T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Nguyễn Lệ Uyên: VẬT THIÊNG

clip_image002

Tranh- Trần Thanh Châu

Trong một đêm mưa gió tơi bời, lão Zalev trở về quê hương bản quán sau bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ. Lần ra đi với chiếc túi vải đựng mấy tấm áo quần nhàu rách, lần về cũng chiếc túi cũ năm xưa, nhưng quần áo thì lành lặn hơn, lại mang theo người một thứ mà lão hí hửng gọi “vật thiêng”, nó sẽ cứu thế gian này ra khỏi những cơn bão táp đau khổ, máu me, đói khát…

Chưa ai biết đó là cái thứ quái quỷ gì và có thật nó sẽ cứu loài người khốn khổ kia không, chỉ là do hắn nhắn với cho bọn đàn em từ lúc đặt mình trong chiếc xe trâu trên đường quay về cố xứ.

Bọn đàn em ấy, chúng đang đứng đợi bên này con sông rộng, nước chảy xiết. Trước mặt, trong đêm tối mờ đục, là mảng bè ghép bằng những cây vầu nhấp nhổm trên làn nước lạnh ngắt, sẽ dùng để đưa đàn anh qua sông.

Cả bọn đâu hơn mươi đứa, toàn những tên vô công rồi nghề, đầu trộm đuôi cướp, học hành chữ đực chữ cái. Đứa làm phu phen, đứa bám vào hàng rào đêm đêm căng mắt dán vào chuồng ngỗng, đứa bạo gan hơn vác cuốc chim khoét ngạch nhà hàng xóm… bất kể địa chủ hay bần nông. Chúng từng vung vít buông tuồng mỗi khi nẫng được một thứ gì đó, của một nhà nào đó: Những thứ này là của chúng ông bởi chúng mày rặc một lũ bóc lột. Đại từ chúng ông, ban đầu để chỉ mươi đứa, càng về sau chúng ông thành dị dạng méo mó, thành cái khối chập chờn ma quỷ không ai hiểu nổi.

Câu kinh nhật tụng được bọn đàn em vác trên đầu lưỡi, mang ra bãi cát ven sông ngầu đục vào bóng đêm, dõi theo bóng người, là một hình nhân tròn méo mờ ảo, gần xa giữa tiếng sóng tru tréo, tiếng chim đêm rên rỉ lẻ loi, vọc vào lõm sáng khuyết ma trơi lập lòe, vỡ ra đốm đốm. Cả bọn ngân nga trong cổ họng, thì thào với lớp bọt trôi nổi trên mặt nước đóng váng; chúng nắm chặt tay như đang bấu vào thanh tre lúc bước lên cầu ván lắc lẻo.

Cả đám tin về chuyến trở về của đàn anh sẽ mang chúng lên thiên đường. Mặt đứa nào cũng rạng rỡ, dầu cho cái bụng thì lép xẹp từ ba ngày nay. Tội nhất, là tối hôm kia, chúng lẻn vào chuồng bò nhà Bolhaven mở róng chuồng dắt con nghé sữa, định đưa lên hẻm núi thịt để mở tiệc khao đàn anh ngày “qui cố hương”, nhưng lũ chó nhà đánh hơi lạ, ùa ra sủa dữ dội. Đèn đóm thắp lên sáng choang. Đám gia nhân toàn trai đinh khỏe mạnh cầm gậy gộc rượt đuổi. Cả làng thức dậy, xách nồi đồng, mâm thau… cùng tất cả những gì có trong tay, gõ inh ỏi vừa hô cướp cướp vừa rượt đuổi… dậy trời đất. Màn đêm như bị xé toạc. Chúng co giò chạy bán sống bán chết, chạy loạn xạ như bầy sói bị săn đuổi. May là dân làng không tóm được đứa nào, chỉ bị một phen chạy bở hơi tai, chạy dựng tóc gáy.

