T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Tiếc Thương và Vinh Danh Nhà Báo Vũ Ánh

Tác giả: Hồ Văn Xuân Nhi/Sống Magazine

clip_image002
Từ trái: Tác giả Hồ Văn Xuân Nhi, nhà thơ Ngọc Hoài Phương, nhà văn Nguyễn Mạnh Trinh, và nhà báo Vũ Ánh, trong tiệc Tất Niên của Sống Magazine, tổ chức tại nhà Khánh Hòa.

(Nguồn: Sống Magazine)

Tôi nhận được tin nhà báo Vũ Ánh ra đi qua email báo tin nhau của chủ nhiệm và anh chị em trong ban biên tập Sống. Tôi thật bất ngờ, xúc động vô cùng, càng khó tin cho dù nhà báo Vũ Ánh cũng đã ở tuổi 73 rồi. Mới chừng hơn một tháng trước đây, ở tư gia của chủ nhiệm Khánh Hòa trong một buổi tiệc nhỏ của ban biên tập Sống, tôi còn được gặp ông trông rất khỏe mạnh, không có một dấu hiệu bệnh hoạn hay suy sụp sức khỏe nào hết.
Tôi nghĩ đến các anh chị em trong ban biên tập và toà soạn tuần báo Sống, chắc họ càng phải bàng hoàng nhiều hơn nữa, bởi mỗi tuần mọi người trong ban biên tập đều gặp nhau ăn trưa, nói chuyện báo, nói chuyện anh em thân tình. Gặp nhau thường xuyên, Khánh Hòa nói với tôi là những buổi trưa ngày thứ Sáu, cho nên tự nhiên một buổi trưa thứ Sáu không còn anh Vũ Ánh nữa, tin tang đến phải thật vô cùng khó tin, chới với tận sâu lòng mình đối với mọi người trong tòa soạn và ban biên tập.
Tôi nghĩ đến chủ nhiệm Khánh Hòa, người đã từng nói chuyện với tôi một cách rất trân quý và hãnh diện vì có nhà báo Vũ Ánh đứng bên cạnh tờ báo, giúp cố vấn về các nội dung chủ đề bài vở. Đối với cô, giá trị của tờ báo Sống này, đã dựa rất nhiều với cái tên Vũ Ánh. Cho nên, tin ông ra đi, thật khó cho lòng cô đón nhận, và tôi có thể hình dung những giòng lệ tuôn chảy của Khánh Hòa, của mọi người trong toà soạn, của anh chị em trong ban biên tập với tin đau buồn này.
Tôi không có quen thân hay biết nhiều về nhà báo Vũ Ánh. Tôi quen thuộc tên ông và những bài viết của ông, từ khi ông làm việc với nhật báo Viễn Đông, rồi đến báo Người Việt mười mấy năm về trước. Thời ông là một nhà báo lẫy lừng ở Sài Gòn trước năm 1975, thì tôi vẫn còn là một học sinh trung học, chưa được biết đến tên ông nhiều.
Thời ông đi tù cộng sản sau năm 1975, thì tôi bắt đầu sự nghiệp cầm bút viết lách của mình ở nước Mỹ này. Khi ông trở thành chủ bút các tờ Viễn Đông rồi báo Người Việt, tôi đọc nhiều và chú ý đến các bài viết của nhà báo. Lý do tôi đọc nhiều nhất những bài viết của ông, bởi lối viết rất cương trực, dám nói thẳng những vấn đề nhạy cảm, nhất là những vấn đề chống cộng và chính trị cộng đồng người Việt.
Nhiều bài viết của Vũ Ánh, đã đi ngược giòng với những người lãnh đạo các tổ chức hội đoàn chống cộng trong cộng đồng. Không ai có thể chỉ trích hay chụp mũ nhà báo này là người thân cộng, hay chống phá chiến tuyến chống cộng của các tổ chức đấu tranh chống cộng. Bởi ông đã đi tù 13 năm ở các nhà tù cải tạo trong nước, cho dù ông đã chỉ là một sĩ quan nhà báo cấp nhỏ chứ chưa phải là tướng tá. Cộng sản đã không thể chấp nhận những gì Vũ Ánh suy nghĩ đã nói trước khi đi tù hay trong khi ở trại tù, nên mới tức giận giam cầm ông một quãng thời gian dài như thế. Ông đã là người thù của chế độ cộng sản. Cộng sản đã ghét Vũ Ánh, và Vũ Ánh đã thù cộng sản. Nhưng Vũ Ánh chống cộng chân chính, biết suy nghĩ điều bên phải, điều bên trái. Ông hiểu rõ chế độ cộng sản, để biết rằng muốn lật đổ chế độ này thì phải tranh đấu như thế nào cho thích hợp thời thế, cho đúng theo lòng dân.
