T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Viết về Chernobyl

clip_image001

(Ảnh: Courtesy of www.upi.com)

Những con kiến đang bò dọc theo một nhánh cây.

Trang thiết bị quân sự có mặt ở khắp mọi nơi. Và những người lính, khóc lóc, chửi thề, văng tục, máy bay trực thăng đập cánh. Nhưng, họ cũng đang bò.

Từ Khu Cấm, tôi trở về nhà. Ngày hôm ấy, thứ duy nhất trong số những thứ tôi chứng kiến, thứ duy nhất vẫn còn hiện ra rõ ràng trong trí nhớ của tôi, là hình ảnh những con kiến bò trên một nhánh cây. Chúng tôi ngừng lại giữa khu rừng, tôi bước xuống đứng hút thuốc bên cạnh một cây Bu lô. Tôi đứng rất sát cái cây, gần như là tựa lưng vào nó. Ngay trước mặt tôi là một đàn kiến đang di chuyển, chúng thản nhiên như không một chút bận tâm, để ý đến sự có mặt của tôi. Về phần tôi, chưa bao giờ tôi có dịp quan sát một đàn kiến chăm chú như bây giờ.

Ban đầu thì người ta bảo: “Đó là một thảm họa”, rồi ai cũng bảo: “Đó là một cuộc chiến tranh nguyên tử”. Tôi đã được biết về Hiroshima và Nagasaki. Đã xem những đoạn phim tài liệu về hai quả bom nguyên tử nổ ở hai thành phố Nhật Bản này. Quả thật là một sự kiện đáng sợ, nhưng vẫn có thể hiểu được: chiến tranh hạt nhân, phóng xạ phát ra do bom nổ. Thậm chí tôi có thể tưởng tượng được quả bom đã nổ như thế nào. Nhưng những gì xẩy ra ở Chernobyl hoàn toàn nằm ngoài tầm cảm nhận ý thức của tôi.

Bà có thể hình dung ra được không hình ảnh một vật hoàn toàn vô hình có thể xâm nhập vào thế giới rồi tiêu hủy chính cái thế giới nó bước vào. Cũng vật ấy, nó từ từ bò vào trong con người mình, rồi trụ lại ở đó. Tôi nhớ đến lời giải thích của một nhà khoa học: “Phải mất hàng ngàn năm trước khi bụi phóng xạ vĩnh viễn biến mất. Khoảng thời gian cần thiết để chất uranium tự phân hủy là 238 half-lives *, tính ra thời gian là hàng tỉ năm (4.5 tỉ năm). Cho chất Thorium là 14 tỉ năm.”. Năm mươi, một trăm, hai trăm. Nhưng vượt quá  hơn nữa thì sao? quá hơn nữa thì ý thức của tôi thành tê liệt. Tôi không còn hiểu được gì nữa hết. Thời gian là gì? Tôi đang ở đâu đây?

Viết về những điều đó bây giờ ư, khi mới chỉ có khoảng thời gian 10 năm trôi qua ư? Thật là điên rồ! Không ai thậm chí giải thích được tại sao, hiểu được tại sao về những gì xẩy ra. Chúng tôi vẫn còn cố gắng hình dung một cái gì đó tương tự như cuộc sống của chúng tôi bây giờ. Tôi đã cố nhưng vô ích. Vụ nổ Chernobyl tạo ra huyền thoại Chernobyl. Bọn ký giả cạnh tranh nhau xem ai là người viết được những bài báo hãi hùng nhất. Những kẻ nào không có mặt ở Chernobyl khi vụ nổ xẩy ra thích thú được có cảm giác hãi hùng. Ai cũng đọc được tin nói về cái cây nấm to bằng đầu người nhưng chưa có ai trông thấy bằng mắt mình. Vậy thì thay vì viết, bà nên chịu khó ghi nhận dữ kiện làm tài liệu. Nói cho tôi xem đã có chưa một quyển tiểu thuyết giả tưởng về Chernobyl? Làm sao mà có được! Bởi vì thực tại ở Chernobyl còn hơn cả sự tưởng tượng.

Tôi có hẳn một quyển sổ ghi chép. Trong đó tôi thuật lại đầy đủ những mẩu đối thoại, những tin đồn, những giai thoại. Rồi thời gian sẽ cho thấy những ghi chép này thú vị biết bao. Cũng như cổ Hy lạp, cái còn lại của nó là gì? Chính là những huyền thoại về nó được lưu truyền.

