T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Ngộ Không: Chuồn chuồn đi đón cơn mưa…

             love BINBIN-2

        Chờ Chuồn Chuồn – Tranh: Thanh Châu

Và ông tặc lưỡi đến bép một cái về thằng bạn ở quê nhà. Ông với nó thường đàm trường viễn kiến qua điện thư, điện thoại để hồ trường, nó lỳ một lam, ông nhờn mép làm một ly. Thằng này hay chữ quá lắm nên có chút danh phận nơi chốn làng văn xóm báo, trong khi ông bắt đầu chuyện viết lách như cái nghiệp dư vào cái tuổi có hơi trễ nải. Vào cái lúc người khác bẻ bút cáo lão về hưu, ông lạc theo bước chân phù du lãng nhân, suốt ngày lực đực với cái bàn gõ và gõ lóc cóc như mõ sớm chuông chiều. Và ông coi đó như cõi ngu lạc trường của riêng mình. Biết vậy mà nó rủ rê ông vào chốn trường văn trận bút thì đùng một cái: Nó leo lên bàn thờ ngồi, rình rình nấp sau bát nhang, nải chuối và thấp thỏm nhòm trộm cút rượu nếp lủi và…con gà khỏa thân.

Bây giờ đang có mặt ở Hà Nội, tháng này là tháng mười một, đâu đó cũng gần giỗ đầu của thằng bạn vừa giã từ cõi tạm về miền viên miễn, ông chắc mẩm trước sau thì cũng nên tìm cách thắp nén hương lòng cho phải đạo cái vạ văn chương. Gần trưa mò ra tận ngoại ô đi tìm cơ ngơi cô em nó, từ chiếc xe thuê ngước mắt lên săm soi cái bảng hiệu hóa ra nhà cô em nó là…cà phê vườn. Ông bấm bụng vừa ghé cà phê Giảng ở phố cổ, lại sắp nốc cà phê nữa đây. Ấy là chưa kể trời đang nhuốm một mầu mờ mờ mịt mịt như sắp có mưa. Chưa chi ông nhủ thầm khi về, nếu mưa thì làm cách nào từ cái hành lang lợp rơm của quán kia mà băng qua cái sân sỏi để ra tới đường.

Nghĩ thì nghĩ vậy, vừa thò đầu vào cửa ông đã bắt gặp anh chàng phục vụ đứng đợi, miệng lúng búng: “Dà, trời sắp mưa”. Thoáng một cái, ghim vào đầu ông: Một là anh phục vụ này có khuôn mặt rất Nam kỳ sáng nắng chiều mưa. Hai là có cái ô mầu đen cuộn lại dựng cạnh tường. Ông cho là trời chưa mưa, vậy thôi. Ông quay qua anh phục vụ gọi tách cà phê và loáy nhoáy một đôi chút về ông, đồng thời ngỏ ý muốn gặp cô em thằng bạn. Và ông nhởn nha bước tới cái bàn ngay cửa sổ cuối quán xá.

Đập vào mắt ông là cái ao ngay sát lề đường mà lúc nãy ông không thấy.

***

Ngồi không, ông thừ người ra đắm chìm với một mảng dĩ vãng nhấp nhô…Quê nhà thấp thóang qua tre trúc, ruộng đồng, mảnh vườn, khói bếp ngoằn ngòeo trên mái rạ. Ông lẩn mẩn từ chuyện phơi rốn để chuồn chuồn cắn rốn, bốn ngày biết bơi là… biết bơi. Sau ông biết bơi…chó thật, thế mới lạ. Thế là từ đấy, ông bì bọp tắm ao làng…Ao rộng lắm, nước trong veo, mặt nước dập dờn bèo tây, bèo ta, rau rót, rau muống. Cứ theo ông bà kể lại thì ban ngày là nơi tắm táp, kín nước về ăn, đêm hôm là nơi trai gái tình tự…Cận tết, cũng bờ ao ấy, dân làng đụng thịt, mổ lợn bên cái cầu ao.

Vẩn vơ chán ông lần mò cái túi xách lôi ra quyển Góp nhăt cát bụi của thiền sư Shaseki-shuu để lên bàn cho có vẻ chữ nghĩa một chút. Số là hồi này ở trong nước đổi mới tư duy với cao trào mang công án Thiền vào quán cà phê, quán nhậu. Vì cần thuyết phục nhau, thì “dùng công án Thiền dễ hiểu hơn nhiều”. Như “Lấy đũa quơ trăng”, “Thiền sư qua sông”, “Quẳng dao giết lợn xuống là thành Phật” cùng “vô minh”, “vô ngôn”, “vô thường”, “vô ngã”, “vô sở đắc”, “vô sở trụ” rất rõ ràng, sáng tỏ. Như hỏi một nhà văn rằng vì sao anh ta cứ mài óc ra mà viết bài cho báo lá cải. Đáp: Phật cũng chỉ là que cứt khô thôi mà! Hỏi tiếp: Sao Phật lại là que cứt khô? Đáp: Anh không biết công án Thiền à? Thế là người hỏi cứng họng. Trao đổi với một nhà phê bình văn học khác: Bài viết này của anh nội dung chả nói được điều gì. Đáp: Nói được cũng bị ba mươi hèo, không nói được cũng bị ba mươi hèo thôi ông ạ. Bèn hỏi tiếp: Ba mươi hèo ở đâu ra thế? Đáp: Thế là ông không đọc công án Thiền rồi!”. Là xong tuốt.