Nhà báo không chống cộng cực đoan, không quá khích hùa theo đám đông, mà trái lại nhiều lần đã dám đứng với đám đông thầm lặng nhút nhát không dám lên tiếng đối nghịch với những phong trào chống cộng quá cực đoan, chụp mũ bừa bãi, bất đồng ý kiến nhưng sợ lên tiếng sẽ bị chụp mũ nón cối vào đầu. Nhưng Vũ Ánh đã đứng và lên tiếng nói cho những đám đông thầm lặng đó. Chống Cộng thế nào, chống Cộng kiểu gì, đúng hay sai, có chiến lược hay trò múa rối, nhà báo Vũ Ánh này đã phân tích, đã nói lên, và đã không sợ những viên đạn thù tỉa bắn vào các bài viết của ông hay những chiếc nón cối người ta đã muốn quăng lên đầu ông mà chưa chụp được.
Sự cương trực đó, tinh thần chống cộng không ngã theo chiều gió hay không vỗ tay một cách mù quáng của nhà báo Vũ Ánh, đã làm ông trở nên một nhân vật được kính trọng trong làng báo Việt ngữ ở hải ngoại. Dù đồng ý hay không đồng ý với những quan điểm bài viết của ông, nhưng mọi người kính trọng chữ nghĩa và tư cách của nhà báo này. Ông có sĩ khí của một người cầm bút ngay thẳng. Ông đã dám nói, dám viết những điều mà nhiều người khác đã e ngại hay tế nhị hay sợ hãi, tuy biết đúng mà đã không dám viết như Vũ Ánh đã viết.
Tôi gặp nhà báo Vũ Ánh nhiều lần ở những nơi chốn sinh hoạt nào đó trong cộng đồng suốt bao nhiêu năm quá. So với ông, tôi là một người cầm bút vai vế đàn em, học trò. Về tuổi đời, là một người em, cháu. Cho nên tôi cũng rụt rè không dám đến làm thân với ông, dù đã ngưỡng mộ những bài viết của ông từ khi ông còn ở nhật báo Viễn Đông. Ông cũng đã biết được tên tôi và những bài tôi đã viết. Tôi không biết ông nghĩ gì về ngòi bút của tôi. Chúng tôi chưa bao giờ có cơ hội ngồi một lần với nhau, để tôi vấn ý nhà báo lão thành về chuyện viết báo.
Sau này, khi cộng tác biên tập với tuần báo Sống, qua chủ nhiệm Khánh Hòa, tôi có dịp đôi lần gặp gỡ ông. Tôi quý ông lắm, cho dù viết lách là nghề tay trái của tôi, nhưng tôi đã vẫn muốn có nhiều cơ hội tâm tình, học hỏi từ một người ở vai vế làm Thầy trong nghề báo, nhưng cũng vẫn chưa có được một lần ngồi với ông xin tham vấn.
Dù vậy, gặp gỡ ông, nghe ông nói chuyện, tôi cảm nhận được Vũ Ánh là một người cởi mở, can đảm như ngòi bút của mình, hiểu biết quá nhiều về lịch sử từ chế độ Việt Nam Cộng Hòa cho đến chế độ cộng sản, luôn hãnh diện về sự ngạo nghễ oai hùng của những người chiến sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa, luôn tự hào về hành trình của một đời người gắn bó với vận nước suốt thời chiến, rất tình cảm với bạn bè, đồng nghiệp.
