T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Ông già Bãi Giá

Tranh : Trần Thanh Châu

Ông không nhớ người ta đặt cho ông cái tên Ông già Bãi giá từ hồi nào, nhưng có điều ông nhớ chắc chắn địa danh Bãi Giá là nơi ông đã đào huyệt chôn hai cô gái cùng vượt biên với ông vào giữa thập niên’80.

Ông vốn người Bắc di cư, quê quán chẳng ăn nhập gì với cái xã nằm bên bờ sông Hậu. Nhưng số phận đẩy đưa ông đến nơi này. Nói cho ngay nếu cộng sản đừng bỏ tù ông tám năm tại Tuy hòa thì chưa chắc ông đã bỏ nước ra đi. Ông bị bỏ tù chứ không phải cải tạo như người ta quen gọi, vì ông thuộc diện tù binh khi bị bắt tại chiến trường Phan Rang sau ngày Tây nguyên di tản. Thôi chuyện cũ chẳng nhắc đến nữa.

Trở lại chuyện vượt biên, số ông thuôc loại không suôn sẻ, thầy bói bấm quẻ cũng nói ít ra vài ba lần mới thoát, mà nếu không thoát thì tù tội là tất nhiên, cái may là không chết vì sông nước. Nói chung đường vào xứ Mỹ cũng chua lắm, nhưng ai chịu khó năm lần bảy lượt quyết chí ra đi, nếu không bỏ xác trên biển Đông thì cũng có ngày tới bến tự do. Trường hợp của ông được kể là có hậu, tuy có muộn màng khi tuổi đời quá lứa nhưng thà trễ còn hơn không. Tới Mỹ, ông chọn ngay mấy cái nghề nặng về chân tay, làm gì thì làm miễn ra tiền ông chẳng quan tâm. Chẳng hề tự ái ông theo mấy người bạn Mễ đi cắt cỏ cho nhà người ta, cái khó xử là gặp người Việt thân quen ông phải nói làm nghề ‘chuyên viên landscape’ cho lên giá. Được cái cuối ngày ăn xong đặt lưng xuống là ngủ chẳng còn phải lo chuyện kềm kẹp áo cơm. Cũng chẳng hiểu ông đọc được ở đâu cái câu ‘nếu anh không chôn quá khứ thì quá khứ nó sẽ chôn anh’, cho nên dù dĩ vãng cũng một thời lon lá, nhưng vì nó mà làm ông lao đao, nên tốt hơn ông chôn cả hai chuyện vượt biên và tù đầy trong đáy sâu ký ức.

Ấy vậy mà đã mười tám năm làm vườn kiếm ăn trên đất khách, thấy cũng mệt mỏi, ông sang lại chiếc truck cùng toàn bộ số đồ nghề cho người bạn làm chung, đi vào tuổi nghỉ hưu. Bao năm bươn chải, ở tuổi xế chiều, giờ này ông mới có dịp hồi tưởng lại những ký ức thời thơ ấu, từ con sông Đáy nơi ông vẫn tắm truồng với lũ trẻ chăn trâu, những cánh đồng chiêm vào mùa gặt tháng sáu, cảnh vỡ đê sông Hồng với những hồi trống ngũ liên mùa nước lũ, nạn đói năm Ất Dậu người trong họ nhà ông phải lên Nam định ăn xin, rồi lễ hội Phủ Giầy bà con cả vùng châu thổ đổ về trẩy hội, lại nhớ món mắm rươi đặc sản Thái bình, mùi hoa bưởi vườn nhà bà ngoại, chuyện tình với con Tĩnh bị bố nó đánh… ôi trăm thứ bà giằn vẫn còn vương vấn tim ông. Lại do chứng nhức mỏi, không dễ ngủ như trước làm ông thêm tật thức giấc nửa khuya, tâm tư hằng đêm cứ lấn cấn bề bề, thôi thúc nhất vẫn là ý nguyện dối già muốn về thăm lại nơi quê cha đất tổ, nhưng ám ảnh cảnh tù tội năm xưa nên vẫn còn ngại ngùng món ‘lý lịch trích ngang’.

