T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Bẽ bàng mơ ước

         Tủi thân – Tranh: Hoàng Thanh Tâm

 

Thưa anh Hai,

Dù mới gặp nhau hồi chiều, nhưng em vẫn không ngăn được ý nghĩ viết lá thư này. Không biết anh Hai có buồn em không? Nếu có thì cho em xin lỗi, đừng giận em tội nghiệp. Em cũng không biết tại sao mỗi khi gặp anh, em run lắm, nên không nói chuyện được, dù anh đã bảo “Nói cho anh nghe, cuộc sống em thế nào?”

          Anh Hai ơi! từ nhỏ đến lớn chưa có ai đối xử với em tử tế như anh Hai. Em cũng chưa được ai gọi bằng hai tiếng “em cưng” thật dễ thương. Ở nhà, chỉ có con chó Kiki là thương em và gần gũi em nhiều nhất.  Vì thế mà em thường cho Kiki lên giường ngủ với em, vì em nghĩ nó cũng cô đơn và thèm được âu yếm như em. Những lần như thế, em thường bị ăn đòn, vì má cho rằng em là đứa dơ bẩn. Nhưng dơ hay sạch đối với em không quan trọng bằng sự ấm áp của tình thương mà em hằng khao khát. Và chính con Kiki đã cho em điều đó. Lúc em bị má đánh, nó đứng ở góc nhà nhìn em bằng đôi mắt buồn bã. Khi má đi rồi, nó bước từng bước chầm chậm đến bên em, liếm lên vết thương của em -em nghĩ là nó hôn lên vết thương thì đúng hơn- như một lời chia sẻ, an ủi. Những lúc đó, em ôm chặt lấy Kiki mà nước mắt chảy ròng ròng. Em nghĩ hoài cũng không hiểu, tại sao con Kiki nó còn thương em, nhưng má lại ghét em -mà em thì lúc nào cũng cố gắng ngoan ngoãn, vâng lời má dạy, làm hết mọi công việc trong nhà- Mỗi lần nổi giận, má thường quấn tóc em vào tay rồi đẩy sát vách, dộng đầu em vào tường cồm cộp. Em đau lắm, nhưng cắn răng không dám khóc lớn tiếng, chỉ  thút thít van xin “Má ơi! con đau lắm, má tha cho con. Con lạy má”. Nhưng má vẫn tiếp tục đánh, tiếp tục gọi em là “Cái đồ oan gia, nghiệp báo”. Chắc là má không biết em bị đau nhiều phải không anh Hai? chứ nếu biết, má đâu nỡ nhẫn tâm, vì em vẫn nghe người ta hát “Lòng Mẹ thương con như vầng trăng tròn mùa thu … Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào”. Em nghĩ vậy, nên dù đau em cũng không bao giờ giận má, chỉ cầu mong có một ngày má sẽ hiểu được em thương má đến chừng nào, dù má có đối xử hà khắc với em.

