T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Hoàng Trọng & Thanh Nam: Đẹp Giấc Mơ Hoa

“ . . .Đẹp giấc mơ hoa” là ca khúc trữ tình ghi lại những giây phút đẹp như trong một cơn mơ khi chàng trai đến gặp người yêu, thấy “hoa xuân rơi đầy trước thềm”, cố bước đi thật nhẹ vì sợ giấc mơ tan biến mất và lòng bồi hồi thầm ước “đời sẽ chẳng còn thương nhớ” vì duyên tình sẽ mãi đẹp như thơ . . . “

Hoàng Trọng & Thanh Nam: Đẹp Giấc Mơ Hoa 

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

  Dep giac mo hoa -1

Dep giac mo hoa -2

Dep giac mo hoa -3

Dep giac mo hoa -4

Đẹp Giấc Mơ Hoa – Sáng Tác: Hoàng Trọng & Thanh Nam

Trình Bày: Duy Trác

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

Nghe Thêm:

Hoài Nam -70 Năm Tình Ca (14) – Phạm Duy, Hòang Trọng . . .

Đọc Thêm:

Hoàng Trọng và “Đẹp giấc mơ hoa”

(Theo Facebook Huỳnh Duy Lộc)

Nhà thơ Du Tử Lê có nhận định về đóng góp của nhạc sĩ Hoàng Trọng cho nền tân nhạc Việt Nam: “Nhạc sĩ Hoàng Trọng là một trong những nhạc sĩ có công khai phá nền tân nhạc Việt Nam; cùng thời với những tên tuổi lớn thuộc giai đoạn đó, như Dương Thiệu Tước, Lê Thương, Nguyễn Xuân Khoát… Hoàng Trọng không chỉ là một trong những nhạc sĩ tiên phong khai phá nền tân nhạc Việt dựa trên thang âm thất cung mà ông còn là người nâng điệu Tango tương đối còn xa lạ với giới thưởng ngoạn ở những thập niên 1930 – 1940 lên tới đỉnh cao nghệ thuật của điệu này. Vì thế, những người cùng giới với họ Hoàng đã không ngần ngại, đồng lòng phong tặng ông danh hiệu “Ông Hoàng Tango” của tân nhạc Việt. Bên cạnh những ca khúc được coi là tuyệt vời với điệu Tango, nhạc sĩ Hoàng Trọng cũng có những ca khúc còn lưu truyền tới hôm nay được ông viết với nhịp điệu chậm hơn Tango như Slow, Bolero, Rumba. Hoặc những ca khúc được viết với nhịp điệu nhanh hơn Tango như March, Fox, Paso…”
Hoàng Trọng tên thật là Hoàng Trung Trọng, sinh năm 1922 ở Hải Dương, lớn lên ở Nam Ðịnh. Năm 11 tuổi, ông học nhạc với sự chỉ dạy của người anh ruột, nhạc sĩ Hoàng Trọng Quý. Ông chơi được nhiều nhạc cụ như vĩ cầm, tây ban cầm, hạ uy cầm và sáo. Năm 15 tuổi, ông học nhạc tại trường Công giáo Saint Thomas ở Nam Ðịnh và thành lập ban nhạc đầu tiên. Ban nhạc Nam Ðịnh gồm các anh em trong gia đình như Hoàng Trung An, Hoàng Trung Vinh và các thân hữu như Ðan Thọ, Bùi Công Kỳ, Ðặng Thế Phong, Phạm Ngữ, Vũ Dự, Tạ Phước… Hoàng Trọng là một trong những nhạc sĩ tiên phong sáng tác ca khúc cho nền tân nhạc Việt Nam. Ca khúc “Ðêm trăng” (1938), “Bóng trăng xưa” (1940), “Thu qua” (1941)…đã xuất hiện trong thời kỳ mở đầu nền âm nhạc Việt Nam.
Năm 1945, Hoàng Trọng mở phòng trà, lập ban nhạc mang tên Thiên Thai ở Nam Ðịnh. Cuối năm 1946, cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, Hoàng Trọng cùng gia đình lánh cư ở Phủ Nho Quan, Phát Diệm rồi về Hà Nội. Qua làn sóng Đài phát thanh, những ca khúc như “Ðêm trăng”, “Thu qua”, “Tiếng đàn ai”, “Lạnh lùng”, “Chiều tha hương”, “Khúc nhạc xuân” đã đưa tên tuổi Hoàng Trọng đến với thính giả khắp mọi miền đất nước.
Năm 1950, ông gia nhập Quân Nhạc Bảo Chính Ðoàn, điều khiển dàn nhạc nhẹ của chương trình phát thanh Bảo Chính Ðoàn trên Đài phát thanh Hà Nội. Từ năm 1950 đến năm 1954, trước khi di cư vào Nam, ông đã sáng tác trên 20 ca khúc, trong đó có “Nhạc sầu tương tư” và “Dừng bước giang hồ” rất được yêu thích. Năm 1954, đất nước bị chia đôi, ông theo làn sóng di cư vào Nam khi mới ngoài ba mươi tuổi, sống trong cảnh gà trống nuôi con, lấy âm nhạc làm niềm an ủi. Tâm tình đó của ông được thể hiện qua hai ca khúc “Chiều xưa tưởng nhớ” và “Trăng sầu viễn xứ”. Từ năm 1955 đến năm 1960, ông sáng tác khoảng 40 ca khúc, trong đó có nhiều ca khúc nổi tiếng như: “Tình không biên giới”, “Mộng lành”, “Bên bờ đại dương”, “Mộng ban đầu”, “Bạn lòng”, “Nhớ về Ðà Lạt”, “Tiễn bước sang ngang”, “Ðàn yêu”…
Bước vào đầu thập niên 1960, nhiều nhạc phẩm trữ tình phát thường xuyên trên làn sóng của Đài phát thanh và được thu âm bởi các hãng đĩa đã làm say mê hàng triệu thính giả như: “Tôi vẫn yêu hoa màu tím”, “Một thuở yêu đàn”, “Hai phương trời cách biệt”…
Năm 1992, Hoàng Trọng định cư tại Mỹ theo diện đoàn tụ, được sum họp với con cái và sống với người vợ cuối đời là ca sĩ Thu Tâm. Hoàng Trọng từ trần ngày 16 tháng 7 năm 1998 tại Paolo Alto, Bắc California, hưởng thọ 75 tuổi.
“Đẹp giấc mơ hoa” là ca khúc trữ tình ghi lại những giây phút đẹp như trong một cơn mơ khi chàng trai đến gặp người yêu, thấy “hoa xuân rơi đầy trước thềm”, cố bước đi thật nhẹ vì sợ giấc mơ tan biến mất và lòng bồi hồi thầm ước “đời sẽ chẳng còn thương nhớ” vì duyên tình sẽ mãi đẹp như thơ:

“Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên

Anh yêu nét hồn nhiên
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm
Đôi tay nhấp đường kim
Làn môi hé cười thần tiên

Lòng bồi hồi mơ ước
Đường hoa thắm đôi ta cùng chung bước
Đời chẳng còn thương nhớ
Vì duyên ta đẹp tình thơ

Hương thơm ngát đồng xanh
Ta sống yên vui trên mảnh đất lành
Đêm đêm ngắm trời xa
Tình quê thấy lòng nở hoa

Một mái tranh nghèo lo gì nắng mai hay mưa chiều
Mộng ngát đôi lòng trăng hạnh phúc ta cùng soi bóng
Đồng lúa thơm lành ta cầy cấy chung lo gia đinh
Cuộc sống thanh bình
Ôi bài hát muôn đời thắm tình

Hôm qua đến tìm em
Anh thấy hoa xuân rơi đầy trước thềm
Bâng khuâng bước nhẹ êm
Sợ làm tan bao giấc mơ hoa triền miên

Anh yêu nét hồn nhiên
Yêu biết bao khi em ngồi khuất rèm
Đôi tay nhấp đường kim
Làn môi hé cười thần tiên…”

clip_image001

Ảnh: Nhạc sĩ Hoàng Trọng với người vợ cuối cùng Thu Tâm và hai con tại Mỹ sau năm 1975

Bài Mới Nhất
Search