T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Blaine Harden: Chưa bao giờ biết đến hai chữ “thương yêu”

clip_image001

Giới thiệu

Shin Dong-hyuk, tên một thanh niên Bắc hàn, người duy nhất trốn thóat được khỏi trại tập trung cộng sản Bắc hàn và đã đi khắp nơi trên thế giới để tố cáo tội ác của  chế độ tàn bạo. Ký giả Blaine Harden của tờ Washington Post đã ghi lại những gì đã xẩy ra trong 23 năm cuộc đời chàng thanh niên Bắc hàn từ lúc sinh ra cho đến khi đào thóat được khỏi trại tù tiền sử mang số 14 qua tác phẩm “Escape from camp 14”. Từ cuộc đời chàng thanh niên may mắn nhất trong số hàng triệu thanh niên Bắc hàn bất hạnh, thế giới có thể biết thêm một chút những tội ác khó có thể tưởng tượng lại được xẩy ra trong thời đại này. Dưới đậy là bài tựa của tác phẩm nói trên qua bản dịch của T.Vấn (TV&BH).

9 năm sau khi chứng kiến mẹ và anh bị xử tử, Shin đã chui qua một hàng rào kẽm gai có truyền điện để băng tuyết trốn trại. Đó là ngày 2 tháng 1 năm 2005. Trước đó, chưa có một tù nhân Bắc hàn nào sinh ở trong trại thóat được ra đến bên ngòai. Tính cho đến nay, Shin vẫn là người duy nhất đã làm được việc này.

Năm đó, Shin 23 tuổi và không có một người quen nào sống ở ngòai hàng rào trại giam.

Một tháng sau đó, Shin vượt biên đến Trung Quốc. Hai năm sau, anh đến được Nam hàn. Bốn năm sau, anh sống ở Nam California, Hoa Kỳ và giữ nhiệm vụ đặc sứ trưởng vì Tự Do cho Bắc Hàn (Liberty in North Korea – LiNK), một tổ chức người Mỹ họat động cho nhân quyền.

Ở California, Shin đạp xe đi làm ,…. , và cứ hai hay ba lần một tuần ăn ở tiệm bánh In-N-Out Burger mà Shin cho là tiệm bán Burger ngon nhất thế giới.

clip_image002

Tên của Shin bây giờ gọi là Shin Dong-hyuk (tên của người Bắc hàn không có gạch nối, trong khi đó tên của người Nam hàn lại có). Anh ta đổi tên sau khi đặt chân được đến Nam hàn, với ý định tự chuẩn bị mình thành con người hòan tòan tự do. Shin có khuôn mặt rất điển trai, đôi mắt nhanh nhẹn, đầy thận trọng. Một nha sĩ ở Los Angeles đã chăm sóc hàm răng cho Shin, vốn chưa hề một lần được chải rửa khi còn trong trại giam. Sức khỏe tòan diện của Shin rất tốt. Mặc dù vậy, cơ thể của anh là một bằng chứng cụ thể về những gian khổ nhọc nhằn của một người trưởng thành trong trại tù lao động khổ sai, thứ trại tù mà chính quyền Bắc hàn luôn lớn tiếng phủ nhận.

Do suy dinh dưỡng, cơ thể Shin nhỏ và lùn. Anh cao 5.6 ft, nặng khỏang 120 lbs. hai cánh tay cong vì lao động cực nhọc từ nhỏ. Phần phía dưới lưng và mông đầy những vết sẹo do bị đốt bởi lửa tra tấn. Phần da dưới bụng còn mang dấu vết bị móc vào để treo lên sà nhà và giữ cho cơ thể chỉ vừa tiếp xúc với lò lửa dùng để tra tấn phía dưới. Hai mắt cá chân còn hằn dấu vết xích chân bị buộc vào để treo ngược người trong hầm tối. Ngón giữa bàn tay phải của Shin bị chặt mất một đốt, vết tích của hình phạt mà cán bộ dành cho kẻ phạm tội làm rơi máy may xuống đất khi đang làm việc trong xưởng may. Hai ống quyển, chỗ từ mắt cá kéo dài lên đến đầu gối, chằng chịt những vết cắt, cháy do chạm vào hàng kẽm gai truyền điện trong lúc anh tìm cách vượt thóat trại tù số 14.

Shin cũng ngang tuổi với Kim Jong Eun, đứa con trai thứ mũm mĩm của Kim Jong Il, vừa thừa kế ngôi vị lãnh đạo Bắc hàn sau khi cha chết năm 2011. Với tư cách những người cùng thời, Shin và Kim Jong Eun là biểu tượng cho sự đối kháng của hai thái cực trong xã hội Bắc hàn: đặc quyền và thiếu thốn, một thứ xã hội trên danh nghĩa là không còn giai cấp, nhưng thực chất, dòng dõi huyết thống của một người quyết định hết mọi việc .

