T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thẩm Óanh: Suối Huyền

“. . .Tác phẩm “Suối huyền” của Thẩm Oánh in nguyên chân dung của nữ danh ca Tâm Vấn với lời giới thiệu “Ngôi sao của nhạc mới HÀ THÀNH”. Trang 4 của bản nhạc này còn có chân dung nhạc sĩ với một danh mục những tác phẩm của ông đã và sẽ do NXB Tinh hoa ấn hành.. .”

Thẩm Óanh: Suối Huyền

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

*Chú Thích: Kể từ entry Những Ngày Tàn Mơ trong loạt bài Dòng Nhạc Kỷ Niệm, sẽ không có phần audio của bài nhạc (dạng MP3, hoặc Youtube). Lý do: dù đã bỏ rất nhiều thì giờ nỗ lực tìm kiếm, chúng tôi đành phải chịu thua và quyết định cho công bố phóng ảnh các bài nhạc với hy vọng, một ngày nào đó, sẽ có các độc giả ưa chuộng chuyên mục DNKN tiếp tay gởi đến chúng tôi phần audio còn thiếu sót. Mong lắm thay! (T.Vấn & Bạn Hữu)

*

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

 

©T.Vấn 2019

Nghe Thêm:

Hòai Nam – 70 Năm Tình Ca (7)- Thẩm Óanh, Canh Thân

Đọc Thêm:

“Kho” bản nhạc quý từ nửa thế kỷ trước

(Nguồn: Petro Times VN)

Gần trăm bản nhạc của nhiều nhạc sĩ tân nhạc nổi tiếng, được in từ cuối những năm 40, đầu những năm 50, cho thấy một cách làm việc đầy tính văn hóa. Nhà sưu tập sở hữu những tư liệu quý giá này hy vọng sẽ có dịp trưng bày, giới thiệu với đông đảo công chúng hôm nay.

Minh chứng về “vàng son tân nhạc”

Nhà sưu tập cổ vật Nguyễn Trường – Chủ nhiệm CLB những người yêu cổ ngoạn Hà Nội đang lưu giữ gần trăm bản nhạc cũ với nhiều tên tuổi, tác phẩm nổi tiếng. Xem thời gian ấn hành ghi trên các bản nhạc thì được biết chúng được in ra vào những năm 1948 đến 1954.

Ông đưa chúng tôi lên gác, mở hộp gỗ, cẩn thận lấy ra những tập bài hát có tuổi đã bằng gần cả đời người. Giấy đã sờn, nhiều bản nhạc còn những nếp nhăn, nếp gấp do qua tay người dùng trong quá trình lưu giữ. “Nụ tầm xuân” của Phạm Duy, “Xa xôi” của Hoàng Giác, “Hòn Vọng Phu” của Lê Thương, “Nam Quan hận khúc” của Văn Giảng, “Ta cùng đi” của Lưu Hữu Phước, “Nhớ nhung” của Thẩm Oánh, Bắc Sơn của Văn Cao… cùng hàng loạt ca khúc của các nhạc sĩ nổi tiếng khác, hơn nửa thế kỷ trước từng đến với công chúng qua cách trình bày lịch sự, trang nhã. Cùng với NXB Tinh Hoa, trong gần trăm bản nhạc mà ông Trường đang sở hữu, còn có nhiều bản nhạc của các NXB có tiếng thời đó như Hương Mộc Lan, Tiếng Đàn, Kim Thạch, Tỳ Bà, Á Châu… và được phát hành rộng rãi trên phạm vi toàn quốc, các NXB ở Hà Nội có địa chỉ đại diện ở Sài Gòn và ngược lại. Nhiều bản còn được bán ở Campuchia và Lào.

