T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Thảo Nguyên: Đà Nẵng một thời yêu dấu

clip_image002

 Trường Xưa – Tranh: Mai Tâm

 Em nghiêng nón lá,

Cho ta nhìn thấy quê hương.

Em phất cờ bay.

Cho ta mơ lại chiến trường

Thuở còn đi học, tôi rất mê đi chơi. Có lẽ vì vậy mà tôi học kém. Năm nào đi thi cũng hai lần mới đậu. Đã thế gia đình tôi thường hay di chuyển chỗ ở vì cha tôi là một người lính trận.

Tôi chẳng biết gì nhiều về nơi chôn nhau cắt rốn, nhưng những thành phố mà gia đình tôi đi qua thì tôi không thể nào quên được. Nhất là Đà nẵng, là nơi mà tôi gửi trọn cả tuổi thanh xuân.

Tuy sống trong thành phố nhưng tôi thường đi về miền quê mỗi khi có dịp. Dù trong lứa tuổi học trò tôi thường theo bạn bè đi nghỉ hè ở các miền quê xa. Thế nên tôi biết rất nhiều về Đà nẵng và các miền lân cận. Ngoài ba quận nội thành tôi thường đi quanh Non Nuớc, để được nhìn công trình tạo hóa với Ngũ Hoành sơn kỳ vĩ. Nếu ai đã vào một trong những động của Ngũ hành mới thấy cái cảm giác thần tiên lạ lẫm. Nó như được thoát ra khỏi vòng tục lụy của trần gian để suốt đời không thể nào quên. Tôi đã qua Sơn Chà đến bãi biển Tiên sa tắm nắng. Tôi đã đến NamÔ nhìn hoàng hôn xuống và lên đỉnh đèo Hải Vân để ngắm mây phủ lưng đèo. Thuở ấy, tôi là con trai đầu lòng, nên hay được theo cha đi khắp đó đây. Tôi được đến ngay cả bãi biển Lăng cô dạo chơi và ăn bún cá thu, để nghĩ rằng không nơi nào có thể nấu ngon hơn. Tôi cũng biết luôn cả thành phố Hội An trong những lần đi thăm người chú họ. Dĩ nhiên tôi biết luôn các quận Điện bàn, Hoà vang và sau này trong chiến tranh tôi đi qua tất cả, Nông sơn Tiên phước, Thường đức.Quế sơn.

Thế nhưng, tôi vẫn không phải là người Đà nẵng, cho dù Đà nẵng đã là một phần của mảnh tâmhồn tôi.

Người Quảng Nam Đà nẵng thường hay tự hào về nơi đất ở. Họ cố công làm những điều tốt để nếu không hơn thì cũng chẳng thua người. Một trong những điều ta thường được thấy nơi đây là sự đoàn kết để có một hội đồng hương lớn mạnh ở đất tạm dung. Và hàng năm, ngày vui xuân của hội cũng tưng bừng nhất so với các hội đoàn khác.

Muà xuân năm nay, mùa xuân Quảng Nam Đà nẵng rực rỡ sắc màu, và lạ lùng thay, giữa mùa đông nơi đất Mỹ, những ngày tết bỗng dưng mát mẻ, đủ để lòng người xao xuyến với hương Xuân.

Khi tôi bước vào hội trường trong ngày hội Xuân Quảng Nam Đà nẵng thì cuộc vui bắt đầu hào hứng. Anh Nguyễn trọng Tuấn bảo tôi “ Sao muộn thế, hết cả thức ăn rồi”. Biết làm sao hơn khi buổi sáng chúa nhật mà mình vẫn cứ phải đi làm. Nhưng không hề gì, tôi được biết vợ chồng ông bạn nối khố đang vật lộn trong nhà bếp thì lo gì chuyện ăn với uống. Ngày xưa trong trại tù bạn tôi là người nổi tiếng là kiếm ăn giỏi, chuyên môn vác đồ cải thiện từ ngoài đồng về trại cho tôi nấu . Bây giờ ở cái xứ thừa mứa thức ăn này lẽ nào ông ấy lại để tôi ngồi không . Nghĩ vậy nên tôi đi thẳng vào trong bếp. Và đúng như tôi dự đoán, một lúc sau là tôi có một điã thưc ăn đầy ắp.

