T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tô Đăng Khoa: TẰM NHẢ TƠ, THƠ NHẢ CHỮ

Góc vườn – Tranh: Mai Tâm

[Đọc Nhả Chữ của Hoàng Xuân Sơn]

Trong dân gian “kiếp tằm trả nợ dâu xanh” là một thành ngữ để nói về thân phận của người nghệ sĩ trong xã hội. “Dâu xanh” hay “biển dâu” còn được hiểu là “cuộc đời này” trong một số điển thi.

Ví như con tằm, hấp thụ chất dinh dưỡng từ lá dâu và nhả ra những sợi tơ óng ả cho đời, cũng vậy, người nghệ sĩ trả ơn đời bằng chính những tác phẩm của họ. Từ những cảm xúc rất mong manh và bất chợt như những sợi tơ, nghệ sĩ “đan” chúng lại với nhau thành một thi phẩm hoàn tất. Khi đọc một bài thơ hay tuyệt, người đọc chỉ “cảm” được cái “mát lạnh” của bài-thơ-tơ-lụa, nhưng ít khi thâm cảm tới tiến trình gian khổ của sự “nhả tơ” và “đan lụa” của Thi Sĩ.

Nhìn từ khía cạnh này, thi sĩ cũng giống như người thợ đan tơ: họ luôn làm việc ở “phía bên kia” của sản phẩm của mình, tức là những cảm xúc. Trong khi đó, đọc giả như là người tiêu thụ của sản phẩm tơ lụa đã hoàn tất.

Nỗi lòng của “người đan tơ” và của “con tằm nhả tơ” được Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn giải bày cùng quý đọc giả để tạo ra nhịp cầu thâm giao giữa tác giả và đọc giả qua bài thơ “Nhả Chữ”:

 

N H Ả  C H Ữ

nhả chữ từng câu từng ý đồ

nâng hàng phẩm vật tới phi lô

mà sao bóng nhạn bay trầm quá

nước ở trên không chảy lồ ồ

 /

nhả chữ tâm thần lúc kê bệnh

khục khặc ho hen nín tượng đài

bùn đen đã trát vào tinh ý

sắc diện bơ phờ mấy tóc tai

/

nhả chữ nhả chữ buồn chấu cắn

nhả tới u hoài khúc lấn cấn

con chim tự tử ngoài bìa rừng

nhả chữ. chiều tàn buông rất đậm

)))

h o à n g x u â n s ơ n

13, 16 dec. 2016

* * *

Khổ 1: Nâng hàng phẩm vật tới phi lô? Phải chăng phi lô chính là “philosophy”-love of wisdom? Thi Ca là đỉnh cao của tư tưởng như Everest là đỉnh cao của Hy Mã Lạp Sơn. Tư tưởng bay và khó nắm bắt như bóng nhạn. Nhưng hôm nay bóng nhạn bay trầm vì “nước ở trên không chảy lồ ồ”.

Khổ 2: Thân tằm dẫu mang bệnh, dẫu sắc diện bơ phờ vẩn không ngừng nhả tơ. Là vì chỉ mong được “bùn đen đã trát vào tinh ý”. Tinh ý gì? Phải chăng là sự nhắc nhở lẩn nhau rằng: Tất của chúng ta: con tằm, người thợ dệt, người tiêu thụ tơ lụa, thi sĩ, đọc giả đều mang thân phận “bùn đen” khi từ giả cõi đời này. Trải qua một cuộc bể dâu, tất cả chúng ta sẽ đều quy tụ về một nơi, trở thành một thứ: “bùn đen”. Cơn bịnh khiến ta “khục khặc ho hen”, “sắc diện bơ phờ” chỉ là một lời cảnh tỉnh về số phận “bùn đen”. Và Thi Sĩ đã đem cái “bùn đen” trát vào cái “tinh ý” trong khổ thơ này cho chúng ta cảnh tỉnh.

Khổ 3:

Còn gì buồn hơn? Ôi nỗi buồn chấu cắn: một kiếp tằm dâu, một thân phận bùn đen, những khục khặc ho hen, sắc diện bơ phờ khi đi qua kiếp nhân sinh… và một con chim tự tử ngoài bìa rừng!

Trong khi đó nhịp thời gian vẫn gõ đều, chậm, và chắc trong một buổi chiều tàn…. và con tằm vẫn nhả tơ, và nhà thơ vẫn nhả chữ nguyện đem thân phận bùn đen này trát vào tinh ý của Thi Ca.

Cảm ơn Thi Sĩ Hoàng Xuân Sơn về một bài thơ hay và thiết lập nhịp cầu thâm giao giữa đọc giả và tác giả.

Tô Đăng Khoa

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search