T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Phan: CON CHUỒN CHUỒN ĐẬU TRÊN CÂY CẦN CÂU

Cuộc Nhân Sinh – Tranh: THANH CHÂU

Anh Tom cất bước rời bãi câu để về đi lễ. Anh có nói tôi đừng buồn anh vì cả bãi câu sáng nay chỉ có tôi với anh. Tôi có buồn trong lòng vì còn lại một mình, không có bạn để nói chuyện trên trời dưới đất cho vui. Nhưng tôi cũng rất vui trong lòng về sự may mắn đã quen biết với một người sùng đạo là phước phần theo quan niệm của tôi. Quen biết và sau đó kết giao thành bạn hữu với một người có đức tin thì khả năng người đó thiếu trung thực, chân thành trong quan hệ sẽ giảm thấp vì người có đức tin không làm hại bạn bè. Nếu xét đến việc không có gì bảo đảm là hoàn hảo trong đời sống thì khả năng người có đức tin nhưng thiếu tử tế cũng rất hiếm bởi một hoàn cảnh đặc biệt nào đó, một trường hợp chẳng đặng đừng… Tôi có đọc một quyển sách thấy tác giả phân tích rất hay về mặt tâm lý của con người, theo tác giả (tôi đã quên tên) nhưng lý luận của ông còn mãi… Con người sống trong trời đất này không ai giàu ba họ, không ai khó ba đời. Mượn câu ngạn ngữ thay lời tác giả diễn giải về của cải vật chất chỉ là phù du, địa vị xã hội chỉ nhất thời như câu tục ngữ: quan nhất thời dân vạn đại, đời người lên voi xuống chó là chuyện thường tình. Vậy theo tác giả muốn nói lên điều gì để đi đến kết luận: “Người ta chỉ hơn nhau một niềm tin”. Câu văn ngắn gọn đến nổi da gà vì hiểu ra chân tướng của những người vô thần khi chính Lê nin nói: “sợ hãi tạo ra thần thánh”. Tài hùng biện của Lê nin thì không thể xem thường, nhưng câu ấy chỉ lường gạt được những người ít học, không hiểu biết nên cả tin vào ông một cách mù quáng. Tôi cũng không rõ ông Lê nin có thực sự nghĩ vậy không, hay chỉ là trò lường gạt cho thuyết vô thần của chủ nghĩa cộng sản mà ông theo đuổi. Từ thời còn đi học tôi đã suy tư về thuyết vô thần này và tôi hoàn toàn tin là họ ngụy biện. Người ta có thể ăn ít lương thực lại vẫn sống, nhưng mất niềm tin coi như người còn thở mà không có linh hồn. Dù tôi không thể chứng minh được thế giới hữu thần và cũng không chứng minh được thế giới vô thần, nhưng tôi chứng minh được những người bạn học của tôi, những người tín thần đều có nhân tâm, đạo đức tốt hơn những người bạn học buông bỏ truyền thống hiêú đạo để chạy theo chủ nghĩa vô thần. Người vô thần bỗng dưng đá con chó ngoài đường một cú đau điếng để trút giận không liên quan gì đến nó, chỉ đơn giải là anh ta bất cẩn, vấp chân trên vỉa hè đau điếng. Người bạn hữu thần chỉ tóm gọn sự lên án như sau: mắc mớ gì tới nó mà mày đá nó, bộ chó không biết đau sao? Câu chuyện học đường khi còn trẻ nhưng bỏ lên bàn cân lại rất chênh lệch: Người tín thần không vô cớ làm đau người khác, kẻ vô thần không cần lý do cho việc làm tổn thương người khác.

