T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoài Nam: VĂN GIẢNG – Ai về sông Tương

clip_image002

* * *

VÔ CÙNG THƯƠNG TIẾC

Nhạc sĩ NGÔ VĂN GIẢNG

Bút hiệu: Văn Giảng, Thông Đạt

Pháp danh: Nguyên Thông

Từ trần ngày 9 tháng 5 năm 2013 tại Melbourne, Úc-đại-lợi

Hưởng thọ 89 tuổi.

&

Cụ Bà quả phụ NGÔ VĂN GIẢNG

Nhũ danh: Ngô Thị Bạch Đẩu

Pháp danh: Tâm Đạt

Từ trần ngày 17 tháng 5 năm 2013 tại Melbourne, Úc-đại-lợi

Hưởng thọ 86 tuổi.

* * *

Trong cuộc hành trình đời mình, tôi may mắn có được ba người bạn già thật đáng kính, đáng mến. Cả ba nay đều đã hóa người thiên cổ: cố Nhạc trưởng VŨ VĂN TUYNH, cố Ký giả NGUYỄN TÚ, và cố Nhạc sĩ VĂN GIẢNG.

Tôi quen biết Nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh vì đời quân ngũ: ông và tôi phục vụ cùng ngành trong một quân chủng (sau đó mới biết cùng quê Nam Định, làng tôi và làng ông chỉ cách nhau một con sông). Tôi quen biết Ký giả Nguyễn Tú vì nghiệp cầm bút: ông và tôi cùng cộng tác với một tờ báo ở Úc, dù ông cư ngụ ở tận Hoa Kỳ. Riêng Nhạc sĩ Văn Giảng, tôi quen biết ông vì cơ duyên: vượt biên cùng thời gian, tới bến bờ tự do cùng địa điểm, ở chung từ đảo nhỏ tới đảo lớn; rồi ở chung một nhà (barrack) ở trại tỵ nạn Galang (Nam Dương), và sau cùng, cùng định cư ở thành phố Mebourne, Úc-đại-lợi.

Tôi và nhạc sĩ bắt đầu thân nhau từ khi sống chung một barrack, nhưng khi ấy chưa thân qua âm nhạc, mặc dù thỉnh thoảng tôi cũng ngồi đàn hát với cậu trưởng nam của ông (cùng theo ông đi vượt biên), mà thân vì cùng nhau tình nguyện làm việc trong Ban Đại diện Trại: ông làm Phó Trại trưởng, tôi làm Zone (Khu) trưởng.

Lẽ dĩ nhiên, Văn Giảng được mời giữ chức Phó Trại trưởng một phần cũng vì tiếng tăm của tác giả hành khúc Lục Quân Việt Nam, tình khúc Ai về sông Tương, nhưng sau đó dần dần những người làm việc chung với ông đã quên đi điều này, chỉ còn biết một vị Phó Trại trưởng đầy khả năng, nhiệt tình, và uy tín đối với cả Cao ủy Tỵ nạn (UNHCR: cơ quan lo việc định cư), các tổ chức thiện nguyện quốc tế, Phòng Xã hội, Hội Hồng thập tự Nam Dương, và đồng bào trong trại.

Riêng trong barrack của chúng tôi, ông cũng là người được yêu mến, kính trọng nhất. Yêu mến vì cách sống khiêm tốn, giản dị, hòa đồng với mọi người, đặc biệt là yêu trẻ. Kính trọng vì tư cách, vì gương mẫu nơi ông; sống trong cảnh thiếu thốn mọi bề nơi trại tỵ nạn, ông là một điển hình của “đói cho sạch, rách cho thơm” – mà tôi cho là một trong những nét rất “Huế” nơi ông; ông cũng thường là người đầu tiên cầm cây chổi trong giờ dọn dẹp vệ sinh trong, ngoài barrack mỗi sáng Thứ Bảy.

Đáng quý phục không kém là lòng sùng mộ nơi ông. Ngày ấy tôi chưa được biết ngoài hai nghệ danh Văn Giảng, Thông Đạt, ông còn có bút hiệu Nguyên Thông (cũng là pháp danh của ông), trước đây đã cùng nhạc sĩ Nguyễn Hữu Ba khởi xướng nền Phật nhạc tại miền Trung, cho nên tôi khá ngạc nhiên trước lòng sùng mộ của tác giả Ai về sông Tương. Cứ mỗi sáng Chủ Nhật, ông lại đốc thúc mọi người đi cùng ghe (vượt biên) lên chùa; và riêng ông, thường ở lại tới chiều để tham gia Phật sự.