          Hồi em còn nhỏ và dì Thu chưa đi Mỹ, dì cũng rất thương em. Mỗi lần đến nhà thăm, thấy em bị đòn là dì dằng cây roi ra khỏi tay má, nói một cách giận dữ  “Nó là con của chị hay kẻ thù mà chị đánh nó không nương tay. Chị muốn giết nó hả?”. Má nghiến răng “Cái giống bội bạc này có chết cũng chẳng ai tiếc!”. “Nó là con nít, biết cái gì mà bội với bạc. Chị có ngon thì đi kiếm người đàn ông bạc tình đó mà giết đi. Nó không có cha, đáng lẽ chị phải hết lòng thương yêu để đền bù sự thiệt thòi của nó chứ. Chị có xứng đáng làm mẹ không?”. Má buông roi xuống, ôm mặt khóc nấc lên. Nhờ vậy mà em biết vì sao má không thương em. Nhờ vậy em mới biết ba Trịnh không phải là ba ruột của em. Hèn chi, chưa bao giờ ba gọi em là con, lúc nào cũng mày mày, tao tao. Những lúc giận, ba thường nắm tai em, vặn một vòng, rồi xách hổng em lên. Đau quá em phải nhón chân lên và khóc thét  “Đau quá ba ơi! con xin lỗi ba, mai mốt con không dám nữa”. Em xin lỗi mà không biết mình có lỗi gì. Mỗi lần như thế thì em bị phạt quỳ gối ở góc nhà, không được ăn cơm. Bụng đói cồn cào, em nuốt nước miếng ừng ực khi nhìn bé Bum cầm cái đùi gà má vừa đưa cho nó, vừa ngọt ngào dỗ dành “Cho con gái cưng của má nè”. Bé Bum là con gái cưng, nên lúc nào cũng được ưu tiên ăn hai cái đùi gà, còn em là đồ bỏ, nên chỉ chờ lúc dọn mâm cơm ra sau hè rửa chén mới len lén cầm lấy miếng xương đùi gà, gặm lấy phần thịt ít ỏi còn sót lại. Bữa nào xui xẻo bị má bắt gặp thì em lại  ăn đòn “Cái đồ chết thèm, chết khát. Chết đi cho tao nhờ”. Má không cho em ăn một bữa no, cũng không cho em lượm đồ ăn dư thừa, có phải thật sự má muốn em chết như lời má nói?. Em nằm dài, úp mặt xuống đất cho má trút căm hờn lên tấm thân gầy gò ốm yếu của em. “Đồ báo đời, muốn ăn ngon mặc đẹp thì đi tìm thằng cha vô lương tâm của mày đi”. Câu nói ấy như một dấu ấn đau đớn khắc sâu trong lòng em. Nhưng em vẫn không giận má, vì em biết vết thương của má sâu lắm, nên bao nhiêu năm trôi qua mà má vẫn không quên được.

          Từ lúc qua nhà bà Tám xem phim Hàn quốc -bộ phim em không nhớ tựa đề, mà chỉ nhớ cảnh người cha tất tả đi tìm đứa con thất lạc của mình- Em bắt đầu ôm ấp niềm mơ ước. Ước một ngày đẹp trời nào đó, ba sẽ xuất hiện trước mặt em, đưa tay vuốt nhẹ mái tóc của em. Và với dòng nước mắt lả chả, ba sẽ âu yếm nói “Tạ ơn trên, ba đã tìm thấy con, đứa con gái cưng của ba”. Rồi cứ như thế mà em chờ đợi…  chờ đợi đến mỏi mòn. Đang lúc em rơi vào nỗi thất vọng thì một ngày mưa tầm tã anh Hai xuất hiện trước cổng trường của em. Qua làn mưa nhạt nhòa, anh hỏi em bằng giọng nói thật dịu dàng, trìu mến mà có lẽ cho đến hết cuộc đời em không bao giờ quên được.

          -Em gái ơi! có phải em tên Đoàn thị Phúc Hạnh không?

          Em gật đầu, lạ lẫm nhìn người thanh niên xa lạ đang nhìn em bằng đôi mắt ấm áp.

          -Anh là Đoàn Phúc Lâm, con ông Đoàn Hữu Phúc. Là anh Hai của em.

          Đúng rồi. Tên của ba trên tờ khai sinh em đã thuộc nằm lòng từ khi mới biết đọc chữ. Em gần như ngộp thở vì niềm mơ ước của mình bỗng dưng trở thành sự thật một cách bất ngờ. Em như thấy được bóng dáng ba qua hình ảnh của anh. Cơn xúc động làm em run rẩy, không nói được một lời, ngoài những giọt nước mắt nhòe nhẹt trên má. Anh nắm tay, kéo em lên chiếc xe taxi gần đó, đưa em đến một nhà hàng sang trọng, vắng vẻ. Và tại nơi đó anh cho biết bằng cách nào để tìm ra tung tích của em.

          Chiều mai anh trở về Mỹ rồi, em không biết có được gặp để tiễn chân anh hay không, vì má cấm đoán em rất nghiêm ngặt. Nếu em không đến được thì nhờ anh Hai nói lại, em rất mong được gặp mặt ba, dù chỉ một lần, để được ba ôm vào lòng và nói với em câu nói mà em vẫn luôn khao khát “Con gái cưng của ba”.

