chuyện trao đổi, người vợ trẻ và Hermie nảy sinh tình bạn; cậu hứa sẽ trở lại để phụ giúp những công việc lặt vặt cần tới bàn tay đàn ông con trai.

Tới chiều, chẳng biết cu cậu Benjie kiếm ở đâu ra một tập hướng dẫn tình dục, và sau khi cùng nhau “nghiên cứu”, Oscy cho rằng bằng đó kiến thức đã đủ để ba cậu tìm cách “biết mùi đời”.

Theo kế hoạch của Oscy, ba cậu sẽ rủ ba cô bạn học vào rạp xi-nê để tiến hành “giai đoạn tìm hiểu”, qua ngày hôm sau sẽ đưa nhau ra bờ biển.

Lẽ dĩ nhiên, Oscy lựa cô gái hấp dẫn nhất – Miriam, và gán Aggie, cô bạn kém hấp dẫn hơn, cho Hermie. Về phần Benjie thì được cho “sánh đôi” với Gloria, một cô gái cao lớn vạm vỡ như con trai. Tuy nhiên, vì kinh hãi khi nghĩ tới việc “having sex”, tối hôm đó Benjie trốn biệt, không tới rạp xi-nê.

Trong rạp, Oscy tỏ ra dạn dĩ và thành công trong việc “tìm hiểu” cô bạn Miriam “chịu chơi”, về phần Hermie thì chỉ dám vòng tay sau vai Aggie đặt bàn tay lên cánh tay cô!

Sáng hôm sau, Hermie tới nhà người vợ trẻ của chàng quân nhân, giúp đưa những thùng cạc-tông lên gác xép, và được nàng cám ơn bằng một nụ hôn lên trán. Sau đó, cậu đi ra tiệm thuốc tây, lấy hết can đảm vào hỏi mua một lố bao cao-su (condom), dự trù sẽ sử dụng khi cậu và Oscy rủ hai cô gái ra bờ biển ăn kẹo nướng (roasted marshmallows).

Đêm xuống, trong lúc Hermie và Aggie vừa nói chuyện vừa nướng kẹo bên đống lửa thì Oscy đưa Miriam tới một vị trí kín đáo sau những đụn cát. Chẳng bao lâu sau, Oscy, trên người chỉ có mỗi chiếc quần xà-lỏn, bò trở lại gần đống lửa ra dấu cho Hermie biết mình đã “thành công” và xin thêm một cái condom khác.

Aggie tò mò, lén tìm tới nơi, thấy Oscy và Miriam đang làm tình, tức giận bỏ chạy về nhà, chỉ còn một mình Hermie ngồi bên đống lửa!

Ngày hôm sau, Hermie thấy người vợ trẻ của chàng quân nhân ngồi phía trước nhà viết thư cho chồng, liền tiến tới trò truyện và ngỏ ý muốn tới nhà thăm nàng đêm nay cho có bạn. Nàng đồng ý, nói mình sẽ chờ, đồng thời cho Hermie biết tên mình là “Dorothy”.

Tối hôm đó, Hermie diện cái áo sơ-mi lịch sự nhất, khoác lên người cái vét-tông, rồi rảo bước tới nhà Dorothy.

Tới trước nhà, Hermie cảm thấy một sự yên lặng khác thường. Mở cửa vào, Hermie thấy một chai whisky trên bàn, bên cạnh là cái gạt tàn thuốc đầy ắp, và một bức điện tín của chính phủ Hoa Kỳ, báo tin người chồng phi công của Dorothy đã tử trận khi chiếc phi cơ của anh bị bắn hạ trên bầu trời Pháp quốc…

Dorothy từ phòng ngủ bước ra, đầm đìa nước mắt, Hermie nói “I’m sorry”. Dorothy cảm như mình có thể chia sẻ nỗi cô đơn với Hermie, nàng mở một đĩa nhạc êm dịu rồi hai người dìu nhau theo tiếng nhạc. Họ hôn nhau, nước mắt chảy dài xuống hai khuôn mặt… Bản nhạc chấm dứt, chỉ còn tiếng sóng biển rì rào, không nói với nhau một lời, Dorothy dìu Hermie vào phòng ngủ, rồi trút bỏ xiêm y, dắt Hermie tới giường…

