T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Giải thưởng Nobel về văn chương năm 2011

Ngày 6 tháng 10 năm 2011, giữa lúc cả thế giới vẫn còn xôn xao, bàn tán về cái chết đã được báo trước của Steve Jobs – một nhân vật lỗi lạc của thế giới điện tóan và khoa học kỹ thuật hiện đại, thì thông báo của Hàn Lâm Viện Thụy Điển liên quan đến người đọat giải Nobel về văn chương năm nay dường như đã bị bóng dáng gầy guộc, lêu nghêu của Steve Jobs phần nào làm lu mờ.

Tuy nhiên, vì là một giải thưởng văn chương quan trọng nhất thế giới với lịch sử tính đến nay đã tròn 110 năm (từ 1901), 104 lần trao giải và đã vinh danh 108 nhà văn nhà thơ mang đủ mọi quốc tịch, nên trước sau gì, người nhận giải năm nay cũng phải đứng trước ánh sáng spotlight để cả thế giới chiêm ngưỡng.

Tomas Tranströmer, nhà thơ 80 tuổi người Thụy Điển đã được chọn để nhận giải thưởng Nobel về văn chương năm 2011. Cuối cùng, bụt chùa nhà cũng đã bắt đầu . . . thiêng. Tomas là người Thụy Điển đầu tiên nhận giải thưởng này kể từ năm 1974, khi hai nhà văn Thụy Điển Harry Martinson và Eyvind Johnson cùng chia nhau vinh dự trong sự nghiệp văn chương của mình. Thụy Điển, nơi khai sinh của giải Nobel, vốn cũng là một “cường quốc văn chương” không thua kém gì các “cường quốc văn chương” khác ở Tây Âu, ở Đông Âu, những nơi chôn nhau cắt rốn của phần lớn những nhà văn nhà thơ đã từng được vinh danh trong lịch sử 110 năm của giải, nhưng cho đến nay vẫn khiêm tốn đứng trong bóng tối là vì Ủy Ban chấm giải không muốn mang tiếng là thiên vị người đồng hương. Thực sự, điều này làm giới mộ điệu văn học ở Thụy Điển không mấy hài lòng. Một người dân Stockholm đã chua chát “tôi tưởng rằng cả trăm năm nữa Ủy ban chấm giải vẫn chưa dám chọn một nhà văn Thụy Điển để trao giải”. Thủ tướng Thụy Điển, khi nhận được tin vui cho xứ sở ông, đã nhanh chóng phát biểu về sự hài lòng và hãnh diện của mình, và hy vọng qua sự lựa chọn đúng đắn (tuy muộn màng) của Ủy ban chấm giải, thế giới sẽ quan tâm nhiều hơn đến nền văn học Thụy Điển. Ông nói thêm rằng nhiều người dân Thụy Điển đã mong đợi tin vui này từ lâu lắm rồi. Về phần Ủy Ban chấm giải, thì theo lời ông Peter Englund, thư ký thường trực của Ủy Ban, “Tôi tin rằng chúng tôi đã hết sức cẩn trọng và kỹ lưỡng” khi quyết định sự lựa chọn này.

Trong công bố trao giải, Ủy Ban chấm giải cho biết, nhà thơ Tomas Tranströmer được lựa chọn vì qua thi ca ông đã “dùng những hình ảnh cô đọng, mờ ảo để dẫn chúng ta vào thực tại đời sống với nét nhìn tươi rói, mới mẻ”. Những tác phẩm của Tomas Tranströmer, chú trọng đến những vấn đề lớn lao của nhân lọai. Ông viết về đời sống, về cái chết, về vai trò của lịch sử, về hồi ức và thiên nhiên, những đề tài vốn xuất phát từ chính kinh nghiệm của riêng ông thẩm thấu qua lòng yêu âm nhạc (Tomas còn là một nhạc sĩ Piano nghiệp dư) và thiên nhiên. Neil Astley, thuộc nhà xuất bản Bloodaxe Books ở Luân Đôn, nơi phát hành những tác phẩm của Tomas Tranströmer, đã nhận xét “ tác phẩm của ông đầy hình ảnh. Những hình ảnh về con người, về thiên nhiên, về những lực lượng của thiên nhiên, mối tương quan giữa con người và thiên nhiên, sự tự do và lực kềm chế, rất nhiều những yếu tố xuất hiện trong tác phẩm của ông”.

