T.Vấn

& Bạn Hữu

Văn Học và Đời Sống

Lê Khánh Long: ĐỖ BẾN YÊU THƯƠNG

Ảnh (HKL)

Cuối cùng, ở tuổi bốn mươi, chị chấp nhận ra nước ngoài sống, dưới hình thức một cuộc hôn nhân giả.

Anh S., ‘chồng’ chị, đón ở phi trường rồi đưa chị về nhà chào cha mẹ. Cảm giác mệt vì chuyến bay dài và sự ngượng ngùng khiến chị ít nói. Anh thì nghiệm nghị và cử chỉ lịch sự. Hai người giữ im lặng khá lâu sau những câu chào hỏi nhau đầu tiên. Cũng may từ phi trường về đến nhà cũng chỉ độ mười lăm phút lái xe. Cảm giác vui mừng tràn vào tâm trí khi chị vừa trông thấy cha mẹ anh. Sau này chị kể: “Ba má anh S. giống ba má mình quá chừng! Cử chỉ lại thân thiện nữa.”. Chị có một phòng riêng. Anh đưa chị vào phòng và nói: “Má chọn mua vải màn, áo gối – anh khoát tay – . . . tất cả mọi thứ cho Uyên.” Chị cảm động nghĩ, lát nữa sẽ nói lời cám ơn má anh. Chị thoáng bâng khuâng về tình cảm với anh, về sự tế nhị của anh với một chút sự biết ơn, nhưng rồi lại nén lòng chỉ mỉm cười, hôn nhân của hai người chỉ là một cuộc giao dịch. Chị cũng không phải là người trả tiền, ít nhất là vào thời điểm này, mà là một người chị nhằm giúp chị có cơ hội giúp đỡ gia đình còn ở trong nước. Chị sẽ phải thích ứng thật nhanh với cuộc sống mới đầy xa lạ để kiếm tiền lo cho cha và các em và để trả lại số tiền giao dịch. Chị cũng có một người bạn trai khi còn ở trong nước nhưng tình cảm không quá sâu đậm để có thể đau khổ khi phải xa rời nhau. Tình yêu thật sự và đã cứ âm ỉ theo tháng năm trong lòng chị lại chính là mối tình thưở còn mặc áo dài trắng cài chiếc huy hiệu trung học Gia Long, với người con trai lúc ấy là sinh viên năm thứ nhất của đại học Khoa Học Sàigòn. Ngày ấy, chị thì lí lắc còn chàng thì gầy gầy, thông minh và lém lỉnh vô cùng. Chị nhớ lại, vào nửa năm sau của lớp mười hai, mỗi ngày chàng đứng đón chị khi tan trường rồi dắt chiếc xe đạp đi theo phía sau suốt từ trường ngược đường Phan Thanh Giản về đến gần ngã bảy, làm chị hết dám đùa giỡn với đám bạn, hết dám ghé ăn quà vặt . . . rồi làm quen, rồi đến nhà kèm người ta học thi tú tài, mà len lén nhìn quanh rồi hôn lên má chị. Tim chị muốn vỡ tung ra và bút vở dường như không còn hiện diện trên chiếc bàn học, còn chàng cũng không ‘dạy’ được nữa. Mọi công thức, mọi ngôn ngữ như bay mất và hai đứa như bị đóng băng. Nụ hôn thứ hai, chị đã đáp ứng lại và . . . bị mấy đứa em bắt gặp. Hai đứa cứ như đôi chim, hễ đến bên nhau là ríu ra ríu rít đủ mọi chuyện. Bốn năm vừa quen vừa yêu không hề “lận đận”, gia đình hai bên chưa nói chuyện nhưng đã ngầm chấp nhận tình cảm của hai đứa, chỉ còn chờ học xong rồi đi làm là cho cưới, nhưng ngày anh từ giã chị để vượt biên, thì cuộc tình đã trở thành “nghìn trùng xa cách” cả về khoảng cách địa lý lẫn tình cảm, vì sau khi đến được nước Mỹ, anh đi học lại, ra trường rồi đi làm, anh đã chấp nhận lấy cô con gái của người đã nâng đỡ anh trong những năm đầu sự nghiệp. Ngày ấy, mấy ai vững tin rồi sẽ có ngày gặp lại. Đối với anh, dù cuộc hôn nhân không tình yêu đã rạn nứt chỉ sau năm năm nhưng hương vị ngọt ngào của mối tình đầu đã dằn vặt, trách móc, khiến anh ăn năn suốt mấy mươi năm sau không dám quay về.