Kim Jong Eun sinh ra đã là một hòang tử cộng sản và được nuôi dưỡng đằng sau bốn bức tường cung điện. Anh ta được đi du học ở Thụy sĩ dưới một cái tên giả rồi trở về lại Bắc hàn theo học ở một trường đại học dành cho bọn quý tộc (cộng sản) mang tên của ông nội mình. Do huyết thống, anh ta sống trên luật pháp. Với anh ta, mọi thứ trên đời đều ở trong tầm tay. Năm 2010, anh ta được gắn cấp bậc tướng 4 sao của quân đội nhân dân Bắc hàn, bất kể chưa hề có một ngày trong quân ngũ. Một năm sau, cha chết vì nhồi máu cơ tim, báo chí nhà nước Bắc hàn thi nhau ca tụng anh ta là “một lãnh tụ khác được trời sai xuống thế.” Tuy nhiên, có lẽ rồi đây anh ta sẽ bị buộc phải chia sẻ quyền lực với họ hàng và những tướng lãnh quân đội khác.

Shin sinh ra đã là kẻ nô lệ và được nuôi dưỡng bên trong những hàng rào kẽm gai có truyền điện cao thế. Anh được giáo dục bởi cán bộ tù để chỉ biết đọc và đếm ở trình độ sơ đẳng. Bởi vì dòng máu chảy trong người anh đã bị vấy bẩn bởi những hành động bị coi là tội phạm của cha và anh ruột, Shin sống dưới luật pháp. Với Shin, tất cả mọi thứ trên đời đều ở ngòai tầm tay. Số phận của anh đã được nhà nước định đọat, là suốt đời lao động khổ sai và rồi sẽ chết dần mòn bởi bịnh tật vốn có nguồn gốc từ sự bị đói kinh niên- tất cả những điều đó mặc nhiên xẩy ra trong bí mật, không cần đến một tòa án nào xét xử.

Trong những câu chuyện sống sót từ những trại tập trung được kể lại, luôn luôn có một lối kết cấu ước lệ. Nhân viên an ninh bắt giữ nhân vật chính, buộc anh ta phải lìa bỏ những người thân yêu và sự ấm cúng gia đình để vào tù. Trong khi bị tù đày, vì nhu cầu sinh tồn, anh ta phải từ bỏ mọi nguyên tắc luân lý, phải che dấu tình cảm yêu ghét của mình với người khác và ngưng không còn là một sinh vật người của thế giới văn minh nữa.

Những câu chuyện đại lọai như thế phải nói đến câu chuyện có lẽ được biết đến nhiều nhất , đã kể trong tác phẩm “Đêm” của nhà văn đọat giải Nobel Elie Wiesel. Cậu bé 13 tuổi kể lại nỗi đọan trường của đời mình kể từ khi bị buộc phải rời bỏ cuộc sống gia đình êm ấm, bước lên chuyến tàu định mệnh với điểm đến là trại tập trung Đức quốc xã. Wiesel nghiên cứu kinh Talmud hàng ngày. Cha ông làm chủ một tiệm buôn và cai quản một ngôi làng ở Romania. Ông nội ông luôn luôn có mặt trong những dịp ăn mừng ngày lễ Do thái giáo. Nhưng sau khi tòan bộ gia đình ông bị giết chết trong những trại tập trung, ông “bị bỏ rơi trong một tình trạng đơn độc khủng khiếp giữa thế giới không có thượng đế, không có con người, không có cả tình yêu lẫn lòng thương xót.”

Câu chuyện sống sót của Shin lại hòan tòan khác hẳn.

Anh bị mẹ đánh đập và dưới con mắt anh, bà là một đối thủ trong việc tìm kiếm cái ăn hàng ngày. Cha của anh, người mà cán bộ tù chỉ cho phép ngủ với mẹ anh 5 ngày trong một năm, hòan tòan không quan tâm gì đến anh. Người anh ruột thì chỉ như một kẻ xa lạ. Mấy đứa trẻ cùng lứa trong trại thì không thể tin cậy được mà chúng lại thường chỉ biết lợi dụng. Trước khi Shin học hỏi được những điều cần biết, anh ta đã học được cách chỉ điểm những người chung quanh, để sinh tồn.

Tình yêu và lòng thương xót và gia đình chỉ là những từ không có ý nghĩa. Thượng đế không biến mất hay chết đi. Đơn giản chỉ là vì Shin chưa bao giờ được nghe nói đến thượng đế.

Trong lời đề tựa cho tác phẩm “Đêm”, Wiesel viết rằng sự hiểu biết của một người vừa trưởng thành về cái chết và điều ác “cần phải được giới hạn trong phạm vị mà anh ta hiểu được chúng trong sách vở, trong văn chương.”

Ở trại giam số 14, Shin không hề biết đến sự hiện hữu của văn chương. Anh chỉ biết có một quyển sách, đó là quyển sách dạy văn phạm tiếng Hàn, trong tay người thầy học mặc đồng phục cán bộ tù, ngang hông kè kè một khẩu súng và đã từng đánh đến chết một trong những bạn học của anh bằng cây roi chỉ bảng.

Không giống như những nạn nhân còn sống sót của những trại tập trung Đức quốc xã, Shin không bị buộc phải lìa xa một cuộc sống văn minh để bước vào địa ngục. Anh được sinh ra và nuôi dưỡng trong địa ngục. Anh chấp nhận sự tàn khốc của nó. Và gọi đó là nhà của mình.

