T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Duy Khánh: Giã Từ Đà Lạt

 “. . .Duy Khánh là một ca sĩ, một nhạc sĩ, một con người chứa chan tình yêu quê hương. Nhạc của ông mang tính cách trữ tình nhưng là những lời kết án mạnh mẽ chế độ cộng sản bạo tàn. Nhạc của ông mang hai tính chất lãng mạn và hiện thực. Rất it nhạc hiện đại mang cả hai tính chất đó như nhạc của Duy Khánh . .  .”

Duy Khánh: Giã Từ Đà lạt

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

gia-tu-dl-01 gia-tu-dl-02

gia-tu-dl-03 gia-tu-dl-04

gia-tu-dl-05

 Giã Từ Đà lạt – Duy Khánh

Trình Bày: Hồng Vân (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm, phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm với Nhạc cũ miền Nam).

©T.Vấn 2016

 Nghe Thêm : Hoài Nam -70 Năm Tình Ca -(40) – Duy Khánh

Đọc Thêm:

CA SĨ DUY KHÁNH: TÌNH YÊU HUẾ VÀ NỖI ĐAU VIỆT NAM

(Nguồn : http://vuottuonglua.org)

clip_image002

DUY KHÁNH, TÌNH YÊU HUẾ VÀ NỖI ĐAU VIỆT NAM

Duy Khánh (19362003), tên thật Nguyễn Văn Diệp, còn có nghệ danh Tăng Hồng, Hoàng Thanh,quê ở làng An Cư, xã Triệu Phước , huyện Triệu Phong , tỉnh Quảng Trị, thuộc dòng dõi Quận công Nguyễn Văn Tường, Phụ chánh đại thần triều Nguyễn.Sau 1975, ông ở lại Việt Nam. Đến 1988, ông được bảo lãnh sang Hoa Kỳ, tại đây ông tiếp tục ca hát và sáng tác. Thời gian ở lại Việt Nam, ông đau khổ, thường dùng men rượu để quên sầu. Vì vậy mà sức khoẻ của ông suy kém. Ông mất vào 12 giờ trưa ngày 12 tháng 2 năm 2003 tại bệnh viện Fountain Valley, Quận Cam, California, thọ 68 tuổi.
Ông nổi danh từ thập niên 1960, ban đầu với những bài hát mang âm hưởng dân ca, nhạc quê hương, về sau ông được xem như là một trong bốn giọng nam nổi tiếng nhất của nhạc vàng thời kỳ đầu (“tứ trụ nhạc vàng“), ba người còn lại là: Nhật Trường, Hùng Cường, Chế Linh.

Khoảng 1960, tôi được nghe Duy Khánh hát trong một buổi văn nghệ tại Huế. Tôi rất ngạc nhiên về giọng hát ngân dài và cao vút của Duy Khánh. Ông không những là một ca sĩ thượng thặng mà còn là một nhạc sĩ hữu danh với hơn 30 ca khúc. Tại Huế có nhiều nhạc sĩ, ca sĩ nhưng theo tôi Duy Khánh là người đậm đà chất Huế nhiều nhất. Thứ nhất là ông có nhiều bản nhạc, một số có chủ đề về Huế, về quê hương miền Trung như Ai ra xứ Huế , Thương về miền Trung, Lối về đất mẹ, Xin anh giữ trọn tình quê... Anh lên rừng núi cao nguyên.Sầu cố đô…
Ngoài chất Huế và miền Trung, những bài ca của ông nồng thắm tình người như

· Anh về một chiều mưa (1964)

· Bao giờ em quên (1963)

· Biết trả lời sao (1965)

· Chuyện buồn ngày xưa (1962)

· Đâu bóng người xưa (1961)

· Đêm bơ vơ

· Đêm nao trăng sáng (1959)

· Điệu buồn chia xa

. Và một điểm đặc biệt nữa là nhạc của ông phản ảnh nỗi đau khổ của Việt Nam chiến tranh như các bản: Trên 4 vùng chiến thuật”, Xuân này con không về, Đêm tiền đồn, Một Mai Giã Từ Vũ Khí,Tôi Sẽ Về, Mấy Độ Thu Về, Lính nghĩ gì, Người Anh Giới Tuyến...