Ông đem tâm sự giãi bầy với người em gái, có chồng di tản hồi 75, lúc này cơ ngơi cũng khá. Vốn thương anh bà nhanh nhẩu góp ý, hay để em về trước coi tình hình xem sao. Ít lâu sau bà sang lại Mỹ nói mọi chuyện đã đổi thay, người ta lo làm tiền ít ai để ý chuyện chính trị. Bà còn khẳng định nhà nước luôn coi Việt kiều là một bộ phận không thể thiếu trong tiến trình đoàn kết của cộng đồng dân tộc Việt và luôn khuyến khích các người con xa Tổ quốc về thăm lại quê hương. Vốn chẳng lạ gì chuyện, đừng nghe những gì cộng sản nói, mà…., nhưng ai nói thì ông chưa tin chứ em ông nói thì ông tin. Thế là ông lên đường về thăm quê ngay dịp Tết năm đó.

Lâu lắm mới lại đi máy bay kể từ khi rời trại tỵ nạn ở Phi. Chiếc phi cơ của hãng Eva nhẹ nhàng hạ cánh xuống Taipei. Từ đây ông được chuyển sang phi cơ của Hàng không Việt nam để bay chặng chót về Sài gòn. Bay qua Biển Đông, nhìn xuống các lượn sóng bạc đầu xô nhau trên làn nước biếc, lòng ông lẽ ra phải thanh thản, nhưng những hồi tưởng về quá khứ mà ông đã đào sâu chôn chặt lại lóe lên trong tâm trí ông.

Năm ấy khoảng giữa thập niên 80, qua mối manh ông được người ta giới thiệu với một bà chủ ghe chuyên tổ chức vượt biên. Chuyến đi này là chuyến làm ăn chót của bà vì gia đình bà cũng…đi luôn. Thông cảm hoàn cảnh của ông, bà không lấy tiền trước, cho nợ qua tới Mỹ mới phải trả với điều kiện khi lên tàu ông sẽ phụ trách vấn đề an ninh và bảo vệ gia đình bà khi có chuyện. Như bắt được của, ông hoan hỉ nhận lời.

Rời Sài gòn, ông đáp xe đò xuống Sóc Trăng. Đầu đội nón cối, vai đeo chiếc ba lô đã bạc màu, ông cố đóng cho đúng cách vai một cán bộ già miền Bắc. Dù có bộ răng hơi vẩu nhưng tơí đâu ông cũng cảm thấy lộ bài, vì người ta cứ nhìn tướng là biết ông cải tạo mới về : tóc bạc muối tiêu, gầy, xanh, giọng Bắc di cư, hay cười gượng, dáng vẻ thiếu tự tin. Tới nơi tìm đường ra điểm hẹn là một quán ăn lộ thiên gần chợ huyện. Vừa bước vào quán, chưa kịp kêu món ăn, bà chủ quán đã đon đả hỏi chắc bác ở Sài Gòn xuống. Vậy là bà đã hiểu ông …đi đâu chứ không phải đi công tác! Ăn xong vội vã đứng dậy thì một cháu gái trạc 14,15 te te chạy tới nói bác cứ ngồi đây, ‘họ’ sắp tới đón rồi. Chẳng kịp hỏi tên, con cháu nhà ai, nhưng bản năng ông mách bảo tin con bé này được. Ông nhờ cháu kiếm cho cái túi cũ, sau đó ông trút bỏ lốt cán bộ già rồi cùng mấy người lạ mặt từng tốp một theo cô gái đáp xe ra bến bãi.

Tới bãi, người thì đông, địa điểm cạnh bến sông trông dễ lộ. Tuy gió thổi mạnh từ hướng sông nhưng không khí vẫn thấy ngột ngạt. Hỏi ra thì tiết trời đang mùa gió chướng. Lòng bất ổn, ông linh cảm chuyến đi này khó suôn sẻ, định lỉnh ra một chỗ rồi kiếm cách trở lại Sài gòn. Chợt cô bé lại đi tới, không hiểu sao nó chỉ để ý đến ông, đưa cho ông một túi cơm với con khô sặt bảo ông giữ lấy mà ăn, lại còn dặn đừng đi đâu kẻo lạc. Ông nể lời nhận túi cơm rồi tìm một gốc cây ngồi chờ.