Những bài viết của ông, cho thấy Vũ Ánh viết báo với những kiến thức thâm sâu, không chỉ là chữ nghĩa thời sự của câu chuyện, mà còn là những phân tích đi sâu vào vấn đề, trước khi trình bày những nhận định và ý kiến của cá nhân ông. Tôi đã rất muốn học những phương thức viết báo chuyên nghiệp như thế. Cứ nhủ thầm, sẽ có một cơ hội, xin nhà báo cho một buổi ngồi tâm tình riêng với ông. Ông quả thật là một nhà báo lớn, không phải chỉ cái tên Vũ Ánh lớn, mà những bài ông đã viết là những bài nhận định, thông điệp rất lớn cho cộng đồng người Việt hải ngoại. Qua những tiếp xúc, tôi chỉ nhận xét được như thế về cá nhân và ngòi bút của Vũ Ánh. Chỉ cần bao nhiêu đó, ông đã đủ chinh phục tôi một sự cảm mến và khâm phục.
Tôi vẫn còn nhớ, năm mà nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ra đi, tôi đã viết một bài vinh danh người nhạc sĩ này. Tôi gửi nhiều tờ báo, không tờ báo nào dám đăng, chỉ lo sợ vấn đề chính trị của nhạc sĩ vẫn còn đang là một đề tài tranh luận tế nhị và vẫn đang bị những người chống Cộng chỉ trích nhạc sĩ nặng nề. Tôi gửi bài đến nhật báo Viễn Đông, lúc đó còn do nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang và nhà báo Vũ Ánh lãnh đạo. Viễn Đông đã là tờ báo duy nhất cho đăng bài viết này, không sợ hãi, và không cắt lấy một giòng chữ viết này trong nội dung bài viết của tôi dành cho nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Rất hiếm để tìm thấy những người viết báo trong làng báo Việt ở hải ngoại, dám có những can đảm đi ngược với xu hướng của thời cuộc, sẵn sàng nói điều mà nhiều người sợ hãi không dám nói khi dính líu đến vấn đề chống cộng.
Tinh thần làm báo trực tính đó, cho thấy Vũ Ánh là một nhà báo có trách nhiệm với nghề nghiệp và lương tâm của mình. Ông viết cho lẽ phải và sự thật, thay vì viết để chạy theo làn sóng thời cuộc. Những người cầm bút như Vũ Ánh không dễ tìm, cho nên sự ra đi của ông là một mất mát vô cùng to lớn của làng báo Việt ngữ hải ngoại này.
Những người có tài, có tâm của cộng đồng truyền thông người Việt hải ngoại dần dần nối tiếp nhau giã từ độc giả, giã từ bằng hữu, đi về một nơi bình an vĩnh cữu khác. Chúng ta người ở lại, phải tiếp nối những công việc của họ. Tinh thần ngòi bút của nhà báo Vũ Ánh là tinh thần cho những người viết báo trong cộng đồng người Việt hải ngoại cần đáng học hỏi, tiếp tục. Bởi vì chỉ có những ngòi bút như thế, mới là những khí giới hữu hiệu nhất trong bất cứ một cuộc đấu tranh, chiến đấu nào. Chỉ có những ngòi bút viết như Vũ Ánh mới đi vào lòng người đọc, mới thấm vào óc vào tim quần chúng, đó chính là những tác động chiến tranh chính trị hay nhất. Bởi vì quần chúng chỉ tham gia hưởng ứng khi nhìn thấy sự thật, đồng ý với vấn đề, và chấp nhận chiến lược đấu tranh đó. Ngòi bút của Vũ Ánh đã là một chiến lược đấu tranh chính trị rất thực tế, có chính nghĩa và cùng với sự thật. Cho nên, cộng đồng truyền thông Việt ngữ cần có nhiều hơn những ngòi bút như Vũ Ánh.
Tiếc thương cho một người vừa nằm xuống, bởi vì không chỉ vì mọi người vừa mất đi một người bạn quý, một con người chân chính với lẽ phải, mà bởi vì cộng đồng truyền thông Việt ngữ vừa mất đi một người viết với tinh hoa hiếm quý.
Hồ Văn Xuân Nhi