Những trại cải tạo lao động khổ sai của Bắc hàn hiện này đã tồn tại lâu gấp hai lần những trại trừng giới Gulag của Liên bang Xô-Viết trước đây và lâu gấp 12 lần những trại tập trung Đức quốc xã. Không có ai không tin sự hiện hữu của chúng. Những hình ảnh chụp từ vệ tinh với độ rõ cao mà bất cứ ai có đường truyền Internet đều có thể xem được bằng phương tiện Google Earth, cho thấy những khu vực được bao quanh bởi những hàng rào rộng lớn trải dài theo những ngọn núi nhấp nhô trong lãnh thổ Bắc hàn.

Chính quyền Nam hàn ước lượng có khỏang chừng hơn 150 ngàn tù nhân bị giam giữ trong những trại cải tạo ấy, trong khi đó, Hoa kỳ và một số những tổ chức Nhân quyền khác đưa ra con số cao hơn, tới gần 200 ngàn người. Sau khi nghiên cứu những hình ảnh chụp được từ vệ tinh trong khỏang thời gian 10 năm liên tục cho đến nay, tổ chức Ân Xá Quốc Tế đã ghi nhận một số trại mới được xây dựng thêm vào năm 2011, và họ quan ngại về việc dân số trong trại ngày một gia tăng, có lẽ do sợ những bất ổn xảy ra trong lúc quyền hành được chuyển giao từ tay Kim Jong Il đến tay người con trẻ tuổi chưa từng trải qua thử thách nào.

Tổng cộng có 6 trại cải tạo ở Bắc hàn, theo tin tức của sở tình báo Nam hàn và các nhóm họat động cho Nhân quyền. Trại lớn nhất có chiều dài 31 dặm và chiều rộng 25 dặm, một diện tích lớn hơn cả thành phố Los Angeles của Hoa Kỳ. Chung quanh trại được bao bọc bằng những hàng rào kẽm gai có truyền điện cao thế, cách quãng là những pháo đài cao nghệu có lính gác cùng với những đội tuần tiễu thường trực. Hai trong số đó, trại mang số 15 và 18, có những khu cải tạo dành cho những tù nhân may mắn được nhận sự giáo dục qua việc học tập những lời dậy của Kim Jong Il và Kim Il Sung. Nếu sau khi học xong, tù nhân nào chứng minh được họ đã thuộc nằm lòng những lời dậy dỗ ấy và thuyết phục được cán bộ về sự trung thành của mình thì sẽ được phóng thích, nhưng vẫn phải chịu sự quản chế của cơ quan an ninh nhà nước cho đến khi nhắm mắt.

Số trại còn lại được gọi là “những khu cần kiểm sóat tuyệt đối,” nơi đây, tù nhân bị xem như là “không thể cải tạo được” sẽ phải lao động cho đến khi chết.

Trại của Shin, số 14, thuộc về lọai “cần kiểm sóat tuyệt đối”. Trại này có tiếng là trại hắc ám nhất vì điều kiện làm việc rất khắc nghiệt, sự tàn bạo của cán bộ trại và thái độ không khoan nhượng của nhà nước đối với những tù nhân và gia đình họ bị giam giữ ở trại này, vốn trước đây là cán bộ nhà nuớc hay quân đội, là đảng viên, đã vi phạm những lỗi nghiêm trọng khiến phải vào tù. Được thành lập từ năm 1959 tại khu vực miền trung Bắc Hàn- Kaechon, tỉnh Nam Bình Nhưỡng – trại số 14 giam giữ khỏang 15 ngàn tù nhân. Với chu vi 30 dặm chiều dài và 15 dặm chiều ngang, trại có nông trang, hầm mỏ và xưởng thợ nằm đan chen trong khu thung lũng đầy những ngọn đồi thoai thỏai.

Mặc dù Shin là người duy nhất sinh ra trong trại tù đã vượt thóat được để kể lại câu chuyện của mình, nhưng cũng có ít nhất 26 nhân chứng khác từng sống trong những nhà tù ấy nay đã đến được những xứ sở tự do. Họ bao gồm 15 người Bắc hàn trước đây bị giam giữ trong những khu dành cho những tù nhân đã được khai sáng của trại số 15, may mắn được trại phóng thích và sau đó tìm cách vượt biên đến được Nam Hàn. Những cựu cán bộ coi tù ở những trại cải tạo ấy cũng tìm đường đến Nam Hàn. Một cựu trung tá trong quân đội Bắc Hàn tên Kim Yong, vốn thuộc giai cấp được ưu đãi ở Bình Nhưỡng, đã phải trải qua 6 năm tù trong hai trại giam trước khi trốn thóat được bằng cách nấp trong chiếc xe lửa chở than.

