T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Học Trò: Những nhận định về nhạc Việt Nam và Âu Mỹ . . .

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

Học Trò: Những nhận định về nhạc Việt Nam và Âu Mỹ từ thập kỷ 60′ đến nay

Vài tâm tình thay lời giới thiệu

 Bạn đọc quý mến,

Quyển ebook bạn sắp xem là tuyển chọn lại những bài viết và mà tôi đã đăng rải rác trên liên mạng và trên trang blog từ năm 2006 đến  năm 2019.Từ khi sách Ebook này chào đời đến nay là tái bản lần thứ bảy. Đặc biệt nhất, tôi đem hết những bài viết của tôi về nhạc Phạm Duy trong tập ebook với tựa đề “Tìm Hiểu Cách Sáng Tác Nhạc Qua Dòng Nhạc Phạm Duy” rồi gom lại và để chung với những bài tôi viết về nhạc Phạm Duy gần đây. Những lần tái bản trước, tôi thường để những bài viết theo thứ tự thời gian. Lần này, tôi chia làm ba phần: các bài viết về nhạc ngoại quốc, về nhạc Việt Nam nói chung, và về dòng nhạc Phạm Duy nói riêng.

Nếu lấy biến cố 1975 làm mốc, thì thằng tôi khi ấy là chú nhóc tì 9 tuổi, chưa có khái niệm gì nhiều về âm nhạc, chỉ chăm lo học hành và vui chơi với những trò dích hình, bắn bi, xem truyện tranh Xì Trum, Lữ Hân, Phi Lục, Phan Tân, Sĩ Phú, v.v., cái loại Sách Vàng in trên giấy trắng đen đó mà. Tôi làm gì biết được trường tôi, Lasan Taberd, đã là nơi hội tụ của các ban nhạc trẻ “làm mưa làm gió” những năm đầu thập kỷ 70?Thế rồi với cơn lũ đổi đời, một nửa đại gia đình kịp di tản,  nửa sau kẹt lại có lẽ vì quá tin vào ảo tưởng “nối vòng tay lớn”. Tôi lớn lên trong tình cảnh đó, ba và ông ngoại đi tù “cải tạo”, rồi ông tôi qua đời ở trại tù Vĩnh Phú, trong khi con cháu ở lại ngày đêm thấp thỏm lo âu không biết ngày nào sẽ bị đưa đi “vùng kinh tế mới”. Khi cơm ăn áo mặc còn không có đủ, thì còn nói gì đến chuyện nghe nhạc ta, nhạc tây, nhạc tàu? Khi đó tôi còn nhỏ lắm, đâu biết được những lo toan, trăn trở, uẩn ức của thế hệ cha anh mình.

Nếu ai đã từng ở Việt Nam trong những năm khốn khó đó, đều biết nhạc ngoại quốc và nhạc Việt Nam Cộng Hòa hoàn toàn bị cấm nghe. Sách báo thì đã bị đốt gần hết rồi, sau này có cái chợ sách gần văn phòng công ty làm máy may Sinco (góc xéo chợ Bến Thành) mở ra được chừng một vài năm, rồi cũng bị bố ráp để chính quyền tịch thu nốt.

Vậy mà dân Sài gòn từ từ cũng được nghe và hát nhạc ngoại, vậy mới hay. Nhờ dân “tàu viễn dương” buôn lậu các băng cassette về, hoặc từ các tiệm sang băng nhạc mà từ từ tụi con nít mới lớn tụi tôi được nghe ráo trọi, từ ABBA, the Bee Gees, the Carpenters, BoneyM, Smokie, Stevie Wonder, Wham, tới các “nữ hoàng” âm nhạc thời thượng như Madonna, Cindy Lauper, Diana Ross hay các ông vua như Michel Jackson, Lionel Richie, kể cả những ban nhạc lạ như Eurythmics, Bruce Springsteen cũng có luôn. Các tụ điểm ca nhạc, café, video nhạc ngoạimọc lên như nấm. Tôi không thường xuyên đi xem hay ngồi café nghe nhạc, nhưng hồi đó sau khi học xong ở trường dạy nghể rồi làm ở một hãng xưởng, tôi cũng “xung phong” vô ban nhạc để có cớ khỏi phải đi làm ngày thứ bảy. Dợt đàn keyboard cũng vui, anh em chỉ nhau đánh đủ hết các điệu, để cuối năm “liên hoan” ban nhạc đệm đàn cho công nhân “múa đôi” (tức là khiêu vũ đó mà 🙂

