T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Trần Thiện Thanh: Đồn Vắng Chiều Xuân

“. . .Nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết rất nhiều ca khúc về mùa Xuân, và vì chính bản thân ông cũng là lính trong quân lực Việt Nam Cộng Hòa, nên nhạc Xuân của Trần Thiện Thanh thường hay diễn tả tình cảm, tâm tư cũng như những gian khổ của đời sống quân ngũ …

Nhạc phẩm “Đồn Vắng Chiều Xuân” của NS Trần Thiện Thanh sáng tác khoảng cuối thập niên 60, mang cùng một nội dung giống như bài hát “Phiên Gác Đêm Xuân” của NS Nguyễn Văn Đông, là một tác phẩm hầu như bất cứ người dân quân nào trong miền Nam đều biết, và là một trong những bài hát thường được trình diễn trên đài phát thanh và truyền hình trong những dịp Xuân về …“(Theo Hoàng Thanh Tâm)

Trần Thiện Thanh: Đồn Vắng Chiều Xuân

(Xin bấm vào hình để mở lớn)

Don vang chieu xuan 01

Don vang chieu xuan 02

Don vang chieu xuan 03

Don vang chieu xuan 04

Đồn Vắng Chiều Xuân – Sáng Tác: Trần Thiện Thanh

Trình Bày: Nhật Trường & Như Thủy (Pre 75)

Trong một chuyến về thăm quê nhà gần đây nhất, tôi lại được người Sài Gòn cũ gởi gắm hồn của những người trẻ năm xưa còn sống ở quê nhà. Trẻ năm xưa nhưng nay đã là những ông bà lão tóc hai màu. Dầu vậy, hồn Sài Gòn cũ vẫn như ngày nào trước khi có cuộc đổi đời. Nó không mất, không bị “cải tạo”. Nó vẫn sừng sững tồn tại trong những ấn phẩm văn hóa trước 1975 sống sót qua cuộc phần thư tàn khốc. Nó sống sót được là nhờ ở lòng dân. Nhờ vậy, hôm nay đây tôi may mắn “sở hữu” hồn Sài Gòn ấy qua kho tài sản vô giá: hàng mấy trăm bài nhạc cũ in trước 1975, với thủ bút, chữ ký của các nhạc sĩ tác giả, với cả những hàng chữ viết tay của người chủ sở hữu năm xưa ghi lại kỷ niệm của riêng mình.

Từ kho tài sản quý báu này, chuyên mục:“Dòng Nhạc Kỷ Niệm” hình thành.

Chuyên mục “Dòng Nhạc Kỷ Niệm” trên TV&BH sẽ là một công trình dài hạn. Mỗi kỳ chúng tôi sẽ giới thiệu một bài nhạc, với phần phóng ảnh của Bìa Trước, Bìa Sau, hai trang ghi nhạc và lời bên trong. Kèm theo đó sẽ là phần sưu tập audio, tức bài nhạc được hát bởi một ca sĩ. Chúng tôi sẽ cố sưu tập bản nhạc được hát bởi một ca sĩ miền Nam trước 1975 để ý nghĩa bảo tồn được trọn vẹn, dù rằng cũng bản nhạc đó, với phần kỹ thuật, phối âm , phối khí và ca sĩ trẻ hơn thực hiện tại hải ngọai sau này có hay hơn nhiều. Mặt khác, như tên gọi “Dòng Nhạc Kỷ Niệm”, nghe một bản nhạc cũ bằng chính âm thanh cũ của ngày xưa, là sống lại kỷ niệm về một đoạn đời cùng với những niềm vui, những nỗi buồn của riêng mỗi người. Chúng ta nghe nhạc cũ là nghe kỷ niệm, nhờ kỷ niệm, âm thanh bài nhạc ở lại trong hồn lâu hơn, sâu hơn, đằm thắm hơn. Do đó, ở đây không có chỗ cho những thẩm định chủ quan nhạc hay, nhạc dở, nhạc sang, nhạc sến, nhạc nghệ thuật, nhạc thương mại v.v..(T.Vấn: Dòng Nhạc Kỷ Niệm  với Nhạc cũ miền Nam).

Nghe Thêm:

Hoài Nam – 70 Năm Tình Ca (42) – Nhật Trường

Đọc Thêm:

Trần Thiện Thanh và những khúc xuân ca của người lính

(Nguồn: SBTN)

Mỗi khi xuân về, là Miền Nam Việt Nam trước 1975 lại vang lên những ca khúc xuân của Trần Thiện Thanh. Cho đến tận ngày hôm nay, người Việt ở hải ngoại vẫn còn nghe và còn hát; và người trong nước Việt Nam thì cũng tiếp tục say sưa nghe và hát… chui những ca khúc xuân kể lại tâm tình đời lính của người nhạc sĩ lính tài hoa này.

Trần Thiện Thanh cũng được nhắc đến như một trong những “ông vua” của dòng nhạc bolero. Nhiều bài nhạc xuân của ông cũng viết theo tiết điệu bolero. Nhạc bolero Trần Thiện Thanh cũng có những nét rất riêng biệt. Có người nhận xét nhạc bolero Trần Thiện Thanh vừa “mùi” mà vừa “sang”. Cho nên giới bình dân cũng thích, mà giới nghe nhạc “hàn lâm” cũng thích. Bài Đồn Vắng Chiều Xuân là một thí dụ điển hình cho đặc điểm này. Tiết điệu bolero du dương, nhưng lại không quá âu sầu, thật thích hợp để nói lên tâm trạng nhớ nhà của người lính, mỗi khi phải đón xuân xa nhà:

Mùa xuân năm đó anh ra đi

Mùa xuân này nữa anh chưa về

Những hôm vừa xong phiên gác chiều

Ven rừng kín hoa mai vàng

Chợt nhớ tới sắc áo năm nào em đến thăm gác nhỏ…

Giai điệu của Đồn Vắng Chiều Xuân thật đặc biệt, khi ngay câu đầu tiên đã vút lên cao, như để diễn ta niềm nhớ nhung dâng trào của người lính. Lời nhạc vô cùng trữ tình, lãng mạn, với câu hát được nhiều người nhớ vì nét đẹp đầy tính thơ của nó:

Đồn anh đóng ven rừng mai

Nếu mai không nở, anh đâu biết xuân về hay chưa?

