T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lữ Kiều: Những Người Đi Một Mình (Kịch)

 

mat na

Mặt Nạ – Tranh: Lữ Kiều

 

Giới thiệu:

(Lời giới thiệu vở kịch Con Sâu Trong Mắt của Lữ Kiều trên TV&BH tháng 9/2014)

Kịch – từ ý nghĩa gốc – là lọai hình nghệ thuật trình diễn trên sân khấu, chứ không phải để đọc. Do đó, một cách chính xác, chúng ta xem kịch, chứ không đọc kịch. Nhưng thực tế đã cho chúng ta một cái nhìn ngược lại về kịch, nhất là những tác phẩm kịch mang nặng tính văn học. Hãy lấy những tác phẩm kịch của nhà viết kịch Vũ Khắc Khoan làm ví dụ. Trong số rất nhiều những vở “kịch nói” của ông:  Ga xép. Hậu trường, Lộng ngôn, Thằng Cuội, Thành Cát Tư Hãn, Giao thừa . . . dường như chỉ có hai vở Thằng Cuội và Giao Thừa là được trình diễn chính thức trên sân khấu (nhà hát lớn Hà Nội từ hồi . . . 1951,1952). Riêng vở Thành Cát Tư Hãn thì chỉ được thực hiện trên sân khấu ban kịch sinh viên viện đại học Đà lạt năm 1972. Nguyên nhân tình trạng nghèo nàn của kịch nói của Việt Nam (trước và sau dấu mốc lịch sử 1975) không thể chỉ gói gọn trong đôi dòng, cần sự nghiên cứu nghiêm túc của nhiều nhà chuyên môn về kịch bản, đội ngũ diễn viên kịch, công chúng kịch, sân khấu kịch v.v..

Ở khía cạnh kịch bản, theo nhà văn Khuất Đẩu “Kịch rất ít người viết vì ngôn ngữ kịch rất cô đọng (nên khó viết). Kịch cũng ít người đọc vì khô khan, khó hiểu. Nhưng, kịch là một phần đáng trân trọng của một nền văn học ngắn ngủi và bị cố tình xóa sổ như 20 năm văn học miền Nam. . . “.

Trong nội dung lời giới thiệu ngắn này, chúng tôi đồng tình với nhận xét của nhà văn Khuất Đẩu. Người đọc văn học miền Nam trước 1975 hẳn không thể quên những lời thọai rất cô đọng trong hai vở kịch nổi tiếng Thành Cát Tư Hãn và Lộng Ngôn của Vũ Khắc Khoan, dù hai tác phẩm kịch này (và những vở khác) chỉ đến với người “đọc” qua dạng sách in (có lẽ nhờ vậy mà những câu thọai cô đọng của kịch VKK ở lâu với người đọc – xin lưu ý – người “đọc” chứ không phải người “xem” T.Vấn).

Cũng trong ý nghĩa của lời giới thiệu, chúng tôi trân trọng giới thiệu kịch của nhà viết kịch Lữ Kiều, – một người đã có những họat động văn hóa đa dạng từ trước dấu mốc 1975-, nhằm mục đích giới thiệu một lọai hình nghệ thuật ít người chú ý đến, mặt khác, như lời nhà văn Khuất Đẩu, để lưu giữ những giá trị văn học đa dạng của một miền Nam tuy không còn hiện hữu với tư cách địa-lý-chính-trị, nhưng trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, vẫn tồn tại một “miền Nam” vì giá trị hơn hẳn của nó so với giá trị nền văn học nghệ thuật của bên thắng cuộc.

Trân trọng mời “đọc” vở kịch Những Người Đi Một Mình của nhà viết kịch Lữ Kiều trong gia tài văn học của ông sẽ lần lượt được giới thiệu trên TV&BH.

TV&BH

Lữ Kiều

NHỮNG NGƯỜI

ĐI MỘT MÌNH

 

KỊCH TRUYỀN THANH

 

NHÂN VẬT

THANH NIÊN

THIẾU NỮ

ÔNG GIÀ

ĐÀN ÔNG

CÔ GÁI

 

THỜI GIAN

Buổi chiều, mặt trời sắp lặn.

KHÔNG GIAN

        Nghĩa địa, nơi ông già đi dạo. Ở xa, cuối nghĩa địa là căn nhà lầu. Ở đó, thiếu nữ và người thanh niên đứng trên lầu có ngó xuống.

 

ÂM THANH

        Gió thổi ào ào. Tiếng chim kêu chiu chít. Tiếng dương cầm, một khúc sonate nào đó, chẳng hạn khúc marche funèbre cưa Chopin, đoạn giáo đầu, bi tráng.

 

 

THANH NIÊN

Em hãy lại gần nơi cửa sổ này và nhìn ra nghĩa địa mà xem. Bây giờ những nấm mồ nằm im thẳng hàng trong bóng chiều héo úa. Em hãy lại gần anh, hãy đưa tay cho anh nắm. Chúng ta ở cạnh nhau suốt một buổi chiều êm đềm. Tình yêu và sự thanh bình làm anh đắm đuối. Hạnh phúc đó chăng…

THIẾU NỮ

Em buồn. Em yêu anh.

THANH NIÊN

Em hãy nhắm mắt lại.

THIẾU NỮ (riễu cợt)

Anh muốn hôn em?

THANH NIÊN

Không. Anh muốn nhìn em như hình ảnh cái chết.

THIẾU NỮ (tin cẩn)

Em cho anh nỗi chết của em.

THANH NIÊN

Em đẹp lắm.

THIẾU NỮ

Cái chết không có hình dạng.