clip_image003

Trong các bản nhạc của Duy Khánh, bản Huế đẹp, Huế thơ của ông sáng tác năm 1978 đã làm tôi xúc động nhất. Bài này nói lên cảm nghĩ của ông về Huế đẹp và Huế thơ trước 1975, và Huế tàn tạ, héo uá sau 1975. Cảm nghĩ của ông rất thực, và tình cảm của ông rất thiết tha và đau khổ của một con dân Huế, con dân Việt Nam khi sống thực trong chế độ cộng sản vô nhân. Sau 1975, nhiều nhạc sĩ quốc gia sáng tác về hiện tình đất nước, phần lớn là nỗi đau chia ly người yêu, mẹ già và quê hương, nhưng hình như không ai có tính cách hiện thực xã hội như nhạc Duy Khánh. Bản nhạc của ông có thể nói là xấp xỉ với các tác phẩm truyện ký hiện thực của Ngô Tất Tố, Vũ Trong Phụng, Nam Cao, Bùi Hiển…

Trong bản nhạc này, Duy Khánh tỏ ra một người nhận thức tinh tế và có một cảm tình sâu sắc về nỗi đau của một tù nhân sống trong trại tù Việt Nam vi đại dưới ách cộng sản tàn bạo và chuyên chế.

Cái làm cho dân Huế nói riêng và dân Việt Nam nói chung là hình ảnh các ông cộng sản dép râu nón cối, vừa thô lỗ, vừa mọi rợ quê mùa nhưng không kém sắt máu đã ngự trị Huế và miền Nam. Hình ảnh dép râu, nón cối thay thế cho đôi guốc thanh tao và đôi giày lịch sự của xã hội miền Nam là một ấn tượng vô cùng tàn bạo và phản mỹ quan trong bức tranh xã hội miền Nam.

Ôi “tiếng dép Trị Thiên não nuột đêm truờng” đã gây kinh hoàng cho Huế đẹp và thơ! Hình ảnh đã làm cho dân Huế bi thương vì buồn cho đời mình tàn tạ, và thương cho Huế đã mất đi vẻ Huế đẹp và thơ của ngày nào thanh bình, không có bóng dáng cộng sản quê mùa, dã man, tàn bạo….Tiếng dép Trị Thiên đã làm dân Huế kinh hoàng thì cái cái giọng đặc biệt của Quảng Bình, Hà Tĩnh, Nghệ An và Bắc Kỳ 75 lại càng gây ra nỗi hãi hùng cho dân Huế và dân miền Nam.

Không riêng Huế mà toàn thể miển Nam vô cùng chán ghét dép râu, mũ tai bèo và nón cối. Đó là biểu tượng của dã man cho nên nhân dân ta có câu:
Đôi dép râu dẫm nát đời trai trẻ/ Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai.

Từ khi có dép râu, mũ tai bèo và nón cối thì xứ Huế không còn nét đẹp và thơ. Tất cả đã mất và tác gkiả đau đớn không biết bao giờ xứ Huế tìm lại cái thiên đường đã mất:

Tiếng ai sầu thương ôi xót xa bên dòng Hương,
Chừ xa rồi Huế đẹp của mình ơi !

Cộng sản vào, miền Nam có một thay đổi lớn lao là họ bắt dân miền Nam ăn khoai sắn. Từ thời Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thủận Hóa, dân Huế chưa bao giờ phải ăn độn sắn khoai. Thời Pháp thuộc, nước ta xuất cảng lúa gạo. Sau 1945, cộng sản chiếm thôn quê, bao vây thành thị, nhưng thành thị vẫn đủ gạo ăn. Huế sản xuất lúa gạo it, phải ăn gạo Saigon chở ra.

clip_image004

Sau 1955, Cộng sản dùng bọn Giải Phóng gây chiến tranh, chúng phá cầu, giật mìn, bắn sẻ, gây trở ngại giao thông . Vì vậy miền Nam thiếu lúa gao, chính phủ miền Nam phải nhập cảng gạo Mỹ, gạo Thái Lan. Còn Cộng sản, TỪ 1945, bao nhiêu lua gạo chúng xuất cảng lấy tiền bỏ túi. Vì vậy mà lương thực cả nước thiếu thốn. Sau 1975, cộng sản ra sức bóp cổ nhân dân Miền Nam bằng thuế Nông Nghiệp và các thứ thuế khác. Cộng sản bắt dân đóng thuế nặng nề vườn cây ăn trái ư? Dân chúng chặt hết vườn cây ăn trái.