Nhưng vơ vẩn chưa đọc vội, quét mắt ra ngoài ao bất chợt bắt gặp mấy con chuồn chuồn bay là là trên mặt nước. Ông lây lất với giấc hương quan luống mẫn canh dài qua cái tuổi ấu thời ẩn hiện đâu đây…Nếu trời không mưa để tắm chuồng, ông chạy chân trần đuổi bắt chuồn chuồn ngòai vườn. Gặp chú chuồn chuồn kim lột xác chúi đầu trên cụm hoa mười giờ, ông bèn râm ran chuồn chuồn có cánh thì bay, có thằng kẻ trộm bắt mày đi tu…Chẳng khó khăn mấy, chú bị ông rình rình nhón gọn cái đuôi. Nếu nhúm được chú chuồn chuồn ngô hay chuồn chuồn voi, ông nhét vào đít nó khúc que nhang ngắn cũn cho chúng đi…tu luôn. Tiếp, ông hoài đồng vọng tới câu ca dao chuồn chuồn bay thấp thời mưa, bay cao thời nắng, bay vừa thời râm. Cứ theo như các cụ ta xưa nói cấm sai bao giờ ấy là chuồn chuồn đi đón cơn mưa đấy thôi, sẽ có mưa ngay ấy mà. Hoặc giả như trời hâm hâm, thế nào cũng giột giời, ắt hẳn là sắp có mưa tầm tã ngày này qua ngày khác, buồn thui trời thối đất là thế.

Thế là khi không ông…buồn. Đã từ lâu, ông buồn bơ vơ đến chống chếnh. Mưa là buồn, gió cũng buồn, Nắng sáng buồn, nắng chiều càng buồn hơn. Một khuôn mặt, một mái tóc lướt qua hao hao giống người vợ khuất núi đều gợi nỗi buồn nháo nhác nơi ông. Và ông cắm mặt xuống trang sách tụng thiền cho đỡ…buồn. Ông tìm trang luận về niềm vui, nỗi buồn của tha nhân theo quan niệm đạo Phật với thường và vô thường. Lớn tuổi nên mỏi mắt, chợt nhớ tới nắng và mưa vừa nhập vào ông, ông lơ đễnh với mấy con chuồn chuồn đang giang cánh. Ông nghếch mắt ra ngoài ngập nắng, với gió, với khô hanh và khói bụi và khói bụi qua qua lại ào ạt trên đường…

        Cùng đường xá và khói bụi cũng chẳng có niềm vui nào…vui hơn, ông cúi xuống đọc chương vô ngã…Một lúc sau, mây đen kéo đến ì ào, cây cối liêu xiêu. Đang eo sèo với đất trời, chợt có tiếng kẽo kẹt của cánh cửa, ông đảo mắt như rang lạc hướng về cuối quán. Từ cái cửa bước ra là một thiếu phụ có dáng dấp hanh hao nửa đàn bà, nửa con gái. Ừ thì cứ tạm gọi là cô đi cho đỡ u mê, u ám. Cô đang nhỏ to với anh phục vụ đứng cạnh cái quầy ra vẻ chủ quán lắm. Cô hóng mắt về phía ông, mấp máy môi, có lẽ định chào một câu xã giao, bỗng thoáng chút bối rối. Rồi lại quay sang trò chuyện tiếp với anh phục vụ, làm như chẳng có chuyện gì.

***

Ông cũng làm như chẳng có chuyện gì bằng cách moi ở cái túi xách ra quyển Ngày tháng ngao du của Bùi Giáng đã đánh dấu sẵn trang 81 và tính đọc… Vừa lúc cúi xuống, mắt ông vướng víu với đôi chân mịn màng thon dài xuống tận gót đang chậm rãi bước về phía ông. Cô gọn gàng trong chiếc váy ngắn mầu hạt dẻ để lộ đôi chân thong thả. Ông không rời mắt khỏi đôi chân thon mảnh đang thả xuôi theo những bước đi. Tha nhân cho rằng, cũng là cục thịt dư thừa nhô ra của đàn bà con gái được đàn ông con trai soi mói nhất chẳng phải là bộ ngực thây lẩy mà là…cái mông no tròn. Riêng ông, dính liền với cái mông là đôi chân ẩn tàng một nơi chốn hỗn mang. Một người đẹp phải có đôi chân có hồn, có phách đan vào nhau qua những bước đi có âm hưởng, có âm điệu, cấu thành một hợp âm, trưởng thì phải như thế, thứ thì phải như thế và chuyện…cái chân đi guốc “cốp, cốp” bước thảnh thơi vào đầu ông là vậy đấy.

Để tránh cái hệ lụy với những bước chân tha hóa, đen tối chui vào đầu. Ông tảng lờ bằng cách cắm cúi vật lộn với đoạn văn của Bùi Giáng cũng chẳng sáng sủa gì hơn: “Bay lơ lửng loanh quanh, ấy là con chuồn chuồn. Bay mà cũng như không bay, ấy là con chuồn chuồn. Khiến người ta nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì, ấy là con chuồn chuồn. Hiện diện gần gũi mà xa vắng như trong lớp mù sương, ấy là con chuồn chuồn. Vô khả vô bất khả, ấy là con chuồn chuồn. Mang vô lượng a tăng tì kiếp về trong mỗi sát na, ấy là con chuồn chuồn. Có tức là không, không tức là có, có tức là…có-chẳng-có, không tức là…không-chẳng-không, ấy là con chuồn chuồn”.

Bất giác ngước mắt lên khỏang không, trời hom hom, mây đùn lên ngang ngang một mầu xám chì tẻ ngắt, đất trời trùng hẳn xuống, gió thổi mây xoắn tít. Mưa bắt đầu xập xoài, mưa chớp nhùng nhoằng. Mưa lộp bộp lên lá chuối tươi tớp. Những hạt mưa rơi bung lên những chiếc bong bóng vừa hình thành đã vỡ tan trên mặt ao, mặt đường, một số giạt sang hai bên cuốn trôi theo dòng nước. Bụng dạ ông cũng xoắn xúyt những nỗi lềnh bềnh như đang bơi trong một ngày trống vắng.

Bong bóng mưa khiến ông nghĩ đến đời người, đến số phận, đến những mong manh, những tạm thời. Mưa cứ giăng màn màn khiến ông tong tả với bao năm rồi, nhiều lần, trong giấc mơ ông gặp một người đàn bà không rõ nét. Lần nào người đàn bà ấy cũng nhìn ông làm như có chuyện gì muốn nói rồi tan biến vào màn đêm. Và ông cứ chờ đợi người đàn bà ấy, và chờ đợi một cái gì đó nhưng chỉ thấy hẫng hụt. Mà nếu có, chỉ là cảm giác tò he tẻ nhạt, cảm giác bong bóng không sắc, không vị không mùi như đang ở ngòai kia. Nó hiện diện gần gũi mà xa vắng, khiến ông …nhớ nhung mà chẳng rõ nhớ nhung cái gì !