Một bản gạn lọc những lời khai của những cựu tù nhân nói trên do Hội luật sư Nam Hàn phổ biến cho thấy một bức tranh khá chi tiết về cuộc sống hàng ngày của tù nhân bị giam giữ trong trại. Mỗi năm, có một tù nhân bị xử tử công khai. Một số khác thì bị đánh đập cho đến chết bởi cán bộ tù, những người hầu như được phép tòan quyền quyết định vận mạng tù nhân theo ý mình cũng như hãm hiếp nữ tù mà không sợ bị trừng phạt. Phần lớn tù nhân trong trại phải ra đồng canh tác, hay làm việc dưới những hầm than, hoặc ở những xưởng may quân phục, hoặc chế tạo xi măng trong lúc chỉ được cung cấp một lượng thực phẩm chết đói chỉ có bắp khô, rau cải và muối. Răng rụng, nướu thâm đen, xương xốp rụm, và trước khi bước vào tuổi 40, người họ choắt lại, lưng còng ngang bụng. Mỗi năm được cấp phát một bộ hay nhiều lắm là hai bộ quần áo, tù nhân thường xuyên làm việc và ngủ nghê trong những đống giẻ rách bẩn thỉu, không có xà phòng, không vớ, không găng tay, không đồ lót, không cả những phương tiện vệ sinh. Ngày làm việc bắt buộc kéo dài từ 12 đến 15 tiếng cho đến khi tù nhân lăn ra chết, phần lớn là do bệnh tật phát sinh bởi suy dinh dưỡng, trước khi họ bước đến tuổi 50. Mặc dù không thể nào thu thập được những con số chính xác, nhưng chính quyền các nước phương Tây và các tổ chức nhân quyền ước lượng đã có đến hàng trăm ngàn người chết trong những trại tù này.

Phần lớn người dân Bắc hàn bị giam giữ không hề thông qua xét xử, nhiều người đến chết cũng không biết mình đã phạm tội gì. Họ bị bắt ở nhà, thường là vào ban đêm, bởi bọn Bowibu, tên gọi sở an ninh quốc gia Bắc hàn. Bà con thân thích với kẻ phạm tội cũng được coi là có tội theo luật lệ Bắc hàn. Vì thế, một người phạm tội, vợ con cha mẹ người ấy cũng sẽ bị bắt giam. Năm 1972, cha đẻ thành lập nhà nước Bắc Hàn Kim Il Sung đã ban hành luật về “những kẻ thù giai cấp, bất kể chúng là ai, những hạt giống của chúng cần phải được giết sạch đến 3 đời.”

Tôi gặp gỡ Shin lần đầu tiên trong một buổi ăn trưa mùa đông năm 2008. Nơi gặp là một nhà hàng Đại hàn ở khu trung tâm thành phố Hán thành. Có vẻ nhiều chuyện và đói bụng, anh ta ngốn hết mấy bát cơm với thịt bò. Vừa ăn, Shin vừa kể cho tôi (và người phiên dịch) nghe cảm tưởng của mình khi chứng kiến bà mẹ bị xử tử. Anh ta trách bà đã làm anh ta bị liên lụy phải chịu cực hình tra tấn tàn nhẫn và thậm chí còn nói rằng cho đến bây giờ (năm 2008) anh ta vẫn còn hận mẹ. Anh ta thú nhận mình không phải là “đứa con ngoan” nhưng không giải thích tại sao.

Trong suốt những năm tháng trong trại giam, anh ta chưa bao giờ được nghe nói đến chữ “thương yêu,” mà anh chắc chắn rằng bà mẹ của mình cũng không bao giờ thốt ra khỏi cửa miệng, và anh sẽ tiếp tục coi thường bà dù bà đã chết. Anh ta đã được nghe nói về khái niệm tha thứ trong một nhà thờ ở Nam hàn. Nhưng anh vẫn không hiểu gì cả. Ở trại tù số 14, anh ta kể, xin được tha thứ có nghĩa là “năn nỉ xin khỏi bị trừng phạt.”

Shin cũng có viết một tập hồi ký về thời gian sống ở trại tù, nhưng không gây được nhiều chú ý ở Nam hàn. Hiện tại, anh ta không có việc làm, không có tiền để trả tiền thuê nhà, và không biết sẽ phải làm gì. Luật lệ của trại tù số 14 đã buộc anh ta không dám có những sự tiếp xúc thân mật với phụ nữ, vì sợ bị trừng phạt đau đớn. Giờ đây thì anh ta rất muốn có được một bạn gái đúng nghĩa, nhưng lại không biết phải khởi đầu như thế nào để có thể tìm được một người như thế.

Sau bữa ăn trưa hôm ấy, Shin dẫn tôi về căn phòng nhỏ, ảm đạm mà anh đã không còn có thể tiếp tục thuê được nữa. Tuy không nhìn thẳng vào mắt tôi, Shin vẫn chìa tay phải cho tôi xem ngón giữa đã bị mất một đốt và cởi áo để tôi nhìn thấy một tấm lưng đầy những vết sẹo. Anh ta cũng bằng lòng cho tôi chụp hình. Bất kể những khó khăn gian khổ Shin đã trải qua, anh ta vẫn giữ được một khuôn mặt như trẻ thơ. Năm đó, Shin 26 tuổi, và vừa thóat khỏi trại tù số 14 được 3 năm.

Khi buổi gặp gỡ đáng nhớ ấy xẩy ra, tôi 56 tuổi. Là phóng viên của báo Washington Post, phụ trách khu vực Đông Á, cả năm trước đó tôi đã không ngừng tìm hiểu nhà nước Bắc hàn đã sử dụng những phương pháp trấn áp như thế nào để tránh bị tan rã.