THANH NÊN

Có chứ em. Đó là khuôn mặt của một người trong trí nhớ của một người khác (riễu cợt). Chẳng hạn như anh chết, thịt da rã mục dưới lòng đất, nhưng nào em có thấy hình ảnh thối rửa kia, trừ phi khi người ta bốc mộ lên, em nhìn bộ xương của anh trắng hếu! Em không chấp nhận hình dạng cái chết như thế kia? Đó! Anh nói đúng mà, cái chết, chính là những bóng dáng người sống được hồi tưởng lại. Kìa, em cười anh ư? Em không chịu nhắm mắt ư?

THIẾU NỮ

Em muốn nhìn anh. Anh cũng đẹp lắm. Anh đẹp như sự sống.

THANH NIÊN

Em nịnh anh rồi.

THIẾU NỮ

Anh là con chim đại bàng.

THANH NIÊN

Dở. Em bịa. Em làm gì thấy con chim đại bàng.

THIẾU NỮ  (cười ròn)

Anh là đời em.

THANH NIÊN

Đó, em cạn ý rồi. Em không thể nhìn xa hơn đời mình. Em không bước khỏi những tấm gương phản chiếu hình bóng em.

THIẾU NỮ  (vẫn vui tươi)

Em chịu. Em không nịnh anh được quá ba câu. Anh là con chim cú. Em ghét anh. Anh là bóng đêm.

THANH NIÊN

Anh hôn em đây. . .

THIẾU NỮ

Không. Em không chịu đâu. Anh là kẻ áp bức.

THANH NIÊN

Xúc động đột ngột.

         Bây giờ thì em tìm ra lời làm anh cảm động rồi. Anh là kẻ áp bức. Anh yêu kẻ bị áp bức là em. Hãy lại gần anh. Hãy tựa đầu vào vai anh. Nhìn kìa, ngoài nghĩa        trang, em thấy gì không ?

THIẾU NỮ

Buổi chiều.

THANH NIÊN

Gì nữa?

THIẾU NỮ

Gió thổi trên hàng dương liễu.

THANH NIÊN

Đừng bay bướm. Hãy nhìn cho kỹ. Em thấy gì ?

THIẾU NỮ

Một ngôi mộ mới có vòng hoa tàn héo. Có những cây hương cùng sợi khói đang tỏa lên.

THANH NIÊN

Gì nữa ?

THIẾU NỮ

Một ông già dắt con chó đi dạo.

THANH NIÊN (âu yếm)

Em yêu quí.

THIẾU NỮ

Em nhắm mắt rồi đây…

THANH NIÊN

Em yêu quí của anh, mai anh đi rồi.

THIẾU NỮ (giọng lạc đi)

Em nhắm mắt cho anh đây…

 

*

 

Nhạc, đoạn khoan thai. Một lát, gió thổi vi vút, rồi tiếng chó sủa xa xa gần lại, cùng tiếng chân, cùng tiếng gậy rõ dần.

ÔNG GIÀ

Thôi đừng sủa nữa Tô. Tao biết rồi. Mày muốn dẫn tao đi đến ngôi mộ mới chôn hồi sáng chớ gì. Suỵt. Suỵt. Tao thấy rồi. . . Mình lại xem vậy. Để tao nhớ coi. . . năm         trăm, năm trăm bốn mươi hai. Tô, ngôi mộ này là ngôi mộ thứ năm trăm bốn mươi hai trong nghĩa địa đây. Mới  một tuần nay mà đã có thêm chín nấm mộ mới!

Tiếng chân, tiếng chó gầm gừ.

         Mày phe phẩy đuôi? Mày khoái chí hở? Khi nào đứng trước nấm mộ mới mày cũng khoái chí cả. Này Tô, mày để ý, người chết dưới ấy hình như nghèo. Không có         vòng hoa cườm. Không thành kính phân ưu. À, có một chùm hoa huệ. Những cánh hoa phơi ngoài nắng một ngày, giờ đã úa vàng. Còn nắm hương thì đã tàn gần         hết. Chết là vậy đó, có gì vui đâu mà mày vẫy đuôi? Ồn ào lắm, giàu có cho lắm khi nằm xuống thì cũng chỉ từng ấy vuông đất, một mình một khoảng trời, thỉnh thoáng         một nén hương thắp lên, một vòng hoa đặt xuống, rồi chiều chiều có lão già là tao và con chó là mày đi ngang,  ghé lại, thăm một lát.

Nè Tô, mày coi kỳ không, mới chôn chưa khô đất mà đã có bia dựng. Thời này người ta phá bỏ luật lệ, chẳng kiêng cử gì cả, thuở trước, ngoài quê tao… Thôi, không nhắc lại nữa. Để tao xem người chết là ai, Tô, đừng chạy rông, lại đây…  (một lát)  Sinh năm 1943 tại Sơn Tây, Phạm Nguyễn. Trẻ quá. 1943, để tao xem… Sơn Tây, Tô, Sơn Tây là quê tao đấy. Tội nghiệp. Để tao thắp cho anh ta một nén hương. Tô, mày thấy đó, bây giờ mày hiểu tại sao tao vẫn mang sẵn hương mỗi lần dạo chơi ngoài nghĩa địa này…  (chó sủa)  Có người hả ? Ai lại ra đây thăm mộ vào lúc chiều tối như thế này. Suỵt, Tô, đừng sủa nữa… Suỵt… Một thiếu nữ. Một thiếu nữ mặc áo trắng. Hình như cô ấy đến thăm ngôi mộ này. (chó sủa)  Suỵt, dông, Tô. Để cho cô tự do. Trả nấm mộ cùng     người chết cho cô ta.

Tiếng chân cùng gậy xa dần.

Nhạc, đoạn khoan thai, tha thiết, biểu tượng một không gian khác, bi thảm mà trữ tình hơn.