Sau đó, Dorothy trở lại với thế giới đau thương của riêng mình, bước ra ban-công để Hermie một mình trong phòng ngủ. Hermie định tiến ra thì đã nghe nàng nói khe khẽ “Good night, Hermie. Good night”

Hermie ra về, Dorothy đứng tựa lan can vừa hút thuốc vừa ngước mắt nhìn màn trời đêm. Đó là hình ảnh cuối cùng của nàng trong đầu Hermie. Bởi sáng hôm sau, khi cậu quyết định quay trở lại thì Dorothy đã bỏ đi trong đêm, để lại một phong thư gắn ở cửa trước, đề tên Hermie.

Trong thư, Dorothy mong Hermie hiểu rằng nàng phải trở về nhà vì có nhiều việc cần làm. Nàng chắc chắn mình sẽ không bao giờ quên Hermie, và tin rằng cậu cũng sẽ nhớ những gì đã xảy ra trong đêm qua theo cách suy nghĩ của cậu. Cuối cùng, Dorothy hy vọng Hermie sẽ không bị vương vào những thảm kịch vô nghĩa trên đường đời…

Kể từ ngày ấy, Hermie không bao giờ gặp lại Dorothy, hoặc nghe nói về những gì đã xảy ra cho nàng.

“Truyện phim” tới đây chấm dứt, nhưng trên thực tế Dorothy đã “tái xuất hiện”, mặc dù hai người không gặp lại nhau.

Nguyên sau khi Summer of ’42 được trình chiếu vào năm 1971, đã có trên một tá phụ nữ viết thư cho Herman Raucher để nhận mình chính là nàng “Dorothy” ngày trước, và “Hermie” đã nhận ra trong số đó có  “Dorothy thật” của mình qua nét chữ của nàng.

Trong lá thư ấy – một lá thư ghi địa chỉ người gửi – “Dorothy” không cho “Hermie” biết gì về đường đời của nàng kể từ ngày rời bỏ Nantucket, mà chỉ cho biết nàng đã sống trong mặc cảm tội lỗi nhiều năm trời vì nghĩ rằng rất có thể Hermie sẽ bị “khủng hoảng” vì chuyện xảy ra giữa hai người vào mùa hè năm ấy; nay được biết mọi sự tốt đẹp đã đến với Hermie trên đường đời, Dorothy cảm thấy vui và thoải mái. Cuối thư, Dorothy cho rằng tốt hơn hết là cả hai không nên tìm lại quá khứ.

Cũng nên biết, ngoài cuộc sống thật, năm 32 tuổi (1960), Herman Raucher kết hôn với nữ nghệ sĩ vũ Mary Katherine Martinet của sân khấu kịch nghệ Broadway; hai người được hai con gái, chung sống cho tới khi Mary qua đời vì ung thư vào năm 2002.

* * *

Năm 1970, tức hơn 10 năm sau ngày đặt bút viết Summer of ’42, Herman Raucher mới có cơ hội cho đạo diễn Robert Mulligan đọc kịch bản này.

Robert Mulligan (1925 – 2008) là một đạo diễn điện ảnh và truyền hình nổi tiếng với những bi kịch mang đầy tính nhân bản, trong đó được ca tụng nhiều nhất phải là phim To Kill a Mockingbird (1962), ược đề nghị tranh tám giải Oscar và đoạt ba giải, trong đó có giải nam diễn viên xuất sắc cho Gregory Peck. To Kill a Mockingbird hiện đang đứng hạng 25 trong danh sách 100 cuốn phim hay nhất của Viện Phim Ảnh Hoa Kỳ (AFI).

Bị cuốn hút bởi cốt truyện của Summer of ’42, Robert Mulligan đề nghị các big boss của hãng phim Warner Bros mua kịch bản này để thực hiện thành phim, nhưng bị họ từ chối. Không bỏ cuộc, nhà đạo diễn cố thuyết phục hãng phim rằng ông có thể thực hiện Summer of ’42 với phí tổn chỉ 1 triệu Mỹ kim. Cuối cùng hãng Warner Bros đồng ý, tuy nhiên vì không mấy tin tưởng vào sự thành công của cuốn phim, họ không trả tiền tác quyền cho Herman Raucher, và thay vào đó ông sẽ được hưởng 10% tiền bán vé.

