T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Khuất Đẩu: NGHĨ VẨN VƠ, CUỐI ĐỜI (bài 19) – NHỮNG CHIẾC LÁ

Cõi Tạm – Tranh: Thanh Châu

 

Bạn tôi, nhà viết kịch Lữ Kiều, từng có lần muốn viết một vở kịch không lời. Bối cảnh chỉ có một chiếc ghế dài. Nhân vật, một nam và một nữ.

Màn một: cả hai cùng rất trẻ, ngồi trên ghế, phía sau những khóm cây xanh non. Nhạc nền là những âm thanh trong trẻo của dương cầm.

Màn hai: vẫn chàng và nàng ngồi trên ghế, những khóm cây bắt đầu lớn lên, ra hoa. Rất nhiều hoa. Âm thanh có tiếng đàn, tiếng trống.

Màn ba: Chàng và nàng đã là hai người đàn ông và đàn bà. Âm thanh có thêm tiếng violon réo rắt. Những khóm cây trĩu quả.

Màn bốn: Một ông già, một bà già. Vài chiếc lá rơi. Rồi lá đổ muôn trùng. Lá phủ kín cả sân khấu trong tiếng nhạc trầm buồn của contre bass.

Vở kịch nếu được trình diễn, có thể coi như nghệ thuật sắp đặt và tên của nó là Cuộc đời.

Cũng có một câu chuyện về những chai rượu như thế này:

Một nhóm bạn ở Mỹ trong thế chiến thứ hai, trước khi ra mặt trận, hẹn nhau ngày trở về sẽ gặp nhau một ngày nào đó, ở một nơi nào đó để uống mừng. Mỗi người nhớ mang theo một chai rượu.

Chiến tranh chấm dứt. Rất may là hãy còn đủ cả và không một ai bị thương. Họ gặp nhau rất vui, uống hết những chai rượu đã được mang tới.

Năm sau và nhiều năm sau nữa, họ vẫn gặp nhau, có cả vợ con, cùng uống mừng nhau được sống thêm một tuổi.

Rồi có người chết, những chai rượu cứ ít dần đi. Sau chỉ còn hai, cuối cùng chỉ còn một. Người chủ của chai rượu buồn quá, không uống nổi. Ông ta dặn con, khi ông chết hãy mang chai rượu chôn theo.

Cũng vẫn là cuộc đời, vẫn là nghệ thuật sắp đặt, nhưng người nghệ sĩ dấu mặt ai cũng biết đó là tạo hóa.

Những năm gần đây, bạn bè như những chiếc lá cứ rơi rụng dần. Cái chết của họ dù có tiếng khóc của vợ con, cũng chỉ gây nên một tiếng động rất khẽ như khi lá rơi chạm đất.

Cho dù được đưa tiễn đông đến hàng vạn người như nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, hay cả ngàn người lặng lẽ đứng nép bên đường nghiêng mình chào như đại tá Nguyễn Văn Đông, đối với cuộc tồn sinh thì cũng chẳng hơn gì nhạc sĩ Trúc Phương, chết trong đói nghèo và quên lãng.

Buồn là buồn cho những chiếc lá cứ rơi rụng dần, cho những chai rượu cứ ít dần đi. Nếu sau một trận chiến khốc liệt, chỉ còn một mình mình sống sót, thì đó là cái may hiếm có. Nhưng trong cuộc tồn sinh, nếu là chiếc lá cuối cùng, hay chai rượu cuối cùng, thì không còn nỗi buồn nào buồn hơn.

Vậy nên, nếu phải sống trong khi những người cùng thời đều đã đi vào cõi trời quên, thì quả thật đáng sợ.

Giả sử 20 năm nữa mà vẫn còn sống, dù cho chế độ này có tiêu tùng thì cũng đâu có gì vui.

Bạn tôi, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc, người viết rất hay về tuổi gió heo may, về già sao cho sướng, một hôm bàng hoàng nhận ra cái thắc mắc rất bất ngờ: để làm gì?

Có nghĩa là tới lúc hết muốn sống nữa rồi, mới đó mà đã thấy mình đứng bên bờ huyệt. Cho nên nhiều người bảo sao mà muốn chết quá, là nói thiệt chứ không phải nói chơi.

Thế nhưng cắc cớ bảo những người muốn chết đó, thôi thì một hai ba chúng ta cùng chết, ai cũng bảo để coi lại đã, tưởng đã thu xếp xong rồi mà hình như vẫn chưa, có vẻ như đâu đó có tiếng nức nở, ông ơi (hay bà ơi), ông chết đi thì tôi biết sống với ai!

Cho nên, người nghệ sĩ sắp đặt dấu mặt là tạo hóa kia, tưởng là khắc nghiệt tàn nhẫn, thực ra vô cùng độ lượng, ngài sẽ giúp ta rời khỏi cuộc đời này một cách dứt khoát, một đi không trở lại, nếu không thì còn có thêm nhiều rắc rối nữa.

Thì thôi, chờ vậy.

Khuất Đẩu

 

 

 

 

©T.Vấn 2019

 

Bài Mới Nhất
Search