T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Một tân quốc gia (2)

clip_image002

 Ảnh: Courtesy of viiphoto.com

Nikolai:

Bà biết đấy, chúng ta ai cũng đã sống qua thời binh lửa. Chúng ta hiểu rõ những tác hại của một cuộc tấn công nguyên tử. Chúng ta biết mình phải sẵn sàng để đối phó với những loại vũ khí hóa học, sinh học trong một cuộc chiến tranh hạt nhân. Nhưng để đối phó với việc phải tống ra khỏi cơ thể mình những hạt bụi phóng xạ thì quả là chuyện chúng ta không bao giờ có thể quen được.

Tất nhiên, không thể so sánh tình cảnh hiện nay mà chúng ta phải đối diện như trong một cuộc chiến tranh, nhưng ai cũng nhìn nhận sự việc theo cái cách ứng xử của thời chiến. Hồi nhỏ, tôi đã từng sống trong một thành phố Leningrad bị bao vây nhiều ngày. Dầu vậy, chúng ta cũng không thể so sánh với những gì đang xẩy ra ở đây được. Lúc ấy, thành phố Leningrad là một mặt trận, với súng đạn liên tục xối xả trên đầu. Rồi đến nạn đói, kéo dài nhiều năm, đã đẩy con người xuống mức chỉ sống bằng bản năng của loài thú vật. Trong khi đó thì, ở đây, nào, hãy bước ra khu vườn sau nhà mà xem mọi thứ đều xum xuê sung túc. Đây là những thứ không thể so sánh. Nhưng tôi muốn nói đến một việc khác. Sao, tôi lại quên mất mình định nói gì rồi. À, đúng rồi ! Khi trận chiến nổ ra, người ta chỉ trông chờ vào phép lạ để sống sót. Nếu bị chết, người ta sẽ chết vào ngay lúc này,lúc trận chiến vừa mở màn, chứ không phải lúc nào đó trong tương lai. Vào mùa đông, nạn đói bắt đầu. Ở Leningrad dạo đó người ta lấy bàn ghế giường tủ ra đốt, bất cứ thứ gì bằng gỗ, rồi đến cả sách báo, cả giẻ rách cũng bị ném vào lò bếp. Một người đang đi trên đường phố, anh ta ngồi xuống. Ngày hôm sau, đi ngang qua thấy anh ta vẫn còn ngồi đó. Thế có nghĩa là anh ta đã bị cóng và có thể anh ta sẽ ngồi đó cho đến tuần tới, thậm chí cho đến khi mùa xuân trở về, lúc mà thời tiết ấm áp hơn. Không ai có đủ sức để kéo anh ta ra khỏi cảnh bị tê cóng. Đang đi trên đường mà ai bị ngã cũng mong có người đến đỡ mình dậy. Nhưng thường thì người ta bước qua luôn chứ không ghé lại giúp kẻ bị ngã. Vì chính họ đôi khi cũng chỉ vừa đủ sức để lết về nhà. Tôi còn nhớ hình ảnh dân chúng đi trên đường thật chậm rãi. Vì họ không đi mà chỉ bò, lết. Bà không thể nào so sánh những hình ảnh như thế với bất cứ thứ gì khác.

Khi trạm phản ứng hạt nhận phát nổ, mẹ tôi vẫn còn ở chung với chúng tôi. Bà thường nói: “Mẹ con mình đã từng sống qua những giai đoạn đen tối nhất. Đã từng sống sót sau trận vây thành Leningrad. Sẽ chẳng thể có cái gì lại tệ hại hơn những thứ mình đã kinh qua ấy được.”

