T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngân Bình: TÔI ĐI COI BÓI

Ảnh (damri.edu.vn)

Chuyện đã cũ…

 Sáng hôm kia, nhỏ bạn (“nhỏ” không còn trẻ, nhưng đã quen gọi từ khi học chung lớp đệ thất) gọi điện thoại chê thẳng thừng:

-Ê! đọc xong truyện của mi ta mệt cả ngày.

-Gì kỳ vậy? chữ nghĩa chứ có phải là búa, là rìu khiến mi phải lao động chân tay đâu mà mệt. Vu khống vừa phải thôi nha.

-Đúng vậy, nhưng chữ nghĩa khiến người ta phải rơi lệ, tâm trạng u buồn thì làm sao khỏe được. Nghe nói, ông xã mi cũng càm ràm chuyện “kể xấu đàn ông” của mi, vì sợ người ta nghĩ người trong truyện là ổng.

Tôi bật cười:

-Không sai! nhưng truyện ta viết là dựa theo những câu chuyện có thật do nhân vật chính kể lại, nên không thể sửa.

-Ta có lạ gì cái tính thương vay, khóc mướn của mi. Ai kể chuyện vui thì mi để ngoài tai, ai kể chuyện buồn thì mi vểnh tai nghe không sót một chữ. Bởi vậy, hồi đó thầy bói nói mi có tính đa sầu, đa cảm vì trong tử vi, cung mệnh của mi có sao… sao… gì nhớ không?

-Chuyện cũ xì ai mà nhớ.  Bây giờ ta chẳng còn tin chuyện bói toán như xưa đâu.

-Ừ!  không biết sao hồi đó tụi mình mê coi bói quá, cứ nghe ai nói có bà thầy này hay, ông thầy kia giỏi là cắm đầu chạy đi tìm.

-Trăng sao gì, chỉ vì mình tò mò muốn biết tình duyên ra sao, tương lai mịt mờ hay tươi rói.

-Ha!ha!!! nhớ lại cũng vui hả?

Như chợt nhớ ra điều gì, nhỏ bạn reo lên:

-Ồ, hồi đó mi có viết bài kể lại chuyện tụi mình coi bói, nhớ không?

-À! hình như…

-Hình bóng gì… Ta nhớ, lúc trước mi kể hai bác sang đây có mang theo tập lưu trữ các bài đăng báo của mi ngày xưa. Ráng kiếm đi. Đọc lại chắc vui lắm.

Giọng nói nôn nóng của nhỏ bạn khiến tôi cảm thấy có chút hăng hái khi bước vào căn phòng bỏ trống, kéo từng ngăn tủ, giở từng thùng sách… Và thật thú vị khi tìm lại được một bài viết từ năm một ngàn chín trăm… lâu lắm, đăng trên báo Công Luận với bút hiệu là tên thật cộng thêm chữ Diễm (cái bút hiệu mà ngày xưa ba nhỏ bạn thân bàn tới, bàn lui rồi đặt cho tôi. Mới đầu chỉ có hai chữ, sau đó cộng thêm hai chữ nữa để theo kịp phong trào “tên 4 chữ”. Để bây giờ, lâu lâu tôi lại hỏi “Ê! hồi đó sao tụi mi đặt bút hiệu cho ta nghe cải lương quá vậy”. Hỏi để bị các nàng sỉ vả “Cải lương là bộ môn nghệ thuật cổ truyền của dân tộc mà bây giờ người ta đang cố gắng gìn giữ, sao mi dám chê hả. Ta nhớ, hồi xưa mi cũng thích cải lương…”. Á! chỉ một câu hỏi mà bị trúng đạn tứ phía. Xin lỗi, nãy nói lộn, giờ nói lại “Bút hiệu nghe cũng dễ thương hén”.

Bài viết với giọng văn mộc mạc, đơn sơ nhưng cả một trời kỷ niệm kéo về theo câu chuyện rất thật…

TÔI ĐI COI BÓI

Hình như con gái đứa nào cũng mắc một chứng bệnh rất ư là trầm trọng, chứng bệnh nan y không có thuốc nào trị hết. Đó là bệnh mê coi bói. Mà trong số những nàng mê coi bói nhất phải kể cả tôi.

Nhớ dạo còn học đệ nhất, nhỏ bạn dẫn tôi vào tận Chợ Lớn coi bói. Sau khi xào bài, bà thầy bảo tôi tay trái bắt một lá, tay phải bắt một lá rồi rải thành bốn hàng, sắp tới sắp lui, đếm lên đếm xuống một lúc, bà tằng hắng lấy giọng:

-Cháu tuổi gì?

Tôi nhìn bà và nói một cách trịnh trọng:

-Dạ, tuổi Dần.