 

*

CÔ GÁI (chậm, buồn, đều đặn)

Bây giờ thì tôi đến với anh đây, anh Nguyễn. Không còn bêu hãnh, không còn can đảm, không cả nét mặt kiêu sa. Nhưng anh hiểu tôi. Xin anh hãy tha thứ. Anh hãy tha thứ cho tôi. Người chết bao giờ cũng rộng lượng với kẻ sống. Anh thấy đó. Tôi bây giờ trơn tru. Cái gia tài của một đời, trong một phút thôi đã phá sản. Giờ tôi khánh kiệt.

Không phải là lòng ăn năn. Có lẽ là lòng nuối tiếc mơ hồ về một đời sống lỡ mất.

Anh Nguyễn, tôi ân hận đã không yêu anh. Tôi ân hận đã không nhận lời làm vợ anh. Nhưng có điều anh không ngờ là buổi chiều ấy, tôi chỉ chờ anh ôm tôi vào lòng, hôn tôi là mọi sự đổi thay. Tôi chờ, và anh không hiểu thế nào là lòng chờ đợi của một người con gái. Cô gái kiêu căng là tôi. Tôi không xác định là tình yêu sẽ đến sau nụ hôn chờ đợi ấy, nhưng đó là sợi dây cuối cùng còn có thể giữ tôi lại với tình anh. Nhưng anh đã không dám giăng sợi dây và tôi đã vuột mất.

Bây giờ thì anh ở đây. Cái chết làm tôi trở nên kẻ   phụ tình. Tôi biết tôi sẽ quên anh. Lãng quên là một đức tính, hiểu theo một nghĩa nào đó. Nhưng bởi anh đã chết nên lòng kiêu hãnh của tôi tan tành. Qua một tuổi nào đó, người ta không thể sống vì lòng kiêu hãnh, tôi không thể là ảo tưởng của chính mình, phải không anh?

Sáng nay, tôi không đi đưa đám anh. Tôi không thể dự vào cái không khí bi thảm ấy mà lòng dửng dưng.  Nhưng tôi biết, trong trí óc lãng mạn của anh, anh vẫn   ước muốn có người yêu bước sau quan tài của mình, ăn năn, khóc lóc. Cho nên bây giờ tôi ra thăm anh đây, anh một mình và tôi cũng một mình trong nghĩa địa này.   Nhưng bởi anh đã chết nên anh bình an, còn tôi vẫn sống nên tôi cô đơn. Vâng, cô đơn. Anh thường nghiêm nghị, không cười những lúc tôi lố bịch. Điều ấy làm tôi dễ chịu ở cạnh anh. Ôi, phải chi có thể lẫn lộn sư dễ chịu với lòng yêu mến. Vâng, tôi biết mình đang lố bịch lắm đây, nhưng anh đừng chờ ở tôi một giọt nước mắt. Tôi   không khóc đâu. Tôi chỉ muốn là một khúc nhạc, một khúc điếu tang, một khúc nhạc buồn không tình cảm, có bao giờ anh nghe một khúc nhạc như thế?

         Nhạc, đoạn bi tráng. Khi chuyển sang đoạn khoan thai và chậm thì nghe giọng ông già xa xa, lẫn trong tiếng gió và nhạc.

ÔNG GIÀ (dè dặt, hoài nghi)

Một thiếu nữ buổi chiều thăm mộ người yêu mới chết.  Này Tô, mình chứng kiến cảnh này bao nhiêu lần nhỉ, ta không còn nhớ nữa… Cô nào cũng ủ rũ khóc, mỗi ngày ôm một bó hoa đến với người yêu, trở lại đều đều trong một tuần, một tháng, rồi thưa dần, rồi bặt hẳn. Không ai trung thành với người chết cả phải không Tô. Còn thiếu nữ này…à …à …tao cá với mày là cô ta sẽ đến thăm mộ này được vài lần, chắc chắn không quá sáu tháng, thôi, cho đi một năm. Một năm chịu tang là quý lắm rồi…Ủa, Tô, mày để ý không, cô gái không khóc, cô ngồi bên mộ anh chàng Phạm Nguyễn mà không khóc, không cả vẻ buồn rầu. Cô ta dửng dưng, một khuôn mặt dửng dưng, hay cô không phải là người yêu của anh chàng, cô ta là ai?

Giọng nói mất hút trong tiếng nhạc.

CÔ GÁI

Anh Nguyễn, tôi tự hứa chỉ ra thăm anh một lần này thôi, lần độc nhất. Tôi thăm anh hay là tôi thăm tôi? Anh nghiệm mà xem: tôi không có nỗi khổ tâm cùng cực     cần phải giải bày. Tôi không có lòng yêu anh đến độ cần phải trở lại để sống đắm đuối tình yêu đã mất của mình bằng những phút hồi tưởng. Tôi không muốn bi thảm đời     mình. Càng không muốn gian dối trên cái chết của một người đã có lòng yêu tôi. Tôi cũng không muốn mỗi lần đến với anh là những cơ hội để tôi thương lấy mình –     được thương lấy cũng là giờ phút hiếm quí. Nói cho cùng, tôi chẳng thể nào hiểu tại sao anh yêu tôi. Anh thường nói với tôi về sự ngăn cách trong tình ái. Tại sao chọn cho mình những vị trí mến yêu buồn bã như vậy? Tại  sao phải là cái khoảng cách vô tình ấy ? Ngồi đây tôi trông lên ngôi nhà ở đằng kia, trên lầu cao của căn nhà ấy, có một đôi trai gái. Có lẽ họ yêu nhau lắm, người con trai đang ôm chặt người con gái, nàng nép vào ngực bạn, họ đang hạnh phúc, nỗi hạnh phúc không chia lìa. Họ đang nhìn xuống chúng ta, họ đang hạnh phúc và nhìn chúng ta – những kẻ cách xa nhau đời đời.

