T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê: Vũ Cao Hiến với 13 Tù khúc khó quên

Tranh: Trần Thanh Châu

 Trong một bài báo gần đây nhân kỷ niệm 37 năm  ngày tàn cuộc chiến, tôi có đề cập đến mảng âm nhạc tù ca mà các phương tiện truyền thông hải ngoại năm nay đặc biệt khơi gợi lại, đại để có đoạn tôi viết,

Tôi đã có dịp được nghe lại nhiều bản tù ca của nhiều tác giả mà đa phần là không chuyên, họ viết nhạc và lời chủ yếu viết và hát cho nhau nghe, trước mắt làm vơi đi nỗi nhọc nhằn trong cảnh tù mà xem ra ngày về vẫn là một viễn cảnh đường hầm chưa có tia sáng. Họ cũng chẳng mong chẳng ngờ những dòng nhạc đơn sơ những lời ca trăn trở ấp ủ trong lòng họ một ngày nào đó sẽ trở thành một tư liệu vật thể làm chứng nhân cho những người vĩnh viễn ở lại với núi rừng. Chuyện đã xảy ra cũng chẳng phải là đơn lẻ vì trong số họ có nhạc sĩ Thục Vũ (trung tá Vũ Văn Sâm), tác giả bản tù ca ‘Anh Ở Đây’ đã thực sự ở lại Yên Bái trong đợt chuyển tù ra Bắc đầu tiên.  

Cũng chẳng hẹn mà gặp là có sự trùng hợp trong sáng kiến trân trọng những dòng nhạc tù ca mà những người một thời dù không trải nghiệm trong các trại tù cải tạo cũng phải rơi lệ chạnh lòng khi nó được hát lại trong các cuộc họp mặt hội đoàn tại hải ngoại, trong các đêm tù ca những lần hội ngộ cựu binh, qua các dịp phụ diễn của ban tù ca Xuân Điềm  trong các lễ lạt cộng đồng dưới  nhiều hình thức. 

Có hai chuyên đề tôi đã đọc, mà ở diện phát tán rộng rãi là chương trình của RFI, đài truyền thanh quốc tế có tiết mục âm nhạc cuối tuần gây nhiều hứng thú cho người nghe chẳng kém gì các chuyên đề chính trị. Ở mức độ thu hẹp hơn là trang web (nặng về văn học văn nghệ) của nhà văn T.Vấn, mà chủ biên cũng là người đã một thời sống chung với nhiều tác giả có những bản tù ca sáng tác trong tù. Anh đã viết một bài giới thiệu rất hay về ý nghĩa và sự tồn tại của những bản tù ca trong thời ‘xã hội nhiễu nhương’ nơi có người tù trong có kẻ tù ngoài cùng đề xuất một việc làm nhằm thu góp các bản tù khúc đã được sáng tác (chỉ ở trong trại) mà số lượng của nó không phải là nhỏ, nhưng bị mai một vì tác giả đã chết hoặc chỉ coi như kỷ vật cho riêng mình.

Cũng trong chiều hướng góp  nhặt lại những tù khúc người ta không phải chờ đợi lâu, vì đi đôi với sáng kiến đề xuất, Trang T.Vấn & Bạn hữu  đã có trong tay một số ca khúc của nhiều tác giả, mà ngay cuối tháng 5 này (nhân ngày Memorial Day), người chủ biên sẽ cho phổ biến ‘13 tù khúc’ của một trong những tác giả được anh em thương mến là anh Vũ Cao Hiến, và coi đây như một hình thức tưởng niệm người viết nhạc ngẫu hứng tài hoa mà nay anh không còn ở lại với bạn bè, vì đã trở thành ‘tượng đài thuyền nhân trên biển’ trong một chuyến vuợt  biên tìm tự do sau khi xuất trại khoảng giữa thập niên ’80.

