T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

KHUẤT ĐẨU: NHỮNG LÝ TOÉT XÃ XỆ

Lý Toét Xã Xệ – Nguồn ảnh: VĂN VIỆT

Là hai nhân vật được Tự Lực văn đoàn đem ra chế riễu nhiều nhất. Thường là ký họa. Ăn mặc thì khăn đóng áo dài xộc xệch, ô thì móc vào khuỷu tay, lúc xòe lúc cụp như cánh bướm bị vướng mạng nhện. Nói năng thì ngớ ngẩn, khôn không ra khôn dại không ra dại, chỉ ranh vặt. Đó là các ông có nơi gọi lý trưởng, có nơi gọi xã trưởng. Họ là những người chủ làng, cái bây giờ gọi là quyền uy, không vượt qua khỏi lũy tre.

Những nhà văn trong nhóm Tự Lực là những người muốn xóa bỏ những điều mà các ông cho là thô kệch quê mùa, không xứng với thời đại mới, thời Tây học.

Cũng được thôi, nhưng chế riễu thì được gì nào. Được tiếng cười của độc giả, được báo bán chạy, chứ có thay đổi được gì. Các ông lý, ông xã ấy lõm bõm một ít chữ nho trong tam thiên tự, còn chữ quốc ngữ, biết đọc đã là may, cố lắm mới vẽ được cái gọi là chữ ký để đóng dấu mộc. Ví thử cho các ông mặc đồ tây đủ bộ đồ lề, đầu đội mũ phớt tay cầm can, thì ông lý vẫn là ông lý, ông xã vẫn ông xã. Đâu có thể thành Nhất Linh hay Khái Hưng được. Mà cái can ấy dùng để làm gì? Một trăm năm sau, tức là bây giờ, ngó lại thấy thật lố bịch, buồn cười. Xem ra Tây nó cũng rởm bỏ mẹ.

Đến thời Việt Minh, bản lề của chế độ cộng sản, các ông lý ông xã lại bị đem ra không phải để chế riễu, mà để đánh đòn vì là gốc rễ của phong kiến. Chủ tịch của chủ tịch đoàn, trước kia là những “thằng” ở mướn, nghèo rớt mồng tơi, giờ hất mặt lên quát nạt mắng mỏ còn hơn chủ nô.

Khi Quốc gia tiếp thu, các ông lại lòm còm đứng dậy, mở tủ lấy khăn đóng áo dài lỗ chỗ vì dán nhấm chuột gậm ra mặc, được gọi tên mới là trưởng thôn, phó thôn, cũng được dân gãi đầu gãi tai khúm núm khi xin xỏ hay thưa gửi một điều gì.

Khi miền Nam trở thành kẻ thua cuộc, các ông bị gọi là những thằng phản động ôm chân Mỹ ngụy. Nhiều người bỏ xứ chạy đi cũng không thoát. Chính mắt tôi trông thấy tại ngã Sáu Nha Trang, một người bị kéo tuột lên xe jeep như xe xúc chó, hỏi ra là người Quảng Ngãi, chỉ là chức trưởng thôn thôi, nhưng gây nợ máu với nhân dân, thực ra là lấy vợ cán bộ tập kết, bị lôi về trị tội. Không rõ có bị xẻo cái của nợ kia không!

Giờ, ngồi nhớ lại một thời lý, xã thấy xã hội ngày ấy thật ngộ. Đâu phải ai cũng xệ, cũng toét. Tuy phong kiến, nhưng lý xã được dân bầu bán hẳn hoi. Rồi cũng có đủ ban bệ để lo việc làng. Lý trưởng còn có phó lý trưởng, cứ như thủ tướng và phó thủ tướng. Lo sổ đinh, sổ điền có chánh hương bộ và phó chánh hương bộ, gọi tắt là chánh bộ và phó bộ. Trông coi trâu bò gọi là hương mục và phó hương mục. Giữ gìn trộm cướp là chánh tuần và phó tuần. Giám sát việc thu chi gọi là hương kiểm và phó hương kiểm. Coi việc đánh trống thổi kèn và cò nhị ỉ eo tom chát trong các kỳ tế lễ và đám ma gọi là chánh nhạc và phó nhạc.

Mười hai vị được coi như chức sắc trong làng, được ăn trên ngồi trước, được ưu tiên chọn ruộng công điền, chẳng những ruộng tốt mà còn gấp đôi phần ăn của dân. Coi như lộc của triều đình, vua chẳng phải trả lương. Chỉ ban phẩm hàm hạng bét là cửu phẩm cho xã, lý nào được dân bầu hai  lần, tức mười năm.

