T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

TÔ VĂN CẤP: NỬA ĐƯỜNG (Chuyện nhà – chuyện lính – chuyện người)

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

TÔ VĂN CẤP: NỬA ĐƯỜNG (Chuyện nhà – chuyện lính – chuyện người)

Thay Lời Tựa

CÓ MỘT NHỊP CẦU

Nguyễn Diễm Nga*

Từ xưa ông bà mình đã có câu để răn dạy về luật nhân quả giữa hai thế hệ: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”, thế nhưng đối với riêng tôi, có những chuyện đã xảy ra làm cho tôi nghĩ đến lời dạy của người xưa dưới một góc nhìn… ngược lại.

Đó là năm nay, 2018, đúng vào ngày giỗ bố, tôi tình cờ đọc được một bài viết nhắc về tên tuổi của bố tôi khá nhiều lần làm cho tâm hồn tôi cảm thấy vô cùng ấm áp mà không hề… khát nước.

Đó là lòng quý mến rất đặc biệt của tôi dành cho một tác giả của nhiều bài tùy bút, ký sự chiến trường rất có giá trị, một người mà tôi đã được phép gọi thân mật bằng “Chú”: Chú Tô Văn Cấp.

Ngày xưa, chú Cấp từng là niên đệ của bố tôi tại Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam – Bố tôi Khóa 17, còn chú Cấp Khóa 19, và cả hai đều là “lính” Thủy Quân Lục Chiến. Theo như lời kể của chú trong bài viết mà tôi tình cờ đọc được nói trên thì bố tôi, SVSQ Cán Bộ Nguyễn Tiến Đức Khóa 17, trong tám tuần lễ đầu “huấn nhục” đã dùng cái quyền làm “hung thần” mà “nẹt” các tân khóa sinh Khóa 19 trong đó chú Cấp:

– Chương trình văn nghệ dành cho các tân thiếu úy Khóa 16, các anh là tân khóa sinh K19, tôi đặc biệt cho phép tham dự, nhưng không được phép cười, cấm vỗ tay.

Ôi! Còn gì “mặn đắng” và phi lý hơn? Kết quả là các chú dù “vi phạm” vỗ tay hay không thì vẫn bị bố tôi phạt chạy mấy vòng sân quanh doanh trại.

Có lẽ những “ân oán” ngày ấy giữa bố tôi và chú được biến hóa thành một cơ duyên để rồi phu nhân của Cán Bộ Nguyễn Tiến Đức (tức mẹ tôi) đã trở thành một độc giả rất yêu mến ngòi bút CAPTOVAN trên các diễn đàn và đặc san hải ngoại, và tôi thì đã trở thành một “đệ tử” đi theo chú Cấp học hỏi chuyện bút nghiên ngày hôm nay.

Vì sao ngòi bút CAPTOVAN lại được yêu mến đến như vậy?

Khi được hỏi, mẹ tôi đã trả lời rằng vì đó là những bài viết mang lại cho bà biết bao nước mắt, lẫn nụ cười đầy cảm xúc.

Ai mà lại thích nước mắt bao giờ! Nhưng những giọt nước mắt khi đọc Captovan là những giọt lệ rơi xuống vì niềm cảm thương chân thành dành cho những “Bà Mẹ Quê” của đất nước Việt Nam nghèo khổ và chinh chiến điêu linh.

– ”Riêng mình tôi biết bu tôi khóc, tôi chẳng nói cho ai hay, nhưng tiếng khóc của bu xoáy vào đầu tuổi thơ khiến tôi cứ đứng sau hè nhìn bu tôi rũ xuống như tàu lá chuối héo, nghe bà nấc nghẹn mà ứa nước mắt theo.” (Trích Bà Mẹ Quê)

…và cứ thế mà người đọc cũng… ứa nước mắt theo! Đó còn là những giọt nước mắt khóc đồng đội trong “Trâu Điên & Cố Vấn Mỹ”, trong các ký sự chiến tranh, và có khi là… “cười ra nước mắt” nữa!

Nhưng may mắn thay là trái ngược với những giọt nước mắt “ứa… theo”, nụ cười qua ngòi bút Captovan lại là những nụ cười… không cần chờ đợi! Vì đó là những nụ cười thâm thúy, ý “nhi-nặng” (viết theo kiểu chú Cấp!) đến với người đọc dễ dàng thoải mái.

