T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

T.Vấn: Di dân và nước Mỹ

1.

Nhìn hình ảnh những người gốc Hispanic, mà phần lớn là những di dân đến từ Mexico, đối phó với đạo luật di dân mới của tiểu bang Arizona mà tôi không khỏi chạnh lòng. Với đạo luật mới này (tên gọi là SB 1070), có hiệu lực kể từ ngày 29 tháng 7 năm 2010, những người di dân bất hợp pháp sẽ không thể ăn ngon ngủ yên được nữa.

Đạo luật cho phép các nhân viên cảnh sát của tiểu bang, trong khi thi hành nhiệm vụ thường nhật, có quyền buộc đối tượng của mình phải chứng minh tình trạng ngụ cư của đương sự. Nếu cảnh sát cho rằng, đối tượng tình nghi là di dân bất hợp pháp, người ấy sẽ bị bắt giữ và sẽ bị trục xuất. Một khi đạo luật được chính thức thi hành, giới chức cảnh sát của Arizona tiên đóan sẽ có rất nhiều người bị bắt giữ. Và họ đã chuẩn bị cho điều đó xẩy ra. Những người Hispanic sinh sống ở Arizona đã và đang rục rịch rời khỏi tiểu bang, dù chưa biết họ sẽ đi đâu và sẽ kiếm công ăn việc làm như thế nào.

Rất may, ngày 28 tháng 7 năm 2010, một ngày trước khi SB 1070 có hiệu lực, thẩm phán Susan Bolton thuộc tòa án Liên bang Hoa Kỳ đã phán quyết một phần của đạo luật (phần quan trọng nhất là cho phép cảnh sát được xác định tình trạng ngụ cư bằng cách yêu cầu đối tượng của mình phải xuất trình giấy tờ cần thiết) là vi phạm luật Liên bang và vi hiến. Ngòai ra, thẩm phán Susan Bolton cũng vô hiệu hóa việc Luật SB 1070 bắt buộc người di dân phải luôn luôn mang theo giấy tờ cư trú của mình, cũng như việc cấm di dân bất hợp pháp đứng chờ việc ở những nơi công cộng.

Quyết định bất ngờ này của vị thẩm phán Liên bang làm một số người hài lòng và một số người bất mãn. Cũng chẳng có gì khó hiểu. Đây là nước Mỹ. Trong lúc tìm hiểu về thái độ của người bản xứ (đúng hơn là dân nhập cư cũ từ hàng thế kỷ trước đây) đối với mọi từng lớp di dân mới, tôi tin rằng, trong mạch ngầm của sự việc, nhiều người không mấy cảm tình với sự có mặt của những người “mới” nhập cư, hợp pháp hay không hợp pháp, đến từ châu Á, châu Mỹ La tinh, châu Phi hay châu Âu. Nhưng sự không cảm tình ấy ít khi đuợc lộ ra, chẳng phải vì họ sợ đám di dân mới, mà chỉ vì luật pháp Mỹ tuyệt đối ngăn cấm mọi thái độ kỳ thị. Dân Mỹ có truyền thống sống và làm việc theo luật pháp. Do đó, có tình trạng bằng mặt mà không bằng lòng như trên.

Cộng đồng người Việt sinh sống ở Mỹ còn qúa mới và còn quá ít so với những cộng đồng khác, do đó, chưa có nhiều vấn đề nổi cộm. Mặt khác, hầu như hầu hết người Việt đến Mỹ hợp pháp. Di dân bất hợp pháp – dù chỉ là mặt nổi trong cuộc xung đột văn hóa giữa các sắc tộc ở Mỹ – vẫn là điểm chính yếu mà người Mỹ bản xứ vin vào để ngăn cản một giải pháp tòan diện và lâu dài cho vấn đề di dân. Chính ở khía cạnh này, cộng đồng di dân Hispanic (hay còn gọi là Latinos vì họ đến từ các quốc gia châu Mỹ Latin – Latin America – trong đó bao gồm cộng đồng người Mexico là cộng đồng có dân số lớn nhất) hiện đang là mục tiêu chính trong mọi cải cách liên quan đến vấn đề di dân của nước Mỹ. Tính đến năm 2006, dân số các cộng đồng Hispanic là khỏang 44 triệu (trong số này, ước tính khỏang 12 triệu là di dân bất hợp pháp), so sánh với tổng số dân Mỹ khỏang 296 triệu (tức 14.5 %), tòan cộng đồng châu Á khỏang 12 triệu rưỡi (tức 4.3%) và cộng đồng Việt chỉ chiếm khỏang 1 triệu 6. Cứ mỗi 4 trẻ vị thành niên ở nước Mỹ hiện nay, thì 1 có nguồn gốc Latinos.