0oOo0

Cuộc sống trong một mái nhà gồm hai người già và hai người trung niên, tất cả đều có thế giới riêng biệt, rất yên tĩnh. Mấy ngày đầu, anh S. đưa chị đi làm giấy tờ, đến trường ghi danh học tiếng Anh, học lái xe, rồi sau đó vì công việc, mẹ anh sẽ thay anh đưa đón chị, bà lớn tuổi nhưng tay lái còn rất vững, cho đến khi chị có thể tự lái xe. Bà và chị rất hợp tính nhau và trông họ thân mật, vui vẻ khi trò chuyện, ai cũng nghĩ bà mẹ chồng và cô con dâu mới thật hạnh phúc khi sống với nhau. Buổi chiều, khi anh đi làm về, bữa cơm trong nhà cũng rộn vang tiếng cười nhờ hai người phụ nữ ríu rít kể mọi chuyện xảy ra trong ngày. Anh ân cần hỏi thăm việc học của chị và hỏi mẹ đã đưa chị đến chỗ này chỗ nọ chưa. Khi xong bữa, anh trò chuyện với cha một lúc rồi về phòng. Anh giống cha từ tướng mạo đẹp, cao ráo cho đến tính tình nghiêm nghị, ít nói, khi nói thì từ tốn. Cha anh khi xưa là giáo sư của một trường trung học tư thục ở Sàigòn. Anh vượt biên khi đang học đại học. Rời trại tị nạn ở đảo, đi định cư, anh đi học lại, trở thành một kỹ sư, rồi đi làm miệt mài để giúp gia đinh còn ở Việt Nam và sau đó bảo lãnh cha mẹ sang phụng dưỡng. Anh đã từng sống chung với cô bạn gái người bản xứ nhưng sau đó thuận tình chia tay vì có những điểm không hợp nhau. Anh tập trung tất cả cho công việc nặng về sự nghiên cứu và một ngày một người bạn đề cập với anh nhờ đứng ra làm một giao dịch về hôn nhân. Anh đến gặp và thấy họ rất đứng đắn nên bằng lòng.

0OoO0

Chị đã lái xe thành thạo để có thể tự đi xin việc, rồi đi làm. Chị chăm sóc cha mẹ anh S. như thế chính là cha mẹ chồng thực sự. Ông bà dần dà cũng thương chị như con dâu đi rước về. Không dưới một đôi lần, vô tình chị nghe được, ông bà trò chuyện rồi thốt lên: “Phải chi thằng S. . . .!” rồi chép miệng im lặng. Chị cảm nhận một cách sâu sắc tình thương của ông bà dành cho chị và sung sướng gọi điện thoại về kể chuyện cho đứa em gái nghe và gọi ông bà một cách tự nhiên là Ông Bà Ngoại như thể gọi thay cho con mình. “Chở mấy đứa nhỏ đến thăm N., em gái anh S. ở . . . đường . . . trên Phú Nhuận nghe. Ông bà Ngoại gửi quà về cho N., chị có gửi mấy thứ cho mấy đứa.”

Chị nghĩ ngợi rất nhiều trong những đêm cô đơn khó ngủ, anh rất tốt và đứng đắn, tôn trọng chị và không hề có một cử chỉ suồng sả nào, nhưng từ giao dịch trở thành tình yêu thật sự, nếu S. không ngỏ lời sao chị có thể buông thả, còn danh dự gia đình, bản thân chị cũng là một phụ nữ rất cứng cỏi và tháo vát. Ôi! Chị không còn ở tuổi có thế sinh con được nữa. Cuộc đời chị như được sắp đặt là phải hy sinh hạnh phúc của bản thân và chỉ dành cho gia đình mà thôi.

