T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: Phía Sau Nỗi Đau

Khung cửa hẹp –
Tranh: Hoàng Thanh Tâm

“Đám cưới của con và Đông sẽ được hủy bỏ. Xin lỗi, con đã gây phiền hà cho ba mẹ vì quyết định đột ngột này”.

Dán mảnh giấy nhỏ lên tủ lạnh, tôi kéo chiếc vali con ra khỏi nhà, bỏ lại sau lưng những tiếng la hét đinh tai, nhức óc.  Từ bé đến lớn, tuy đã chứng kiến hàng trăm lần cuộc cãi vã của  ba mẹ, nhưng chưa lần nào tôi xấu hổ và đau khổ như hôm  qua, khi Đông nhìn tôi bằng ánh mắt thoáng nét giễu cợt:

-Liệu chừng khi sống chung, mỗi khi cãi nhau, em có gọi anh bằng mày giống mẹ của em không?

Đông hất mặt về phía phòng ăn với cử chỉ  -theo tôi- hình  như có chút khinh miệt. Tôi bất mãn và bực dọc vì sự vô ý, bất cẩn của ba mẹ. Tôi nghĩ, ít ra ông bà cũng phải giữ gìn ý tứ trước mặt người con rể tương lai, để còn được Đông kính trọng. Rồi tôi  giận lây sang cả ông trời, sao lại đổ mưa  bất ngờ để Đông không thể ra về trước khi cuộc chiến của ba mẹ tôi bắt đầu, mà nguyên  nhân không có gì ghê gớm, chỉ là xếp chỗ ngồi cho bà con bên nội, bên ngoại  trong tiệc cưới sắp tới của tôi và Đông. Ba mẹ, ai cũng cho là bà con của mình đáng được ngồi ở hàng ghế danh dự hơn, còn bên ông (hoặc bên bà) có gì mà phải ăn trên, ngồi trước. Nhưng điều kinh khủng nhất là tiếng xưng hô mày, tao cùng những ngôn ngữ thô lỗ, cộc cằn. Tôi  đã từng tự hỏi,  lúc ngọt ngào gọi anh, xưng em với nhau, ba mẹ có chợt nhớ lại những lời nặng nề  đã nói với  vợ (chồng) mình mà  cảm thấy ngượng ngùng không? Và câu trả lời của tôi là không. Vì nếu có, thì sự thể đã không đều đặn tái diễn trong suốt mấy mươi năm nay.

Tôi nhớ, có lần Ánh Linh gào lên trong nước mắt khi cuộc cãi vã xảy ra trong tiệc sinh nhật của nó có đông đảo bạn bè đang tham dự “Con lạy ba mẹ, ba mẹ đừng gọi nhau bằng mày tao nữa, con xấu hổ lắm”. Nhưng ba mẹ tôi chẳng bao giờ biết kềm chế cơn giận dữ. Bất cứ nơi nào, lúc nào, có mặt ai hay không, nếu cần trút cơn giận dữ thì cứ thản nhiên gấu ó, không cần giữ gìn thể diện của nhau hay tội nghiệp con cái phải  buồn, phải thẹn.

Thường khi, tôi cứ vào phòng đóng cửa lại hay lấy xe đi đâu đó để  ba mẹ tự do đấu đá nhau. Chị em tôi gần như chai đá trước những trận chiến không phân thắng bại ấy từ bé, nên chẳng cảm thấy gì ngoài cảm giác chán chường. Nhưng lần này, câu hỏi của Đông như một cú đá thốc vào người tôi. Cái cảm giác bị khinh khi, xem thường làm cơn giận của tôi chợt bốc lên ngùn ngụt. Tôi nhìn Đông bằng ánh mắt gay gắt và hỏi một câu đáng lẽ không nên hỏi:

-Giống thì sao? từ hôn hả? Nếu anh muốn thì cứ làm đi, đây không cần ai hết.

Cái vẻ hùng hổ của tôi làm Đông hơi bất ngờ. Hình như Đông định nói một điều gì đó, nhưng sau cái mím môi  anh nhún vai bước ra ngoài không một tiếng chào. Tôi xô mạnh cánh cửa, cũng không biết vì giận ba mẹ, tức tối Đông hay  căm ghét  chính tôi, khi nhận ra cách nói năng của mình sao hệt khuôn mẹ lúc nghênh ngang thách thức ba.

