T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: NHỮNG CA KHÚC NHẠC NGOẠI QUỐC LỜI VIỆT (96) – NHẠC PHIM – Bổ túc: Những ca khúc lời Việt của Nhật Ngân

Trong loạt bài vừa qua, viết về những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt, phần nhạc phổ thông, nhạc Pháp, và nhạc Đông Phương, chúng  tôi đã thiệu một số bản được cố nhạc sĩ Nhật Ngân (1942-2012) đặt ca từ, như:

* Trước 1975

Et pourtant (Giã từ em yêu)

Oh! mon Amour  (Tình yêu, ôi tình yêu),

The Shadow of Your Smile (Bóng tối nụ cười)…

* Sau 1975:

 Lui (Chàng)

Je ne pourrais jamais t’oublier (Mưa trên biển vắng)

Comme toi (Về chốn thiên đường)

Ribaibaru (Trời còn mưa mãi),

Kuko (Xin thời gian ngừng trôi)…

Những ca khúc kể trên chỉ là con số rất nhỏ trong tổng số khoảng 400 ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt của Nhật Ngân – một “thành tích” mà cả đến Phạm Duy cũng phải lên tiếng ca tụng.

Riêng trong lĩnh vực nhạc phim, Nhật Ngân đã đặt lời Việt cho 15 ca khúc trong các cuốn phim điện ảnh hoặc phim tập truyền hình.

Nay, sau khi kết thúc phần viết về các ca khúc trích trong phim, kịch, hoặc từ nhạc phim, nhạc kịch ngoại quốc được đặt lời Việt, chúng tôi nhận thấy còn khá nhiều ca khúc do Nhật Ngân đặt lời Việt, tuy không thuộc vào hàng bất hủ, nhưng đã một thời được hàng triệu người Việt yêu thích. Vì thế chúng tôi viết bài này với mục đích giới thiệu thêm bốn thành công điển hình của Nhật Ngân trong số những ca khúc nói trên, gồm một của Nhật Bản và ba của Trung Hoa: Burande Gurasu (Brandy Glass), Bến Thượng Hải, 999 Đóa hồng, Uyên ương hồ điệp mộng.

 Burande Gurasu (Brandy Glass, Ly Rượu) do Mitsuru Kotani soạn nhạc, Yoko Yamaguchi đặt lời, và Yujiro Ishihara thu đĩa năm 1977.

Mitsuru Kotani (1945 – 1990) là một nhạc sĩ dương cầm (jazz), nhà nhà soạn nhạc, nhạc phim và soạn hòa âm nổi tiếng của Nhật từ giữa thập niên 1960 cho tới khi ông qua đời. Trong số hàng chục ca sĩ, ban nhạc được ông viết ca khúc có cả Đặng Lệ Quân (Teresa Teng).

Yoko Yamaguchi (1937 – 2014) là một nhà viết ca từ và nữ văn   thi sĩ Nhật. Trong số những ca khúc do bà viết lời hát vào thập niên 1970, đã có nhiều bản lên Top, trong đó Burande Gurasu được xem là một trong hai ca khúc hay nhất của bà; đặc điểm trong ca từ của bà là lời hát đẹp như những bài thơ. Qua thập niên 1980, Yoko Yamaguchi chuyển sang lĩnh vực viết tiểu thuyết.

Burande Gurasu  được nam ca sĩ kiêm diễn viên Yujiro Ishihara thu đĩa năm 1977. Sinh năm 1934, Yujiro Ishihara trở thành thần tượng thời hậu chiến của giới trẻ Nhật Bản, thường được sánh với Elvis Presley của Mỹ. Sau khi Yujiro Ishihara qua đời ngày 7-7-1987, hàng năm cứ tới ngày “song thất”, truyền hình Nhật Bản lại có chương trình tưởng niệm.

Ngày ấy, ca khúc Burande Gurasu do Yujiro Ishihara thu đĩa đã đứng hạng 11 và ở trong Top 100 suốt 65 tuần lễ.

VIDEO:

 ブランデーグラス Bulandee gulasu(石原裕次郎 Ishihara Yujirou)日本語・ローマ字歌詞付き(With Lyrics in Rōmaji)

Burande Gurasu được Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Tình xưa xa rồi, là một trong những ca khúc Nhật đầu tiên được ông đặt lời Việt tại hải ngoại, và cũng là một trong những thành công của Ngọc Lan trong những năm đầu sự nghiệp.