Đôi mày bà nhíu lại, chắt lưỡi lia lịa làm tôi hoảng quá, chẳng biết đại họa gì đây.

-Chà! con gái mà tuổi Dần hả? đào hoa cao số, tuổi cháu phải lấy chồng trễ. Càng trễ càng tốt. Hăm bảy, hai tám gì đó, chứ hấp tấp lập gia đình sớm coi chừng gãy gánh giữa đường.

Nghe qua mà ruột gan héo hắt. Sao tôi lại vô phúc mang nhằm cái tuổi ác ôn này nhỉ? Tuổi Dần. Ai nghe cũng lắc đầu ngao ngán như thầm bảo, phải coi chừng con nhỏ này, coi vậy chứ dữ lắm. Cọp cái mà. Nếu tôi dữ dằn gì cho cam, đằng này người ta hiền như cọp giấy mà chịu mang lấy tiếng oan. Thế có khổ không chứ!

Có lẽ, nhìn thấy vẻ mày hoa ủ dột của tôi nên bà bèn đi một đường an ủi:

-Coi vậy chớ không sao, bởi nhờ phước đức của ông bà, cha mẹ nên số cháu về sau sung sướng, được nhiều người thương mến.

Chỉ vào lá bồi nằm bên cạnh lá đầm, bà thao thao:

-Bây giờ có một người thương cháu, hai người hạnh phúc lắm. Chà anh này coi bộ đào hoa dữ à. Ổng học giỏi lắm phải không?

Tôi tròn mắt nhìn đăm đăm theo ngón tay bà, chưa kịp trả lời bà đã nói tiếp:

-Để tui tả hình dáng ổng cho em nghe coi đúng không. Nè…, người cao vừa tầm, không mập, không ốm, nước da ngâm đen, khoảng hai bốn, hai lăm tuổi, đẹp trai lắm.

Ôi! đúng là mẫu người lý tưởng, nghe qua tôi phải một phát tương tư. Nhưng buồn năm phút, vì thực tế tôi chẳng có chàng nào. Người ta còn phòng không gối chiếc bà thầy bói ơi. Đành mất một trăm bạc mà chẳng trúng vào đâu. Đau thật!

Thế nhưng cái bệnh mê coi bói vẫn không chừa. Cứ nghe nơi nào coi bói hay là lại nôn nóng muốn đi xem cho bằng được. Có lần, tôi và ba cô bạn giữa trưa hè nắng gắt cháy da cũng can đảm xách nhau lên tận Hàng Xanh con bói. Hai trăm một quẻ. Đau ghê khiếp, thế mà vẫn cứ xem. Đến lúc xong xuôi, thấy chẳng hay ho gì cho lắm mới ngẩn người ra tiếc tiền.

-Xời ơi, biết vậy hồi nãy vọt ra xa lộ ăn mì cho sướng miệng.

Nhỏ Chi nhăn nhó thở than, trong khi tôi nhịp chân kể lể:

-Buồn cười ghê tụi mày. Bả bảo ta mũi to nên hay nói, không có gì giữ kín được, còn nhỏ Chi mũi be bé xinh xinh nên chuyện gì cũng vậy, thà mang xuống tuyền đài chứ không hé môi nói với ai nửa lời. Vậy… sao những bí mật của nhỏ ta đều biết. Nào là anh chàng sinh viên y khoa theo nhỏ tò tò, nào là anh chàng nhà đối diện cứ nhìn nhỏ cười duyên… nào là… ui da.

Chi đấm cho tôi một phát vào lưng. Trong khi tôi xuýt xoa đau đớn, Khánh thủ thỉ:

-Ê! còn chỗ nào hay hơn không Lan?

Lan cười tươi tắn:

-Còn. Ta dắt tụi mi tới chỗ này, nghe dì ta nói hay lắm.

Lại hay! Ừ thì đi. Cả bọn lục đục kéo nhau về phía Phú Nhuận. Nhà của bà thày bói nằm trong con hẽm nhỏ. Hai chiếc Honda rồ hết ga chạy vào và thắng cái rụp trước cửa. Úi chà mệt gần đứt hơi. Thế mà đau khổ biết bao nhiêu khi bà thày bói đầu gọt láng o, chạy ra la hét ỏm tỏi:

-Trời ơi, sao vô đây mà không tắt máy đi bộ. Um sùm quá không để người ta ngủ.

Tôi vén tay áo xem đồng hồ. Trời đất, bốn giờ ba mươi phút rồi mà còn ngủ trưa. Sao cái xóm con con này lại sang thế nhỉ? Tức lắm mà cả bọn phải cười cầu tài. Nhưng chưa yên.