          Cuối thư, em xin được gửi đến anh Hai lòng thương yêu và biết ơn, vì anh đã cho em biết thế nào là ý nghĩa của hai chữ hạnh phúc. Anh Hai có biết niềm vui lớn lao nhất của em là gì không? Là lúc anh Hai ngắm em từ đầu đến chân rồi cười mãn nguyện “Cô em nhỏ dễ thương của anh, em giống ba quá!”. Về bên đó, anh Hai nhớ nói cho ba biết điều này nha. Em tin rằng câu nói này sẽ mang ba về với em thật nhanh, phải không anh Hai?

          Thương anh Hai nhiều.

          Đoàn thị Phúc Hạnh

***

-Đây là thư của Phúc Hạnh viết cho con. Ba đọc đi để biết đứa con gái rơi rớt của ba đang sống như thế nào?

Ba cúi đầu tránh cái nhìn đầy bất mãn của tôi, nhưng tay ba không hề đưa ra để nhận lấy lá thư chuyên chở cả niềm hy vọng lớn lao của đứa em gái đáng thương. Ba cũng không hề thắc mắc vì sao tôi biết được chuyện bí ẩn mà ba đã giấu kín hơn mười mấy năm qua. Quả thật, ba muốn đóng kín cái khoảng quá khứ tội lỗi đó. Tôi có thể hiểu được chuyện ấy đối với người đàn bà đã đi qua đời ba. Nhưng sự trốn tránh trách nhiệm đối với một trẻ thơ vô tội mang dòng máu của ba là chuyện không thể chấp nhận được. Tôi không ngờ ba vô tâm, vô tình, đến nỗi thản nhiên vất lá thư báo cho ba biết tin tức của con mình vào thùng rác. Nếu ngày hôm đó không vì đi tìm tờ giấy tòa án gọi đi làm bồi thẩm đoàn bị lạc mất, thì có lẽ cái bí mật của ba sẽ mãi mãi nằm yên trong quá khứ. Lá thư đó là sự bàng hoàng, thất vọng và hụt hẫng của tôi. Tôi đọc đi, đọc lại, đọc mãi, cho đến khi thuộc từng câu, từng chữ, từng dấu chấm, dấu phẩy.

Chào anh Phúc,

          Tôi là Thu, em gái của chị Xuân. Hy vọng anh chưa đến nỗi lú lẩn mà quên tôi, như đã quên đứa con gái đã từng được anh bế trên tay lúc vừa chào đời và đặt cho nó cái tên rất đẹp là Đoàn thị  Phúc Hạnh.

          Đứa con gái tội nghiệp ấy năm nay đã mười lăm tuổi, cũng là mười lăm năm anh chưa lần về thăm hay gửi cho chị tôi vài xu lẻ để nuôi nấng nó như anh đã hứa.

          Tôi không muốn kể lể vài dòng, chỉ muốn cho anh biết Phúc Hạnh là đứa bé bất hạnh nhất trên đời. Nó bị cha bỏ rơi đã đành, mà ngay cả mẹ nó, vì oán giận người tình cũ, cũng đã xem nó như một món nợ oan gia đáng vất bỏ, nên số phận nó thật hẫm hiu. Xin anh hãy mở lòng nhân, bảo lãnh nó sang Mỹ cho cuộc đời nó đỡ khổ. Tôi hứa danh dự sẽ mang Phúc Hạnh về sống với tôi ngay khi nó đặt chân xuống phi trường và không bao giờ gây phiền hà cho gia đình anh.

          Nếu không thương nó như một đứa con do chính anh tạo ra, thì cũng xin anh vì lòng nhân của một con người đối với một con người mà cứu vớt đứa bé thơ vô tội chưa một lần biết được thế nào là tình phụ tử…”

Bao nhiêu năm tôi dấn thân trong công việc thiện nguyện để giúp các trẻ em mồ côi ở Việt Nam, nhưng không ngờ mình lại có một đứa em, có cha, có mẹ, mà chẳng khác nào mồ côi. Lòng tôi đau như cắt khi ba nói với tôi:

-Thôi, cứ để nó ở yên bên đó. Ba không muốn rước lấy phiền hà. Con biết tính ghen tương của mẹ con mà, không khéo gia đình lại tan nát.