Sau một năm, chị về sống với người chị. Ngày chị rời nhà S., cha mẹ anh nói là muốn xem chị như đứa con gái nuôi, là em của S. Đã một năm sống bên nhau, ông bà cảm thấy đau lòng khi phải xa chị. Chị ôm hai ông bà, cười nói trong nước mắt: “Con xem ba má như là cha mẹ của con, xem anh S. như là anh trai của con từ lâu rồi. Con hứa sẽ về thăm ba má thường xuyên.” Bà nói: “Căn phòng đó là của con. Má không cho ai ở hết.” Chị đến thăm ông bà thường xuyên và mỗi tháng còn ngủ lại một vài đêm, thủ thỉ với bà.

0OoO0

Vợ chồng tôi mang con lên Phú Nhuận để gặp cha mẹ anh S. về thăm con cháu và ăn tết ở quê nhà. Chúng tôi bảo con chào ông bà Ngoại. Căn nhà là một biệt thự xinh xắn nằm trong con hẻm rộng, lát xi măng sạch sẽ và yên tĩnh. Sân vườn trồng nhiều cây và hoa và cả một hồ cá nhỏ với thác nước chảy róc rách. Ông tiếp chúng tôi trong căn phòng yêu thích của ông từ ngày xưa. Căn phòng đầy sách, hình ảnh, tranh vẽ và nhiều kệ nhỏ bày các bình, tượng . . . Ông bà thực sự trông rất giống ông bà nhạc của tôi. Ông thì cao gầy, trán rộng, đôi kính trắng càng làm tăng vẻ trí thức, cử chỉ điềm đạm, lời nói ôn tồn, còn bà thì nhỏ người và nhanh nhẹn.

Bà xưng hô rất tự nhiên: “Má không dám để ba đi về một mình. Má phải đi theo để săn sóc ba.”

Chúng tôi cũng nhận ra sức khỏe của ông có phần yếu.

Ông mỉm cười: “Không phải bà nhớ mấy đứa nhỏ và muốn ăn tết bên này sao? Tôi đi một mình được mà.”

Bà cười: “Thì nhớ . . . mà để ba đi một mình sao được. . .” rồi như phân bua: “Uống thuốc mà còn phải nhắc ba . . .” – Ông cười xòa.

Chúng tôi quay sang chuyện sức khỏe của ông, chuyện thuốc men . . . và chuyện chị Uyên. Ông bà không ngớt lời khen ngợi sự giỏi giang của chị trong cuộc sống mới và tình thương của chị dành cho ông bà, cũng như của ông bà dành cho chị. Bà nói: “Mỗi ngày Uyên đều gọi điện thoại hỏi thăm, có món ăn gì ngon nó cũng chạy sang biếu ba má.” Thực sự, qua cách đối xử của gia đình ông bà đối với vợ chồng tôi, tôi nghĩ người chị của mình đã ‘làm dâu’ rất xuất sắc. Ông im lặng trầm ngâm nghe bà nói chuyện, gương mặt già biểu cảm sự hưởng ứng, đồng tình, rồi ông chợt lên tiếng: “Này con . . . con Uyên đã có bạn trai.”

Vợ tôi ôm ngực xúc động. Hạnh phúc của người chị chính là điều nàng quan tâm nhiều nhất. Tôi thì nghĩ đến tình cảm của ông bà dành cho người chị của mình. Như bậc cha mẹ luôn quan sát các con xem chúng đã lớn đến dường nào, đã trưởng thành ra sao . . . để mừng vui, để yên tâm . . . tấm lòng của ông bà thật cao đẹp.

Ông nói tiếp:“Ba biết anh chàng này . . . ba có hỏi chuyện cậu ta và biết được cậu ta khi xưa có học với ba . . .. Hồi đầu, nó đến gặp Uyên, ba trông đã ngờ ngợ, lâu quá rồi mà con, rồi nó nói nó cũng nhận ra ba mà không dám vô chào.”

Ông cười nhẹ: “Lần đầu tiên, hai đứa hẹn nhau trông cứ như đôi trẻ. Cậu ta nhấn một tiếng kèn xe rồi con Uyên chạy ra . . .”

Vợ tôi nói trong niềm vui: “Ông bà Ngoại, con mừng quá!” rồi ôm lấy vai bà.

Ông gật đầu: “Ừ! ba má cũng mừng. Cậu ta là một người đàng hoàng. Mỗi lần đến nhà này đón Uyên đi chơi, cậu ta đều vào xin phép ba má rất lễ độ.”