Nghiên cứu về những sự áp bức chính trị đã trở thành chuyên ngành của tôi. Là phóng viên của báo Post và New York Times, tôi đã trải qua gần 3 thập kỷ đưa tin về sự hỗn lọan ở những quốc gia châu Phi , sự sụp đổ của các nước cộng sản Đông Âu, sự chia cắt của Yugoslavia và sự thối rữa của nền chính trị Miến Điện dưới quyền các ông tướng quân đội. Từ ngòai nhìn vào, nhà nước Bắc hàn đã đủ chín mùi – phải nói là quá chín mùi – cho một sự tan rã mà tôi đã từng chứng kiến ở những nơi khác. Ở một phần đất thế giới, nơi đó hầu như ai cũng có cơ hội trở nên sung túc, thì người dân Bắc hàn vẫn tiếp tục sống trong cô lập, nghèo khổ và thiếu ăn.

Vậy mà triều đại nhà Kim vẫn duy trì được quyền lực. Sự áp bức tòan trị đã giúp cho một quốc gia thất bại về mọi mặt tiếp tục tồn tại.

Trở ngại lớn nhất mà tôi gặp phải khi tìm cách vạch trần sự thật về chính quyền Bắc hàn là không có cơ hội xâm nhập vào tận bên trong. Ở những nơi khác trên thế giới, những quốc gia độc tài thường không thành công mấy trong việc ngăn chận người nước ngòai xâm nhập vào. Tôi đã có thể họat động công khai ở Ethiopia của Mengistu, Congo của Mobutu, Serbia của Milosevic, và giả danh du khách để vào được cả Miến Điện.

Chính quyền Bắc hàn thì chứng tỏ họ cẩn thận hơn rất nhiều. Những phóng viên ngọai quốc, nhất là Mỹ, hiếm khi nào được phép đặt chân đến đất nước của họ. Tôi đã có dịp đến Bắc hàn một lần, và chỉ được nhìn thấy những gì chính quyền muốn tôi nhìn thấy, biết được đôi chút về đất nước này. Nếu những ký giả tìm cách xâm nhập bất hợp pháp, họ sẽ có nguy cơ bị bắt và cầm tù nhiều năm với tội danh gián điệp. Muốn được phóng thích, đôi khi họ phải cần đến sự can thiệp của chính vị tổng thống của Hoa Kỳ.

Với những khó khăn như vậy, nên phần lớn những tin tức về Bắc hàn đều mơ hồ, sáo rỗng. Từ Hán Thành, hay Tokyo hoặc Bắc Kinh, những bản tin thường nói về những hành động khiêu khích mới nhất của Bình Nhưỡng, chẳng hạn như đánh chìm một chiếc tàu hoặc xử bắn một du khách. Rồi cái ước lệ rất buồn nản của báo chí xen vào: Các giới chức chính phủ Hoa Kỳ và Nam Hàn bày tỏ sự bất bình. Phía Trung quốc kêu gọi các bên hãy tự chế. Các nhà họach định chính sách phát biểu về những hậu quả có thể xẩy ra v.v… Tôi cũng là một ký giả đóng góp không nhỏ vào những câu chuyện đại lọai.

Câu chuyện của Shin đã phá vỡ những ước lệ này. Anh ta đã mở toang cánh cửa để mọi người có thể nhìn vào và thấy được triều đại nhà Kim đã vùng vẫy như thế nào để duy trì quyền lực bằng cách sát hại và bắt trẻ em làm nô lệ. Vài ngày sau cuộc gặp gỡ của tôi và Shin, hình ảnh của Shin và câu chuyện khủng khiếp của anh ta đã ngự trị ngay trang nhất của tờ Washington Post.

“Wow,” đó là nội dung duy nhất của bức thư điện tử tôi nhận được từ Donald G. Graham, chủ tịch công ty Washington Post vào buổi sáng hôm tờ báo đăng tải câu chuyện. Một nhà làm phim người Đức, tình cờ có mặt tại viện bảo tàng Tưởng Niệm Các Nạn Nhân Bị Tàn Sát Bởi Đức Quốc Xã ở Washington ngay hôm đó, đã quyết định thực hiện một cuốn phim tài liệu về cuộc đời của Shin. Bài xã luận trên báo Washington Post đã phát biểu rằng sự tàn bạo mà Shin phải chịu đựng quả thật đáng kinh hãi, nhưng cũng kinh hãi không kém là sự lãnh đạm của thế giới đối với sự hiện hữu của những trại tập trung lao động ở Bắc Hàn. Bài báo viết tiếp “Những học sinh trung học ở Hoa Kỳ tranh luận rằng tại sao Tổng thống Franklin D. Roosevelt không cho ném bom những con đường xe lửa dẫn đến những trại hơi ngạt của Hitler” và kết luận “rồi đây, con cháu của những học sinh ấy sẽ hỏi tại sao thế giới phương Tây chỉ nhìn những hình ảnh rất rõ ràng qua vệ tinh về những trại tập trung của Kim Jong Il mà không làm gì để ngăn cản.”

Câu chuyện đời của Shin làm xúc động đến cả những độc giả bình thường nhất. Họ viết thư, gởi e-mails, đề nghị giúp tiền, giúp nhà ở và cầu nguyện cho Shin.

Một cặp vợ chồng ở thành phố Columbus, tiểu bang Ohio, đọc được bài báo, tìm cách liên lạc với Shin và giúp trả tiền vé máy bay cho Shin đến Hoa Kỳ. Lowell và Linda Dye – tên cặp vợ chồng – đề nghị sẵn sàng là cha mẹ của Shin, những người cha mẹ thực sự mà Shin chưa bao giờ biết tới.