Aha! Tôi biết vì sao mẹ tôi cười! Mẹ tôi cười là vì hình như bà đã tìm thấy hình bóng của chính mình thấp thoáng trong bài viết “Tuổi 70… Chán Mớ Đời”, y như chú đang “đi guốc” trong bụng… thiên hạ:

– ”Tôi hiểu rằng mấy bà thuộc giai cấp “cổ lai hy” đều mắc phải cái bịnh than, bịnh lo, bịnh sợ. Họ sợ nhữngbất trắc đang rình rập họ, nào tai nạn, nào bịnh tật, nào chết chóc… Họ sợ có chuyện gì không ai giúp đỡ, nên cần có người bên cạnh, nhưng có người bên cạnh thì có cằn nhằn!

Nhưng rồi sau đó bà lại nở ngay một nụ cười “vị tha” khi nhận ra rằng các ông Thủy Quân Lục Chiến (mà bố tôi cũng là một) luôn luôn “biết người, biết ta” hơn ai hết.

Bên cạnh nét ý nhị trong văn phong đầy ứng biến của ngài cựu “Lính Thủy Đánh Bộ”, mẹ tôi còn thấy rất vui khi bắt gặp ngôn ngữ của những người Bắc Kỳ di cư từ xứ đạo miền Bắc (mà mẹ tôi lại cũng là một) đã được Chú Cấp “mang theo” vào Nam, rồi lại một lần nữa “di cư” ra tận hải ngoại để tinh tế gây cười trong bài viết dí dỏm: “Mình Uống Hai Viên, Bác Sĩ” như sau:

– ”Giê-Su-Ma*, mình** bị táo bón lâu lắm rồi, bác sĩ, uống đủ thứ thuốc không khỏi, vậy mà uống dược thảo chai số… là ra ngay, bác sĩ.

(Chú thích của tác giả: *Nữ bệnh nhân này đích thị là con chiên “ngoan đạo” nên mở miệng ra nói bất cứ việc gì cũng phải kêu tên Chúa, nhưng bà có biết rằng đó là phạm vào điều răn thứ hai: “Thứ hai chớ kêu tên Đức Chúa Trời vô cớ.” Bà táo bón chứ có phải Chúa… bị táo bón đâu thì hà cớ gì bà kêu tên Chúa?** Lại nữa, đại danh từ “mình”** chỉ dùng khi hai vợ chồng thủ thỉ bên nhau những chuyện riêng tư. Thí dụ: “Mình ơi, em muốn…)

Tôi có thể hình dung ra mẹ tôi đã cười ngặt nghẽo khi đọc những câu đối thoại vui vui, như một cái “duyên-không-ngầm” của Chú Cấp:

– Anh ơi! Ra “hép” (help) em tí nào. (Trích: “Tuổi 70… Chán Mớ Đời!”)

– Các anh đái khẩn trương lên (Trích “Vợ Chồng Lục Đục Cũng Tại Bức Xúc”), hoặc bà đã cười đỏ cả mặt khi đọc đến đoạn chú viết về các cô nữ xướng ngôn viên mỗi khi chấm dứt một chương trình nào đó, thay vì nói một cách lịch sự, sạch sẽ là: “Chương trìnhcủachúng tôi đến đây là chấm dứt, là hếtv.v… thì các cô lại toét miệngcười:

– Chúng tôi xin KHÉP lại…”  ((Trích “Người Việt Giết Tiếng Việt”)

Ôi! Thật là “Xấu Hổ Cả Người” (XHCN).

Mạch cười vẫn tiếp tục nghiêng ngả nếu như bà đọc đến khi chú “vận dụng” hai chữ “quá trình” theo đúng kiểu “Xuống Hố Cả Nút” (XHCN) trong đoạn văn sau:

– Đêm qua trong lúc (quá trình) em đang ngủ say thì anh đụng chạm vào… làm cho em thức giấc, bực cả cái mình. Bây giờ trong khi (quá trình) em thức thì anh lại nằm ì ra đó làm em khó chịu. Lần sau, lúc mà (quá trình) em đang ngủ thì anh đừng có làm phiền người bên cạnh đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi nữa à nha. (Trích “Người Việt Giết Tiếng Việt”.)

Thế đấy! Những nhận xét vô cùng tinh tế về ngôn ngữ là một trong những chủ đề chính của dòng văn Captovan luôn luôn dào dạt niềm tự hào và yêu mến, luôn luôn mong muốn được tôn vinh và gìn giữ “Tiếng Việt Trong Sáng” nơi hải ngoại.