Mọi việc rồi cũng sắp xếp ổn thỏa, từng tốp người lên chiếc ghe lớn chuẩn bị rời bãi. Ông thầm phục bà chủ ghe đã lót tiền cho công an mua bãi an toàn. Lên tàu, lúc này bà chủ ghe mới xuất hiện và cho người gọi ông. Ông theo xuống khoang lái, được bà giớì thiệu với đám tài công cần gì cứ gọi bác Út (bí danh của ông), chớ gọi bà. Thật sự bà không muốn ai biết bà là chủ tàu vì vấn đề an ninh cá nhân. Giao nhiệm vụ xong, ông kiểm lại trên tàu vừa già vừa trẻ đúng 93 mạng, trong đó một phần ba là dân địa phương thuộc thành phần đi hôi.

Tàu xuôi dòng nghe chừng êm ả, cứ đà này chỉ mấy tiếng đồng hồ nữa ra cửa sông là có cơ may đi thoát. Bỗng tiếng máy tàu cứ như bị nghẹt bô, tốc độ chậm dần rồi khựng lại. Lát sau anh phụ lái hớt hải lên kêu, ‘bác Út, bác Út, sao ghe chạy không nổi, có gì kẹt lạ lắm, bác xuống coi dùm’. Ông chạy xuống lắng nghe báo cáo, thấy hơi lạ ông lặn xuống khảo sát thân tàu. Vốn là tay bơi giỏi ông lùng sục và sửng sốt khi biết chân vịt mắc cạn trên cồn cát. Sau hồi nghĩ kế khắc phục, ông huy động gần hai chục thanh niên xuống phụ, ông ra lệnh vừa chống sào vừa đẩy ghe vừa phối hợp đồng bộ với hiệu lệnh nổ máy, con tàu như được sốc lên, vượt khỏi bãi cát lầy. Mấy người đi hôi họ thuộc đường đất cho biết đây là Bãi Giá có cồn cát chạy dài ra giữa sông. Vì nước sông lênh láng nên tài công nào không chuẩn được dòng, tàu sẽ dễ mắc cạn.

Tàu lại tiếp tục chạy ra cửa sông, bà con trên tàu môt phen hú vía. Họ thầm cám ơn ông già Bắc kỳ này coi vậy mà tháo vát, từ đấy về sau cứ gọi ông là Ông già Bãi giá.

Mới rít xong điếu thuốc lào, chưa kịp ngồi ấm chỗ, ông lại nghe như có tiếng ghe đuôi tôm ở đàng xa mà cứ chạy bám theo tàu mình. Tiếng ghe mỗi lúc một rõ hơn, định hình ông thấy có 4, 5 người trên ghe, mặc đồ nửa như công an nửa như dân phòng thậm chí có người mặc cả xà lỏong ở trần. Bỗng một tràng tiểu liên bắn bổng lên không trung như ra hiệu cho ghe dừng lại. Ông vội trao đổi với bà chủ ghe, bà bảo cứ chạy, sắp ra tới cửa sông rồi. Chiếc ghe đuôi tôm vẫn bám sát, lần này không bắn chỉ thiên hàng loạt mà lại bắn thẳng vào tàu. Vài người trên tàu đã trúng đạn. Bà chủ ghe chừng như thất vọng đành âm thầm trút túi vàng ròng xuống sông để phi tang vụ chủ ghe. Số vàng được tích lũy qua bao lần làm ăn nay rải ra cứ như lúa đổ xuống sạp, ông ghé mắt nhìn theo, bẵng quên cả nỗi sợ cận kề mà lại tiếc nuối những thỏi vàng vô chủ.

Các loạt đạn tiếp tục uy hiếp, cuối cùng tàu đành cặp bến sông. Đoàn người bất hạnh lục tục lên bờ. Ông lên chót. Chợt tên dân phòng quay lại hét lớn, ‘sao hai con kia ngồi đó mà chưa lên? muốn chết hả?’ Hét thì hét, hai cô gái vẫn ngồi bất động. Tên dân phòng tới kiểm tra, sau đó ra hiệu cho ông và một thanh niên nữa quay lại. Té ra hai cô gái bị bắn xuyên táo, một cô lòi ruột đã tắt thở, cô kia bị thương nặng còn thoi thóp. Ông nhận ra ngay cô bé ông quen, đứa cháu gái mới gặp ông ở quán nước và cho ông túi cơm. Theo lệnh ông lo cõng cô cháu, anh thanh niên lo cho cô kia.

