T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Huyền Chiêu: Khách Trú

clip_image002clip_image004

Vịnh Vân Phong cách đèo Cổ Mã và biển Đại Lãnh không xa nhưng hàng trăm ngọn đồi cát nối tiếp như thành như lũy điệp trùng đã ngàn năm ngăn bước chân người tìm đến. Bây giờ thì mọi sự đã đổi khác. Vân Phong không còn là một điều bí ẩn.

Tôi đến thăm Vân Phong khi con đường độc đạo mới bắt đầu khai phá và được tận mắt ngắm nhìn nàng hoang sơ và tuyệt đẹp. Những đồi cát cao ngất ngưởng của Vân Phong không chan chát nắng như những đồi cát ở Phan Thiết mà loang lỗ những vạt cây rừng dịu dàng xanh mát. Biển như một vũ công thoắt ẩn thoắt hiện trên sân khấu. Có khi biển mênh mông sóng vỗ rập rờn bên trái rồi bỗng nhiên biển hóa thành một hồ nước phẳng lặng bên phải rồi biển biến mất tăm để rồi đột ngột xuất hiện như một đại dương kỳ vỹ bên bờ cát vàng hoang vắng như chưa bao giờ biết đến loài người.

Các bãi biển ở Khánh Hòa tuyệt đẹp. Trên đất nước Việt Nam các bãi biển tụ hội về Khánh Hòa như các cô gái ở vòng chung kết Hoa Hậu. Mới nhìn qua các người đẹp chúng ta bị choáng đến rối mù không biết ai là người đẹp nhất. Nhưng định thần nhìn lại chúng ta vẫn phân biệt được ngôi thứ nhờ vào trực giác của trái tim khi nó bị lay động bởi cái hồn của cô gái.

Với tôi Cát là linh hồn của bãi biển. Biển Dốc Lết sóng nhẹ gió êm nhưng cát ở đây quá mịn để dễ dàng hóa thành những hạt bụi bay theo gió bám vào da thịt ta. Chúng cũng chẳng ngần ngại gì mà không bám luôn vào miếng ghẹ luộc ta đang cầm trên tay hay lon bia để trước mặt. Ngồi ở biển Dốc Lết ta nghe rõ trong không gian có mùi…. ruộng muối. Cho nên dù được tô thêm son phấn biển Dốc Lết cũng sẽ không bao giờ quí phái như biển Nha Trang. Thật không có ngọn gió nào trong lành hơn gió biển Nha Trang. Khi những hạt cát trắng thông minh yên lành nằm im dưới gót chân ta, biển Nha Trang đã trở thành con gà đẻ trứng vàng cho ngành Du Lịch. Nhưng khi đến bãi biển của vịnh Vân Phong biển Nha Trang đối với tôi đã trở thành mờ nhạt. Biển Nha Trang lịch lãm quá. Nàng đã đón tiếp quá nhiều vương tôn công tử, nụ cười của nàng bây giờ mang đầy tính xã giao. Đứng bên bờ biển Vân Phong tôi vô cùng hạnh phúc vì tôi biết chắc chỉ có mình tôi đang đứng bên bờ cát vàng óng màu kim loại, ngắm nhìn nàng với tất cả cô đơn và tự do.

Rồi tôi lại bước chân đi. Thuê một chiếc thuyền của người dân làng chài Đầm Môn tôi đã đến thăm một hòn đảo kỳ lạ của người Đằng Hạ. Da đen, tóc quăn tít, nói tiếng Việt lơ lớ người Đằng Hạ chắc chắn là khách trú của xứ này. Có thể họ là những thuyền nhân Philippines hay Indonesia bị bão đánh dạt vào đây cách đây nhiều thế kỷ. Sống sót và sinh tồn như những con cheo, con hoẳng trong rừng, Những con người bí mật ấy đã không còn nhớ gì về nguồn gốc của mình. Xóm của người Đằng Hạ chỉ có khoảng mươi nóc nhà được làm từ cây chà rang và họ sống được là nhờ vào một phép mầu. Ở đây cách mặt biển chỉ một mét chúng ta có thể dùng hai bàn tay moi cát và tìm thấy nước ngọt.