Cô đến gần ông hơn, ngắm mưa vậy đấy, nhưng mắt ông từ chân bò lên và đậu lên người cô. Và ông nhận ra ngay: Ngoài cô…có dáng dấp nửa đàn bà, nửa con gái thì chẳng có gì rõ nét, như đẹp hoặc xấu, trắng hay đen. Mà trái lại chính vì chẳng có nét gì rõ nét, như bong bóng không sắc không vị, không mùi. Khiến ông hình tượng đến con tò he vô hình, vô tướng đi cạnh bờ ao, vào lúc trời mưa và dưới ao phập phồng những chiếc bong bóng.

Gần hơn nữa, bây giờ ông mới dòm thấy đôi mắt lúng liếng. Ông chợt nhớ ra thằng bạn quá vãng của ông thổ ngơi Bắc Ninh. Hà! Với đôi mắt có đuôi thì còn ai trồng khoai đất này, chém chết cô đây ắt hẳn là cô em gái nó. Cô…có dáng dấp nửa đàn bà nửa con gái đến cạnh bàn, miệng nở hoa, lắc lắc cái đầu hỏi:

– Xin lỗi, ông anh đây là…

– Là bạn thằng Xẻng, thưa…

– Bạn anh Xẻng thì ông anh cho chồng em hay hồi nãy rồi. Em muốn hỏi tên cơ?

– Tôi tên Hùng,…Phí Ngọc Hùng.

Bất thình lình cô gào toáng lên:

– Ối giời ơi ! Anh Hùng “xi-líp” hở.

Và cười toét:

– Anh Xẻng em nhắc anh…“xi-líp” mãi. Gớm chửa! Bây giờ mới thấy mặt!

– …

Thế là cô kéo ghế ngồi xuống ngay trước mặt ông. Cô đúng là mắn chuyện, và tiếp đến là tâm sự, tâm tư được tháo ống cống xả ra. Cô vừa ngúc ngắc cái đầu vừa dĩu dĩu môi, cô lắc lắc cái đầu, tóc phất phơ bay. Cô lại nói bằng mắt, khóe mắt lúng liếng chung chiêng. Và cái cười thia lia trên mặt ao vì có làn sóng lao xao như cá đâu đớp động dưới chân bèo như hớp hồn ông. Mặc dù chuyện cũng chỉ bâng quơ, bâng khuâng xa gần. Xa với quê hương thứ hai của ông, ngã tư nào cũng có đèn xanh đèn đỏ, có cây xăng, có nhà thờ. Gần với thằng anh của cô. Cô thao tác rằng cô chịu đèn ông ở cái khoản nhìn rõ ra mảnh đời thằng anh cô bình dị đến bình thản. Bình bình cho đến lúc tay bắt chuồn chuồn chẳng có cuộc tình nào ra hồn để vắt vai.

Cô chẻ hoe trắng phớ:

– Nòi nhà em đấy, anh giai.

Và có thể vì vậy cô và ông gần gũi hơn. Nhưng nhì nhằng được nhăm câu nào có ra chuyện, vì vậy cả hai hóng ra ngoài trời và cũng không ngoài chuyện đi nắng về mưa. Rõ ra là mưa bóng mây, mưa đấy tạnh ngay đấy, bầu trời thoắt đổi thành mầu hoa mướp, hoa bí mênh mang. Chuồn chuồn vỡ tổ đổ ra. Ông ngước mặt lên khoảng không thấy mấy cặp chuồn chuồn đang…”cõng” nhau, bấu đuôi vào nhau mà… mà…

Vừa lúc anh phục vụ kiêm chồng cô mang cà phê ra. Mặt bè ra như bánh xe bị xẹp lốp và chèn ngang một câu trống không: “Dà, trời hết mưa” với giọng Nam kỳ rồi lững thững quay vào. Bắt gặp mắt ông tròn dấu hỏi, vừa điều chỉnh cái phin cà phê nhỏ giọt chậm lại, cô vừa cơm cớm:

– Con cháu tập kết đấy. Nhưng cùn lắm ông anh.

Mặt cô hâm hâm, miệng cô lừ rừ:

– Đúng là cái nợ đồng lần, em nói điêu, ông anh cứ vả vào mặt em.

Đầu óc bời bời rối nên không để ý đến câu nói ấy. Trong cái đầu củ chuối của ông cứ bị ám ảnh với chuồn chuồn đi đón cơn mưa vừa rồi, ông lẫm đẫm với cô:

– Lần đầu tiên tôi thấy chuồn chuồn đi đón cơn mưa nhiều đến như vậy.

– Giống như lễ hội. Bình thường thôi.

Được thể ông bày vẽ chữ nghĩa:

– Lễ hội là giao hòa, giữa trời và đất, giữa cỏ cây và muôn loài, giữa người và người, giữa nam và nữ. Ông bà mình vẫn thường nói ngày xưa trai gái đi xem lễ hội, tuồng chèo là để chim chuột nhau, sờ soạng nhau.

Đôi mắt lúng liếng lườm ông:

– Ông anh ăn nói hay nhỉ! Chỉ ngoéo chuyện ấy cho bằng được. Chuyện không bình thường đây!

Miệng ông tắt ứ, mắt ông ve ve ra ngoài song cửa, chuồn chuồn vỡ tổ ở đâu ra bay khắp mặt ao. Chúng bay lượn, nhào lên, lộn xuống, con đực, con cái cong mình nối đuôi nhau giao hoan nhau trên không trung, có đôi là là sát xuống mặt nước. Xong, chúng rời nhau, con này bay tà tà, con kia đậu ở cái cột hàng rào

Cô cũng nhong nhóng mắt theo… Đột nhiên quay lại ngầy ngật với ông:

– Em không phải là con chuồn chuồn, xong chuyện là đậu cọc rào mà ngủ, em cần một cái tổ hẳn hoi.

