T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: TIẾNG GUỐC KHUA

Chiều Xưa – Tranh: THANH CHÂU

Tôi và bạn, chúng ta sắp rời bỏ cái thế giới đầy tiếng động này rồi. Tiếng động mà tôi muốn nói không phải tiếng sấm sét, bão tố, Không phải núi lửa khạc ra tro, không phải mặt đất tự dưng nhún nhảy, không phải tiếng hú rít của vòi rồng… Đó là những chuyển động tự nhiên của một hành tinh sống. Nếu nó lặng im không một tiếng nào là nó đã chết và trở thành một quan tài bay khổng lồ trong không gian, bay mãi cho đến khi va vào một hành tinh khác và cả hai đều nổ tung.

Tiếng động tôi muốn nói là tiếng đạn bom. Không ai tính được hơn 400 ngày qua, Nga đã trút xuống Ukraine bao nhiêu triệu tấn và nếu cuộc chiến vừa phi lý vừa ngu xuẩn này mà kéo dài đến 10 năm, thì ngay cả một người mạnh mẽ và tỉnh táo như Zelenskyy cũng phải phát điên. Một người điên vì sang chấn tâm lý, vì không chịu nổi cảnh đất nước xinh đẹp ngày nào bị phá tan hoang, những chiến sĩ dũng cảm hết lớp này đến lớp khác ngã xuống. Một người điên khác là Putin, điên vì bị cả thế giới chế nhạo, cười thẳng vào mặt là một thằng hèn.

Tiếp đến là tiếng loa phường, suốt ngày đêm lải nhải những điều cũ rích. Loa phường là cái trò tuyên truyền ngu dại và tốn kém nhất, bắt chước tên bộ trưởng thông tin Đức quốc xã.

Còn tiếng vợ con ì xèo cũng không dễ nghe một chút nào, nhưng nó là một phần của cuộc sống, không dễ gì ghét bỏ được.

Ngoài những thứ đó, các thứ tiếng khác đều xứng đáng để ta lắng nghe. Nào tiếng gió thổi, tiếng mưa rơi, tiếng lá rụng, tiếng chim hót,… Các thi sĩ còn thính tai hơn nữa. Hồ Dzếnh nghe được tiếng buồn vang trong mây và Thâm Tâm nghe được cả tiếng sóng ở trong lòng dù đưa người ta không đưa qua sông. Nhạc sĩ còn siêu hơn, nghe được cả âm thanh của sự im lặng.

Đó là chưa nói tới câu hò: hỡi anh đi đường cái quan/ dừng chân đứng lại cho em than đôi lời. Và những câu hát: áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau.

Cả một cơ nghiệp lẫy lừng của Tây Sơn, thế mà khi sụp đổ, chỉ còn lại tiếng hát của một ca nương. Miền Nam cũng thế, mấy ai còn nhớ Diệm Nhu, Thiệu Kỳ, ngoài Thái Thanh, Lệ Thu…

Có một thứ tiếng, không biết bạn còn nhớ hay đã quên. Nếu bạn quên, cũng không sao vì đã lâu quá rồi, đó là tiếng guốc khua.

Tiếng guốc khua!

Thực khó mà diễn tả. Nó chỉ là hai thanh gỗ mỏng gõ xuống mặt đường. Có khi nghe lốc cốc, có khi lạch cạch, cũng có khi nghe lanh canh. Như tôi và bạn, cùng xỏ chân vào đôi guốc gỗ, chắc chắn là phát ra tiếng lạch cạch. Các ông vai u thịt bắp thì thế nào cũng kêu lốc cốc. Chỉ có con gái, bạn ơi, chỉ con gái mười lăm mười bảy mang guốc gỗ, mà phải là guốc sơn phường Đa Kao mới kêu lanh canh được. Những âm thanh trong vắt, ngọt ngào còn hơn cả Dương Quý Phi bước xuống cầu thang làm bằng ngà voi.

Âm thanh vui tai nhất là lúc em tan trường về, xen lẫn tiếng nói cười là tiếng guốc khua. Nó không theo một điệu nào cả, có cao có thấp, có nặng có nhẹ… nó là một bản hòa âm bằng những gót chân nhỏ nhắn, chưa bị cuộc sống làm cho nứt nẻ.

Cứ lẽo đẽo theo sau chừng dăm cô nàng trên hè phố, ta sẽ nghe ra cái nhạc điệu tươi vui, nhí nhảnh, một đôi lúc nghịch ngợm và ta nhận ra rằng các ban hợp xướng đứng trên sân khấu, hát đúng giọng đúng bè, nhưng nó cứng nhắc, gò bó, sao bằng các cô tan trường tung tăng trên đường về.