Tới đầu năm 1971, khi cuốn phim đã hoàn tất, hãng Warner Bros vẫn không cho trình chiếu ngay mà yêu cầu Herman Raucher cấp tốc chuyển thể kịch bản phim thành một cuốn tiểu thuyết với mục đích tạo sự quan tâm của dư luận trước khi trình chiếu cuốn phim.

Lúc đầu Herman Raucher chỉ miễn cưỡng nhưng sau đó lại cảm thấy hứng thú. Nguyên nhân: ông có cơ hội viết thêm về người bạn thân Oscar “Oscy” Seltzer.

Như chúng tôi đã trình bày ở phần trên, theo ý định ban đầu của Herman Raucher, nhân vật chính trong tự truyện về tuổi dậy thì của ông là người bạn thân Oscar “Oscy” Seltzer, về sau trở thành một bác sĩ quân y, và đã hy sinh tại chiến trường Triều Tiên đúng vào ngày sinh nhật của ông.

Nhưng rồi càng ngày nữ nhân vật “Dorothy” càng được Herman Raucher chú trọng, cuối cùng đã trở thành nhân vật chính, còn Oscar “Oscy” Seltzer trở thành nhân vật thứ yếu, thậm chí khán giả xem phim cũng không được biết những gì xảy ra cho Oscy sau này.

Vì thế, nay được hãng Warner Bros yêu cầu chuyển thể kịch bản phim thành tiểu thuyết, Herman Raucher đã đưa nhân vật Oscar “Oscy” Seltzer trở lại vị trí dự trù lúc ban đầu, chú trọng tới tình bạn thời niên thiếu và những diễn biến trong tuổi dậy thì của hai cậu con trai.

Thành thử khi Herman Raucher đề tặng ở đầu cuốn sách “To those I love, past and present” thì độc giả sẽ nghĩ tới Oscy nhiều hơn là Dorothy.

Cuốn tiểu thuyết Summer of ’42 được Herman Raucher hoàn tất trong thời gian chưa đầy ba tuần lễ, không chỉ tạo được sự quan tâm của dư luận theo mong muốn của hãng phim mà còn trở thành một trong những cuốn tiểu thuyết bán chạy nhất, một hiện tượng văn hóa trong những năm đầu của thập niên 1970. Chỉ tính từ năm 1971 tới năm 1974, Summer of ’42 đã được tái bản 23 lần để thỏa mãn nhu cầu của độc giả.

Yếu tố ăn khách của Summer of ’42 chính là tinh thần “lãng mạn hippy” của cuối thập niên 1960 đầu thập niên 1970.

Tới khi phong trào hippy tàn lụi thì Summer of ’42 cũng chìm vào quên lãng; nhưng không chết: năm 2001, khi Summer of ’42 được hồi sinh qua hình thức một vở nhạc kịch trên sân khấu Broadway, nhà phát hành Barnes & Noble (lớn nhất Hoa Kỳ) đã mua lại tác quyền của cuốn tiểu thuyết này để khai thác.

* * *

Trở lại với việc thực hiện phim Summer of ’42, với số vốn vỏn vẹn một triệu Mỹ kim của hãng Warner Bros, đạo diễn Robert Mulligan không có nhiều lựa chọn (nên biết, “một triệu Mỹ kim” là thù lao của nữ minh tinh Liz Taylor khi đóng cuốn phim Cleopatra trước đó 8 năm).

Trước hết về địa điểm thực hiện phim, vì Nantucket Island ở quá xa và cũng vì hòn đảo này đã phát triển thành một vùng nghỉ mát hiện đại, cảnh trí đã khác xa với những năm 1940, cho nên đạo diễn Robert Mulligan quyết định thực hiện Summer of ’42 ngay tại Mendocino, California, ở bờ biển phía tây Hoa Kỳ.

Về diễn viên, Robert Mulligan cho rằng chỉ cần người thủ vai nữ nhân vật chính “Dorothy” là diễn viên thực thụ, các vai còn lại sẽ mướn các diễn viên tập sự hoặc chưa từng đóng phim bao giờ.