Tình xưa xa rồi

 Tình mình ngày đó bao êm đềm
Nay còn tìm đâu vòng tay mê đắm giây phút xưa
Em sống bây giờ tựa bóng đêm
Ngày dài hiu hắt hướng về nơi phương trời nào

Còn nhớ xưa chúng ta
Tựa là cánh chim tung trời bay đi khắp nơi
Cánh chim bằng tung gió
Say đắm bên nhau không rời giây phút

Bây giờ chỉ có em u buồn
Âm thầm ngồi đây mà nghe nhung nhớ nơi chốn xa
Ngày tháng rơi rơi ôi vô tình
Lòng em sao mãi vẫn hoài vấn vương

Con đường tình đã xa xăm rồi
Đâu còn chiều thắm nồng say môi ấm ngây ngất trao
Người hỡi phương trời người có hay
Tình này luôn hướng về bến nơi đợi chờ

Còn nhớ chăng hỡi anh
Ngày nào mới *** ta hẹn hò nhau dưới mưa
Đắm say làn môi ấm
Mưa ướt đôi vai ta nào hay biết

Bây giờ trời vẫn mưa mưa hoài
Con đường tình xưa mình em lê gót trong giá băng
Người hỡi sao đi đi không về
Để buồn năm tháng héo mòn cánh hoa.

VIDEO:

Tình xưa xa rồi – tiếng hát Ngọc Lan

Về sau, Tình xưa xa rồi cũng được nhiều nữ ca sĩ khác thu đĩa, trong số đó Khánh Hà.

Phụ lục 1: Tình xưa xa rồi, Khánh Hà

Tiếp theo, chúng tôi viết về ca khúc Máu Nhuộm Bến Thượng Hải, ca khúc đi liền với bộ phim truyền hình Bến Thượng Hải (1980), được nhiều người tin là ca khúc nhạc Hoa lời Việt được “nghe” nhiều nhất từ trước tới nay.

Riêng với những người vừa thích xem phim Tàu vừa thích nghe nhạc Hoa thì Máu Nhuộm Bến Thượng Hải phải được xem là ”đỉnh”!

[Theo một danh sách được phổ biến trên Internet, thứ tự Top 5 ca khúc trong phim ảnh của Trung Hoa như sau:

 1- Bến Thượng Hải (phim Bến Thượng Hải, 1980)

2- Xin hỏi đường ở nơi nào (phim Tây du ký, 1986)

3- Tân uyên ương hồ điệp mộng (phim Bao Thanh Thiên, 1993)

4- Thiên ngôn vạn ngữ (Mùa thu lá bay, phim Thái vân phi)

5- Hỏi lòng trong sáng (phim Người đến từ Triều Châu)]

Trước khi viết về ca khúc cũng xin có đôi dòng về bộ phim tập Bến Thượng Hải (Hán Việt: Thượng Hải Than, Anh ngữ: The Shangai Bund) của đài truyền hình TVB, Hương Cảng, bộ phim được xem là một tác phẩm kinh điển về đề tài xã hội đen, thường được xưng tụng là “The Godfather của Hương Cảng”; chính bộ phim này đã có công lăng-xê nam diễn viên Châu Nhuận Phát.

Bến Thượng Hải lấy bối cảnh Thượng Hải thời Trung Hoa Dân Quốc trước Đệ Nhị Thế Chiến, cốt truyện nói về các mối quan hệ ân oán, bạn thù trong thế giới xã hội đen và mối tình tay ba giữa ba nhân vật chính.

– Hứa Văn Cường (Châu Nhuận Phát, Chow Yun-fat): nhân vật chính của phim, là một thanh niên có học thức và tinh thần cách mạng, từng bị ở tù. Sau khi ra tù, anh tham gia vào thế giới xã hội đen Thượng Hải, trở thành một trong những trùm xã hội đen hàng đầu tại đây; tuy nhiên anh vẫn có lòng yêu nước và chống quân phiệt Nhật Bản. Vì vậy anh bị Phùng Kính Nghiêu, một tay đại tài phiệt ở Thượng Hải, tìm cách thanh toán.

– Đinh Lực (Lữ Lương Vĩ, Ray Lui): nghĩa đệ của Hứa Văn Cường, xuất thân nhà nghèo, nhờ tính cương trực, trọng nghĩa khí, ân oán phân minh đã tiến lên vị trí một trùm xã hội đen.

Cả Hứa Văn Cường và Đinh Lực đều đem lòng yêu Phùng Trình Trình (Triệu Nhã Chi, Angie Chiu), con gái cưng của Phùng Kính Nghiêu, một thiếu nữ xinh đẹp, thông minh. Phùng tiểu thư có nhiều tình cảm với Hứa Văn Cường hơn nhưng sau này lại quyết định kết hôn với Đinh Lực, để lại bao đắng cay đau khổ cho họ Hứa.

Ngoài ra, trong bộ phim Bến Thượng Hải còn có sự góp mặt của Lâm Kiến Minh trong vai Phương Diễm Vân, một người bạn học thầm yêu  Hứa Văn Cường nhưng không dám thố lộ, mà chỉ âm thầm phò giúp chàng, và Thang Chấn Nghiệp trong vai Trần Hàn Lâm, một người bạn học của Phùng Trình Trình nhưng chống lại Phùng Kính Nghiêu…

Cùng với diễn tiến ly kỳ, tình tiết hấp dẫn, bộ phim Bến Thượng Hải còn có ca khúc chủ đề được đánh giá là tác phẩm để đời của dòng nhạc Cantopop.