Nhớ lại những năm tháng ba vòng tù ngục, tôi có may mắn được chung đụng với nhiều sĩ quan trẻ, mà đa phần họ có làm công tác liên quan đến chữ nghĩa trong quân đội và năng khiếu tay trái của họ thường đủ cả thơ văn nhạc họa chỉ chờ cơ hội thuận lợi hoặc tình huống éo le nào đó sẽ bộc phát thành những dòng nhạc, những bài thơ, những áng văn bình thường chỉ thấy ở những người nghệ sĩ nòi tình. Nếu ta có dịp đọc lại vài ký ức vụn của Trần Lê Việt trong Những hình bóng cũ thì các hoạt động tự phát về văn nghệ trong tù, tiền đề cho sự ra đời của các sáng tác tù khúc, đã là niềm an ủi xua tan đi những bóng ma hắc ám của những ngày tù ngục và làm vơi đi nỗi tủi nhục u uất của những thân phận sa cơ lỡ bước vì sự ác nghiệt vô tình của chiến tranh.

Vũ Cao Hiến là một khuôn mặt được anh em nhắc nhớ nhiều với niềm ưu ái khi người cựu sinh viên Võ Bị Đà Lạt tuy là lính tác chiến nhưng khi vô tù người sĩ quan có dáng dấp thư sinh ấy lại có một giọng ca khá truyền cảm, và điều không ai ngờ là anh có một tiềm năng âm nhạc phong phú , đã sáng tác nhũng bản tù khúc mang âm hưởng vừa bồi hồi ray rứt vừa réo rắt khó quên. Cụ thể 13 bản nhạc được T.Vấn & Bạn hữu giới thiệu kỳ này như một minh chứng thể hiện nét tài hoa của một người viết nhạc không chuyên mà do sự trớ trêu của số phận không vượt thoát nổi bi kịch ‘quỉ tha ma bắt’ đeo đuổi anh lúc tuổi đời trên dưới 40.

Nói về dòng nhạc Vũ Cao Hiến, tôi đã được nghe đi nghe lại nhiều bài khi còn chung đội với anh trong một trại giam  vùng Tam Đảo, có khi là những khoảnh khắc  hiếm hoi sau giờ lao động về, có lúc thì trước giờ kẻng tù báo giờ đi ngủ, như anh có dịp tự sự,

Mỗi chiều về hát tình ca buồn nhất

Cho tâm hồn trọn vẹn thú cô đơn

Cho mình  trở về tình yêu ngày tháng cũ

Kiếp lưu đầy còn ấp ủ vàng son

(Tâm hồn tôi)

Thú thật ngày đó tôi chưa thấm thía hết cái đẹp của ca từ, mà sự cảm nhận qua âm điệu như vô tình chạm vào vô thức, mặc nhiên giọng hát và tiếng đàn của anh dù là hát cho riêng anh nhưng điều anh không ngờ là tác dụng của nó phần nào giúp cho các bạn đồng tù xua tan đi những cơn ác mộng trong giấc ngủ hằng đêm.

Nay nhờ công khó của anh T.Vấn, người luôn có niềm đam mê muốn lưu giữ và chuyển tải những sáng tác trong tù đã mầy mò bỏ công ghi lại phần lời của từng bài hát, có chỗ tiếng mất tiếng còn, có chỗ phải giải đoán hoặc bỏ trống, có lúc muốn xác minh cho hoàn chỉnh nhưng biết hỏi ai vì cả tác giả lẫn người trình bày ca khúc đều đã ra người thiên cổ.

Chính vậy mà phần ca từ trở nên trân quí và chính tôi dù không có năng khiếu về nhạc nhưng vẫn luôn tự hào là thính gỉả biết nghe nên khi được giao việc viết những dòng giới thiệu theo yêu cầu của T.Vấn làm tôi trăn trở cố nắm bắt được cái hồn của những bản tù khúc mà người bạn của cả anh lẫn tôi -Vũ Cao Hiến- đã thai nghén trong tù khi hoàn cảnh không cho phép công khai ghi bằng bút mực mà chỉ bằng hình thức ấp ủ lưu giữ trong óc trong tim. Theo tôi đoán do vậy mà muốn cho dễ nhớ âm điệu của ca từ mang nét tương tự như những vần thơ, hoặc chính là thơ nhưng sau đó mới được phổ nhạc, mà một khi là thơ thì phần lời mặc nhiên càng trau chuốt, càng cẩn trọng trong cách tìm câu tìm chữ tìm ý tìm vần .

