T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NHỮNG CÂU THƠ CỦA MỘT THỜI…

Giấc Mơ Hoa Bướm – Tranh: HOÀNG THANH TÂM

Tôi muốn nói xưa cũ vì cả trăm năm hơn, tác giả hiện đang ngồi đâu đó trong ngôi đền văn học, đã bị bụi thời gian phủ đầy. Có người vài chục năm trước đang ngồi trên bục cao chót vót giờ bị kéo xuống khạc nhổ, phun nước bọt đầy mặt. Lại có người đang nằm lăn lóc trong góc tối, bỗng dưng được dựng dậy lau rửa mặt mũi rồi được sì sụp vái lạy.

Cũng thay bậc đổi ngôi, cũng đâm sau lưng, cũng thọc gậy bánh xe, cũng gió tanh mưa máu như các tấn tuồng chính trị. Già, mà nói tới những xác chết chưa chôn đó, nản lắm. Thôi thì nói đến một vài bài hay một vài câu thơ cũ còn đọng lại trong hồn mình, là đủ vui rồi.

Như hai câu sau đây của Hàn Mặc Tử:

Vườn ai mướt quá xanh như ngọc

Lá trúc che ngang mặt chữ điền.

Chẳng có một chút gì gọi là trí tuệ hay hậu hiện đại. Rất đơn giản và dễ hiểu. Chỉ hơi lạ là bởi, con gái mặt trái xoan mới đẹp, chứ vuông vức chữ điền thì làm sao đẹp được. Ấy vậy mà tác giả vẫn mơ khách đường xa khách đường xa/ áo em trắng quá nhìn không ra. Cái duyên thầm nằm ở chỗ lá trúc che ngang. Không có chiếc lá trúc xanh như ngọc mà là lá chuối, thì cô em nọ, hỡi ơi, cũng chỉ là cô gái quê nào đó đẹp hơn Thị Nở một chút mà thôi.

So với câu thơ của Nguyên Sa, một thời nổi đình nổi đám, chỉ vì chuông trống của Sáng Tạo khua ầm ĩ, chứ nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát/ bi vì em mặc áo lụa Hà Đông, thì chỉ hàng Đào thích chứ em thích nỗi gì. Chừng nào em mặc áo vải sồi mà anh thấy mát, ấy mới thực là mát bởi vì thịt da em tươi mát quá.

Phải là Hoàng Trúc Ly mới làm mát lòng mát dạ các cô thiếu nữ thời hiện đại. Trong bài nằm mộng thấy nữ sinh, hai câu này là tuyệt bút:

Ô hay con gái bay nhiều quá

Những cánh tay mềm như cánh chim.!

Nó vừa mộng (con gái bay) vừa thực  (những cánh tay) đan xen lẫn nhau, để rồi đưa tới một sự so sánh không thể nào đẹp hơn: mềm như cánh chim. Mềm như mây, như nước đều hỏng cả. Cánh tay mà mềm như cánh chim, thì các thiếu nữ anh mơ thấy nó mới dịu dàng yểu điệu, đáng yêu chứ!

Mơ như  vậy mới mơ và thơ hay như thế mới nên làm. Nhưng khổ nỗi, nước mình có thể đội sổ nhiều thứ, nhưng thơ thì đứng đầu, nên được gọi là Đệ nhất thi ca Việt Nam quốc, thật vẻ vang. Mừng Đảng mừng xuân thì đã đành, nhưng một con xe mới tậu, một đứa bé vừa tốt nghiệp mầm non, cũng mần thơ ăn mừng lai láng đến cả chục thùng bia thì chỉ có nước ta mà thôi.

Phải chi còn bà Hồ Xuân Hương, bà ấy sẽ bảo:

Khéo khéo đi đâu lũ ngẩn ngơ

Lại đây cho chị dạy làm thơ!

Bà ấy mà dạy thì mông đứa nào cũng nổi lằn ngang lằn dọc vì ăn đòn. Bài mẫu của bà chị về đèo Ba Dội đây:

Một đèo. Một đèo. Lại một đèo! Ba đèo thấy chưa, không sai một ly ông cụ nào.

Khen ai khéo tạc cảnh cheo leo! Ai vào đây nữa ngoài Trời, tức là tạo hóa hay mẹ thiên nhiên.

Cửa son đỏ loét tùm bum móc

Hòn đá xanh rì lún phún rêu

Hai câu này mới thực là tài của bà chị. Cũng cửa hang, cũng hòn đá như bao nhiêu núi đèo khác, nhưng những màu đỏ loét, xanh rì và những thứ tùm bum móc và lún phún rêu, chỉ có bà chị thấy hay cố ý thấy, khiến cho ta có cảm giác vừa mê ly mà cũng khá rùng rợn. Hai câu tiếp lại càng không phải cửa động đầu non đường lối cũ, mà Lưu Nguyễn đã từng đi lạc vào:

Lắc lẻo cành thông cơn gió giật

Đầm đìa lá liễu giọt sương gieo

Thật lạnh lẽo đáng sợ, đúng hơn là rất nguy hiểm cần phải treo bảng cấm.

