T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi: MỘT ÔNG, HAI BÀ VÀ CON RA-CUN

Bà xé bịch bột nhỏ “cà phê-đường-sữa” nhập từ Việt Nam, cho vô cái ly to bà dùng hàng ngày, pha nước sôi tới quá nửa, rót thêm sữa tươi gần đầy. Múc thêm một muỗng sữa đặc quậy đều. Thế thôi, chứ không lỉnh kỉnh như mỗi khi ông uống cà-phê phin hồi mới qua.

Bà ngồi bàn ăn bận ipad, lâu lâu nhấp một hớp; thỉnh thoảng Bà ngước lên nhìn. Đối diện qua cửa sổ, cửa kéo, toàn kiếng sáng là vườn sau. Bà thích ngắm hoa, thích ăn rau. Một tay lựa chọn mua, xin giống, trồng, sắp xếp chỗ, tỉa lá úa, bông héo, pha phân, tưới, nhắm mắt bà cũng biết rau gì phát triển ra sao; hoa gì đang rộ, hoa gì sẽ nở kế tiếp, chúng thay phiên nhau từ cuối Xuân tới giữa Thu. Bà hài lòng với công sức, lớp lang của mình; không dễ gì mà các giống hoa thay nhau làm đẹp vườn suốt mấy tháng, rau ráng lúc nào cũng sẵn để cắt ăn.

Rau ráng và hoa lá sum suê là công trình của bà. Thành quả của bà! Ông chỉ được nhờ khi có việc gì cao, nặng. Ngay cả những “chuyên môn” đó ông làm cũng “trái mắt” bà, cứ quên trước quên sau, cực chẳng đã mới “sai”:

– Ông làm vậy thì được nhưng không đẹp!

– Khó coi quá!

– Như trả nợ quỷ thần!

Bà muốn cái gì cũng phải đẹp, ít ra cũng coi được; chớ xấu hay tầy huầy, dơ dáy bà không chịu được.

Ông ngồi bên ngoài, tựa vách khoảng giữa hai cửa, khói thuốc khi thấy trôi bên này khi bên kia dù bà biết ông không nhúc nhích. Biệt tài của ổng là có thể bất động suốt đời, nhìn mà không hề thấy ngay trước mắt là cả một vườn thượng uyển. Không khác máy hình trong phôn cài qua thế chụp ngược.

Bà bước tới kéo cửa, ỉm cái hắt-xì khi vừa chạm “không khí trong lành” quanh ông:

– Bụi mai tây mùa này được mưa được nắng đâm nhánh tùm lum, lá rậm quá, mưa trĩu xuống muốn che luôn tượng Phật ngồi trước, ông coi tém tỉa bớt giùm.

– Ờ. 30 giây.

– Mà ông ngắm cho cân cái, đừng cắt bừa, cắt trụi; Tết không có đủ cắm bình chưng.

– Yên chí. Chuyện nhỏ! Cứ ngồi ngó, em hết cà phê là anh xong.

– Nữa! Lại tính ẩu!

Ông đi lấy cái kềm tỉa, nhỏ cỡ bàn tay, bước tới góc vườn. Theo trục nhìn từ bàn ăn, cách mấy bước Ông đứng lại, nghiêng người qua lại ngắm nghía, tới gần, cúi xuống cung tay nhích tượng Phật, quay lại nhìn bà qua cửa sổ, nhìn lại mặt tượng, nhích trả nhẹ, quay lại nhìn bà, đứng lên, lùi, ngắm nghía. “Làm thì làm đại đi đừng trình diễn nữa Ông ơi!”.

Ông bước qua bước lại nhìn tán lá, gốc bụi “bộ ổng tính đốn tận gốc!”. Ổng vẹt lá, nâng cành bụi mai tây sau lưng tượng, khom người chui vô góc hàng rào hẹp; cái dáng gò lưng đút đầu chịu trận như thế kéo dài mấy phút như chú mục chớ nhìn gì mà lâu lắc. Bà kéo cửa tính bước ra hỏi. Sàn gỗ nhà bên có tiếng chân bà ấy. Thấy tóc vàng nâu của bả di chuyển sát hàng rào chung, cũng về góc sau ấy. Làm như ổng biết có hàng xóm đang ra dòm, quay lưng bước vội vô nhà.