Nghe lỗm bỗm chưa kịp hiểu ngô khoai gì, cô đã ngoặt ngoẹo:

– Ba ngày nữa em đóng cửa hàng, buổi chiều anh lại đây em làm bún chả Hà Nội anh xơi. Em nói chồng em lánh mặt để hỏi anh một chuyện….

Giời ạ! Cái đầu ông cứ rối tinh rối mù lên…

***

Về khách sạn, ông củm nủm cùm nụm chẳng hiểu chuyện gì thế này hả giời? Dám cô mắng vốn ông chuyện “chim chuột nhau, sờ soạng nhau” ở chốn tôn nghiêm lắm đây. Nhưng mồm miệng ông cứ nhóp nhép với… bún chả Hà Nội thì chạy trời không khỏi nắng, mà trời không nắng trốn làm gì cho hoài của.

Thế là ông đến. Tới nơi đã thấy cô ngồi đợi ở cái bàn hôm nào bên cạnh cửa sổ, trên bàn đã có tách cà phê đợi sẵn. Vừa ngồi xuống trước mặt cô, ngoài kia gió hiu hiu lạnh, ông cứ óc ách với cô mặc cái áo phong phanh, tiết kiệm vải vóc đến như vậy nhỡ ốm thì làm sao thì…thì vừa lúc cô nhoài người lấy cái phích chế nước nóng vào cái phin. Mảng áo ngực có hơi thảnh thơi, trễ tràng, có hơi thoáng đãng, mát mẻ. Mắt ông quán chiếu vào nghiệp chướng sở cuồng và va vào mặt ông là hai, ba cái nốt ruồi son lẩn khuất giữa khe rãnh trắng như rau cần trông cứ rối cả mắt.

Đợi ông nhấp ngụm cà phê, cô vào chuyện là cô muốn…ly dị chồng. Cứ theo cô kể lể thì cô gặp anh ta từ cái tuổi mới lớn, yêu rồi lấy. Lấy rồi thấy chả làm sao cả nên chuyện vợ chồng đâm ra…chả ra làm sao. Cứ như bị giời đày vậy! Lúc này đây hai vợ chồng cô ly thân, mỗi người một phòng với hồn ai nấy giữ. Chuyện râm ran giữa cô và ông chỉ có thế. Thế nhưng ông thấy lạ. Lạ chẳng phải là chuyện của cô mà chuyện người tình cũ một thời một thưở của ông và cô là “âm bản” của nhau. Số là ông có người tình cũng cùng tên với cô, chỉ khác thay vì rước anh người Nam thì nhè anh người Trung. Rồi cả hai, hiểu theo nghĩa là cô và người tình cũ của ông, cả hai mảnh đời cứ nhạt nhẽo dần theo năm tháng chuyện đàn ông với đàn bà như canh bí chiều đông rồi một sớm một chiều đều bị lãnh cảm.

Bỗng có một cơn gió thốc vào quán xá, cánh cửa quán he hé mở ra…Ông muốn hé mở với cô chuyện trâu ta ăn cỏ đồng ta, đồng ta hết cỏ ăn ra đồng người… của chính ông. Theo cơn gió lùa, theo cánh cửa đong đưa, ông đẩy đưa với cô về người tình cũ với trước là…bạn văn, sau là…bạn tình. Những chuyện từ lâu ông nhốt vào ký ức, nay ông nhấm nháp từng mẩu một với cô là qua một bài viết rồi quen nhau. Người tình chữ nghĩa đã có chồng, rất nhạy cảm trước mọi hoàn cảnh và mơ mộng trong tình yêu đã âm ỉ với ông: “Có khi chung thủy chỉ là một cố gắng tuyệt vọng”. Người tình chữ nghĩa là một người đàn bà có tâm hồn và biết…ngoại tình nên rù rì với ông: “Ngoại tình là yêu một lần nữa mà không cần phải cố gắng“. Rồi ậm ừ với ông: “Nếu gian díu với đàn ông có vợ là tội lỗi thì đó là một thứ tội lỗi rất quyến rũ”. Sau vài năm mặn nồng, vào một ngày không mưa thì nắng, cũng không cần cố gắng lắm, người tình bỏ đi, để ông nhôm nhoang trong hoang lạnh qua mấy mùa thu chết cho đến lúc này đây ông gặp cô nơi quán vắng bên đường.

Chiều về trống vắng đến hanh hao, ông đăm đăm nhìn vào mắt cô và ông có lẫn đẫn về ông hay cô cũng vậy thôi: Ngày ấy ông cũng bằng tuổi cô bây giờ, nếu không níu kéo ngày trời tháng Bụt sao cho ngắn lại, thời gian được thể trôi nhanh theo. Ngày tháng cứ trôi đi, trôi đi mãi tới một nơi…vô sở đắc, vô sở trụ. Cô hay ông cứ đi, đi mãi mà chẳng biết mình đi đâu! Tìm gì giữa dòng đời xôn xao xuôi ngược trong buổi tan tầm hay trong phiên chợ chiều? Tìm hoài chỉ thấy lạc lõng ngay giữa lòng phố thị nhộn nhịp ngựa xe như mắc cửi. Vừa động vừa tĩnh. Cô hay ông như con ruồi sa lưới nhện, giãy giụa mãi chỉ thêm rối rắm. Thế nên lăn tăn làm gì cho mệt, phải dền dứ chứ, nếu không có mà toi. Chứ nếu cô có xoay xỏa với quãng đời còn lại với đường ai nấy đi, rồi cô đi lại lối mòn xưa cũ rồi tậm tịt cả đời. Cô hãy tìm cho mình một lối riêng, rất riêng, ngay trong cái chung. Tưởng lặng mà rất động, ấy là thiền quán. Dựa vào cửa thiền môn, ông ới Bùi Giáng ra dẫn chứng: “Có tức là…có-chẳng-có, không tức là…không-chẳng-không: Ấy là con chuồn chuồn”.