Thế nhưng,

Hiền nhân quân tử ai mà chẳng

Mỏi gối chồn chân vẫn muốn trèo.

Gan ruột của hiền nhân quân tử là đây, dù đã già cúp bình thiếc rồi mà vẫn cứ muốn chui vào cái hang phỏm phòm phom.

Chết đáng đời! Bà chị cười, tiếng cười vang dội đến cả ngàn năm sau!

Người ta tôn bà chị là chúa thơ nôm, nhưng lại độc mồm độc miệng, bảo rằng để giải tỏa những ẩn ức về tình dục, nên thơ của bà thì rất tục nhưng giảng lại thanh, như bài Cái Quạt, bài Đánh Cờ Người…Tôi không tin như vậy. Đó chỉ là bọn học làm thơ ẩn danh ăn theo bà, chứ tài của bà, như bài thơ trên thì không thể hạ những câu nào phành ra ba góc da còn thiếu/ khép lại đôi bên thịt vẫn thừa!  Rất sỗ sàng thô tục.

Đây là cuộc so găng về thơ và bà chị đã hạ nốc ao bọn họ chứ ẩn ức về tình dục làm sao làm được thơ dù là thơ con cóc.

Đúng là bà chị mượn đèo Ba Dội để nói về cái nơi mà bà Đoàn Thị Điểm đã dùng để mắng bọn quan Tàu xấc xược, Bắc quốc chư đại phu/ giai do thử đồ xuất. Nói trắng ra, bà tả cái “hang của mình”. Chưa có người đàn bà nào chứng tỏ nữ quyền một cách sâu sắc như thế. Trăm năm mới có một. Nó vừa ngạo nghễ, vừa sắc sảo mà cũng vừa cay nghiệt, khiến cho giới đàn ông lâu nay tự coi mình là năm bờ oan, bỗng trở nên ngọng nghịu không thốt nên lời: một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/ chúng bảo nhau rằng: ấy ái uông!

Bà chị cùng phường đệ nhất với những Đoàn Thị Điểm, Bà Huyện Thanh Quan, nhưng độc đáo hơn, có một không hai, rất nôm na mách qué, nhưng lại mang hồn cốt của người xứ Bắc, rất sắc sảo thông minh.

Một nhà thơ Việt gốc Tàu là Hồ Dzếnh, vẫn thường gây cho tôi những cảm giác êm ái dịu dàng, mỗi khi tôi đi một mình trong bóng hoàng hôn trên đường về làng.

Trên đường về nhớ đầy

Chiều chậm đưa chân ngày

Tiếng buồn vang trong mây

Tiếng buồn vang trong mây

Mặc dù ông biết chữ Tàu, biết rõ, nhưng không hề có một từ nào trong bốn câu thơ trên, chứng tỏ ông rất yêu quê mẹ, yêu tiếng nói của mẹ.

Tiếng buồn chứ đâu phải tiếng sấm rền mà vẫn vang tận trong mây, vậy mà ông đã lập lại đến hai lần. Bởi vì tiếng buồn ấy là tiếng thầm của lòng ông đối với từng ngọn cây bờ cỏ, từng nấm nhà buồn, … Tiếng buồn ấy là tuổi thơ ông mà cũng là tuổi thơ tôi.

Tôi cũng ưa hai  tiếng “buồn trông” của ca dao Việt Nam.

Buồn trông con nhện chăng tơ 

Nhện ơi nhện hỡi nhện chờ mối ai?!

Buồn trông chênh chếch sao Mai

Sao ơi sao hỡi nhớ ai sao mờ?!

Tiếng “buồn trông” cho ta thấy người trông chỉ có mỗi một mình, cô đơn trơ trọi trong đêm vắng, buồn nhưng không rầu, vẫn còn đủ tỉnh táo để hỏi con nhện dưới đất và ngôi sao trên trời.

Thi hào Nguyễn Du, người tập hợp bao nhiêu tinh túy của người Việt Nam, đã mượn “buồn trông” để diễn tả tâm trạng của Kiều khi bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông ngọn cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một mầu xanh xanh

 Buồn trông gió cuốn mặt ghềnh

Ầm ầm tiếng sóng bao quanh ghế ngồi…

Phải dùng đến bốn cặp “buồn trông” mới tả được hoàn cảnh xa lạ “chung quanh những nước non người”của Kiều, trong khi ca dao chỉ cần hai cặp là nói lên được nỗi buồn của người vợ có chồng “ba năm trấn thủ lưu đồn/ ngày thời canh điếm tối dồn việc quan/ chém tre đẵn gỗ trên ngàn/ hữu thân hữu khổ phàn nàn cùng ai/miệng ăn măng trúc măng mai/ những giang cùng nứa biết ai bạn cùng”.

Buồn của Kiều là nỗi buồn của tiểu thư, đài các kiêu sa nhưng trống rỗng. Nàng hoảng sợ, lo lắng nên chi nghe Sở Khanh bảo “tháo cũi sổ lồng như chơi” là dính bẫy ngay.