Nhạc, gió. Chuyển không gian.

 

*

 

THIẾU NỮ (thở ra)

Anh, em hạnh phúc.

THANH NIÊN

Em hãy đọc chữ hạnh phúc.

THIẾU NỮ

Hạnh… phúc…

THANH NIÊN

Là gì hở em?

THIẾU NỮ (nhanh nhẹn)

Là tình yêu.

THANH NIÊN

Thật ư?

THIẾU NỮ  (ngây thơ)

Là anh hôn em.

THANH NIÊN

Thật ư?

THIẾU NỮ

Là chính anh. Anh của em.

THANH NIÊN (cười)

Em cạn ý rồi.

THIẾU NỮ

Là gì hở anh?

THANH NIÊN (riễu cợt)

Là hư vô.

THIẾU NỮ (giận dỗi)

Anh riễu em rồi. Anh biết em ngu ngốc, em không hiểu, sao anh không cắt nghĩa cho em.

THANH NIÊN

Hạnh phúc chính là điều không hiểu ấy.

Im lặng, một lát.

THIẾU NỮ

Anh…

THANH NIÊN

Gì em?

THIẾU NỮ

Anh không dối em chứ?

THANH NIÊN (cười)

Không.

THIẾU NỮ

Thí dụ như tiếng chim…

Tiếng chim chíu chít.

THANH NIÊN

Tiếng chim sao hả em?

THIẾU NỮ

Chiều nào cũng có tiếng chim ríu rít dưới mái ngói nhà ta. Chiều nào đàn chim cũng rộn ràng. Có phải đó cũng là hạnh phúc.

THANH NIÊN

Hạnh phúc không thể lập lại Đó chỉ là niềm vui mừng hân hoan.

THIẾU NỮ

Còn cảm giác mỗi lần em gặp anh. Em cho đó là hạnh phúc.

THANH NIÊN (thương hại)

Mỗi lần đến với nhau, chúng ta mỗi khác. Có khi đó là hạnh phúc. Có khi không phải. Hạnh phúc giống như một người quen lẫn trong đoàn người đông đảo diễn hành qua trước mặt, khi ta nhận ra thì người quen đã đi mất, ta chỉ còn thấy cái lưng.

THIẾU NỮ

Cái gì?

THANH NIÊN

Cái lưng.

THIẾU NỮ

Hả?…

THANH NIÊN

Thôi đừng hỏi nữa, em không hiểu đâu.

THIẾU NỮ (giận dỗi)

Anh chê em rồi.

THANH NIÊN (dỗ dành)

Thôi, cô bé ơi, đừng hờn dỗi. Hãy nhìn xuống nghĩa trang kia. Nơi ngôi mộ mới, có một thiếu nữ đang ngồi, hình như nàng đang ngó lên chúng ta, nàng một mình…

THIẾU NỮ

Hình như nàng đẹp.

THANH NIÊN

Nàng gầy. Tà áo của nàng trong bóng chiều như ngọn nến trắng. Tóc nàng dài và đen.

THIẾU NỮ

Có lẽ nàng đang đau khổ…

THANH NIÊN (riễu cợt)

Em đoán chắc với anh không?

THIẾU NỮ (hăng hái)

Chắc chứ.

THANH NIÊN

Biết đâu nàng chẳng đang hạnh phúc

THIẾU NỮ

Đó, anh lại diễu em rồi. Em ngu si, em biết, đừng diễu em tội nghiệp.

THANH NIÊN

Không. Một ngày nào, em sẽ hiểu, khi sống tận cùng của đời mình, thì hạnh phúc cũng như khổ đau sẽ giống nhau. Cả hai thứ hòa lẫn không tách biệt, cho ta nhìn rõ hơn bao giờ cả ý nghĩa cùng chân tướng của đời mình.

THIẾU NỮ

Em không hiểu. Nhưng em thương nàng.

THANH NIÊN

Em thương em mà em không biết đó.

THIẾU NỮ

Tại sao?

THANH NIÊN

Khi thương hình ảnh em một ngày nào anh gục chết và buổi chiều, em ra ngồi bên mộ anh.

THIẾU NỮ (ngậm ngùi)

Anh ơi, đừng nói những lời ấy. Sao anh không vui. Sao anh không nói những điều vui hơn…

THANH NIÊN

Em có điều gì vui nói cho anh nghe.

THIẾU NỮ (say đắm)

Em yêu anh vô cùng, em chỉ còn biết lời ấy…

         Nhạc, khúc lento tha thiết. Lẫn trong tiếng nhạc có tiếng ông già ho.

ÔNG GIÀ (ho sù sụ)

Trời bắt đầu lạnh rồi đó Tô. Người con gái vẫn ngồi yên bên nấm mồ, như pho tượng. Thôi, cô gái ơi, cô hãy trở về thôi. Hà! Hà! Tô, mày thấy tao bắt đầu dễ động          lòng rồi… Tuổi già hay thương cảm. Tuổi già thương tuổi trẻ, bởi vì biết đó là thời điên rồ, cái thời mà con mắt không nhìn xa quá hàng mi của mình. Không phải sao,          trong cái buổi chiều trời gió lạnh thế này mà lại ra ngồi đây, chẳng điên là gì. Kỳ cục. Kỳ cục hết sức. Trong đầu óc cô gái kia bây giờ hẳn đang bị ám bởi khuôn mặt anh          chàng Phạm Nguyễn. Cô ta đang nhớ gì… Hà! Hà! Tô,  mày gầm gừ, mày có nghe tao nói không. Cô ta đang nhớ gì, ta hỏi mày đó, hà hà, ta đoán biết cái đang cựa quậy     sau cái trán bất động kia. Không phải chỉ khuôn mặt. Không phải chỉ là cái khuôn mặt rạng rỡ những vui buồn lúc gần nhau. Còn nữa. Đó là những giờ phút ân ái thắm     thiết đã qua. Hà hà, ta thương cái tuổi trẻ nhiệt tình, ta đã linh nghiệm qua đoạn đời ấy, ta hiểu rằng chính những kỷ niệm thịt da làm cô ta đang se sắt tâm can, tê điếng cảm giác. Nhớ như vậy thì có cuồng điên cũng phải… Hà hà, Tô, trời lạnh lắm rồi. Sương mù đã dày đặc.