* * *

Cantopop, viết tắt của of “Cantonese pop music”, còn gọi là HK-pop (Hong Kong pop music), là dòng nhạc phổ thông hiện đại của Trung Hoa với lời hát bằng tiếng Quảng Đông. Tùy trường hợp sử dụng, chữ Cantopop còn có nghĩa là xu hướng sản xuất và thưởng thức.

Dòng nhạc Cantopop xuất hiện vào giữa thập niên 1970 và trở nên cực thịnh trong hai thập niên 1980, 1990. Cho nên cũng là một điều dễ hiểu khi cuốn phim điện ảnh, phim tập truyền hình nào của Hương Cảng cũng phải có một vài ca khúc Cantopop. Đó là lý do chính khiến dòng nhạc Cantopop trở nên phổ biến tại Hương Cảng, Hoa Lục, Đài Loan, Tân Gia Ba, Mã Lai, Nam Hàn, Nhật Bản, và miền nam Việt Nam, vốn là thị trường chính của phim ảnh Hương Cảng.

* * *

Ca khúc chủ đề bộ phim Bến Thượng Hải do Cố Gia Huy (Joseph Koo) soạn nhạc, Hoàng Triêm (James Wong) đặt lời, được Diệp Lệ Nghi (Frances Yip) trình bày bằng tiếng Quảng Đông.

Bến Thượng Hải đã được vào Top 10 ca khúc được trao giải Ca khúc vàng năm 1980 của RTHK (Radio Television Hong Kong).

VIDEO:

 Nhạc phim Máu Nhuộm Bến Thượng Hải 1980 (bản Châu Nhuận Phát) – Diệp Lệ Nghi

Mười sáu năm sau (1996), Bến Thượng Hải được đưa lên màn bạc với một kịch bản mới, qua đó Đinh Lực trở thành nhân vật chính, do Lưu Đức Hoa (Andy Lau) thủ diễn, vai Hứa Văn Cường được trao cho Trương Quốc Vinh (Leslie Cheung), vai Phùng Trình Trình do Ninh Tịnh (Ning Jing) đảm trách.

Tuy có cùng tựa “Bến Thượng Hải” với bộ phim tập truyền hình năm 1980, cuốn phim điện ảnh năm 1996 đã lấy tựa tiếng Anh là Shanghai Grand để phân biệt với bộ phim tập truyền hình (Shangai Bund).

Trong cuốn phim điện ảnh này, đích thân Lưu Đức Hoa đã trình bày ca khúc Bến Thượng Hải, và phiên bản này đã được giới mộ điệu yêu chuộng không thua gì phiên bản của Diệp Lệ Nghi trước đó 16 năm. Tuy nhiên, trong video clip chúng tôi giới thiệu sau đây, tiếng hát là của Lưu Đức Hoa, nhưng hình ảnh thì lại là hình ảnh lấy trong bộ phim truyền hình năm 1980; bởi vì mặc dù cho tới nay đã có 3, 4 bộ phim Bến Thượng Hải (truyền hình và điện ảnh), một khi nhắc tới ba chữ “Bến Thượng Hải”, đại đa số khán giả sẽ giả sẽ nhớ tới bộ phim đầu tiên do Châu Nhuận Phát thủ vai chính.

VIDEO:

 Shanghai Beach (The Bund 上海灘) by Andy Lau with English Translation

Ca khúc chủ đề của Bến Thượng Hải đã được Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Máu nhuộm bến Thượng Hải, tuy nhiên rất nhiều ấn bản đã chỉ ghi một cách ngắn gọn là “Bến Thượng Hải”.

Máu nhuộm bến Thượng Hải

Biển sóng dạt dào
Trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nao
Đời như những cơn sóng đùa
Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ

Cuộc đời vui cuộc đời buồn
Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ
Niềm hạnh phúc hay nỗi sầu
Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm

Yêu em hờn em em biết cho chăng
Cho dù tháng năm dài xa cách
Anh luôn chờ mong bão tố phong ba
Cuộc tình này ngàn kiếp vẫn không nhạt phai

Dù hạnh phúc dù đau buồn
Dù bao oan trái vẫn muôn đời có nhau
Như sóng nước mãi trôi chẳng ngừng
Cuộc tình ta thiết tha hơn ngàn trùng dương

Biển sóng dạt dào
Trùng dương lớp lớp trôi đi về chốn nao
Đời như những cơn sóng đùa
Mà ngàn năm biết nơi đâu là bến bờ

Cuộc đời vui cuộc đời buồn
Nào ai hay biết cho đâu là bến mơ
Niềm hạnh phúc hay nỗi sầu
Dòng đời trôi cuốn ta qua ngàn năm

Yêu em…

Phụ lục 2: Máu nhuộm bến Thượng Hải, Thái Châu

VIDEO:

Bến Thượng Hải (Shanghai Beach 上海灘) by Hoạ Mi & Elvis Phương

Tiếp theo, chúng tôi viết về một ca khúc Trung Hoa nổi tiếng khác được Nhật Ngân đặt Việt, đó là bản 999 Đóa Hồng (Hán Việt: Cửu bách cửu thập cửu đóa mai khôi), của nam ca nhạc sĩ Hương Cảng Thái Chánh Tiêu.

