T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Ai biểu tài khôn

Cặp Đôi – Tranh: BẢO HUÂN

Tôi gọi anh là anh Hai theo cách gọi của em gái anh, cũng là cô bạn văn thuở học trò của tôi dù tên anh khá đẹp.

Anh có ngoại hình không được bảnh bao lắm. Chiều cao trung bình, hơi gầy, tuổi chưa bao nhiêu mà vầng trán đã lấp lánh những hạt sương bóng lưỡng, hứa hẹn tương lai sẽ có một mái “tóc gió thôi bay”. Ở anh, tôi không tìm thấy đặc tính của con trai Bắc thường được mọi người mô tả “các chàng có lối nói chuyện ngọt ngào, khéo léo” mà bọn con gái chúng tôi thường khen là dẻo miệng. Cách nói chuyện của anh ngắn gọn, khô khan và đôi khi thẳng thừng kém tế nhị. Anh cũng không hề biết (hay không muốn) ga lăng với phụ nữ. Tóm lại, khi đứng giữa đám đông toàn phái nam thì anh vẫn đứng nhất từ dưới đếm lên. Thế nhưng, dù anh xấu hay đẹp, có tài ăn nói hay không thì anh vẫn giống người con trai khác là biết chiêm ngưỡng nét đẹp của phụ nữ và biết yêu dù chỉ là yêu thầm nhớ trộm.

Đó là lý do anh thường xuyên đến thăm tôi vài lần trong tuần vào những buổi tối và hay nhằm lúc cả xóm đang ngồi ngoài bãi sân rộng để họp tổ dân phố. Dĩ nhiên, khi anh đứng trước cửa bấm chuông và tôi hí hửng chạy ra đón anh với thái độ niềm nở thì tránh sao các bà tám không xì xào bàn tán. Có lần má tôi hỏi:

-Thằng Quân rảnh lắm sao mà cứ tối tối lại lò dò qua đây.

Tôi buồn cười khi thấy nét mặt hình sự của má:

-Sao vậy má? Anh em với nhau, ảnh đến thăm con mà.

Má thở hắt ra:

-Mấy bà hàng xóm nói nó là bồ của con đó.

-Ủa! thì có sao đâu.

Với cái nhíu mày khó chịu, má liếc tôi.

-Con gái phải đàng hoàng, đừng có quen tùm lum tà la…

-Hổng thôi người ta cười phải không má?

Tôi thừa biết má muốn nhắn nhủ gì với tôi. Những người hàng xóm ở đây lâu năm với tình thân đậm đà đều biết tôi đã có bồ. Và chàng của tôi là “anh tiền tuyến”, biền biệt suốt tháng quanh năm, để “em hậu phương” là tôi ngày qua ngày chỉ biết vò võ trông thư với nỗi buồn lẻ bóng. Mà… cho dù thế nào thì chàng cũng chỉ là bồ thôi chứ có phải là chồng đâu mà mọi người cứ muốn tôi phải “tiết hạnh khả phong”. Gặp tôi ở đâu các bác cũng nhiệt tình hỏi thăm chàng (còn nhiệt tình hơn cả  “Người yêu của lính”) và xa gần nhắc nhở “Cái thằng dễ thương quá con à! tội nghiệp tuổi trẻ bây giờ, làm lính quanh năm nơi rừng sâu núi độc, gian nan, cực khổ…  vậy mà nó vẫn đẹp trai đó chứ, ráng giữ nó nha con”. Ui! bác nhắc tôi ráng giữ chàng nhưng rõ ràng bác đang giữ tôi dùm chàng…

Nghĩ đến đó tôi suýt bật cười nhưng để má an tâm tôi nói:

-Má đừng lo, con gái của má chung tình lắm. Vả lại, anh Quân đâu phải là “gu”của con.

Má im lặng nhưng ánh mắt của má dường như đang ẩn chứa một sự nghi ngờ. Thật ra, sự nghi ngờ của má tôi không phải vô lý khi má đã từng chứng kiến tôi và anh Hai rù rì có vẻ tâm đắc.  Nhưng có gì lạ đâu khi anh Hai đang mang bầu tâm sự, mà tôi là con nhóc tuổi đời vừa quá đôi mươi lại cứ tưởng mình có đầy kinh nghiệm tình trường nên tự đánh giá mình có tài vẽ đường, chỉ lối cho những ai tơ lòng đang rối ren mà không biết làm sao giải quyết.

