T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thanh Sơn: Chúc Xuân

“. . .Thanh Sơn đã viết khoảng gần 500 bài với rất nhiều bài nổi tiếng. Nhạc của ông mang đậm nét miền Nam, chứa đựng trong đó đầy tình yêu và tâm huyết với quê hương, với kỷ niệm học đường. Gia tài ca khúc của Thanh Sơn – hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó là những ca khúc viết về quê hương, về con người Sông Tiền Sông Hậu. Những tác phẩm của Thanh Sơn đã góp phần quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam.. .”

 Thanh Sơn: Chúc Xuân

  (Xin bấm vào hình để mở lớn)

 Chuc xuan 01

Chuc xuan 02

Chuc xuan 03

Chuc xuan 04

Chuc xuan 05

Chúc Xuân – Sáng tác: Thanh Sơn

Trình Bày: Trúc Mai (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v… (T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Đọc Thêm:

Tiểu sử

Nhạc sĩ Thanh Sơn

(Nguồn: yeunhacvang.com)

clip_image001
Về tới đầu làng con chim sáo nhỏ hát vang rộn ràng

Qua nhịp cầu tre, qua mấy con đê thắm đượm tình quê

Bao năm qua cách trở đường xa xuôi ngược bôn ba

Ôi kỷ niệm yêu, mái tranh nghèo tỏa khói lam chiều ….

Nói về ông, người ta nghĩ ngay đến những ca khúc viết về đề tài mùa hè – học sinh rất đặc trưng như “Nỗi buồn hoa phượng”, “Lưu bút ngày xanh” đã làm xao xuyến bao thế hệ học sinh ở miền Nam trước 1975.
Nhạc sĩ Thanh Sơn tên thiệt là Lê Văn Thiện, sanh năm 1938, gia đình có tới 12 anh chị em, Lê Văn Thiện là người con thứ 10. Tuổi thơ của ông rất cơ cực và phải theo gia đình dọn nhà di chuyển nhiều tỉnh. Thuở nhỏ theo học trường Nam Tiểu Học Sóc Trăng, rồi trung học Phụ Huynh Học Sinh – sau đổi tên là Hoàng Diệu, Sóc Trăng. Anh vốn mê ca hát, và có cơ duyên học nhạc với thầy nhạc Võ Ðức Phấn (có vợ Sóc Trăng), em út của nhạc sĩ Võ Ðức Thu.
Vì có máu mê ca hát, và vì gia đình nghèo mà nghiệp sách đèn của Lê Văn Thiện không tới nơi tới chốn: Trợt vỏ chuối hai lần thi trung học đệ nhứt cấp. Năm 1955, thầy Phấn dạy nhạc qua đời, Thiện bỏ Sóc Trăng lên Sài Gòn kiếm sống, và theo học lớp nhạc của nhạc sĩ Lê Thương. Công việc của ông thời đó là chép và kẻ khung nhạc.
Tại đất Sài Gòn hoa lệ, Lê Văn Thiện sống bằng nghề làm gia nhân cho ông chủ là giám đốc công ty Dầu Lửa Quốc Gia với đồng lương lúc đó là 150 đồng/tháng, và duyên cũng đưa đẩy anh đến với nhạc sĩ Lam Phương, người mà anh coi như thần tượng của mình.
Năm 1959 khi đài phát thanh Sài Gòn ra thông cáo tuyển lựa ca sĩ, Lê Văn Thiện ghi tên tham dự với bài hát Chiều Tàn của nhạc sĩ Lam Phương. Thí sinh Lê Văn Thiện sinh ngày 1-5-1938 quê quán Sóc Trăng, nghệ danh Thanh Sơn, đoạt giải nhứt. Lê Văn Thiện nhớ mãi giải thưởng anh nhận được là một chiếc radio và cây đàn guitare. Ban giám khảo gồm các nhạc sĩ Dương Thiệu Tước, Võ Ðức Thu, Nghiêm Phú Phi. Chánh chủ khảo là nhạc sĩ Thẩm Oánh.
Từ đó, Thanh Sơn dấn thân vào nghiệp ca sĩ, khởi đầu đi hát trong ban nhạc Tiếng tơ đồng của nhạc sĩ Hoàng Trọng và hát cho đài phát thanh Sài Gòn.
clip_image002
Người thầy dẫn dắt anh là nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, bấy giờ Hoàng Thi Thơ là trưởng Ðoàn Văn Nghệ Việt Nam. Năm 1962 Thanh Sơn cho ra bài Lưu Bút Ngày Xanh, được công chúng hoan nghênh.
Năm sau, năm 1963, Thanh Sơn bỏ hẳn nghiệp ca hát để chuyển sang sáng tác chuyên nghiệp. Riêng về bài hát học trò, tới nay anh đã viết có hơn 200 bài. Với Thanh Sơn, đó là thời gian rất đẹp. Thanh Sơn viết về học trò như viết cho chính mình, viết để nuối tiếc thời thơ ấu, vì nhà nghèo phải bỏ học! Nổi tiếng nhất trong đề tài áo trắng của ông là các ca khúc: Tình Học Sinh, Ba Tháng Tạ Từ, Lưu Bút Ngày Xanh, Hạ Buồn và nhứt là Nỗi Buồn Hoa Phượng.
Thanh Sơn đã viết khoảng gần 500 bài với rất nhiều bài nổi tiếng. Nhạc của ông mang đậm nét miền Nam, chứa đựng trong đó đầy tình yêu và tâm huyết với quê hương, với kỷ niệm học đường. Gia tài ca khúc của Thanh Sơn – hơn 500 bài hát, 2/3 trong đó là những ca khúc viết về quê hương, về con người Sông Tiền Sông Hậu. Những tác phẩm của Thanh Sơn đã góp phần quan trọng cho nền âm nhạc Việt Nam.
Kể về cuộc tình thật đẹp làm nên chất liệu da diết cho ca khúc Nỗi Buồn Hoa Phượng, Thanh Sơn nói: “Tôi tìm thấy cảm xúc bởi sắc màu đỏ thắm của hoa phượng mỗi khi hè về. Bài hát này tôi viết về một cuộc tình học sinh rất đẹp. Lời chia tay của cô bạn gái cùng trường đã khiến tôi xao xuyến, bâng khuâng. Dường như màu hoa phượng như những giọt máu đỏ tươi minh chứng một cuộc tình chung thủy”.
Lời ca của Thanh Sơn: “Mỗi năm đến Hè lòng man mác buồn, chín mươi ngày qua chứa chan tình thương. Ngày mai xa cách hai đứa hai nơi, phút gần gũi nhau mất rồi, tạ từ là hết người ơi”; Cũng như lời ca của Anh Việt Thu “Dòng An Giang sông sâu nước biếc, dòng An Giang cây xanh lá thắm, lả lướt về qua Thất Sơn… Dòng An Giang đáy nước in sâu, nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa, nắng vẫn chiếu trên làn nước nhấp nhô… Ðây những người thôn nữ xinh duyên dáng chuyền tay dắt nhau múc mấy vầng trăng đổ đi…”; Và như lời ca của Y Vân: “Lòng mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào. Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào, lời mẹ êm ái như đồng lúa chiều rì rào. Tiếng ru bên thềm trăng tà soi bóng, mẹ yêu…”.
Lời ca và giai điệu đơn sơ, chơn thật của bài Nỗi Buồn Hoa Phượng khác nào bài Dòng An Giang, bài Lòng Mẹ cho đến bây giờ vẫn làm hàng triệu trái tim người Việt Nam chúng ta xao xuyến… và không gì thay thế được.

Bài Mới Nhất
Search