T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: THÀNH PHỐ CŨ

Xóm Bàu (La Hai – Phú Yên) – Tranh: MAI TÂM

Tôi sinh ra ở quê, suốt mấy đời làm ruộng. Cũng may không phải là nơi đồng chua nước mặn, hay sỏi đá khô cằn. Trên là khoảnh vườn đủ rộng để trồng cau chuối. Dưới là mấy công ruộng, lúa hai mùa đủ gạo ăn quanh năm. Nhà, chỉ là nhà tranh, nhưng là nhà lá mái, cất khá công phu và khéo. Nhà không có một cây đinh nào, các chỗ cần buộc, người ta dùng mây khoanh tròn để dấu mối như một con trăn già đang cuộn tròn nằm ngủ. Nhà lợp tranh, là rạ tháng ba phơi khô trước ruộng nhà, khi mới lợp dài thậm thượt, như mái tóc khi chưa cắt.
Phạm Duy, trên đường cái quan đi qua đất Bình Định, đã thấy nhiều mái nhà như thế, nên lời Việt trong bài Comeback to Sorento, ông viết mái tóc nhà lưu luyến vạt trăng xanh, nếu mưa về yêu lấy hạt long lanh. Qua mấy mùa mưa nắng, mái tranh trở nên xám xịt như tro tàn thuốc lá, ông gọi là nấm nhà buồn ! Nếu không làm nhạc sĩ, mà làm thi sĩ, thì thơ ông chắc cũng hay lắm.
Lúc nhỏ, trên thềm nhà hay bên bếp lửa, một đôi khi bà kể cho tôi nghe về Qui Nhơn, là nơi bà chưa hề tới nhưng có ông anh họ của chồng lấy vợ đầm lai. Ông ấy đi lính Tây, có lần đem vợ về ăn giỗ, bà vợ không biết làm gì, chỉ nằm trên võng đu đưa. Bà có vẻ không ưa nhưng ông tôi thì rất phục, kể rằng, hai anh em mua một xâu nem, một chai rượu rồi thuê xe kéo vừa uống vừa ăn, chạy khắp Qui Nhơn mà chỉ tốn có hai đồng bạc. Bà tôi vặn lại: hai đồng chứ đâu phải hai xu, ông có biết là bao nhiêu lúa không?
Khi Việt Minh nổi lên, ông bác họ ấy bị bắt rồi bị giết, bà vợ cũng không tha, trước khi giết còn bị đè ra hiếp.
Mãi đến năm 15 tuổi, Quốc gia tiếp thu mở trường dạy lại, tôi mới biết Qui Nhơn. Nhưng nó không còn như lúc ông tôi ngồi xe kéo chạy suốt ngày. Chỉ còn là những đống gạch vụn đổ nát từ 9 năm trước vì lệnh tiêu thổ kháng chiến, và mấy lô cốt của Pháp vừa mới mọc lên trong chiến dịch Át lăng, ác lóc gì đó. Cả một rừng dây kẽm gai, mà cán bộ tuyên truyền bảo Tây nó dùng để xỏ xâu trẻ con thành từng chùm rồi ném xuống biển, và rất nhiều vỏ lon đồ hộp rỉ sét, nằm lăn lóc khắp nơi.
Quy Nhơn cách xa làng đến gần 30 cây số. Phải nói là xa thăm thẳm. Thức dậy từ lúc gà gáy, lầm lũi đi miết, mãi đến quá ngọ mới tới cầu Đôi, cửa ngõ của thành phố. Dọc đường thấy người lớn gánh hoặc khiêng thép gai, còn bọn trẻ thì kéo từng chùm lon kêu rổn rảng.
Dĩ nhiên chỉ có ông khổng lồ với bước chân sải dài cả trăm thước mới có thể sáng đi chiều về được. Tôi phải ở trọ nhà bà con, vài tháng mới về thăm nhà một lần. Đến khi tập xe đạp xong với hai ống chân bầm tím mới thuê một chiếc xe tự đạp về, lũ trẻ trong xóm nhìn lé cả mắt. Rồi có xe lửa, chỉ mua vé vài lần, sau người soát vé thấy học trò nghèo, cũng làm lơ cho đi cọp luôn.
Trường có tên mới, là trung học Cường Để, là một ông trong hoàng tộc, chưa có danh gì với núi sông. Sao không lấy tên Quang Trung hay Nguyễn Huệ nhỉ?! Trường lèo tèo có mấy lớp, thầy cô là người Bắc và Huế. Học trò mặc toàn bà ba đen hoặc nâu, chỉ lác đác vài đứa Bắc kỳ di cư mặc sơ mi trắng.