Thái Chánh Tiêu (Samuel Tai) là một trường hợp khá đặc biệt trong làng ca nhạc Hoa ngữ. Sinh năm 1966 tại Hương Cảng trong một gia đình trung lưu theo Thiên chúa giáo, cha là một bác sĩ, ngay từ nhỏ, Thái Chánh Tiêu đã tôn Lý Tiểu Long làm thần tượng, theo học Thái Cực Đạo lên tới Đệ nhất đẳng huyền đai. Trong thời gian nằm nhà vì bị chấn thương, Thái Chánh Tiêu được ông bố mua cho một cây đàn ghi-ta để giết thì giờ, không ngờ từ đó cậu lại say mê ca nhạc. Tuy nhiên do ảnh hưởng (và áp lực) của ông bố bác sĩ, Thái Chánh Tiêu biết rằng lớn lên mình chỉ có một con đường để đi theo: y khoa.

Tốt nghiệp trung học với số điểm không cao lắm, Thái Chánh Tiêu không vào được Đại Học Y Khoa Hương Cảng, phải sang Đài Loan vào Trường Y Khoa Cao Hùng (Kaohsiung) theo học ngành kỹ thuật y khoa (medical technology).

Vừa đi học chàng trẻ tuổi vừa ca hát tại các nhà hàng ở Cao Hùng, và tới năm 21 tuổi (1988) tham dự cuộc thi ca nhạc phổ thông (Popular Music Competition), trở thành một trong năm người đoạt giải.

Sau mấy năm sáng tác, ca hát và thu đĩa tại Đài Loan, năm 1993   Thái Chánh Tiêu viết ca khúc 999 Đóa Hồng.

Nội dung ca khúc kể về một chàng trai thầm yêu say mê một cô gái. Đã bao lần anh muốn mở miệng tỏ tình với nàng nhưng không đủ can đảm. Anh chỉ biết âm thầm tặng nàng những đóa hoa hồng thay lời yêu đương, và tự nhủ rằng khi nào đến đóa hồng thứ 1000 anh nhất quyết tỏ tình với nàng…

Nhưng trên thực tế, Thái Chánh Tiêu cho biết anh viết ca khúc này từ cảm xúc của chính anh khi gửi một bông hồng tưởng nhớ một nữ bệnh nhân ung thư mà anh có bổn phận chăm sóc vừa qua đời.

Chỉ một sớm một chiều, 999 Đóa Hồng đã trở thành tình khúc được yêu chuộng nhất trong giới trẻ nói tiếng Hoa đương thời, ở khắp mọi miền nói tiếng phổ thông (quan thoại). Giai điệu nhẹ nhàng, sâu lắng trong 999 Đóa Hồng đã trở thành nét độc đáo của chàng ca nhạc sĩ được xem là “nhà lành”, với hiệt hiệu “hoàng tử của những khúc tình ca”.

Ngoài thành công của bản thân, các tình khúc của Thái Chánh Tiêu còn đem lại thành công rực rỡ cho những danh ca khác như Đàm Vịnh Lân (lan Tam), Lê Minh (Leon Lai), Cổ Cự Cơ (Leo Ku)…

Có điều hơi lạ là càng đạt thành công, Thái Chánh Tiêu càng tìm cách xa lánh ánh đèn màu, nhất là sau khi lập gia đình và có một con trai. Mặc dù vẫn tiếp tục ra những album của riêng mình (mới nhất là vào năm 2012), Thái Chánh Tiêu chuyển dần sang lĩnh vực thực hiện đĩa nhạc,  và sáng tác thánh ca (Gospel music). Bên cạnh những album thánh ca, Thái Chánh Tiêu còn thủ vai chính trong một cuốn phim mang nội dung tôn giáo có tựa đề Source of Love.

VIDEO:

 999 Roses – Samuel Tai

999 Đóa Hồng (Cửu bách cửu thập cửu đóa mai khôi) được nhạc sĩ Nhật Ngân đặt lời Việt và giữ tựa đề trong nguyên tác.