Để hiểu rõ tính phức tạp của vấn đề di dân, cuộc xung đột văn hóa mà những thế hệ trẻ phải đối phó, mà nổi cộm nhất hiện nay là di dân Hispanic, tức những người đến từ châu Mỹ La tinh, tôi mượn một đọan văn trích từ bài tựa cho chương trình truyền hình “Latino in America” nổi tiếng của đài CNN, được thực hiện bởi nữ ký gỉa Soledad O’Brien (*), một khuôn mặt truyền thông người da màu:

” . . . Latinos là một bản sắc Mỹ. Đó là một từ nhằm mô tả những người Mỹ (gốc Latinos) đến với nhau trong tư cách một cộng đồng bởi một sợi dây văn hóa rõ nét, những nét giống nhau trong cách điều hành gia đình, sự tận tụy với niềm tin, bản chất hòa đồng hiếu khách, và mối quan hệ với một lịch sử không hề biết đến những biên giới. Latinos là một cộng đồng sắc tộc, đồng thời, vừa hoan nghênh một nền văn hóa mới họ xây dựng ngay trong lòng nước Mỹ, vừa trăn trở hàng ngày trước vấn nạn đồng hóa hay hội nhập với xã hội (Mỹ). Chúng tôi tự hỏi chính mình đâu là những điều tốt từ nền văn hóa của chúng tôi cần phải được bảo tồn và cái gì là những gía trị văn hóa Mỹ chúng tôi muốn hoặc cần phải tiếp thu. Vấn nạn đó sẽ không bao giờ biến mất, dù là một, hay hai, hay 3 thế hệ di dân. Nó sẽ vẫn còn đó như một thách thức. . .

Tôi thực sự tin tưởng rằng, nhiệm vụ của người phóng viên gốc Latinos cần phải lên tiếng về tương lai, về điều gì sẽ xẩy ra nếu đất nước này (Mỹ) không chấp nhận một cuộc cách mạng văn hóa có tầm vóc cả đời người mới chỉ có một, và giáo dục mọi người về nó.

Bản thân tôi, nếu tôi còn có những vướng mắc gì về chính mình, về nguồn gốc của mình, thì khi làm việc này, tôi đã tìm thấy vị trí của mình trong lòng cộng đồng người Latinos.

Tôi cần phải chứng tỏ cho cả nước Mỹ thấy được vẻ đẹp của nền văn hóa Latinos, đạo đức làm việc của người Latinos và đức tin không thể lay chuyển của họ. Tôi cần phải giới thiệu với nước Mỹ thứ âm nhạc Latinos tuyệt vời, thực phẩm, thể thao mà nền văn hóa của chúng tôi đã mang tới cho một nước Mỹ pha trộn, giống như những di dân trước đây – người Đức, người Do Thái, hoặc người Ái Nhĩ Lan – đã từng làm. Tôi cũng cần phải giải thích với người Mỹ rằng, giấc mơ Mỹ của chúng tôi không giống như giấc mơ của các cộng đồng di dân khác bởi vì cuộc hành trình vào nước Mỹ của chúng tôi, nhảy qua nhảy lại những bức tường biên giới, đã xẩy ra trước khi những nhóm di dân ấy đến nước Mỹ và hiển nhiên sẽ tiếp tục như thế trong tương lai, bất kể điều gì sẽ xẩy ra. Cộng đồng Latinos có một kế hoạch, một chương trình, chứ không phải giấc mơ, và kế họach ấy pha trộn những gì tốt đẹp nhất của chúng tôi với những gì tốt đẹp nhất của xứ sở này.

Tôi muốn nói về một sắc tộc đã nhanh chóng bám chặt gốc rễ quen thuộc của mình bất kể họ đã sinh sống ở đây trải qua bao thế hệ di dân, những người tin tưởng rằng khiêm tốn và kiêu hãnh có thể sánh bước với nhau, rằng bất mãn và sợ hãi luôn trộn lẫn, và rằng bạn phải có một chút ý chí chiến đấu trong đầu để có thể vững bước về phía trước nhưng nuôi dưỡng một khả năng tự mỉm cười với chính mình vào cuối của ngày. Tôi không bao giờ muốn mình được xác định bởi màu da, bởi những đốm tàn nhang ngộ nghĩnh trên mặt, hoặc bởi giọng phát âm Anh ngữ nặng nề của mẹ tôi. Nhưng tôi lại hài lòng để những thứ đó xác định chỗ đứng của tôi trong thế giới này.

Cộng đồng Latinos đã trở thành cộng đồng chiếm đa số trong Hiệp Chủng Quốc Hoa Kỳ và dân số của họ lớn đến độ sẽ trở thành tương lai của đất nước này, dù con số di dân ngừng ngay ngày mail. Số người Latinos sinh trưởng tại Mỹ, hiện bây giờ, đã vượt qua số người Latinos di dân. Tuổi trung bình của họ là tuổi thiếu niên. Số người trẻ trung này muốn được xác định họ là Latinos, họ muốn được nói tiếng Tây Ban Nha, thứ tiếng của tổ tiên họ bất kể họ là thế hệ di dân thứ mấy sinh sống trên đất nước này. Họ hãnh diện về nguồn gốc của mình, cũng như tôi đang hãnh diện.