   Và hệ lụy,

   Người tín thần luôn chừng mực trong đời sống nên cuộc sống ngày càng tốt đẹp hơn. Kẻ vô thần chỉ đạt đến tuyệt đỉnh là cuồng tín vào sự trỗng rỗng, nhưng đáng sợ thực sự của nỗi sợ hãi là sự trống rỗng trong lòng. Tôi tin thần phật nên hành xử theo kinh kệ đã đọc, đối nhân xử thế theo luật nhân quả. Tôi không sợ Phật nhưng làm theo những lời giáo huấn, khai nhãn, khai tâm của ngài vì hữu lý hữu tình, tôi tin vào trí huệ cao minh khi Phật nói ra, “ta bơi mãi cũng chẳng thấy bến bờ đâu, nhưng quay lại sẽ thấy bến bờ ngay.” Hay khi đi hoằng pháp, đức Phật đã bị một giáo sĩ Bà la môn mắng nhiếc xối xả trên đường, đến câu không thể im lặng được nữa của vị giáo sĩ là, “Này ông Cù Đàm, tôi đang chửi ông đấy. Ông có nghe không?” Đức Phật trả lời, “Thưa ông giáo sĩ, khách đến nhà, chủ cho quà. Khách không nhận, quà về đâu?” Từ trang sách nhỏ, người đọc không nhất thiết phải là Phật tử cũng đã học được cách đối nhân xử thế của ông Cù Đàm với những người lòng dạ hẹp hòi, đố kỵ như vị giáo sĩ kia.

   Bạn tôi tin Chúa nên sống đúng những lời răn, bạn cũng không sợ Chúa vì ngài không dí súng vào đầu bạn, ngài chỉ cho bạn những lời răn làm cho bạn sống tốt hơn hôm qua, ngày mai tốt hơn nữa với thái độ sống “ai là anh em ta”. Ai cũng là người anh em được thượng đế tạo ra để yêu thương nhau chứ không phải hận thù. Cuối cùng của những người hữu thần là không mất gì nhưng có cuộc sống an yên trong tâm khảm, đời sống ngày một thoáng hơn sự ích kỷ, hẹp hòi, tâm địa nhỏ nhen. Nhưng ngược lại người vô thần không tin vào điều gì là lẽ phải, là chân lý, là nhân bản, là đạo đức… những người không có một chỗ dựa tinh thần nên không kiểm soát được tư duy, không chừng mực được bản thân nên ngày càng lún sâu vào tăm tối, u minh, cõi lòng trỗng rỗng ngày càng khủng khiếp với nỗi sợ hãi ngày càng lớn vì cũng không biết là sợ hãi gì? Ai cũng cần một nơi để về sau một ngày làm việc hay vui chơi, một nơi để về sau một đời ngắn ngủi, giàu có hay nghèo khó, nổi tiếng hay vô danh? Tất cả thành công hay thất bại trong đời đều ở lại với đời. Sự thành công mang theo được là đức tin, niềm tin sau khi bái biệt cuộc đời, ta về đâu? Chúa rước anh đi, Phật khai lộ cho tôi tiếp bước kiếp luân hồi. Người vô thần về đâu với lý lẽ vô thần, niềm tin không sợ hãi vì sợ hãi đẻ ra thầnh thánh có dung chứa linh hồn người vô thần không với căn bản của chủ nghĩa vô thần là không có thần thánh, không có gì trong cõi tâm linh thì họ về đâu, nương nhờ ai trong cõi vô minh vô tận? Sợ hãi không đẻ ra thần thánh, thần thánh cũng không đẻ ra sợ hãi để người hữu thần biết chừng mực, để trừng phạt kẻ vô thần với nỗi sợ hãi sự trống không trong tâm họ. Thần thánh chỉ hướng đạo, người tín thần được giải thoát u mê, người có đạo sống chân thành vì không sợ hãi…

   Đó là câu chuyện tôi với anh Tom trao đổi sáng nay. Người đàn ông có mái tóc đã muối nhiều hơn tiêu nhưng lòng tin son sắt với bề trên, đã rất nhiều lần anh ra tới nơi câu cá được một lát là về để đi lễ. Ai cũng thấy tiếc cho công anh lái xe hai mươi dặm để chỉ câu cá được nửa tiếng đã phải về. Riêng tôi biết, với anh: Thích câu cá là một chuyện, nhưng không được bỏ lễ là chuyện quan trọng hơn, quan trọng nhất. Tôi biết rõ hơn về anh hôm tuần trước, một ngày hè mát mẻ không ngờ vì trời chuyển giông nhưng không mưa, mây đen từng cụm lớn trên đầu nhưng cuối cùng bị gió đưa đi nơi khác. Không biết anh có dị đoan không nhưng anh đã hỏi tôi hôm tuần trước: “Anh có tin không, ông bà mình nói: chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bao cao thì nắng, bay vừa trời râm…” Hôm nay chuồn chuồn bay vừa nên anh em mình được mát trời râm, sẽ không mưa, không nắng. Riêng anh được may mắn vì con chuồn chuồn đã đậu trên cây cần câu của anh đến lần thứ ba. Tôi thấy lạ nên theo dõi, mỗi lần anh được cá, hay thay mồi thì nó bay đi nhưng trở lại đến lần thứ ba. Tôi không được may mắn như anh hôm nay…”