Cũng chính vì điều mong muốn hết sức tốt đẹp này mà tôi đã tự nguyện xin chú Cấp thâu nhận làm “đệ tử” để “cắp tráp” đi theo chú hầu võ vẽ thu thập một chút kinh nghiệm bút nghiên.

Qua bài viết “Bông Với Hoa – Có Gì Khác Nhau Đâu?” tôi đã có cơ hội ôn lại và học hỏi thêm được rất nhiều điều về Tiếng Việt.

– “Dù biết rằng viết hoa hay không thì vẫn không làm thay đổi ý nghĩa của câu, nhưng chúng ta phải tôn trọng một vài quy luật về văn phạm cho nó đẹp, như một người nữ cần phải có son phấn, một vài quý kim trên ngón tay, dù giả hay thật.”

Ôi, phải chăng viết hoa đúng luật cũng chính là đã mang một món trang sức, đã cài một đóa hoa trên suối tóc ngôn ngữ mượt mà của Tiếng Việt mến yêu?

Một điều nữa mà tôi học hỏi được từ chú Cấp đó là: “Nói có sách, mách có chứng”. Tôi rất ngưỡng mộ chú Cấp bởi những tìm hiểu công phu và tra cứu tài liệu rất kỹ càng để dẫn chứng cho các bài viết của chú tăng thêm giá trị, đặc biệt là những bài viết về quân sử và ký sự chiến trường.

Thế hệ của chúng tôi sinh ra và lớn lên ở phần cuối của cuộc chiến, có các em hậu duệ còn sinh sau đẻ muộn hơn cả tôi nữa. Chúng tôi yêu quý và tự hào về những bậc cha chú của mình trong niềm thành kính nhưng đôi khi vẫn còn khá mơ hồ, vì vào thời điểm ấy chúng tôi còn quá nhỏ.

Lớn lên một chút thì lại xa cách những người cha bị đọa đày trong ngục tù Cộng Sản và trong khi gia đình phải cực khổ bươn chải kiếm miếng cơm manh áo nơi “Thiên Đường Mù Xã Hội Chủ Nghĩa”, những hiểu biết non nớt của chúng tôi về bộ mặt thật của chiến tranh dường như chưa bao giờ được hiển hiện rõ nét, đầy đủ, và chi tiết.

Nhờ những người cầm bút tận tụy như chú Cấp nói riêng, và rất nhiều những ngòi bút đáng kính trọng khác khắp nơi trên thế giới viết về cuộc chiến một cách tường tận theo nhiều góc cạnh với vô số những dẫn chứng, những tâm tình uất nghẹn pha máu và nước mắt của từng quân/binh chủng một – như “Trâu Điên Và Cố Vấn Mỹ”, như “Kỷ Niệm Vui Buồn Với Các Anh Không Quân” – chúng tôi, những người con đã có được những nhận định trọn vẹn và hào hùng về quân sử Việt Nam Cộng Hòa.

Tôi đặc biệt yêu mến bài viết “Cha Ơi! Con Rất Hãnh Diện Về Cha” mà chú Cấp đã “Viết Về Nước Mỹ” cùng Việt Báo, cũng như đã đăng trong Đặc San Đa Hiệu số 114 của Võ Bị. Tôi vô cùng cảm động sự trân trọng của chú đã dành cho những người đã bỏ mình nằm xuống vì quê hương, cũng như những người đã hy sinh một phần thân thể của mình cho quê hương, giờ đây vẫn còn sống rất khổ sở với nỗi đau tàn phế của thể xác. Đây cũng chính là chủ đề tinh thần thứ hai trong các bài viết của chú Cấp.

– “Dù thân phụ tử trận khi các cháu còn quá nhỏ hoặc chưa sinh ra, sau gần nửa thế kỷ, các cháu đã trưởng thành, đã thành công dân Mỹ, nhưng vẫn tìm về cội nguồn và hãnh diện có cha đã hy sinh cho Tổ Quốc Việt Nam. Chúng tôi cảm thấy có bổn phận kể lại cho các cháu những điều chúng tôi biết về cha các cháu. Từ đó các cháu mới hiểu vì sao các cháu có mặt trên đất nước này, mà nhớ ơn các người lính Việt Nam Cộng Hòa.”