Ông kéo ghế ngồi, tìm gì đó trong điện thoại, nếp nhăn giữa hai hàng lông mày nhíu thêm. Bà quay lại ngồi “gì vậy?”:

– Có con gì to, không biết là heo đất hay ra-cun, nằm trong góc!

Hai tay Bà chụp ipad lên, úp lên ngực:

– Gì!? Con gì? Sống hay chết? Ghê!

– Chắc chết…anh nhìn một hồi không thấy nó phập phồng. Anh đoán một là heo đất hai là ra-cun.

– To?

– Phải cỡ chục ký, nằm đưa lưng mập tròn.

– 10 ký?

– Bự, bự lắm. Để anh gọi hỏi họ.

Ông bật tiếng trên phôn để Bà cùng nghe:

“Hello! Sau nhà tôi có con ra-cun hay con heo đất rất to. Chết hay sống. Chắc chết. Ông phát giác ra nó hay trẻ con trong nhà. Tôi. Tôi muốn biết phải làm gì. Nếu nó chết, ông đeo găng tay hốt nó cho vào bao rác, 2 lớp, cho vào thùng chờ ngày đổ. Sau đó vất găng, vệ sinh cá nhân. Không nên để các cháu nhỏ thấy sự việc. Nếu nó còn sống, ông chuẩn bị cho nó một hướng thoát gần hướng thiên nhiên nhất rồi nhẹ nhàng xua nó đi. Trường hợp ông muốn chúng tôi cử người đến mang nó đi thì lệ phí là $79.99, trả thẻ, sẽ có người phôn lại hẹn giờ. Rõ rồi, thanks”.

Bà lên tiếng:

– Sao ông không trả tiền?

– Sao phải trả, chuyện nhỏ mà.

– Nhỏ sao còn phôn.

– Anh chỉ ngán mình rộn ràng, hàng xóm ai đó bao đồng, bấm phôn báo mình dã man với sinh vật này nọ, dưng không bị lên báo lại bị tù 6 tháng bị phạt bạc ngàn. Phôn là coi như có báo trước, sau có gì mình nói được, chắc ăn.

– Ông ưa làm lớn chuyện…à, mà … em ra coi được không?… À mà này, hồi nãy em thấy bà nhà sau ra gần đó dòm dòm đó…

– Chuyện nhỏ… coi làm gì, em hay sợ… ờ, thì ra… ra coi cho biết.

Bà đặt tay lên ngực, yên tâm là nhịp tim ok; theo ông ra ngoài, tự hỏi tò mò làm chi cho thêm mệt. Ông cung tay đẩy dạt cả mấy cành, bà không cần chui vô đã thấy con vật to, thân dài, tròn căng, nằm xuôi. Bà chuẩn bị tinh thần để nhìn một con vật gớm ghiếc, hôi hám, nanh vuốt; mà sao không thấy mình run sợ, không mắc ói; bà nhìn một lúc để chắc chắn là mình rất ổn, lạ! Bà còn biết là do ông đang vận sức dồn các cành mé này về phía kia, bà nghe nhịp thở nén và ngửi luôn mùi thuốc lá, cái mùi bà dị ứng. Ông thõng tay:

– Em vô nhà đi, để anh chuẩn bị.

Bà không vô, bước lại chỗ sát vách ông thường ngồi. Ông lần lượt bưng những chậu cây cả hai phía ra giữa sân; ông làm rất chậm, không gây một tiếng động. Bà tính lên tiếng lại thôi. Ông đi lấy xẻng, lấy cái cán dài của cây cào cũ, bao tay, bao rác. Ông dừng ở chỗ bà đứng lúc nãy, tay trái thanh gỗ tay phải xẻng, hạ thấp người. Bà rất muốn con gì đó vùng chạy, đất đường thoát phía trước của nó đã thông thoáng, bộ ổng sợ nó chồm ngược vô người ông hay sao mà thủ xẻng để đập nó. Bà nín thở.

Tiếng Anh vang lên từ bên kia hàng rào “It’s death my friend”.

Ông lùi một bước, đứng ngay lưng, buông hai tay:

– Bà nghĩ vậy?

– Tôi đã thấy vài con ruồi bay quanh.

– Vậy. Tôi chưa nhìn kỹ thế.