Lần sau cùng đến thăm Vịnh Vân Phong tôi có thấy một phòng học mới xây. Trong lớp có một anh bộ đội biên phòng còn rất trẻ đang dạy cho mươi đứa trẻ. Đằng Hạ ê a học tiếng Việt. Có lẽ chẳng có thầy cô nào chịu nhận nhiệm sở này. Đối với tôi hình ảnh một ông thầy nghèo đứng trong một lớp học eo sèo luôn là một hình ảnh đẹp. Lòng bỗng nhớ câu thơ của Phạm Thiên Thư:

” Dù là đóa hoa quý nơi thượng uyển hay đóa sơn cúc chân đồi đều có vẻ đẹp riêng. Đã là công quả thì bất kỳ từ giai cấp nào cũng đều đáng trân trọng.

Người thợ vườn có thể cặm cụi nắng mưa, săn sóc cho những đoá hoa – Vì họ thương khóm hoa như đàn con của mình “.

Có lẽ ông thầy bất đắc dĩ cũng chỉ dạy cho bọn trẻ đọc được vần ngược vần xuôi và mười con số nhưng cái kỷ niệm được ngồi trong một lớp học chẳng phải là một kỷ niệm đẹp nhất đời người sao ?.

Đã mấy năm nay tôi không đến Vân Phong nhưng tôi biết nàng đang lột xác để trở thành một cô gái thành thị với nhiều hotels, nhà hàng và rất nhiều dự án. Rồi những đồi cát đẹp như thiên đường sẽ bị ủi bằng, rồi đất đai sẽ bị chia chác, san nhượng, rồi con người sẽ tràn đến Vân Phong kiếm tìm cơ hội.

” Có sinh ắt có diệt ” Nhớ lời Phật dạy tôi tự an ủi mình cho nguôi lòng thương tiếc Vân Phong.

oOo

Thuở ấy cuộc sống của người dân Ninh Hòa rất bình dị cho nên hình ảnh của ông Năm Trần cứ như từ trong chuyện cổ tích bước ra. Mỗi lần ông Năm Trần có dịp đi ngang con đường xóm Rượu bọn trẻ chúng tôi lại nín thở trố mắt nhìn. Lúc nào cũng chỉ mặc một cái quần cộc thùng thình dài tới đầu gối phơi tấm lưng trần rám nặng, Ông Năm Trần đối với chúng tôi là một dị nhân. Cái mũ rộng vành được đan bằng tre của ông làm cho ông thêm giống một kiếm khách. Tất nhiên là ông đi chân đất. Mẹ tôi nói ông Năm Trần là người Tàu và các con của ông rất giàu có. Ông nhất định không chịu mặc áo dù các con của ông đã may cho ông nhiều bộ y phục đắt tiền. Có lẽ ông có những lý do riêng. Tôi mong các bậc cao niên từng sống ở Ninh Hòa sẽ cho biết nhiều hơn về người đàn ông kỳ lạ này.

Trái ngược với ông Năm Trần , ông Albert bạn của ba tôi luôn lịch lãm trong bộ âu phục sang trọng. Ông Albert là người Pháp. Ông sống cùng hai cô con gái nhỏ trong một ngôi nhà gần chùa Cát. Mỗi lần ba tôi về thăm nhà ông Albert thường được hai cô gái dắt lên thăm ba tôi vì dù ông có đôi mắt xanh đẹp như hai viên bi thủy tinh nhưng chúng không cho ông ánh sáng. Ba tôi kể ông Albert là nhân viên của ngành công chánh Pháp. Khi đang đứng trong hầm đèo Cả ông bị chấn thương vì tiếng nổ của mìn phá núi. Rồi người vợ Việt của ông bỏ đi và từ đó ông Albert sống cô đơn, nghèo túng. Ông lên thăm ba tôi vì tình bạn và cũng để nhờ giúp đỡ. Sau này ba tôi nhận được thư thăm của ông Albert. Ông cho biết ông đã về Pháp và hai cô gái nhỏ đã vào học trong tu viện để trở thành Soeur. Từ đó hình ảnh ông Albert, nhẹ nhàng, thanh thoát với đôi mắt xanh vert thật buồn, lần bước theo tay nắm của hai đứa con gái nhỏ thỉnh thoảng cứ hiện lên trong ký ức của tôi.