Khi Robert Mulligan tuyển người thủ vai Dorothy, hãng phim đã ra điều kiện “không dưới 30 tuổi” để làm nổi bật sự cách biệt tuổi tác giữa hai nhân vật chính Dorothy và Hermie, nhưng cuối cùng vai này đã được trao cho Jennifer O’Neils, khi ấy mới 22 tuổi.

Jennifer O’Neill là một người mẫu, diễn viên, tác giả viết sách, diễn giả nổi tiếng của Mỹ, mẹ gốc Anh, cha gốc Tây-ban-nha. Ra chào đời tại Rio de Janeiro, Ba-tây, năm 1948, và lớn lên tại Mỹ, năm 14 tuổi Jennifer đã được một tay săn mầm non của công ty người mẫu Ford Models khám phá.

Tới tuổi 15 (1962), Jennifer O’Neill đã được xuất hiện trên bìa những tạp chí thời trang nổi tiếng, như VogueCosmopolitan, Seventeen…, với thu nhập tổng cộng (trong năm 1962) lên tới 80,000 Mỹ kim -tương đương 663,000 ngày nay.

Bên cạnh nghề làm người mẫu, Jennifer O’Neill còn là một kỵ mã biểu diễn (horseback riding) nhà nghề, từng đoạt trên 200 giải thưởng.

Năm 1967, vào tuổi 17, đang theo bậc trung học tại trường Professional Children’s School ở Nữu Ước, Jennifer O’Neill bỏ học để kết hôn với triệu phú Dean Rossiter, Giám đốc hãng máy điện toán IBM.

Năm 1968, Jennifer O’Neill được xuất hiện lần đầu tiên trên màn bạc qua một vai rất phụ (không được ghi tên) trong cuốn phim hài kịch For Love of Ivy, và tới năm 1970 được thủ vai nữ nhân vật chính trong cuốn phim cao-bồi Rio Lobo của John Wayne. Cuốn phim khá ăn khách nhưng riêng Jennifer O’Neill lại bị các nhà phê bình chê không tiếc lời!

Tới năm 1971, khi đạo diễn Robert Mulligan tuyển người thủ vai “Dorothy” trong phim Summer of ’42, mặc dù hãng phim đã ra điều kiện “không dưới 30 tuổi”, người đại diện (agent) của Jennifer O’Neill đã thuyết phục được nhà đạo diễn cho Jennifer đóng thử. Kết quả, Robert Mulligan vô cùng hài lòng; nhưng tới khi biết trong phim có cảnh một khỏa thân lộ liễu, Jennifer O’Neill, lúc đó đã có chồng con, xin… rút lui. Đạo diễn Robert Mulligan đành phải hủy bỏ cảnh “ăn tiền” này để giữ Jennifer O’Neill (sau đó trong phim, khán giả chỉ được thấy một chút lưng trần của nàng).

Ba vai quan trọng còn lại – Hermie, Oscy, Miriam – đều được Robert Mulligan trao cho các diễn viên trẻ từ 15 tới 17 tuổi, chưa nổi tiếng.

Thêm một chi tiết liên quan tới “tay nghề” của đạo diễn Robert Mulligan là trong suốt tám tuần lễ thực hiện Summer of ’42, ông đã cách ly Jennifer O’Neill với ba cậu con trai thủ vai “Ba thằng quỷ con” (The Terrible Trio), mục đích để các cậu không có cơ hội gần gũi thân thiết, có như thế trước ống kính các cậu mới thực sự mê mẩn trước nhan sắc và sức hấp dẫn của người thiếu phụ.

* * *

Được trình chiếu giữa tháng Tư 1971, Summer of ’42 đã làm mưa gió trên màn bạc, trở thành một trong những cuốn phim ăn khách nhất năm 1971, và một trong những cuốn phim có tỷ lệ chi – thu (expense-to-profit ratio) cách xa nhất trong lịch sử điện ảnh: chi 1 triệu Mỹ kim, thu trên 32 triệu, chưa kể 20.5 triệu tiền cho mướn video sau này.