Nhưng rồi nỗi sợ, cái mệt, cơn đói dữ dội trước đó cũng kịp tan biến nhanh chóng bởi niềm tin xác quyết về cái thiên đường đang lấp ló đâu đó ngay trước mắt mà lão Zalev đã nói, đang trên đường mang về cho chúng, mặc dầu chúng chưa thấy, chưa hiểu thiên đường là cái thống chế gì! Không thấy, không biết nhưng cứ tin. Niền tin như một liều thuốc thần xóa đi cơn đói quặn thắt, xóa đi những cơn sợ hãi chập chùng, cuồn cuộn như lớp mây xám lơ lửng trên đầu.

Tiếng gà eo óc ngân dài, cuộn giữa cái lạnh màn đêm. Cả bọn giật mình bật dậy như chiếc lò xo. Theo quán tính, chúng ùa ra mép nước. Vẫn bóng đêm dày đặc. Trời đất, sông nước cuốn trong manh chiếu ẩm mốc, bốc mùi. Chúng co ro nhóng sang bờ bên kia. Một lúc sau, âm thanh chiếc sừng trâu oe oe nổi lên, nghe giống như tiếng trẻ con bị bóp cổ. Cả bọn vội vã tháo dây, xô mảng bè chống qua bờ bên kia. Tiếng oe oe vẫn đều đều trộn vào giòng nước xiết đấm mạnh vào mạn bè. Âm thanh đến sắc lạnh và ai oán. Khi bè cập bờ, qua ám hiệu, người đàn ông gầy gò nhảy phốc lên. Hai ba đứa vội vàng giang tay đỡ. Bè tách bờ, lặng lẽ thả trôi xuôi sang bờ bên kia, tấp vào mô đá dẫn thẳng lên núi, nơi có một hang sâu luồn tận vào cánh rừng già mênh mông.

Bóng đêm dày đặc.

Đến được nơi an toàn, chúng gom củi khô đốt lên. Lúc này chúng mới rõ mặt đàn anh của mình. Đó là một người đàn ông gầy nhom, râu tóc tua tủa như người tiền sử, chỉ có đôi mắt sáng, sâu hoắm như một tiêu điểm làm thành con người khác hẳn với những con người bình thường khác. Zalev không thể lẫn lộn với ai khác. Đôi mắt ấy như mắt loài cú ban đêm, như lũ sói trên thảo nguyên. Nó nổi bật lên giữa hai hõm má hóp háp, kéo thêm chiếc cằm dài ra như chiếc lưỡi cày vừa rèn xong.

Thằng thứ nhất nhìn lão rồi quay lại đám người đứng ngồi lộn xộn, hỏi nhỏ:

-Lấy gì cho đại ca ăn đây?

Chỉ có im lặng và những cặp mắt mất hết thần sắc.

Hang núi lạnh lẽo.

Tiếng tặc lưỡi của con thằn lằn núi dội vào vách lạnh, ai oán.

Thỉnh thoảng vài giọt nước trên trần đá rơi xuống thành tiếng toong toỏng trong cái vũng nhỏ bên dưới, ngập ngừng âm vang tiếng chuông đến ngắc ngoải, xa xa.

Thằng lúc nãy lại ghé tai thầm thì gì đó với thằng bên cạnh, rồi hai đứa nhẹ nhàng trườn qua những phiến đá nhấp nhô thoát ra cửa hang.

Tiếng toong toỏng vẫn đều đặn.

Zalev khép mắt nằm trên lớp rơm dày, thở cò ke trong cổ như tiếng đờn balalaika chùng dây, phát ra từ bàn tay nghịch ngợm của đứa bé lên bảy.

Đống than cời ra đỏ rực.