Ho sù sụ. Im lặng. Một lát sau.

         Tô, có lẽ tao không để yên cho cô ta ngồi với sương lạnh thế kia. Chiều nay tao yếu lòng, ta không nỡ, ta không nỡ bỏ về mà không nói với cô ta một lời. Cô gái ơi, hãy tỉnh thức dậy, hãy trở về nhà thôi. Hà hà, có lẽ tao với mày sẽ bước đến gần cô ta và sẽ nói thế kia. Cô ta sẽ không nghe lời đâu. Ta cũng biết vậy. Mái nhà ấm, những mối liên lạc thân thuộc có lẽ không thể đem cô đi khỏi nấm mồ lúc này. Biết đâu chẳng làm cô thêm đau khổ. Ta không nhớ nữa, ta không nhớ hồi trẻ ta có lần nào đau khổ thật tình không… Ta không nhớ.  Trí óc ta mù mờ thật rồi. Tô, dù sao tao với mày cũng phải khuyên cô ta một lời, tao thương cảm đây Tô ơi!  (ho) Ơ, xong thì tùy cô ta, tao với mày có thể yên tâm mà về.

Tiếng chân, tiếng gậy, tiếng ho, tiếng gầm gừ của con chó lẫn trong tiếng nhạc. Bỗng im lặng tất cả… Chó sủa.

Ùa, lại có người ra nghĩa địa giờ này. Một người đàn ông.

Tiếng giày đế da lẫn trong tiếng ông già.

Anh ta đang đi về phía chứng ta, không, về phía ngôi mộ anh chàng Phạm Nguyễn. Anh ta đi về phía cô gái. Đó,  anh ta đang đến gần nàng. Ủa, không lẽ tao lầm. Không lẽ đây là nơi hẹn hò của họ. Ta lầm rồi hả Tô? Tô! Dừng lại đây, nép xuống thành mộ này, để ta xem họ có phải hẹn nhau tình tự nơi này không? Đó, cô gái đã quay lại rồi.

Nhạc dồn dập.

CÔ GÁI (giật mình)

Kìa… ông là ai ?

ĐÀN ÔNG (bối rối)

Dạ… Vâng…

CÔ GÁI (rõ ràng)

Ông là ai ?

ĐÀN ÔNG (khó khăn)

Tôi là bạn… Tôi là bạn của Phạm Nguyễn.

CÔ GÁI

Bạn của Nguyễn ?

ĐÀN ÔNG

Vâng. Xin lỗi đã làm Hồng Hà giật mình. Tôi rất tiếc. Tôi là…

CÔ GÁI

Ông là Tân. Tôi cũng biết tên ông. Nguyễn chỉ có ông là bạn.

ĐÀN ÔNG

Chị nói đúng. Tôi là Tân. Tôi là bạn độc nhất của Nguyễn. Hồi sáng này. . .

CÔ GÁI

Hồi sáng này tôi không đi theo đám tang Nguyễn.

ĐÀN ÔNG

Tôi có ý tìm. (đột ngột, thẳng thắn) Chị là người đầu tiên Nguyễn yêu.

 

CÔ GÁI

Xin ông đừng nhắc đến điều ấy.

ĐÀN ÔNG

Chị không muốn nhắc đến Nguyễn?

CÔ GÁI

Ông nghĩ thế nào về tôi cũng được. Mọi sự đều đã qua. Tôi không thể thay đổi được gì cả. Xin ông đừng tìm cách lung lạc sự im lặng đã có giữa tôi và Nguyễn. Vâng, tôi không muốn nhắc lại. Tôi sẽ không nói gì nữa đâu. Nguyễn đã chết. Giờ tôi muốn được yên lặng bên mộ Nguyễn. Dù chỉ một lát, dù chỉ một buổi chiều này.

ĐÀN ÔNG (ân hận)

Tôi rất tiếc đã làm phiền chị.

CÔ GÁI (lạnh lùng)

Không, tôi không phiền gì đâu. Nhưng tôi muốn ở một mình.

ĐÀN ÔNG

Tôi cũng muốn ngồi cạnh mộ Nguyễn.

CÔ GÁI (gay gắt)

Ông có thể chọn buổi chiều khác?

ĐÀN ÔNG

Tôi rất tiếc nhưng tôi đã lỡ hứa.

CÔ GÁI

Ông hứa?

ĐÀN ÔNG

Vâng. Tôi hứa với Nguyễn. Trước khi chết Nguyễn dặn tôi ra đây chiều này. Tôi đã hứa.

CÔ GÁI

Vâng thì chúng ta cần im lặng và cùng quên sự có mặt của một người cạnh mình.

ĐÀN ÔNG (bối rối)

Tôi không biết có được không?

CÔ GÁI

Tại sao?

ĐÀN ÔNG

Bởi Nguyễn dặn tôi chiều nay ra đây để…

CÔ GÁI

Ông cứ nói.

ĐÀN ÔNG (ngập ngừng)

Để gặp chị. Vâng, Nguyễn biết Hồng Hà sẽ đến với Nguyễn chiều nay.

CÔ GÁI (khó chịu)

Hẳn Nguyễn còn dặn ông nhiều điều nữa.

ĐÀN ÔNG

Còn một điều nữa thôi Hồng Hà ạ.

