T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Xem phim MÙA LEN TRÂU

Phim Mùa Len Trâu do đạo diển Nguyễn Võ Nghiêm Minh viết kịch bản và thực hiện có lẽ là phim Việt Nam thành công nhất… ở nước ngoài. Phim do hãng 3B Production của Pháp, hãng Novak của Bỉ và hãng phim Giải Phóng Việt Nam đồng sản xuất. Phim đã tham dự 70 liên hoan phim quốc tế, được chiếu trên 60 vùng lảnh thổ và nhận được 11 giải thưởng chính thức cùng nhiều lời khen ngợi của giới làm phim quốc tế dù đây là phim đầu tay với chi phí chỉ một triệu dollars.

Vậy mà, một khán giả người Việt là tôi chỉ được xem trên youtube dù phim khởi quay từ tháng 9 năm 2003.

Ở Việt Nam, phim thuộc quyền phát hành của Hãng phim Giải Phóng và phim gần như bị bỏ quên khi không có kế hoạch quảng cáo và chương trình tiếp thị nào. Nghe nói phim cũng có được chiếu ở rạp, nhưng chiếu hồi nào không ai biết.

Sau khi xem phim Mùa Len Trâu qua internet, dù không được thưởng thức hết nét hoang dại mênh mông của phim khi được chiếu trên màn ảnh rộng, tôi vẫn thầm tiếc cho khán giả người Việt nhất là giới trẻ, đáng lẽ phải được xem phim này, thay vì dán mắt vào màn hình đầy bạo lực của games on line hay tìm vui trong K Pop.

Phim dựa trên một truyện ngắn của nhà Văn Sơn Nam trong Hương Rừng Cà Mau. “Len” tiếng Khmer có nghĩa là cho đi tự do. Mùa nước nổi kéo dài đến ba, bốn tháng, nước ngập đồng từ 1 đến 4 mét nên trâu không có cỏ ăn. Từ đó, hàng trăm con trâu nhà có tiền được giao cho một nhóm người lùa vượt qua vùng nước lũ đến nơi có núi cao, còn trâu nhà nghèo thì con cái trong nhà phải lùa theo bầy. Bối cảnh phim nằm ở thập niên 40 khi người nông dân Việt Nam phải sống vô cùng bức bách dưới ách đô hộ của pháp, sự bóc lột của địa chủ, và chiến đấu với sự nghiệt ngã của thiên nhiên khi nước lũ tràn về. Suốt thời gian ấy, người nghèo còn không có cái ăn huống gì trâu bò

Hai con trâu là gia sản duy nhất đang đối diện với cái chết vì đói, nên nhân vật chính là Kìm, dù mới 15 tuổi đã phải gia nhập vào doàn len trâu để cứu vãn tình thế cùng quẩn của gia đình.

Chuyến len trâu đã đưa cậu bé Kìm vào một cuộc phiêu lưu mà cuộc sống hoang dã của miệt dưới đã dạy cho câu một bài học về sự khắc nghiệt của thiên nhiên, của những con người mà cuộc sống bị chi phối nặng nề bởi bản năng, nhưng đồng thời cũng ban cho cậu bài ca ngọt ngào về tình người và nghĩa khí của người dân nam bộ.

Phim có tên tiếng Pháp là Gardien De Buffles và tiếng Anh là Buffalo Boy.

Xem xong Mùa Len Trâu tôi nhận ra ngay đây là một phim “Cowboy miền viễn đông”. Nếu trong phim cowboy miền viễn tây , những chàng cow boy sống cuộc đời hoang dã, lùa hàng ngàn con bò qua những sa mạc mênh mông đầy nắng gió, ai chọc giận là rút súng bắn đùng đùng… thì trong Mùa Len Trâu, các buffalo Boy lùa hàng trăm con trâu qua những vùng mênh mông nước lũ , khi có đứa phản phé là giết chết ngay rồi quăng xác ùm xuống nước. Buổi tối, năm ba anh cow boy, bên ánh lửa bập bùng ngồi nướng thịt trong cái lạnh cắt da của sa mạc, thì trong Mùa Len Trâu các buffalo boy ngồi trên những gò đất ẩm ướt, nướng trui cá lóc nhâm nhi rượu đế rồi ngân nga khúc Dạ cổ hoài lang. Ngang tàng và lãng mạn xiết bao!