Trời tưng tửng sáng, nhợt nhạt níu lớp sương mù dày đặc. Lớp sáng ấy dãy dụa, quẫy đạp cố nhoi ra khỏi màn sương mai thẫm đục. Giữa khối màu như ảo ảnh kia, hai thằng trở về, vác theo một khúc tròn nâu sẫm tựa như khúc củi. Những người trong hang không một ai biết đó là thứ gì, nhưng mắt vẫn long lên sáng rực. Phản xạ có điều kiện của Pavlov dựng đứng những chiếc miệng há to và nước miếng trào ra như nước suối!

Chúng đặt khúc nâu sẫm lên tảng đá, nhét vào chút muối dự trử trong ngách hang. Vài đứa vội mang thứ lá cỏ gì đó vò nát, xát lên rồi găm vào thanh tre tươi đưa lên đống than hồng. Mùi khen khét tỏa ra thít chặt mọi ngóc ngách trong hang, không thơm, cũng không có tiếng xèo xèo của dòng mỡ chảy trên than như chúng từng nướng những con chồn, con thỏ… trước kia.

Khối nâu sẫm kia chuyển sang màu trắng bệch rồi hóa đỏ như tẩm máu, và cuối cùng ngã sang vàng chói. Tên đi đi ra khỏi hang lúc nãy dùng dao xẻo một lát lớn, lay đàn anh dậy, cung kính đưa cho đàn anh bằng hai tay. Lão Zalev quẹt nhử ghèn trong hốc mắt, nhìn bọn đàn em ra chiều cảm động. Lão thong thả đưa lát cắt lên miệng, cắn từng miếng nhỏ, thong thả nhai, thong thả nuốt. Vẻ thỏa mãn co giãn trông thấy trên các cơ quai hàm khiến buổi gặp mặt tuy không thịnh soạn, nhưng cũng đầy tình.

Khi chỉ còn trơ lõi xương trắng, lão quẹt miệng bằng ống tay áo, cảm động:

-Các chú tinh tươm lắm. Cảm ơn các chú đã đón tôi.

Đến lúc này, cả bọn mới dám chia nhau chỗ còn lại.

Loáng một cái, những màu đỏ màu vàng màu nâu trôi tuột qua miệng, trôi xuống dạ dày.

Những mảnh lõi nhỏ màu trắng cũng biến mất.

Chỉ còn thằng sau cùng, người choắt cheo cúi gằm mặt cố gặm hết chỗ các màu bám trên lõi.

Ăn uống tạm lưng lửng bụng, chúng ngồi vòng quanh Zalev, nhìn chằm chằm vào người lão và chiếc túi vải kẹp chặt giữa hai đầu gối xương xẩu mà không đứa nào dám mở miệng. Không khí im lặng đến nỗi có thể nghe tiếng đá thở, lớp rêu trở mình và tiếng nổ lép bép thỉnh thoảng bật ra giữa đống than bắt đầu lụi tàn.

Lão Zalev ngồi dựa mình vào vách đá, thản nhiên lấy móng tay cạy những mảng vụn bám vào chân răng, rồi lại nhót nhép nhai.

Thằng đi vác khúc nâu lúc nãy gãi đầu:

-Thưa, đại… ca..

Zalev liếc nhìn thằng đàn em, thừa hiểu bụng dạ nó nghĩ gì, vẫn tiếp tục cho tay vào các kẽ răng, tiếp tục nhót nhép.

Đống lửa tàn dần. Hơi ấm yếu đi. Đến lúc này Zalev mới lên tiếng;

-Tôi hiểu các chú nghĩ gì, muốn gì. Giờ này có bổ đầu các chú nhét vô, chắc cũng không hiểu nổi. Chỉ có thực tế công việc diễn ra rồi các chú nghiền ngẫm và tự… lão nói và bỏ lửng.

Giờ phút thiêng liêng đã đến. Đống lửa bỗng phụt tắt. Hang đổi sang màu sáng xanh lè những đốm lân tinh rải rác trên vách, trần nhũ đá. Những vệt dài nối nhau sắc xanh của cặp mắt mụ phù thủy trong đêm.

Zalev trịnh trọng mở dây gút, trịnh trọng lấy vật thiêng, giơ lên.