Chờ em một cánh thư xuân, nhớ thương gom đầy

Cho chiến sĩ vui miền xa xôi…

Bài nhạc xuân của Trần Thiện Thanh được nhiều người ở mọi lứa tuổi yêu thích nhất có lẽ là bài Đám Cưới Đầu Xuân. Bởi bái hát nói về một mối tình mộng mơ, kéo dài từ thuở bé con cho đến khi tuổi thanh xuân, mà rất nhiều người đã từng trải qua trong đời:

…Rồi một ngày kia em khoe áo mới xanh hơn mây trời

Hai đứa chung vui khi xuân vừa tới thơ ngây cuộc đời

Trò chơi trẻ con em cô dâu mới chưa nghe nặng sầu

Chú rể ngẩn ngơ ra hái hoa cà làm quà cưới cô dâu…

Hẳn là có nhiều người khi còn bé đã từng chơi trò chơi cô dâu chú rể. Nhưng chắc không có bài hát nào nói về kỷ niệm thời ấu thơ mộc mạc này mà lại dễ thương và thơ mộng đến thế!

Nhưng rồi mối tình đó cũng tạm phải chia xa, khi chàng trai theo tiếng gọi của tổ quốc nhập ngũ, để mỗi một mùa xuân lại nhớ đến người yêu từ thời thơ dại:

…Mười mấy năm qua khi hoa vừa hé nhụy

thì đời trai vui chinh chiến

Anh xuôi miền xa bao lần đếm bước xuân qua

Em ơi kỷ niệm xưa anh còn giữ mãi trong lòng

Em biết không em, xuân nay lại trở về,

đường rừng hành quân sương xuống.

Thương sao là thương trong màu tím sắc hoa sim …

Dĩ vãng đâu trôi về nhắc anh ngày thơ…

Một ca khúc xuân nữa nói lên tâm tình của người lính, cũng viết theo điệu bolero của Trần Thiện Thanh, đó là bài Phút Giao Mùa. Có lẽ phải là một người lính như nhạc sĩ Trần Thiện Thanh mới có thể nói lên được tâm sự của người lính ngoài tiền đồn nhớ về người yêu chân thật đến như vậy:

Lại một mùa Xuân nữa đến trong khói lửa chiến tranh

Mùa xuân vẫn xanh, xanh như cuộc tình em với anh

Xuân này anh không về,ngàn câu thề không chắc … em vui,

quà xuân anh chẳng có, gát giặc từng giờ

Đời lính chiến lấy gì gửi về em?…

Cũng giống như bài Đám Cưới Đầu Xuân, người chiến sĩ trong Phút Giao Mùa cũng nhớ lại kỷ niệm thời thơ ấu, với những câu chuyện thần tiên chia xẻ người bạn gái thơ ngây:

…Em anh có nhớ khi ta mơ chuyện tích xưa:

Tiên nương hiện xuống không gian xem hoa rộ khắp nơi

Trăng sao mọc kín đêm khuya cho thiên thần hát ca,

Rồi nhè nhẹ gót hài tiên ca múa trên trần ai.

Nhưng tiên nào thấy đâu dù em chắp tay nguyện cầu.

Trăng sao nào thấy đâu để anh bỗng nghe nặng sầu.

Rồi pháo nổ khai xuân để mình dỗi hờn xa xăm

Khi đường trần dập dìu người đi hái lộc đầu năm…

Giai điệu trầm bổng, tiết điệu du dương. Lời ca vừa mộc mạc vừa thơ mộng. Hình ảnh đôi tình nhân trong đêm giao thừa của Trần Thiện Thanh trong Phút Giao Mùa là một bức tranh tuyệt đẹp của những đôi lứa yêu nhau.

Qua cả ba ca khúc Đồn Vắng Chiều Xuân, Đám Cưới Đầu Xuân, Phút Giao Mùa, nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã ghi lại được tâm hồn đầy thơ mộng của những người lính Cộng Hòa. Những chàng trai cũng có trái tim nồng nàn, cũng yêu thương như bao người khác. Chỉ vì vận mệnh đất nước, họ phải mặc áo lính, cầm súng ra chiến trường để bảo vệ tổ quốc, bảo vệ gia đình, bảo vệ người yêu. Không sặc mùi chủ nghĩa, không khát máu căm thù. Đã có nhiều người tiếc rằng một nền văn hóa nhân bản như vậy đã không thể chiến thắng trong cuộc chiến với một kẻ thù cuồng tín. Nhưng thời gian đã trả lời cho tất cả. Những bản nhạc xuân về người lính vẫn của Trần Thiện Thanh còn vang vọng cả trong nước Việt Nam lẫn hải ngoại, là một bằng chứng hùng hồn rằng Chân-Thiện-Mỹ vẫn luôn chiến thắng trái tim con người.

Cung Mi / SBTN

©T.Vấn 2017

Bài Mới Nhất
Search