T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

ThaiLy: ĐỘ

Trước Cơn Giông – Tranh (sơn dầu): MAI TÂM

        Đó là tên nhân vật của truyện! Tên một thằng bé khi ấy, trong câu chuyện này ở tuổi 12. Nó là con trai duy nhất của má nó, thuộc diện con cầu con khẩn, má nó cưng lắm, cũng là chuyện thường; hàng ngày, thấy bọn tôi nghịch ngợm, “khuấy trời chọc nước” (câu bà thường mắng tụi tôi) nên thường đem nó ra làm tiêu biểu! Khi ấy, tụi tôi rất ngưỡng mộ chỉ qua lời khen của má nó:

            ” Ngày cô sinh nó, trời đang mưa gió sụt sùi bỗng trở nên quang đãng, sấm chớp ầm ầm cũng dứt tiếng! Sinh ra, nó không có tiếng khóc…Bàn tay, bàn chân thon thả, dài và đẹp như tay Phật”!

        Tụi tôi há hốc mồm ngồi nghe, chỉ chờ bà thêm: hào quang toả rạng- tiếng nhạc vang trời…là sẽ nghĩ ngay bà đã sinh ra một vị Bồ Tát! Thật ra, bà không sai khi chê trách bọn tôi, khi mà tụi tôi chơi quá đà, quá sức tưởng tượng của người lớn. Bà chuyên bán cá khô, những tấm vỉ phơi cá gãy trụi vì được tụi tôi trưng dụng làm thang leo, cứ 3-4 cái chồng lên là một thang, gãy đâu thay đó. Mái nhà bếp bằng tôn mới lợp… móp méo bằng hết; thang gãy là tại cái mái nhà hay mái nhà móp là tại thang? Ai mà biết chớ? Vì có ai thấy tận mắt tụi tôi lên mái nhà đánh trận đâu. Khi ấy, Độ còn ở Phan Thiết quê của bà, quên, chưa giới thiệu, tụi tôi gọi bà là Cô Hai, bí danh Cá Khô, đầy đủ là Cô Hai Cá Khô. Thế nào không biết, nhưng trong trí nhớ của tôi hình ảnh cô thật dịu dàng, đạo mạo, từ tốn, hoà nhã, cô dịu dàng từ lời nói đến giọng điệu, trong từng động tác, tôi có thể nói nhại “y cô” nhưng không thể hình thành được trên trang viết. Cô ăn chay trường! Độ chưa ra ở với má là do nó đang “tầm sư học đạo” trong quê, “mơi mốt nó ra mấy tụi sẽ thấy, đàng hoàng lắm, cô sẽ cho nó chơi để tụi mày tề chỉnh theo nó, có đâu con gái mà…phá trời sợ”! Vậy là cả bọn hóng nó, trong lòng không khỏi có chút tò mò, sự tò mò đã lấn át hết lòng ngưỡng mộ. 

         * ĐỐI DIỆN:

                Ngày ấy cũng tới! Thà má nó đừng nói gì về nó có lẽ sự “soi xét” sẽ ít đi, đàng này, bọn con gái là chúa của tò mò và nhiều chuyện đã vì lời “tôn vinh” kia mà đưa nó lên bàn mổ. Trời ạ, ngoài bộ áo nâu, cái đầu để cái “ổ cu” với chỏm tóc dài ngoẵng, nó phải vắt qua mang tai thì nó chẳng có nét gì của người “chân tu đắc đạo” cả. Cả bọn thất vọng; mà thôi, kệ nó đi, tụi tôi đâu có ý định “tu” đâu mà xem xét đạo hạnh của nó làm gì? Cõi nhân sinh, cái cõi ta bà này, Phật không thu phục được ma thì… ma sẽ lôi kéo Phật vậy. Mà mấy ai biết được “đâu là Phật đâu là Ma” khi chỉ nhìn dáng vẻ bề ngoài? Sau khi tiếp cận xong, cái lũ tụi tôi kéo nhau đi ra một góc “tư vấn” cho nhau rằng:

                – Ê mày thấy sao? 