Chúng tôi đã được rèn luyện dể đối đầu với tao loạn, với chiến tranh nguyên tử. Chúng tôi đã xây những tầng hầm tránh bom nguyên tử, giống như người ta tìm cách tránh những miểng đạn pháo không cho chúng ghim vào người. Nhưng bụi phóng xạ có mặt ở khắp mọi nơi. Nó ở trong bánh mì, trong muối. Nó có cả trong không khí con người thở.Vậy là chúng tôi hít vào phổi phóng xạ, nuốt vào bụng phóng xạ.Khi không có bánh mì, không có muối để ăn thì người ta có thể ăn bất cứ thứ gì tìm được, kể cả đốt cháy sợi dây lưng bằng da lên để chỉ ngửi được mùi da cháy cho đỡ đói. Điều ấy có thể hiểu được. Nhưng trong hoàn cảnh này thì thật không dễ gì hiểu. Chung quanh ta tất cả mọi thứ đều đã bị nhiễm độc phải không? Vậy thì mình sẽ sống sao đây? Mấy tháng đầu tiên bao trùm một nỗi sợ hãi. Bác sĩ, giáo sư, nói chung là giới trí thức, đều bỏ của chạy lấy người. Họ ba chân bốn cẳng ra đi không một chút luyến tiếc. Còn các viên chức mặc đồng phục vì kỷ luật khắt khe không dễ gì mà thoát đi được nếu không chịu từ bỏ thẻ đảng viên. Vậy ai là người chịu trách nhiệm đây? Muốn trả lời câu hỏi liệu chúng tôi sẽ sống như thế nào thì cần thiết phải tìm cho ra ai là người chịu trách nhiệm cho mọi thứ hỗn loạn này. Ai đây? Các viên chức nghiên cứu khoa học hay nhân viên của trạm phản ứng? Tay giám đốc sếp sòng ? Những nhân việc trong ca trực ? Tại sao người ta không tìm cách phát triển ngành chế tạo xe hơi mà lại đi xây một nhà máy phản ứng hạt nhân để làm gì ? Chúng tôi yêu cầu hãy dẹp các trạm nguyên tử và tống cổ hết các khoa học gia nguyên tử vào tù ! Chúng tôi nguyền rủa họ không tiếc lời. Nhưng mà kiến thức tự nó không bao giờ là tội phạm. Bây giờ thì ngay các nhà khoa học cũng chỉ là nạn nhân của Chernobyl. Sau vụ Chernobyl, tôi muốn mình là kẻ sống sót, chứ không muốn bị chết. Vì tôi muốn hiểu, muốn biết điều gì đã xẩy ra.

Hiện nay, người ta có những phản ứng rất khác nhau. Khoảng thời gian 10 năm vừa qua đã hình thành một cách đo lường thời gian bằng đơn vị chiến tranh. Cuộc chiến cuối cùng kéo dài 4 năm. Tính như vậy thì chúng tôi đã trải qua hơn 2 cuộc chiến tranh. Người ta đã nhìn 10 năm ấy như thế nào? hãy nghe nhé: “Mọi chuyện thế là xong“ .” Rồi thì cũng ổn hết cả thôi!”. “Mười năm qua rồi đấy. Mình chẳng còn có gì phải sợ hãi nữa!”.”Tất cả chúng ta sẽ chết! Sớm thôi!”.”Tôi muốn ra khỏi nơi đây“. “Họ phải giúp chúng tôi chứ!”. “Ối dào! Mặc xác mọi chuyện đi. Chúng tôi phải sống cái đã!”. Đấy, người ta nghĩ thế đấy. Chúng tôi nghe nói những điều như thế mỗi ngày. Tôi thì tôi cho rằng chúng tôi chỉ là những chất liệu ròng cho một cuộc thực nghiệm khoa học trong căn phòng thí nghiệm quốc tế. Dân số Belarus là 10 triệu người thì trong số đó có 2 triệu sống trên những mảnh đất bị nhiễm độc xạ. Một phòng thí nghiệm lớn ra trò rồi còn gì nữa. Hãy viết xuống những dữ kiện, những con số, thí nghiệm tất cả những gì quý ngài muốn thí nghiệm. Từ khắp nơi trên thế giới, từ Moscow, từ Petersburg, từ Nhật Bản, từ Đức, từ Áo, người ta đổ về đây để viết luận án tốt nghiệp đại học. Họ đang chuẩn bị cho tương lai đấy! {một khoảng im lặng rất lâu}.