gừng già, gừng thanh

Riêng tặng VA-YT.

(Nguồn : Sống Magazine)


Đêm qua sân trước một nhành mai. Hình chụp trong mảnh vườn nhà Vũ Ánh.

“Rảnh ghé chơi!”
Mồng Bốn, Tết Tây. Đây là lần thứ hai, Mẹ con tôi rối rít sang làm phiền Cô Chú, tận hưởng niềm vui như con cháu ở xa được về thăm nhà.’ Lần đầu có chồng tôi, nhưng chưa có Bé Tí. Ở xa là vì tuy chúng tôi ở cách Cô Chú chỉ ít phút lái xe, nhưng tôi bận bịu hai con nhỏ, không đến chơi với Cô Chú thường xuyên được. Mà tôi cũng rất ít có dịp đi thăm người quen trong mấy năm vừa qua vì khan thời gian và hiếm sức khoẻ. Đến thăm Cô Chú, có cảm giác mình ở xa về, vì ngôi nhà tĩnh lặng đầy thiền vị ấy thuộc về một cõi riêng của hai tâm hồn rất mực nhẹ nhàng, thân thiện, và tinh hoa. Rất riêng – từ sân vào nhà, từ cung cách của chủ nhân cho đến cách bày trí trong nhà và vườn sau. Xa hẳn cái xôn xao của Quận Cam phồn thịnh, náo nhiệt.
Cô đón hai thằng bé từ ngoài đường, đưa chúng tôi vào nhà. Chú đang làm vườn. Tôi không biết Chú khoẻ và tháo vác vậy. Cô nói:
– Chú thích làm vườn. Nhưng chỉ được dọn, không được tỉa.
Đó là vì Cô thích tỉa theo ý Cô, và có lẽ Chú không khéo bằng Cô chăng. À, lệnh ông sao bằng cồng bà! Cô Chú có khối cháu nội ngoại, đứa nào cũng xinh như Ông Bà của chúng. Nhưng mỗi lần mẹ con tôi đến thăm, Cô Chú vẫn luôn thân thương đón tiếp. Tôi đùa:
– Hôm nay, Chú không đi hoang à?
Cô ngạc nhiên:
– Con không biết à? Chú không thích đi hoang. Chú hiền lắm! Không hút thuốc, không uống rượu, không đi quán cà phê. Đi ăn tiệc ở đâu, ai mời rượu, Chú giao cho Cô uống!
Tôi trêu:
– Sao Cô may thế! Tìm ở đâu ra người như Chú!
Vũ Ánh. Một người đàn ông hiếm hoi. Chắc tại vậy, nên Cô Yến Tuyết cưng chiều ra mặt. Mua xe mới toanh cho Chú đi, dù Chú không nghĩ tới. Mỗi ngày Cô đều nấu thức ăn ngon cho Chú, dù Cô vẫn đi làm toàn thời gian. Đến thăm một đôi uyên ương hoạt động tư tưởng và chữ nghĩa, nên Mẹ con tôi mang biếu Cô Chú mấy quyển sách bằng Anh ngữ, về Thiền và liên quan đến lịch sử Việt Nam. Chú thích thú nói:
– Quyển này, Chú thấy họ quảng cáo dữ lắm, nhưng chưa đọc.
Tôi đắc chí vì đã chọn đúng quà. Tôi nói:
– Chú đọc, rồi cho con biết nhận xét của Chú.
Cô đang học Thiền, nên thích sách này. Cô nói:
– Cô có đọc quyển này tiếng Việt, nhưng chưa đọc tiếng Anh.
Tôi đáp:
– Nhiều khi đọc bằng tiếng khác, lại có cảm nhận khác, và ngộ ra những điều mới đó Cô.
Chú với tay mượn sách. Cô giả vờ nhăn mặt:
– Thấy chưa, sách gì Chú cũng thích!
Tôi nhắc Cô:
– Cô đừng để Chú giành đọc trước nghe! Chú chỉ được độc quyền cuốn kia thôi!
Chúng tôi ra vườn sau. Nắng tháng Giêng nhẹ chảy. Gió lơ lửng. Cô chạy vô garage, đem đồ nghề dụ con nít’ ra. Bộ mini golf. Cái xe gắn máy cỡ nhỏ. Thấy Bé Con chơi cái gì thích, Cô cũng bảo:
– Bà cho con đó! Con đem về nhà chơi đi!
Tôi phải cản, vì sợ lần sau đến, không có cái để Bé Con chơi, thằng bé lại bắt tôi bồng, thì tôi mất cơ hội thủ thỉ với Cô. Lần đầu chúng tôi đến, Cô Chú cho Bé Con cả chiếc xe đạp tí hon còn chưa bóc hiệu mang về. Nó vừa về tới nhà thì hớn hở đạp quanh sân. Trên cổ xe có ba nút, Bé Con tha hồ bóp còi inh ỏi và mở nhạc xập xình. Thích vô tận. Lần này, chúng tôi về, Cô còn nấn níu, dúi theo mấy quyển sách cho trẻ con. Cô cho Bé Con áo dài, vì thằng bé đi đâu cũng mặc áo dài Việt Nam. Tôi dạy con cúi đầu chào và cám ơn Ông Bà. Chú đưa tay ra, bắt tay với nó. Tôi bảo Bé Con ôm hôn Ông Bà, nó xà tới liền. Chú ngồi trên ghế, nhấc thằng bé lên, hôn vào hai má nó. Nó cười toe. Chú dặn tôi:
– Rảnh ghé chơi!
Tôi vừa cười vừa nói:
– Hì hì, con mà được rảnh thì hơi lạ đó Chú ơi!