Cả bọn trố mắt nhìn như chưa bao giờ được nhìn một vật lạ đến thế. Cái vật ấy to chỉ bằng bàn tay, dèm dẹp như quyển sách nát, sáng hắt lên quầng thẫm màu máu đọng. Nó không phải là phiến đá, mẩu gỗ hay những tờ giấy xếp chồng lên thành quyển; cũng không phải là con vật có mắt mũi, có máu. Nhưng ở trên tay lão, nó rung lên như cánh đập con ong, lúc thì phình to ra, khi thì thu hẹp lại chỉ bằng lóng tay. Nó nằm yên rồi bỗng dựng đứng, bay là là phát ra những tiếng kêu chin chít đến chói tai, lại có sức hút như thỏi nam châm với người đối diện.

Cả bọn không hiểu gì cả.

Zalev mỉm cười, nụ cười kẻ cả, kinh miệt sự ngu dốt của đám người tối dạ, mông muội đang ngồi trước mặt lão.

Vụt cái, vật thiêng lao ra khỏi bàn tay xương xẩu của lão, phát ra làn sáng xanh đến lạnh gáy, bay một vòng quanh đầu rồi biến mất.

Đám đàn em há hốc mồm, toàn thân lạnh ngắt.

Zalev bình thản nằm xuống ổ rơm, không một lời giải thích và cả cái liếc nhìn về phía đám người xưng tụng lão là đại ca.

Đại ca mở nụ cười bí hiểm và nhắm mắt.

Làng Novostoie đang yên bình, bổng dựng đứng cả lên. Khắp ngõ trên chí xóm dưới, nhà nào cũng có những mảnh vải trắng cột vào cọc tre treo trên nóc nhà, trước cổng, góc rào. Dúm người khác, thì thầm vào tai nhau, dùng ngải cứu giã dập bỏ vào túi vải lận lưng; nhưng tốt hơn cả là tìm cho ra cây bạch y bám vào vách đá trên núi cao bốn ngàn mét là hiệu nghiệm nhất. Lên đỉnh núi bốn ngàn mét là sự khó, càng khó hơn khi đu người tìm cho ra cây bạch y? Cuối cùng cả làng vào rừng thi nhau vặt trụi lá ngải cứu. Nhưng khốn thay cái mùi hăng hắc cay cay của loại cây này chỉ làm tăng thêm nỗi hoang mang của bầy người nhớn nhác. Có người còn bày dùng cứt gà sáp bôi lên cổng, cửa cái, cửa sổ… sẽ xua đuổi tà ma ám khí, đến nỗi cứt gà cũng không đủ để bôi, lại còn dùng cả phân tươi pha loãng quét lên các vật nuôi. Mùi thúi bay khắp làng, nhưng tất thảy đều vô hiệu. Các pháp sư cũng chắp tay vái dài, quẳng cả chuông mõ, áo khoác lông chồn, khăn quấn đầu… chạy có cờ. Tất cả đều chìm trong cảnh tan hoang, bởi không còn cách nào trừ khử được con vật lạ, chỉ to bằng bàn tay đang lừng lững gieo rắc tai họa lên mọi sinh linh như chốn không người.

Lúc đầu, nó chỉ xuất hiện vào ban đêm, hình thù kỳ dị, lúc đen thẫm như con bọ hung, lúc xanh xám tua tủa lông như con sâu róm. Mỗi chuyển động của nó đều phát ra âm thanh maaắc leee, maaắc leee… rất giống tiếng con mọt gỗ nghiến nhai đều đều trong những căn nhà rệu rã. Mỗi khi bay, phát ra âm thanh là có hàng chục, hàng ngàn những con dòi đỏ từ phía sau, tựa như lỗ đít, chui ra hàng ngàn, hàng vạn con bò lúc nhúc.