“Xem những tư liệu không dễ gặp này, nếu không nói là đã trở nên quá hiếm hoi, người hôm nay sẽ biết từ những năm tháng đó, người ta đã có cách làm hay, làm đẹp cho tác phẩm nghệ thuật thế nào”, nhà sưu tập nói. Theo giới thiệu của ông, mỗi bản nhạc là một tờ bìa mỏng, gập đôi lại có khổ chữ nhật như tờ giấy A3 hiện nay. Trang 1 là “mặt tiền”, giới thiệu tên tác giả, tác phẩm, hình vẽ minh họa cùng lô gô và tên NXB, nhiều tờ in hai, ba màu. Trang 2 và 3 thể hiện đầy đủ bản nhạc, ca từ. Trang 4 có các ô, mục giới thiệu địa chỉ NXB, giám đốc, nơi đại diện, nơi in tác phẩm, giá bán ở miền Bắc, Trung, Nam, có những bản có giá ở Lào và Campuchia. Trang này cũng cẩn thận in ngày cấp giấy phép với tên họa sĩ minh họa, người trình bày. Lại có cả danh mục các bản nhạc mà NXB đã và sẽ ấn hành. Nhiều trang 4 cũng không quên quảng bá một số cuốn sách dạy nhạc, hướng dẫn tập luyện cho thanh thiếu niên, cho người học với tinh thần “hát mà học”, “hát mà chơi”, biểu dương một nguồn âm nhạc Việt Nam mới… Nhiều bản nhạc có những phần quảng cáo, giới thiệu cũng rất đỗi… văn hoa, thể hiện mục tiêu đóng góp vào sự phát triển nền âm nhạc mới, vì sự phát triển thẩm mĩ của thế hệ trẻ. Có những bản nhạc còn cho biết ngoài các bản in thường, NXB còn có một số bản được in đặc biệt, có cả chữ ký của tác giả. Qua danh mục hàng trăm bài hát đã được các NXB có tiếng ấn hành, có thể phần nào thấy được sự lan tỏa của tân nhạc trong xã hội.

Một ví dụ, tác phẩm “Nhớ mong” của nhạc sĩ Châu Kỳ được NXB Tinh Hoa ấn hành. Trang 3 còn có một ô “quảng cáo”: “Bản “Nhớ mong” do Tinh Hoa ấn hành lần thứ nhất. Ngoài những bản thường Có in thêm 30 bản đặc biệt trên giấy quý… đều có chữ ký của tác giả và đóng triện son Tinh Hoa”. Trang 4 liệt kê cả một danh mục đến 136 bản nhạc đã in, lại giới thiệu thêm nhiều tác phẩm của các tác giả khác đang in như “Người đi” của Đan Trường, “Lửa rừng đêm” – Nguyễn Hữu Ba, “Đường về” – Hoàng Trọng, “Chị Hằng” – Minh Kỳ, “Chí trai” – Nguyễn Văn Thương, “Chùa Hương” – Hoàng Quý, “Đôi chim giang hồ” – Ngọc Bích…

Mong nhiều người chiêm ngưỡng

Xem qua có thể thấy cách làm chuyên nghiệp, đồng thời thể hiện sự trang nhã, tôn trọng tác giả, ông giáo già Nguyễn Trường nhận xét, người ta in khổ to, rõ ràng để người mua mở ra là có thể đặt lên giá để chơi nhạc hoặc hát. Ngày xưa thì kỹ thuật in, vẽ bìa chưa hiện đại, đa dạng như bây giờ nên chỉ có vẽ tay, nhưng nhìn người ta vẽ tay lại thấy rất tình cảm và thái độ làm việc nghiêm túc.

“Kho” bản nhạc quý giá này được nhà sưu tập Nguyễn Trường lưu giữ từ khoảng đầu những năm 70. Một lần, tình cờ ông đến chơi nhà một người bạn thế hệ trước, là công chức ở Hà Nội từ trước 1954. Người bạn cho ông xem những bản nhạc mà ông có, cộng với cả chút ngẫm ngợi nao nao về thế sự, rồi chia sẻ chẳng biết làm gì với những bản nhạc này. Ông Trường nghĩ, nếu không được giữ cẩn thận thì nhỡ mai kia rách nát, mối mọt, sẽ vô cùng uổng phí những hình ảnh, hiện vật về một dòng chảy văn hóa. Và ông đề nghị người bạn đó để lại cho mình. Những bản nhạc “gia nhập” kho cổ vật, hiện vật qua bao đời, cùng những bức tranh của các danh họa mà ông Trường đã giữ gìn nửa cuộc đời.

