T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hòai Nam: Những Ca Khúc Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt (Tập Bốn)

Xin Bấm Vào Đây Để Mở Hoặc Tải Về Máy

Những ca khúc nhạc NQ lời Việt – tập Bốn

TỰA

 Như đã được giới thiệu trước ở các Tập (1, 2, và 3) –Những Ca Khúc Nhạc Ngoại Quốc Lời Việt của nhà báo Hoài Nam, ở tập Bốn  này – cũng là tập cuối cùng trong công trình đồ sộ hơn 1,600 trang –  nội dung sẽ là những ca khúc đông phương điển hình và những ca khúc nổi tiếng trong phim ảnh, trong các vở ca nhạc kịch, hoặc nhạc phim được đặt lời hát.

Xin nhắc lại, việc phân chia nội dung nhạc Ngoại Quốc lời Việt ra thành nhiều tập chỉ nhằm giúp độc giả dễ dàng tham khảo những bài mình ưa thích. Chúng tôi dựa vào việc phân chia thể loại hay thời kỳ để sắp xếp các tập. Việc sắp xếp này cũng nhằm giúp độc giả dễ dàng tìm các bài hát liên quan (ở dạng âm thanh – audio MP3) hiện lưu trữ ở trang Web T.Vấn & Bạn Hữu (t-van.net).

Xin cám ơn sự theo dõi và ủng hộ của đông đảo độc giả trong và ngoài nước từ nhiều năm nay dành cho trang T.Vấn & Bạn Hữu và loạt bài về nhạc Ngoại Quốc lời Việt của nhà báo Hoài Nam.

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

 

THAY LỜI CHÀO TẠM BIỆT

Đầu năm 2013, sau khi tôi kết thúc chương trình “70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam” trên đài phát thanh SBS Radio, Úc-đại-lợi, qua trung gian của anh Quốc Việt, Trưởng ban Việt ngữ đài này, anh T.Vấn của trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu tìm cách liên lạc với tôi. Từ chỗ không quen biết nhau, hai người hai bên bờ đại dương đã trở thành bạn tâm giao sau khi nhận ra cùng có chung những người bạn học, bạn lính, bạn tù, bạn cầm bút…, và dĩ nhiên cùng chung lý tưởng.

Tuy nhiên nguyên nhân đưa tới việc biên soạn loạt bài “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt“ của tôi trên trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu không chỉ có thế, mà còn là sự trân trọng của tôi đối với trang mạng văn học nghệ thuật này – từ người chủ trương, người cộng tác cho tới thành phần độc giả.

Vì thế có thể viết, với tôi việc được góp mặt trên T.Vấn & Bạn Hữu là một niềm vinh hạnh, đồng thời cũng là một sự thích thú.

Thật vậy, cho dù trong phần giới thiệu, anh T.Vấn có đề cập tới “sự thiệt thòi” của loạt bài nhạc ngọai quốc lời Việt – vì phải “đọc” cho nên sẽ có ít người biết tới nếu so với chương trình 70 năm tình ca chỉ cần “nghe” – nhưng tôi đã không bao giờ để tâm tới “sự thiệt thòi” ấy, bởi công việc biên soạn loạt bài nhạc ngọai quốc lời Việt trên T.Vấn & Bạn Hữu đã thực sự đem lại cho tôi những niềm vui.

Những niềm vui ấy không chỉ là sự hưởng ứng của đông đảo độc giả, sự khích lệ của thân hữu, mức độ phổ biến của loạt bài (theo lời anh T.Vấn), mà còn là tôi có được cơ hội gom góp những hiểu biểt, cảm nhận của riêng mình để gửi tới người thưởng ngoạn.

[Chỉ có điều hơi đáng tiếc là một số trang mạng hoặc cá nhân khi phổ biến lại đã không ghi nguồn (T.Vấn & Bạn Hữu), hoặc không ghi tên tác giả, thậm chí sử dụng nguyên văn để đưa vào nội dung bài viết của tác giả khác]

Thực ra, công việc giới thiệu những ca khúc ngoại quốc nổi tiếng được đặt lời Việt trước tôi đã có nhiều người bỏ công sức thực hiện, trong đó có những tác giả uy tín, với kiến thức âm nhạc, trình độ thưởng thức cao hơn. Loạt bài của chúng tôi có “khác người” (chứ không phải “hơn người”) chăng chỉ là việc hệ thống hóa những ca khúc ấy theo thể loại và thời kỳ.

Bản thân tôi chỉ là một người cầm bút tài tử, không dám nhận bất cứ danh vị nào trước bút hiệu của mình, nhưng vì anh T.Vấn đã có sự gợi ý khi phong cho hai chữ “nhà báo”, tôi nhận thấy cùng lắm mình cũng chỉ là một nhà báo.

Viết như thế không có nghĩa tôi hạ thấp giá trị của “báo giới” mà do suy nghĩ của cá nhân: trong khi các nhà văn nhà thơ cần có óc sáng tạo để đem lại những tác phẩm làm đẹp cho đời, thì các nhà báo chỉ cần kiến thức, khả năng suy luận, công sức tìm hiểu để phục vụ nhu cầu thông tin của quần chúng, và trong một số trường hợp, hướng dẫn dư luận.

Nói cách khác, tôi đã chỉ có chút “công” trong việc biên soạn loạt bài “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt”, và sở dĩ tôi có đủ hứng thú để viết tới 96 bài chính là nhờ sự khích lệ của thân hữu, hưởng ứng của độc giả.

Nếu trong lời cảm tạ vào cuối chương trình “70 Năm Tình Ca Trong Tân Nhạc Việt Nam”, tôi nói mục đích chính là để “vinh danh và tri ân năm thế hệ nhạc sĩ”, thì cuối loạt bài “Những ca khúc nhạc ngoại quốc lời Việt“ cũng xin thưa tôi thực hiện chỉ để góp phần vào việc quảng bá bộ môn nghệ thuật này, với mong ước tạo được một sự đồng cảm nơi những người yêu nhạc.

Lời cám ơn cuối xin được dành cho trang mạng T.Vấn & Bạn Hữu, đã không chỉ ưu ái (và kiên nhẫn!) giới thiệu loạt bài của tôi tới độc giả trong thời gian trải dài… gần 7 năm qua, mà còn bỏ công thực hiện thành bốn tập sách thật đẹp để độc giả dễ dàng lưu trữ.

Trân trọng,

HOÀI NAM

Mùa xuân nam bán cầu, 2020

Tủ Sách T.Vấn & Bạn Hữu

©T.Vấn 2021

Bài Mới Nhất
Search