Nhưng nếu chỉ có vậy, dân làng Novostoie cũng có thể quen dần. Đằng này, mỗi khi phát ra tiếng kêu maaắc leee… nó lại xán tới một con vật nào đó bâu vào người và lập tức mảng lông dày mượt trụi lủi rồi biến mất, để lộ ra từng lỗ nhỏ bằng đầu kim khâu thảm, đỏ lòm nhìn không thấy đáy! Đầu tiên là đàn gà nhà Bolhaven, con vện nhà tên mõ làng Stavoi… lan tới cả bầy chó trong xóm. Trong một đêm đàn ngựa của làng cũng biến mất. Quan trên cử lính tập về bao vây làng đến con kiến cũng không chui lọt, vậy nhưng không hiểu bằng cách nào, sáng ra thấy cổng chuồng vẫn y nguyên, nhưng bầy cừu thì mất tăm, không để lại dấu vết nào, chỉ còn cái chuồng đầy phân, trống lạnh.

Nhưng kinh hoàng hơn cả, kể từ ngày con maaắc leee… xuất hiện, từ đứa trẻ nhỏ chí người già ở Novostoie đều bị ghẻ chốc mọc đầy mình. Những mụn ghẻ nhỏ phình lên, lở ra đỏ loét và ngứa. Ngứa thì gãi. Gãi thì các mụn chảy ra chất nước nhờn màu xanh, tanh tưởi rồi bò lan đi khắp thân thể. Tóc trên đầu bắt đầu rụng dần, da tróc ra đỏ hỏm. Mọi người đều biến dạng, trông kinh dị như lũ sâu bọ từ trời rớt xuống, từ đất sâu chui lên.

Dân làng cứ teo tóp dần, sần sùi khô quắc đứng ngồi trong mọi tư thế, bất động. Họ chưa chết hẳn, nhưng bất động!

Một ngày kia, các trinh nữ trong làng đều mang thai đồng loạt, nhưng không phải chín tháng mười ngày thì sanh theo qui luật tự nhiên, mà đến những hai năm chẵn. Những đứa trẻ chào đời, trai có, gái có và thảy đều đỏ quạch, trọc lóc từ đầu tới chân. Duy chỉ có chỗ từ hai mắt xuống tới cằm là màu vàng chói. Mới rời cuống nhau là chúng đã chạy nhảy, hò hét, đập phá lung tung, hơn cả đàn cọp dữ… Chúng đi tới đâu là nhà tan cửa nát, chùa đổ miếu sập tơi tả như thể vừa trải qua một trận cuồng phong.

Sau làng Novostoie tới làng Al Bolevaia kế bên rồi lan qua tổng Evgenisyn, bò khắp các huyện, phủ khiến mọi người, từ triều đình chí đám dân ngu khu đen tất thảy đều hoảng loạn, khiếp đởm.

Ở phía bắc, cách khu vực phủ Mondrovin non trăm dặm, do địa hình đồi núi chập chùng lại nằm lọt thỏm giữa hồ nước rộng mênh mông nên làng Kiritarta có vẻ còn yên tỉnh bởi con maaắc leee và lũ trẻ tinh ranh chưa xán được gần. Dân làng, dưới sự chỉ huy của chàng Kabounin, một lực điền sức lực hơn người, kêu gọi dân làng chặt tre vát nhọn cắm xuống lòng hồ bao quanh làng, trên không kéo những sợi mây tươi phủ lên thành một mái vòm khổng lồ bao kín. Làng Kiritarta lúc này, nhìn từ xa như một pháo đài thời trung cổ, có vẻ chắc chắn, an toàn: Thủy quái không thể vượt qua những cọc tre nhọn lên bờ tấn công vào làng; loài chim ưng tiền sử không thể từ trời cao liệng xuống bắt dân làng bay đi. Mọi người có vẻ hài lòng và hơn hết là vui mừng ra mặt với sáng kiến của chú Kabounin. Họ mở tiệc ăn mừng, là những củ khai, củ nần, con cá, con chồn mắc bẫy. Chiêng trống khua vang, dậy đất trời. Họ uống những hũ rượu làm từ củ sắn, bắp trộn vỏ và lá cây. Họ ôm nhau nhảy múa, ca hát thâu đêm, cho đến khi mệt nhoài lăn ra ngủ quanh đống lửa đỏ rực những hòn than.