Thỉnh thoảng, ông Trường lại đem các bản nhạc ra xem, có khi một mình, có khi cùng bạn bè, những người cũng yêu thích đồ xưa, đồ cũ như ông, để cùng bình luận và tấm tắc về một cách làm xuất bản ấn phẩm văn nghệ, một thái độ của người làm xuất bản đối với nghệ sĩ. Ông nói, nhìn nhé, không phải đến bây giờ với nhiều tập nhạc được in bóng bẩy, công phu, mà từ hơn nửa thế kỷ trước, người ta làm rất cẩn thận, tôn trọng tác giả. Tên nhạc sĩ được viết to, cùng với lô gô của NXB, tranh minh họa vẽ tay với nhiều hình vẽ đa dạng, dựa trên một tình ý nào đó của tác phẩm. Phần nội dung được làm với hai trang giữa để khi mở ra sẽ thành một bản nhạc đặt trước mặt có thể hát, chơi nhạc được ngay. Cả tên họa sĩ vẽ minh họa và người trình bày bản nhạc cũng không bị bỏ sót.

Dự định của nhà sưu tập Nguyễn Trường là nếu đủ điều kiện, sẽ tổ chức một cuộc triển lãm để giới thiệu với công chúng hôm nay gần 100 bản nhạc đã trở nên quý hiếm này. “Tôi giữ gìn đã mấy chục năm nay rồi”, nhà sưu tập nói: “Có những bản có khi tác giả cũng không giữ được. Tôi hy vọng sẽ có dịp tổ chức được một triển lãm giới thiệu các tài liệu này để công chúng biết một phần về các bài hát nổi tiếng thời trước được ấn hành như thế nào. Qua đó cũng thấy được ý thức, thái độ của người làm xuất bản nghệ thuật”.

Những cái tên họa sĩ, người trình bày được thấy phổ biến như Nguyễn Phi Hùng, Lê Mộng Bảo, Nguyễn Khắc Vĩnh, Bạch Đằng… Trong nhiều tên nhạc sĩ, không thể thiếu những Dương Thiệu Tước, Văn Cao, Phạm Duy, Hoàng Quý, Hoàng Giác, Lưu Hữu Phước, Văn Chung cùng nhiều nhạc sĩ tân nhạc khác. Các bản nhạc được in cũng khá đa dạng, nhiều bài thể hiện niềm yêu lứa đôi, tình thương, nỗi nhớ, nhiều bài ca ngợi cảnh sắc nông thôn, đất nước, nêu cao tinh thần thanh niên, tự hào về nòi giống dân tộc Việt…

Bản “Lỡ cung đà” của Hoàng Giác có hình bán thân cô gái má hồng, mặc áo dài xanh, để kiểu tóc tân thời của phụ nữ Hà Nội thời trước, đang chơi cây đàn măng đô lin. Bản “Hội nghị Diên Hồng” của Lưu Hữu Phước có hình ảnh trung tâm là lão nông râu dài, để trần vạm vỡ, vừa buông dây cung, dáng dũng mãnh. Tác phẩm “Suối huyền” của Thẩm Oánh in nguyên chân dung của nữ danh ca Tâm Vấn với lời giới thiệu “Ngôi sao của nhạc mới HÀ THÀNH”. Trang 4 của bản nhạc này còn có chân dung nhạc sĩ với một danh mục những tác phẩm của ông đã và sẽ do NXB Tinh hoa ấn hành.

 

(Theo Hòang Thi)

Bài Mới Nhất
Search