Các chàng buffalo boy miệt dưới của nước Việt trong phim Mùa Len Trâu cũng y chang như các cow boy miền viễn tây một thời của đất Mỹ vì bên trong cái vẻ thô lổ, xù xì họ vẫn có trái tim khát khao một cuộc đời êm ấm, một mảnh đất, một người đàn bà cho riêng mình . Và trong tận đáy lòng, họ vẫn mơ ước một mái nhà có tiếng cười trẻ thơ để khi về già sẽ kể câu chuyện đời mình cho các cháu nghe. Bởi vậy, xuyên suốt bộ phim là câu chuyện kể bằng giọng nói điềm đạm của một chàng Kìm đã về già cho đứa cháu nội.

Nguyễn Võ Nghiêm Minh là ai mà lại có ý tưởng làm phim cowboy Việt Nam?

Vào Google mới biết con người rất đặc biệt này là một tiến sĩ Vật lý du học ở pháp năm 1974 và sống ở Mỹ từ năm 1978. Tốt nghiệp tại UCLA phD về Physic, sau 16 năm làm nhà vật lý tại đại học California, Los Angeles, năm 1997 ông bỏ ngành Physic quay về UCLA học điện ảnh và từ đó dành hết thời gian cho điện ảnh sau khi nghiệm ra rằng “Vật lý dạy cho tôi kiến thức khoa học, không nhất thiết phải là sự thật và hơn một nửa sự thât tuyệt đối không thể có được”

Điều gì để một nhà vật lý lại có một “ngã rẽ tâm tình” kỳ lạ đến vậy. Theo tôi, Nguyễn Võ Nghiêm Minh bị ám ảnh bởi một giấc mơ thời thơ ấu và ông có một món nợ với quê hương mà ông chỉ có thể trả bằng ngôn ngữ điện ảnh chứ không thể bằng tấm bằng Tiến sĩ Vật lý.

Từ thuở 8,9 tuổi cậu bé Nghiêm Minh sống với bố mẹ ở Vũng Tàu. Cậu được tha hồ xem phim vì cha cậu là quản lý một rạp chiếu phim nhỏ.Vào tuổi trung học, ngoài giờ học, cậu thường chui vào rạp chiếu phim vì muốn trốn sự thực đen tối của một đất nước có chiến tranh và đói nghèo mà ở tuổi thơ dại, cậu chưa thể hiểu được là vì đâu. Cậu xem tất cả phim Hollywood, Pháp, Tàu , cao bồi Texas kể cả ca vũ nhạc Ấn Độ. Đối với cậu, xem phim không chỉ để giải trí mà còn là để được nhìn qua một cánh cửa mở rộng. Từ đó, một thế giới mới lạ, kỳ ảo hiện ra và tình người, tình đời từ phim ảnh cũng đã rung lên bao xúc cảm dạt dào cho trái tim ngây thơ của cậu.. Ngoài Xi nê, cậu bé Nguyễn Võ Nghiêm Minh cũng mê đọc sách và tập truyện ngắn Hương Rừng Cà Mau để lại cho cậu nhiều ấn tượng về một vùng đất nước cậu chưa hề được đặt chân tới nhưng sao mà bí ẩn, mênh mông, kỳ thú đến vậy.

Phải chăng, sau bao nhiêu năm lưu lạc xứ người, vì quá nhớ quê hương mà Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã viết kịch bản Mùa Len Trâu và chính mình làm đạo diễn để tặng cuốn phim đầu tay cho tuổi ấu thơ và cho quê hương vừa bát ngát ruộng đồng mà cũng mênh mông nước lũ.