Chính vì vậy, đối với chú Cấp, bổn phận và tâm tình của chú hướng về những người đã hy sinh một phần thân thể cho cuộc chiến Việt Nam và hiện thời đang sinh sống khốn khổ, thiếu thốn và đói khát tại quê nhà lại càng phải đặt lên hàng đầu: “Bản “tiền” ca có ý nghĩa nhất và là một ân tình nhất và cũng là bổn phận của cộngđồng tị nạn và quân nhân các cấp ở hải ngoại là hãy gửi một gói quà về cho anh em Thương Binh/Việt Nam Cộng Hòa.” (Trích “Bản Tiền Ca Không Tên”)

Trong một buổi nói chuyện thân tình, chú Cấp đã nói với tôi về tựa đề cuốn sách – “NửaĐường” – và hình ảnh của “chiếc cầu gẫy” luôn ám ảnh trong tâm tư của chú.

Tuy nhiên, khi đọc qua những bài viết của chú, không hiểu sao tôi lại liên tưởng đến một nhịp cầu có khả năng diệu kỳ nối liền những gẫy đổ:

– Gẫy đổ do chiến tranh gây ra những mất mát trong tâm hồn, trong hình hài, trong thân phận của một con người.

– Gẫy đổ trong ngôn ngữ càng ngày càng rời rạc và lu mờ của Tiếng Việt ngày nay.

– Gẫy đổ trong thâm tình giữa hai thế hệ – đời cha và đời con – do hệ luỵ của chiến tranh.

Chính những công trình viết lách, tìm tòi, và ghi chép lại trong hành trình lội ngược dòng trí nhớ của chú Cấp đã là một “nhịp cầu” nối kết thế hệ đời sau của chúng tôi với lịch sử chiến đấu anh dũng của thế hệ cha chú.

Xin hãy nghe lời thổ lộ tha thiết của Yvonne Trần, một cô nhi trong “Cha Ơi! Con Rất Hãnh Diện Về Cha”:

– “Hãnh diện về cha chỉ là hãnh diện cá nhân, nhưng hãnh diện nhất của cháu là biết sự thật về chiến tranh đã có những người lính miền Nam hy sinh để bảo vệ Tô Quốc và đồng bào khiến cháu không thể nào quên được.”

Chú Cấp ơi, ngày xưa “đời cha” Nguyễn Tiến Đức của cháu đã từng phạt chú chạy mấy vòng sân quanh doanh trại chỉ vì vi phạm luật “không cho cười, cấm vỗ tay” khi được xem một chương trình văn nghệ hay, nhưng cháu hy vọng ngày hôm nay, chú sẽ rộng lòng không nỡ phạt cháu “đã cười, đã vỗ tay” khi thưởng thức những tác phẩm đặc sắc của chú nhé!

Bởi vì cháu chỉ muốn gửi đến chú tấm tình tri ân của thế hệ “đời con”.

Bởi vì cháu tin tưởng rằng có một nhịp cầu mang tên TÔ VĂN CẤP đang lặng thầm và miệt mài nối dài “Con Đường” tranh đấu vì Lý Tưởng Tự Do Dân Tộc giữa hai thế hệ.

Visalia, 11/2018.

* Con gái của Cố Thiếu Tá Nguyễn Tiến Đức, CSVSQ/TVBQGVN K17 – Thủy Quân Lục Chiến/ Không Quân – Quân Lực VNCH.

 

Phụ Lục:

RMS tác phẩm “Nửa Đường” tại quận Cam

Nhà Văn Lính TQLC Tô Văn Cấp Ra Mắt Tác Phẩm “Nửa Đường”

clip_image002

clip_image004

clip_image006

clip_image007

Vài hình ảnh trong buổi ra mắt sách.

Westminster (Bình Sa)- – Trưa Chủ Nhật ngày 2 tháng 6 năm 2019, tại hội trường Thành Phố Westminster số 8200 Westminster Blvd, nhà văn Lính Thủy Quân Lục Chiến Tô Văn Cấp đã tổ chức buổi ra mắt tác phẩm “Nửa Đường.”