Việt cộng đánh thuế nông nghịệp nhiều gấp chục lần chính phủ quốc gia ư? dân chúng không thèm cày cấy nhiều nữa, chỉ làm đủ ăn. Thế là cộng sản thua, quay trở lại chính sách canh tác tự do như thời trước. Từ đó, thóc lúa lại sản xuất nhiều, và cộng sản lại xuất cảng lúa gạo. Không biết thời Tây ra sao, chứ thời này xuất cảng lúa gạo mà dân nhà nông phải khốn đốn, chỉ làm giàu cho bọn tư sản đỏ.

Trong khoảng 1980, dân đói, Cộng sản không nhập cảng lúa gao mà mua bo bo là thức ăn gia súc về cung cấp cho dân. Khắp nơi dân đói. Ngày trước, dân Huế thường lên chùa Từ Đàm, Bảo Quốc phải qua dốc Nam Giao.

Còn trai gái rủ nhau leo núi hoặc đi ăn bánh bèo thì lên núi Ngự Bình. Huế không có núi cao nhưng có nhiều đồi, nhiều dốc. Dốc Nam Giao, nuí Ngự Bình, Dốc An Cựu, dốc Bến Ngự, dốc Phú Cam, dốc Trường Tiền. Đi thăm người yêu ở Nam giao bằng xe đạp thì phải mắm môi nín thở, đạp thật mạnh để leo dốc. Đổ mồ hôi, sôi nước mắt mới đến nhà người yêu. Sau 1975, leo dốc Trường Tiền, Nam Giao là nỗi khổ vì bụng đói. Duy Khánh đã nói đúng thực trạng nghèo đói của Huế và Việt Nam:

Đường lên Nam Giao chừ mới thiệt là cao
Bao năm ni dài khoai sắn
tấm thân còm cõi mần răng mà leo cho nổi
Ngự Bình với lại Nam Giao dốc chừ mới thiệt là cao!

Tại Saigòn, dân đói, trẻ con bèn đổi lời nhạc “ Tình đất đỏ miền đông ” thành nhạc chế:

“Tổ quốc ơi, ăn khoai mì ngán quá.
Từ giải phóng vô đây
Ta ăn độn dài-dài

Nhà nước ơi! Ăn khoai mì chán quá!
Giặc ngoài Băc vô đây, ta ăn độn hoài hoài”

Và dân chúng cũng truyền miệng những bài ca dao mới:
Ai lên vũ-trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì

Ai sinh cộng sản làm chi,
Bắt dân ta phải ăn mì, ăn khoai!

Ăn mà khổ thì mặc tất nhiên cũng khổ. Trước 1945, phụ nữ luôn mặc áo dài. Đi chợ, đi bán bún bò, chèo đò cũng bận áo dài. Sau 1945, người dân vùng Việt Minh phải cắt áo dài thành áo cộc cho có vẻ lao động. Không còn ai mặc áo trắng, quần trắng mà phải nhuộn đen hoặc nhuộm nâu cũng là để vô sản hóa và tránh máy bay Pháp oanh kích. Tại Sài gòn, sau 1975, nhiều bà giáo, cô giáo mặc áo cộc đi dạy theo văn minh cán bộ Bắc kỳ:

Áo trắng quần đen
Giống như con sen
Là cán bộ miền Bắc

( Nhưng sau này, cộng sản lại theo vaăn hóa miền Nam, mang áo dài và Âu phục). Tại miền Nam, trước 1975, nhìn chung ai cũng ăn mặc lịch sự. Thời vua chúa cũng như thời Tây, không ai cấm đoán việc ăn mặc của dân chúng.Trước 1975, rất it cán bộ cộng sản đi Nga, Tiệp, Ba Lan. Nếu họ đi nhiều, họ phải biết cách ăn mặc của Sai Gòn cũng chỉ là âu phục mà bên Nga, Tiệp,Ba lan cũng vậy mà thôi. Họ cho rằng họ là mẫu mực , là đạo đức cách mạng, tác phong cộng sản. Đào Duy Anh sau 1975 vào Sai gon, thấy con trai Sai gon để tóc khác miền Bắc, liền phán rằng thanh niên miền Nam hư hỏng.