CÔ GÁI (mỉa mai)

Và ông cũng hứa thực hiện?

ĐÀN ÔNG

Vâng!

Nhạc. Tiếng nhạc nhẹ dần rồi tiếng chim chíu chít rời rạc.

 

*

THIẾU NỮ

Ô kìa, anh ơi

THANH NIÊN

Gì em.

THIẾU NỮ (giận dỗi)

Anh không thấy gì sao?

THANH NIÊN

Anh thấy chứ.

THIẾU NỮ

Thì ra chúng ta nhầm.

THANH NIÊN

Nhầm hở em?

THIẾU NỮ

Đó! Anh lại riễu em rồi! Người con gái không còn một mình (tinh nghịch) Một người đàn ông đang ở cạnh “cây nến trắng” của anh đó. A, thì ra họ hẹn nhau nơi kia.       Anh, nàng không một mình, nàng không còn tội nghiệp,  em hết thương nàng rồi. . .

         Im lặng, một lát.

Kìa, anh không thấy gì ư?

THANH NIÊN

Em muốn anh nhìn thấy gì?

THIẾU NỮ

Nhìn thấy người con gái mà chúng ta xót thương, chúng ta đã ngỡ nàng đến thăm mộ người yêu mới chết, nhưng giờ thì không phải nữa. Nàng có người bạn trai ở cạnh.  Họ hẹn nhau nơi nấm mộ kia. Ờ, có lẽ họ yêu nhau lắm nên mới hẹn nhau, nơi kỳ cục kia… mà tình yêu nào chẳng kỳ cục phải không anh? (Một lát) Họ mới quen nhau, họ yêu nhau chưa bao lâu, còn ngập ngừng e dè, họ chưa sổ sàng thân mật, người con trai còn đứng cách xa cô gái, thật ngộ nghĩnh, phải không anh… Chàng trai bối rối, chưa dám lại gần, chưa dám nắm lấy tay nàng. (Một lát, mơ màng) Có lẽ họ đang cảm động lắm, họ không nhìn thấy gì chung quanh nữa, họ không thấy buổi chiều đã tàn và sương mù mỗi lúc mỗi dày đặc. (Vui tươi) Họ giống như chúng mình những ngày đầu tiên ấy, nhớ không anh, những ngày ấy (bối rối) Kìa anh, anh không nghe em nói gì ư?

THANH NIÊN

Có. Anh nghe em đây.

THIẾU NỮ

Anh đã trông thấy họ chưa?

THANH NIÊN

Có, anh thấy. Một người đàn ông. Một cô gái.

THIẾU NỮ (cố gắng)

Họ yêu nhau. Phải không anh?

THANH NIÊN

Không!

THIẾU NỮ (ngạc nhiên)

Tại sao hở anh?

THANH NIÊN (buồn bã)

Một ngộ nhận.

THIẾU NỮ

Anh nói gì, em nghe chưa rõ.

 

THANH NIÊN

Không!

         Những con chim dưới mái thôi ríu rít. Buổi chiều im lặng.  Nhạc. Đoạn khoan thai. Tiếng gió mạnh vi vút.

 

*

 

ĐÀN ÔNG

Hồng Hà, tôi xin lỗi.

CÔ GÁI

Xin ông để tôi yên.

ĐÀN ÔNG

Nhưng xin Hà cho tôi nói điều này.

CÔ GÁI

Tôi muốn yên lặng. Một mình và yên lặng. Ông Tân,  xin ông hãy về trước. Tôi van ông. Tôi muốn được hoàn toàn cạnh Nguyễn chiều này.

ĐÀN ÔNG

Nhưng… tôi nói điều này vì Nguyễn.

CÔ GÁI

Nguyễn đã chết. Người chết không cần lời nói. Ông Tân, xin ông hãy để tôi yên. Ông đừng làm tôi mất kiên nhẫn. Tôi không hứa gì với Nguyễn, nhưng tôi đã tự hứa      với tôi. Tôi sẽ ngồi với Nguyễn chiều này. Tôi có những điều phải suy nghĩ một mình và cảm xúc một mình.

ĐÀN ÔNG

Nhưng…

CÔ GÁI

Tôi không nghe đâu.

Nhạc Tiếng ông già.

 

*

 

ÔNG GIÀ

Không thể hiểu được họ là ai. Một cô gái lạnh lùng nghiêm nghị ngồi như tượng bên nấm mộ mới. Một gã   đàn ông đứng trước mặt, hai người nhìn nhau, họ nói gì   với nhau, nhưng chắc không phải là những lời yêu đương. Gã đàn ông thì phong trần nhưng vụng về, bối rối. Ờ, có lẽ họ là hai kẻ không biết nhau và tình cờ gặp nhau nơi này. Có lẽ cả hai đều quen với anh chàng Phạm Nguyễn kia. Giờ anh ta đã chết, anh ta không thể giới thiệu họ cho nhau, hèn gì họ lạnh lùng và cách xa nhau như vậy. Họ phải biết tự giới thiệu mình cho nhau chứ. . . Này, gã đàn ông vụng về kia ơi, phải bạo dạn lên. Đó, đó, khá lắm. Tô. Mày thấy không, gã đàn ông bắt đầu bước thêm một bước.

Nhạc dồn dập.

CÔ GÁI

Xin ông đừng lại gần tôi.

ĐÀN ÔNG

Hồng Hà hãy nghe tôi nói, hãy giúp tôi nói…

CÔ GÁI

Thôi được rồi… Tôi chịu thua ông… ông không để   yên cho tôi một mình… Vậy thì ông hãy ở lại với Nguyễn.  Tôi về đây.

THANH NIÊN (hốt hoảng)

Khoan! Xin Hà đừng về.