Tôi lo lắng đến tương lai của chúng ta nếu như những thế hệ Latinos trẻ tuổi này cảm thấy mình là kẻ lạ mặt trên mảnh đất nơi họ được sinh ra hoặc cảm thấy bất mãn vì họ nhìn thấy cha mẹ mình và văn hóa của họ bị rẻ rúng bởi ác cảm của những người chung quanh. . . “

2.

Mỗi khi nhìn thấy những cuộc tụ họp đông đảo người Việt trên những đường phố nơi có nhiều người Việt ngụ cư như California, Texas, Virginia . . . với rừng cờ vàng che khuất mọi thứ, người Mỹ bản xứ – di dân cũ – cảm thấy như thế nào? Họ dửng dưng? Họ nồng nhiệt hoan nghênh những nỗ lực tranh đấu cho tự do dân chủ của người Việt hải ngọai? Họ cảm thấy khó chịu vì sự ồn ào của một sắc tộc chỉ gợi lại trong trí họ dấu vết một cuộc chiến tranh mà họ chỉ muốn quên?

Câu hỏi này, liệu chúng ta có nên tự hỏi chính mình không?

Nước Mỹ là một nước tự do, mọi người có quyền nói và làm điều mình muốn, miễn là không vi phạm luật pháp. Mặt khác, chúng ta làm việc và đóng thuế, thực hiện các nghĩa vụ công dân. Nhưng, trong lịch sử di dân Mỹ quốc, đó mới chỉ là những gì nổi trên bề mặt. Phía dưới của bộ mặt tưởng như bình thường ấy, còn chất chứa bao xung đột, cần đến nhiều thế hệ hợp sức giải quyết.

Năm 2006, trong những cuộc xuống đường tuần hành của cộng đồng di dân Hispanic ở Los Angeles, người ta thấy đây đó xuất hiện lá cờ của nước Mexico. Dư luận Mỹ chính gốc tỏ vẻ không hài lòng. Có kẻ còn hỏi tại sao những người cầm cờ Mexico ấy không về Mexico mà sinh sống. Rút kinh nghiệm, những cuộc biểu tình của họ hiện nay đã không để cho những “sai sót” tương tự xẩy ra.

Đó là những biểu hiện cho thấy, con đường hội nhập thực sự của những thế hệ di dân tương lai, nỗ lực bảo tồn bản sắc nguồn gốc dân tộc, bản sắc cộng đồng của mọi tầng lớp di dân trong nước Mỹ hiện nay (bao gồm cả cộng đồng nhỏ bé và non trẻ Việt Nam) không phải là dễ dàng vượt qua.

T.Vấn

Tháng 8 năm 2010

T.Vấn © 2010

*Chú thích:

Soledad O’Brien, tên đầy đủ là Maria de la Soledad Teresa O’Brien, sinh năm 1966, là một phóng viên rất nổi tiếng của đài truyền hình CNN. Thân phụ bà là một người Úc gốc Ái Nhĩ Lan (do đó có tên họ là O’Brien), mẹ là người Phi châu gốc Cuba, cả hai sinh sống và làm việc tại Mỹ. Bà tiêu biểu cho thế hệ di dân thứ hai, lại vừa Black (Afro) vừa Latino (Cuban) của mẹ, cộng thêm dòng máu “trắng” Ái nhĩ Lan của bố. Soledad O’Brien tốt nghiệp đại học Havard (các anh chị em của Soledad cũng đều tốt nghiệp từ Havard). Đã từng phụ trách chương trình truyền hình Weekend Today của đài truyền hình NBC News năm 1999, năm 2003, Soledad gia nhập CNN, phụ trách chương trình American Morning mỗi buổi sáng. Năm 2007, CNN giao cho Soledad thực hiện phóng sự truyền hình quan trọng (và không kém phần gây tranh cãi) “Black in America”, năm 2008 là chương trình “Latino in America”. (Tôi rất mong mỏi, một ngày nào đó, đài CNN thực hiện một chương trình có tên “Vietnamese in America” với người thực hiện chương trình là một thanh niên gốc Việt như Betty Nguyen hoặc Leyna Nguyen chẳng hạn).

Năm 2001, Soledad có tên trong danh sách 50 người tuyệt vời nhất của nước Mỹ. Năm 2004, lại có tên trong danh sách 50 người gốc Latinos tuyệt vời nhất. Năm 2005, Soledad nằm trong danh sách những người Mỹ da đen được ưa chuộng nhất và 2 lần trong danh sách 100 người Mỹ gốc Ái nhĩ Lan có thành tích cao nhất. Bà là hội viên của Hiệp hội báo chí người da đen, đồng thời cũng là hội viên của Hiệp hội Báo chí những người gốc Hispanic. Ngòai ra, Soledad còn nhận được rất nhiều những giải thưởng báo chí quan trọng trong lãnh vực truyền hình.

Soledad qủa là một phụ nữ đa chủng tộc, đa tài, đa năng. Những cống hiến của bà cho nước Mỹ đã giúp thay đổi thái độ của rất nhiều người Mỹ bản xứ với cộng đồng Latino cũng như Black hiện nay.

©T.Vấn 2010

Bài Mới Nhất
Search