-Thôi về đi, không coi gì hết.

Bà xua tay lia lịa rồi đóng cửa rào, quay vào nhà. Chúng tôi đứng ngẩn ngơ giữa bao cặp mắt xót thương của “khách hàng” từ trong nhìn ra.

-Chao ơi, ni cô đó phải không Chi?

-Mô Phật, sao ni cô hiền quá vậy?

-Thì tại ni cô thấy mấy đứa này mê coi bói quá, nên cứ xài xể cho sướng miệng. Trông oai ra phết đấy chứ!

-Làm thầy bói trông cũng hách xì xằng mà lại lắm tiền nữa chứ.

Sau một hồi phê phán rất công minh, tôi bèn dõng dạc ra lệnh:

-Đã vậy không thèm coi bói nữa. Về!

Bốn kẻ “bại trận” thất thểu lê bước (à không, lê bánh xe) về nhà và “hứa” với nhau tuyệt đối không đi coi bói nữa (phải bảo là “hứa” chứ không dám nói “thề”, vì lỡ máu mê nổi lên bất tử, bị mắc lời thề thì chỉ có chết!)

Bẵng đi một thời gian khá lâu tôi chẳng còn nghĩ đến chuyện bói toán nữa. Tưởng đã yên, ai ngờ lò mò vào làm việc ở bộ Giáo Dục lại gặp những cô bạn mê coi bói giống mình. Thế là anh hùng chí lớn gặp nhau, nên một buổi sáng trời trong, mây tạnh, bốn chị em rủ nhau đi coi bói ở cầu Bình Lợi. Phải nói, tôi và Hải là hai cô nàng ngây thơ, vô tội vì chẳng biết nơi sẽ đến gần hay xa, trong khi chị Ngọc và Thơm cứ ỡm ờ trả lời:

-Gần tới rồi.

Ui chao là nắng. Nắng rát bỏng cả khuôn mặt thế mà vẫn chưa thấy gì ngoài chiếc cầu lù lù trên con sông nhỏ. Tôi và Hải lại một phen phát rét vì không quen đi cầu ván. Nỗi lo sợ làm hai chân tôi tê cứng. Hải ngồi ngoài sau, mắt nhắm lại, miệng cứ rên rỉ:

-Ghê quá. Hải sợ quá.

-Em đang run đây, đừng rên nữa?

Nói xong tôi cười sung sướng ở tấm ván cuối cùng. Thế là thoát nạn. Vào đến chỗ thì thấy những người “đồng bệnh” đang ngồi đầy trên những dãy ghế dài. Tôi lo lắng:

-Đông quá… làm sao bây giờ?

Hải cũng phát rét:
-Thôi về, kiểu này biết chừng nào mới tới phiên. Coi chừng Sếp đi họp về không thấy tụi mình, ổng “quạt” cho một trận, cúp luôn phép thường niên thì khổ.

Ừ nhỉ, bây giờ tôi mới nghĩ ra điều đó. Đang giờ làm việc lại xách nhau đi chơi (Ủa! đi xem bói để biết vận mệnh tương lai của mình ngày sau sẽ ra sao cũng là chuyện hệ trọng mà) thế nào cũng bị ông Chủ Sự giảng “moral” cho nghe suốt buổi chiều. Nhưng chị Ngọc thì cứ khăng khăng:

-Kệ. Đừng sợ, đã đi thì phải ráng chờ.

Tuy nói thế nhưng gương mặt đứa nào cũng đăm chiêu suy nghĩ. Sau cùng, Thơm đề nghị:

-Bây giờ về, 12 giờ trưa trở lại.

-Đồng ý.

Hai chiếc Honda lại lao vun vút để trở về “đường xưa, lối cũ”. Và buổi trưa hôm đó, bốn đứa bỏ ăn, bỏ ngủ giấc trưa, bắt đầu lại cuộc hành trình. Trời nắng như thiêu đốt, đường đá lởm chởm, cầu ván lắc lư. Bao nhiêu là khổ nhọc. Ôi! chứng bệnh mê coi bói đã đến thời kỳ trầm trọng, nó hoành hành bệnh nhân đến khổ sở vì nó.

Cứ tưởng đến nhằm giờ đó thì chỉ có bọn mình, ai ngờ cũng có hàng tá người ngồi chờ.

-Sao?

-Thì sao nữa, nhất định lần này phải coi cho bằng được.

Ơ hay! Chị Ngọc này lại còn mê đậm hơn cả tôi nữa chứ. Dù trong lòng rầu rĩ nhưng cũng phải kiên nhẫn ngồi chờ… kiên nhẫn để đi đến thành công mà lỵ!!!