Mặt trời chưa ló, màn đêm còn lờ mờ, thình lình một cơn gió ào ào thổi qua cùng với tiếng rin rít maaắc leee… maaắc lee… kéo dài như tiếng chiếc câu liêm cùn cứa vào đá. Cả làng chưa kịp mở mắt định thần thì bầu trời trên đầu họ trống hoác, dọi màu đỏ như nhuộm máu. Những cọc tre vạt nhọn và tầng gai mây nhũn ra thành tro bay lả tả. Ở phía mỏm đá nhô ra hồ có cây Cộc Đàn cổ thụ đứng sừng sững từ thời Sơn Tinh cắm xuống để phân định ranh giới với Thủy Tinh, mượn ở Việt Nam, đã chết đứng từ bao giờ, máu nhỏ giọt nhuộm đỏ cả mặt hồ; dưới gốc chú Kabounin nằm ngửa, cổ bị cắt đứt, máu đọng đen.

Làng Kiritarta bàng hoàng khi nhìn những giọt máu từ cây Cộc Đàn và cổ chú Kabounin còn găm chiếc câu liêm cùn; rồi chết lặng khi nhìn vào người của nhau. Tất cả, ai cũng như ai, thân thể không còn nguyên vẹn như xưa mà trên đầu, rễ Cộc Đàn tua tủa, thân mình những cọc tre vát nhọn xù ra như lông nhím. Mỗi khi cử động, chúng phát ra âm thanh maaắc leee… maaắc leee… kin kít đến rợn người.

Hơn hai năm sau kể từ khi mảng bè dạt vào mỏm đá… cả xứ Ca-Bay-Ngop trở nên điêu tàn, xơ xác. Người dân cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc Triều đình, quan quân lớp bị ném xuống biển, lớp đưa lên núi hoan ca với sốt rét rừng… Xương trắng ghềnh ghềnh che lá xanh. Xương cao ngang đầu núi. Hiện tượng này bay ra thế giới bên ngoài. Giới truyền thông xán tới. Tin giật gân rút tít to: Thế Gới Tới Ngày Hỗn Mang. Các học giả tiếng tăm đổ xô tới biên giới, dựng lều che bạt. Hết nghiên cứu tới hội thảo khoa học. Những luận chứng, lý thuyết tung như bụi mù ra. Cụ tổ Darwin bị lôi ra. Lông vượn, cứt khỉ vỡ ra. Có học giả còn mang theo cả máy Lie Detector (1) cho người đang đêm lén treo vào cổ, vào mồm vài ba người dân Ca-Bay-Ngop, nhưng các tín hiệu đưa lại chỉ là những âm vọng maaắc leee… cứ kin kít… kin kít như cưa đá.

Các nhà khoa học, các học giả sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, một phần mắc chứng trầm cảm dẫn đến tự treo cổ hàng loạt.

Nhưng có điều lạ, treo toòng teeng như vậy trên cây nhưng không ai chết, chỉ có da dán sát vào bộ xương và mỗi khi có cơn gió nhẹ thổi tới, những bộ xương kia lại phát ra âm thanh maaắc leee… maaắc leee… kin kít.

Dân xứ Ca-Bay-Ngop chỉ còn lại những bộ xương.

Nhưng lũ dòi từ con maaắc leee ỉa ra thì béo tròn nung núc.

Xứ Ca-Bay-Ngop được dổi thành xứ Cộng hòa Maaắc leee…

 

Nguyễn Lệ Uyên

(Yaangthong, tháng 1/2014)

_____________

(1) Loại máy dò sự thật

 

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search