Cuốn sổ ghi chép của tôi có những đoạn như sau:

“Đã từ 3 tháng này, ngày nào đài cũng ra rả một luận điệu: Tình hình ở Chernobyl đang ổn định, tình hình ở Chernobyl đang ổn định, tình hình đang ổn . . .”

“Những từ ngữ cũ thời Stalin lại được sống dậy: bọn mật thám phương Tây, những kẻ thù truyền kiếp của chủ nghĩa xã hội, những nỗ lực phá hoại tinh thần đoàn kết không thể bị phá hủy của nhân dân Xô Viết . . . Người ta mở miệng là nói về những tên tay sai, bọn khiêu khích phương Tây được phái đến đây nhưng chẳng ai nói một lời về sự cần thiết phải có chất i ốt để tránh bị nhiễm trùng. Bất cứ mọi thông tin ngoài luồng đều bị coi là tuyên truyền của ngoại bang.”.

“Hôm qua, tay tổng biên tập kiểm duyệt bài báo của tôi, anh ta cắt phăng đi đoạn tôi viết về bà mẹ của một trong những người lính cứu hỏa có mặt đầu tiên ở trạm hạt nhân trong đêm trạm phát nổ. Người lính cứu hỏa chết vì nhiễm độc phóng xạ quá nặng. Sau khi an táng con trai mình ở Moscow, bà cùng với chồng quay trở về làng, nhưng rồi cũng phải di tản sau đó không lâu. Vào mùa thu năm đó, họ lẻn về nhà bằng con đường xuyên qua rừng để thu hoạch dưa leo và khoai tây trong vườn nhà. Bà mẹ rất hài lòng : “Chúng tôi chứa đầy gần 20 thùng thức ăn”. Đó là niềm tin của họ đặt vào mảnh đất, bằng bản năng dạn dầy kinh nghiệm của người nông dân, bất kể cái chết của con mình cũng không làm họ suy xuyển niềm tin đó.”.

“Tay tổng biên tập tờ báo hỏi tôi : “Anh nghe lén đài Tiếng nói Âu châu tự do phải không? Tôi không cần những kẻ gieo hoang mang sợ hãi cho mọi người làm việc ở đây. Anh viết ngay cho tôi một bài báo về những anh hùng xem nào.”.

“Nhưng mà cái ý niệm cũ về kẻ thù đã bị tiêu diệt rồi mà? Kẻ thù chúng ta thì vô hình. Chúng hiện diện ở khắp mọi nơi. Cái ác bây giờ giả danh dưới một hình thức khác.”.

“Mấy ông giảng viên ở trong Ủy Ban Trung Ương Đảng đến. Ngày nào họ cũng chỉ quanh quẩn từ khách sạn đến trụ sở Đảng ủy bằng xe hơi rồi về. Họ tìm hiểu tình hình bằng cách đọc qua trang nhất các tờ báo địa phương. Họ mang theo hàng thùng thực phẩm từ Minsk đến, pha trà bằng nước khoáng đóng chai cũng do họ mang theo. Người nữ lao công ở khách sạn cho tôi biết như vậy. Người dân không bao giờ tin vào báo chí, truyền hình hoặc truyền thanh – Họ nhìn vào cung cách những quan chức lớn để tự rút ra những điều họ cần biết, vì đó mới là tin tức trung thực.”.

“Ở trong Khu Cấm, ai cũng tin vào điều bịa đặt lếu láo là rượu Vodka chế tạo ở Stolichnaya có khả năng bảo vệ hữu hiệu chống lại sự nhiễm xạ.”.

“Tôi phải lo cho con tôi thế nào đây? Tôi chỉ muốn dấu nó trong áo rồi tìm cách thoát khỏi nơi đây thôi. Nhưng ngặt nỗi tôi là một đảng viên. Tôi không thể làm thế được.”.