Nhưng khi đọc lại toàn bộ 13 bài hát, tôi lại thấy toát lên một điều là dòng sáng tác của VCH nặng về ngẫu hứng, anh tự để cho cảm xúc tuôn trào, không gò bó khuôn sáo theo ước lệ và nếu để ý lời nhạc gần như được ghi lại và chuyển tải dưới dạng như kể lể thở than về những hoài niệm một thời, những ước mơ một thuở, lòng có bi phẫn nhưng óc vẫn lạc quan, tình huống có đắng cay nhưng chí khí vẫn hào hùng, dù có đau thương nhưng sẵn sàng chấp nhận. Hình như trong tâm tư người lính trẻ có sự chuẩn bị đối diện với những rình rập không tên, những thách thức của số phận và bằng sức mạnh của tâm linh tôi phục anh ở chỗ trong lúc cố vượt thoát những oái oăm của một thời xã hội nhiễu nhương, quyết không sống chung (nhưng vẫn khoan nhượng thứ tha) cho những kẻ có tâm địa thù dai sau ngày tàn cuộc.

Viết hoài không đủ, nói mãi khôn cùng, sự cảm nhận trong âm nhạc mỗi người một phong cách, nên tốt hơn tôi xin mời bạn bè và độc giả trang nhà cùng tôi đi vào chưong trình văn nghệ bỏ túi với chủ đề ‘’13 tù khúc của Vũ Cao Hiến’ và coi tôi như kẻ dẫn dắt chương trình. Tôi sẽ đi từ Tù khúc số 1 trải dài đến số 13, dù có tên nhưng tôi để thính giả tìm lấy tựa đề của mỗi bài hát.

Tù khúc #1 mang theo niềm thương nỗi nhớ của người lính mũ nâu (binh  chủng của tác  giả) khi phải xa núi rừng vùng cao nguyên đất  đỏ, đành ‘trả lại em Pleiku.nỗi lòng người lính cũ. chinh chiến của ngày xưa’, sẵn sàng  chấp nhận kiếp chung thân lưu đầy nơi đất lạ.

01-Lời Tâm sự của người lính Biệt Động Quân

Tù khúc #2 nơi núi đồi Tam Đảo, nơi lòng chảo Ba Sao, nơi kẻ tù trong mơ về những ngày tháng cũ,  biết bao giờ chim mới sổ lồng quay lại chốn xưa.

02-Biết Bao Giờ

Tù khúc #3 viết cho thành phố thân thương bỏ lại đằng sau. ‘Sài gòn ơi, sau cuộc chiến ta còn lại gì. Thân phận hóa kiếp tù đầy, lạc loài, đơn côi’.

03- Lời cho thành phố (Sài Gòn)

Từ nhà tù anh gửi gấm ‘tôi xin chào những con đường dài cô đơn/tôi chia buồn cùng hàng cây khô vàng vọt/tôi gọi thầm người tôi yêu đang độ buồn’.

Tù khúc #4 vẫn lạc quan về bầu trời một thời tung cánh, vẫn mơ ước ngày về nở hoa trên không gian xưa.

04- Nhớ không gian

Tù khúc #5  mang nỗi u hoài về những kỷ niệm với người yêu ‘bên công viên dấu chân ngày về phép. Gót son mềm rạp Rex đêm đen’, như sực nhớ điều gì, anh lại hỏi, ’trong tim em có bao giờ thổn thức. Áo hoa rừng đẹp với nắng ban mai.’

05- U Hòai

Tù khúc #6 Tôi không dấu diếm cảm xúc đặc biệt với bản nhạc này. Xin phá lệ khi có vài lời bình theo cảm nhận cá nhân. Nó hay ở chỗ tác giả vừa biểu lộ tâm tư của chính mình khi nhớ về những kỷ niệm nơi quân trường cũ, đồng thời nói hộ nhiều người nỗi bức tử của  những người lính ‘qui hàng’ trong tư thế thua cuộc của đạo quân một thời oanh liệt. Bài hát lời lẽ tha thiết pha nỗi tức tưởi của những người lính được đào tạo để chiến đấu chứ không phải để qui hàng khi đất nước lâm nguy. Mấy ai không khỏi ngậm ngùi chua sót khi nghe đoạn mở đầu,