Chuyện áo bà ba là cả một câu chuyện khó tin và khó quên. Là thế này: học chừng nửa học kỳ, tự dưng cả lớp đều bỏ đồ bà ba rất giống VC, để mặc quần tây và áo sơ mi. Một hôm thầy dạy lý hóa mắng, “lúc mặc áo bà ba, ai cũng chăm chỉ học rất giỏi. Giờ mặc áo sơ mi quần tây, nào có thua gì ai mà sao lại học dốt thế? Tôi muốn thấy các anh mặc lại đồ bà ba như cũ”. Thế là hôm sau cả lớp đều mặc bà ba mang dép râu như VC, kể cả những đứa Bắc kỳ di cư! Ghê chưa, mới học đệ ngũ mà đã đấu tranh bất bạo động. Cô giáo chỉ đạo, người yêu của thầy, phải năn nỉ các ông trời con mới chịu thôi.
Trường cũng có một vài người làm vẻ vang, chẳng những cho trường mà còn cho cả tỉnh Bình Định. Là Nguyễn Mộng Giác, hơn tôi một lớp, nhà văn viết trường thiên tiểu thuyết dài nhất nước, thế nào cũng được vào văn học sử.
Hời tôi còn học ở đó, có một người cũng rất nổi tiếng, không phải học giỏi mà vì khùng. Khi bị trẻ con chọc, thay vì lấy đá ném như những người điên khác, anh lại đập vào ngực mình bom bóp đến chảy máu. Anh ta thứ tám, nên chết tên Tám Khùng.
Rồi tôi vào Nha Trang, bỏ lại sau lưng cái thành phố mà hai năm sau đó Trịnh Công Sơn đã viết Diễm Xưa với câu hát “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ”, bỏ kho xăng ông Tề trước nhà tôi ở trọ, nơi Trần Hoài Thư bị thương trong tết Mậu Thân…
Mãi đến hơn 15 năm sau, tôi trở lại, thành phố đã giàu lên trông thấy nhờ tiền đô và đồ PX của Mỹ. Ba bảy mọc lên như nấm, nhưng rất kỳ thị. Bar Mỹ trắng ở đường Võ Tánh còn bar Mỹ đen ở đường Tăng Bạt Hổ. Quân cảnh Mỹ đi tuần suốt ngày đêm, nhưng trắng và đen vẫn đánh nhau, chỉ khác ngoài mặt trận là không bắn giết nhau bằng súng. Những lúc ấy, chị em ta cũng đổ ra đầy phố binh những thằng Mỹ của mình, cũng hò hét chửi nhau ỏm tỏi.
Ông bạn Bắc kỳ di cư của tôi có đến những hai bar, một đen và một trắng. Ông nhờ tôi quản “ní” một cái ở đường Võ Tánh. Gọi là quản lý cho oai chứ thật ra, ngồi canh chừng các em đổi tiền đô ra tiền Việt, là mất lời. Tôi ngồi sau quầy với một ly coca pha chút whisky cho dễ uống, phì phà hút thuốc Salem và lơ mơ ngắm các em. Phải nói là em nào cũng đẹp, cũng xếch xy, muốn bồ với em nào mà chẳng được, nhưng hồi đó đồn đại có bệnh teo chim Okinawa do Mỹ lây sang, nên đành chịu chứ không dám hò dô ta kéo pháo ra. Ba tháng sau thì tôi go out.
Ông bạn của tôi là tay chơi khét tiếng ở Sài Gòn, dính bầu với một vũ nữ thân gầy phải chuồn ra Nha Trang dạy Anh văn, rồi quen với một thằng Mỹ đen, theo nó ra Quy Nhơn, làm thông dịch. Anh bảo dân làm bia mộ giả, bắt Mỹ đền tiền khi di dời để làm căn cứ, từ đó phất lên, mở đến hai cái bar, tuyển toàn gái đẹp miền Tây. Khi Mỹ rút, anh mở cả một nhà in. Chẳng bao lâu thì CS đến, anh bỏ cái xứ CS nhiều hơn dân, vào chợ Xóm Mới Nha Trang, xài hết một hộp biscuit đựng đầy vàng lá, rồi mới chịu đưa vợ con lên kinh tế mới ở Đất Sét, lâu quá chẳng biết tin tức gì, không biết còn sống hay đã ngỏm!