                – Không như Cô Hai nói, nó chỉ có bộ đồ và cái đầu tóc thôi…còn lại chưa thấy gì hơn người. 

                – Tao thấy cặp mắt nó lanh và láo liên, cái miệng nó có vẻ…nhiều chuyện chớ chẳng vừa đâu?

               – Nhìn hết thì nó cũng được trai, nhưng hiền thì chưa chắc…

             Ha… ha… tóm lại, Độ khá đẹp trai, mắt sáng, trán hơi vuông, đôi tai dài, dái tai tròn, có lẽ đây là nét duy nhất để má nó tuyên bố “nó có căn tu- kiếp trước nó là một vị Bồ Tát, do mắc lỗi nên phải xuống trần sám hối…”, dáng người dong dõng cao, nhanh nhẹn… Nó nhập bọn với chúng tôi ngay chiều ấy. Giờ thì, bắt đầu, không biết “ai Phật ai Ma”? Cái trò leo mái nhà đã bỏ qua lâu rồi, chia phe đánh lộn cũng đã xưa cũ rồi. Ông Cai cấm tiệt hai thằng con ổng nên tôi đã cho anh em nhà nó: Bảo Cà Lăm và Sửu Cà Tưng ra rìa rồi, nhà bà Bình bán đậu hũ tự nhiên qua méc vốn nhà tôi, nên ba đứa con bà Ánh- Sáng- Giăng cũng văng xa, bà qua năn nỉ cho chơi lại, nhưng tôi lờ một phép, mà nguyên nhân có khi chỉ tại bà là “dì ghẻ”, rất ác với chị nó chứ thật chẳng liên quan gì đến tôi. Giờ tôi chơi kiểu khác. Chơi ném lon, hihi… lành mạnh, chỉ là la to, lon bị “bạt” người lớn giật mình nhưng xem ra… vẫn lành hơn trước. Sau, Cô Hai chỉ dịu dàng:

              – Cẩn thận nghe, đứa nào đứng lượm lon coi chừng trúng đầu… mấy đứa có quăng cũng nhẹ tay chút…

           Tôi lên tiếng:

             -Quăng nhẹ không đã mà lon văng không xa, sao tụi con lượm lại dép cho kịp?

           Cô vẫn từ tốn dỗ dành:

             – Hay là chơi trò gì chỉ ngồi thôi mấy đứa quăng vậy cũng nguy hiểm…

         Muốn là có, chiều đó tôi bày trò chơi “ngồi” thôi. Một bộ bài được tương ra, chơi trên thềm nhà của tôi, hơn thua là những tờ giấy vở. Đầu tiên, chưa biết gì, thì chơi bài cào, chỉ đếm rồi tính hơn thua. Ha…ha… hoá ra, nhầm từ già tới trẻ, vào cuộc rồi mới biết: Độ chơi bài quá sành, chẳng hiểu nó học ở đâu? Trong Chùa chắc chắn Sư không dạy. Cô Hai kêu, nó chậm về, cô qua, vừa đi vừa réo, nó vừa đứng lên vừa dặn nhanh, rất tỉnh táo:

             – Đừng nói với má tao là tao biết chơi bài nhen. Dấu bộ bài đi!

        Chơi bài Tây ngán, bày qua bài ta, bộ tứ sắc được đem ra, món này thì các nhà ai cũng biết, má nó cũng chơi, tụi tôi chưa rành, chơi bài “kéo” dễ nhất, mấy người cũng chơi được hết; xui, má nó thấy, bà la: 

           – Chèn ơi, mấy đứa dạy cho Độ đánh bài chi vậy? Biết ăn thua, sẽ biết hơn thua, sao mà tu được? Nó đang tập tĩnh tâm mà. 