Đến năm 1990 thì tôi theo gia đình qua Mỹ diện HO. Việc trước tiên là phải tìm cách kiếm sống với vốn liếng tiếng Anh ít ỏi. Tôi quyết tâm luyện nói tiếng Anh nên cứ cà rề (hang out) quanh mấy ông bạn Mỹ để được dịp luyện tiếng Anh. Sau đó vài năm thì tôi đi học bán thời gian ở một trường cộng đồng, sau vài năm đủ credit và GPA lên trường lớn, rồi lại học bán thời gian tiếp bốn năm, rồi ra trường. Cho tới khi đó (2004), tôi vẫn tưởng sở thích của tôi là chỉ viết thảo chương điện toán. Trong những nhu liệu mả tôi làm ở sở như AutoCAD, MicroStation, PDS, Hexagon’s Smart 3D, nhu liệu nào cũng có cách để người sử dụng viết thêm mã (code) để tự động hóa một số thao tác. Sở trường của tôi là viết code cho tôi và cho người khác trong hãng dùngđể tăng năng suất làm việc. Những gì chúng tôi vẽ đều giống hệt nhau, vì cùng dùng chung một thuật toán (dịch thoát từ macro, hay custom command). Những khái niệm như coherence, simplicity, adaptability, v.v. tôi phải nắm vững, và tôi thấy rõ cung cách đó đã vô hình chung giúp tôi mổ xẻ, phân tích một hay nhiều bài nhạc – để tìm cái chung trong những cái riêng – rất nhiều.

Sở thích của tôi trong những năm đầu tị nạn ấy cũng đơn giản, là mua cassettes, rồi CD về nghe. Tôi mua quá chừng chừng các CDs đủ loại, từ chuyện mua lại những album viễn dương khi xưa như ABBA, the Bee Gees, the Carpenters, the Beatles, rồi lần lần tới mua tới Paul Mauriat, Raymond Lefèvre, Frank Pourcel, nhạc Pháp như Elsa, Pierre Bachelet, France Gall, v.v. rồi tất nhiên cả nhạc Việt Nam nữa: Ngọc Lan, Khánh Hà, Tuấn Ngọc, Thái Hiền, Thái Thanh, Julie, Đức Huy, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên, Phạm Duy, các dĩa “Duy Cường Hòa Âm”, v.v. Từ từ nghe rồi tôi cũng nảy ý muốn trở thành nhạc sĩ. Tôi bèn tà tà mua những quyển sách dạy viết nhạc về nghiền ngẫm, cũng như sách dạy piano cho con gái tôi học đàn, còn phần tôi coi ké coi tay trái các nhạc sư (như bà Martha Mier hay ông Dennis Alexander)viết sao cho ăn khớp với bài nhạc tay phải nữa.Phải nói là sách nhạc bên này là một thiên đường cho những kẻ bị “đói thông tin” thời “cấm vận” và “tự cấm vận” ở Việt Nam như tôi. Tôi mua không biết bao nhiêu sách điện toán và âm nhạc cho kể, từ khi có Amazon tôi lại tìm ra và mua thêm nhiều sách hiếm quí nữa.