Một cô gái Mỹ gốc Nam hàn ở Seattle, tên là Harim Lee, đọc câu chuyện và mong mỏi có ngày sẽ được gặp Shin. Sau đó, cô gặp anh ta ở miền Nam tiểu bang California và hai người đã yêu nhau.

Bài báo của tôi trên tờ Washington Post chỉ lướt qua trên bề mặt cuộc đời của Shin. Tôi tin rằng, cũng câu chuyện ấy, nếu được kể lại với đầy đủ chi tiết xác thực sẽ giúp mọi người nhìn rõ hơn cái guồng máy bí mật đã thực thi chủ nghĩa tòan trị ở Bắc Hàn. Và bằng vào những chi tiết về cuộc vượt thóat khó tin nhưng có thật của Shin, câu chuyện sẽ cho thấy kẽ hở của guồng máy áp bức, vì đã để cho một tù vượt ngục trẻ tuổi như từ trời rơi xuống, ngênh ngang giữa màng lưới chặt chẽ của nhà nước công an mà vẫn không bị phát hiện, và cuối cùng vượt biên qua đến được Trung quốc. Quan trọng hơn, không ai nếu đã từng đọc một quyển sách nói về một đứa trẻ sinh ra trong nhà tù Bắc hàn chỉ để bị bắt buộc lao động cho đến chết lại có thể không quan tâm tới sự hiện hữu của những trại tù như thế.

Tôi hỏi Shin liệu anh ta có cảm thấy hứng thú kể lại câu chuyện một cách chi tiết không. Mãi đến 9 tháng sau, Shin mới đi đến quyết định. Trong suốt thời gian ấy, những nhà họat động nhân quyền ở Nam Hàn, Nhật Bản và Hoa Kỳ đã nhiều lần thúc giục Shin hợp tác, thuyết phục anh ta rằng một quyển sách về kinh nghiệm sống trong nhà tù Bắc hàn được xuất bản bằng Anh ngữ sẽ khiến cả thế giới chú ý và gia tăng áp lực quốc tế với nhà cầm quyền Bắc Hàn và có lẽ sẽ giúp anh ta có một khỏan tiền dùng trang trải các chi phí mà anh ta hiện đang rất cần. Sau khi Shin trả lời đồng ý, anh ta đã có mặt cả thẩy 7 lần để làm việc, lần thứ nhất ở Hán thành, rồi ở Torrance, tiểu bang California và cuối cùng là ở thành phố Seattle, tiểu bang Washington. Tôi và Shin đồng ý chia nhau mỗi người một nửa những thu nhập liên quan đến quyển sách. Về nội dung quyển sách, Shin đồng ý để tôi nắm phần chủ động.

Ngay từ đầu năm 2006, một năm sau khi vượt thóat, Shin đã viết nhật ký. Trong thời gian ở Hán thành, công việc ấy chỉ bị gián đọan khi Shin phải vào bệnh viện vì bị trầm cảm. Sau khi ra viện, Shin tiếp tục ghi nhật ký. Tập nhật ký này chính là tài liệu căn bản cho quyển sách viết bằng tiếng Đại hàn của Shin có tên “Vượt Thóat Ra Thế Giới Bên Ngòai” xuất bản năm 2007 tại Hán thành do Trung tâm Dữ Kiện vì Nhân Quyền ở Bắc Hàn thực hiện.

Chúng tôi dùng quyển hồi ký này làm bước khởi đầu cho nội dung quyển sách. Quyển hồi ký này cũng là nguồn cho nhiều trích dẫn trực tiếp liên quan đến Shin, gia đình anh ta, bạn tù và những người cai tù trong thời gian Shin ở trong trại và ở Trung quốc. Nhưng những suy nghĩ, hành động của Shin ghi lại trong quyển sách này đều căn cứ trên những cuộc trao đổi giữa tôi và Shin, qua đó, anh ta đã đi vào chi tiết hơn và trong nhiều trường hợp, đã chỉnh lại những sai sót của quyển hồi ký viết bằng tiếng Đại hàn.

Dù rằng chính Shin đã chủ động hợp tác, anh ta có vẻ như sợ hãi trả lời những câu hỏi của tôi. Nhiều lúc tôi có cảm tưởng mình là viên nha sĩ đang khoan răng anh ta mà không sử dụng thuốc tê. Những cuộc “khoan răng” như thế kéo dài lúc có lúc không trong hai năm trời. Khi thì anh ta tỏ ra dễ dàng chịu đựng, khi thì lại cho thấy anh ta bị mệt mỏi đến thảm hại.

Shin phải cố gắng hết sức để tin cậy tôi. Như anh ta đã từng thú nhận, với bất cứ ai anh cũng có tâm trạng như vậy. Đó là điều không thể tránh khỏi do đã bị nuôi dưỡng trong môi trường không thể tin được ai chung quanh.Cán bộ trại dạy anh ta phản bội lại cha mẹ ruột của mình, phản bội bạn bè anh em, và anh ta cho rằng những người biết anh ta , đến lượt họ, cũng sẽ lại bán anh ta như anh ta đã bán họ.