999 Đóa Hồng

Gió mưa ngày qua cho đôi mình thêm xót xa
Che dấu trong tim nụ cười khô héo bao ngày
Hắt hiu đèn soi dung nhan chìm trong bóng đêm
Ôi bóng thân yêu nơi phương nào

Gió khuya lạnh căm cho tâm hồn thêm giá băng
Trong giấc mơ xưa kỷ niệm buồn luôn kéo nhau về
Luyến lưu mà chi duyên xưa đành thôi cách xa
Ðôi khi muốn quên đi mà lòng nào quên

Gửi trọn về em những cánh hồng
Bông hoa thắm tươi ngát thơm hương nồng
Từ ngày tình yêu lở bến rồi
Bông hoa úa phai cánh hoa rơi rụng
Bao yêu thương cũng tan theo mây trời
Trôi lang thang tháng năm biết trôi về đâu

Gió khuya lạnh căm cho tâm hồn thêm giá băng
Trong giấc mơ xưa kỷ niệm buồn luôn kéo nhau về
Luyến lưu mà chi duyên xưa đành thôi cách xa
Ðôi khi muốn quên đi mà lòng nào quên

Gửi trọn về em những cánh hồng
Bông hoa thắm tươi ngát thơm hương nồng
Từ ngày tình yêu lỡ bến rồi
Bông hoa úa phai cánh hoa rơi rụng
Bao yêu thương cũng tan theo mây trời
Trôi lang thang tháng năm biết trôi về đâu

999 Đóa Hồng đã được rất nhiều ca sĩ Việt Nam thu âm, như Lý Hải, Cẩm Ly, Nhật Kim Anh, Lam Trường, Lâm Nhật Tiến…

Có thể nói, 999 Đóa Hồng là ca khúc nhạc Hoa lời Việt của Nhật Ngân được yêu chuộng nhất ở trong nước, và cũng là một trong những bản karaoke rất thịnh hành vào những năm cuối thế kỷ 20, đầu thế kỷ 21.

Gần đây, 999 Đóa Hồng còn được các ca sĩ, ban nhạc trẻ ở trong nước “remix” (hòa âm và trình diễn theo thể điệu new wave), rất được lớp tuổi choai choai yêu thích, nhưng có thể nói đã không còn một chút gì của khúc tình ca dịu dàng 999 Đóa Hồng của mấy chục năm về trước.

Phụ lục 3: 999 Đóa Hồng, Lý Hải

Phụ lục 4: 999 Đóa Hồng, Cẩm Ly

Sau cùng, chúng tôi viết về ca khúc Tân uyên ương hồ điệp mộng (Xin yuan yang hu die meng).

Tân uyên ương hồ điệp mộng là một sáng tác của ca nhạc sĩ Hoàng An (An Huang, Michael Huang), được tác giả thu âm trong album có cùng tựa, phát hành ngày 1 tháng 2 năm 1993, và ngay sau đó đã được đưa vào bộ phim truyền hình Bao Thanh Thiên (Justice Pao, Bao Công Kỳ Án) của Đài Loan, và sau này trong cuốn phim võ hiệp Thiên Long Bát Bộ.

Ca nhạc sĩ Hoàng An (An Huang, Michael Huang)

Một điều đáng tiếc là trong khi Tân uyên ương hồ điệp mộng được xưng tụng là “một trong những ca khúc thành công nhất trong lịch sử âm nhạc Hoa ngữ”, được nhiều người đề cập tới một cách rất chi tiết, thì trên Internet (tiếng Anh, tiếng Việt) lại không có bất cứ thông tin nào về thân thế, sự nghiệp của tác giả Hoàng An!

Người ta chỉ được biết ca khúc này xuất phát từ một cảm xúc bất chợt của Hoàng An vào một buổi tối mùa thu năm 1992, khi ông đã hơn 30 tuổi, đã lập gia đình và có một con gái.

Sau khi hoàn tất phần giai điệu mang đậm phong cách ngũ âm Trung Hoa, Hoàng An đã đọc cuốn Đường Thi Tam Bách Thủ để tìm chất liệu viết ca từ.

Trước hết, ông lấy đoạn sau đây trong bài thơ “Tuyên Châu Tạ Thiếu Lâu Tiễn Biệt Hiệu Thư Thúc Vân” của Lý Bạch “Kẻ vứt bỏ ta, ngày hôm qua chẳng thể níu kéo. Kẻ khiến ta bấn loạn, ngày hôm nay thật lắm ưu phiền. Rút dao chém nước, nước càng chảy, nâng chén tiêu sầu càng sầu thêm”, sửa lại thành lời hát trong 5 câu đầu của ca khúc.

Sau đó, ông lấy lời thơ trong bài “Giai Nhân” của Đỗ Phủ để viết câu số 7 và số 8: Chỉ thấy người mới cười. Đâu nghe người cũ khóc.

Ngoài ra, theo một số tác giả, có hai câu trong điệp khúc cũng được Hoàng An lấy từ thơ cổ, đó hai câu đầu tiên trong bài “Giá Cô Thiên” (Gia trú thương yên lạc chiếu gian – Nhà dưới bóng chiều phủ khói xanh) của Lục Du đời Tống:

“Sáp cước hồng trần dĩ thị điên. Cánh cầu bình địa thượng thanh thiên?”