CÔ GÁI

Gì nữa

ĐÀN ÔNG

Xin nghe tôi… Thật khó nói. Nhưng tôi chưa thực hiện điều đã hứa với Nguyễn.

CÔ GÁI (cố gắng)

Được rồi, ông Tân. Tôi nghe đây. Tôi lỡ mất buổi chiều dự tính, nhưng thôi, tôi chịu thua ông lần nữa. Ông hãy nói điều muốn nói, tôi nghe đây, vì ông, chứ không phải vì Nguyễn.

ĐÀN ÔNG

Tôi rất tiếc. Xin Hồng Hà cho tôi nhắc lại tình yêu của Nguyễn yêu Hà. Vâng, Hà biết rồi. Hà nhìn thấy quá rõ ràng mối tình đắm đuối của Nguyễn. Phải, Nguyễn là một chiến sĩ lạnh lùng nhưng là một người tình nồng nàn.

CÔ GÁI

Toàn là những chữ. Ông không thể vắn lời hơn? Tôi    sốt ruột. Tôi muốn về. Tôi không muốn nghe những lời    vớ vẩn ấy.

ĐÀN ÔNG

Vâng tôi xin nói ngắn. Nhưng trước hết tôi muốn lưu ý Hồng Hà về thứ tình yêu đắm đuối mà kiên nhẫn câm nín của Nguyễn. Đó là một sợi dây căng thẳng mà không đứt, cho đến phút cuối.

CÔ GÁI

Phút cuối?

ĐÀN ÔNG

Đó là lúc Nguyễn hấp hối. Nguyễn tiết lộ điếu này:  anh ấy đã nhầm lẫn.

CÔ GÁI

Nguyễn nhầm ư? Chỉ có vậy?

ĐÀN ÔNG

Nguyễn nhầm. Phải. Nhưng không nhầm về Hà mà    về chính mình. Sự nhầm lẫn nào về mình cũng bi thảm.    (buồn rầu) Nguyễn nói với tôi, có một buổi chiều, Hà ngồi,  và chờ Nguyễn hôn Hà

CÔ GÁI (kiêu ngạo)

Tôi chờ Nguyễn hôn? (cười) Nguyễn giàu tưởng tượng quá!

ĐÀN ÔNG

Nguyễn đoan quyết như thế. Anh ấy nhắc đến khuôn mặt hoang mang của Hà. Làm đàn ông người nào cũng có cơ hội nhìn thấy nỗi hoang mang ấy nơi người bạn gái. Đó là phút sống không thực tại, ý thức mù mờ chấp chới như bóng mây. Xin Hà hiểu cho, đó là lời Nguyễn. Nguyễn có lối diễn tả như thế, tôi không hiểu hết nhưng hẳn là Hà đã hiểu. Hà và Nguyễn đều là những kẻ thông minh, và với Nguyễn, trí thông minh ấy đã chặn lại cảm xúc. Nguyễn không thể hôn Hà trong tình trạng    sáng suốt ấy. Nguyễn cho rằng nếu thật lòng yêu mến,  anh ấy phải làm như không biết sự chờ đợi kia…

CÔ GÁI (riễu cợt)

Thật tội nghiệp cho những lời thú thật cuối cùng của Nguyễn.

ĐÀN ÔNG

Vâng, Hà cứ cười. Nhưng Hà đâu biết là sau lần ấy,  Nguyễn không còn dịp gần Hà, và cái ám ảnh về một nụ hôn không thực hiện mỗi lúc mỗi đau xót. Từ cái ám ảnh     của tình ái tinh khiết đến ám ảnh của đôi môi dục tình.  Vâng, Hà không thể tưởng tượng những ngày cuối cùng của Nguyễn. Đó là lúc cơn đau ở giai đoạn cuối. Nguyễn     mê man. Sống chết hòa lẫn trong từng cơn sốt dài. Lúc tỉnh thức là lúc trí óc chịu đựng sự xâu xé nghiệt ngã. Nguyễn không thể từ chối cái chết. Cái chết trẻ. Nhưng     tôi cũng chẳng hiểu nổi cái động lực nào đã bắt Nguyễn kiểm thảo đời mình, kiểm thảo những liên hệ tình cảm giữa Nguyễn và Hà. Đó là lúc cái ám ảnh kia trở thành     một đau đớn vô lý nhưng không dự bỏ được. Nguyễn hoang mang về tình yêu anh ấy dành cho Hà.

CÔ GÁI

Ông Tân, ông muốn làm tôi cảm động?

ĐÀN ÔNG

Hà đã cảm động rồi đó. Tôi xin nói tiếp. Tôi không thể trả lời Nguyễn. Tôi không hiểu gì cả. Sự đau đớn thể xác biết đâu chẳng khiến người ta suy nghĩ bất thường.  Nhưng, tôi biết được một điều, một điều mà Nguyễn không hề bày tỏ với ai, nhưng không ngớt ray rứt: đó là cái buổi chiều nọ, nếu Nguyễn hôn Hà, thì sự gì đã xảy ra.

CÔ GÁI

Ông Tân, ông muốn dẫn câu chuyện đi tới đâu?

ĐÀN ÔNG

Đến lời tôi hứa với Nguyễn. Vâng, Hà cũng hiểu tôi là bạn độc nhất của Nguyễn. Tôi cũng đã nói với Hà là sự ám ảnh nào cũng biến dạng. Thành một cái gì đó. Ví dụ một hành động. Hoặc một ước mong. Phần Nguyễn, trong cơn hấp hối, khi biết không còn cơ hội gặp lại Hà, thì cái ẩn ức kia càng mãnh liệt và trở nên một ao ước kỳ cục: Nguyễn yêu cầu tôi rằng khi anh ấy chết, thì phải tìm gặp Hà ở đây, và tôi phải hôn Hà thay Nguyễn.