06- Chín tháng quân trường (Quân trường xưa)

Đường vô Thủ Đức. Lối vào Chợ Nhỏ

Quân trường xưa, một thời dấu chân anh

để rồi khi tàn cuộc chiến, cũng người sinh viên ấy,

Rồi tan cuộc chiến, tôi lại trở về

Quân trường xưa, ẩn hiện dưới cây đêm

Tôi nghe như tiếng, réo gọi từ đồi Tăng Nhơn

Nhớ không anh, bài chiến thuật ngày nào

Thuở học trò, thành chiến sĩ gió sương

Trong binh thư, dạy anh không hề nói

đến chuyện qui hàng

Người lính thua cuộc, buồn đau

Tù khúc #7 ta thấy thơ Ngọc phi lạc vào dòng nhạc này. họ quen nhau trong tù và cùng trân trọng tiếng hát của một nữ ca sĩ hải ngoại khi ‘những tiếng hát ấy bay về. về thành phố hoang liêu đến ruộng đồng tiêu điều…xin cám ơn cuộc đời  còn cả triệu lời ca.’

07- Lời cho Nguyệt Ánh

Tù khúc #8 mang nỗi hoài cảm khi ‘tâm hồn tôi không phải ở nơi đây. tâm hồn tôi ở miền xa xôi ấy’, miền rừng già tây nguyên, vùng U Minh sông nước mang dấu tích của những ngày hành quân năm xưa.

08- Xa Vời (Tâm Hồn Tôi)

Tù khúc #9 nỗi ray rứt khi tìm về những ngày tháng cũ, rồi lại quay quắt nhớ người yêu, muốn tìm em, nhưng em ở đâu? ‘tìm em nơi đâu. khi đời còn hận thù. tìm em nơi đâu. khi đời còn đớn đau.’

09- Tìm Người Yêu

Tù khúc #10  thêm một hoài niệm về ngày xa Đà Nẵng trong đêm di tản nỗi nhớ đong đầy, dù ngọn cờ vàng gió vẫn tung bay, nhưng dự báo của ngày đất nước sang tên là không tránh khỏi.

10- Bên Giòng Sông Hàn (Ngày xa Đà Nẵng)

Tù khúc #11 nhớ lại một bản nhạc tiếng Pháp có tên Tóc Đen, liên tưởng đến người yêu, ‘Cheveux noir.Cheveux noir. Lời thơ bỗng trắng. Tình anh bỗng gầy.’

11- Tóc Đen

Tù khúc #12  mang âm hưởng của những tiếng chuông giáo đường những lời Thánh kinh reo vui và một ý thơ trong Cựu ước ca ngợi tình yêu mạnh hơn sự chết.

12- Trên bước chân chim

Tù khúc #13  vẫn nhắc về ‘EM’, coi người yêu như niềm phước hạnh an ủi đời nhau  ‘em như cơn mưa Cam lồ. mưa xuống cho đời ta thôi héo hon. khi trong tim ta mỏi mòn. em đến cho đời ta quên đau thương.’

13- Như mưa Cam Lồ

Mười ba tù khúc, mười ba lời tâm sự gởi gấm nỗi lòng của một người cô đơn trở thành xa lạ ngay chính trên quê hương mình, nơi một thời tác giả đã hi sinh những tháng năm của tuổi trẻ cho lý tưởng tự do và giờ này lại trả giá bằng những năm tháng tù đầy chủ xuớng bởi những kẻ không ngớt  hô hào ‘không có gì quí hơn độc lập tự do’.

Chương trình xin khép lại với niềm mong mỏi những tù khúc Vũ Cao Hiến sẽ để lại âm vang ray rứt trong lòng những người nhớ anh và yêu nét nhạc của anh. Xin cám ơn người viết nhạc tài hoa mệnh yểu, anh đã đem lại những phút thư giãn cho bạn bè trong những ngày tù ngục và để lại cho đời những tù khúc bi thuơng đánh dấu ‘một thời di vãng thương đau’ của cả triệu người không phải chỉ có bạn bè đồng đội của anh.

Đỗ Xuân Tê

Tháng tư nhìn lại

 

 

©T.Vấn 2012

           

 

Bài Mới Nhất
Search