Nghĩa là: Sống tại nhân gian đã là điên, sao còn muốn lên tận trời xanh?

Lời hát nguyên tác Tân uyên ương hồ điệp mộng của Hoàng An được một tác giả (khuyết danh) dịch sang tiếng Việt như sau:

Tân uyên ương hồ điệp mộng

Chuyện hôm qua như nước chảy về đông
Mãi xa ta không sao giữ được
Nay lại có bao chuyện ưu phiền làm rối cả lòng ta.
Rút dao chém xuống nước, nước càng chảy mạnh
Nâng chén tiêu sầu, càng sầu thêm
Gió sớm mai thổi đi bốn phương
Xưa nay chỉ thấy người nay cười
Nào nghe thấy tiếng người xưa khóc
Hai chữ ái tình thật cay đắng
Muốn hỏi cho rõ hay giả vờ ngây ngô
Chỉ có thể biết nhiều hay ít, khó biết sao cho đủ.
Giống như đôi uyên ương bươm bướm
Trong những năm tháng khó khăn này
Có ai thoát được kiếp sầu nhân thế
Trong thế giới phồn hoa ấy
Đôi uyên ương bươm bướm sống ở trên đời đã là chuyện điên rồ
Sao còn muốn lên tận trời xanh
Chi bằng cùng chìm vào giấc ngủ bình yên.

Ngay sau khi album Tân uyên ương hồ điệp mộng của Hoàng An được tung ra, ca khúc này đã được đưa vào bộ phim truyền hình Bao Thanh Thiên (Justice Pao, Bao Công Kỳ Án).

Vì nhiều người tin rằng bộ phim này đã có công lớn trong việc quảng bá ca khúc Tân uyên ương hồ điệp mộng, chúng tôi xin có đôi dòng về nhân vật Bao Thanh Thiên và bộ phim có cùng tựa.

Bao Thanh Thiên, tức Bao Công, tên thật là Bao Chửng (999-1062), là một vị quan dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông của nhà Bắc Tống bên Tàu. Ông nổi tiếng vì sự chính trực, liêm khiết và tài xử án công minh được dân gian lưu truyền qua nhiều giai thoại.

Theo truyền thuyết, Bao Công là một vị thần tên Văn Khúc Tinh Quân, một trong 7 vị Bắc Đẩu tinh quân, giáng trần. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án dưới âm phủ. Trong văn hóa dân gian, vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

Năm 28 tuổi, Bao Công đã thi đậu tiến sĩ, sau đó được cử giữ chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó làm Tri châu Đoan Châu (nay thuộc tỉnh Quảng Đông).

Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho các chức vụ quan trọng, trong đó có chức Phủ doãn phủ Khai Phong, tương đương thị trưởng Bắc Kinh ngày nay, lo việc trị an kinh thành.

Một năm sau, ông được thăng chức Thừa tướng, Ngự sử đài. Cuối cùng là Khu mật Phó sứ, tương đương với chức Phó Tể tướng.

Theo tài liệu để lại, trong số những người bị Bao Công trừng trị, có hơn 30 đối tượng quyền quý, hoàng thân quốc thích đương thời. Thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá – thân phụ của Trương quý phi rất được Tống Nhân Tông sủng ái – cũng bị Bao Công đàn hặc mà mất chức.

Năm 1062, ông lâm bệnh, và mặc dù đã được hoàng đế ưu ái ban thuốc, qua đời vào tuổi 63. Vì thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, cho nên người ta nghi ngờ ông bị đầu độc do thuốc của hoàng đế ban cho (uống được 9 ngày thì chết).

Nguyên nhân do lúc sinh thời Bao Công từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên có lẽ bị bọn này thù ghét, lén bỏ chất độc vào thuốc cho ông uống.

[Tuy nhiên sau này, khi các nhà khoa học thuộc Viện Khoa học Trung Quốc phối hợp với Viện Bảo tàng tỉnh An Huy tiến hành xét nghiệm những mảnh xương của Bao Công, kết quả cho thấy hàm lượng thạch tín (arsen) lại thấp hơn người thường. Cũng nên biết, ngày xưa, từ đông sang tây, chất độc phổ biến nhất trong việc đầu độc là thạch tín; cái chết của Hoàng đế Napoléon vào tuổi 51 khi bị lưu đày ở đảo Sainte Hélène cũng bị nghi là do người Anh đầu độc bằng thạch tín, có khác chăng là trong thời gian dài với liều lượng rất nhỏ mỗi ngày]

Tới thời kỳ Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Bao Công bị truy kết vào tội ủng hộ, duy trì chế độ phong kiến, bị xếp vào loại “ngưu quỷ xà thần” phải xóa bỏ cho sạch di tích.