Hay nói khác đi không-chẳng-không và có-chẳng-có: Ấy là…ngoại tình.

Ông mở, đóng thêm ngoại tình là cái thú đau thương, rang rức, ngứa ngáy và nhức nhối nào có khác gì bệnh…giời bò.

Nghe thoáng đãng xong, cô cám cảnh trong một trời hoang vắng:

– Lạy Chúa tôi! Mà em đâu có ai.

Ông đưa cô vào hạ:

– Trước sau gì cũng gặp.

Ông kể lể với cô những giấc mơ của ông về một người đàn bà, thỉnh thoảng có mặt với ông vào những khi nửa đêm về sáng. Cô góp chuyện rằng cô cũng vậy, đã bao đêm rồi, nhiều lần, trong giấc mơ cô gặp một người đàn ông đến rồi đi. Hoang vắng giữa chiều hôm, chồm qua bàn một chút, ông chăm chút nắm tay cô. Ấp ủ trong bàn tay, ông rù rì: Vậy thì đừng chùn chân không muốn bước, vẫn phải tiếp tục đi nữa, đi cho đến khi hóa thân thành cát bụi. Tay ông ve vuốt tay cô. Ông bắt gặp mắt cô mở to, mặt cô ngỡ ngàng. Ông tiếp tục với nỗi trăn trở khôn nguôi của cô nhỏ bé và hữu hạn, trong khi tình yêu lại quá mênh mang, vô hạn. Ông quấy quấy quả với cô hãy để hồn đi hoang về một nơi chốn chỉ có…cái giường. Nếu ông nhớ không lầm nhà văn Hery Miller đã cho rằng: “Cái giường không phải để ngủ. Mà là để nói chuyện. Vì ở trên giường, người ta dễ thành thật với nhau nhất”. Hai bàn tay vẫn đan vào nhau. Ông cảm nhận trong cô có những xao lòng, yếu đuối, những nao núng, hoang mang.

Nói xong, ông vẫn thấy mặt cô còn ngỡ ngàng, mắt cô còn mở to…

Cô đứng dậy cáo lỗi vào nhà có chút chuyện. Chiều, quán không có khách, ông đang thu mình mong đợi một cơn mưa bất chợt để được nghe tiếng mưa rời tí tách như hôm nào. Đúng lúc có tiếng nhạc từ trong quán vọng ra, hóa ra cô mở nhạc:

Bao nhiêu năm rồi còn mãi ra đi

       Đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt

       Trên hai vai ta đôi vầng nhật nguyệt

       Rọi suốt trăm năm một cõi đi vê

Dòng nhạc đưa ông vào cõi vắng với đời người là quãng đường vừa dài vừa ngắn, cứ miệt mài đi theo thời gian để kiếm tìm điều mình khát vọng. Tìm, tìm hoài, tìm mãi. Và chợt một ngày tóc trắng như vôi. Bừng giấc đời. Ông bỗng thấy mình chưa tìm được gì ngay cả chính mình.

Cái đầu ông vừa thả rong đến đây, cũng vừa lúc cô bước ra. Cô để rơi nụ cười chúm chím lên môi ông khi cô nhẹ nhàng đặt hộp bơ “bretel” lên bàn và ngồi sát cạnh ông. Và nghiêng nghiêng dựa vào người ông. Chiều tối lọ mặt người, ông lại thầm mưa rơi, có lẽ ông chưa gặp được mưa nên cảm thấy trống trải. Quán xá vẫn chưa đỏ đèn. Thoáng như có tiếng ễnh ương, chẫu chuộc ì ọp đâu đây mời gọi. Tiếng ì ọp như tiếng chuông tỉnh thức…Theo quán tính ông ôm cô. Môi ông dính vào môi cô ẩm ướt…Tay ông xoa nhè nhẹ lên bờ ngực. Những ngón tay ông đang len lén tìm về một bờ mê bến ngộ. Mặt cô như lá chuối hơ lửa. Bàn tay ông len lỏi vào trong khoảng áo hững hờ, và buông thả của cô.

Mặt cô đờ đẫn. Và nhắm mắt lại…

Dòng nhạc Một cõi đi về đã dứt mà mưa còn ray rứt chưa tạnh trong ông. Cô rên nhè nhẹ. Chiều lên cao, gần chạm vào mặt đêm. Nước ao mà vỗ lên bờ là cùng quanh quất bên bờ ao, con trên trời con dưới đất thì khác với chuồn chuồn…Ễnh ương, chẫu chuộc gọi nhau để động tình là trời sắp mưa. Bỗng khi không ông động đậy đến một công án nào đó, ấy là Vô môn quan mà ông ăn sổi ở thì là “Thiền không có cửa”. Một người như ông muốn đi qua “cửa không” phải làm gì bây giờ…Thế là tay ông lạc theo nẻo đường trần của phù du lãng nhân và lần mò tới chốn…không. Ông đã tìm được cõi hư vô, vô thường có những xào xạc ở một nơi chốn hỗn mang dầy ắp u u minh minh. Và ông coi chốn vô cùng, vô ngã đó như cõi ngu lạc trường của riêng mình.

“Đại đạo không có cổng – Ngàn lối đi vào nó – Khi ai đi qua được cổng không cửa này – Thì thong dong giữa đất trời.”. Thong dong với trời đất đâu chẳng thấy vì ông đang cỏ hoa lạc lối đây, vậy mà trời vẫn chưa mưa…

***

– Em…

– Dạ…

Trong cõi vô cùng, vô ngã, một chiều trên bên nước, đúng ra là trong quán xá, ông đã ngã vào tay cô. Ông học theo cô, ông trộm cho là chuyện…bình thường thôi.

– Khiếp! Ngượng chết đi được!

Có tiếng cười rinh rích như chuột rúc trong cót thóc…

– Này này…Nỡm vừa chứ, cái tay bậy bạ.

Tiếng rúc rích tịt mít.

– Mở miệng ra cho anh hôn tí…

– Ư…ư…Nghẹt thở em! Ư…ư…

Là bạn văn chương của anh cô, ông hành ngôn hành tỏi rất ư hàn lâm:

– Anh hôn em bằng cái hôn của hàng nghìn năm văn học đấy chứ.