Cùng thời gian đó (khoảng 2006) tôi có làm một blog rồi viết lên đó các mã để làm Blogger tiện lợi hơn, thí dụ như tôi có làm một cái “hack” để các bài viết giống nhau sẽ hiện lên một “cửa sổ” cho tiện việc tra cứu – hệt như khi ta xem youtube bây giờ thì ở bên phải nó sẽ hiện lên các video với nội dung na ná như cái mình đang xem vậy. Thế rồi tôi làm một blog mới với tên là Góc Học Trò ( https://hoctroviet.blogspot.com/ ) để viết lên những cảm nghĩ của mình về âm nhạc.

Từ lúc bắt đầu phân tích một bài nhạc phổ thơ đơn giản của nhạc sĩ Phạm Duy là Hoa Rụng Ven Sông năm 2006, tôi dần dần “lấn sân” qua tìm hiểu các khúc điệu dài hơi, với nhạc lý khó hơn như Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Nghìn Trùng Xa Cách, và Nắng Chiều Rực Rỡ. Tôi cũng tìm hiểu thêm về nhạc Việt Nam, nói rõ hơn là tìm hiểu cách sáng tác giai điệu dựa trên thang âm ngũ cung. Năm 2009, tôi phân tích một trăm khúc điệu nổi tiếng của nhạc sĩ để thử tìm mẫu số chung cho sự thành công của các khúc điệu ấy. Tôi so sánh cội nguồn – nhạc đề – giữa các khúc điệu với nhau, rồi tìm ra những thí dụ cho từng cách phát triển nhạc đề, cách tạo câu nhạc, đoạn nhạc, và cách xây dựng cấu trúc nhạc để làm thành một khúc điệu hoàn chỉnh. Song song với việc tìm hiểu nhạc thuật Phạm Duy, tôi cũng viết thêm nhiều bài viết khác về các dòng nhạc Trịnh Công Sơn, Đức Huy, Lê Uyên Phương, Từ Công Phụng, cũng như nhạc Pháp, Mỹ, Thụy Điển, rồi dòng nhạc hòa tấu của nhạc sư Paul Mauriat, v.v. Một trong vài điều tôi rất sung sướng là sáu bài viết của tôi được cố nhạc sĩ Phạm Duy chọn đăng trong quyển sách Vang Vọng Một Thời. Ngoài ra, với vai trò web designercủa trang nhạc phamduy2010.com, tôi cũng đã thuyết phục được nhạc sĩ cho đăng lên hai tài liệu nhạc thuật là Đường Về Dân CaÂm Nhạc: Học Và Hành, đã và đang là một nguồn tài liệu quý báu để các bạn trẻ học hỏi.

http://www.phamduy2010.com/02sokhao/

Trở lại với chuyện sáng tác nhạc, dần dà tôi hiểu ra mấu chốt của vấn đề tại sao tôi không thể là nhạc sĩ: tôi không có đủ hứng khởi hay nòi tình để viết nhạc. Biết vậy, nhưng khám phá mới về một nhạc sư người Hoa Kỳ gốc Áo là ông Arnold Schoenberg, đã cho tôi nhiều hy vọng là tôi sẽ viết được một hay nhiều bài nhạc theo phương pháp ông dạy. Bài nhạc có thể có ý nhạc tàm tạm hoặc dở tệ, nhưng cấu trúc bài nhạc sẽ rất chặt chẽ. Trong khi chờ hứng khởi đến tay, tôi cứ lại tiếp tục nghe, đọc và viết bài tìm hiểu nhạc vậy.

Gần đây nhất, tôi được chú T.Vấn đồng ý và mở rộng vòng tay đón chào quyển sách ebook vào tủ sách điện tử T. Vấn & Bạn Hữu. Tôi cho đó là một vinh hạnh lớn của “thuở mơ làm nhạc sĩ” của tôi.Hy vọng bạn sẽ tìm ra một vài điều thú vị từ quyển ebook này, cũng như tôi đã rất hào hứng mỗi khi viết xong một tiểu luận và mong cho nó chóng tới tay bạn đọc trên liên mạng toàn cầu.

Thân ái,

Hiệp Dương (aka Học Trò)

Tháng Giêng năm 2020

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search