Tôi vừa chợt nghĩ đến điều gì thế nhỉ? À, tôi lại đang rút ra những sự so sánh nữa rồi. Tôi đang nghĩ đến việc mình có thể nói đủ điều về Chernobyl, nhưng lại không thể nói được gì về cuộc bao vây thành Leningrad năm xưa. Mới rồi họ có tổ chức một cuộc họp mặt “Những đứa trẻ ở Leningrad bị phong tỏa“. Tôi cũng được mời và đã có mặt. Nhưng tôi không cách gì nặn ra được một chữ để phát biểu trong lúc ở đó. Chỉ kể về nỗi sợ hãi ư? Như thế không đủ. Chỉ về sự sợ hãi – ở nhà chúng tôi không bao giờ được phép nói về cuộc phong tỏa ấy, vì mẹ tôi không muốn chúng tôi nhớ đến những năm tháng ấy làm gì. Nhưng chúng tôi lại nói về Chernobyl. Ồ không {Ngưng lại}. Chúng tôi không nói chuyện đó với nhau, mà chỉ là cuộc đối thoại khi tiếp xúc với những người từ bên ngoài đến: người ngoại quốc, ký giả, họ hàng ở xa. Ở trường học, không ai bàn tán gì về sự kiện Chernobyl, nhưng khi đám học trò được đi ra nước ngoài thì chúng kể hết mọi chuyện chúng biết được. Chúng đi Áo, đi Pháp, đi Đức. Chúng đến đó để chữa bệnh. Tôi có dịp hỏi mấy đứa nhỏ về nội dung những cuộc đối thoại của người dân những xứ đó với chúng, điều gì làm họ quan tâm nhất khi gặp gỡ người đến từ Chernobyl. Nói chung thì chúng chẳng nhớ nổi địa danh nơi chúng đến, tên họ người chủ nhà nơi chúng tạm trú ngụ, nhưng lại nhớ rất rõ những món quà chúng nhận được, những thứ thức ăn thơm ngon chúng đã được ăn. Có đứa còn được cả máy hát băng. Chúng trở về nhà trong những bộ quần áo mà bố mẹ chúng không bao giờ có đủ khả năng mua sắm. Giống như là người ta đem chúng ra triển lãm vậy. Đến giờ, chúng vẫn cứ trông chờ sẽ có người đến đem chúng đi ra nước ngoài lần nữa. Sẽ lại được ăn mặc đẹp, được nhận những món quà. Chúng quen như thế rồi, và đó đã là một cách sống, một cách nhìn thế giới bên ngoài. Sau cái kinh nghiệm “đi nước ngoài“ khó quên ấy, sau cuộc trình diễn đắt tiền ấy, lũ trẻ phải quay lại trường học ở quê nhà. Trong lớp, tôi nhận ra học trò của mình giờ đã là những kẻ có óc quan sát. Tôi dẫn chúng đến phòng làm việc của mình, chỉ cho chúng xem những bức điêu khắc bằng gỗ tôi đã thực hiện. Lũ trẻ thích lắm. Tôi bảo: “Các em có thể tự mình làm được những thứ như thế này chỉ bằng những mẩu gỗ đơn giản lấy từ thân cây. Hãy thử làm đi!“. Nhờ lũ học trò, tôi như vừa thoát khỏi cơn ngủ vùi dằng dặc, cùng với cảm tưởng mình đã ra khỏi bóng tối của cuộc phong tỏa thời chiến tranh mà nhiều năm nay tôi bị nó ám ảnh.

Chúng tôi ai cũng sống lặng lẽ. Không ai kêu gào, không ai than thở. Và luôn luôn nhẫn nại. Bởi vì chúng tôi chưa tìm ra lời để nói. Bởi vì chúng tôi sợ hãi mỗi khi định lên tiếng. Bởi vì chúng tôi không biết phải lên tiếng như thế nào . Chúng tôi đang sống qua một thời đoạn không bình thường, nên những vấn đề từ đó nẩy sinh cũng không bình thường. Thế giới đã chia ra làm hai phía : Phía bên chúng tôi, những người của Chernobyl, và phía bên quý vị, những người không thuộc về Chernobyl. Bà có nhận ra không ? Ở đây không có ai bảo mình là người Nga, người Belarus hay người Ukraine cả. Chúng tôi tự gọi chính mình là người Chernobyl. “Chúng tôi ở Chernobyl“. “Tôi là người Chernobyl”.

Như thể người ở Chernobyl là một dân tộc riêng biệt. Là một quốc gia mới lập.

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search