Giờ phút hân hoan nhất là lúc ngồi trước mặt bà thầy bói, tay xòe bộ bài, vẻ mặt cực kỳ nghiêm trang, miệng lâm râm khấn nguyện. Nhìn tôi ngồi chễm chệ trên chiếc ghế ọp ẹp, chắc hẳn những người “đồng bệnh tương lân” với tôi thèm thuồng lắm.

Đến đây, tôi xin mở một dấu ngoặc để  chứng minh rằng, không những mấy đứa “cù lần” như chúng tôi mê coi bói, mà những cô cậu rất ư là “hippy” cũng chịu khó ngồi đợi một cách ngoan ngoãn và kỷ luật vô cùng. Nhìn đi, ngẫm lại thì cái bệnh mê coi bói như mình cũng chẳng đáng trách. Nghĩ thế, tôi nhìn Thơm cười tươi một phát trong khi chị chẳng hiểu gì cũng toét miệng cười theo.

Tuần tự từ đứa này đến đứa kia, chị em tôi được bà thày bói hâm nóng lại quá khứ, dọn ra cả một mâm tương lai hấp dẫn, sáng ngời. Nhìn chị Ngọc sụt sùi lau nước mắt, ba đứa tôi cũng thấy mủi lòng.

-Ủa sao thế?

-Chắc bà thày nhắc đến ông bồ hải quân của chị Ngọc, nên chị cảm động.

-Hay chị Ngọc đói bụng. Đúng rồi, nãy giờ có ăn gì đâu.

Thơm cốc đầu tôi một cái đau điếng rồi trợn mắt:

-Tầm xàm. Người ốm nheo nên lúc nào cũng nghĩ đến ăn.

Nhìn mình rồi nhìn sang thân hình quá ư tròn trịa của Thơm mà tôi thấm buồn vì câu nói đầy sự thật phũ phàng của chị.

Trên đường về tôi hỏi Hải:

-Đúng không Hải?

-Hơi hơi, còn Nguyệt?

-Cũng … hơi hơi.

Hai đứa cùng cười trong khi chị Ngọc và Thơm thì khen rối rít. Chợt nhớ… tôi bèn quay sang hỏi chị Ngọc:

-Ủa, hồi nãy sao chị khóc. Bộ bả nói chị sẽ gặp chuyện buồn hả?

-Hì! Hì, bả nói sau này ta sẽ được làm hạm trưởng phu nhân, mừng quá nên ta chảy nước mắt đấy mà.

Nhìn chị Ngọc cười sung sướng mà tôi vui lây. À! còn hai nhỏ bạn này thì sao? Tôi níu cánh tay Hải, tò mò hỏi:

-Vậy bà ấy có bảo sau này Hải làm đại úy phu nhân không?

Cái bậm môi đe dọa của Hải làm tôi cụt hứng.

-Hừ! con nít hỏi chuyện người lớn làm gì. Lộn xộn chiều nay ta không cho theo, tha hồ mà chờ đèn xanh, đèn đỏ.

Trong khi chị Ngọc và Thơm nhìn Hải khó hiểu, thì tôi quay đi che giấu nụ cười. Số là tôi và Hải về cùng đường, tính tôi nhút nhát, còn Hải thì gan cùng mình (không hổ danh “anh hùng xa lộ”), đèn vàng hay đèn đỏ vừa bật lên cũng vượt qua tỉnh bơ. Đã thế, còn quay lại ra lệnh cho tôi:

-Theo ta cho sát nha.

Tôi, phần sợ cảnh sát, phần lại cố bám theo “người tình sáu mươi ký lô” nên quên cả thắng tay, thắng chân, suýt chút nữa là nhào vô gốc cây nghỉ mát.

-Còn mi thì sao?

Tôi giật mình, nghĩ đến mục phu tử bà Thầy bói vừa nói. Theo bà, tôi sẽ lên xe hoa vào năm ba mươi lăm tuổi (đã bảo đào hoa cao số, con gái tuổi Dần phải lập gia đình muộn mới tốt). Ba năm sau tôi sẽ có đứa con đầu lòng và cứ thế, hai năm một đứa cho đến đứa con thứ chín. Số tôi sẽ nhờ cậy đứa con út.

Ối trời, tính đi, tính lại thì khi đứa con út ra đời tôi đã hơn năm mươi tuổi rồi còn nhờ con đằng nào nữa. Chắc bà thầy nói nhầm. Hay một năm ba đứa. Chết chửa! Tôi bụm miệng la lên và không dám nghĩ đến điều kinh khủng ấy. Mặc cho ba chị bạn gạn hỏi tôi cứ câm như hến và cười trừ mà trong bụng than thầm “Bói ơi là bói!”.

Ngân Bình

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search