CÔ GÁI (kinh ngạc)

Ông Tân, ông cũng điên nữa ư?

ĐÀN ÔNG

Tôi đã hứa. Xin Hà giúp tôi.

CÔ GÁI

Không được. Tôi không dự vào cơn mê sảng của các người. Ông hãy dang ra cho tôi về.

ĐÀN ÔNG

Với Hà, tôi chỉ có lòng dửng dưng. Với Nguyễn, thì lại khác. Tôi đã hứa. Tôi không thể phụ lời. Xin Hà để tôi hôn Hà. Biết đâu chúng ta chẳng đang ở trong cơn mê chung.

CÔ GÁI (lớn tiếng, sợ hãi)

Không được. Hãy dang ra. Tôi thề không để cho ông đụng đến người tôi. Tôi chịu thua ông rồi, tôi thua Nguyễn rồi. Xin ông để tôi đi. Đừng áp bức tôi.

ĐÀN ÔNG

Đừng sợ.

CÔ GÁI

Tôi la lên cho ông coi.

ĐÀN ÔNG

Ở đây không có người sống. Chỉ có những nấm mồ và một người chết giữa chúng ta. Xin Hà đừng sợ. Kìa Hà chạy ư?

Tiếng chân chạy. Chó sủa.

 

*

ÔNG GIÀ

Ơ kìa! Hay chửa! CÔ gái bỏ chạy. Gã đàn ông đuổi theo. A, một vụ ăn cướp. Cướp tình? Cướp tiền? Cái gì thế. Không hiểu được, khó hiểu, (lớn giọng) Nè, Tô, hãy sủa lên! Sủa lên! (tiếng chó sủa lớn) Nè cô ơi! ông kia! (la lớn) Cô ơi! ông ơi! việc gì thế? Các người làm gì thế?  Hãy dừng lại! Có tôi đây, cô ơi, đừng sợ, việc gì thế?

Tiếng chân chạy, tiếng chó sủa. Tiếng thở và ho của ông già  xa gần, lẫn trong tiếng gọi của người đàn ông.

ĐÀN ÔNG

Hồng Hà… Hồng Hà… Hãy dừng lại. Hãy dừng lại…

         Tiếng gọi nhỏ dần rồi im lặng.

 

*

              Một lát: Nhạc, đoạn khoan thai, thắm thiết.

THIẾU NỮ

Ô kìa, anh ơi…

THANH NIÊN

Gì em?

THIẾU NỮ

Người con gái bỏ chạy, và người đàn ông đuổi theo.  Anh, sao thế, việc gì thế…

THANH NIÊN

Anh không biết.

THIẾU NỮ (bối rối, lo lắng)

Trời! Làm sao bây giờ, chúng ta phải làm gì giúp cô gái.

THANH NIÊN

Không làm được gì đâu em, họ xa ta quá. Họ đang chạy khuất dần sau những nấm mồ. Sương đã dày đặc làm cho ta không trông rõ nữa.

THIẾU NỮ

Phải làm gì chứ. Không lẽ chỉ biết nhìn. Chúng ta xuống đuổi theo họ. Được không anh?

THANH NIÊN

Không… Không kịp đâu.

THIẾU NỮ

Anh, nếu người thiếu nữ bị giết. Lỡ đấy là một vụ giết người.

THANH NIÊN

Không sao đâu em.

THIẾU NỮ

Kìa ông già và con chó…

THANH NIÊN

Phải, ông già và con chó đang cố đuổi theo hai người…  Nhưng họ cách xa nhau quá.

THIẾU NỮ (đau khổ)

Anh ơi, mình không làm gì được ư…

THANH NIÊN

Em hiểu sự bi đát là gì không?

THIẾU NỮ

Trời, sao anh có thể bình thản thế ấy. Anh nhẫn tâm để người thiếu nữ bị hại sao?

THANH NIÊN

Không sao đâu em. Đừng hoảng hốt. Chúng ta bất lực.  Em hãy ôm anh, hãy nhắm mắt lại.

THIẾU NỮ

Không, không, em không chịu được sự bình thản của anh… Không.

THANH NIÊN

Người đàn ông, cô gái, ông già và con chó đều khuất trong màn sương rồi. Em có nhìn cũng chẳng thấy gì.

THIẾU NỮ (khóc)

Anh…

THANH NIÊN (khổ sở)

Chúng ta chỉ có thể nhìn và không thể thấy gì cả.

THIẾU NỮ

Đó là sự bi đát anh muốn nói phải không?

THANH NIÊN

Đừng hỏi gì cả. Sáng mai anh đi…

THIẾU NỮ  (khóc)

Anh ơi!

THANH NIÊN (nghiêm trang)

Mai anh đi.

Im lặng. Rãi nhạc nhẹ nhàng.

THIẾU NỮ

Bây giờ người đàn ông, cô gái, ông già và con chó đã biến mất sau màn sương rồi.

THANH NIÊN

Phải, nghĩa trang chỉ còn những nấm mồ. Và một người đang trở về. Một người đàn ông. Ông ta đang tiến về phía chúng ta.

THIẾU NỮ

Ai đó anh?

THANH NIÊN

Người đào huyệt

Nhạc bi tráng để kết thúc.

               1967.

 

Ghi chú: Vào thời điểm 1967, lúc tác giả viết kịch này thì ở miền Nam bắt đầu có vô tuyến truyền hình. Lúc bấy giờ đài truyền thanh là sinh hoạt thông tin đại chúng nhất, cho nên kịch là mục đích để truyền thanh. Tôi nghĩ, ở thời điểm hiện tại, đạo diễn có thể chuyển thành kịch bản cho đài truyền hình hay cho sân khấu nhỏ (Lữ Kiều).

 

 

 

 

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search