Hạc còn có đôi. Người nay lẻ bóng. Hình chụp trong mảnh vườn nhà Vũ Ánh.

chưa kịp ghé…
Thật ra, thấy Chú rủ ghé chơi, tôi cũng thích lắm. Việc sắp xếp ghé thăm Cô Chú thì không khó lắm, vì cuối tuần vợ chồng tôi chỉ chăm sóc con cái là chính. Nhưng tôi rất sợ làm phiền người khác. Dù biết rằng Cô Chú thân tình, nhưng cứ nghĩ mình đến, cũng làm mất nửa ngày của gia chủ, lại ngại trong lòng. Nhưng tôi thật sự yêu cái không gian của Cô Chú. Ngày hôm đó, lúc đứng giữa vườn, tôi đã nói với Cô:
– Cô ơi, chắc Cô Chú phải cho chồng con đến đây chụp ảnh nghệ thuật. Còn con, con sẽ xin một writing residency với Cô Chú, để đến đây ở một tuần, mỗi ngày ra vườn ngồi viết.
Cô hưởng ứng liền:
– Được đó! Con tới đi!
Cô mới sắm bộ bàn ghế mây, mới toanh, thật điệu, để ngoài vườn. Tôi chỉ cần ngồi ở đó mà viết. Thật ra, tôi mà tới thì chắc tíu tít với Cô đã hết ngày, mà Chú có ở nhà thì lại càng mau hết hơn! Nên chuyện đến vườn Cô Chú để viết thì chắc… hơi khó! Cũng ngay lúc đó, tôi nghĩ đến mái ấm của Cô Chú, nghĩ đến mối tình keo sơn đã qua biết bao gián đoạn từ những trái ngang của lịch sử, và đến đoạn cuối này thật đẹp, thật thơ. Còn một tháng rưỡi nữa là lễ tình nhân. Tôi nghĩ ngay, sẽ viết một bài về Cô Chú cho ngày đó. Tối đó, tôi chọn cái tựa “gừng già, gừng thanh,” và viết ngay phần cuối của bài này. Nhưng ngày tình nhân đã bay vèo ngang cái chrome book của tôi trên đôi cánh Cupid, mà tôi còn chưa viết xong. Nay viết phần đầu, nối với phần sau, làm nén hương tiễn Chú.
Khuya thứ Sáu 14 rạng ngày thứ Bảy 15.3.2014, thức dậy sớm để làm việc như mọi khi, thấy điện thư của Tuần báo Sống báo tin Chú đi, tôi không muốn tin. Vì Chú mới bắt tay tôi hồi 11 tháng Giêng 2014 tại chương trình 35 Năm của Nhật báo Người Việt. Tôi còn hỏi, Chú đã đọc sách sử tôi biếu chưa. Chú nói:
– Đọc rồi. Nhưng trong đó, có nhiều điều cần phải coi lại! Không hẳn như tác giả viết.
Tôi định sẽ đến chơi và nghe Chú nói về những điều Chú nghĩ là không chính xác trong quyển sách đó. Thời gian keo kiệt với Chú, tàn nhẫn với thế hệ chúng tôi. Bây giờ, ai sẽ nói cho thế hệ chúng tôi những điều cần phải coi lại, khi những nhà sử học thực thụ đã sống trong lịch sử và đứng giữa lịch sử như Chú cứ lần lượt bay xa…? Tôi ngưỡng mộ bài Chú viết trong Báo Xuân của Giai Phẩm Xuân Sống 2012. Chú kể lại “Mùa Xuân trong Biệt thự số 5,” khơi mạch cho tình người giữa những đốn mạt nhất của trại tù cải tạo. Với tâm tình nhân bản trong bài viết, Alpha Non-Nước-Hồng-Hà – tên theo đặc lệnh truyền tin của Chú – đã cởi trói cho những uất nghẹn của dân tộc. Buông xã mà không buông lơi. Để những ngày Chú bị biệt giam được chuyển mình, cất cánh. Để dân tộc hoá kiếp, đầu thai, làm kiếp mới, tốt đẹp hơn.
Bây giờ, có “rảnh ghé chơi,” tôi cũng không còn gặp Chú. Trước nay, nhà Cô Chú xa’ nhà chúng tôi vì thời gian của chúng tôi eo hẹp, thì nay, xa thêm một chút, vì Chú đã dọn qua một không gian khác. Rất xa. Cô Yến Tuyết ơi, Cô hãy giữ lòng mãi ấm với tình yêu của Chú. Có nói gì thì cũng phù vân. Nhưng xin Cô đừng quỵ ngã, Cô nhé!