Theo nhận xét của tôi, và cũng là của nhiều người khác, con người và cung cách sống của Văn Giảng giống một nhà giáo gương mẫu hơn là một nghệ sĩ tài hoa.

Về quan hệ cá nhân giữa tôi và nhạc sĩ, trong 6 tháng sống gần gũi ở trại tỵ nạn, cũng không có gì đặc biệt; nếu có gì cần trao đổi thì cũng liên quan tới công việc trong trại mà thôi. Cho tới ngày rời đảo, ông cũng chỉ biết đại khái trước năm 1975, tôi là một sĩ quan báo chí, và từng phụ trách một vài buổi văn nghệ trong đơn vị, thế thôi.

Nhưng, như đã viết ở đoạn đầu, “cơ duyên” đã khiến tôi tái ngộ nhạc sĩ Văn Giảng tại Úc. Gọi là cơ duyên bởi tôi định cư ở Úc theo diện có thân nhân bảo lãnh, thân nhân ở thành phố nào thì mình tới thành phố đó, trong khi nhạc sĩ và con trai đi Úc theo diện nhân đạo, sẽ bị chỉ định định cư ở bất cứ thành phố nào trên lãnh thổ Úc, vậy mà cuối cùng chúng tôi đã gặp lại nhau tại thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria.

Và có thể viết, tới đây, mối giao tình văn nghệ giữa tôi và nhạc sĩ Văn Giảng mới bắt đầu.

Trước hết, nói về công việc cầm bút, nghề tay trái của tôi. Tôi là một nhà báo không chuyên đề, viết tạp lục, và nghĩ sao viết vậy, nhưng chẳng hiểu sao tôi lại khá “ăn khách” nơi thành phần độc giả thuộc lớp tuổi nửa chừng xuân trở lên, trong số ấy có nhạc sĩ Văn Giảng, và mỗi khi có dịp gặp gỡ, ông thường dành cho tôi những lời khen chân thật.

Tới khi tôi thỉnh thoảng cộng tác với chương trình Việt ngữ của đài SBS Radio, thường là về đề tài ca nhạc, ông không chỉ khen, khích lệ, mà đôi khi còn đóng góp ý kiến, những ý kiến tôi xem như những lời chỉ giáo. Từ đó, tôi ngày càng thiên về ca nhạc, đưa tới việc thực hiện chương trình “70 Năm Tình ca trong Tân nhạc Việt Nam”.

Như đã trình bày trong buổi phát thanh cuối cùng (Lời cám ơn) của chương trình, nguyên nhân xa khiến tôi có ý định này là sự yêu thích hai chương trình phát thanh “Tiếng nhạc tâm tình” của Anh Ngọc và “Nhạc chủ đề” của Nguyễn Đình Toàn ngày tôi còn trẻ, và nguyên nhân gần là việc được gặp gỡ, thân thiết với Văn Giảng.

Có thể viết, nếu không có cơ duyên gặp gỡ nhạc sĩ Văn Giảng, mơ ước lớn lên sẽ thực hiện một chương trình về tác giả & tác phẩm của nền tân nhạc Việt Nam của tôi sẽ mãi mãi chỉ là ước mơ. Một ước mơ không tưởng của một người không có khả năng viết nhạc, chỉ biết nghe nhạc.

Kể cả sau khi tôi trình bày ý định này với nhạc sĩ Văn Giảng và được ông khuyến khích, hứa sẽ tận tình giúp đỡ, các đồng nghiệp và người thân của tôi vẫn tỏ ra e dè, sợ rằng dự định to lớn của tôi sẽ chỉ là “đầu voi đuôi chuột” mà thôi. Nhưng, nhận định rằng cơ hội sẽ không đến lần thứ hai, hơn nữa lúc ấy (năm 2008) nhạc sĩ Văn Giảng cũng đã khá cao tuổi, tôi quyết định uống thuốc liều!

Như đã có lần tâm tình với “trang chủ” T.Vấn & Bạn Hữu, khi bắt đầu thực hiện chương trình “70 Năm Tình ca trong Tân nhạc Việt Nam”, tôi không mảy may nghĩ tới khả năng mình sẽ “thành danh”, cho nên sau này, trước việc những cố gắng của mình đã được đền bù một cách quá xứng đáng – ý tôi muốn nói tới số lượng người nghe tại hải ngoại cũng như trong nước, tôi chỉ biết tri ân 5 thế hệ nhạc sĩ đã góp phần mình vào nền nhạc tình Việt Nam, tri ân những tác giả đã bỏ công sưu tập, biên khảo về sự hình thành và phát triển của nền nhạc tình ấy, còn sống hay đã qua đời.