Từ đường họ Bao trở thành nhà nấu ăn của hợp tác xã, từ trong ra ngoài bị đập phá. Bia đá, hoành phi, liễn đối, tượng ảnh bị đập vụn. Bức tượng Bao Công được làm từ gỗ đàn hương, lớn như người thật, bị các Hồng vệ binh dùng dao chém nát. Bộ gia phả “Bao thị tông phả” và bức họa truyền thần Bao Công lúc sinh tiền được truyền từ đời Tống, Nguyên, Minh, Thanh, Dân quốc đã bị treo lên cây đốt cháy thành tro…

Riêng khu mộ của Bao Công tới năm 1973 được lệnh cải táng đi nơi khác để lấy chỗ xây lò nung vôi cho Xưởng luyện thép Hợp Phì. Tháng 8-1973, việc khai quật khu mộ phần của Bao Công hoàn tất, 11 bộ di cốt được hậu duệ Bao Công lén đưa từ Hợp Phì về an táng tại gò Long Sơn, huyện Phì Đông, là nơi an táng tổ phụ, thân phụ của Bao Công.

Gần 20 năm sau (1985) Bao Công được phục hồi danh dự, quần thể mộ phần và từ đường họ Bao tại Hợp Phì được khôi phục. Nhưng tới ngày 4 tháng 4 năm 1986, trước khi hạ huyệt, người ta mới khám phá ra rằng 11 cái vò đựng di cốt từ gò Long Sơn, huyện Phì Đông đưa tới hoàn toàn trống rỗng, không có một mảnh xương cốt nào!

Khi bị chất vấn, con cháu họ Bao nói rằng họ chẳng biết gì cả, trong khi người đảm trách việc di quan trước kia là Bao Tiên Chính thì đã qua đời cách đây mấy năm!

[Có lẽ hậu duệ của Bao Công đã bí mật cất dấu các bộ hài cốt để đề phòng một cuộc Đại Cách mạng Văn hóa thứ hai chăng?!]

Cũng may mà Học viện Khoa học Trung ương còn giữ được 35 mảnh xương của Bao Công.

Nguyên khi mộ phần bị khai quật vào năm 1973, 35 mảnh xương của Bao Công được lấy gửi đi giám định tại Khoa Nghiên cứu Cổ nhân loại, thuộc Học viện Khoa học Trung ương ở Bắc Kinh. Nay 20 trong số 35 mảnh xương ấy được bỏ vào một quan tài bằng gỗ quý đặt dưới huyệt của Bao Công, 15 mảnh còn lại được trưng bày ở Viện Bảo tàng An Huy.

* * *

Tới đây viết về bộ phim truyền hình Bao Thanh Thiên (Justice Pao, Bao Công Kỳ Án). Có thể nói đây là bộ phim quy mô, đầy đủ, và hay nhất về nhân vật Bao Công.

Bộ phim được chiếu trên màn ảnh truyền hình từ tháng 2-1993 tới tháng 1-1994, với nam diễn viên Kim Siêu Quần trong vai Bao Công, và Hà Gia Kính trong vai Triển Chiêu, cánh tay mặt của Bao Công.

Thoạt đầu hãng truyền hình CTS dự trù bộ phim sẽ gồm 15 tập, mỗi tập dài 60 phút, nhưng sau khi những tập đầu được khán giả chiếu cố nồng nhiệt, CTS đã quyết định kéo dài, cuối cùng lên tới 236 tập, kể về 41 vụ xử án của Bao Công, mỗi vụ kéo dài từ 4 đến 6 tập.

Bao Thanh Thiên không chỉ thu hút khán giả ở Đài Loan mà còn ở nhiều nước Á châu khác, như Trung Quốc, Hương Cảng, Nam Dương, Mã Lai, Nam Dương, Thái Lan, Tân Gia Ba, Việt Nam…

Mỗi tập của Bao Thanh Thiên được mở đầu bằng ca khúc có cùng tựa với bộ phim, do nam ca sĩ Hồ Qua trình bày.

Còn ca khúc kết thúc mỗi tập chính là Tân uyên ương hồ điệp mộng của Hoàng An.

Ca khúc này đã trở thành một hiện tượng lớn. Album có cùng tựa của Hoàng An đã trở thành một trong những album bán chạy nhất tại Đài Loan, với gần 1 triệu ấn bản, còn nếu tính trên toàn thế giới lên tới 6 triệu.

Có thể nói sự thành công của bộ phim Bao Thanh Thiên đã khiến cho ca khúc Tân uyên ương hồ điệp mộng của Hoàng An trở nên bất tử, nhưng cũng phải nhìn nhận ca khúc này đã góp phần không nhỏ vào sức thu hút của bộ phim.

Theo các nhà phê bình, giá trị của Tân uyên ương hồ điệp mộngsắc thái nhạc ngũ cung Trung Hoa kết hợp lời thơ cổ và ca từ mang tư tưởng Phật học đã khiến bài hát mang ý nghĩa văn hóa độc đáo.

Trong số những nhân vật nổi tiếng từng trình bày ca khúc này có cả ông Bộ trưởng Tư pháp Mã Anh Cửu (về sau trở thành Tổng thống Đài Loan).