“Nước là biểu tượng của sự sống và sự chết”, nhà vật lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh nói thế. Và nhà làm phim Nguyễn Võ Nghiêm Minh đã chứng minh cho ta thấy trong Mùa Len Trâu, nước lai láng tràn về nhấn chìm tất cả. Ruộng đồng chìm trong nước, một ngọn cỏ cho trâu cũng không có. Nước lúc này không còn là ân sủng của đât trời mà chính là hiện thân của cái chết. Cỏ chết, hoa màu chết, trâu chết. Và trong làn nước lũ mênh mông như biển, cái chết của con người mới khốc liệt thê thảm làm sao. Trong phim khi cha của Kìm chết, để xác không nổi trôi bập bềnh làm mồi cho kền kền và cua cá, một đôi vợ chồng già đành khiêng cái cối đá, vật quý giá duy nhất trong ngôi nhà cao cẳng, chênh vênh của họ để giúp Kìm cột vào xác cha dìm xuống nước. Một tháng sau, khi người vợ qua đời ông lão đành phải bó xác vợ vào manh chiếu cũ rách, treo xác vợ lên cành cây, chờ khi nước rút mới có thể đưa bà về với ba tấc đất.

Nhưng nước cũng là sự sống. 60 đến 70% cơ thể con người là nước. Khi mùa lũ qua đi, những con trâu sau một cuộc di cư kỳ vỹ đã hiền lành trở về với cái cày thân quen, người hùng buffalo boy dữ dội ngày nào trở lại làm người nông dân chơn chất. Trên những cánh đồng màu mỡ phù sa, lúa lại lên xanh và “bao giờ cây lúa trỗ bông, thì còn ngọn cỏ ngoài đồng trâu ăn”.

Mùa Len Trâu là một bài ca về nước về trâu và nhất là về người nông dân nam bộ thật tuyệt vời.

Kịch bản phim Mùa Len Trâu được Nguyễn Võ Nghiêm Minh viết chỉ trong một tháng nhưng đã được vinh dự đoạt hai giải thi viết kịch bản vào năm 2000 của tổ chức IPF/ West’s Sreenwriters Lab (Mỹ) và Equinoxe Association (Pháp).

Đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh và tác giả Huyền Chiêu

Con đường từ kịch bản đến hoàn tất xong phim Mùa Len Trâu của đạo diễn Nguyễn Võ Nghiêm Minh không dễ dàng khi nó được dàn dựng trên một đất nước không có nền điện ảnh chuyên nghiệp. Và dầu rất gây tiếng vang ở nước ngoài Nguyễn Võ Nghiêm Minh vẫn ao ước:

“Nếu được khán giả Việt Nam đón nhận, tôi sẽ ấm lòng hơn”

Cám ơn nhà vật Lý Nguyễn Võ Nghiêm Minh. Ông đã không dùng kiến thức Vật lý để tính toán sức nước khổng lồ của sông Mekong làm ra thủy điện mà quay về quê hương, cần mẫn thu hình vẻ đẹp hùng vĩ của dòng nước đã ngàn năm vừa là phúc thần mà cũng là hung thần đối với người miệt vườn nam bộ.

Rồi sẽ có một ngày khi nước sông Mekong khô kiệt vì bị những hồ chứa nước nhân tạo, những đập thủy điện của những quốc gia đầu nguồn cướp sạch, khi ấy, sẽ không còn lũ cho mùa len trâu và con cháu chúng ta chỉ có thể ngậm ngùi ngồi xem lại Mùa Len Trâu của Nguyễn Võ Nghiêm Minh, để nhớ về một thời huyền thoại đã mất.

Lương Lệ Huyền Chiêu

4 tháng 9 2012

 

*Bấm vào đây để xem phim Mùa Len Trâu

 

©T.Vấn 2012

Bài Mới Nhất
Search