– Xời ạ! Em chỉ nghe mùi thuốc lá!

Có tiếng trở mình…

– Môi em mềm thật.

– Chứ còn gì nữa, môi xịn đấy.

Tiếng cười tắt lịm, chỉ còn tiếng ư hử:

– Tại sao hôn lại phải nhắm mắt, hở anh.

– …

Vô ngôn, vô thanh là tiếng thở đứt quãng, lẫn với tiếng hừ…hừ…âm ỉ.

Đêm mỏng tang, nằm trên giường, lúc này ông mới săm sắm ngắm thân thể cô kỹ hơn. Cô không có dáng đẹp một cách…điêu đứng, nhưng mình mẩy đầy…ứ hự. Cô là một thứ trái cấm nở muộn, nó chín vào cuối mùa, cuối mùa lãng mạn. Của những mệnh phụ, của những tà dương. Ông lâm râm hai câu thơ của Lý Thương Ân: “Tịch dương vô hạn hảo – Chỉ thị cận hoàng hôn”, cô háy mắt cười rằng ông chỉ rách chuyện. Đảo qua tít lại, cô hỏi ông tại sao lại…“phải lòng” và “”tương tư” cô?

Hiểu theo chữ nghĩa bây giờ là…“iu”. Chẳng nhẽ nói ông “iu” cô như khỉ yêu cây, như chày yêu cối, đại thể là như vậy. Hay vì đôi môi cô trông ngọt như nước mắm nhĩ, hoặc giả như ông cảm khái rằng cô đẹp hong hanh như miếng mỡ gầu. Nên ông đành phải nói thật vì rằng da thịt cô có…mùi bơ. Nó ngầy ngậy béo như bơ bretel, lại hơi khét khét như mùi tóc cháy, mùi cháy của thịt nướng Hà Nội. Hơi mang vẻ hoang dại, hoang dã đồng bái quê mùa khiến nó mê hoặc ông, làm ông yêu cô…thậm tệ. Cô ôm chặt lấy ông thủ thỉ vì đúng Bắc kỳ đặc có khác, khác hẳn anh chồng Nam kỳ của cô.

Và chuyện…không bình thường là vừa lúc anh chồng đi đâu về gõ cửa.

Mặt tỉnh rụi, cô nói chõ ra:

– Sơn có cần gì không. Hôm nay có sôi chè giỗ anh Xẻng đấy.

Cô thì thầm vào tai ông:

– Anh đừng…”cà cuống”, chúng em đã thỏa thuận như em đã nói với anh rồi. Nắng không ưa, mưa không chịu, nhưng không ai được xâm phạm đời tư của nhau!.

Và tiếp:

– Lạ là em chỉ gọi chồng em bằng tên. Chưa bao giờ gọi bằng anh như…anh.

Lại có tiếng cạch cạch:

– Tui muốn hỏi bây giờ là mấy giờ rồi.

– Hở? Đừng giở hơi. Đừng có chộ nhau nhá! Bộ có lệnh giới nghiêm hả.

– Không! Nhưng tui không thích mang khách vào nhà, không có hộ khẩu.

– Ra thế đấy, thế thì Sơn khỏi lo. Anh ấy không ngủ ở lại đây đâu. Đừng có bắt chẹt nhau nhá, cứ việc đi báo công an hộ khẩu.

– Nhưng nói chuyện khe khẽ chứ, cho người khác ngủ.

– Là gi mà hoắng lên thế, chuyện nhỏ như con thỏ! Cám ơn.

Và mắt cười tít với ông:

– Nói nhỏ thôi nhá…Mà tốt nhất là không nói gì…Cần gì phải nói, phải không anh.

Tiếp đến, ông mụ người, nồng nhiệt trong âu yếm. Sau đấy cũng không quên hỏi trái nắng trở trời gì cô lại “cảm” ông. Cô cười ron rón:

– Đàn ông phải như anh cơ…

– Như anh là làm sao?

– Trông mặt tin tưởng được, hiểu biết, nhưng anh hơi khô! Mà em thích thế…

Rôi chả hiểu sao mặt cô chùng xuống và vẽo vọt:

– Anh giai xá cho nhá. Nói thật đây có hơi buồn vì anh giai có hơi…già tí đấy.

Nói cho ngay, ông có hơi…buồn thật. Nỗi buồn thân quen lại váng vất trở về. Mưa là thấy buồn, nắng lại càng buồn hơn. Chả là từ những ngày tập tành làm người lớn với một đồng ba điếu Ruby, húp cà phê đĩa “xây chừng”, “xây nại”, ông cứ mông lung với ý tưởng lớn lên rồi ra sao? Ông ước ao chóng lớn để biết yêu là gì? Nhưng nhằm vào cái tuổi 20, ông phảng phất thấy mình…già như đã 30. Đến năm 40, ông ngạc nhiên thấy mình già rồi sao? Hiểu theo nghĩa là ông chưa muốn già. Sinh nhật 50, ông u uẩn vị mặn của thời gian với mình chưa già nhưng đã lớn tuổi.

Năm ông 60, những biến đổi của tâm tính làm ông ngại ngùng, đằm hơn, không sốc nổi như cái tuổi hoa niên. Nhưng ngớ ngẩn nhất là khi không biết cái chìa khóa xe để đâu. Và một ngày nào đó, đến cái tuổi 70 thì ông oằn người chẳng dám nghĩ tới…cái tuổi tan hoang. Già rồi, cũ kỹ rồi, ông trở thành cổ kính. Thế nên ông chẳng dại gì chui đầu vào cái thòng lọng những chuyện tình ảo đang mọc như nấm sau cơn mưa…

Ông chờ đợi cái tuổi 60 như khi ông chờ đợi cái tuổi 30, 40, 50. Ông hóa sinh, hóa ngộ tuổi 60 chỉ là rạng đông của tuổi già, ông hoang tưởng mình còn trẻ. Ông chỉ là người mới…nhập cuộc, mới…dấn thân. Có thể ông đang ở tuổi chớm xế chiều. Nhưng không khác gì lắm lúc ông ở cái tuổi 20. Lòng dạ ông cứ dàn dạt  thắt lại lúc đó sao thì bây giờ ông vẫn vậy, ông không còn trẻ nữa mà chỉ già hơn một tí chút thôi.