Ai cũng bảo áo dài Việt Nam là đẹp nhất. Nhưng cũng không có thứ áo nào kén người mặc như áo dài Việt Nam. Bởi vì, chỉ có một loại người trinh trắng thon thả như nữ sinh mặc mới đẹp. Mà nữ sinh, chỉ cần lụa trắng là đủ đẹp rồi. Đẹp là nhờ hai vạt áo bay phất phơ. Có người nói là hai phần gió thổi một phần mây. Trông rất kín đáo, nào che cả cổ, phủ cả cánh tay, chỉ có đôi mắt đen thắm, mái tóc thề và đôi môi nhỏ xinh là không thể che đậy mãi được… Nhưng cũng lại rất hở, một khi ngọn gió tinh nghịch khẽ nâng hai vạt áo lên để lộ ra một phần hông nhỏ nhắn.

Ngoài phần trên hở ra một chút cho nó mát mẻ, còn từ hông trở xuống thì kín như bưng. Khởi đầu là quần dài hai ống dài chấm gót, và cuối cùng, cái món tầm thường nhất nhưng cần thiết cũng nhất, là một đôi guốc mộc sơn trắng màu ngà. Chính đôi guốc gỗ ấy khua vang khắp hè phố, khắp các hành lang và trong sân trường, tạo nên khung cảnh rộn rã vui tươi…

Guốc làm bằng gỗ xoan, rất mịn và nhẹ. Cả phường Đa Kao chuyên làm guốc. Guốc sơn trằng cho học trò. Sơn đen hay màu huyết dụ cho các bà. Giả sử cả thế giới đều đi guốc, thì nước ta chắc chắn là giàu không thua gì Mỹ hay Nhật!

Đẹp nhất của tuổi học trò là được kín đáo yêu nhau. Giả dụ anh được nàng cho phép tới thăm nhà. Đương nhiên là nàng đã chọn lúc nhà vắng người. Ngay khi trông thấy anh ở cổng, từ nhà sau nàng đã chạy như bay đến, theo sau là một chuỗi dài lanh canh của tiếng guốc khua, nghe như nghệ sĩ vuốt một hợp âm dài trên phím dương cầm.

Và rồi nàng e lệ mời anh vào nhà, tiếng guốc khua lúc này nhỏ nhẹ êm ái làm sao. Cứ tưởng như nàng đang bước những bước thật nhẹ, thật êm đi vào lòng anh. Khi tiễn anh ra về, sỏi dưới chân nàng kêu lạo xạo, anh nghe như chúng cũng đang kêu trong lòng anh.

Cuộc tình có thể dài hơn hay ngắn hơn, nhưng là tình yêu học trò nên cũng chẳng tới đâu. Nàng có thể không nhớ gì, nhưng anh không thể, và không bao giờ quên được tiếng guốc khua.

Đôi guốc mộc rất giống chủ nhân. Rất giản dị, mộc mạc. Rất hiền, nhưng không hiền đến nỗi ai cũng có thể xỏ chân vào và tha hồ mà chà đạp. Đã có lần, trước dăm bảy thằng ngỗ nghịch, cô gái liền nhấc chân lên rút guốc ra, hếch mặt hỏi: muốn ăn guốc hả. Trời ạ, guốc ấy mà phang vào mặt, gõ vào đầu, thôi xuống nước đi:

Đùa tí thôi mà em gái!

Ai là em gái? Cút!

Thế đấy, đừng có dại mà chòng ghẹo các cô gái đi guốc.

Nhớ làm sao những đôi guốc gỗ trên hè phố. Nó rộn rã, tươi vui. Nó khiến người nghe không bao giờ chán… Nó như tâm hồn của các cô, trinh trắng từ đầu đến chân. Nó cũng xứng đáng để mua gạch Bát Tràng về xây/ xây dọc rồi lại xây ngang/ xây hồ bán nguyệt cho nàng rửa chân.

Là nói vậy thôi, các cô bây giờ không biết đôi guốc là đôi gì. Nó bị đào thải từ lâu rồi. Giờ các cô đi ủng giả da, mang giày cao gót, không bước mà nhảy lên tam cấp, nghe như đạn nổ lốp bốp. Rồi kênh kiệu bước lên xế hộp. Một lúc sau nghe cái rầm! Giày cao gót gãy mà chân cũng gãy. Chắc vì phanh không đạp mà lại đạp ga! Thời đại mới nó thế đấy. Cái gì cũng muốn nhanh hơn, đẹp hơn. Nó làm mất quá nhiều thứ, trong đó có tiếng guốc khua. Thật tiếc!

Khuất Đẩu

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search