Một năm trước, Hòa -em gái của anh Hai- rủ tôi tham gia nhóm cô vừa thành lập. Khi thuyết phục tôi, Hòa nói “Bồ vào nhóm văn thơ của mình cho vui nhé”. Gì chứ nghe đến hai chữ thơ văn là tôi sa ngã ngay lập tức. Đến khi gia nhập “băng đảng” một thời gian ngắn thì tôi mới biết nhóm gồm mười lăm mạng nhưng chỉ có Hòa, Liên và tôi đang tập tành viết lách và thỉnh thoảng có bài viết xuất hiện trên vài tờ báo ở Saigon thời bấy giờ. Số còn lại chỉ muốn mở rộng sự giao thiệp và có cơ hội gặp gỡ những người cùng trang lứa để cùng nhau ngao du khắp nơi. Phần tôi, được dịp quen biết thêm bạn bè để vui chơi cho quên nỗi buồn ngày tháng cũng là điều tốt nên tôi chẳng phàn nàn. Điều thú vị nhất là tôi tình cờ khám phá ra một nam thanh, nữ tú nào đó trong nhóm kín đáo đá lông nheo với nhau rồi chẳng bao lâu thì kết thành đôi, thành cặp. Trong sự tình cờ ấy, đôi lần tôi bắt gặp anh Hai cũng tận dụng nội công để làm công việc đó nhưng khổ nỗi lông nheo anh rụng gần hết mà tấm chân tình anh trao đi không được hồi đáp. Và “Buồn như ly rượu đầy, không có ai cùng cạn” anh đành chọn tôi, rụt rè thố lộ nỗi lòng.

-Anh thích Liên nhưng không dám nói.

Trời! sao anh lại chọn ngay cô nàng đẹp nhất, chảnh nhất và đào hoa nhất.  Vậy thì đây là cái “ca” khó nhất cho em đó anh Hai. Tôi than thầm và nói:

-Nếu không dám nói thì anh viết thư đi. Viết thư có cái lợi là anh sẽ bày tỏ được tấm lòng của mình nhiều hơn, mùi mẫn và lâm ly hơn. Đây còn là cách dễ dàng đánh gục đối phương nữa, vì nhiều khi mặt đối mặt anh bị run và hồi hộp, lỡ bị cà lăm ngay giờ phút thơ mộng đó thì tình của anh sẽ trở thành tình lọng ngọng… hết phen cứu chữa!

Lời hăm he của tôi làm anh Hai bối rối hơn:

-Nhưng anh không biết viết làm sao!

-Nghĩ sao viết vậy. Biết đâu khi ngồi xuống bàn với tấm ảnh của Liên trước mặt (xin nói rõ là ảnh của cả nhóm chứ không phải ảnh riêng của Liên) anh sẽ cảm động và xuất khẩu thành thơ luôn. Ha!ha!! bất ngờ đó nhe. Ai biết được phải không anh?

Anh cười buồn bã:

-Không dễ chút nào, vì anh đâu phải là văn sĩ như em.

Ôi chao, được phong làm văn sĩ bởi một người vốn ít nói -mà lời của người nói ít luôn có giá trị- tôi cảm thấy mình bỗng trở thành sáng chói, nên không ngần ngại đưa vai “gánh bàn độc mướn”.

-Vậy anh có muốn em viết dùm anh không?

 Buồn ngủ gặp chiếu manh, anh hớn hở ra mặt.

-Nếu được vậy thì anh cám ơn em nhiều.

Thế là tối hôm ấy tôi thức đến nửa khuya và hoàn tất bức thư tình có một không hai (đến nỗi sau này nhớ lại tôi giật mình, vì làm sao Liên có thể tin những lời thư lãng mạng ấy là của anh Hai, người thường hay phê phán “cải lương thấy mồ” khi nghe những lời hát tình tứ mượt mà).

 Hai hôm sau, tôi một mình làm anh hùng xa lộ cưỡi Yamaha chạy tuốt lên Biên Hòa để đến nhà Liên. May mắn, Liên có mặt ở nhà và đón tôi bằng sự ngạc nhiên. Sau một hồi trò chuyện dông dài về những cặp đôi trong nhóm, tôi mạnh dạn hỏi:

-Liên có biết anh Quân thích Liên không?

Liên gật đầu. Tôi bồi hồi hỏi tiếp:

-Bao lâu rồi?

-Ba năm.

Bỗng nhiên tôi lại thận trọng:

-Liên nghĩ sao về anh Quân và tình cảm anh dành cho Liên.

-Không nghĩ sao hết.

Ủa, sao trớt quớt vậy ta?. Nhưng đã phóng lao thì phải theo lao.