“Các cửa tiệm bỗng nhiên chất đầy những hàng hóa vốn khan hiếm. Tôi nghe ông bí thư khu ủy đảng đọc diễn văn: “Chúng tôi sẽ tạo ra thiên đàng dưới đất cho tất cả mọi người. Xin bà con ở lại và tiếp tục làm việc. Nhà nào cũng sẽ có thừa mứa xúc xích và kiều mạch. Hễ ở những cửa hàng đặc sản cao cấp có thứ gì thì bà con sẽ có những thứ ấy.”. Ông ta ám chỉ khẩu phần của gia đình ông ta. Giới quan chức cho rằng người dân chỉ cần có đủ Vodka và xúc xích là họ sẽ ngoan ngoãn phục tùng. Quỷ tha ma bắt lũ quan chức ấy đi! Tôi chưa bao giờ thấy cửa hàng thực phẩm nào có đủ các lọai xúc xích cả. Tôi đi vào rồi đi ra, chỉ mua được mấy cái vớ chân hàng ngoại cho vợ tôi.”.

“Có tháng người ta dễ dàng tìm mua mấy cái máy đo độ nhiễm xạ, nhưng cũng có khi không thấy một cái nào trên kệ hàng. Đây là điều cấm kỵ không báo nào dám đề cập tới. Càng không được viết về mức độ nhiễm xạ thực sự hiện đang xẩy ra, về những ngôi làng chỉ còn đàn ông, còn đàn bà và trẻ nít thì đã di tản đi chỗ khác. Trong suốt mùa hè chỉ có đám đàn ông làm các công việc giặt dũ, vắt sữa, cầy bừa. Và uống rượu, tất nhiên là phải thế rồi. Và đánh nhau. Một thế giới không có bóng đàn bà. Những điều đó đều bị kiểm duyệt, cắt hết, không cho in trên báo. Tay tổng biên tập nói như đe dọa : “Đừng quên rằng chúng ta có rất nhiều kẻ thù sống ở bên kia đại dương. Đó là lý do tại sao chúng ta chỉ nên viết về những điều tốt, tuyệt đối không nêu lên một điều gì xấu cả.”. Nhưng ở ngoài kia có một bữa tiệc thịnh soạn đang được chuẩn bị, và có kẻ thấy những quan chức tai to mặt lớn xách va li bước vào . . .”.

“Một bà cụ già chặn tôi lại gần trạm công an: “Cháu ơi, cháu giúp bà với! Đã đến mùa thu hoạch khoai tây rồi mà mấy ông lính này không cho bà về nhà .”. Người dân lẻn về nhà mình giống như thời chiến tranh làng bị bao vây. Họ băng qua tuyết, qua rừng, qua truông, vào ban đêm. Bị công an đi xe hơi, đi trực thăng rượt đuổi, bắt giữ. Mấy người già cảm thán “giống y như hồi bọn Đức còn chiếm đóng.”.

“Bắt gặp tên cướp cạn đầu tiên. Đó là một thanh niên còn rất trẻ mặc trên người hai cái áo choàng lông. Anh ta khai với cảnh sát đi tuần là mặc như vậy để chống bị nhiễm xạ. Bị tra khảo quá, cuối cùng anh ta thú nhận : “Đi hôi của lần đầu cũng có chút sợ hãi, nhưng những lần sau quen rồi cũng dạn dĩ hơn. Cứ quơ đại rồi chạy.”. Bản năng sinh tồn của con người là một chuyện, nhưng có những trường hợp không thể lấy cái tiêu chuẩn bình thường để đo lường được. Điều ấy có thể giải thích cho những hành động phi thường mà một người có thể thực hiện. Bao gồm cả những kẻ dám phạm vào một tội ác tầy trời.”.

“Một năm sau đó, tôi có trở lại ngôi làng cũ. Bầy chó đã hóa dại cả. Tôi tìm ra con chó Rex năm xưa, gọi nó, nhưng nó không chạy đến. Nó không còn nhận ra tôi nữa? hay không muốn nhận chủ? Nó có vẻ giận dữ nhìn chúng tôi.”.