Trên sân khấu, bây giờ nhạc sĩ Nguyễn đức Quang đang khen những món ăn xứ Quảng được làm bởi các bà nội trợ khéo tay rồi anh bắt đầu những bài hát đấu tranh. Nhìn một khối lượng đông đảo người tham dự, hơn hẳn bất cư một hội đoàn nào, tôi bỗng thấy mình may mắn vì đã kinh qua một đoạn đường dài với những thủ tục của lễ nghi. Bây giờ tôi được thoải mái ngồi đây, bên chai bia đầy, bóng tối đủ để chẳng ai để ý đến tôi đến muộn và nhìn lên một sân khấu rực rỡ những ánh đèn và màu sắc. Tôi thầm phục ông Nguyễn đức Quang thật khéo nịnh đầm. Khéo ở chỗ là có lời khen quá đúng, đủ để người được khen có quyền hãnh diện, có quyền lên mặt với ông xã mà không phải bị chê là dị…hợm, các món ăn hôm nay sao mà hấp dẫn , ngon miệng lạ lùng.

Ong Quang hát xong, khán thính giả được thưởng thức một một vũ khúc thật dễ thương của các em gái nhỏ. Những chiếc nón lá xinh xinh chao qua đảo lại đều dặn trên sân khấu như những cánh bướm chập chờn bay giữa mùa xuân. Thì đây là mùa Xuân Quảng Nam Đà nẵng. Tôi nhìn những chiếc nón và những thiên thần nhịp nhàng trên kia mà nhớ tơí quê hương.

Nghĩ đến quê huơng tôi lại giật mình và đau nhói. Quê hương tôi ở nơi nào nhỉ. Trên đất Bắc xa xôinhư trong giấy khai sinh đã ghi, hay ỡ giòng sông Hàn luợn lờ trôi quanh thành phố cảng miền Trung. Rời nơi chôn nhau cắt rún ở tuổi lên bảy tôi không nhớ được gì ngoài cây gạo đỏ, và Đà nẵng có phải là quê hương khi tôi gửi trọn cả tuổi trẻ và những rung động đầu tiên khi vừa học xong trung học.

Đến khi người con trai xứ Huế hát bài “Đà nẵng một thời dấu yêu” để đưa chân các cô gái qua những phuờng khóm thân yêu xưa thi thì tôi thực sự ngẩn ngơ và xúc động. Những cái tên Thạc gián, Thanh bồ, Chợ Cồn, Nại hiên nghe sao quá thân yêu làm tôi muốn khóc vì giờ đã xa rồi. Những cô gái Đà thành yêu kiều một thuở xưa kia có phải giờ đây đã dấu mặt, để cho những đứa con yêu của mình rực rỡ nới đây. Ông thì sĩ Luân hóan có làm một bài thơ xin nhận mình làm một cưụ học sinh của trường Trần Cao Vân, Tam kỳ cho dù ông chỉ học có bốn mươi tám tiếng đồng hồ rồi nghỉ. Thế thì tôi gửi cả tuổi hoa niên cho Đà nẵng, có thể được nhận là dân Đà nẵng hay không?

Đà nẵng ơi, sao tôi nhớ quá những lần trốn học, từ trường Sao Mai đi lang thang bên bờ sông Bạch đằng . Những lần hẹn hò, cố để dành tiền để rủ người ta vào ăn kem Diệp Hải Dung hay chui vào rạp xi nê Trưng vương vừa rẻ tiền , mà vẫn tưởng như mình sang trọng lắm. Những kỷ niêm đã trở thành đớn đau mở đầu cho một lần tình phụ, tôi đi dưới mưa rơi trên con đường Nguyễn Hoàng đầy bóng cây, rũ rợi theo những cơn gió lạnh, qua nhà ngưòi ta mà không dám nhìn lên.

Đà nẵng ơi, tôi nhớ lắm những lần cùng mấy thằng bạn học trò tập làm người lớn, nhậu thịt bê thui trên con đường dẫn xuống Chợ Hàn, mặt đỏ gay, coi mọi chuyện trên đời không đựng đầy bồ rượu. Và trời ơi, nhớ lắm một lần đớn đau bỏ lại bạn bè, bỏ lại súng đạn, bỏ lại Đà nẵng để trốn chạy lên tàu ra biển.

Đà nẵng từ đó không còn là của tôi nữa, phải không người?