 ***

Đặt ly cà  phê bốc khói xuống chiếc bàn kê giữa  một rừng hoa xum xê, rực rỡ, nhưng đặc biệt chỉ có hai màu, chị Ánh Ly thích nhất là tím và vàng nổi bật, hòa lẫn vào nhau,  lòng tôi chợt dịu xuống. Mùi thơm thoang thoảng từ những đóa hoa hồng mang sắc tím phơn phớt cho tôi  cảm giác thật nhẹ nhàng, dễ chịu, dù suốt đêm qua, trong tâm trạng hỗn độn, bất an, tôi không chợp mắt dù chỉ một phút ngắn ngủi.

          -Vậy mà ba năm rồi. Mau quá phải không Liên?

          Chị Ánh Ly kéo ghế ngồi xuống cạnh tôi. Vâng! ba năm. Kể từ ngày chị theo chồng về thành phố núi non trùng điệp này, chị em tôi không có dịp gặp nhau. So với ngày trước, chị Ánh Ly xinh đẹp hơn nhiều. Khuôn mặt đầy đặn cùng làn da trắng mịn với nụ cười lúc nào cũng nở trên môi cho tôi biết chị đang có một cuộc sống tràn đầy hạnh phúc. Thật  sự, tôi không tìm thấy một chị Ánh Ly nghiêm khắc, lúc nào cũng quắc  mắt, toét miệng rày la những đứa em phá phách nghịch ngợm “Mấy đứa kia, có nghe tao nói hay không?”. Hoặc “Chúng mày có im ngay không, hay muốn tao tát mỗi đứa một cái cho vỡ mồm?”. Bây giờ tôi mới nhận ra một điều, chị  Ánh Ly không còn mày tao với tôi nữa. Tiếng xưng hô ngọt lịm và cách cư xử thật dịu dàng của chị làm tôi cảm thấy lạ lùng. Bắt đầu từ lúc nào vậy ta?

            Thấy tôi tủm tỉm cười, chị cũng cười theo với vẻ tò mò:

-Có chuyện gì thú vị mà cười một mình thế? Nói cho chị nghe được không?

Sợ chị ngượng ngùng tôi không dám nói thật ý nghĩ của mình.

-Nhìn chị, em nhớ ngày trước, mỗi lần tụi em làm sai chuyện gì là chị xén áo, một tay chống nạnh, một tay cầm cây roi, quát tháo ầm ĩ. Tụi em hay lén gọi chị là bà chằn lửa. Đâu ngờ bà chằn bây giờ lại dịu hiền, xinh đẹp quá.

Tôi âu yếm nắm hai bàn tay mềm mại của chị:

-Anh Bắc vẫn tốt với chị như hồi chưa cưới chứ? Anh chị hạnh phúc lắm phải không?

Chị gật đầu, đôi mắt long lanh niềm cảm xúc:

-Thật ra, hai người xuất thân từ hai gia đình khác nhau  từ nếp sống đến lối suy nghĩ, để có được cái hạnh phúc ngày hôm nay cũng phải trải qua nhiều thử thách, sóng gió. Nhớ thời gian đầu chung sống, chị cứ quen thói quát tháo đàn em, nên cứ điều gì không hài lòng là chị làm ầm ĩ. Anh Bắc không nói gì, chỉ im lặng nhìn chị. Cái nhìn lạ lẫm như đang tò mò muốn khám phá một người từ hành tinh khác làm chị cảm thấy quê. Từ đó, chị cố gắng tự nhắc nhở và kềm chế mình.

Tôi thập thò dò hỏi:

-Em nhớ khi chưa cưới chị anh Bắc thường tới nhà chơi. Vậy, có lần nào anh gặp ba mẹ cãi nhau không?

Chị Ánh Ly thở dài:

-Không gặp, nhưng có nghe khi vừa tới cửa.

-Rồi sao?

Thấy vẻ nôn nóng của tôi chị bật cười:

-Thì sao nữa, chạy một mạch về nhà không dám quay đầu lại.

-Nhưng anh Bắc có nói gì về những điều anh nghe được không? Anh có phân vân khi quyết định cưới chị không?

– Anh Bắc có nói với chị,  hy vọng em không giống mẹ và anh không giống ba của em.

Tôi nhấp nhỏm trên chiếc ghế mây:

-Anh Bắc nói như thế là có ý chê bai và xem thường ba mẹ mình. Rồi chị trả lời sao? Chị có giận không? 