Người được lợi nhiều nhất chính là tác giả Herman Raucher, bỏ túi 10% tiền bán vé theo hợp đồng với hãng phim Warner Bros. Trong một cuộc phỏng vấn vào năm 2002, ông nói đùa rằng số tiền ấy dư sức trả tất cả mọi “bill” từ ngày ấy (1971) cho tới nay!

Bên cạnh thành công về mặt tài chính, Summer of ’42 còn được ca tụng về mặt nghệ thuật.

Tại giải Trái Cầu Vàng (Golden Globe Awards) năm 1972, Summer of ’42 đã được đề cử tranh hai giải Phim bi kịch và Đạo diễn xuất sắc. Tại giải Oscar cùng năm, Summer of ’42 được đề cử năm giải, gồm Hình ảnh, Phân cảnh, Cốt truyện, Kịch bản, Nhạc phim, và đoạt giải cho Nhạc phim. Tại giải BAFTA (Điện ảnh Anh quốc), Summer of ’42  cũng đoạt giải cho Nhạc phim.

Nhạc phim của Summer of ’42 do Michel Legrand soạn.

Michel Legrand (1932 – 2019) là một nhà soạn nhạc, nhạc trưởng, nhà hòa âm phối phí, nhạc sĩ dương cầm (kiêm ca sĩ ngẫu hứng) Pháp nổi tiếng quốc tế, đã sáng tác ca khúc, soạn nhạc cho trên 200 cuốn phim, show truyền hình, nhạc kịch.

Michel Legrand (1932 – 2019)

Ông là con trai nhà soạn nhạc kiêm nhạc trưởng Raymond Legrand (1908 – 1974), một người Pháp gốc Armenia (cùng quê hương với nam ca sĩ kiêm diễn viên Pháp Charles Aznavour). Người cậu Jacques Hélian của Michel Legrand cũng là một tay kèn saxo kiêm trưởng ban nhạc.

Vì Raymond Legrand bỏ vợ con từ khi Michel lên ba, bà mẹ đã phải vất vả nuôi dạy hai con nhưng vẫn cố gắng cho theo đuổi âm nhạc. Michel và cô chị Christiane đều học dương cầm cổ điển, tuy nhiên Christiane đã sớm bỏ cuộc để trở thành một ca sĩ nhạc jazz.

Riêng Michel Legrand, vốn tôn sùng Franz Schubert, vẫn tiếp tục theo nhạc cổ điển, trong số những người thầy của cậu có cả nữ danh sư kiêm nhà soạn nhạc Nadia Boulanger (1887 – 1979), người đã khuyến khích, giúp đỡ cậu vào Nhạc viện Ba-lê (Conservatoire de Paris) năm 11 tuổi.

Thế nhưng 5 năm sau, khi tay kèn trumpet Dizzy Gillespie và ban nhạc jazz của ông từ Hoa Kỳ sang Paris trình diễn, Michel Legrand đã bị mê mẩn trước sức cuốn hút của thể loại nhạc này. Hai năm sau (1949), Michel Legrand tốt nghiệp Nhạc viện Ba-lê hạng tối ưu về cả soạn nhạc lẫn dương cầm.

Với kiến thức nhạc lý sâu rộng và sự am hiểu về nhiều nhạc cụ khác nhau, Michel Legrand đã mau chóng tạo được tên tuổi với tư cách một nhạc sĩ dương cầm nhạc jazz lẫn nhà soạn nhạc, nhà viết ca khúc.

Năm 1954, mới 22 tuổi, Michel Legrand đã nổi tiếng tại Hoa Kỳ qua việc hợp tác với hai tay kèn nhạc jazz hàng đầu Miles Davis (trumpet) và Stan Getz (saxophone); cùng thời gian, Michel Legrand bắt đầu soạn ca khúc cho những “ca sĩ lột tả”, trong số đó có Juliette Gréco, Zizi Jeanmaire, và tên tuổi của ông đã theo những tiếng hát ấy đi khắp bốn phương trời.

Bước sang thập niên 1960, Michel Legrand kết thân với đạo diễn Jacques Demy và bắt đầu soạn nhạc phim.