-Nếu ngày xưa ba nghĩ như vậy thì đâu có thảm kịch ngày hôm nay. Nhưng nói cho cùng thì chỉ có bé Phúc Hạnh là người lãnh hậu quả, chứ còn ba…  con thấy ba rất bình thản… bình thản đến độ tàn nhẫn.  Đối với con, một đứa bé mồ côi xa lạ cũng đủ làm cho lòng con xót xa. Còn ba, là máu mủ của ba…vậy mà.. con thật sự thán phục sự lạnh lùng của ba…

Mẹ từ trên lầu bước xuống, trách móc:

-Con chỉ biết thương người khác mà không biết thương mẹ. Con có biết mẹ phải chịu đựng đau khổ như thế nào không?

-Con hiểu nỗi đau của mẹ, nhưng mọi chuyện đã thuộc về quá khứ. Một quá khứ rất xa mà chắc chắn ba không một lần nhớ đến. Ba có thương yêu gì người đàn bà đó đâu mà mẹ lo lắng. Xin mẹ hãy mở lòng thương xót một đứa bé bất hạnh mà cho phép ba làm thủ tục bảo lãnh. Con hứa, khi Hạnh qua đến đây con sẽ lo lắng cho em mọi thứ, ba mẹ không phải bận tâm…

Tôi chưa nói hết câu mẹ đã cao giọng gắt gỏng:

-Dẹp đi. Không ai khiến con làm chuyện đó.

Tôi định nói, chính lương tâm của con bảo con phải làm, nhưng tôi cố kềm giữ bằng cách quay sang nhìn ba. Ba hững hờ đưa tay bật TV, trên khuôn mặt không thoáng chút xúc động. Không còn gì để nói, tôi chán chường đứng lên đi ra cửa. Cánh cửa vừa đóng lại, tôi dựa lưng vào tường, mặt ngẩng cao để ngăn những dòng nước mắt vừa ứa ra. Tôi nhớ lại ánh mắt ngời sáng niềm hy vọng của Phúc Hạnh mà nghe đau nhói trong lòng. Chắc em tôi đang hồi hộp chờ đợi giây phút “Cha con sum họp” không bao giờ có. Ước gì tôi chưa hề biết mình có một đứa em cùng cha, khác mẹ, ở bên kia nửa vòng trái đất, để rồi nôn nóng kiếm tìm. Ước gì tôi chưa từng gặp Phúc Hạnh để gieo vào tâm hồn em niềm hạnh phúc không bao giờ trổ hoa. Tội nghiệp em, cô gái nhỏ với tấm lòng thánh thiện, bao dung, dù bị đối xử tệ bạc nhưng vẫn không có một lời oán trách. Thượng đế ơi! người ở nơi đâu… Phúc Hạnh ơi! anh đành thất hứa với em rồi.

Tim ngồi chờ tôi ngoài xe tự nãy giờ, bước xuống bá vai tôi:

-Thua rồi phải không? Thôi đừng buồn… nếu ông già không chịu bảo lãnh thì bạn đứng đơn đi.

Tôi thở dài:

-Bạn có biết bảo lãnh theo diện anh em phải chờ bao lâu không?…  chắc cũng phải chín mười năm.  Khoảng thời gian đằng đẵng đó, bất hạnh ngày càng chồng chất, biết em tôi có chịu đựng nổi không?

-Sao bi quan quá vậy bạn!

-…

-Nếu bạn sốt ruột thì chờ thêm hai năm nữa. Khi em bạn đủ tuổi trưởng thành tôi sẽ giúp bạn đưa nó sang đây theo diện kết hôn. Bảo đảm không tốn một đồng lệ phí.

Tôi nhìn thằng bạn thân người Mỹ đã sát cánh với tôi bao nhiêu năm trong công tác thiện nguyện không chớp mắt. Tấm lòng nhân ái của nó khiến tôi nghẹn ngào xúc động. Tôi định nói tiếng cám ơn, nhưng vừa mở miệng thì lời nói thoát ra lại cay đắng đến ngỡ ngàng:

-Đố bạn… nếu bây giờ có ai cho tôi một điều ước, tôi sẽ ước gì không?

-Tôi không phải thày bói, nên… bạn nói đi!

-Ước gì tôi không phải là con của ba mẹ tôi!

Tim nhìn tôi. Đôi mắt tròn hơn cả vòng tròn được vẽ bằng “com-pa”!.

 

Ngân Bình

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2021

 

Bài Mới Nhất
Search