-Liên chê anh Quân ở điểm nào?

-Điểm nào cũng chê hết.

Ôi! tội nghiệp anh Hai của tôi. Nhớ đến một câu danh ngôn nổi tiếng “Người phụ nữ có cái sai lầm là chỉ lấy người họ yêu chứ không lấy người yêu họ”, tôi lân la dò hỏi để có cơ hội thuyết phục.

-Quan niệm tình yêu của Liên như thế nào?

-Liên sẽ chấp nhận tất cả dù hoàn cảnh nào nếu lấy được người mình yêu. Còn ngược lại thì Liên sẽ lấy một người chồng thật giàu rồi mỗi người sẽ sống theo cách của mình, kể cả chuyện liên hệ tình cảm với người khác.

Với một chút choáng váng tôi ngỡ ngàng nhìn Liên. Lúc ấy, tôi chỉ là cô sinh viên ngây ngô đang say đắm trong mối tình thơ mộng với một chàng thiếu úy mới ra trường, nghèo xơ xác đang nhận nhiệm vụ ở  vùng đất xa lạ với bao hiểm nguy rình rập từng bước chân. Một cô gái đang sẵn sàng “chết cho tình yêu” như tôi làm sao có thể chấp nhận ý nghĩ quá thực tế và có phần phũ phàng của Liên. Không can đảm đưa thư cho Liên, dù lá thư ấy do chính tôi thảo ra để anh Hai viết lại nhưng nó chứa đựng cả một tình yêu sâu đậm tôi liền chuyển câu chuyện sang đề tài khác rồi rút lui nhanh chóng.

Thất bại trong nhiệm vụ bắt một nhịp cầu, tôi sợ phải nhìn thấy vẻ mặt thất vọng của người anh mà tôi dành nhiều cảm mến nên lặn luôn mà không hề nghĩ rằng sự im lặng của mình đưa đến một hiểu lầm và sau đó tôi thật bàng hoàng khi nghe anh Hai nói với người khác rằng anh đã thật lòng tin tôi, còn tôi thì lại vẽ chuyện để đùa cợt, chế giễu tình cảm của anh. Ôi, thật là oan ức cho “bà mai”.

Không biết chuyện này có đến tai Liên không nhưng hai mươi năm sau, khi tôi đang ở Mỹ thì bất ngờ nhận được thư của Liên. Cô tâm sự “Sau cuộc đổi đời mình vẫn cô đơn và hiện nay đang sinh sống bằng nghề may bất đắc dĩ. Ngày ngày ngồi trong tiệm nhìn ra đường thấy từng đôi nhân tình trẻ đi ngang qua mà nhớ thời huy hoàng đã xa. Cái thời mà mình từng làm điên đảo biết bao anh chàng”.

Thế rồi… anh Hai lặng lẽ rút lui khỏi nhóm và từ đó tôi cũng vắng mặt trong những buổi họp mặt cùng bạn bè. Người duy nhất tôi còn giữ liên lạc là Chơn. Chơn nhỏ hơn tôi ba tuổi, đang phục vụ trong quân đội. Ba tuổi, thật ra có là bao nhưng tôi lại lên giọng kẻ cả xưng chị một cách hiên ngang và Chơn cũng ngoan ngoãn đáp lại bằng tiếng em ngọt xớt. Đơn vị của Chơn ở vùng phụ cận của thành phố Saigon nên mỗi khi về thăm gia đình Chơn thường đến nhà tìm tôi cùng với người em họ. Dù không hào hứng lắm nhưng tôi vẫn đủ lịch sự để đôi ba lần nhận lời đi quán café với hai anh em của Chơn. Một lần, trong lúc Chơn ra quầy trả tiền, em của Chơn nói nhỏ vào tai tôi:

-Anh Chơn thích chị lắm.

-Ừ! chị cũng thích “cậu nhóc” này lắm.

Tôi rất vô tư trong câu nói đùa ấy nhưng kết quả là vài ngày sau tôi nhận được thư của Chơn. Trong lời thăm hỏi thông thường, thư có một đoạn làm tôi ngỡ ngàng “Tối hôm qua ngủ muộn vì suốt ngày làm việc mệt nhoài nhưng sáng dậy lại thấy mình tươi khỏe lạ thường, chắc nhờ trải qua một giấc mơ đẹp. Trong mơ, em thấy hai chị em mình đi café. Vẫn là chị với quần loa, áo sơ mi săn tay cùng chiếc nút áo trên cùng bỏ lỡ, hai tay thọc trong túi quần trước. Những bước chân chậm rãi làm chị có vẻ ngông ngênh nhưng em thích vì nhìn chị dễ thương như thiếu nữ mười sáu”. Tôi băn khoăn xếp bức thư cho vào ngăn kéo vì không có ý định hồi âm.