Tới khi bộ phim Bao Thanh Thiên được chuyển ngữ tiếng Quảng Đông, một phiên bản Tân uyên ương hồ điệp mộng đã được Lâm Tịch soạn ca từ bằng tiếng Quảng. Về sau có thêm hai phiên bản tiếng Quảng Đông khác. Ngoài ra còn phiên bản tiếng Phúc Kiến Đài Loan do Joyce Lim thu đĩa…

Riêng tiếng Anh có tới bốn phiên bản, “Butterfly Dream”, “Dream of a Butterfly Couple”,  “Wonderful World”, và phổ biến nhất là “Can’t Let Go” do ban nhạc Tokyo Square của Tân Gia Ba thu đĩa; bên cạnh đó còn có các phiên bản tiếng Thái, tiếng Khmer, tiếng Nam Dương, tiếng Phi-luật-tân, tiếng Việt…

Theo một danh sách trên Internet chúng tôi đã nhắc tới ở phần đầu, Tân uyên ương hồ điệp mộng được xếp hạng 3 trong Top 5 ca khúc trong phim hay nhất của Trung Hoa, chỉ sau Bến Thượng Hải (phim Bến Thượng Hải), và Xin hỏi đường ở nơi nào (phim Tây du ký 1986).

VIDEO:

Tân Uyên Ương Hồ Điệp Mộng – Hoàng An [新鸳鸯蝴蝶梦 – 黃安]

Đàn Tranh: Tân Uyên Ương Hồ Diệp Mộng

Piano: RICHARD CLAYDERMAN – New Dream Of The Lover

Tân uyên ương hồ điệp mộng được Nhật Ngân đặt lời Việt với tựa Mộng uyên ương hồ điệp.

Mộng uyên ương hồ điệp

Thời gian vẫn cứ trôi âm thầm
Như dòng sông nước trôi xa dần
Sao nỗi đau trong lòng ta vẫn đây
Làm sao giữ nước thôi xuôi dòng
U buồn nâng chén thêm u buồn
Ai biết mai đây đời mình về đâu
Tình yêu đến thắm trên môi cười
Khi tình đi mắt ai vương lệ
Ôi biết sao cho vừa tình thế nhân
Lòng sao mãi vấn vương tơ tình
Nhân tình kia biết sao cho vừa
Ôi luyến lưu thôi đành tình làm ngơ
Hỡi ơi tình yêu như bướm hoa, như cánh mây trôi bềnh bồng
Tình yêu ơi ta có mấy ai qua mà không một lần khổ đau
Trần gian đắm chìm lợi danh chói lòa
Thôi đừng mơ mộng trời mây
Thôi đừng xa rời người ơi,
Hãy đưa nhau tới mộng bình yên!

Phụ lục 5: Mộng uyên ương hồ điệp, Tuấn Đạt 

Ở trong nước, Tân uyên ương hồ điệp mộng được ca sĩ Minh Thuận đặt lời Việt với tựa đề hơi khác một chút, Uyên ương hồ điệp mộng,  ca từ mang nhiều nét “thời trang”, đôi khi được hát xen lẫn lời Anh trong bản “Can’t Let Go” của ban nhạc Tân Gia Ba Tokyo Square.

Uyên ương hồ điệp mộng  

Còn đâu đó dấu môi ngọt ngào,
trong lòng ai bướm mơ hoa vàng
Thu đã qua đông về buồn hắt hiu
Còn đây những dấu chân dịu dàng,
em là ai cớ sao vội vàng?
Duyên hỡi duyên có là mộng xưa…

Kỷ niệm đó đã xa thật rồi,
trong lòng vương vấn bao ưu phiền
Như lá rơi bên hồ đời cuốn trôi
Rồi năm tháng đắng cay nhạt nhòa,
ly rượu say giúp ta quên người
Khi đã yêu ta sầu một mình ta

Khói sương giờ đây cũng đã tan,
theo gió mây bay về ngàn
Còn lại ta lang thang với giấc mơ xưa
buồn đau muôn đời mang theo
Còn mơ bướm hoa, còn vương mắt buồn
Mong được bên người mai sau,
duyên mình sẽ là ngàn năm
Xin đừng ngang trái tình ơi…!

Sướng vui cùng ai trong nỗi đau,
trong giấc mơ ta ngậm ngùi
Hồ điệp uyên ương ơi số kiếp ta
mang sầu như hoa tàn thu sang
Trời xanh có hay, tình duyên có là……
Đâu hồ điệp mộng uyên ương,
duyên ngàn năm còn hay chăng,
Nếu là duyên số tình còn đây…!

Phụ lục 6: Uyên ương hồ điệp mộng, Minh Thuận  

HOÀI NAM

 

* Tài liệu tham khảo: Bao Công, Wikipedia (tiếng Việt)

©T.Vấn 2020

Bài Mới Nhất
Search