Jacques Demy (1931 – 1990) là đạo diễn, nhà viết kịch bản, nhà đặt lời hát, được ghi nhận là một tên tuổi hàng đầu của điện ảnh Pháp thời “Nouvelle Vague” (New Wave – Đợt Sóng Mới), cùng với những Jean-Luc Godard, François Truffaut…

Cuốn phim thứ ba của Jacques Demy, một cuốn phim ca nhạc có tựa đề The Umbrellas of Cherbourg (tiếng Pháp: Les Parapluies de Cherbourg) do Catherine Deneuve và Nino Castelnuovo thủ vai chính, Michel Legrand soạn nhạc phim, đã đạt thành công rực rỡ ở Pháp lẫn trên trường quốc tế.

Sau khi đoạt giải Cành Cọ Vàng (Palme d’Or) tại Đại Hội Điện Ảnh Quốc Tế Cannes (Pháp) năm 1964, The Umbrellas of Cherbourg đã được đề cử giải Oscar cho Phim nói tiếng ngoại quốc năm 1965, và qua năm 1966 được đề cử thêm bốn giải Oscar, trong đó có Kịch bản, Nhạc phim, và Ca khúc trong phim.

Ca khúc này có tựa đề Je ne pourrai jamais vivre sans toi, do Michel Legrand soạn nhạc, Jacques Demy đặt lời, sau khi được Norman Gimbel đặt lời Anh với tựa I Will Wait For You, đã trở thành một trong những ca khúc Pháp lời Anh được nhiều nghệ sĩ thu đĩa nhất từ xưa tới nay; chỉ xin kể sơ: Eddie Fisher, Frank Sinatra, Astrud Gilberto, Trini Lopez, Bobby Darin, Cher, Andy Williams, Petula Clark, Tony Bennett, Vikki Carr, Liza Minnelli, Connie Francis, Engelbert Humperdinck, Jack Jones, Matt Monro…

Riêng nữ danh ca gốc Hy-lạp Nana Mouskouri đã thu đĩa bằng bảy ngôn ngữ Anh, Hy-lạp, Pháp, Đức, Tây-ban-nha, Ý và Nhật.

VIDEO:

Matt Monro – I Will Wait For You

I Will Wait For You cũng rất được các dàn nhạc, nhạc sĩ, ca sĩ nhạc jazz ưa chuộng, trong đó có Nicki Parrott (sinh năm 1970), một nữ danh ca kiêm tay đàn bass gốc Úc rất nổi tiếng, hành nghề tại Hoa Kỳ.

VIDEO:

Nicki Parrott – I Will Wait For You Jazz

Ba năm sau The Umbrellas of Cherbourg, cặp Jacques Demy & Michel Legrand đạt thêm một thành công khác với cuốn phim ca nhạc The Young Girls of Rochefort (tiếng Pháp: Les Demoiselles de Rochefort), do nam diễn viên Mỹ nổi tiếng Gene Kelly và hai chị em ruột Catherine Deneuve, Françoise Dorléac thủ vai chính, cùng sự góp mặt của nhiều diễn viên tên tuổi, như Jacques Perrin, Michel Piccoli, Danielle Darrieux, George Chakiris…

The Young Girls of Rochefort được đề cử giải Oscar Nhạc phim năm 1967.

Qua năm 1968, Michel Legrand đoạt giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với ca khúc The Windmills of Your Mind  (do Alan & Marilyn Bergman đặt lời hát) trong cuốn phim “siêu đạo chích” The Thomas Crown Affair do Steve McQueen và Faye Dunaway thủ vai chính.

Năm 1972, ông đoạt Oscar thứ hai với nhạc phim Summer of ’42 , và tới năm 1983, đoạt Oscar thứ ba với nhạc phim Yentl.

Những ai yêu thích tiếng hát của Barbra Streisand chắc hẳn đều đã xem cuốn phim ca nhạc Yentl, trong đó cô thủ vai gái giả trai để đi học đại học.

Ngoài giải Oscar cho nhạc phim Yentl, Michel Legrand còn được đề cử giải Ca khúc viết cho phim là bản Papa, Can You Hear Me do  Barbra Streisand hát trong cuốn phim này.