Ấy vậy mà tình sau cơn mưa cuối mùa láo nháo đến với ông…Ông lêu bêu rằng người ta đến với nhau vì hụt hẫng, thiếu vắng, để ông ngúc ngắc với Lưu Nguyễn nhập thiên thai. Cân đo đong đếm với thời gian được thể ngủng ngoẳng co quắp lại. Tuổi tác cứ lững thững trôi đi, trôi đi mãi tới một nơi…vô sở đắc, vô sở trụ. Để níu kéo ông…nhập cuộc, ông bám víu bằng cách…dấn thân với cô thêm một lần nữa.

Ông tan trọn vẹn vào cô, vào đêm giữa ban ngày. Ông đang chơi vơi…trong căn phòng nhá nhem tối, như mầu hoa mướp, hoa bí trễ tràng rười rượi. Ông đang như…Từ Thức lạc nẻo đường trần đây…

***

Nằm ở dưới, ôm ông, cô chao chát:

– Rõ dơ! Anh lúc nào cũng ngéo em vào chuyện ấy. Mệt muốn chết!

Khi không cô cắc củm hỏi ông:

– Tại sao gọi là con chuồn chuồn?

– Có thể mây mưa xong, mỗi con…”chuồn” đi một ngả. Con đậu cọc rào, con đậu bụi cây mà ngủ…rồi lại đợi cơn mưa sau.

– Thành ngữ “Đi tìm tổ con chuồn chuồn” là thế ư sao anh?

– Đúng vậy, chúng không có tổ, không có đôi.

– Chả nhẽ anh với em lại giống hai con chuồn chuồn!

Ông nhẩn nha nói:

– Không, anh và em sẽ là một đôi và sẽ có tổ.

Cô vít đầu ông xuống và hôn ông. Rồi cô thở ra:

– Nặng quá rồi. Thôi anh xuống đi…

Cả hai ngửa mặt nhìn trần nhà một hồi lâu. Ông bắt gặp con thạch sùng bò ngược trên trần nhà. Màu da nó ngà ngà tiệp màu vôi. Nó đuổi theo một con thạch sùng khác đang chạy dọc theo chiếc đèn nê-ông dài ở góc tường. Chiếc đèn nê-ông lâu ngày cũ kỹ, hom hem, nên chớp, tắt, rồi chớp, lập lòe như con đom đóm. Ông dọ dẫm:

– Em không yêu anh nữa sao?

– Phải gió phải giây gì đâu! Yêu đứt đi chứ lị.

Rồi cô chun mũi, âm âm:

– Úi giào! Yêu nhưng mà chán. Chán bỏ sừ đi ấy.

Vẫn lối nói chuyện lửng xửng, cô nhíu mày ú tìm:

– Khi nào em không yêu anh nữa, em sẽ nói với anh. Em vẫn yêu anh…

Cả hai vẫn nói chuyện với cái trần nhà. Im tăm tắp. Bất động. Con thạch sùng bò xuống đến mép tường thì dừng lại. Hai con mắt nó, hai chấm đen, nhìn xuống chiếc giường có hai thân thể. Cái đầu ông lâm râm: “Lạ lắm sao mà nhìn?”. Như hiểu được tâm viên ý mã ông, nó bò ngược lên trần, đuổi theo con thạch sùng cái.

Mắt không rời con thạch sùng, miệng ông hỏi:

– Là sao? Khó hiểu vậy?

– Có lẽ không phải vậy. Em yêu anh, như bất cứ một người đàn bà yêu một người đàn ông. Muốn sở hữu. Muốn chỉ là của mình. Nhưng đó là chưa gặp anh. Nay tưởng tượng những lúc xa, thật xa anh. Tưởng tượng nếu không có anh lúc này lúc nọ…

Ngừng lại một chút, cô đắng đót:

– Khi gặp anh, em thấy gần gũi như một ông anh. Em gần anh, như anh trai của em. Khi anh trở về, bởi vì, ngoài anh ra, em đâu còn nơi nào để mà trở về. Như con chuồn chuồn không có tổ vậy.

Con thạch sùng đi đâu mất. Chúng vừa làm xong chuyện giữa con đực và con cái. Thoải mái. Ông ước kiếp sau làm con thạch sùng. Cô vẫn độc thoại với cái trần nhà:

– Sống với em, rồi anh cũng sẽ khổ. Và em cũng chẳng sung sướng gì. Giá chúng mình cứ yêu nhau mãi như thế này nhỉ. Mà em thích thế. Đừng ràng buộc. Em sợ những thứ ấy lắm!

– Nhưng anh và em, sao sống mãi như thế này được.

– Ấy đấy, nó khổ thế đấy. Em yêu anh, nhưng không muốn lấy anh.

Cứ như ăn khoai môn ngứa miệng, ông cám cảnh:

– Em không yêu anh nữa sao? Nói đi.

– Em đã nói rồi. Khi nào em không yêu anh nữa, em sẽ nói với anh…

Ông lụng bụng:

– Có nghĩa là…

– Em không thể nói được! Vì em không hiểu em nghĩ gì? Chỉ biết rằng nó như thế. Nó chỉ là linh cảm. Anh đừng bắt em phải giải thích, vì em phải nghĩ ngợi. Mệt lắm!

Tay cô tìm tay ông và nắm chặt:

– Bây giờ em đuối sức lắm rồi.