Tuyển tập “17 bài thơ”, xuất bản năm 1954, là một trong những tác phẩm đầu tay của một tác giả, được rộng rãi công chúng mộ điệu văn học ca ngợi và ưa thích.

Trong văn học Thụy Điển, Tomas Tranströmer được coi như là bậc thầy về sử dụng những ẩn dụ, đan quyện những hình ảnh đầy sức mạnh vào thi ca mà không cần phải thêm thắt, thêu dệt gì nhiều. Trong quyết định trao giải, Ủy Ban chấm giải cũng đã nhấn mạnh đến tính cách “tiềm lực” hàm chứa trong những vần thơ mà ông đã sáng tạo.

Trong lời tựa cho tác phẩm “Điều bí ẩn vĩ đại” (the great Enigma), Tuyển tập mới nhất của ông xuất bản bằng tiếng Thụy Điển năm 2004 và được dịch sang tiếng Anh 2 năm sau đó, ông viết: “Thức dậy sau giấc ngủ giống như vừa nhẩy ra khỏi những giấc mơ. Không còn bị vây bủa bởi những hỗn độn đến ngộp thở, khách lữ hành chìm dần vào không gian xanh mướt của buổi sáng. Mọi vật chợt bừng lên. Từ đôi mắt của con chim run rẩy, anh nhận ra được những cội rễ khổng lồ của bụi cây, những ngọn đèn ngầm dưới mặt đất đang lắc lư, nhưng ở phía trên mặt đất, cây cỏ – xum xuê như cơn lũ nhiệt đới – vươn cánh lên cao, lắng nghe tiếng đập của một nhịp tim vô hình . . .”

Theo nhiều nhà phê bình, độc gỉa hiếu kỳ muốn tìm hiểu về thi ca của Tomas Tranströmer, nên chọn làm quen trước hết với tuyển thơ “Điều bí ẩn vĩ đại” (The great Enigma) này, vì qua tác phẩm, độc gỉa ngay lập tức bị chóang ngợp bởi sự tĩnh lặng mãnh liệt mà cũng rất đẹp đẽ của những vần thơ cô đọng.

Là nhà thơ nổi tiếng nhất của Thụy Điển, ông chẳng những được biết đến trong nước, mà còn rộng rãi trên khắp thế giới với bản dịch những tác phẩm của ông ở 60 thứ ngôn ngữ khác nhau.

Sinh năm 1931 ở Stockholm, học đại học cũng ở Stockholm, rồi trở thành chuyên gia tâm lý như một nghề nghiệp, Tomas Tranströmer hầu như sống cả đời nơi đây. Năm 1990, ông bị stroke, liệt nửa người bên phải, gây khó khăn đi đứng, kể cả nói. Nhưng điều đó không cản trở ông trong việc sáng tác. Từ nhiều năm nay, tên ông đã đều đặn nằm trong danh sách đề cử (nomination). Vì thế, vào ngày quy định công bố giải tháng 10 hàng năm, các phóng viên thường túc trực sẵn tại căn apartment của gia đình ông ở thành phố Stockholm để chờ tin và săn hình. Năm nay, họ đã toại nguyện. Từ căn phòng đó, người phát ngôn của nhà xuất bản phát hành tác phẩm của Tomas Tranströmer, đã cho phóng viên biết “nhà văn đã quá đỗi vui mừng”. Lẽ ra, điều này phải đến với ông từ lâu rồi. Do bệnh tật, ông chỉ có thể cố gắng nói được hai tiếng “tốt lắm” (very good). Với bản tính khiêm tốn, không muốn xuất hiện nhiều trước công chúng, ông thường tránh né những cơ hội có thể lôi cuốn sự chú ý của nhiều người. Nhưng bây giờ thì ông không còn lựa chọn nào khác. Từ nay, ông sẽ là người của công chúng, mỗi bước đi bước đứng, mỗi thay đổi trong đời sống riêng tư, chắc chắn sẽ có những con mắt soi mói, nhòm ngó. Chẳng vậy mà năm 1969, khi nhà văn người Ái Nhĩ Lan Samuel Beckett đọat giải Nobel văn chương, vợ ông đã gọi sự kiện này là một “thảm họa” cho gia đình ông, vì sự chú ý, áp lực của công luận và những họat động mới mà một nhà văn đọat giải Nobel không thể nào thóai thác.