Cô gái trong ca dao dù chồng “đi trẩy nước non Cao Bằng” vẫn nuôi “cái cùng con” và hứa giữ trọn lời thề chung thủy “đá mòn nhưng dạ chẳng mòn/ Tào Khê nước chảy hãy còn trơ trơ”.

Buồn trông của nàng chân thực chứ không điệu, và người dân quê mượn cảnh tả tình cũng chỉ tới đó thôi, là đủ. Trong khi cụ Nguyễn lại sử dụng tài cao học rộng của mình để nói cho cạn nỗi buồn của Kiều, thực ra chỉ là nỗi hoang mang thấp thỏm  trước tương lai.

Nhân vật Thúy Kiều được mượn từ Thanh Tâm tài nhân, lại ngầm so sánh 15 năm trôi nổi của nàng với cuộc đời luân lạc mưu sự không thành của mình, có rất nhiều gượng ép nên chỉ có mỗi một Chu Mạnh Trinh đòi đúc nhà vàng cho người quốc sắc mà thôi.

Đẹp mà hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xinh, sao bằng cổ tay em trắng như ngà/con mắt em liếc như là dao cau. Đúc nhà vàng sao bằng mua gạch bát tràng về xây/xây dọc rồi lại xây ngang/ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Nói chung, tài như cụ mà mượn quá nhiều, từ cốt truyện đến nhân vật, rồi mượn cả ca dao để khiến người xem phải đứt ruột (đoạn trường), buồn thay chỉ làm “lộn ruột”! Đến như Tản Đà, đâu phải hủ nho mà vẫn phải thốt lên: “đôi hàng nước mắt đôi làn sóng/ nửa đám ma chồng nửa tiệc quan…sờ sờ nấm đất bờ sông nọ/ hồn có nghe chăng nửa điệu đàn!”

Thấp cơ thua trí đàn bà, Từ Hải chết đứng là phải rồi. Và Kiều phục xuống chết theo cũng đúng nghĩa đúng tình. Truyện khép lại từ đây là vừa đủ “đứt ruột” rồi, còn bày thêm cảnh Kiều đánh đàn hầu rượu Hồ Tôn Hiến, trong khi chồng chết chưa chôn đến nỗi bốn dây chảy máu năm đầu ngón tay. Đến khi bị Hồ ép gả cho thổ quan, xấu hổ quá mới nhảy xuống sông Tiền Đường.

Vẫn chưa chịu để nàng chết, cụ bắt nàng phải sống thêm để tái hợp với chàng Kim, để cho chàng thấy dù trải qua 15 năm lưu lạc thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần, chữ trinh vẫn còn dù chỉ còn một chút, thế mới gọi là kết thúc có hậu.

Viết cả mấy ngàn câu lục bát chỉ để chứng minh thuyết “tài mệnh tương đố” tức là viết bằng tài trí chứ không bằng xúc cảm như Bạch Cư Dị “nghe đàn ta đã chạnh lòng/ lại rầu thêm nỗi trước sau mấy lời”. Vì vậy, với tôi cụ Nguyễn chưa thực sự vĩ đại như nhiều người đã tung hô.

***

Đọc thơ xưa tôi thích Chinh Phụ Ngâm, Cung oán ngâm khúc hơn, đó mới chính là gan ruột của  người Việt mình.

 Một người cao lớn đẹp giai cứ như Tây, mà khi vào vệ quốc đoàn đèo cao thì mặc đèo cao/ nhưng lòng yêu nước còn cao hơn đèo, đói rét và bệnh tật đến nỗi tóc trên đầu rụng không còn một sợi, nhớ cơm nếp thơm ở Mai Châu (vì đói), nhưng cũng nhớ dáng kiều thơm ở Hà Nội. Rất con người vì chưa bị  nhuộm đỏ. Nhớ Tây tiến là bản hùng ca của một thời rất đẹp. Có những câu kiểu Kinh Kha, nhất khứ hề bất phục phản.

Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá[ dữ oai hùm.

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm.

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh.

Áo bào thay chiếu, anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành!

Đẹp nhất là hai câu cuối. Đẹp vì ý thơ và đẹp vì lời thơ. Hai chữ gầm lên không chỉ vang trong mây mà còn xé toạc mây ra, để cho sấm sét trút xuống đầu quân cướp nước.

Một người tráng sĩ hiên ngang đẹp như thế, mà khi về thành vì ganh ghét tài năng, chỉ giao cho một việc là xếp chữ trong nhà in. Thơ bị đánh tối tăm mặt mũi: nào đoàn binh không mọc tóc, nào rải rác biên cương mồ viễn xứ, nào đêm mơ Hà dáng kiều thơm, nào mắt em dìu dịu buồn Tây phương… Chưa vào tù đã là may. Hai chữ “gầm lên” không ngờ đã được báo trước. Với nỗi đau như thế, chắc hẳn đêm đêm ông đã gầm lên. Tiếng gầm dưới mộ sâu thật đáng sợ và cũng rất đáng trọng.

Thơ là như vậy đó, chỉ một đôi lần lướt qua hồn ta như vệt nắng cuối ngày. Rất mong manh nhưng đẹp.

Khuất Đẩu

5/2023

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search