T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Captovan: Tất Niên với Petrus Ký

 

( Anh Phila Tô Tô Văn Cấp là một cựu học sinh Petrus Ký niên khóa 55-62. Bài “ Thầy cũ trường xưa “ của anh xuất hiện trên T.Vấn & Bạn Hữu được các cựu PKý đón nhận nồng nhiệt vì có lẽ anh là người duy nhất còn nhớ được những chi tiết về thầy, về trường, về bạn một cách hết sức “ đáng nể “. Nhân các cựu học sinh PKý châu Âu đang chuẩn bị Đại Hội Pký kỳ thứ 18 sẽ được tổ chức từ 29 tháng 6 năm 2012 đến 1 tháng 7 năm 2012 tại thành phố Frankfurt, Đức Quốc, anh Phila Tô đã gởi đến bài viết dưới đây để giúp “ refresh “ những bộ nhớ của các PKý đang ngày một lụi tàn. Chữ viết tắt L.P.K anh viết trong bài là từ Lycee’ Petrus Ký- Thời anh học, chữ Lycee’ luôn đứng trước chữ Petrus Ký. TVấn & Bạn Hữu ).

Ngày 23/1/2011 tôi dự buổi họp mặt cuối năm với huynh đệ Võ Bị thì ngày 30/1/2011 tôi dự tiệc tất niên L.P.K Trương Vĩnh Ký cùng với thầy cô và các đồng môn. Đây là hai ngôi trường khá nổi tiếng của VNCH từng đào tạo nhiều thế hệ thanh niên để phục vụ đất nước và những ai xuất thân từ hai môi trường này đều cảm thấy hãnh diện và có nhiều kỷ niệm vui buồn với quý thầy cô và đồng môn nên rất dễ dàng xích lại gần nhau.

Tôi hẹn với anh Bồ Đại Kỳ, một đại huynh LPK, khi anh xuất (trường) thì tôi mới nhập và vài bạn cùng lớp như Lê Thành Lân, Võ Thạnh Thời cùng đến dự. Tôi đến trước chương trình dự định cả tiếng đồng hồ, biết vậy là không đúng, nhưng vì sốt ruột, ngồi nhà không yên, đến sớm để hy vọng chộp được chàng nào cùng lớp ngày xưa mà nhắc chuyện cũ chắc thú vị lắm, còn đang dáo dác tới lui ngoài hành lang nhà hàng Làng Ngon tìm những người quen thì có tiếng chào phía sau:

_ Thưa thầy, thầy đi đự tiệc tất niên LPK phải không?

Tôi không phải là thầy nhưng cứ quay đầu lại và gặp một bạn trẻ đang mỉm cười. Nhìn quanh, tôi chỉ thấy có “hai ta” nên tôi biết chắc bạn trẻ này hỏi tôi, như một phản ứng tự nhiên, tôi xốc vội lại y phục cho chỉnh tề và cười đáp lễ:

_ Vâng, tôi đi dự tất niên LPK, nhưng tôi không phải là thầy, mà là trò, trò 55-62.

_ Em là … LPK 64-71, xin mời huynh vào.

_ Cám ơn … “em”.

Danh từ “em” là của các thầy cô gọi học trò, tôi là học trò mà cũng gọi trò là “em” thì không ổn, nhưng trong lúc bất ngờ bị gọi là “thầy” nên lúng túng, dùng đại cho xong.

Nhìn quanh toàn là người xa lạ, một nhóm quần áo chỉnh tề, vài cặp kính lão trên sống mũi, đang tay bắt mặt mừng, chào hỏi nhau, nhìn họ cùng cỡ tuổi mình hay trẻ hơn, tôi toan đến chào làm quen thì thoáng nghe quý vị ấy gọi nhau là “thầy, cô”, biết đây là các giáo sư, dù lòng tuy muốn bước tới chào hỏi nhưng chân bảo dừng và tôi đã dừng lại.