Dọc đường ông vẫn cảm nhận được nhịp đập phập phồng vô thức của khúc ruột bị bắn trổ từ sau ra trước. Máu của khúc ruột chảy đẫm vạt sơ mi sau lưng ông. Lúc này ông mới nghĩ đến thân ông và thấy sợ cho những ngày tù tội trước mắt. Bất giác như một kẻ hụt hẫng tâm linh chẳng còn biết trông cậy nơi ai, ông quay sang khấn vái hương hồn cô bé đang nằm bất động trên lưng ông, đại để với lời cầu xin tự phát xin cháu sống khôn chết thiêng phù hộ cho bác…đừng ở tù lâu!

Về đến chỗ tạm giam, một bãi chăn vịt gần trụ sở xã thì trời cũng xẩm tối. Ông được bồi dưỡng một ổ bánh mì thịt, sau đó cùng hai thanh niên vạm vỡ luân phiên đào huyệt chôn cô bé gái. Đêm hôm đó ông ngủ say như chết.

Hai bữa sau, người ta đưa xác cô kia về, hỏi ra mới biết họ là hai chị em có thân quen với bà chủ tàu. Ông cùng hai thanh niên bữa trước lại được gọi đi làm cái công việc đã làm cho cô em.

Họ cũng chẳng giam ông lâu, mấy tháng sau họ thả ông về, có thể vì đám vượt biên không nguy hiểm bằng tụi ngụy, chúng có biết đâu chính ông cũng là ngụy nhưng lý lịch ông khai gian, tuồng chữ lại như gà bới muốn đọc lại cả ông lẫn viên công an xã cũng đành chịu. Từ biệt Bãi Giá lòng ông ngậm ngùi thương cho hai cô gái, nhưng thôi mỗi người có số có phần nhìn lại thân ông cũng chưa biết trôi dạt về đâu. Về lại Sài gòn, ông tính chuyện của ông, nghỉ ngơi ít bữa lại tìm đường đi tiếp…

Có tiếng vọng từ phòng lái làm ông giật mình quay về với thực tại. Hình như họ thông báo phi cơ sắp hạ cánh. Ông vội thu xếp hành lý cá nhân cùng dòng người chuẩn bị rời chỗ. Khác với lệ thường, dưới sân bay đã có nhiều người tụ họp, có cả các em thiếu nữ mặc áo dài xanh ôm hoa, cùng vài ông sói trán như quan chức thành phố. Họ chờ ông và đoàn khách xuống tàu, rồi hân hoan trao tặng mỗi người một bó hoa tươi xinh xắn, hỏi ra vì trùng hợp với ngày phát động ‘Năm Du lịch Thành Phố’, nên chuyến bay này may mắn có sự đối xử hơi khác với các chuyến thường lệ.

Dọc đường về thành phố, không khí tết nhất nhộn nhịp hẳn lên, các biểu ngữ chào mừng du khách, đặc biệt ‘các người con xa Tổ Quốc’ về quê ăn Tết được treo dán khắp nơi. Ông trộm nghĩ giá hai cháu bị bắn xuyên táo năm xưa còn sống sót và được về quê ăn Tết dịp này chắc cũng được tặng hoa và đón tiếp nồng nhiệt như ông. Xe dừng trước nhà người em ông tạm trú. Ông cố tình để lại bó hoa trên tắc xi, như một cử chỉ ngầm dành cho hai chị em đã bạc mệnh trong chuyến đi mùa gió chướng. Phần ông, ngày mai sẽ lấy vé bay thẳng Hà nội, rồi từ đấy bao xe về quê cho kịp giao thừa.

Đỗ Xuân Tê

(viết theo lời kể của Bác Năm hiện sống tại Cali)

 

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search