        Hình như, cô muốn cho con trai trổ tài hay sao á! Tôi thấy nó “rành” mọi thứ… Lần nữa, tôi phải chuyển trò chơi, lành nhất là kể chuyện, nó kể toàn những chuyện kinh dị, khi ấy bà Nội tôi cũng ngồi nhai trầu và nghe, có hôm bà cười thật vui. Xem ra trò này “lành”! Hôm ấy, kể chuyện ma, lại kèm nói “lái”, tới lượt nó, nó tuôn một tràng:

           – Đứa nào trả lời được câu này tao chung một “độ” (theo tiếng lóng của tụi tôi, một “độ” là một bữa ăn chè bông cỏ của hàng cô Ấn)! Nó hắng giọng đọc: Quin xơ mắng bông sên ca ma don đê vèm ót măng!

          Nó đọc như gió, cái kiểu đọc láu cá, và nó chỉ đọc đến lần ba, không đoán ra kể như thua cuộc! Mà thua thiệt, nó dịch: Quăng xơ mít bên sông con ma da đem về ăn mót! Vậy là từ đó, nó “lên mặt” đại ca, gì gì nó cũng ba hoa, tán tụng sao không biết, má nó vẻ tự hào lắm! Thời gian qua nhanh, câu chuyện lại đề cập đến xem phim; nhà gần rạp hát, phim ngày ấy chiếu thường trực, một phim, cả bọn xem cũng 3-4 lần, nên tiền đâu mà đi nhiều vậy? Đã vậy, tôi còn đa đoan, kéo theo nguyên bầy, cả em út nhà, kèm luôn em út hàng xóm, nên chuyện mặc cả với người gác cửa là thường xuyên. Chị em đang bàn tán, nó làm le, tuyên bố: 

            – Tụi mày ngu đi năn nỉ, chớ tao á hở, khỏi đi! 

            – Mày dóc…

            – Tao không dóc, chiều nay, tụi mày năn nỉ đi, xem tao “phi” vào rạp ngon ơ cho coi… 

          Vậy là chiều đó, cả bọn kéo ra rạp. Tôi đang trả giá, nó mặc chiếc quần đùi màu đỏ, cái áo thun, lúc này, nó không còn để “chỏm tóc” của sải trong Chùa nữa, cắt ca- rê rồi; nó lơn tơn đi ra, vẻ rất ngông nghênh dạo qua một vòng, mắt láo liên, hai tay gác ngang túi quần, nhìn tụi tôi vẻ cao ngạo. Thoắt một cái, tay nó đẩy nhẹ cửa phòng bán vé lúc này đã ngưng bán, lao nhanh vào… hai tay vừa bám lên bậu cửa sổ, nó đã phóng vụt qua, mất dạng! Đó là lối vào cửa hông của phòng chiếu. Trời ơi! Kỹ năng này chắc chắn Chùa cũng không hề dạy. Tôi thật sự ngưỡng mộ, thầm tính: đám tụi mình không thể bắt chước nó được. Thứ nhất, đó là sự gian trá, thứ nhì không thể phóng qua nhanh như vậy. Thôi, kệ nó, đâu phải cái gì cũng muốn bằng, muốn hơn được đâu. Biết người, lượng ta cho chắc ăn. Ý nghĩ vừa đến đây, tôi giật mình kinh hoảng khi thấy: 