– Thì ông cứ thọc nhẹ xem.

Ông không thọc, tay cầm xẻng ngang mặt đất, hạ người nhìn kỹ, tần ngần như nhẩm lại những động tác sẽ làm. Tư thế đó chắc tính luồn mặt xẻng sát mặt đất được suốt thân con vật. Ông đứng lên đi kiếm miếng ván ép dài hẹp, mà ông thường kê cao một đầu làm dốc cho mấy thằng cháu thả xe đua. A, chắc ông sợ mặt xẻng không to để chịu cả con, cũng có thể tay ông không nâng nổi. Ông sẽ lèn ván dưới xẻng, xẻng xúc nó rồi lê nó lên ván, cầm ván lôi ra.

– Tôi không sợ. Tôi sẽ qua giúp ông.

– Cám ơn bà. Tôi xúc được.

– Không có gì đâu, tôi giúp được, ông mở cổng sau cho tôi vòng qua.

Ông quay ra mở cửa. Mặt ông có cái vẻ lạnh thường thấy mỗi khi ông đang bận làm gì đó mà bà kêu làm cách khác hay hơn.

Bà nhà sau qua tới, tay cầm thùng các-tông mở rộng, trong lót bao rác đen banh theo nếp gấp của bốn nắp thùng. Bà cúi lưng nhìn vô góc.

– Theo bà, heo đất hay ra-cun?

– Ông không biết! Là ra-cun, có mặt nạ và đuôi vằn.

– Thế. Tôi chỉ nghe nói chớ đâu đã thấy hai con này. Tôi đã đã chuẩn bị xẻng và ván để xúc kéo nó ra…

Bà bước lui như nhường chỗ:

– Khỏi, ông để tôi… tôi không thấy có gì là sợ…tôi muốn mang nó ra.

Ông rút bao tay đưa cho Bà. Bà lại cúi tấm thân bồ tượng, luồn sâu vô góc. Không thấy bà làm gì một lúc, hình như bị trở ngại gì đó, hay bị choáng vì mùi thúi.

– Bà! Bà thấy có nên để tôi không?

– Không! Xong rồi.

Lưng bà vừa lùi, vừa dựng thẳng lên; hai tay bưng con ra-cun ngang người.

– Nó chết tự nhiên, không thương tích, da không trở màu tức không bị thuốc.

– Nó chết tự nhiên, với tầm vóc này là đã cuối đời cho ra-cun trong thành phố.

– Nó chết tự nhiên, sống thọ chứ ở rừng bị các thú khác thịt sớm hơn.

– Nó chết tự nhiên, như mới nằm xuống ngủ hôm qua, có ruồi nhưng chúng chưa báo nhau đến bu, rỉa và đẻ trứng; có trứng cũng chưa đủ lâu thành giòi.

– Nó chết tự nhiên, sinh vật thì chết, chúng ta sinh vật còn sống, chứng kiến.

Bà nhìn Bà trân trân. Bà nhẹ nhàng đặt Ra-cun đầy gọn trong lòng bao nhựa đen, lần lượt gập các miếng nắp các-tông chèn mé lên nhau, cẩn trọng như cài nút áo quan. Mắt bà nhòe. Bà không nói gì thêm, trút đôi găng tay, bước thẳng ra cửa. Bà nhìn theo chưa hết ngạc nhiên, lạ lẫm.

– Anh có thấy lạ lùng không?

– Thấy chớ. Chắc đó là phản ứng của người da đỏ trong trường hợp này.

– Bà ấy tây trắng mà?

– Lai. Gốc Mohawk đó. Bà ấy lớn lên trong vùng rừng phía Bắc.

– Cầm hèn gì! Bả nói đều đều như cầu nguyện. Còn anh, sao anh không nói gì hết, cám ơn cũng không!

– Anh quên.

– Anh có biết là bả khóc không?

– Có nhìn đâu mà biết…giọng bà ấy đều đều làm anh đãng trí.

– Ông đúng là…! À mà Ra-cun này cũng có phước, nằm chết như đang ngủ, trong bóng mát, kín đáo, ngay sau lưng tượng Phật./.

Ngọc Cân – trấy Tiểu Đợi

©T.Vấn 2023

Bài Mới Nhất
Search