Dường như cái giống Á nàm dzành, ai cũng háo danh. Mười hai vị chức nọ chức kia nhiều đến thế mà vẫn chưa đủ, người ta còn bày ra những “câu” những “biện” để coi dăm ba nóc nhà. Biện Nhạc cũng chỉ coi việc thu thuế ở đèo An Khê, lèo tèo vài ba gánh muối và mấy gùi rễ nài hay trầu không. Thế mà có gan một chút, gặp thời cũng làm hoàng đế!

Xung quanh vườn nhà tôi, phía tây có hương bộ Ngân, phía đông có câu Khương, biện Quế, phía nam là ruộng của nhà, phía bắc trơ khất một người tên Hết, chẳng có chức vị gì, lúc còn trẻ bị gọi bằng “thằng”.

Tuy vậy, số người bị gọi bằng thằng không nhiều, vì còn có thợ và thầy. Thợ giỏi còn được quý trọng hơn cả ông xã, ông lý. Như thợ mộc, thợ rèn, thợ khép cối xay (lúa), thợ thiến (heo).

Và thầy, ngoài thầy đồ còn có thầy thuốc, thầy bói, thầy phù thủy (trừ tà ma). Dĩ nhiên, đậu tú tài được gọi là ông Tú, đậu cử nhân được gọi là ông Nghè, danh tưởng chừng lên tột đỉnh.

Thế đấy, một làng chỉ hơn 50 mươi nóc nhà, mà gần như ai cũng chức vị đầy mình, rồi liếc ngang liếc dọc để xem có môn đăng hộ đối hay không trong việc cưới hỏi. Đương nhiên con nhà thằng trơ khất thì chỉ lấy con nhà “đĩ” nọ “đĩ” kia thôi! Sự phân chia thứ bậc quá chi ly nhưng không đến nỗi tàn nhẫn như những người theo đạo Hindu. Cuộc sống nhàn nhã và tĩnh lặng, co rúm trong lũy tre có tự bao đời, được các nhà Tây học tân tiến mỉa mai gọi là “ao làng” 

Nhưng tôi lại thích cái ao làng ấy, dù bị chê là già lẩm cẩm. Nó có tôn ti trật tự, biết kính già trọng trẻ (học giỏi), “biết thì thưa thốt, không biết thì dựa cột đứng nghe”, biết giúp đỡ lẫn nhau khi “trời hành cơn lụt mỗi năm”, biết “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, biết đời cha ăn mặn đời con khát nước”, nói chung là biết đạo lý làm người.

Đương nhiên vẫn có những cuộc cãi cọ, xô xát nhau, khi thì vì một cái mụt măng, khi thì bờ ruộng…cũng có sứt đầu mẻ trán nhưng chưa khi nào xách mã tấu chém nhau như bây giờ.

Một điều khiến tôi thêm thích, là làng nào cũng có chùa, dù tôi không là Phật tử, đêm nghe tiếng chuông chùa ngân nga cũng khiến cho hồn mình trở nên tĩnh lặng, bớt sân si.

Bây giờ cái đám hương lý không còn nữa. Phần vì họ chết cả rồi, phần vì cái xã hội Đông không ra Đông mà Tây cũng chẳng ra Tây, có đội mồ sống lại cũng không cách nào tồn tại. Không còn hương lý nhưng cái tập tính háo danh vẫn còn. Chẳng những còn mà nó còn phình to ra cả nước. Rằng nước Việt Nam cái gì cũng nhất, từ bóng đá cho đến bánh chưng… mà đĩ cũng nhiều nhất, không tin thử xuống bến Ninh Kiều, nơi có câu ca dao lạ lùng nhất, “bác ơi có thấy đĩ nhiều hơn dân”!

Ao làng xưa là cái “ao thu lạnh lẽo nước trong veo”, còn cả nước không chịu tiến bộ thì cũng có khác gì ao làng so với Đông nam Á, chứ chưa nói đến cả thế giới. Giờ nó đục ngầu, vì cứt trâu để lâu hóa bùn, vì đấu đá nhau, rồi không cần bầu bán, một tay ngớ ngẩn bỗng được đưa lên làm lý trưởng, nào có khác gì Lý toét, Xã xệ ngày xưa.

Thôi nhé, những bác lý bác xã, bác hương, bác biện, bác câu…hãy đợi cháu ở bên kia sông Mịch La, cháu sắp bơi qua đấy.

KHUẤT ĐẨU

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search