Trong công trình của những vị đã vĩnh viễn ra đi, tôi trân trọng nhất biên khảo “Thời tiền chiến trong tân nhạc Việt Nam” của Lê Thương, và đối với những vị còn sống, dĩ nhiên tôi phải nhắc tới Văn Giảng trước tiên. Ông không chỉ cung cấp kiến thức, ký ức, mà quan trọng không kém, là ngay từ đầu ông đã vạch ra cho tôi con đường phải đi, nếu như tôi muốn tiến tới việc thực hiện. Con đường ấy là sự tận tụy và thái độ khách quan. Một khi đã khởi công thì phải làm tới nơi tới chốn, phải đề cập tới mọi thành phần tác giả, qua tất cả mọi gian đoạn, thuộc đủ mọi khuynh hướng; nghĩa là phải thật vô tư, phải khách quan tuyệt đối!

Lời dặn dò ấy, tôi luôn ghi nhớ, mặc dù không phải lúc nào cũng làm theo được.

* * *

Sau mấy năm định cư tại Úc, nhạc sĩ Văn Giảng được đoàn tụ với người bạn đời và những người con còn lại từ Việt Nam sang. Tôi rất mừng cho ông, bởi hơn ai hết, tôi biết Văn Giảng, một người trước năm 1975 đã hai lần du học Hoa Kỳ và đoạt một số giải thưởng âm nhạc ở bên đó, lẽ ra đã ưu tiên chọn quốc gia này làm quê hương thứ hai, nhưng trước viễn ảnh phải chờ đợi 2, 3 năm mới đặt chân tới Hoa Kỳ, ông đã chọn đi định cư tại Úc (chỉ cần chờ vài ba tháng) để có thể sớm bảo lãnh gia đình.

Được toại nguyện, nhà nhạc sĩ càng yêu nghề, yêu đời, yêu người, và “đẹp lão”. Có thể nói, đây là khoảng thời gian mà Văn Giảng, tức Phật tử Nguyên Thông, đã đạt được mấy chữ “thân tâm thường an lạc” mà những người con Phật hay cầu chúc cho nhau.

Tôi không biết nhiều về giáo lý và ngôn ngữ nhà Phật tử, nhưng riêng trong trường hợp nhạc sĩ Văn Giảng, cũng xin được viết như sau:

Khi nhà Phật dạy đời là bể khổ, không có nghĩa ở trần gian không có hạnh phúc. Khi những người như Văn Giảng gieo “nhân lành” thì dù trong lòng không cầu, họ cũng đã được hưởng “quả ngọt” ngay ở kiếp này, đó chính là cái “tâm an lạc” trong câu chúc nói trên.

* * *

Mỗi khi có một người mình quý mến ra đi, tôi thường tự xét để xem có còn gì nợ nần, vướng mắc, thất lỗi hay không. Với nhạc sĩ Văn Giảng, tôi cảm thấy mình hoàn toàn thanh thản, hay có chăng cũng chỉ là ân hận vì trong hơn 30 năm cùng sống ở thành phố này, tôi chưa bao giờ mời ông bà tới nhà dùng một bữa cơm thân mật.

Thực ra thì tôi cũng có ý đó khi ông bà còn tương đối khỏe mạnh, nhưng không kịp thực hiện.

Nguyên vào khoảng giữa thập niên 1990, do một sự “đụng chạm nghề nghiệp” hết sức vô tình trên mặt báo, tôi và “Bố Tuynh” nhận ra nhau là người quen biết cũ (trước năm 1975, hầu như mọi người trong ngành đều gọi Thiếu tá nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh một cách thân mật là “Bố Tuynh”).

Kể từ khi ấy, mỗi lần ông bà từ Sydney về chơi nhà con gái ở Melbourne, tôi đều tới thăm, đôi khi mời tới nhà chơi. Trong bữa cơm thân mật cuối cùng, nhân nhắc tới nhạc sĩ Văn Giảng, tôi hỏi về mức độ thân quen giữa hai người, thì được nhạc trưởng cho biết rất thân, và ông đã từng tới thăm nhạc sĩ mấy lần. Tôi liền đề nghị lần tới nhạc trưởng về Melbourne, tôi sẽ mời hai ông bà Văn Giảng tới dùng cơm chung.

Nhưng tới khi ”Bố Tuynh” được đưa vào bệnh viện, phải bỏ ngậm píp, đưa hộp thuốc Mixture No.79 đang hút dở cho con gái mang về Melbourne cho tôi, tôi biết “Bố” sẽ không bao giờ trở lại.