Trong sự nghiệp trải dài hơn 60 năm của mình, Michel Legrand đã đoạt ba giải điện ảnh Oscar qua 13 lần đề cử, và năm giải âm nhạc Grammy qua 14 lần đề cử.

Mới đây, năm 2018, tiểu hành tinh số 31201 đã được đặt tên “Michellegrand” để vinh danh ông.

* * *

Tới đây chúng tôi viết về nhạc phim Summer of ’42, đoạt giải điện ảnh Oscar năm 1972 và giải âm nhạc Grammy cùng năm.

Nhạc phim (sountrack) của Summer of ’42 do Michel Legrand soạn gồm 13 nhạc khúc, trong đó có The Summer Knows, nhạc khúc chủ đề của cuốn phim.

Không cần phải là một người thưởng ngoạn trình độ cao, chúng ta cũng có thể cảm nhận được giai điệu cổ điển êm đềm tuyệt vời pha lẫn chất jazz quyến rũ trong nhạc khúc này.

VIDEO:

Michel Legrand – The Summer Knows (End Title Theme From “Summer Of ’42”)

Sau khi cuốn phim Summer of 42 được trình chiếu, The Summer Knows được hai nhạc sĩ dương cầm nổi tiếng Peter Nero và Roger Williams thu đĩa, trong đó phiên bản của Peter Nero đã lên tới hạng 6 trong bảng Easy Listening của Billboard.

The Summer Knows cũng được nhiều dàn nhạc nổi tiếng thu đĩa, như 101 Strings, Henry Mancini, James Last, Paul Mauriat…

Phụ lục 1: The Summer Knows, Paul Mauriat & Orchestra

Hiện nay, phiên bản dương cầm của Victor Puig (sinh năm 1957) do hãng đĩa online bandcamp phát hành cách đây khoảng 10 năm, được nhiều người yêu chuộng nhất.

VIDEO:

 Summer of 42 – Jennifer O’Neill / Music by Michel Legrand

The  Summer Knows được cặp vợ chồng nghệ sĩ Alan & Marilyn Bergman đặt lời hát.

Cặp vợ chồng nghệ sĩ Alan & Marilyn Bergman

Alan Bergman, sinh năm 1925, và Marilyn (Keith) Bergman sinh năm 1929, là cặp vợ chồng nổi tiếng bậc nhất trong làng nhạc Hoa Kỳ chuyên đặt lời hát. Cả hai đều sinh ra (tại cùng một bệnh viện) và lớn lên tại Nữu Ước nhưng chỉ sau khi gặp gỡ, kết hôn tại Los Angeles năm 1958, mới bắt đầu hợp soạn lời hát cho các nhà soạn nhạc uy tín dưới bút hiệu Alan & Marilyn Bergman.

Trong sự nghiệp của mình, Alan & Marilyn Bergman đã được trao tặng vô số giải thưởng trong đó có hai giải Oscars; ông bà cũng là thành viên của Tiểu ban Âm nhạc trong Hàn lâm viện Điện ảnh Hoa Kỳ.

Một trong những “thành tích” có một không hai của Alan & Marilyn Bergman là trong giải Oscar năm 1983, trong tổng số năm ca khúc được đề cử giải Ca khúc trong phim có tới ba ca khúc do ông bà đặt lời hát.

Sau đây chúng tôi xin liệt kê một số ca khúc điển hình nhất do Alan & Marilyn Bergman đặt lời hát mà có lẽ ai trong chúng ta cũng đã một lần nghe qua:

– The Way We Were, Barbra Streisand hát trong phim The Way We Were, 1973

 – Summer Wishes, Winter Dreams, trong phim Summer Wishes, Winter Dreams (1973)

 – Yellow Bird, chúng tôi đã giới thiệu trong bài 27 (Chỉ là giấc mơ qua)

 – You Don’t Bring Me Flowers, Neil Diamond, Barbra Streisand hát

 Never Say Never Again, trong phim 007 James Bond Never Say Never Again (1983)

Và lẽ dĩ nhiên, không thể không nhắc tới The  Summer Knows.