Trái ngược với thái độ tức tối của tôi, Chị Ánh Ly nhẹ nhàng lắc đầu:

-Chị không giận mà xấu hổ. Vì điều anh Bắc nói là sự thật. Chẳng phải chị em mình đã nhiều lần than thở với nhau về hành động của ba mẹ sao? Chính em cũng đã từng nói  “Chị em mình đứa nào cũng dữ dằn, ngang ngược. Cũng tại ba mẹ làm gương xấu cho con cái!”

Tôi ngoe nguẩy giận dỗi:

-Tuy là vậy, nhưng em không chấp nhận người khác, nhất  là con rể phê phán ba mẹ mình.

-Chính vì thế mà em quyết định hủy bỏ hôn lễ với Đông?

Tôi quay đi, im lặng trong sự bực bội. Chị Ánh Ly vẫn ôn tồn:

– Đó là cái lý của em. Em luôn bảo vệ người thân của mình, bất chấp điều đó có đúng hay không. Nhưng chị cũng có cái lý của chị. Chị nhận ra cái sai, cái dở của ba mẹ và cố tránh, không lặp lại điều đó. Chị hoàn toàn không giận Bắc khi anh phê phán những cái không tốt của chị. Miễn là những lời ấy mang thiện ý xây dựng chứ không phải xuất phát từ ý muốn chỉ trích. Chị rất cám ơn anh Bắc, vì nhờ đó mà chị thay đổi rất nhiều.  Bằng chứng là em vừa khen chị nói năng ngọt ngào, dịu dàng chứ không  giống bà chằn lửa như ngày trước. Có điều, chị muốn em hãy nhìn vào thực tế. Em có biết là em đã đi ngược lại cái lý bảo thủ của em bằng quyết định hủy bỏ hôn lễ. Hãy thử nghĩ, ba mẹ phải ăn nói sao với gia đình Đông và phải trả lời thế nào với  bao nhiêu câu hỏi của họ hàng thân quyến. Nhưng điều quan trọng nhất là em tự đánh mất hạnh phúc của chính em chỉ vì tự ái, mà đối với chị, tự ái đó em đã đặt không đúng chỗ. Em hãy bình tâm suy nghĩ  lời chị nói.

Chị Ánh Ly đứng lên, vỗ nhẹ lên vai tôi khi nghe tiếng anh Bắc gọi từ phía trong. Xuyên qua làn kính mỏng, tôi thấy anh Bắc trao bé  Lyly qua tay chị Ánh Ly và bước ra cửa, sau khi đặt một nụ hôn dài lên trán chị. Cái cảnh đầm ấm hạnh phúc ấy khiến lòng tôi nao nao buồn. Tôi nhắm mắt lại và hình dung khuôn mặt của Đông cùng những dòng chữ cay đắng đã gửi cho anh.

“Anh may mắn được sinh ra trong một gia đình hòa thuận. Bố mẹ anh lúc nào cũng yêu thương và tôn trọng nhau. Ngược lại, ba mẹ em thường xuyên bất hòa và bất nhã đối với nhau.  Nhưng dù thế nào em cũng không muốn bất cứ một ai xem thường ba mẹ em, nhất là anh với thân phận con rể. Em quyết định hủy bỏ hôn lễ để anh thấy rằng, đối với em, ba mẹ em vẫn là người quan trọng nhất”.

***

Tôi ngã bệnh ngay ngày đám cưới của Đông. Giấu sau nụ cười tươi tắn mà tôi cố tạo ra  -khi nhìn  mẹ nước mắt chảy quanh, thấy ba ôm đầu hối tiếc- là nỗi đau của trái tim vỡ vụn. Đông đã bước ra khỏi nhà tôi ngày hôm đó và không một lần quay trở lại  -như  câu nói anh gửi gấm qua bạn bè “Cô ta không cần tôi, chẳng lẽ tôi cần cô ta?”.

Tôi đã tự đánh mất cái hạnh phúc mà  bàn tay tôi đã chạm tới vì một lời thách thức ngu xuẩn. Nhưng đổi lại, ba mẹ tôi đã nhìn thấy những khuyết điểm của mình sau biến cố đau buồn đó và gia đình tôi  thật sự có được sự  êm ấm hạnh phúc mà từ lâu chị em tôi hằng mong uớc. Âu đó cũng là niềm an ủi lớn lao trong sự mất mát tình cảm cũng lớn lao không kém của tôi.

Ngân Bình

©T.Vấn 2022

Bài Mới Nhất
Search