T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tổ chức di cư và định cư 1954

20 tháng 7 năm 2022, đúng 68 năm ngày ký kết Hiệp Định Geneve 20-7-1954 chia đôi đất nước và mở đầu cho cuộc chạy trốn cộng sản của hơn 1 triệu người miền Bắc di cư vào Nam tìm tự do và cũng mở đầu cho một giai đoạn lịch sử vừa bi thương vừa rực rỡ của dân tộc Việt Nam. Cùng lúc, chúng tôi nhận được một số những tài liệu quý báu về giai đoạn này do nhóm Lymha sưu tầm và gởi đến chúng tôi qua nhà thơ Như Thương, một cây bút trẻ thuộc thế hệ thứ hai luôn quan tâm tới các vấn đề mà thế hệ thứ nhất chúng tôi đã và đang phải đối mặt. Để nhắc nhở nhau, những người Việt hiện đang sống ở quê nhà hay đang ngụ cư rải rác khắp nơi trên thế giới, chúng tôi mạn phép các tác giả tập tài liệu, anh chị em trẻ thuộc nhóm Lymha, được đăng tải lại ở đây các tập tài liệu nói trên.

T.Vấn & Bạn Hữu

Trùng Dương: 68 năm nhìn lại cuộc di cư 1954 Vĩnh Biệt Hải Phòng

Toàn văn Hiệp định Genève 20-7-1954 và Bản Tuyên bố cuối của hội nghị 

Tổ chức di cư và định cư 1954

Friday, July 18, 2014

Trẻ em Việt Nam tị nạn xin các thủ thủy cho kẹo, trong hành trình trên đường từ Hải Phòng vào Sài Gòn, Ðông Dương, trên tàu USS Bayfield vào khoảng Tháng Chín năm 1954.

(Hình: US Navy Department)

Việc chuyên chở do Pháp và Hoa Kỳ phụ trách, còn tiếp đón và định cư là trách nhiệm của Quốc Gia Việt Nam với sự viện trợ tài chánh và vật liệu của Pháp, Hoa Kỳ cùng một số chính phủ và tổ chức tư nhân ngoại quốc. Trước khi tìm hiểu chi tiết của mỗi loại hoạt động, ta cũng nên biết cơ cấu điều hành và phối trí các hoạt động trong suốt quá trình di cư và định cư của dân tị nạn 1954.
Do việc Pháp bỏ rơi Bùi Chu và Phát Diệm vào Tháng Sáu 1954, một số linh mục và giáo dân đã bỏ chạy về vùng Hà Nội, Hải Phòng. Chính phủ Ngô Ðình Diệm khi đó vừa được thành lập đã cấp tốc giao cho Bộ Xã Hội và Y Tế phối hợp với các Bộ Thanh Niên, Công Chánh, Thông Tin, Canh Nông và Kinh Tế để tổ chức công cuộc di cư và định cư tị nạn. Sở Di Cư thuộc Bộ Xã Hội và Y Tế được đặc biệt thành lập để phối hợp các hoạt động tiếp đón, chuyên chở, cổ động cứu trợ, và định cư tị nạn. Chuyến tàu chở dân di cư đầu tiên là chiếc tàu Anna Salen của Thụy Ðiển, rời cửa biển Bắc Việt ngày 17 Tháng Bảy, 1954, ba ngày trước Hiệp Ðịnh Genève, và cập bến Sài Gòn ngày 21 Tháng Bảy với trên 2,000 người tị nạn.
Trước tình hình gia tăng lũy tiến số dân tị nạn, ngày 17 Tháng Chín, 1954, Thủ Tướng Ngô Ðình Diệm ký nghị định số 928-NV thành lập Phủ Tổng Ủy Di Cư Tị Nạn (PTUDCTN), ngang hàng với một Bộ trong Nội Các.

