T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Đỗ Xuân Tê : Nhân đọc một lá thư của Huyền Chiêu

clip_image001

Tựa đề ‘chẳng thiếu chi nhiều, chỉ thiếu tình yêu’ của Huyền Chiêu, một bút danh quen thuộc của T.Vấn&Bạn Hữu, tôi ngỡ chắc chị viết một đề tài gì liên quan đến…ái tình, chuyện chắc sẽ ướt át dù kết cục có cay đắng dở dang tan vỡ. Lại là người yêu nhạc và biết hát tôi nghĩ Huyền Chiêu chắc sẽ đem chút nhạc vào văn và đa phần là nhạc Phạm Duy mà T. Vấn và tôi cùng nhiều người ái mộ.

Nhưng nghe vậy mà không phải vậy, đọc nửa chừng thấy đề tài mà tác giả quan tâm lại là những vấn đề nghiêm túc. Qua dạng một lá thư gởi cho một người thân hồi thơ ấu, Huyền Chiêu đã vẽ lại toàn cảnh của một xã hội đổi thay mà chị là chứng nhân vừa là người trong cuộc.

Một bối cảnh mà chị đang sống và có lần anh chị em chúng ta đã sống nay đang biến dạng trở thành một xã hội phân cực, bệnh hoạn, rệu rã mà dù với bút pháp chừng mực và nhân hậu của người nữ cũng không thể làm cho người đọc nhẹ đi được sự cảm nhận vừa kinh ngạc vừa phẫn nộ khi nội dung sự việc ‘tự nó được phô bày như nó có’.

Đọc Những tháng năm cuồng nộ của Khuất Đẩu, bản thân tôi thế hệ cùng thời với ‘thằng chó đẻ’ tưởng chừng những tháng năm sau chiến tranh sẽ là năm tháng sống đời hòa bình, dân mình sẽ no ấm, đất nước sẽ yên vui, từ nay ‘người biết thương người, người biết yêu người’, mọi sự chẳng thiếu chi nhiều miễn là cuộc đời còn có tình yêu. ‘Nhưng thật khó hiểu khi đất nước mình hết chiến tranh rồi mà vẫn mãi chìm trong đêm dài tăm tối’ theo cách nghĩ của Huyền Chiêu. Tự nhiên tôi thầm nghĩ có dịp nào Khuất Đẩu sẽ dồn công sức viết một truyện vừa có tựa đề, ‘Những đêm dài tăm tối’ để khái quát một thời kỳ ‘hậu chó đẻ’ cho thế hệ mai sau!

Tôi vốn xa quê hơn hai chục năm, chưa có dịp quay về đất Tổ, nhưng qua mấy người con của tôi từ khi chúng có gia đình hay dắt díu nhau gần như cứ vài năm lại về. Khi về lại Mỹ được hỏi tình hình, cảm nhận của chúng nói chung là ‘khá hơn nhiều hồi mình chưa vượt biên, bây giờ cái gì cũng có, Sàigòn vui lắm, có Burger King, có Mc Donald’s, Sapa đẹp lắm, rồi Hạ long, Nha Trang, Hội an Phố cổ, nhiều nhà còn ‘giàu’ hơn dân mình bên này…’ Tất nhiên người từng trải như thế hệ chúng tôi chẳng tin hoàn tòan vào những thông tin dựa theo cảm tính và ham vui này.

Nhưng quả thật gần 40 năm nhìn lại, tôi và bạn đọc gần như bị ‘sốc’ sau khi đọc hết lá thư của Huyền Chiêu. Thực tế những điều trong thư không còn là những lời cảnh báo mà đã thành những hệ lụy, niềm đau không còn là vết thương của một thời xã hội nhiễu nhương (ngôn từ của T.Vấn) mà trở thành vết sẹo của một xã hội băng hoại sau chiến tranh.

Không lẽ đất nước mình lại như thế ư? Dân mình lại cứ bạc phận cay đắng mãi như thế sao? Trí thức đâu, giới trẻ đâu, nhà văn nhà báo đâu, công nhân thợ thuyền đâu? Sao không ai lên tiếng. Trực tiếp hơn, lãnh đạo đâu, đảng đâu, cán bộ đâu? Sao không lo cho dân. Tất nhiên những tiếng kêu chỉ là những tiếng vang trong sa mạc và những câu hỏi này vô hình chung chỉ là ngôn từ sáo rỗng khi những đàn cừu chịu cảnh sống chung với bọn sói hoang.

Tôi vốn yêu Đà Lạt và hoa lay-ơn. Đà lạt thì không ở lâu chỉ mấy tháng quân trường với nhiều kỷ niệm, nhưng hoa lay-ơn thì dù lương vừa đủ cũng nhắc vợ phải mua. Thế mà do đầu cơ dìm giá, Đà lạt tết vừa qua lay-ơn phải cắt cho bò ăn, cải bắp rau tuơi cùng chung số phận, khiến dân nghèo miền xuôi muốn mua bó rau con cá cũng chịu thua. Cảnh này có bao giờ xảy ra dù đất nước đang hồi chinh chiến. Cho nên càng đọc càng nóng mặt rồi quay ra trăn trở, phải bộc lộ trên…Ghi Chép.

Còn nhiều điều nghe như chuyện lạ nhưng lại nhãn tiền, nhiều cái tưởng có ở thuở hồng hoang nay đang diễn ra trong thời đồ đểu, người ăn hiếp người, cá ăn kiến nhưng kiến chẳng hề ăn cá, từ quê lên tỉnh, từ Bắc xuống Nam, trong nhà ngoài phố, tình người như cơn hạn, tình yêu như gió Lào. Tôi mong lá thư này như một thông tin cần thiết, không chỉ là tản văn đọc vui chốc lát mà cần được phổ biến rộng rãi chẳng phải trên trang nhà mà tác giả của nó qua mối giao lưu văn nghệ khá rộng rãi nên phát tán trên nhiều websites để mọi người cùng quan tâm.

Đỗ Xuân Tê

©T.Vấn 2014

Bài Mới Nhất
Search