Cái cảm giác hơn 50 năm về trước bỗng dưng đột ngột xuất hiện, tôi trở về vị trí cậu học trò các lớp đệ thất, lục, ngũ năm xưa, cái tuổi nghịch ngợm chỉ thua có quỷ ma mà vẫn phải cúi đầu tôn sư học đạo, tôi nhìn các vị giáo sư với tất cả tấm lòng thành kính, dù trong số đó có thể một vài vị còn trẻ hơn tôi. Thì ra câu “ở bầu thì tròn, ở ống thì dài” mà thầy Việt văn dạy năm xưa bây giờ tôi mới hiểu, dẫu cho có 13 năm lính, 10 năm tù CS, trải qua ba chìm, bẩy nổi, chín cái lênh đênh, coi trời bằng vung, nay đang bước vào cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, nhưng tôi vẫn cảm thấy nhỏ bé trước các thầy cô, bởi vì “không thầy, đố mày làm nên”.

“Lòng buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, nhưng hôm nay tôi đang vui, đang sống trong tâm trạng trở về mái trường xưa nên tôi thấy cái gì cũng đẹp, cũng vui và ấm cúng. Phòng tiệc thật đẹp, tràn đầy tiếng cười của sư huynh đệ xa nhau lâu ngày gặp lại. Các anh chị em trong ban tổ chức băn khoăn giải thích vì lý do gấp quá nên không chuẩn bị kịp âm nhạc. Nhưng với tôi, đây lại là một điều hay, hợp tình hợp lý. Tôi đi dự quá nhiều tiệc tùng và khi ban nhạc nổi lên thì mọi chuyện tâm tình “thầy cũ trường xưa” (đơn vị cũ chiến trường xưa) phải ngưng lại để bị tra tấn bởi những dàn loa tối tân mở hết công suất, những lời ca nghe cữ nhão ra từ mấy chục năm nay rồi. Hôm nay không có nhạc, tôi được nghe trọn vẹn lời của thầy Liêm, thầy Sum, các cô Trang, Yên, Dung và nhất là thầy Phạm Ngọc Đảnh, từ Đức qua v.v.. không văn hoa sáo ngữ mà cứ như lời thầy cô đứng trên bục, trước bảng đen giảng bài những năm 1956,1957, nghe với tâm trạng của một học sinh nửa thế kỷ trước, cái gì vui hơn hay hơn khi làm mình trẻ lại, mà lại trẻ tới 50 năm thì hạnh phúc biết chừng nào.

Có bao nhiêu thầy cô đến tham dự họp mặt tất niên là có bấy nhiêu niềm vui cho các trò năm xưa mà nay tuy già đầu nhưng vẫn thích được thầy cô xoa đầu “trò này ngoan”. Trò tôi thử điểm danh các thầy cô xem nào, không phân biệt thâm niên hay tuổi tác, xin các thầy nhường các cô đứng phía trước.

Xin kính chào các nữ giáo sư Tô Thị Mầu, Lưu Kỳ Nam, Nguyễn Đoan Trang, Phạm Thu Yến, Nguyễn Liên Dung, Đào Kim Phụng, Nguyễn Thị Thu Hà, trong số này có hai cô lái xe từ San Diego lên tham dự, hai cô đã đẹp mà nghĩa cử đối với trò khiến các cô càng đẹp thêm, đẹp thật, tôi muốn đến chào hai cô để tỏ lòng ngưỡng mộ nhưng rồi ngập ngừng vì tôi không có hân hạnh được thụ giáo hai cô và dĩ nhiên quý cô không biết trò này là ai, nhưng điều tôi e ngại là không khéo lại bị bạn bè cùng lớp Lê Thành Lân chọc quê rằng “thấy các cô sang bèn bắt quàng làm họ”. Ngày xưa tôi học với các cô Dung, cô Sâm, cô Ngà, cô Hồng, cô Liên Hương với tinh thần “quỷ, ma, học trò” ở tuổi 17 khiến các cô buồn thì nay ở tuổi 71 phải khác đi chứ.

Đến tham dự tất niên LPK gồm có các thầy Bùi Trọng Chương, Nguyễn Trí Minh, Đặng Quốc Khánh, Lê Xuân Khoa, Nguyễn Thanh Liêm, Nguyễn Hữu Phước, Phạm Văn Quảng, Dương Ngọc Sum, Trần Văn Thưởng, Lê Minh Trí, Võ Văn Trưng, Trần Hữu Tắc, Vũ Trọng Thu, Lê Tiến Đạt, Châu Thành Tích, và thầy Phạm Ngọc Đảnh.