Thành phần gồm có:
Ngô Ngọc Ðối: Tổng Ủy Trưởng
Nguyễn Ngọc An: Ðổng Lý Văn Phòng
Nguyễn Lưu Viên: Tổng Ủy Phó
Nguyễn Thanh Diệu: Giám Ðốc Ðịnh Cư
Lê Văn Trà: Giám Ðốc Tài Chánh
Nguyễn Văn Trụ: Tổng Thanh Tra
Hoàng Văn Thận: Kỹ Sư Công Chánh
Ðỗ Trọng Chu: Công Cán Ủy Viên
Trần Phước Lộc: Chánh Sở Tiếp Cư
Nguyễn Công Phú: Chánh Sở Chuyển Vận
Ðỗ Ðức Trí: Thông Dịch Viên
Trung Tá Bùi Văn Hai: Sĩ quan liên lạc của Quân Ðội QGVN

Sau ông Ngô Ngọc Ðối còn có hai tổng ủy trưởng khác là Bác Sĩ Phạm Ngọc Huyến và ông Bùi Văn Lương. Ông Lương là người tại chức lâu hơn cả (từ Tháng Chín 1955 đến khi hết nhiệm vụ khoảng cuối năm 1957). Nhiệm vụ của PTUDCTN là phối trí với các cơ quan hữu trách của Pháp và Hoa Kỳ về vấn đề chuyên chở bằng phi cơ và đường thủy, và đảm nhiệm công cuộc tiếp đón, cứu trợ và định cư tị nạn. Bên cạnh PTUDCTN có các văn phòng liên lạc quân sự và tôn giáo, văn phòng an ninh để phối hợp với các cơ quan liên hệ. Trụ sở trung ương PTUDCTN đặt ở miền Nam với các Nha Ðại diện tại Bắc Phần, Trung Phần và Cao Nguyên.

Sau thời hạn di cư chấm dứt ngày 19 Tháng Năm, 1955, Nha Ðại Diện tại Bắc Phần đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ. Các Sở Chuyển Vận và Tiếp Cư được sáp nhập vào Nha Ðịnh Cư để tập trung vào công cuộc kiện toàn định cư ở miền dưới vĩ tuyến 17. Một Ủy Ban Ðịnh Cư cũng được thiết lập tại mỗi tỉnh do tỉnh trưởng làm chủ tịch với các cơ quan trách nhiệm địa phương.

Vì phần lớn dân tị nạn 1954 là người Công Giáo (khoảng 70% trên tổng số tị nạn) nên song song với PTUDCTN của chính phủ còn có một tổ chức cứu trợ tư nhân do Giám Mục Phạm Ngọc Chi điều khiển, lấy tên là “Ủy Ban Hỗ Trợ Ðịnh Cư”(UBHTÐC), hoạt động từ 1 Tháng Chín, 1954. Ðáp lời kêu gọi của UBHTÐC, nhiều tổ chức Công Giáo trên thế giới đã nhiệt thành gửi tiền và phẩm vật cứu trợ. Nhờ sự giúp đỡ này cùng với sự trợ lực của chính phủ, UBHTÐC đã giúp thiết lập được trên 300 trại định cư, xây cất hàng trăm nhà thờ và trường học, cung cấp các dịch vụ cho người tị nạn không phân biệt tôn giáo. Sau hơn hai năm hoạt động, UBHTÐC gây được cơ sở vững chãi cho các trại định cư. Ngay cả sau khi ủy ban đã chính thức giải tán vào cuối năm 1957, các linh mục trưởng trại cùng nhiều cán bộ vẫn tiếp tục thực hiện các chương trình văn hóa, giáo dục và phát triển xã hội trong các trại.

Tàu USS Bayfield neo tại Sài Gòn để đưa dân tỵ nạn xuống đất liền sau hành trình từ Hải Phòng, Tháng Chín 1954. (Hình: US Navy Department)

Như trên đã nói, ngoài Phủ Tổng Ủy và UBHTÐC, công cuộc định cư ngót một triệu người tị nạn được thực hiện thành công cũng là nhờ có các cơ quan ngoại viện và tổ chức từ thiện quốc tế, đặc biệt là chính phủ Pháp, Mỹ và cơ quan Cứu Trợ Công Giáo Hoa Kỳ.
Công cuộc chuyên chở bằng đường hàng không và đường thủy lúc đầu do chính phủ Pháp đảm nhiệm như đã cam kết tại Hội Nghị Genève. Một Ủy Ban Chuyển Vận Việt-Pháp được thành lập ngày 21 Tháng Bảy để phối trí công tác này. Cầu hàng không Hà Nội-Sài Gòn bắt đầu hoạt động mạnh mẽ với sự huy động các phi cơ quân sự và dân sự. Các tàu Hải Quân Pháp cũng được sử dụng đến mức tối đa.