Trông người lại nghĩ đến ta. Đến bao giờ thì một nhà văn Việt Nam sẽ được đề cử nhận giải (chưa nói gì đến việc chính thức nhận giải). Chẳng phải vì số tiền hiện kim 1 .5 triệu Mỹ Kim đi kèm với giải, dù đó là số tiền mà không một nhà văn Việt Nam nào dám nằm mơ về giá trị vật chất mà sự nghiệp viết văn cả đời của mình đem lại, mà là khát vọng được thế giới công nhận những nỗ lực văn học của một đất nước gần 90 triệu dân.

Khái niệm “cường quốc văn chương” không hề là cường điệu. Cùng với những anh chị ruột thịt của mình ra đời trước như khái niệm cuờng quốc kinh tế, chính trị, cường quốc thể thao v..v , khái niệm “cường quốc văn chương” đã khẳng định sự hiện hữu của mình qua lịch sử 110 năm của giải. Trong số 10 nhà văn nhà thơ mới đây nhất được chấm giải, đã có đến 7 người thuộc về các quốc gia châu Âu, nơi thống trị của ngôn ngữ Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, những ngôn ngữ phổ thống khắp nơi trên thế giới. Người ta chê trách rằng Ủy Ban chấm giải đã quá thiên về châu Âu (Euro-centric). Nhưng cũng không vì thế mà phủ nhận một thực tế ưu thắng của những ngôn ngữ trên. Chúng đến được với nhiều người. Ngay đến một cường quốc kinh tế, chính trị như nước Tàu với một nền văn hóa vào hạng lâu đời nhất thế giới cũng không đủ sức vực chữ Tàu lên vị trí quốc tế được vì nó quá phức tạp. Tương tự như vậy với một nước Nhật hùng cường nhất nhì thế giới hiện nay. Trong 108 nhà văn nhà thơ nhận giải chỉ có hai thuộc về nước Nhật là Yasunari Kawabata (1968) và Kenzaburo Oe (1994), 1 thuộc về nước Tàu là Cao Hành Kiện (2000).

Tuy nhiên, thế yếu về vị trí ngôn ngữ vẫn có thể khắc phục được nếu văn học Việt Nam có một đội ngũ dịch gỉa đầy đủ khả năng và thiện chí. Thế giới hiện nay, qua internet, đã thu nhỏ lại hơn trước đây nhiều lắm. Ở ngòai đất nước, số người Việt Nam tinh thông hai ba ngôn ngữ khác nhau không nhỏ. Ở trong nước, cơ hội trau dồi thêm một ngọai ngữ cũng không hiếm hoi. Vấn đề là sự tài trợ của các giới chức thẩm quyền. Điều này là không tưởng theo thực tế hiện nay. Vấn đề khác, quan trọng hơn, là thẩm định giá trị văn học, tư tưởng, giá trị phản ánh trung thực tế lịch sử, đời sống của đất nước của những tác phẩm sẽ được đầu tư để giới thiệu với độc gỉa thế giới. Điều này, trong bối cảnh chính trị hiện nay, cũng không dễ gì đạt được một sự thống nhất.

Nhân cơ hội giới thiệu giải văn chương Nobel năm nay, tôi dài dòng thêm một chút về ước mơ và những suy nghĩ vụn vặt, chưa thành hệ thống của mình. Vẫn biết ước mơ chỉ là ước mơ, và biết chắc rằng trước khi nhắm mắt chia tay trần gian, mình cũng sẽ không có dịp giới thiệu một nhà văn Việt Nam đọat giải văn chương Nobel, nhưng hy vọng rằng không ai nỡ hẹp lượng mà không cho phép tôi được mơ tưởng đến cái ngày đó.

T.Vấn

6 tháng 10 năm 2011

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search