“Thời gian vài tuần vài tháng đầu, mọi người ai cũng lặng lẽ. Một sự im lặng kéo dài. Tâm trạng mệt mỏi đầu hàng. Hẳn là phải bỏ đi thôi, nhưng đến ngày cuối cùng lại nghĩ, Không, đầu óc đã mất khả năng cầm nắm sự việc, khả năng phân tích điều gì đang xẩy ra. Tôi không hề nhớ được những vấn đề nghiêm túc, nhưng lại nhớ rõ mồn một những câu đùa cợt. “Bây giờ thì cửa hàng nào cũng có bán những sản phẩm kích hoạt phóng xạ.” “Chứng liệt dương được chia ra làm hai loại: Phóng xạ tích cực và phóng xạ tiêu cực.”. Bỗng nhiên, những câu đùa cợt ấy biến mất không để lại chút dư âm nào.

 Tình cờ nghe được trong bệnh viện:

Thằng bé chết rồi. Hôm qua nó còn cho tôi mấy cục kẹo.”

Xếp hàng mua thực phẩm ở chợ.

“Chà, năm nay được mùa nấm đấy!“.

“Chúng bị nhiễm độc cả rồi.”

“Ô kìa! Có ai bắt mình phải ăn đâu chứ. Cứ mua đi, đem về phơi khô rồi đem ra chợ ở thủ đô Minsk mà bán. Thành triệu phú chứ chẳng chơi !”.

“Họ chọn đúng chỗ của mình để làm nhà thờ cho thiên đàng. Mấy vị linh mục quả là có tầm nhìn xa. Các thứ lễ nghi bí mật đã được cử hành trước khi xây nhà thờ. Nhưng mà họ xây cái nhà máy phản ứng hạt nhân giống như là một xưởng thợ. Như một cái chuồng heo bẩn thỉu. Họ đổ xi măng lên mái nhà. Thế nên nó mới chảy ra .”

“Này, có đọc cái này chưa? Người ta bắt được một anh lính đào ngũ ngay tại nhà máy Chernobyl đấy! Anh ta đào một cái hầm rồi xuống đó trú ẩn. Thức ăn thì anh ta đi tìm ở những căn nhà bỏ hoang, có khi được miếng mỡ lợn, khi được hũ dưa chua. Hoặc đặt bẫy thú rừng. Anh ta đào ngũ vì nhìn thấy mấy người lính già đánh đập đám lính trẻ cho đến chết. Anh ta tự cứu mình. Ngay tại Chernobyl.”.

“Lũ chó nửa sói nửa nhà đã bắt đầu xuất hiện đây đó, kết quả của việc trước đây lũ chó nhà bỏ chạy vào rừng. Chúng thậm chí lớn hơn cả chó sói, không đếm xỉa gì đến thủ hiệu của người, không biết sợ ánh sáng hay người là gì, cũng không nghe theo lệnh của đám thợ săn. Còn lũ mèo hoang cũng đã tụ tập thành bầy tấn công con người. Rõ ràng là chúng muốn trả thù con người. Chúng không còn nhớ gì đến thân phận cũ của mình là dưới con người một bậc và phải phục tùng con người. Còn với con người chúng tôi thì cũng đã biến mất hẳn lằn ranh giữa cái thật và cái không thật.”.

“Một ngày nào đó người ta sẽ tìm thấy dấu vết của cuộc chôn vùi một cách khác thường những sinh vật chết. Giới khoa học gọi nghĩa địa chó mèo là nghĩa địa sinh học. Nơi đó nằm yên nghỉ hàng ngàn những con chó, mèo, ngựa bị bắn chết. Nhưng chắc chắn là chúng không có tên.”.

“Hôm qua là sinh nhật thứ 80 của cha tôi. Cả nhà ngồi quây quần chung quanh ông. Nhìn ông, tôi nghĩ đến những biến cố lịch sử đời ông đã từng chứng kiến: Trại tù Gulag, Trại tập trung Auschwitz, rồi Chernobyl. Ngần ấy biến cố xẩy ra chỉ trong một thế hệ. Cha tôi vốn thích nhìn ngắm phụ nữ. Khi ông còn trẻ, mẹ tôi thường hay rất bực mình, bà kể “Không có một người đàn bà nào trong toàn bộ khu hành chính này mà lão ta không để mắt tới”. Ngay đến bây giờ tôi vẫn còn thấy ánh mắt ông mỗi khi nhìn thấy phụ nữ trẻ đẹp đi ngang qua lại hạ xuống ngang tầm thắt lưng của họ .”.