Vì họ ở trong rừng mặc đồ đen, vải dày cộm, khi ra thành thị, thấy dân miền Nam mặc áo mỏng lại hoa hoè, liền cho rằng phụ nữ miền Nam đồi trụy. Bởi họ cho rằng họ đạo đức cách mạng, còn dân Nam đồi trụy, họ hạ lệnh cho công an cầm kéo cắt phụ nữ mang ống quần loe! Rủi thay tên công an nọ gặp phải một anh thư miền Nam, chị ta tức giận, cởi tuột quần úp vào đầu thằng công an. Rốt cuộc cộng sản không dám đả động đến lông chân phụ nữ miền Nam.(Cũng khá khen tạiSaigon còn có những cán bộ tốt, biết tiến thoái, còn ngoài Trung và Bắc hành động như vậy là bị giết hoặc bị tù mọt gông!)

Saigon thì phóng khoáng hơn, còn các tỉnh là một màu tang thương. Con người, y phục, phong thái và quang cảnh cũng đổi khác như lời thơ Ôn Như hầu:
“Phong trần đến cả sơn khê,
Tang thương đến cả hoa kia cỏ này”

Duy Khánh đã tả rất đúng, rất thực màu đen và cảnh sắc tàn tạ, nghèo nàn của đất nước từ khi công sản vào chiếm miền Nam:
Đông Ba, Gia Hội quanh quanh đường vô Thành Nội
gió dập mưa vùi. ..Ơ … ơ … O ơi o, Xưa lên Kim Long xưa về Vỹ Dạ
Nón lá nghiêng nghiêng o cười thong thả
Áo o thì trắng quá nhìn không ra
Tại răng chừ áo cụt lại là mầu đen?

Cảnh vật u buồn, lòng người càng đau khổ. Cái chính là tâm.Khi tâm u buồn thì cảnh vật sao mà vui cho được như Nguyễn Du đã nói: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Huế làm sao vui được khi mười nhà thì tám nhà có người đi tù?”Miền Nam làm sao vui được khi quân cộng sản coi ta như chó như trâu? Huế và miền Nam vui sao được khi 90% dân chúng thất nghiệp phải bán bàn ghế, bát chén để ăn dần? Vui sao được khi ta sống trong cảnh lo sợ bị tù, bị giết, bị đói? Vui sao được khi ta phải sợ cảnh con tố cha, vợ đấu chồng, bạn bè vu khống nhau? Vì vậy mà con người Huế, con người miền Nam mất nụ cười, mất bạn bè, mất niềm tin. Đi đâu cũng cũng phải nhìn trườc nhìn sau, và nói năng phải giữ ý, giữ lời.

Người về ăn nói ngược xuôi,hỏi chừ ai biết tin ai
Tiếng cười răng đã im lìm
Đi mô (mà) tất tưởi mắt nhìn ngược xuôi
Bài thơ côi nón mô rồi
Mái tóc thề thốt gọi mời cũng đi mô !

Nói tóm lại, sau 1975, Huế đẹp và Huế thơ không còn nữa. Duy Khánh luyến tiếc, và ông chỉ biết kêu gào như con quốc kêu mùa hạ:
Huế đẹp Huế thơ ơi !
Huế mộng Huế mơ ơi!
Hỏi rằng khi mô chớ chừ mần răng
mà có Huế đẹp Huế thơ ơi
Huế mộng Huế mơ

Duy Khánh là một ca sĩ, một nhạc sĩ, một con người chứa chan tình yêu quê hương . Nhạc của ông mang tính cách trữ tình nhưng là những lời kết án mạnh mẽ chế độ cộng sản bạo tàn. Nhạc của ông mang hai tính chất lãng mạn và hiện thực.Rất it nhạc hiện đại mang cả hai tính chất đó như nhạc của Duy Khánh. Về nghệ thuật . Cái đặc sắc của Duy Khánh là giọng ca của Huế pha lẫn tiếng hò của Huế, của miền Trung. Đó là ưu điểm nhưng cũng là khuyết điểm vì bài ca của ông có nhiều tiếng địa phương cho nên trừ người miền Trung, còn người Bắc và Nam không thể hiểu rõ ý nghĩa của lời ca thắm thiết và sâu sắc của ông.

Sơn Trung

Bài Mới Nhất
Search