The  Summer Knows

The summer smiles, the summer knows
And unashamed, she sheds her clothes
The summer smooths the restless sky
And lovingly she warms the sand on which you lie

The summer knows, the summer’s wise
She sees the doubts within your eyes
And so she takes her summer time
Tells the moon to wait and the sun to linger
Twists the world ’round her summer finger
Lets you see the wonder of her arm?

And if you’ve learned your lesson well
There’s little more for her to tell
One last caress, it’s time to dress for fall

The summer knows, the summer’s wise
She sees the doubts within your eyes
And so…

VIDEO:

 (Barbra Streisand) – ” The Summer Knows “

Về sau, đã có ít nhất ba ca khúc dựa theo nội dung The Summer Knows là các bản Summer (The First Time) của Bobby Goldsboro năm 1973, Summer of ’69 của Bryan Adams năm 1985, và That Summer của Garth Brooks năm 1993; trong số này chỉ có bản Summer of ’69 ghi chú dựa theo nội dung của The Summer Knows.

Tại miền Nam VN trước năm 1975, The Summer Knows đã được nhạc sĩ Phạm Duy đặt lời Việt với tựa Hè 42 dựa theo nội dung của nguyên tác.

Hè 42

 

Hè đã tới rồi, mùa hè cười vui cởi vang áo đời
Hè đi phơi phới, hè ru sóng nguôi nhẹ nhàng ra khơi
Hè hâm nóng đời, nằm trên cát trời hè ân ái ơi
Hè yêu mến người, hè còn vui chơi hè trong mắt người

Đừng nên bối rối, hè xin đất trời hè lên tiếng nói
Nói với trăng ngời, phải cùng nắng cao vời bằng nắm tay
Phải cùng giữ trái đất này, hết quay hết quay
Phải hết xoay quanh đêm này

Người yêu mến hè, người còn say mê
Hè xin vuốt ve, một lần thôi nhé
Rồi xin nghe, mùa thu bước về lê thê

 

Phụ Lục 2: Hè 42, Duy Quang

Cùng khoảng thời gian, nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 cũng đặt lời Việt cho The Summer Knows với tựa Mùa Hè Năm Ấy, nhưng không theo nội dung lời hát trong nguyên tác.

LƯU Ý: Hiện nay khá nhiều trang mạng, tác giả khi viết về phiên bản lời Việt của The Summer Knows đã sai, hoặc lẫn lộn giữa hai tựa đề “Hè 42” và “Mùa Hè Năm Ấy” của hai tác giả. Các phóng ảnh kèm theo bài “Phạm Duy & Nguyễn Ánh 9: Hè 42 / Mùa Hè Năm Ấy” trong chuyên mục Dòng Nhạc Kỷ Niệm của TV&BH đã khẳng định: tựa của Phạm Duy Hè 42, còn tựa của Nguyễn Ánh 9 Mùa Hè Năm Ấy.

 

Mùa Hè Năm Ấy

Tình trong phút giây. Tình yêu thơ ngây
Tình yêu đắm say. Mùa hè năm ấy
Tình yêu thiết tha. Chìm trong bao la
Người yêu đã xa. Lòng ai xót xa
Tình yêu đã qua

Niềm vui ái ân. Nhạt màu hương phấn
Lòng ai giá băng. Người yêu xa vắng
Người ơi nhớ chăng. Chiều rơi mái vắng
Nhớ nhung nhiều. Người ơi nhớ nhung nhiều
Hẹn ước hôm nào. Lời tình cuối hôm nào
Mình đã trao nhau. Đã phai tàn mau
Khóc duyên ban đầu

Tình trong phút giây. Rồi thành thiên thu
Người ơi có hay. Lòng yêu mãi mãi
Người yêu đã xa. Tình yêu đã qua

 

Trước năm 1975, Mùa Hè Năm Ấy đã được Thanh Lan thu vào băng nhựa.

Phụ lục 3: Mùa Hè Năm Ấy, Thanh Lan (pre 75)

Sau năm 1975, Mùa Hè Năm Ấy đã được Nguyễn Hồng Nhung trình bày trong Video Asia 59.

Phụ lục 4: Mùa Hè Năm Ấy, Nguyễn Hồng Nhung

 

HOÀI NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

Bài Mới Nhất
Search