Mặc dù trong một ngày, cùng giờ tại Thành Phố Westminster có nhiều hội đoàn, đoàn thể tổ chức sinh hoạt nhưng số người đến tham dự buổi ra mắt tác phẩm “Nữa Đường” đã ngồi chật hội trường, phần đông là các chiến hữu xuất thân từ trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam Đà Lạt, nơi mà tác giả đã từng theo học Khóa 19 Võ Bị, các niên trưởng, các chiến hữu trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một số quý niên trưởng, quý chiến hữu thuộc các hội đoàn quân binh chủng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một số những vị thầy, những nhà văn, nhà thơ, Huynh Đệ Petrus Ký nơi tác giả đã trải qua nhiều năm của thời niên thiếu dưới ngôi trường thân yêu này; đặc biệt với những người lính mũ nâu Biệt Động Quân mà tác giả đã cùng sát cánh bên nhau trong những ngày chiến đấu bảo vệ quê hương. Ngoài ra còn nhận thấy có: Linh Mục Nguyên Thanh, Tuyên Úy binh chủng TQLC mà tác giả từng được vị LM này săn sóc về mặt tinh thần. Bên cạnh đó còn rất đông phu nhân, thân hữu các quân binh chủng bạn, một số đồng hương Hậu Nghĩa yêu mến, nể phục tác giả.

Được biết, Thiếu Tá TQLC Tô Văn Cấp sinh tại Kiến An, Bắc Việt, di cư vào Nam năm 1954, học trường Petrus Ký từ 1955 đến 1962. Sau khi đậu hai bằng Tú Tài ông vào trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt và tốt nghiệp Khóa 19 năm 1964. Sau khi tốt nghiệp ông tình nguyện gia nhập binh chủng Thủy Quân Lục Chiến, một trong ba binh chủng nổi tiếng nhất của QL/VNCH (Nhảy Dù, TQLC và BĐQ).

Là vị chỉ huy trẻ, Thiếu Úy Tô Văn Cấp sau thăng lên Thiếu Tá từng cầm quân đánh Việt Cộng trong những trận đánh được ghi vào quân sử như trận Bời Lời (Mật khu Hố Bò), trận Bồng Sơn… đặc biệt trận tăng phái cho ông Sáu Lèo (Tướng Nguyễn Ngọc Loan) Tư Lệnh Cảnh Sát Quốc Gia tiêu diệt quân Việt Cộng trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 tại Saigon, và không biết bao nhiêu trận chiến khác khiến ông 5 lần bị thương, có lần bị gẫy xương chân phải, gẫy tay trái, bể xương hàm, máu từ mũi và hai lỗ tai chảy ra (bài Xé Lá Thư Tình, trang 35).
Sau ngày 30.4.1975 ông bị tù Cộng Sản 10 năm (1975-1985) và qua Hoa Kỳ tỵ nạn theo diện H.O 1 năm 1990. Hiện đang sống   tại Orange County bên cạnh người tình Gia Long từ những năm 1963 ( Xé Lá Thư Tình). Ông Tô Văn Cấp chưa nhận mình là nhà văn, mặc dù đã ba lần ông được Giải Viết Về Nước Mỹ do nhật báo Việt Báo tổ chức và một lần được giải Viết Về Mẹ của nhật báo Herald.