Khi thực hiện quyển sách này, đã có lúc tôi thấy mình khó có thể tin hết những lời của Shin, Ngay trong buổi trao đổi đầu tiên, anh ta đã nói dối về vai trò của mình liên quan đến cái chết của mẹ anh ta và tiếp tục làm như thế trong hàng loạt những buổi làm việc kế tiếp. Khi Shin nói sự thực về việc này, tôi lại đâm ra nghi ngờ không biết trong tòan bộ câu chuyện, có những chi tiết nào là do trí tưởng tượng của anh ta.

Chứng thực dữ kiện là việc không thể làm được ở Bắc hàn. Không ai được phép đến thăm những trại giam giữ tù nhân chính trị của họ. Những gì xẩy ra bên trong hàng rào kẽm gai trại không có cách gì để kiểm chứng một cách độc lập. Mặc dù những ảnh chụp từ vệ tinh đã đóng góp rất nhiều trong việc gia tăng hiểu biết của thế giới bên ngòai về những trại tù kiểu này, nhưng những gì do người từ bên trong thóat được kể lại vẫn là nguồn dữ liệu chính, mà không phải ai trong số họ cũng đều vì động cơ trong sáng hoặc có khả năng chứng minh sự khả tín của mình. Ở Nam hàn cũng như nhiều nơi khác, vì nhu cầu tuyệt vọng phải kiếm sống, họ sẵn sàng khẳng định những giả định cần kiểm chứng của những nhà họat động nhân quyền, những nhóm truyền giáo chống cộng và kể cả những nhà ý thức hệ hữu khuynh. Một số cựu quản lý trại cải tạo đã đào thóat được từ chối cung cấp tin tức nếu không được trả tiền trước. Một số khác thì cứ lập đi lập lại những giai thọai tuy hấp dẫn nhưng chỉ do nghe nói chứ không thực sự chính mắt họ chứng kiến.

Trong khi vẫn tỏ ra cảnh giác với tôi, Shin tiếp tục trả lời những câu hỏi của tôi về quá khứ của anh ta mà tôi có thể nghĩ đến. Câu chuyện đời của Shin có vẻ như thật lạ lùng, nhưng rất ăn khớp với những kinh nghiệm của các cựu tù nhân khác, cũng như của cả những cựu cán bộ coi tù đã lìa bỏ chế độ.

“Tất cả những gì Shin kể lại đều rất phù hợp với sự hiểu biết của tôi về những trại tù ở Bắc hàn”. David Hawk đã tuyên bố như vậy. Ông là một chuyên viên về Nhân quyền, đã từng phỏng vấn Shin và hàng chục những cựu tù nhân khác cho công trình có tên “Trại Tập Trung bí mật: Vạch trần sự hiện hữu của những trại giam giữ tù nhân ở Bắc hàn,” một bản báo cáo kết hợp lời khai của nhân chứng với những ảnh chụp từ vệ tinh có phần chú giải. Bản báo cáo được phổ biến lần đầu năm 2003 bởi Ủy Ban vì nhân quyền ở Bắc hàn của Hoa Kỳ và sau đó thường xuyên được cập nhật căn cứ vào những lời khai của nhân chứng mới vượt thóat và trình độ kỹ thuật nâng cao cung cấp những hình ảnh qua vệ tinh được rõ nét hơn. Theo lời Hawk, do bởi Shin được sinh ra và nuôi dưỡng trong trại tù nên anh ta biết được nhiều điều mà những cựu tù nhân khác có thể không biết. Câu chuyện của Shin cũng đã được hiệu đính kỹ lưỡng bởi những tác giả bản “Bạch Thư về Nhân quyền ở Bắc Hàn năm 2008” trực thuộc hiệp hội luật sư Nam Hàn. Họ đã phối kiểm trực tiếp với Shin qua những cuộc phỏng vấn liên tục cũng như tiếp xúc với những cựu tù nhân khác sẵn lòng cung cấp tin tức. Như Hawk đã viết, cách duy nhất để chính quyền Bắc hàn “chối bỏ, phản bác và phản biện” những chứng từ của Shin và những người khác sẽ phải là đồng ý cho phép những chuyên viên bên ngòai đến viếng thăm những trại tù ấy. Nếu không, Hawk tuyên bố, những sự tố cáo của Shin và những cựu tù nhân khác giữ vững giá trị. Nếu nhà nước Bắc hàn sụp đổ, có lẽ sẽ đúng như lời tiên đóan của Shin, các nhà lãnh đạo của họ, do sợ bị đưa ra xét xử trước những tòa án tội phạm chiến tranh, sẽ cho lệnh thiêu hủy mọi dấu tích của các trại tập trung trước khi các giới chức điều tra quốc tế có thể đặt chân tới. Chính Kim Jong Il đã từng phát biểu “chúng ta phải bao bọc chung quanh mình một lớp sương mù dầy đặc để kẻ thù không có cơ hội hiểu biết chút gì về chúng ta.”