“Khu Cấm là một thế giới hoàn toàn riêng biệt. Một thế giới hoàn toàn khác nằm giữa phần còn lại của thế giới. Thứ thế giới thuộc về trí tưởng tượng của anh em nhà Strugatsky*, nhưng văn chương đã phải bước lui khi đối diện với khuôn mặt của thực tại”.

 Từ những tin đồn:

Ở phía sau nhà máy nguyên tử Chernobyl, người ta dựng lên những lán trại để cô lập những người đã bị nhiễm một lượng lớn chất phóng xạ. Những người này ở đây để được theo dõi, nghiên cứu đặc biệt cho đến khi chết sẽ được đem chôn một nơi riêng biệt.

Xác người chết ở trong những ngôi làng chung quanh đó thì được chở bằng xe bus thẳng từ làng ra đến khu chôn cất, nơi đây đã có những hố lớn chôn tập thể hàng ngàn người một lúc. Giống như cách người ta chôn xác chết thời thành phố Leningrad bị phong tỏa.

Có vài người được cho là đã nhìn thấy một luồng sáng kỳ lạ phát ra từ trạm hạt nhân trong đêm mà nó phát nổ. Có người còn chụp được cả ảnh luồng sáng ấy nữa. Khi xem lại thì hóa ra đó là khói bốc ra từ một vật thể lạ ngoài hành tinh.

Ở Minsk, người ta cho rửa sạch sẽ các toa tàu hỏa và làm công việc kiểm kê dân số. Chính quyền sẽ chuyển toàn bộ dân đến Siberia. Nơi đây, người ta đã cho sửa sang lại các lán trại từ thời Stalin dùng làm trại giam tù cải tạo. Đàn bà và trẻ con sẽ đi trước. Người dân Ukraine không còn quê nhà nữa.

Vụ nổ Chernobyl không phải là một tai nạn, mà là một trận động đất. Lòng đất đã bị một sự cố gì đó xẩy ra, tạo nên một địa chấn cực mạnh.Các sức mạnh siêu nhiên đã tích cực nhập cuộc. Giới quân sự biết trước điều đó sẽ xẩy ra, nhưng họ không cảnh giác cho người dân biết, vì đó là những bí mật quân sự cần được tuyệt đối giữ kín.

Ở hồ, ở sông, đã thấy trôi lềnh bềnh những con cá khổng lồ mất đầu mất đuôi chỉ còn thân cá nổi lên.

Một biến cố tương tự như Chernobyl sẽ sớm xẩy ra cho loài người. Còn người Belarus sẽ biến thành một loài dã nhân.

Các loại thú rừng đã mắc bệnh vì nhiễm phóng xạ. Chúng buồn rầu đi lang thang vất vưởng, đôi mắt chúng lộ vẻ mệt mỏi. Những người thợ săn, phần vì sợ, phần vì quá tội nghiệp chúng nên không nỡ bắn. Thế nên, loài thú không còn sợ hãi người như trước nữa. Chồn cáo còn vào làng chơi đùa với trẻ con.

Những người Chernobyl sinh ra con cái nhưng trong cơ thể chúng không có máu, thay vào đó là một chất lỏng màu vàng không ai biết gọi là gì. Còn các nhà khoa học thì khẳng định rằng lũ khỉ đã trở nên thông minh hơn nhờ sống gần chất phóng xạ. Trong 3 hay 4 thế hệ nữa tất cả trẻ con sinh ra ở đây đều trở thành những nhà bác học cỡ Einsteins. Cái gọi là vụ nổ Chernobyl thực ra chính là một thực nghiệm vũ trụ đang được tiến hành.  . .

 Anatoly Shimanskiy, Nhà Báo

 Chú Thích:

 *Half-life: Số lượng thời gian cần thiết để hạt xạ tự phân hủy một nửa giá trị ban đầu của nó,

**Ám chỉ hai anh em Arkady Strugatsky và Boris Strugatsky, tác giả những tác phẩm khoa học giả tưởng nổi tiếng ở Nga những năm 1960s.

“Tiếng Vọng từ Chernobyl”-Mục Lục

“Tiếng Vọng từ Chernobyl” của Svetlana Alexievich.

Bản Việt ngữ do T.Vấn & Bạn Hữu thực hiện, dựa trên bản Anh ngữ của Keith Gessen, Nhà Xuất Bản Dalkey Archive Press –Normal – London 2005.

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search