Người khách trú dễ thương nhất là một người đàn bà mà tôi gọi là thím Sáu. Chú Sáu và ba tôi cùng là thủy thủ trên một chiếc tàu của quân đội Pháp. Ba tôi là trung sĩ hải quân, chú Sáu là đầu bếp. Trên bước đường phiêu lãng chú Sáu gặp và yêu một cô gái nghèo trên bến Hồng Kông. Rồi chú Sáu nhân danh tình yêu đã làm được một việc phi thường mà ngay cả hạm trưởng cũng không thể làm được. Chú Sáu đã dấu người yêu vào một giỏ cần xế trên phủ đầy xà lách, cà chua rôi khiêng vào bếp của chiến hạm. Thím Sáu đã bí mật ẩn náu trong nhà bếp như cô Tấm ẩn mình trong trái thị suốt cả hải trình. Ba tôi nói luật nhà binh cấm mang theo phụ nữ trên chiến hạm. Nhà chú Sáu ở gần núi Hòn Hèo. Cô dâu mới được chú dẫn về trình diện họ hàng. Thím sáu là một người đàn bà xinh đẹp, nhân hậu và thông minh. Vì tình yêu, thím đã nhanh chóng hòa nhập với gia đình chồng, với bổn phận của một người con dâu hiếu nghĩa. Thím Sáu nói tiếng Việt rất lưu loát và thím được mọi người trong làng yêu quý, giúp đỡ.

clip_image005
Ông Năm Trần do Huyền Chiêu vẽ lại theo ký ức
clip_image003

Thím Sáu minh họa của Huyền Chiêu

Một hôm thím Sáu tìm gặp ba tôi và mét ” Anh Chín à, nó là đứa khốn nạn, rất khốn nạn…!!!” Chao ôi ! câu chửi từ đôi môi xinh đẹp của thím Sáu nghe thật dễ thương và ngộ nghĩnh. Ba tôi nói chú Sáu đã bỏ thím đi theo một người đàn bà khác !!! Từ đó mỗi lần nhìn thấy thím Sáu mặc chiếc áo tàu cắp rổ đi chợ ngang nhà, tôi lại nhìn theo lòng đầy thương cảm.

Có một người khách trú khác cũng thật dễ thương dù tôi chưa một lần gặp mặt. Cha Tàu mẹ Việt, sinh ra và lớn lên ở quê ngoại nhưng tôi vẫn gọi ông là khách trú vì hồn mộng ông luôn gửi về cố quốc

” Tô Châu lớp lớp Phù Kiều

Trăng đêm Dương Tử, mây chiều Giang Nam

Ông là nhà thơ Hồ Dzếnh.Lòng đau đáu hướng về quê cha nhưng trái tim ông cũng ngập tràn tình yêu dành cho quê mẹ:

“Cô gái Việt Nam ơi

Từ thuở sơ sinh lận đận rồi

Tôi biết tình cô u uất lắm

Xa nhau đành chỉ nhớ nhau thôi

Cô chẳng bao giờ biết bướm hoa

Má hồng mỗi tiết mỗi phôi pha

Khi cô vui thú là khi đã

Bồng bế con thơ, đón tuổi già “

Xin cám ơn người ” lữ khách, màu chiều khó làm quên ”

Lương Lệ Huyền Chiêu

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search