Bóng em đơn lẻ, lồng trong tình nồng. Hình chụp trong mảnh vườn nhà Vũ Ánh.

gừng già, gừng thanh
Mảnh vườn bao quanh ngôi nhà xinh xắn, như chiếc khăn choàng quanh bờ vai người con gái mảnh mai. Giản dị.
Trong ngôi nhà đó, Cô Chú chung nhau những trang báo, tập thơ, và đời thanh tịnh.
Ngoài vườn, những bức phù điêu long lanh ấm lạnh. Những băng ghế xinh xắn đầy nghệ thuật quyến gọi tình yêu. Những cây nêu Mỹ vươn tay múa nắng, xòe lộc đỏ, rủ hương thanh bình xuống tượng Phật. Những ấm trà ủ ngàn năm văn hóa Đông phương nương mình theo hàng cột ở hiên sau. Hòn non bộ róc rách, hút hết căng thẳng đời thường.
Phía trước nhà, Cô Chú trang hoàng theo lối Mỹ. Tôi gọi là hài hoà văn hoá, tiền Tây hậu Ta. Cả hai cùng chăm sóc vườn. Cô lo mỹ thuật. Chú lo bảo trì.
Cô hiếu khách, ra tận ngõ đón. Chú hiền hoà, cầm giày của khách cất vào trong nhà. Những nghĩa cử thật nhẹ nhàng, kín đáo, thanh tao, ân cần. Người đến khó quên, người về tâm ở.
Cô Chú đã qua nhiều chông gai, ngăn cách. Để một phần ba đẹp nhất của cuộc đời được lắng dịu bên nhau giữa khu vườn này. Một phần thưởng của Trời Đất.
Chú thích đọc sách, làm vườn, viết lách, và làm truyền thông. Cô vẫn còn đi làm. Chú không chịu nghỉ hưu. Hưu, mà vẫn làm việc. Việc mà người ta gọi là vác ngà voi.
Gừng già, gừng thanh. Thanh nên bền, chặt, một chữ đồng.
Nên đi vay. VAY. Một chữ T. T là Tình, là Thanh, là Ta, là Tất cả. VAY một chữ T. VAYT.
VAYT. Vì Anh Yêu Tôi. Vì Ấy Yêu Tôi. Vạn Ân Ỷ Tim. Vì Ánh Yêu Tuyết. Vũ Ánh Yến Tuyết.
Trangđài

Bài Mới Nhất
Search