T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hồng Lĩnh: Biển và ký ức tuổi thơ của tôi

 

Song

Những con sóng – Tranh: Mai Tâm

1.

Nơi tôi ở không có núi, biển, chỉ có vài con sông cạn chạy qua thành phố làm duyên cho những khu công viên nhiều cây xanh. Tôi cũng không thấy thiếu lắm vì sau nhà của tôi có hồ nước đủ lớn để không mơ ước một dòng sông. Tuổi thơ tôi có giai đoạn gắn liền với biển, tôi yêu biển ngay từ khi ở lần đầu tiên nhìn đại dương to lớn trong mắt một đứa bé tám tuổi trong chuyến nghỉ hè về quê ngoại ở Mũi Né. Ba tháng hè đó mang tình yêu biển vào trong ý thức của tôi. Biển là một nơi mà nó cho ta rất nhiều và cũng lấy lại không ít, khi mà đại dương nổi giận. Nếu ai đã từng ở biển chắc sẽ không quên những cơn bão và những con sóng to chỉ chực chờ quét sạch những thứ mà con người đã nhận và lấy đi từ biển. Tôi không bao giờ quên khi thủy triều rút đi để lại bãi cát dài và ẩm ướt, theo chân lũ con nít của làng chài cầm theo cái rổ xúc một đống cát rồi đi lần đến mực nước biển thấp chừng đầu gối đãi ốc, những con ốc ruốc màu sắc thật đẹp óng ánh nhỏ bằng cái móng tay út hiện ra trên rổ. Chừng mươi lần là đủ một rổ ốc ăn cho vài đứa trẻ như chúng tôi. Biển thật đẹp khi không còn những con sóng làm chúng tôi ướt như chuột lội. Khi ấy, biển để lại một bãi cát dài và lần đầu tiên tôi có thể thấy những con ốc mỡ há miệng to như một bàn tay em bé trên vũng nước biển đọng lại, cùng với nghêu sò và ốc thật nhiều nhưng chúng tôi chỉ cần đủ một rá nhỏ cho mình. Chạy về nhà đưa cho chị họ của tôi rửa sạch rồi thì nấu chín cho tôi sau buổi ăn chiều. Đêm ở vùng biển chỉ có ánh trăng sáng để chúng tôi ngồi lể ốc. Thân ốc bé xíu nhưng beo béo, tôi được ưu tiên lể ốc bằng cây kim băng gài túi của bà ngoại, còn mấy đứa bạn của tôi thì lể ốc bằng gai bưởi. Tiếng sóng xa xa, tiếng lá cây dừa xào xạc, tiếng côn trùng kêu vang. Bọn trẻ con chúng tôi vừa lể ốc vừa nghe bà ngoại tôi kể chuyện đời xưa. Cho dù tôi có cây kim đáng mơ ước cũng không thế nào lể ốc nhanh như chúng. Có đứa vì nể tôi là dân Sè gòon nên xung phong vừa ăn vừa làm cho tôi bù lại tôi phải kể chuyện thành phố như thế nào, xe cộ và truyền hình…những thứ mà đám bạn hiền lành và chân chất của tôi chưa có dịp thấy qua.

Tắm biển là trò vui không thể thiếu khi ở biển, người dân ở đó mặc quần áo thường rồi đi ra một khúc xa xa chừng ngang bụng rồi ngồi xuống. Nếu muốn bơi thì phải cột giây lưng quần vào hai bên để sóng đánh không tuột ra. Đặc biệt là vào dịp cúng Ông Tổ làng chài, dân làng mướn gánh hát bội về hát. Ở tuổi tôi không hiểu tại sao hát bội không hát mà cứ la, đến ai cũng khan cả tiếng. Nói cưỡi ngựa mà chẳng thấy ngựa, người đánh trận mang cả chục cây cờ trên lưng. Bà ngoại tôi thì hiểu lắm vừa ăn trầu vừa nhổ vừa khóc, bà cũng diễn say mê như bà bạn của bà cứ chưởi mắng kẻ gian ác trên sân khấu trầu quẹt trên môi rồi bôi lên mắt, bà nào mặt cũng đỏ lừ vì cốt trầu, tôi buồn cười quá chỉ nhìn các bà già trầu ghiền coi hát bội mà quên mất là mình đang làm gì.
2.

Đời sống người dân chài gắn liền với biển, đất nước ta may mắn vì có cả một chiều dài tiếp giáp với biển cho nên điều kiện thuận lợi rất nhiều cho kinh tế của dân và đất nước. Dân Việt của chúng ta lại rất chuộng thủy sản cho nên qua việc cá chết vì chất thải ô nhiễm là cả một vấn nạn lớn vì không những nguồn sống trước mắt là cá chết, bệnh vì nhiễm độc mà còn những nguồn tài nguyên thiên nhiên như san hô, nguyên sinh cũng bị tiêu hủy. Tôi cảm thấy rất đau lòng vì từ nay cuộc sống của dân Việt ta đã bắt đầu khó khăn vì nếu nguồn cung cấp hải sản không còn nữa thì dân ta sẽ bù đắp vào đâu? Thực phẩm theo giá thị trường nhập từ nước ngoài vào sẽ rất cao.

Để khắc phục hậu quả của sự ô nhiễm tác hại lâu dài này, có lẽ sẽ phải cần nhiều năm nữa. Một thập kỷ có thể tính vào và sự thiệt hại về kinh tế không nhỏ, du lịch, thương mại trong và ngoài nước sẽ không ai dám mua hải sản của Việt Nam khi ở trong môi trường bị nhiễm độc kinh khủng như vậy.

Mấy năm trước ở Hoa Kỳ, công ty dầu BP đã có sự cố làm loang dầu ra biển phải bồi thường cho ngư dân, thậm chí cả những người sống về ngành kinh doanh như du lịch, nhà hàng cũng được bồi thường. Hãng dầu phải dọn dẹp và làm sạch biển. Bốn mươi tỷ đô la bỏ ra để đền bù cho những người bị ảnh hưởng.
Nhìn dân mình xuống đường để mong mỏi một môi trường sạch, tôi thấy buồn và đau lòng vì đây là bổn phận của chính phủ chứ không phải chỉ là nguyện vọng của dân. Đến bao giờ thì những điều không thế chấp nhận và khó thế xảy ra ở xứ người sẽ ngừng lại ở quê hương mình cho người dân lành bớt khổ?

Hồng Lĩnh

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search