Tuy nhiên, qua tác phẩm “Nửa Đường” có lẽ không ai đọc qua mà không phải công nhận, Tô Văn Cấp là một cây viết, viết hay hơn những nhà văn bình thường. Ông còn có bút hiệu Philatô. (Philatô là viên quan Tổng Trấn Do Thái, người đã chất vấn Đức Giêsu trước khi trao Chúa Giêsu cho dân đem đi đóng đinh vào Thập Giá). Sau khi được ông ký tặng cho cuốn Nửa Đường, về nhà đọc trang đầu rồi không gấp sách lại được. Những chuyện nhà, chuyện anh em, chuyện lính, chuyện người được ông dàn trải trên 400 trang giấy qua 25 mẫu chuyện. Ngoài ra có thêm trang Thay Lời Tựa, Bạn Hữu Đọc Nửa Đường, Chân Dung Tác Giả và phần Mục Lục.
Sở dĩ cuốn Nửa Đường làm say mê người đọc không gấp sách lại được, vì những chuyện ông viết là những chuyện thật, không phải hư cấu, lời văn của ông nhẹ nhàng, dí dỏm khiến người đọc thấy vui vui như chuyện “Xé Lá Thư Tình” kể chuyện con ông chất vấn ông về “Người Tình” của bố: “Bố có dám kể cho mẹ và con nghe lá thư bố viết cho người yêu không? Ai là người dám xé thư người yêu của bố? Người xưa ấy là ai? Bố yêu từ hồi nào, hiện nay bà ấy ở đâu? Ở Hoa Kỳ hay còn kẹt lại ở Việt Nam? Có phải lá thư bị mẹ con xé vì bả ghen?
Những câu ông đối đáp ỡm ờ với con thật dễ thương “Coi chừng bố bị xé xác bây giờ” trong lúc hiền thê ngồi bên cạnh thỉnh thoảng nhéo vào ba sườn và nói nhỏ “Xạo hoài”! Trong các mẫu chuyện, chúng tôi thích thú với câu chuyện “Vợ chồng lủng củng cũng tại con chim,” kể chuyện hai vợ chồng người bạn thân giận nhau vì “con chim” trang 346, và nghe ông thuật lại trận Mậu Thân 1968 khi ông đang là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 2 TQLC được tăng phái cho Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tư Lệnh CSQG tiêu diệt quân Việt Cộng đang chiếm khu vực chùa Ấn Quang, Saigon và kể cho độc giả nghe chuyện Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan xử bắn tên khủng bố Nguyễn Văn Lém tức Bảy Lốp, kể về tinh thần chiến đấu dũng cảm của vị Tư Lệnh và các Đại Đội Cảnh Sát Dã Chiến mà ông cảm phục, và có lẽ vì thế mà tác giả cố mời được Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công, Viện Trưởng Học Viện CSQG, người đã cùng Tướng Nguyễn Ngọc Loan chỉ huy chiến đấu giành lại từng ngôi nhà bị VC chiếm giữ đến tham dự buổi ra mắt Nửa Đường của ông.

Để độc giả đánh giá tác phẩm Nửa Đường của tác giả Tô Văn Cấp, có lẽ không gì hơn là nghe tóm tắt những lời nhận định khách quan của “Bạn Hữu Đọc Nửa Đường” đã đăng vào những trang cuối cuốn sách.

Tam Dung ghi: “ Sự Nghiệp đang công đeo đuổi / Thôi cũng đành gián đoạn nửa đường”  “… Ngòi viết của tác giả chân tình và một chút khôi hài cho đời thêm vui, nhưng đâu đó có những vị cay chua khiến độc giả buồn mà phải cười.”

Tường Thúy với cảm nghĩ về tác giả: “Philato, Captovan, Phuhotrac là những bút hiệu quen thuộc của cây viết Tô Văn Cấp mà độc giả thường bắt gặp trên mọi diễn đàn hay trên các mặt báo… Một điều nữa làm văn của anh càng thêm hấp dẫn hơn nhờ những câu tục ngữ, ca dao, câu hát, vần thơ đã được anh sử dụng rất đúng nơi, đúng chỗ.”

Vi Vân: “Sau khi buông súng thì anh cầm viết, anh có thể viết về bất cứ đề tài gì, về thể loại gì, ở môi trường nào v.v. lời văn rất tự nhiên vững chãi, cảm động.”

Ấu Tím: “Những bài anh viết ngọt ngào lôi cuốn, chẳng sợ ai mà không dám nói, chẳng bênh ai mà phải ngại ngùng. Đây là điều tôi thật sự trân quý khi đọc các bài anh viết.”

Việt Bút Ngọc Anh: “Qua lối viết sắc bén lẫn dí dỏm đặc sệt kiểu Bắc Kỳ, ngòi viết không cần lách của anh có nhiều bài va chạm tới vài giới trong xã hội mà nhiều lần tôi phải lắc đầu: Thật dễ nể, anh của tui.”

Vương Mộng Long: “Nửa Đường chính là một phần đời của TQLC Tô Văn Cấp. Đọc Nửa Đường để thấy tình mẹ bao la nhường nào qua bài Bà Mẹ Quê, thấy mặt trái của tấm huy chương trong Trâu Điên và Cố Vấn Mỹ, để mỉm cười và thích thú khi nghe xong truyện Xé Lá Thư Tình rồi ngậm ngùi tiếc nuối một thời vàng son đã qua, sau cuộc đổi đời với Thầy Cũ Trường Xưa.”
Trương Văn Vấn: “Thằng cha này là ma xó hay sao mà biết cả chuyện riêng tư của mình để viết vậy?”
Huỳnh Văn Phú: “Điều đáng nói nhất tôi muốn đề cập ở đây, qua những bài viết của anh, tôi nhận ra một điều chính yếu là, anh có cái Tâm, chính cái Tâm này đã làm nên nhân cách tác giả. Anh còn có một tấm lòng, qua các bài viết, hướng về đơn vị cũ, chiến trường xưa, về những Thương Phế Binh VNCH.”