            Từ trong cửa chính, nơi tụi tôi còn đang đứng, tấm màn xám dày cộm được vén lên bên góc, một nhân viên xét vé, mặt hầm hầm giận dữ, một tay đang véo tai kéo tuột một đứa nhỏ mặc quần đùi đỏ từ trong rạp kéo ra, vừa đi vừa chửi ầm ĩ, hình như nó đau lắm, đầu cúi thấp, nghiêng hẳn người qua bên, tay ôm tai… trời đất, đó là Độ! May, ra khỏi cửa, nhân viên này thả nó ra, nó tiu nghỉu, cắm mặt đi một hơi về, tụi tôi cũng không còn hứng xem phim nên cũng theo kẻ bại trận ra về. Từ đó, nó không còn ba hoa nữa, nhưng má nó thì vẫn một lòng ca tụng; bà đâu biết được “nó như thế nào”? Ôi, cũng không trách Độ được, nó còn nhỏ mà, sao đòi hỏi ở nó một sự khổ hạnh, một thái độ của người xuất gia được. Và cũng từ đó, những điều thuyết giảng của cô Hai đã không còn thu hút được bọn tôi và cả Độ. Nó lộ tất cả các sở thích và hiểu biết của nó: đánh bài dạo cả xóm, chơi với tụi tôi chỉ “ăn giấy” chứ giờ là tiền, trên môi phì phèo điếu thuốc, nó theo cái xóm sau chứ trò chơi trẻ con như tụi tôi không hấp dẫn nó nữa! Tội một điều, nó quá tinh ranh, nên má nó chưa đánh giá được con mình, chờ má nó đi chợ, ở nhà nó mới trổ tài; chị nó, nghe chỉ là con nuôi, xin nuôi để cầu tự, cầu ra nó, thấy và biết nhưng nói, má nó không chịu tin. Lại nghĩ: chị đang cố tranh giành gia sản. Vậy rồi nó trượt dài… khi vỡ lỡ, má nó chỉ còn nước mắt! Nó nghiện ma tuý- Ngày ấy không gọi ma tuý mà là xì- ke. Bởi vì, nguyên xóm sau, có dãy nhà chuyên cho thuê, người thuê là khách thập phương, là dân tứ chiến, cả gái buôn hương thuê trọ nên chuyện ma cô thấp thoáng là đương nhiên, thỉnh thoảng Quân Cảnh cũng vào bố ráp lính tráng vi phạm… từ đó, bạch phiến có hôm quăng đầy con hẻm! Độ hư cũng phải. Bà đành giao công việc làm ăn cho chị nó, sau khi đã gửi nó về lại quê nhà, về lại Chùa nhưng lần này Sư bó tay sau một năm giáo huấn, bà về để quản lý nó.

        * ĐOẠN KẾT.

            Sau khi nhận cơ ngơi của má nuôi, chị nó dời đi nơi khác, tụi tôi biết nhà, vì cũng gần, thường qua lại chơi với chị. Lâu lâu, cũng nghe tin tức về Độ, ba năm sau, câu chuyện về nhân vật này đành khép lại với đoạn kết quá bi thương: 

              Độ vẫn bê tha, sức má nó không đủ để bu bám theo, dù bà cũng đã cố gắng vật vã cùng nó; ngày tìm, đêm kiếm, lùng sục khắp nơi khi đã quá khuya mà con chưa về, đứa con trai duy nhất mà bà đặt hết kỳ vọng vào nó, là “kiếp sau” của vị Bồ Tát nào đó đã mượn cửa phúc đức nhà bà giáng trần, nên nhiều khi đây là nghiệp chướng nó cần trả và cũng là nghiệp duyên của bà, bà phải “độ” cho nó trọn kiếp này! Nó đi qua đêm; nó đi liền mấy ngày đêm! Cuối cùng bà đành bất lực buông tay, chỉ còn biết “ăn chay niệm Phật- hôm sớm kệ kinh” cầu sự yên lành cho nó! Hôm ấy, Độ đi đã bốn hôm rồi, có ghé nhà một lần, xin má ít tiền, nói là “trả cho bạn” rồi về ngay! Má nó dặn với theo: 

             – Nhớ về phụ má dọn nhà, Tết đến nơi rồi nghe….