Trong nỗ lực nối kết những dữ kiện thành một bức tranh tổng thể mà tôi chưa nhìn thấy, tôi đã dùng phần lớn thời gian gần 3 năm ghi nhận, báo cáo về những họat động của các giới chức chính phủ, quân đội Bắc hàn, về tình hình kinh tế, sự khan hiếm thực phẩm và những vi phạm nhân quyền của họ. Tôi tìm cách phỏng vấn một số khá nhiều những viên chức Bắc hàn ly khai, 3 cựu tù nhân của trại tù số 15, một cựu cán bộ coi tù và một viên tài xế đã từng làm việc qua 4 trại lao động khổ sai. Tôi tiếp xúc với những nhà nghiên cứu, những chuyên gia có cơ hội thường xuyên ra vào Bắc hàn và tìm đọc những công trình nghiêm túc ngày một thêm nhiều về những kinh nghiệm sống trong trại tập trung ở Bắc hàn. Ở Mỹ, tôi cũng thực hiện nhiều cuộc phỏng vấn thật sâu rộng với những người Mỹ gốc Đại Hàn đã trở thành bạn thân thiết của Shin.

Trong việc đánh giá câu chuyện của Shin, người đọc nên nhớ rằng có nhiều cựu tù nhân khác có thể cũng chịu đựng những ngược đãi tương tự, ở đôi trường hợp thậm chí còn tàn tệ hơn nữa. Đó là lời nhắc nhở của An Myeong Chul , một cựu cán bộ tù và tài xế lái xe. Ông tiếp “Shin tương đối có được một cuộc sống dễ thở hơn so với những đứa trẻ khác trong trại.”

Bằng cách khai thác vũ khí hạt nhân, tấn công Nam hàn và tự gây nên một tiếng tăm về sự ngoan cố đến khiến thế giới phải dựng tóc gáy, chính quyền Bắc hàn đã tạo nên một tình trạng căng thẳng bán thường trực trong khu vực bán đảo Đại hàn.

Khi hạ cố bước chân vào những cuộc đàm phán quốc tế, phía Bắc hàn luôn thành công trong việc gác bỏ vấn đề nhân quyền ra khỏi bàn hội nghị. Vấn đề kiểm sóat sự khủng hỏang, luôn chỉ tập trung vào vũ khí nguyên tử, đầu đạn hạt nhân, đã chi phối mọi cuộc thương thuyết của Hoa Kỳ với chính phủ Bắc hàn.

Những trại lao động khổ sai chỉ là câu chuyện khi trà dư tửu hậu.

“Bàn thảo với họ về những trại tập trung là việc không bao giờ có thể thực hiện được.” David Straub, một viên chức ngọai giao cao cấp trong chính phủ Clinton và Bush phụ trách vấn đề Bắc hàn đã bảo tôi như thế. “Họ nổi sùng khi nghe nói về việc đó.”

Lương tâm thế giới cũng ít khi bị nhức nhối vì sự hiện hữu của những trại tập trung đó. Ở Hoa Kỳ, thái độ lãnh đạm hoặc không biết gì về chúng vẫn tiếp tục ngự trị từ nhiều năm nay. Ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn, hàng năm vào mùa xuân , những người Ly khai Bắc hàn, những kẻ sống sót từ những trại tập trung nói trên vượt thóat được, đều tụ họp nhau lại đọc diễn văn, tuần hành trên đường phố nhưng báo chí Thủ Đô tỏ ra rất ít quan tâm. Một trong những lý do cho thái độ đó là rào cản về ngôn ngữ. Phần lớn những người Bắc hàn Ly Khai chỉ nói tiếng Đại hàn. Mặt khác, ở một nền văn hóa chỉ biết đến những nhân vật nổi tiếng, thì khi không có ngôi sao điện ảnh, không có thần tượng nhạc pop, không có những người nhận giải Nobel nào đứng ra kêu gọi thì ai là kẻ sẵn sàng đầu tư chút tình cảm cho những việc xẩy ra ở một bán đảo xa xôi không có chút hình ảnh nào khuấy động.

Suzanne Scholte, một nhà họat động lâu năm đã từng giúp đưa những cựu tù nhân sống sót từ Bắc hàn đến Hoa Thịnh Đốn, nói với tôi: “Tây Tạng có Đức Đạt lai Lạt Ma và tài tử lừng danh Richard Gere, Miến Điện có Aung San Suu Kyi, Darfur có Mia Farrow và George Clooney, nhưng những nạn nhân Bắc hàn không có ai nổi tiếng như thế giúp họ.”

Shin bảo tôi anh ta không xứng đáng lên tiếng cho hàng chục ngàn tù nhân vẫn còn bị giam giữ trong những trại tập trung ở Bắc hàn. Anh xấu hổ về những gì anh đã làm để sống còn và đào thóat. Anh ta đã từ chối học Anh ngữ, cũng một phần vì anh ta không muốn kể đi kể lại câu chuyện bằng thứ ngôn ngữ mà anh biết có thể khiến anh trở thành ngừơi quan trọng. Nhưng anh tha thiết muốn cả thế giới biết đến những điều mà chính quyền Bắc hàn đang làm hết sức mình để che giấu. Trách nhiệm ấy trên vai anh rất nặng nề. Cho đến nay, chưa có một người nào sinh ra và được nuôi dưỡng trong trại tập trung Bắc hàn có thể trốn thóat ra được bên ngòai để kể lại những gì đã xẩy ra – và vẫn còn tiếp tục xẩy ra trong đó.

(bản dịch T.Vấn)

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search