Quy Nhơn của tôi giờ nghe nói còn đẹp hơn cả NhaTrang, có cầu qua đầm Thị Nại dài nhất nước, có Phật to trên chùa Ông Núi, có mộ Hàn Mặc Tử, có bãi tắm Hoàng Hậu…có Tây Sơn Tam Kiệt và nhiều danh lam thắng cảnh khác nữa, nhưng tôi chỉ yêu thành phố lúc tôi còn học trung học, yêu mái trường lợp tranh có lần bị gió bão, thầy trò phải chui dưới gậm bàn, yêu những con phố leo lét đèn dầu, yêu những con dê leo trèo trên vách đá ở núi bà Hỏa…
Một thành phố cũ khác tôi đã từng sống cả chục năm, là Nha Trang, làm sao quên được. Nó xinh, phải nói là quá xinh, vì có vẻ rất Tây dù tôi chưa qua Tây. Đầu tiên là nhà ga với tường vàng, ngói đỏ, còn nguyên dạng và phong cách từ cả trăm năm trước, cùng với nhà thờ đá ở núi Một, vẫn giữ nguyên màu đá xám xếp lên nhau thành một tháp chuông bốn mặt có đồng hồ trông vừa uy nghiêm vừa cao quý. Dài nhất và thẳng nhất, là đường Yersin chạy ra tận biển. Nơi đây sóng mơn man đổ vào bờ cát vàng óng. Đường Duy Tân chạy theo bờ cát, còn đẹp hơn con đường Duy Tân cây dài bóng mát ở Sài Gòn, từ lầu ông Tư, tức ông Yersin gọi thân mật, thẳng xuống Cầu Đá với Hải học viện có hàng triệu phiên bản về cá trên khắp các đại dương của thế giới và lầu Bảo Đại hoang vắng soi bóng xuống ghềnh đá sóng vỗ âm ào.
Nha trang còn có phố Độc Lập nối với Phan Bội Châu, là nơi những anh học trò nghèo như tôi thường đi tới đi lui đi lên đi xuống gọi là bát phố, nhớ góc đường này có cô em tóc dài, góc dường nọ có đôi mắt ươn ướt, Đi mãi, rồi ghé vào quán sách có bà chủ người Bắc vừa đẹp vừa cao sang. Vào đây có cái thú là xem bà gói sách và được nghe bà nói cảm ơn. Nhiêu đó thôi cũng đã thấy sách hay rồi dù chưa đọc trang nào.
Nha Trang, ngoài mối tình lệch đũa giữa một thầy giáo già với cô nữ sinh trẻ, còn có cuộc chiến không cân sức giữa một bên là đại tá tỉnh trưởng, một bên là thiếu tá quân y Hà Thúc Nhơn. Kết cuộc thì có một đứa trẻ ra đời mà cả cha và mẹ đều không dám nhận là con của mình, và thiếu tá quân y bị giết chết. Thành phố nhỏ, nên cả hai chuyện đều gây chấn động dữ dội. Tuy gần biển, nhưng rất may là không có sóng thần!
Nha Trang là nơi Phạm Duy viết: Nha Trang ngày về, mình tôi trên bãi khuya, Trần Dạ Từ viết: Người đi qua đời tôi, không nhớ gì sao người?
Giờ, Nha Trang nổi tiếng với resort Vinpearl, với những khách sạn 4, 5 sao, những hàng quán chặt chém, những khách Nga, khách Tàu, đông đến nỗi có lúc kẹt xe. Nha Trang cũng nổi tiếng tham nhũng với những vị đã từng làm đến chức chủ tịch tỉnh. Thành ra, đối với tôi Nha Trang đã mất, đã quá xa cả một thời dấu yêu.
Tôi không ưa những thành phố mới, cái nào cũng na ná giống nhau, cũng những quán cà phê ồn ào, cũng hát karaokê, cũng resort, cũng một vài biệt thự khoe của không giống ai, cũng những người: đàn ông thì quần lửng, đàn bà thì trùm kín mít từ đầu đến chân, trẻ con thì béo phì…
Giống như những con đò xưa, hai thành phố cũ giờ chỉ hiện ra trong những giấc mơ của tôi mà thôi.

KHUẤT ĐẨU

©T.Vấn 2023


Bài Mới Nhất
Search