Đoàn Phương Hải: “Cấp đã viết thay cho bạn, cho tôi, cho những người lính ngày đêm trực diện với quân thù trên những vùng sình lầy Năm Căn, U Minh, trên những núi rừng trùng điệp Trường Sơn, trên những đồi Trị Thiên, trong những trận chiến kiêu hùng, thấm đậm máu xương.”
Trịnh Bá Tứ, K.18: “Tôi vẫn đùa gọi anh là Quan Tư Cọp Biển Tô Văn Cấp, một tay viết ngang… Bài anh viết rải rác khắp nơi, nếu gom lại thì đây chính là một tài liệu rất quý hầu giúp ích sau này cho ai muốn có thêm tài liệu viết về người lính VNCH.”

Nhà văn Phạm Tín An Ninh: “Được đọc và viết về anh, về tác phẩm của anh, với tôi là một niềm vui cùng với lòng ngưỡng mộ.”

Trong buổi ra mắt Nửa Đường, tác giả đã trao tặng hai món quà cho các TPB thuộc hai binh chủng, và nhận Bằng Tưởng Lục của Học Khu Westminster qua ủy viên giáo dục Frances Thế Thủy và nhận bó hoa tươi từ đại diện tỉnh Hậu Nghĩa nơi tác giả từng mang lại an ninh cho tỉnh lỵ này..

Có lẽ những lời nhận định của một số bạn đọc trên đã quá đủ để giới thiệu “Nửa Đường” một tác phẩm giá trị của một người lính đầy nhân cách mà Nguyễn Diễm Nga, con gái của cố Thiếu Tá Nguyễn Tiến Đức, CSVSQ/TVBQGVN Khóa 17 đã viết trong bài Thay Lời Tựa: “Bởi vì cháu tin tưởng rằng có một nhịp cầu mang tên Tô Văn Cấp đang lặng thầm và miệt mài nối dài Con đường tranh đấu vì Lý Tưởng Tự Do Dân Tộc giữa hai thế hệ.”

Đặc biệt trong buổi ra mắt sách nầy có Ba vị liên quan đến cuộc đời của tác giả thời còn là học sinh Petrus Ký (cựu GS Dương Ngọc Sum), cựu SVSQ/VBQGVN (Cựu SVSQ/VBQGVN Nguyễn Văn Thiệt, K18) và thời chiến đấu trong binh chủng Thủy Quân Lục Chiến (Cựu Đại Tá Cổ Tấn Tinh Châu).

Hai diễn giả phát biểu về tác phẩm là KQ Võ Ý, Khóa 17 TVBQGVN và cô Diễm Nga, thế hệ thứ hai của Khóa 17, con của cố KQ Nguyễn Tiến Đức.

Trong lời phát biểu Cháu Diễm Nga nhấn mạnh đến các bài viết liên quan đến thế hệ thứ 2 của tác phẩm như Nói Với Tuổi Trẻ Sau 44 Năm Tị Nạn, Cha Ơi! Con Rất Hãnh Diện Về Cha…
Còn KQ Võ Ý tri ân người phụ nữ Việt Nam nói chung và đặc biệt Bà Mẹ Quê trong tác phẩm.

Sau phần phát biểu về tác phẩm và tác giả là phần tác giả trả lời những câu hỏi của độc giả.
Xen lẫn chương trình có văn nghệ do các nghệ sĩ thân hữu trình diễn trong đó có: ngâm thơ, hợp ca và đơn ca các bài hát liên quan đến tình mẹ tình que hương và tình đồng đội.

Trước khi kết thúc buổi ra mắt sách, tác giả đã ký sách tặng cho những người tham dự.
Các chiến hữu, thân hữu muốn có sách xin liên lạc với tác giả: CAPTO: captovank19@yahoo.com hoặc điện thoại  số (714) 897-3521, giá: $20 US cộng $5 cước phí gởi sách trong nước Mỹ. Chi phiếu xin gởi về: Cap Van To 13521 Vinewood St., Thành phố Westminster, CA 92683 Hoa Kỳ.

Bài Mới Nhất
Search