Tuy nhiên, vì số người di cư gia tăng quá nhanh, vượt hẳn ước lượng và khả năng tiếp nhận của nhà chức trách Pháp, chính phủ Quốc Gia Việt Nam phải kêu gọi sự tiếp tay của Hoa Kỳ. Do chỉ thị của Tổng Thống Eisenhower, Ðệ Thất Hạm Ðội thành lập đoàn Hải Quân Ðặc Nhiệm 90 (Navy Task Force 90) gồm 41 chiếc tàu đủ loại do thiếu tướng hải quân Lorenzo Sabin chỉ huy để giúp việc chuyên chở người tị nạn Việt Nam. Ðoàn tàu đặc nhiệm này có khả năng chở 100,000 người mỗi tháng. Con tàu lớn nhất là tàu Marine Serpent chở được 6,200 người. Chuyến đầu tiên là tàu U.S.S. Menard chở 2,100 người cập bến Sài Gòn ngày 16 Tháng Tám, 1954. Chuyến cuối cùng của đoàn Ðặc nhiệm 90 là tàu General A.W. Brewster chở 1,900 binh sĩ Liên Hiệp Pháp và 520 người tị nạn tới Sài Gòn ngày 15 Tháng Năm, 1955.
Việc chuyên chở vào Sài Gòn bằng đường hàng không được thực hiện từ các phi trường Gia Lâm và Bạch Mai ở Hà Nội hoặc phi trường Cát Bi ở Hải Phòng bắt đầu từ ngày 4 Tháng Tám. Cầu không vận dài nhất thế giới (khoảng 1,200 km đường chim bay) hoạt động với sự tham gia của các công ty được thuê mướn hay trưng dụng gồm có: Air-France, Air Vietnam, Aigle Azur, Air Outre-mer, Autrex, CAT, Cosara, và UAT. Hầu hết các máy bay đều được tháo gỡ hết ghế để chở được tối đa số hành khách, trung bình mỗi ngày là 2,000 người. Phi trường Tân Sơn Nhất trong một ngày hoạt động tối đa ghi được con số 4,226 người tới. Cứ mỗi sáu phút lại có một phi cơ hạ cánh, biến sân bay Tân Sơn Nhất thành phi trường bận rộn nhất thế giới hồi đó. Tổng cộng có 4,280 chuyến bay và có một tai nạn đã xảy ra ngày 15 Tháng Tám khi chiếc Bristol hai động cơ chở 47 người tị nạn và phi hành đoàn bốn người bị rớt ở Lào cách Sài Gòn 300 km. Chỉ có một phụ nữ với đứa con nhỏ và ba nhân viên phi hành sống sót.
Những người đi bằng đường thủy được đưa xuống Hải Phòng bằng xe lửa và di chuyển vào Nam bằng tàu của hải quân Pháp hay Hoa Kỳ. Ðoàn tàu đặc nhiệm 90 của Mỹ thả neo ở cửa sông Hồng để nhận người tị nạn do các tàu nhỏ của Pháp chở tới. Một số ít tàu của Anh, Trung Hoa và Ba Lan cũng tham dự vào việc chuyên chở người tị nạn. Nhiều người ở các tỉnh xa không thể tới Hà Nội hay Hải Phòng phải di chuyển bằng phương tiện riêng. Vì vào ngày chót của thời hạn di cư (19 Tháng Năm, 1955) vẫn còn một số người chưa được chuyên chở, Pháp yêu cầu Hà Nội gia hạn ba tháng và được chấp thuận.