0OoO0

  Sau tất cả, chị đã nhận tình yêu của anh Q. một cách toàn tâm toàn ý khi anh ngỏ lời xin cưới. Chị đã bỏ quên thời xuân con gái để dành hết trách nhiệm và bổn phận lo cho gia đình. Anh đã một lần cố giữ cuộc hôn nhân không thành. Cả hai đều nguyện chân thật dành hết quãng đời còn lại cho nhau. Đám cưới ra mắt người thân và bạn hữu trong không khí thân mật. Anh rất bận rộn với kinh doanh, nhưng chị cũng không phiền khi ngỏ ý muốn về làm dâu cho mẹ anh còn ở Sàigòn. Chị tận tình săn sóc bà một tuần trước khi quay về nhà mình thắp nhang cho cha mẹ. Ba chị đã không chờ đợi được để nhìn thấy ngày chị mặc chiếc áo cưới, cái hôn lễ sau cùng của các con của ông. Ông đã mất trước đó hai năm.

0OoO0

Liên tục suốt mười mấy năm từ đó đến nay, tôi luôn dõi theo niềm hạnh phúc muộn màng của chị. Và như một sự đáp đền, hạnh phúc đó cứ một ngày một tăng, một ngày một nhiều hơn trong cuộc sống đầy ắp niềm vui và tiếng cười của anh chị. Những người mà cuộc đời trải qua nhiều trắc trở, khi về già họ biết cách làm cho tình yêu thương dành cho nhau đơm bông xum xuê hơn, tươi nhuận hơn.

Tôi rất cảm kích tình yêu của anh dành cho chị. Nó chứa đựng những tiếng cười viên mãn. Nó ngộ nghĩnh vì có những hành vi như trẻ con. Nó phô bày nét tế nhị của sự trân trọng và đối xử với nhau độ lượng. Anh có gương mặt trông rất phúc hậu, tính tình vui vẻ, chu đáo. Năm năm trước, vào mùa hè ấm áp, anh chị có đến thăm gia đình tôi. Chúng tôi đã có dịp ngồi uống trà với nhau ở sau vườn và anh đã nói về chị, đã đến với cuộc đời anh như một sự cứu rỗi, khiến cuộc sống của anh sau này thật đáng sống.

“Anh có nói cho chị nghe không?”

“Có.”

“Chị nói sao?” Anh cười, ngập ngừng . . . “Chị cám ơn . . .”

“Vợ chồng em rất vui khi biết chuyện của anh chị. Riêng em còn có thêm sự cảm kích ông anh nữa” – Anh cười:

”Không có đâu. Chị Uyên . . . hay lắm . . .”

“Hay chuyện gì?” – Anh nhìn tôi rồi hai anh em cười phá lên.

“Nghe bài hát này chưa?” – anh hát:“Ơn em thơ dại từ trời, theo ta xuống biển với đời ta trôi. Ơn em dáng mỏng mưa vời, theo ta lên núi về nguồn yêu thương, . . . Tạ ơn em, tạ ơn em.”

“Em biết . . . của Từ Công Phụng.”

Chiều xuống, nắng dịu lại, chỉ còn trải vàng trên những cành táo bên vườn láng giềng. Chúng tôi ngước mắt nhìn lên bầu trời xanh và trông theo từng cụm mây. Tôi chỉ tay lên bầu trời cao về phía những đám mây trắng đang chậm trôi rồi nói:

“Anh à! Hạnh phúc có lang thang như mây, người sống chí tình rồi cũng sẽ gặp được. Chúc anh chị thương yêu nhau trọn đời.”

0OoO0

Có câu hát:” . . . Về thu xếp lại, ngày trong nếp ngày, vội vàng thêm những lúc yêu người . . .” Chúng ta có để những lo toan trong cuộc sống, những tất bật trên bước đường đời, làm xao lãng tình yêu thương dành cho những người thân yêu nhất đang kề cận bên mình? Hãy đặt xuống những gánh nặng cuộc đời; hãy buông bỏ những mong cầu ảo ảnh. Hãy vội vàng lên để yêu người và để được người yêu.

 Lê Khánh Long

Vancity, Tết Kỷ Hợi 02/07/2019

Bài Mới Nhất
Search