Cô quay sang ông, ôm chặt và hôn ông. Cô ôm riết lấy ông như sợ mất mát, thiếu vắng. Mắt cô ngời ngời, giọng thì thầm:

– Em cho anh…Em chỉ cho mình anh thôi…

Chợt có tiếng mưa rơi lộp bộp, đứt quãng trên mái nhà…Thoáng như có dòng nhạc Giọt mưa trên đá bồng bềnh giữa khỏang không. Chiếc đèn nê-ông khi chớp khi tắt hòa nhịp với tiếng mưa rơi rải rác lộp bộp dẫn đưa âm vọng, âm hưởng dòng nhạc chui vào ngõ ngách trong ông, trong trống vắng ta chạy vòng vòng, ta chạy mòn hơi, nào có hay đời cạn, nào có hay cạn đời…

Ông vẫn nhìn cái trần nhà…

***

Sáng ông dậy trễ, cô còn đang trong giấc nồng. Ra đến phòng ngoài, đến cái bàn cạnh cửa sổ có sẵn tách cà phê nhưng không có bơ “bretel”. Anh phục vụ đang sắm nắm chế nước sôi vào cái phin. Thấy ông, anh nắc nỏm: “Dà, trời đang mưa”.

Nhấp ngụm cà phê nhạt hoen hóet như nước lã ao bèo, nghếch ra ngoài trời đang mưa. Ông lơ đãng dòm một đôi trai gái đứng khít khìn khịt sát nhau đụt mưa dưới gốc cây bỗng bỏ đi, họ lên xe đèo nhau phóng thẳng. Ông tự hỏi trời đang tầm tã như vậy sao lại phải dầm mưa như thế? Đường vẫn vắng lặng, thỉnh thoảng có chiếc xe ô-tô vụt qua, hoặc một vài xe gắn máy, người ngồi xe áo mưa trùm kín. Những chiếc bong bóng vẫn đang trôi và đang vỡ. Ngớt mưa. Thay vì những chiếc bong bóng, lúc này lòng đường rối mù xe cộ, đông như nêm cối, dòng xe, dòng người xuôi ngược trên đường hối hả như để bù lại thời gian trú mưa đã mất.

Thì cũng như ông đang trú mưa ở đây, trong khi chờ đợi xe đến đón, lật dở trang 82 kinh thư Bùi Giáng và ông lâm râm tụng: “Tôi gạ gẫm con chuồn chuồn, đem phó thác thân xác trần gian của tôi cho con chuồn chuồn trên hai cánh mỏng bay đi rồi trở về đồng ruộng làm mục tử chăn trâu. Con trâu chạy lạc. Tôi chạy về bẩm báo với ni cô cho phép con chuồn chuồn của tôi cư lưu một thời gian. Ni cô đuổi tôi. Thì tôi ra bờ ao nằm ngủ giữa chiêm bao. Chiêm bao lãng đãng…”.

Ông lễnh đễnh đọc chương vô ngã của thiền sư Shaseki-shuu. Đến đâu rồi nhỉ? Ông bỏ qua một đoạn và mầy mò tiếp: “Vô ngã không có nghĩa là không có cái Ta. Nhưng là cái Ta biến đổi, không ngừng biến đổi và không còn Ta nữa. Chuyện hợp tan, tan hợp, tình cảm, tình yêu buồn vui của con người cũng như bong bóng trên mặt nước nổi trôi”. Mắt ông rời trang sách thả rong từng hạt mưa còn rơi rớt, từng bọt nước bong bóng đang vật vờ trên mặt ao. Ông không phân biệt được cái nào vừa hiện diện gần gũi đã tan biến xa vắng ngay trong sương sớm. Ông tự hỏi có bọt nước bong bóng nào giống chiếc nào? Mải mê vướng mắt theo từng đoạn luân hồi của những cái bong bóng nước. Ông thầm cho là ông và cô chỉ là bọt nước bong bóng như nhau thôi. Mưa tạnh hẳn. Chuồn chuồn vỡ tổ đổ ra. Mưa phẩy qua mùa, nhãng một chốc nắng hừng lên…Có hai con cõng nhau, bấu đuôi vào nhau mà hớp nắng, bốn cánh mỏng xanh xám thẳng căng. Xong chuyện, cả hai con cùng bay đi về một ngả…Vừa lúc xe tới đón. Nhìn quanh không thấy anh phục vụ. Ông đi qua cửa và thấy cái ô đen mở ra để chỏng chơ ở hành lang. Ông tặc lưỡi thầm nhủ là trời vừa tạnh mưa ấy mà.

Men theo hành lang lợp rơm của quán và bước xuống sân sỏi. Trời xanh nao lòng, nắng vàng cũng ngẩn ngơ. Từng bước một thật chậm, ông muốn níu kéo ngày trời tháng Bụt sao cho ngắn lại. Ông cảm thấy những viên sỏi lăn mòn theo những bước chân. Đám mây trắng khật khừ mãi mới đi qua được bên kia đường. Qua bụi cây, bắt gặp hai con chuồn chuồn cánh mỏng xanh xám đang ngủ để đợi cơn mưa sau…Ông chùn chân không muốn bước vì hai con chuồn chuồn vẫn chưa có tổ. Ông vẫn tiếp tục đi, đi nữa. Cái cột hàng rào bên bờ ao đứng bất động chơ vơ, im tăm tắp.

Mặt trời rúc vào mây, ông đi tít mít, đi cho đến một ngày hóa thân làm cát bụi.

Đang đi ông lềnh bềnh nhơ nhớ một cái gì đấy, thiêu thiếu một cái gì đó…Đầu ông rỗng rễnh chẳng hiểu cớ sự gì cái túi xách lại nhẹ hẫng…Ông hong hanh nhớ ra để quên trên bàn quyển Góp nhăt cát bụi Ngày tháng ngao du.

   Thạch trúc gia trang

   Xuân phân, Nhâm Thìn niên

  Ngộ Không Phí Ngọc Hùng

Phụ chú:

Bài viết được dựa dẫm với Nguyễn Huy Quang,

Nguyễn Ngọc Tuấn, Trần Bình Nam, Nguyễn

Quốc Trụ, Trầm Thiên Thu, Ngô Tự Lập, Nguyễn

Tường Thiết  và mộti tác giả khuyết danh khác.

 

 

 

©T.Vấn 2017

 

 

 

 

Bài Mới Nhất
Search