Theo thống kê của PTUDCTN, tổng số dân rời bỏ miền Bắc vào Nam là 875,478 người, trong số đó 871,533 đi trước ngày 19 Tháng Năm và 3,945 người đi trong thời gian gia hạn. Nếu tính thêm số người vượt tuyến sau khi hết hạn, khoảng 76,000 người đi bằng thuyền hay đường bộ (xuyên rừng qua Lào), tổng số tị nạn lên tới gần 950,000 người.
Trong số 871,533 người đi đúng kỳ hạn có 213,635 người được Pháp chở bằng máy bay (4,280 chuyến), số còn lại gồm có 555,037 người được chở bằng tàu thủy và 102,681 người đi bằng phương tiện riêng.

Số 555,037 người đi bằng đường thủy chia ra như sau:

Pháp: 237,000 người (338 chuyến)
Mỹ: 316,000 người (109 chuyến)
Anh, Trung Hoa và Ba Lan: 2,000 người (8 chuyến)

Số 3,945 người đi trong thời kỳ gia hạn cũng được chở bằng đường thủy, trên chín chuyến tàu cuối cùng sau đây:

Djiring, ngày 2 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 500 người
Nam Việt, ngày 6 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 70 người
Gascogne, ngày 8 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 818 người
St. Michel, ngày 16 Tháng Sáu, 55, chuyên chở 700 người
Espérance, ngày 27 Tháng Bảy, 55, chuyên chở 787 người
Durand, ngày 7 Tháng Tám, 55, chuyên chở 12 người
Phong Châu, ngày 6 Tháng Tám, 55, chuyên chở 286 người
Hương Khánh, ngày 16 Tháng Tám, 55, chuyên chở 310 người
Hải Phòng, ngày 19 Tháng Tám, 55, chuyên chở 462 người

Công cuộc tiếp cư bắt đầu từ việc tiếp nhận dân di cư vào những trại tạm trú ở Hà Nội, Hải Phòng, làm thủ tục di chuyển bằng máy bay hay tàu thủy, cho đến việc thu xếp nơi ăn chốn ở và tiếp tế vật dụng cần thiết cho mỗi gia đình khi mới đặt chân lên Sài Gòn, Vũng Tàu hay Nha Trang. Những hoạt động này diễn ra liên tiếp không kể ngày đêm từ ngày đầu tiên cho đến ngày cuối cùng của thời hạn di cư. Sau khi Hà Nội và Hải Dương được chuyển giao cho Việt Minh vào cuối Tháng Mười, trung tâm tiếp cư Hải Phòng càng trở nên đông đúc và bận rộn. Tất cả trường học và một số lớn công sở được biến thành trại tạm trú cũng không đủ cho người tị nạn tạm trú. Nha Ðại Diện PTUDC tại Bắc Phần phải cho dựng lên hàng ngàn chiếc lều vải ở hai trú khu vùng ngoại ô, mỗi nơi chứa được khoảng 15,000 người, đủ cho các đợt người đến và đi liên tiếp.
Ngoài ra còn một trú khu khác chứa được 12,000 người ở cách Hải Phòng bảy cây số do Bác Sĩ Tom Dooley dựng lên và quản trị hoàn toàn riêng biệt.
Khi tới các sân bay hay bến cảng Sài Gòn hay Vũng Tàu, đồng bào được các nhân viên tiếp cư đưa lên xe đến các trạm tiếp cư hay tạm trú. Trường đua ngựa Phú Thọ, Nhà Hát Thành Phố và một số trường học trong thời gian nghỉ Hè được dùng làm nơi tiếp đón trước khi phân phối người tị nạn tới các trại tạm trú. Tại đây, họ được Sở Tiếp Cư cung cấp các phẩm vật cần dùng và tiền tiếp tế cho mỗi người. Có tất cả 20 trại tạm trú trong vùng Sài Gòn, Gia Ðịnh, và một trại ở Rạch Dừa, Vũng Tàu. Sau ngày cuối thời hạn di cư, các trạm tạm trú còn hoạt động thêm một tháng, tới ngày 17 Tháng Chín, 1955 mới chấm dứt.

(Trích từ “Việt Nam 1945-1995, Chiến Tranh, Tị Nạn và Bài Học Lịch Sử”)

Lê Xuân Khoa

Source: nguoiviet.com

(Nhóm Lymha sưu tầm)

Bài Mới Nhất
Search