T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: THÁNH GIÓNG, LÓNG NGÓNG

clip_image002

Thánh Gióng là một huyền thoại, nghĩa là không có thật, dù rằng ở làng Gióng, dân làng đang cất giữ một hòn đá mà người ta tin rằng có in dấu chân của cậu. Không có thật, nhưng ai cũng thích câu chuyện một cậu bé lên ba chưa biết nói, khi nghe vua gọi ai có tài ra giúp nước, liền thưa mẹ xin đi. Rồi khi ăn hết ba nong cơm, một vại cà và uống nửa giếng nước, cậu bỗng vươn mình to cao, nhảy lên ngựa sắt, cầm roi sắt, xông ra trận. Dẹp xong giặc, cậu liền cỡi ngựa bay về trời.

Hình ảnh của cậu cũng là hình ảnh quen thuộc của người nông dân đồng bằng Bắc bộ. Ăn rất khỏe (đến những 3 nong cơm) và ăn mặn (một vại cà) nên uống nhiều nước (nửa giếng nước). Dẫu có khoa trương thêm một chút cũng rất gần gụi, dễ thương. Cái khác thường là ở chỗ con ngựa sắt biết chạy và khạc ra lửa. Rồi khi cái roi sắt bị gãy, cậu nhổ cả một bụi tre dùng làm khí giới. Chuyện bay về trời, chỉ là cách ẩn dụ muốn nói rằng khi đất nước hữu sự, người nông dân sẵn sàng nhận lấy trách nhiệm. Lúc hoàn thành, lặng lẽ bỏ đi không màng ngôi cao bổng lộc.

Một câu chuyện giáo dục về lòng yêu nước, đơn giản ngắn gọn. Nó nằm sâu trong tâm thức Việt và trổi dậy mạnh mẽ khi đất nước bị lâm nguy. Nó giải thích vì sao dân tộc ta có thể chiến thắng quân Nguyên Mông hùng mạnh nhất thế giới. Và, cũng vì sao một đất nước bé nhỏ bị một ngàn năm đô hộ, bị đồng hóa bởi một anh láng giềng khổng lồ, vẫn không bị diệt vong. Cái sức mạnh tiềm ẩn nhưng hiển hiện tuy bất ngờ nhưng rất đúng lúc đó được gọi là sức mạnh Phù Đổng.

Có lẽ vì câu chuyện quá hay, quá đẹp nên nhiều người muốn ăn theo bằng cách vẽ thêm chân cho rắn.

Người thứ nhất là nhà văn kiêm nhà thơ kiêm soạn nhạc gia, Nguyễn Đình Thi, người chỉ xếp thứ hai sau Tố Hữu, tưởng tượng ra rằng, Thánh Gióng tắm ở hồ Tây, rồi chui vào rừng nằm chờ chết chứ không có chuyện bay về trời.

Người thứ hai là chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lại ký thác tâm sự của mình vào thánh khi bảo rằng thánh bay về giời để vui thú điền viên.

Vậy thì còn đâu sức mạnh Phù Đổng, ý chí kiên cường bất khuất của dận tộc khi ngưu ma vương đang thè cái lưỡi dài thòng liếm hết các đảo, từ Hoàng Sa đến Trường Sa.

Không phải bỗng dưng mà nhà xuất bản giáo dục đưa câu chuyện phịa thánh Gióng xuống tắm ở hồ Tây vào sách giáo khoa ở bậc tiểu học. Khi phụ huynh phản đối, bộ giáo dục thanh minh thanh nga rằng, đưa bài viết của Nguyễn Đình Thi vào môn văn là để tập cho học sinh tính sáng tạo!

Sáng tạo như thế thì còn gì là thánh Gióng. Không chừng cậu bé làng Gióng lúc này đang ngồi chơi game cùng với các em! Tầm thường hóa một huyền thoại là có ý đồ chứ không phải nói khơi khơi, nghe qua rồi bỏ.

Sáng tạo như thế, Thánh Gióng hóa ra lóng ngóng, cứ như một con rối. Thật tội nghiệp!

Khuất Đẩu

Bài Mới Nhất
Search