Tôi nhìn lên sâu khấu trong một khoảng thời gian bị che tối lại bởi người ta đứng lên chụp ảnh. Tôi cũng lăng xăng đưa chiếc máy cũ mèm ghi vội những hình bóng thật dễ thương này trước khi người xướng ngôn viên giới thiệu qua mục khác. Ong bạn đến bên tôi hể hả như ngầm hãnh diện về sự tổ chức mà ông có dự phần. Tất cả những màn trình diễn hôm nay có được là do sự cố gắng của rất nhiều người, là một kết hợp hài hoà của những tài tử không chuyên và những ánh đèn.

Tôi thích nhất mội vũ điệu đấu tranh với những cô gái Quảng Nam Đà nẵng phất ngọn cờ vàng. Cho đến bây giờ tôi không còn nhớ bài hát, nhưng tôi cứ nghĩ đến bản hùng ca ba mươi mấy năm về trước” Cờ bay, cờ bay oai hùng trên thành phố thân yêu vừa chiếm lại đêm qua bằng máu, Cờ bay cờ bay tung trời ta về với quê hương, đón chào”. Quả thật màu cờ và những người con gái phất cờ mang đến, không chỉ cho tôi mà bao nhiêu trái tim già nua, héo khô sôi bừng lên rộn rã. Em phất cờ bay, để ta mơ lại chiến trường.

Chiến trường xưa ngập đầy tiếng súng. Quê hương Quảng nam xưa ngập đầy khói lửa đạn bom nhưng thật không thiếu những anh hùng. Những địa danh như Nông sơn, Tiên phước, Thượng đức làm tôi nhớ lại một thuở làm lính biên phòng, hy sinh tuổi thanh xuân với lời thề giữ nước. Những trận đánh kinh hoàng của những người lính miền Nam đã làm nên những thiên anh hùng ca để cho hôm nay và muôn đời sau còn hát. “Anh không chết đâu em, anh chỉ về với mẹ mong con”. Ba mươi năm, nhìn lá cờ xưa ta vẫn cứ loanh quanh câu hỏi mà chẳng được trả lời thoả đáng. Tháng ba ai bẻ gãy súng ta, tháng tư ai xé cờ vàng để tơi tả rụng.

Nhưng lá cờ ấy, vẫn được phất lên hôm nay bởi những tinh hoa cũa quê hương xứ Quảng, dù trên đất người nhưng với lời thề sẽ phất cao trên đất nước Việt nam ngày mai. Ta dù đang và sẽ già nua, nhưng sung sướng mỉm cười vì thế hệ kế tiếp vẫn vẫn theo bước chân ta. Tôi nhớ một bài thơ xưa gửi về Đà lạt. Nay muốn đọc lên giữa trời Xuân để nhớ về Đà nẵng.

Đà nẵng ơi, ba mươi mấy năm xa,

Mà biển thương yêu vẫn còn đang dậy sóng.

Nhớ nhung xưa vẫn dạt dào như biển động,

Nhưng em đâu còn đứng ở bên ta.

Ngày tháng nơi đây, rất xa và rất lạ,

Đêm không ngọt ngào như thuở ta yêu nhau.

Đà nẵng ơi, tóc ta dù có đổi màu,

Vẫn một đời nhớ em và ngày tháng cũ.

Ta sẽ về xua đi loài quỷ đỏ

Tô hồng môi và chải lại tóc em xưa.

Xin cảm ơn muà xuân Quảng nam Đà nẵng. Xin cảm ơn chị Lập , Bác sĩ Hào và ban tổ chức, đã cho chúng tôi, những người đã sống với Quãng nam, với Đà nẵng một ngày tưng bừng mùa xuân chứa chan và hy vọng.

Lẽ ra những dòng chữ này đã được gửi đến quy độc giả ngay sau khi hội Xuân vừa dứt, nhưng vì nhiều bận rộn tình cờ không thể tránh được nên cho đến hôm nay Đà nẵng một thời yêu dấu mới được gửi đến người đọc. Dù sao, những nhớ thương và kỷ niệm với tôi đâu chỉ đến vào mùa Xuân . Trong tháng năm dài lưu vong buồn bã, Đà nẵng dấu yêu đã đến với tôi, dù trong bất cứ mùa nào, thì cũng sẽ là những niềm thương yêu sôi nổi, thiết tha, vương vấn như thủa ban đầu.

Thảo Nguyên

 

 

©T.Vấn 2016

Bài Mới Nhất
Search