   Tôi trả lời anh theo hiểu biết cơ bản, “Tôi nghĩ là trời nắng thì áp suất không khí loãng, cánh con chuồn chuồn khô nên nó có thể bay cao. Khi trời mưa thì hơi nước trong không khí nhiều nên ướt cánh, nó bay thấp. Khi áp suất không khí không thấp cũng không cao, hơi nước trong không khí cũng không nhiều, nó bay vừa và con người gọi là trời râm. Người xưa không có đài khí tượng để dự báo thời tiết nên dựa vào quan sát tự nhiên để đoán biết thời tiết. Còn việc hên hay xui khi chuồn chuồn đậu trên cần câu của tôi thì tôi chỉ mới nghe anh nói thôi. Để xem sao?”

   “…”

   Tuần trước đúng là anh chỉ câu được mỗi con cá trắng nên khi anh về đi lễ anh đã bỏ sang thùng cá của tôi vì không bõ công anh làm một con cá. Đó là phần thưởng cho những ai kết bạn với người sùng đạo, tôi nghĩ vậy nên bắt con cá to nhất trong thùng cá của tôi, và đưa cho anh. Tôi nói thật tình, “con này chắc đủ cho anh lai rai với mấy ông bạn của anh sau khi tan lễ…” Anh cảm ơn tôi cũng thật tình và rời đi cho kịp lễ nhà thờ.

   Người đi câu thì làm sao không biết con cá đó làm gỏi cá sống là hao bia. Anh kể cho tôi nghe khi gặp lại tuần này đúng vậy. Tan lễ, anh với bốn người bạn chung xứ đạo đã cùng nhau làm gỏi cá. Thật vui cho ông chủ xị khôi hài, ông nói với anh em, “các bác ạ, đũa nhà em là đũa măng, không phải đũa tre. Xin các bác gắp nhẹ tay cho vì gắp nặng tay quá sẽ gãy đũa…” Rất tiếc tôi không có phước phần được chung mâm với những người vui vẻ.

   Tuần này cũng không hẹn, chỉ khó ngủ nên đi câu sớm một mình. Và cũng chính anh là người dậy sớm và không ngủ lại được nên mò ra hồ câu cá tới giờ đi lễ. Cũng vẫn là hai người đi câu cá nhưng không phải vì cá vì mùa này ai còn đi câu nữa đâu, đã hết mùa cá khi trời nóng cho tới trời mát lại, vào thu mới có cá; cũng vẫn con chuồn chuồn đậu đúng cây cần câu mà nó đã có duyên nợ. Dù hôm nay nó bay cao, đậu tuốt trên đọt cần. Đúng là hôm nay nắng. Bạn về đi lễ cho kịp giờ, tôi với con chuồn chuồn vì nhau mà ở lại khi trời đã nắng lên, mỗi giờ phút trôi qua nắng gắt hơn. Con chuồn chuồn đậu trên cây cần câu cho ký ức hiện về, mới ngày nào cắn răng để cho con chuồn chuồn cắn lỗ rốn thì mình sẽ biết bơi, niềm tin trẻ nhỏ thật dễ thương đến mỉm cười một mình… và tin anh Tom có chút dị đoan nhưng cũng đúng, cá kéo cong cần tôi nữa rồi, cá lớn đây. Con chuồn chuồn bay lên báo tin vui…

Phan

Bài Mới Nhất
Search