Ngày đó thầy Sum dậy thể chất cùng với thầy Quý và thầy Bích, còn thầy Phạm Ngọc Đảnh, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm, trẻ tuổi, đẹp trai con nhà giàu học giỏi, thầy bước vào lớp với nụ cười trên môi, trước khi điểm danh, thầy đưa hai tay vuốt mái tóc xanh hai bên đã được bôi bi-zăng-tin bóng láng, đó là hình ảnh thần tượng của chúng tôi, tôi đến chào thầy và nhắc kỷ niệm xưa thật vui. Một trong những kỷ niệm đáng nhớ khác là giáo sư Pháp Văn Phạm Văn Ba, trước khi giở sổ kêu trò ôn bài, hai tay thầy xốc hai bên kéo lưng quần lên, vì thầy là người “tốt” bụng, rồi thầy chỉ tay về phía tôi: “trò này đọc đích-tê”! Thế là người tôi tê đi, vì tôi là một trò “Bắc Kỳ di cư 54” duy nhất trong lớp với lối phát âm “ma-tanh” là buổi sáng, “manh” là bàn tay.

Hình ảnh các thầy xưa, kỷ niệm cũ cứ ào ào trở về, nhưng rồi tôi phải quay lại với thực tại, phần quan trong nhất, đẹp nhất của buổi họp mặt tất niên này là phần làm lễ thượng thọ và trao plaque kỷ niệm tới ba vị là giáo sư Bùi Trọng Chương, Lê Xuân Khoa, Phạm Ngọc Đảnh. Nhưng với các cô thì chỉ trao quà kỷ niệm thôi mà không có “làm lễ thượng thọ”, theo lời giải thích của các anh chị em trong ban tổ chức thì vì các cô luôn luôn “trẻ mãi không già”.

Vị thầy gây sóng gió trong những lần họp mặt vẫn là thầy Nguyễn Hữu Phước, trong đặc san LPK 2000, thầy có viết một bài nghiên cứu về văn chương “nói lái” thật công phu nên chi khi thầy lên bục cầm mi-cờ-rô là bên dưới đã rộ tiếng cười, thầy ra vế đối:

“Giai nhân tái đắc, giai nhân tử

Anh hùng đông khái, anh hùng tiêu”.

 

Tuy không biết nói lái nên không hiểu gì cả, nhưng câu đầu hình như thầy Phước không muốn nói về cựu dân biểu VNCH Trần Thị Kim Thoa (né-tìn) mà là nhắc tới việc nữ dân biểu liên bang của AZ vừa “tái đắc”.. cử thì bị ám sát tại Tucson, may mà giai nhân này chỉ bị trọng thương, thoát tử trong đường tơ kẽ tóc. Em nghĩ như vậy có đúng không, thưa thầy Hữu Phước? Nếu không xin hẹn thầy tất niên năm tới để nghe lời thầy giải thích và được nghe thầy kể chuyện “thầy tăng bắn thằng tây”.

Một buổi họp mặt thật ấm cúng, đầy tình nghĩa thầy trò, nói sao cho hết cảm tưởng cũ mới, nhưng như lời anh Lê Thương yêu cầu tôi viết vài cảm tưởng, tức chỉ trong vòng một trang giấy, nay đã quá tay, đành phải ngưng, nhưng cũng xin cho thêm vài dòng cuối.

Anh chị em trong ban tổ chức như Đạt, Lê Thương, Xuân Phương đã chu đáo mọi bề cho buổi họp mặt giữa tình sư huynh đệ thật ấm cúng trong khung cảnh nhà hàng đẹp, thức ăn ngon, dẫu không ngon mà tình thầy trò thân thiết vẫn cứ ngon. Cám ơn các bạn trẻ trong ban tổ chức. Tuy nhiên, nụ cười của thủ quỹ Xuân Phương không được trọn vẹn, vì một số bàn còn trống, vì một số “anh có hẹn mà anh không đến nhá” thì “lỗ này ai bù”?

Vì tinh thần Trương Vĩnh Ký, xin quý anh em hãy mở rộng vòng tay, nối vòng tay cùng hát “nào anh em ta cùng nhau xông pha”..đến tham dự những buổi họp mặt cùng thầy cũ và các trò xưa để tìm lại tờ giấy khai sinh LPK đã mất.

Kính chúc quý thầy cô cùng toàn thể huynh đệ đồng môn một mùa Xuân mới với tinh thần mới, sức khỏe mới./.

Ca 30/1/2011.

Philato Tô Văn Cấp LPK 55-62.

 

 

©T.Vấn 2011

Bài Mới Nhất
Search