             – Dạ…a..a…

          Tiếng “dạ” kéo dài, xa dần theo bước chân của nó. Bà chờ, chờ và hôm nay đã là 30 Tết. Bà một mình, dọn dẹp nhà cửa, khâu cuối cùng chờ nó là lau lại kệ thờ, hoa trái bà đã lo xong nhưng càng chờ càng mất; thôi thì, không chờ nữa, bà làm luôn. Cúng rước Ông Bà xong, chưa thấy, bà ngậm ngùi ăn một mình, thu dọn thật gọn để phần cho nó. Lại đi ra, đi vào thấp thỏm… nó vẫn chưa về! Đến giờ tụng kinh, bà đành đóng cửa nhà lên gác lo kinh kệ, nhưng cảm thấy bất an! Xong. Lại ra, lại vào…ngoài đường vắng hoe, khuya rồi. Mở cửa sổ, nhìn ra phố, nhìn gần, nhìn xa không thấy ai giống nó. Cảm giác bất an, bồn chồn, nôn nao trong dạ lại xuất hiện, nhịp tim bị “lỗi” đôi lần. Rồi có một đám đông cũng chừng 5-6 người xôn xao nơi góc đường, hơi xa, bà cố nhìn nhưng cũng chẳng thấy rõ được, nên cũng đâu biết chuyện gì? Bà ngậm ngùi chuẩn bị cúng giao thừa, đêm cuối năm, trời tối đen, cũng phải, đã nói “tối như đêm ba mươi” mà! Bà chợt rơi nước mắt, đời bà, lẽ nào cũng đen tối vậy sao? Có mỗi đứa con trai nối dõi, không thì nó quy y cũng tốt, giờ chẳng biết nó sẽ là gì khi mà cửa Phật cũng xa mà cửa Nhà cũng không về? Nước mắt bà lăn dài trên đôi má nhăn nheo cằn cỗi. Bà buông tiếng thở dài thườn thượt. Tiền bạc bao năm tích cóp giờ liệu có ý nghĩa gì khi từng ngày bà khô héo với con. Khi tương lai của nó chẳng biết về đâu? Giấc ngủ không đến với bà; qua Giao Thừa, ngày Xuân hầu như không còn rộn ràng nữa. Ngoài đường hơi vắng, chỉ lũ trẻ con xôn xao cùng tiếng pháo vang vang; trời hãy còn sớm, chợt có tiếng gọi:

-Có chủ nhà không? Mở cửa…

          Ờ hén, buồn quá, bà quên mở cửa đón Xuân! Bước vội ra, bà lên tiếng, trong lòng không khỏi thắc mắc: ai mà chúc Tết sớm vậy không biết? 

               – Nghe rồi, chờ chút…

         Cửa mở. Bà chợt run rẩy, hai chân quíu vào nhau, không cất nổi lời chào khi khách đến là: Cảnh sát, liên gia trưởng và hai người nữa … Tin như sét đánh ngang tai: Bà được báo và mời đi nhận diện, nhận xác của con trai mình! Đêm qua, đã xảy ra án mạng ở góc phố gần nhà, nạn nhân chính là Độ. Vậy là hồi tối, chính bà nhìn thấy nhóm này, mà không thể nào ngờ được núm ruột của bà bị đánh tới chết ở đâu đó, và xác được bỏ lại ở góc đường! Độ, đứa con duy nhất của bà, là máu thịt và cả nước mắt của bà đã dừng lại ở tuổi mười bảy! Bà ngất lịm…..

         Chuyện đã ngót 55 năm. Thỉnh thoảng tôi vẫn nhớ, nhớ thật rõ câu chuyện, hình dáng, lẫn nét mặt của các nhân vật; của “những người sống quanh tôi” ngày ấy. Một quãng đời niên thiếu khá sôi động. Trong chừng mực nào đó, tôi thầm cám ơn Cô Hai Cá Khô tuy không cầm tay đưa tôi đến cửa Phật nhưng những gì tôi nghe, tôi thấy từ cô đã hình thành trong tôi những ý niệm đầu tiên về đức tin, về sự tín ngưỡng. Nay, trong niềm tin đó, tôi cầu cho hương linh của Cô, của Độ được phiêu diêu miền lạc cảnh. 

   ThaiLy.

©T.Vấn 2024

Bài Mới Nhất
Search