Về phần nhạc sĩ Văn Giảng, kỷ niệm cuối cùng của tôi với nhạc sĩ là vào cuối năm ngoái, một bà bạn già ở Brisbane xin tôi địa chỉ của ông, vì khi bà sang Hoa Kỳ, có mấy người học trò cũ của ông nhờ xin địa chỉ để viết thư thăm hỏi. Lẽ dĩ nhiên, sống ở một xứ tây phương, tôi phải điện thoại xin phép trước, và ông đã vui vẻ đồng ý.

Vài ngày sau, tôi nhận được CD “Let’s Love Together – 9 Rock Songs for the Poor Countries”, là tuyển tập thứ nhất gồm những ca khúc sáng tác bằng Anh ngữ của ông, mà ông quên rằng cách đây mấy năm (2008) ông đã gửi tặng tôi ngay sau khi hoàn tất. Lần này, ông kèm theo một tờ giấy nhỏ, viết mấy hàng đề tặng và thăm hỏi. Nét chữ của ông vẫn đẹp, nhưng đã khá run.

Chi tiết ấy đã khiến tôi phải ưu tư. Và cuối cùng, việc gì phải đến đã đến.

** *

clip_image004

Hình: Một buổi hội ngộ tại Melbourne (2001). Ông bà Văn Giảng ở phía trái, vợ chồng người viết phía bên mặt.

Trong tang lễ tại chùa Quang Minh, trong lúc nghe trưởng nam của nhạc sĩ đọc lời tiếc thương và tạ lỗi trước linh cữu, nhà tôi đã khóc, rồi tôi cũng rơi lệ theo.

Vẫn biết sinh ký tử quy, hơn nữa, ra đi vào tuổi 89, trong làng tân nhạc miền Nam, nhạc sĩ Văn Giảng chỉ thua một mình Xuân Tiên (hơn ông 2 tuổi), và rất có thể sẽ thua Anh Bằng, nếu như tác giả “Nỗi lòng người đi” thọ thêm ít nhất 2 tuổi nữa, nhưng sao tôi vẫn thấy thật buồn, thật xót xa.

Có lẽ vì nhạc sĩ là người cuối cùng trong số ba ông bạn già đáng kính của tôi – sau nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh và ký giả Nguyễn Tú – ra đi.

Theo ý nguyện, nhục thể của nhạc sĩ đã được thiêu, tro rải xuống biển. Chi tiết này khiến tôi chợt tới nhạc trưởng Vũ Văn Tuynh, ông cũng được thiêu và rải tro xuống biển. Có lẽ ông hy vọng sóng nước Thái Bình Dương sẽ đưa tro cốt của ông về biển Đông, rồi ngược dòng sông Hồng đưa ông về quê xưa Nam Định?!

Cũng thế, biết đâu rồi đây tro cốt của nhạc sĩ Văn Giảng cũng sẽ trôi dạt về cửa Thuận An, và sau cùng tới cố đô Huế bên dòng sông Hương – con sông mà ngày xưa nhạc sĩ đã đổi tên thành “sông Tương” trong tình khúc để đời của mình – và cũng là ca khúc Việt Nam mà cho tới nay, theo trang mạng Đặc Trưng, vẫn được nhiều người tìm nghe nhất.

* * *

Tám ngày sau khi nhạc sĩ Văn Giảng về bên kia thế giới, tức là vừa mãn “thất” thứ nhất trong tang chồng, người bạn đời của ông, Cụ Bà Ngô Thị Bạch Đẩu, đã đi theo ông.

Thưở sinh tiền, nhạc sĩ cho tôi biết tất cả mọi bóng hồng trong các bản nhạc tình của ông đều là hư cấu, bởi đời ông chỉ yêu một người mà thôi. Nay, người bạn đời ấy cho rằng hơn 62 năm bên người tình chung trên cõi thế vẫn chưa gọi là đủ…

Ở đời, luôn luôn có những điều thật vui và những điều thật buồn. Đoạn kết chuyện tình đẹp của nhạc sĩ Văn Giảng với người bạn đời của ông khiến chúng ta vui hay buồn, hoặc buồn vui lẫn lộn, là tùy suy nghĩ của mỗi người. Nhưng có một điều chắc chắn: tình ấy là tình thiên thu.

HOÀI NAM

Melbourne, Úc-đại-lợi

Cuối thu nam bán cầu,2013

 

 

 

 

 

 

©T.Vấn 2013

Bài Mới Nhất
Search