Chơn lại đến tìm tôi trong tuần lễ kế tiếp và may mắn thay tối hôm ấy tôi đi vắng. Rồi tháng 4 đến. Những xáo trộn bàng hoàng trong cuộc sống thường nhật đã làm bạn bè cũ phân tán mỗi người một nẻo.

Một năm sau, trong lần tình cờ theo Nương -cô bạn đồng nghiệp nhỏ tuổi- vào quán nước bên đường tôi nhìn thấy Chơn với chiếc đàn guitar trên tay và đôi mắt khép hờ, miên man thả hồn theo giòng nhạc chứa chan cảm xúc.

Ngày nào cho tôi biết,
Biết yêu em rồi tôi biết tương tư
Ngày nào biết mong chờ,
Biết rộn rã buồn vui đợi em dưới mưa..

Giọng hát trầm buồn, rời rã làm Nương chông chênh ngay phút giây bắt gặp. Cô bạn nhỏ bộc lộ không e dè:

-Em thích giọng hát và phong cách quyến rũ của anh chàng này. Tuyệt vời.

Hai bàn tay đưa lên cao, tiếng vỗ tay đôm đốp của Nương khi tiếng nhạc chấm dứt làm Chơn ngẩng đầu hướng về phía chúng tôi. Một chút sững sờ, mừng vui trong ánh mắt, Chơn buông đàn bước đến bàn chào tôi với nụ cười ấm áp:

-Bất ngờ quá!

-Chơn vẫn khỏe?  

-… Cho em ngắm một chút. Chị vẫn như ngày nào, không thay đổi.

Cúi đầu chào Nương sau lời giới thiệu của tôi, Chơn từ tốn nhưng rất tỉ mỉ khi hỏi han về công việc và những gì đã xảy ra trong cuộc sống của tôi thời gian qua.

Trên đường về, Nương nôn nả căn dặn tôi sắp xếp thời gian để đến dự ngày khai trương tiệm cáfe theo lời mời của Chơn và ngỏ ý muốn được kết thân với Chơn. Nương tự nhiên và thành thật bày tỏ sự cảm mến đặc biệt đã dành cho Chơn. Còn tôi, trong lúc hứng thú bỗng buông lời hứa hẹn không tính trước.

-Lần gặp sau chị sẽ làm mai Nương cho Chơn, chịu không?

Nương gật đầu một cách đắc ý:

-Sợ gì mà không chịu.

Lần gặp lại cho dù tôi cố ý nói về Nương bằng những lời tốt lành và hay ho nhất, dù Nương gắng sức thu phục Chơn bằng những lời lẽ thật nhẹ nhàng, thân mật nhưng Chơn chỉ chú tâm đến tôi với những thắc mắc có lẽ đã giữ trong lòng rất lâu.

-Bồ của chị sao rồi?

-Đang đi học tập.

-Bao giờ về?

-Không biết!

-Rồi chị tính sao?

-Vẫn chờ.

-Nếu anh ấy không về thì sao? chị còn tuổi xuân, còn phải lập gia đình.

-Chị sẽ không lập gia đình nếu chuyện của chị và anh không thành.

Chơn cúi đầu châm điếu thuốc rồi nhìn tôi bằng ánh mắt thiết tha:

-Ngày trước em thích chị nhưng bây giờ em sợ chị.

-Sợ gì? Chị dữ lắm sao?

-Không, em sợ tình yêu của chị.

Tôi bối rối nhìn Chơn. Để thoát khỏi cảm giác kỳ lạ ấy tôi quay sang Nương nhưng chỉ kịp nhìn thấy cái dáng hấp tấp của Nương đang bước ra cửa. Hôm sau, tôi nhận được mảnh giấy cài trên xe “Chị hứa làm mai nhưng thật ra chỉ là muốn con nhỏ này chứng kiến sự si tình của anh chàng đó dành cho chị.”

Trái tim như thót lên, tôi chạy đi tìm nhỏ bạn thân đang làm việc ở phòng bên cạnh để giải tỏa nỗi hàm oan. Nó nhún vai cười rồi nghiêm mặt hạ đòn:

-Ai biểu tài khôn… cho bỏ cái tật ham làm mai.

Ngân Bình

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search